Bất cập trong quản lý nhà nước về tài nguyên nước ở Việt Nam

Lê Anh Hùng | VOA| 19.12.2016




Nước trong đời sống con người
Nước là loại tài nguyên đặc biệt quan trọng trong tự nhiên. Cuộc sống trên trái đất bắt nguồn từ trong nước, và mọi sự sống trên trái đất đều phụ thuộc vào nước và vòng tuần hoàn nước. Nước là thành phần thiết yếu của sự sống, nhưng cũng có thể gây ra tai họa cho con người và môi trường.
Ở Việt Nam, nước có một ý nghĩa hết sức đặc biệt. Từ “nước” còn được hiểu là “quốc gia”, là tiền tố đi kèm theo danh từ để chỉ tên một quốc gia; “đất nước” là một từ ghép với ý nghĩa “Tổ quốc”.

Nước là nhân tố ảnh hưởng quyết định đến khí hậu, đồng thời là nguyên nhân tạo ra thời tiết. Hơn 75% bề mặt Trái Đất nằm dưới sự bao phủ của nước. Ước tính, khoảng 97,5% lượng nước trên trái đất là nước mặn, nằm trong các đại dương và hay ngầm trong lòng đất; khoảng 2,5% còn lại là nước ngọt, nhưng gần 99% lượng nước này lại là đỉnh núi băng, sông băng và nước ngầm; chỉ có 0,007% nước trên toàn thế giới là nước sông và hồ, nguồn cung cấp nước chủ  yếu cho con người sử dụng.
Trong bối cảnh tình trạng ô nhiễm ngày càng tăng và dân số ngày một đông, nước sạch sẽ sớm trở thành một thứ tài nguyên quý giá. Theo dự báo, việc cung cấp nước sạch sẽ là một trong những thách thức lớn nhất mà nhân loại sẽ phải đối mặt trong những thập niên tới đây.
Lược sử quản lý nhà nước về tài nguyên nước ở Việt Nam
Ban đầu, nhiệm vụ quản lý nhà nước về tài nguyên nước (thuỷ lợi), cùng với giao thông và bưu điện, thuộc chức năng của Bộ Giao thông - Công chính, một trong 14 bộ được thành lập theo Tuyên cáo ngày 28/8/1945 của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá I (tháng 9/1955) đã thông qua đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quyết định tách Bộ Giao thông Công chính thành 2 bộ: Bộ Giao thông - Bưu điện và Bộ Thuỷ lợi - Kiến trúc. Tháng 4/1958, tại kỳ họp thứ 8, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá I ra nghị quyết tách Bộ Thuỷ lợi - Kiến trúc thành Bộ Thuỷ lợi và Bộ Kiến trúc.
Và đến tháng 10/1995, Bộ Thuỷ lợi được sáp nhập cùng Bộ Nông nghiệp và Bộ Lâm nghiệp thành Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, chấm dứt 37 năm tồn tại như một bộ chuyên ngành kinh tế kỹ thuật độc lập.
Lý giải cho việc sáp nhập này, người ta cho rằng thủy lợi chỉ là một giải pháp kỹ thuật trong nông nghiệp (cấp nước tưới tiêu cho cây trồng). Tuy nhiên, nước không chỉ là mạch máu của nông nghiệp, mà còn là mạch máu của cả nền kinh tế quốc dân. Do đó, đến năm 2002, chức năng quản lý nhà nước về tài nguyên nước (thuỷ lợi) được chuyển giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường, một bộ mới ra đời theo Nghị quyết số 02/2002/QH11 ngày 5/8/2002 của Quốc hội khóa XI.
Những bất cập trong quản lý nhà nước về tài nguyên nước
Chức năng quản lý nhà nước về tài nguyên nước (hay thuỷ lợi) đã được chuyển giao cho Bộ TN&MT, còn Bộ NN&PTNT chỉ quản lý nhà nước về chuyên ngành thuỷ nông, tức là phân ngành thuỷ lợi phục vụ cho nông nghiệp.
Tuy nhiên, trên thực tế, cùng với sự ra đời của Bộ Tài nguyên & Môi trường, ngành khoa học kỹ thuật Tài nguyên nước lại nằm ở cả hai bộ là Bộ NN&PTNT và Bộ TN&MT. Điều này đã gây ra nhiều hệ luỵ trong công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực này. Tiến sỹ Trần Nhơn, nguyên Thứ trưởng Bộ Thuỷ lợi, đã đưa ra hình ảnh về tình trạng chia cắt của ngành khoa học kỹ thuật Tài nguyên nước như sau: Toàn thân ngành bị cắt mất cái đầu (gần như là rỗng) ném sang Bộ TN&MT từ năm 2002, còn mình mẩy tay chân và cái đầu thực chất, cái đầu trí tuệ thì mười mấy năm nay vẫn nằm ở Bộ NN&PTNT và đang bị trì trệ, không phát triển được.
Theo TS Trần Nhơn, hiện nay cơ quan quản lý tổng hợp về Tài nguyên nước là BộTN&MT đang thiếu nghiêm trọng hệ thống các cơ quan và lực lượng hỗ trợ kỹ thuật đồng bộ để điều hành công việc, thực thi nhiệm vụ. Trong khi đó, cơ quan quản lý chuyên ngành nước cho nông nghiệp – Bộ NN&PTNT – lại ôm giữ quá nhiều nguồn lực. Bộ NN&PTNT đã thừa hưởng lực lượng cán bộ khoa học kỹ thuật thủy lợi rất hùng hậu, được đào tạo, rèn luyện và trưởng thành suốt nửa thế kỷ của Bộ Thủy lợi cũ đã sáp nhập vào Bộ NN&PTNT từ năm 1995. Đây là hậu quả của việc Bộ NN&PTNT dưới thời Bộ trưởng Lê Huy Ngọ đã không thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 02/2002/QH11 ngày 5/8/2002 của Quốc hội khóa XI.
Điều 2 của Nghị quyết 02/2002/QH11 nêu rõ: “Những chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của một số bộ, cơ quan ngang bộ đã được quy định tại các luật, pháp lệnh hiện hành, nhưng nay do có sự thay đổi về cơ cấu tổ chức theo Nghị quyết này, thì được chuyển giao cho các bộ, cơ quan ngang bộ tương ứng kể từ ngày các cơ quan này được sắp xếp lại.” Tuy nhiên, Bộ NN&PTNT lại chỉ bàn giao cho Bộ TN&MT một nhúm cán bộ. Toàn bộ các cơ quan hỗ trợ khoa học kỹ thuật cùng với lực lượng cán bộ quản lý dày dạn kinh nghiệm và đội ngũ chuyên gia khoa học kỹ thuật hùng hậu (Trường Đại học Thủy lợi, các Viện Quy hoach, Nghiên cứu Khoa học Thủy lợi, các Công ty Tư vấn Xây dựng thủy lợi...) vẫn nằm nguyên ở Bộ NN&PTNT.
Bộ TN&MT là cơ quan chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên nước, quản lý lưu vực sông trong phạm vi cả nước. Tuy nhiên, quản lý nhà nước về sử dụng nước cho các ngành lại do các bộ khác chịu trách nhiệm: Bộ NN&PTNT quản lý nhà nước đối với việc cấp nước cho nông nghiệp và nước sinh hoạt nông thôn; Bộ Công Thương quản lý nhà nước về việc cấp nước cho công nghiệp, thủy điện; Bộ Xây dựng quản lý nhà nước về cấp nước cho đô thị và các khu công nghiệp. Thực trạng nói trên đã khiến cho công tác quản lý nhà nước về nước bị phân tán, chia cắt và xuống cấp nghiêm trọng.
Do thiếu các chuyên gia đầu ngành cũng như lực lượng cán bộ khoa học kỹ thuật thuỷ lợi nên đến nay, Bộ TN&MT vẫn chưa xây dựng được một quy hoạch tổng hợp lưu vực sông nào. Điều này khiến ngưỡng giới hạn khai thác nước đối với các dòng sông chưa được xác định và công bố, khiến những năm qua các công trình, đặc biệt là thuỷ điện, cứ đua nhau mọc lên trên các lưu vực sông.
Ngoài ra, vì thiếu quy hoạch tổng hợp lưu vực sông cũng như một “nhạc trưởng” đứng ra cầm trịch nên tất cả các hồ chứa được xây dựng chỉ dựa trên các quy hoạch thuần túy chuyên ngành thủy nông hoặc thủy điện. Hầu hết các hồ chứa chỉ phục vụ cho lợi ích của ngành hay địa phương mình. Các lợi ích liên quan đến tài nguyên nước không được giải quyết hài hòa, như giữa chống lũ với phát điện; giữa phát điện với cấp nước tưới; giữa phát điện với cấp nước cho hạ du, nước sinh hoạt, nước để đẩy mặn cửa sông, v.v.
Hậu quả của tình trạng trên là người dân sống quanh lưu vực sông, đặc biệt là ở Miền Trung, luôn rơi vào tình cảnh mùa khô thì nguồn nước cạn kiệt, mùa lũ lại bị xả lũ ào ào lên đầu.
Việc thu về một đầu mối cơ quan quản lý nhà nước về nước, do vậy, đang ngày càng trở nên cấp thiết. Càng kéo dài tình trạng hiện nay, hậu quả càng lớn và càng khó khắc phục, an ninh nguồn nước càng bị đe doạ nghiêm trọng.

* Blog của nhà báo Lê Anh Hùng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ. 


Lê Anh Hùng là một blogger/dịch giả/nhà báo độc lập ở Hà Nội và là người đấu tranh vì tự do, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam từ nhiều năm nay.




Nguồn: VOA

No comments

Có Thể Bạn Chưa Xem

Tin Nóng

Powered by Blogger.