Tâm tình đêm Giáng sinh
Huỳnh Anh Tú (Danlambao) - Nhiều người hỏi tôi, tại sao phải “mất công” tìm hiểu về những thân phận nghiệt ngã, đau buồn của Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hoà (TPB VNCH). Đơn giản, vì đó là một phần của lịch sử, một giai đoạn đầy đau thương và mất mát của Dân tộc Việt Nam. Hơn thế, cả ông ngoại và ba tôi từng là những sĩ quan cảnh sát thời VNCH và đều phải đi tù cộng sản sau biến cố 1975. Những người TPB còn sống sót sau cuộc chiến, do vậy luôn gợi lại trong tôi những cảm xúc đặc biệt, có phần khó diễn tả.
Trong không khí nhộn nhịp đón Giáng Sinh của Sài Gòn, tôi lại được dịp ngồi bên các ông, cùng nhau tâm tình và được biết thêm nhiều về thân phận của những người một thời khoác áo lính.
Có một điểm chung giữa họ là tuy trên thân mình mang những thương tật của chiến tranh và phải sống cuộc sống đầy khó khăn, tạm bợ nhưng tất cả luôn tự hào mình từng là người lính VNCH, đã sống và chiến đấu cho lý tưởng cao đẹp. Đấy là những Võ Hồng Sơn, Mai Văn Sung, Phạm Văn Ẩn, Lê Mẫn, Trần Văn Chín và Đặng Văn Trước… với dấu ấn cuộc đời không bao giờ mai một.
Phải “học tập cải tạo” ngay trên giường bệnh
Người TPB Võ Hồng Sơn kể lại: “Sau 9 tuần học tại quân trường Quang Trung và kế đến là 6 tuần học tại quân trường Dương Mộng Hồng, tôi chính thức ra trường."
“Năm 1973 tôi được phân bổ về trung đội 4, đại đội 94, tiểu đoàn 9 nhảy dù, cấp bậc binh nhì, đóng quân tại đồi Vân Khánh, Huế. Kể từ đó tôi tham gia nhiều trận chiến lớn, nhỏ ở nhiều mặt trận khác nhau”.
Ngày 17/4/1974 trong lúc hành quân trên đồi Lăng Cô - Huế, không may ông Sơn đạp phải mìn và đã mất đi chân trái.
Trước khi đưa về Tổng y viện Cộng Hoà, ông được chuyển đến bệnh viện Nguyễn Tri Phương (Huế) để cấp cứu điều trị. Một thời gian sau, ông lại được đưa về đơn vị 3 - Trung tâm Hồi lực -Chỉnh hình. Nơi đây, Hội đồng Tối cao chưa kịp đưa ra kết quả giám định thương tật thì Sài Gòn thất thủ.
Ông Sơn bùi ngùi kể tiếp: “Chiều 30/4/1975 mặc dù vết thương của tôi vẫn còn đau nhức, nhưng cộng sản vẫn bắt tôi và giải đến trại “cải tạo” Tống Lê Chân. Cho đến ngày tôi miên man sắp chết chúng mới cho tôi về nhà tại Đà Nẵng."
“Tôi cứ nghĩ, mang thân tàn tật và đau ốm về nhà thì sẽ không còn ai quấy nhiễu nữa. Vậy mà chính quyền địa phương có “tha” đâu. Khi đến trình diện, công an họ đã tuôn ra những lời khinh miệt và lên án tôi đủ điều, nào là “nguỵ quân, nguỵ quyền” nào là “kẻ ác ôn làm tay sai cho giặc”…
Vài tháng sau, với cây gậy tự chế của mình, ông bắt đầu cuộc sống tha phương cầu thực, làm đủ nghề để có tiền nuôi sống vợ con.
Không chờ tôi hỏi, ông Mai Văn Sung nối tiếp câu chuyện của bạn mình: “Câu chuyện của anh tại Trung tâm hồi lực sao giống tôi vậy. Nghĩ lại vẫn thấy rùng mình. Không còn tính người nữa, đến người tàn tật mà bọn họ cũng không tha”.
Mùa hè đỏ lửa 1972, sau đợt phản pháo của quân thù nhằm vào căn cứ La Vang, tại Quảng Trị, ông Sung đã vĩnh viễn mất đi một chân.
Bệnh viện dã chiến C150, Phú Bài là nơi ông Sung điều trị vết thương sau đó được chuyển đến Trung tâm 3 Hồi lực. Trong thời gian dưỡng thương và chờ làm chân giả tại Trung tâm 3 thì biến cố 30/4/1975 đã xảy ra. Những kẻ “thắng cuộc” đã bắt ông “học tập cải tạo” ngay trên giường bệnh 6 tháng liên tiếp. Sau 6 tháng bị tù ngay trên giường bệnh, ông phải tiếp tục cuộc “học tập cải tạo” tại quê nhà.
Từ đó trở về sau, người TPB Mai Văn Sung lê tấm thân tàn tật đi khắp nơi để làm thuê kiếm sống qua ngày. Càng về già sức khoẻ càng yếu nên không thể tiếp tục làm thuê cho ai nữa, cuối cùng ông chọn “nghề” bán vé số để nuôi thân.
Từ trái sang phải: Ông Trần Văn Chín, ông Mai Văn Sung và ông Đặng Văn Trước
Vợ chết để lại bầy con con thơ
Ngày 5/4/1968 sau 3 tháng được huấn luyện tại quân trường Chi Lăng, Binh nhất Trần Văn Chín được phân bổ về tiểu đội 1, tiểu đoàn 2, trung đoàn 14 thuộc Sư đoàn 9 Bộ binh, đóng quân tại số 4 Cần Thơ.
Trải qua nhiều trận chiến, chú Chín mang trong mình nhiều vết thương. Sau đó, ông nhận lệnh chuyển về tiểu đoàn Địa Phương Quân, Địa khu Vĩnh Bình, Đại đội 3, đóng quân tại quận Châu Thành, tỉnh Vĩnh Bình.
Ông Chín kể rằng: “Về đây tôi được thăng cấp Hạ sĩ nhất và là Trung đội trưởng Trung đội 3 với nhiệm vụ bảo vệ tất cả đầu tiền đồn. Tôi cũng được vinh dự nhận hai Huân chương “Anh Dũng Bội Tinh”.
Chiều ngày 19/7/1972, tại xã Tập Ngãi, huyện Tiểu Cần, trên đường hành quân ông Chín đạp phải trái mìn và bị thương ở chân trái. Nhưng vì trận chiến còn ác liệt nên mãi đến sáng ông mới được đưa đến bệnh viện dã chiến xã Tập Ngãi để xử lý vết thương trước khi chuyển đến bệnh viện Phan Thanh Giản - Vĩnh Bình.
Ngày 20/9/1972, kết quả giám định của Hội đồng y khoa xác định ông Trần Văn Chín bị thương tật 80%. Ngày 1/4/1974, ông xuất ngũ.
Sau 4/1975, giống như tất cả những người từng phục vụ chế độ VNCH, người TPB Trần Văn Chín cũng là mục tiêu bị ngược đãi và trù dập của chế độ cộng sản.
Đầu năm 1976, vợ ông qua đời để lại ba đứa con thơ. Đứa nhỏ nhất vẫn chưa dứt sữa mẹ. May mắn, một người hàng xóm cũng vừa sinh con đã giúp đỡ cho đứa bé bú nhờ. Vì thế mà đứa con bé bỏng của ông đã sống sót đến ngày hôm nay.
Vợ con chết trong lần thăm gặp tại tiền đồn
Một trong những câu chuyện đau thương nhất phải kể đến hoàn cảnh của TPB Lê Mẫn. Ông từng là Tuần Sự tại chi đoàn 2, Thiết đoàn 19 Kỵ binh, đóng tại đồi Đức Mẹ, Plei-Ku.
Ngày 26/2/1972, ông Mẫn bị đạn pháo làm trọng thương cả hai tay và phá nát quai hàm dưới trong trận đánh tái chiếm căn cứ 42 Hoả lực, tại Pleiku.
Sau 29 ngày nằm cấp cứu điều trị tại Quân y viện Nguyễn Huệ - Nha Trang, ông Mẫn mới nhận được hung tin rằng, vợ và hai con của ông đã chết tại căn cứ 42.
Dù không muốn, nhưng tôi vẫn phải hỏi đi hỏi lại nhiều lần để hiểu được câu chuyện đau buồn về vợ con ông. Ông phát âm khá khó khăn, phần vì mất phần quai hàm, phần vì khổ sở khi nhắc lại ký ức khủng khiếp của mấy chục năm về trước.
“Khoảng 4 giờ chiều ngày 25/2/1972 vợ và hai đứa con tôi đến căn cứ 42 để thăm tôi. Lúc đó tôi đang hành quân bên ngoài căn cứ nên chưa gặp được. Vào khoảng 6 giờ chiều ngay hôm đó, bất ngờ cộng sản pháo kích, ồ ạt tấn công và chiếm lấy căn cứ 42, vợ con tôi và rất nhiều thân nhân của các chiến hữu khác đã chết tại đây”.
Đôi mắt như muốn khóc, ông kể tiếp: “Ngày15/7/1974 tôi được lệnh xuất ngũ với cấp độ tàn phế 70% và trở về nhà, Ninh Thuận. Sau 1975, cả gia đình tôi bị lùa đi vùng kinh tế mới. Cuộc sống của những người bị gán cái mác “nguỵ quân nguỵ quyền” ở đâu cũng khổ”.
Năm 1981 cha ông qua đời, gia đình vốn khó khăn càng lâm vào cảnh khốn cùng. Ông Lê Mẫn phải đi ở đợ và chăn trâu chăn bò mướn để kiếm cơm sống qua ngày.
Năm 1999 mẹ ông cũng qua đời, gia đình ly tán, ông bắt đầu lang thang khắp nơi bán vé số. Có những hôm trở trời trúng gió suýt chết, cũng may được những người tốt bụng cưu mang giúp đỡ qua cơn nguy kịch.
Được “phép” xuất viện khi vết thương chưa lành
Ông Phạm Văn Ẩn sinh năm 1950, từng là lính Nghĩa Quân Trung đội 118, đóng quân tại xã Tân Xuân, huyện Ba Tri - Bến Tre.
Từ trái sang phải: Ông Phạm Văn Ẩn, ông Lê Mẫn và ông Võ Hồng Sơn
Sáng ngày 29/3/1975 bất ngờ cộng sản ồ ạt tấn công vào Công sở Tân Xuân. Trong lúc hành quân bên ngoài, ông Ẩn và đơn vị được lệnh quay về tiếp viện Công sở. Tuy bị tổn thất lớn nhưng nhiệm vụ bảo vệ Công sở được hoàn thành. Trận chiến này, ông Ẩn bị thương nặng và cụt mất một chân.
Tôi không khỏi sững sốt khi hình dung những gì ông kể: “Sau trận chiến, tổn thất của mình không nhỏ. Binh sĩ của ta chết và bị thương rất nhiều. Trung uý Châu chết trong tư thế đầu lìa khỏi cổ. Hình ảnh này đã ám ảnh tôi đến tận ngày hôm nay”.
Ngày 30/4/1975, ông Ẩn vẫn còn nằm trên giường bệnh tại bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu - Kiến Hoà. Ngay nơi này, ông đã tận mắt chứng kiến ba vị bác sĩ tự sát khi hay tin Sài Gòn thất thủ. Những thương binh đang điều trị, không phân biệt bị nặng hay nhẹ đều “được” bác sĩ “mới” cho xuất viện và hướng dẫn cùng một cách điều trị rằng: “Vết thương các anh về lấy nước muối rửa nhiều lần sẽ khỏi”.
Ông Ẩn hồi tưởng lại: “Quang cảnh bệnh viện lúc bấy giờ rất hỗn loạn và thương tâm. Nhiều người bị thương lắm. Đủ các loại vết thương. Màu trắng, màu đỏ loang lổ, di chuyển, đi lại và nằm la liệt khắp bệnh viện. Nhiều người vừa tỉnh lại sau cơn mê sảng cũng phải dìu nhau rời khỏi bệnh viện để về nhà”.
Hoàn cảnh của ông Đặng Văn Trước cũng tương tự. Trước đây chú thuộc đại đội 3/999, Đặc khu Rừng Sác.
Ngày 14/3/1975 ông Trước đạp phải mìn và bị cụt chân trái. Ông đang được điều trị tại Tổng y viện Cộng Hoà thì biến cố 30/4/1975 xảy ra. Sau cuộc phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ phần chân trái được vài ngày, thì ông Trước bị đuổi khỏi bệnh viện.
Giống như nhiều TPB khác, ông Trước cũng phải lê tấm thân tàn tật khắp các nẻo đường Sài Gòn để kiếm sống bằng nghề bán vé số dạo.
Năm 1998 ông được người chú cho miếng đất gần bờ đê thuộc quận 7 (Sài Gòn) để dựng một căn chòi che mưa, che nắng. Cuối năm 2014, khu vực này bị giải toả, nên ông mất chỗ nương thân. Ông dùng số tiền bồi thường ít ỏi 10 triệu đồng để mua chiếc ghe nhỏ. Từ đó, ông lênh đênh trên “căn nhà” sông nước của mình đến bây giờ.
Không thể kể hết những cuộc đời TPB mà tôi đã gặp chỉ qua vài trang viết ngắn ngủi. Mỗi giai đoạn của một cuộc đời người lính, nhất là qua biến cố 30/4/1975 đã thấy bóng dáng của một phần lịch sử Việt Nam đầy đau thương và biến động. Xin hãy coi những dòng chữ đơn sơ ghi lại một vài ký ức trong đời của những ông Mẫn, ông Sơn, ông Sung, ông Chín, ông Ẩn và ông Trước…, là tấm lòng của tôi đối với người lính VNCH. Những con người đã sống, chiến đấu không vì lời hiệu triệu giải phóng, hay cuộc chiến thần thánh nào cả, mà vì lý tưởng Tự do đích thực. Cho dù giá trị ấy đã không còn hiện diện trên quê hương này. Nhưng một ngày nào đó, những điều tốt đẹp sẽ trở lại trên đất nước thân yêu của chúng ta.
Giáng Sinh vừa đến, xin cầu nguyện cho các ông luôn được Chúa gìn giữ và nâng đỡ. Xin mượn lời chúc mừng Giáng Sinh của Danlambao gửi đến các ông và những người yêu nước:
“Cây thánh giá nặng nề nhưng tràn đầy thương yêu đang nặng trĩu trên vai của những tín đồ ái quốc. Con đường chịu nạn, chịu khổ là bước chân đi của những người chỉ biết sống bằng lương tâm. Cuộc đời cùng cực là chọn lựa của những người mang ước mơ xóa bỏ bất công, man rợ áp đặt lên đầu đồng bào mình.
Cầu mong các bác, cô, chú, anh chị em chân cứng đá mềm. Ước nguyện sẽ ngồi lại và nắm tay nhau trong đêm Giáng Sinh tới. Hy vọng đất nước này sẽ sớm hồi sinh theo nhịp thở và bước chân kiên cường của những công dân yêu nước”.
25.12.2016
Post a Comment