Một số thông tin liên quan đến buổi họp của Obama với đại diện XHDS
Chia sẻ của ông Lê Quang Bình - đại diện của tổ chức ISEE chuyên về quyền LGBT, 1 trong 6 người được đến tham dự:
Tổng thống Obama nói gì khi gặp một số đại diện của XHDS VN?
Cuộc gặp kéo dài trên dưới một tiếng, thảo luận về nhân quyền, xã hội dân sự, và hợp tác Việt-Mỹ. Obama đúng là tổng thống của một nền dân chủ, nơi lãnh đạo có thói quen và động lực để lắng nghe người dân. Ông cũng là một người hoạt động xã hội, tổ chức cộng đồng trước khi tham gia hoạt động chính trị. Chính vì vậy, cuộc nói chuyện rất cởi mở, thực chất, và thân tình hơn là một cuộc tiếp xúc ngoại giao.
- Tổng thống Obama khẳng định sự quan tâm và cam kết của chính phủ Hoa Kỳ và cá nhân ông với các giá trị dân chủ, nhân quyền và tự do. Đó chính là lý do dù ông đi đâu cũng muốn tiếp xúc với xã hội dân sự và người dân. Việc ông gặp với XHDS Việt Nam cũng không phải là một ngoại lệ.
- Ông khẳng định tự do, dân chủ và nhân phẩm phải do nhân dân và chính phủ của mỗi quốc gia thúc đẩy và kiến tạo. Chẳng có ai bên ngoài mang được điều đó cho nước khác. Kinh nghiệm của ông cho thấy khi người dân lên tiếng, khi chính phủ thấy được lợi ích của tự do sáng tạo, tự do hội họp, tự do kinh doanh thì khi đó xã hội mới thay đổi và phát triển.
- Hoa Kỳ sẵn sàng hợp tác với chính phủ Việt Nam, mở rộng quan hệ hợp tác, và luôn luôn hỗ trợ để mở rộng không gian cho xã hội dân sự hoạt động và phát triển. Ông tin rằng một quan hệ sâu rộng sẽ tạo ra nhiều cơ hội để đối thoại về nhân quyền, tự do và dân chủ hơn với chính phủ và nhân dân Việt Nam.
- Ông biết và thất vọng vì một số đại diện của xã hội dân sự không thể đến cuộc họp này vì bị ngăn cản. Đây cũng là bằng chứng cho những hạn chế còn tồn tại, và những khó khăn của các cá nhân, tổ chức xã hội dân sự hoạt động ở Việt Nam.
- Ông cam kết Hoa Kỳ sẽ tiếp tục trao đổi với chính phủ Việt Nam về những ý kiến của các đại diện xã hội dân sự về quyền tự do hiệp hội, tự do biểu tình, tự do biểu đạt, tự do tôn giáo, tự do thông tin…Ông tin tưởng rằng ngoài quan hệ về thương mại, an ninh thì việc chia sẻ giá trị cũng quan trọng cho một mối quan hệ lâu bền.
TÁI BÚT
Tái bút 1: Nói chung cuộc gặp rất nhẹ nhàng làm cho mình không hiểu tại sao an ninh lại phải ngăn cản một số đại diện XHDS tham gia cuộc họp này. Rõ ràng cuộc họp này mang tính biểu tượng rất lớn và sự ngăn cản một số nhà hoạt động dân sự hàng đầu tham gia giống như việc bỏ một hạt sạn vào bát cơm mời khách!
Tái bút 2: Mình nói nhiều đến công việc và mối quan tâm của mình. Có một kiến nghị mình muốn phía Hoa Kỳ hỗ trợ nếu có thể là hợp tác với Bộ công an để đào tạo về kỹ năng quản lý biểu tình một cách ôn hòa và phi bạo lực đúng theo chuẩn mực quốc tế. Điều này không chỉ tốt cho người dân mà cho cả Bộ công an.
Tái bút 3: Mình đồng ý với Tổng thống Obama rất nhiều đó là tự do, dân chủ và bình đẳng chỉ có thể có được khi nhân dân và chính phủ quốc gia đó muốn có nó. Chẳng ai có thể mang lại, dù đó là Hoa Kỳ, Liên Hợp Quốc hay Liên minh châu Âu. Đối thoại là quan trọng, và đối thoại chỉ xảy ra khi chúng ta lên tiếng, lắng nghe và minh bạch trong hoạt động của mình.
Tái bút 4: Mình khẳng định tay Tổng thống Obama rất ấm đúng như bạn nữ sinh trao hoa đã nói. Ấm đến mức nào xin mời mọi người đến bắt tay mình.
Tái bút 5: Mình chạy sô nên giờ mới họp xong và có rất nhiều cuộc gọi nhỡ. Coi như chia sẻ thông tin ở đây để các bạn báo chí, hoặc an ninh ở các A và PA không phải mời mình đi café nữa. Những điều mình có thể chia sẻ thì cũng như cái status này mà thôi!
*
Sáng 24/5, Tổng thống Barack Obama có cuộc gặp vài đại diện một số tổ chức xã hội dân sự Việt Nam tại khách sạn JW Marriott, Hà Nội.
Trước thời điểm diễn ra cuộc gặp, trên mạng xã hội có thông tin một số khách mời như tiến sĩ Nguyễn Quang A, luật sư Hà Huy Sơn, nhà báo Đoan Trang… bị ngăn cản và câu lưu.
Cuối cùng, chỉ có một số khách mời đến tham dự: nhà nghiên cứu xã hội Lê Quang Bình, ca sĩ Mai Khôi, nhà báo Mai Phan Lợi, mục sư Nam Quốc Trung, mục sư Lê Quốc Huy và bà Nguyễn Hồng Oanh, giám đốc trung tâm IDEA (Ban hành động vì sự phát triển của người khuyết tật).
Trả lời BBC qua điện thoại sau cuộc gặp, bà Oanh cho hay: “Cuộc gặp Tổng thống Obama diễn ra trong vòng nửa giờ, mỗi khách mời có hơn một phút trình bày về bản thân và lĩnh vực mà mình đang hoạt động”.
“Tôi nói về quyền của người khuyết tật, ông Bình nói về quyền của người LGBT, cô Khôi nói về quyền tự do biểu diễn”.
“Không có ai đề cập về chuyện bầu cử Quốc hội cũng như vấn đề nhân quyền hay tù nhân chính trị”.
Bà cũng cho hay là “chỉ hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ quyền của người khuyết tật, không quan tâm đến chính trị nên không biết về những khách mời khác như ông Quang A”.
“Tôi không rõ là những khách mời không đến được là do bị ngăn cản hay lý do nào khác”, bà nói.
“Nói chung, tôi nghĩ mọi người có tâm lý đến trao đổi để Tổng thống Mỹ nắm bắt tình hình xã hội dân sự Việt Nam chứ không kỳ vọng có sự thay đổi nào. Việc nhà mình thì mình tự giải quyết thôi”.
Hôm 24/5, ứng viên đại biểu Quốc hội Nguyễn Đình Hà nói trên Facebook: "Nếu tôi mà là ông Obama, tôi sẽ rời Hà Nội ngay lúc 12h trưa để qua Nhật luôn và hủy phần thời gian còn lại của chuyến thăm!
"Vì chính quyền chủ nhà không tôn trọng khách mời trong cuộc ông Obama gặp đại diện xã hội hôm nay 24/5, khi bắt cóc, chặn giữ những người mà ông Obama muốn gặp mặt. Coi thường quốc khách, coi thường cả quyền căn bản của công dân như thế cơ mà!
"Có 15 ghế khách mời, chỉ có 6 người tới. Nếu tôi là Obama, tôi sẽ gọi thẳng cho ông Trần Đại Quang, ông Phạm Bình Minh, ông Tô Lâm, hỏi thắng: muốn chơi hay nghỉ đây?
Tôi xin nhấn mạnh lại: chúng ta cần cả hai, nhân quyền và chủ quyền quốc gia! Lệnh cấm vận vũ khí có thể dỡ bỏ một phần hoặc toàn phần, nhưng điều kiện vẫn là nhân quyền phải được bảo đảm và chấp thuận theo gói, theo luật xuất khẩu vũ khí của Mỹ đấy nhé".
*
Mai Khôi đã nói gì với Tổng thống
Cách đây 1 tuần Mai Khôi đã hỏi các bạn muốn Mai Khôi chuyển thông điệp gì tới Tổng Thống Obama, và bây giờ, vừa mới đây Mai Khôi đã có cuộc họp với tổng thống và đã cố gắng nói toàn bộ mong muốn của các bạn cho tổng thống nghe, mặc dù thời gian rất có hạn.
Mai Khôi đã truyền thông điệp rằng: Người dân Việt Nam muốn và cần được quyền tự do tụ tập để được biểu tình ôn hoà. Gần đây biểu ngữ ''cá cần nước sạch, dân cần minh bạch '' đã trở thành một câu kêu gọi thống khiết nhất và cũng mạnh mẽ nhất từ phía người dân.
Ngoài ra dân VN cần được quyền tự do ngôn luận, không phải để chống phá gì nhà nước mà để họ có thể nói lên những điều bức xúc trong lòng và đưa ra ý kiến để những quyết định của đất nước được đúng đắn hơn. Mai Khôi và các nghệ sĩ khác của Việt Nam cần được tự do sáng tạo, ca hát và biểu diễn mà không cần phải xin bất kỳ một giấy phép nào. Nghệ thuật mà phải xin phép và bị duyệt thì làm sao phát triển được. Sự tin tưởng giữa nhà nước và nhân dân cần được phát triển theo hướng này.
Mai Khôi cũng đã nêu rõ những quyền này của người dân Việt Nam cần phải được áp dụng trên thực tế, không chỉ trên giấy như trong bao nhiêu ký kết quốc tế nhà nước Việt Nam đã ký rồi.
MK cũng không phải ngây thơ đến mức không biết là chưa chắc Mỹ có thể hoặc sẽ giúp để đáp ứng được những mong muốn này. Tuy nhiên, Mai Khôi biết đây là môt cơ hội duy nhất để nói lên những mong đợi của người dân Việt Nam trong những ngày gặp gỡ của hai nhà nước Hoa Kỳ và Việt Nam. Tổng thống đã nói với Mai Khôi rằng ông ấy rất quan tâm đến những vần đề này, đó là những quyền vô cùng cơ bản của con người.
Mai Khôi hy vọng rằng ông ấy sẽ khuyến khích được nhà nước Việt Nam đảm bảo những quyền này cho người dân thì hàng triệu người dân Việt Nam sẽ vô cùng ngưỡng mộ và biết ơn ông.
P.s. Mai Khôi không nói xấu chế độ, cũng không xin chạy qua Mỹ hoặc yêu cầu điều gì có lợi cho cá nhân Mai Khôi.
Dĩ nhiên những vấn đề quá riêng tư của các bạn thì Mai Khôi không truyền tải được chẳng hạn như một số người xin được giải quyết chuyện nợ nần, chuyện bị cướp đất, một số người muốn tặng tổng thống 1 bài thơ v.v... rõ ràng là các bạn thừa hiểu tổng thống không thể nghe và không thể giải quyết những vấn đề riêng tư cho các bạn.
*
Cuộc gặp với Tổng thống Hoa Kỳ Obama
Nhà báo Mai Phan Lợi: Sáng nay tôi là đại diện duy nhất của khối truyền thông và là 1/6 đại diện các tổ chức xã hội dân sự đã có trao đổi cởi mở, thẳng thắn với Tổng thống Obama, Ngoại trưởng, Trợ lý báo chí của Tổng thống và Cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ.
Cuộc gặp diễn ra ngay tại khách sạn Tổng thống Obama ở, là thói quen của vị Tổng thống da màu khi công du tất cả các quốc gia vì ông cho rằng "nếu không có sự hoạt động bảo vệ quyền của người da màu tại Mỹ thì không có Tổng thống Obama ngày hôm nay"
Đại diện cho các nhóm người yếu thế trong xã hội như nhóm người khuyết tật, người nghiện ma tuý, LGBT, tôn giáo... đã chia sẻ với ngài Tổng thống về công việc họ đang làm, những khó khăn, thách thức đã và đang hiện diện. Tôi với tư cách đại diện cho những người hoạt động truyền thông chia sẻ với Tổng thông về sự phát triển của intertnet, mạng xã hội ở Việt Nam, đồng thời thông báo về việc Luật Báo chí mới, Luật TCTT được thông qua và đang quá trình chuẩn bị đưa vào thực hiện, những thách thức có thể gặp...
Nội dung trao đổi hơn 1 giờ đồng hồ, sau đó là cuộc với báo chí quốc tế.
Báo cáo để Diễn đàn rõ khi điện thoại vẫn còn hoạt động!
Cảm ơn mọi người!
Post a Comment