Bờ vực của cuộc chiến tranh Mỹ-Trung?
Nguyễn Tiến Đạt (Danlambao) - Nếu coi nguyên nhân của các cuộc chiến tranh giữa các quốc gia là do tranh giành ảnh hưởng quyền lực chính trị và do xung đột lợi ích kinh tế thì cả hai nguyên nhân này đã hội đủ cho một cuộc chiến tranh Mỹ - Trung. Nước Mỹ vẫn được coi là một siêu cường về quân sự cũng như về kinh tế và được coi là một quốc gia lãnh đạo thế giới, nhưng ngôi vị của nước Mỹ đã bị Trung Quốc đe dọa một cách trầm trọng.
Từ khi Mỹ để Trung Quốc gia nhập WTO thì Trung Quốc đã áp dụng phát triển kinh theo câu nói của Đặng Tiểu Bình: "mèo trắng hay mèo đen không quan trọng, chỉ cần mèo bắt được chuột". Với học thuyết con mèo của Đặng Tiểu Bình, Trung Quốc đã bất chấp những chuẩn mực quốc tế về luật doanh nghiệp, về đạo đức trong kinh doanh. Trung Quốc không quan tâm đến ô nhiễm môi trường, không quan tâm đến hàng hóa có chất độc hại, không quan tâm đến hàng thật hay hàng giả mà chỉ quan tâm đến lợi nhuận.
Một chính sách kinh tế dễ dãi cho các doanh nghiệp và nhiều lợi nhuận thì dĩ nhiên là nhiều doanh nghiệp đã chạy đến Trung Quốc để đầu tư. Trong số những doanh nghiệp chạy đến Trung Quốc đầu tư thì đã số là của Mỹ và Châu Âu. Từ đó những doanh nghiệp nằm tại Mỹ và Châu Âu đã không bán được hàng nên nhiều doanh nghiệp bị phá sản, nhiều nhà máy phải đóng cửa. Thị trường Mỹ và Châu Âu thì tràn ngập hàng hóa Made in China. Doanh nghiệp phá sản, nhà máy phải đóng cửa thì người lao động không có việc làm và người lao động không có việc làm thì nhà nước suy yếu.
Trung Quốc trở nên dồi dào về nguồn tài chính nhờ việc thu hút đầu nước ngoài nên đã phát triển mạnh về quốc phòng để đi xâm chiếm tài nguyên của các nước nhỏ. Cụ thể là Trung Quốc đã xâm chiếm hầu hết ở Biển Đông mà trong đó nhiều nước đã có chủ quyền từ lâu. Riêng đối với Việt Nam thì Trung Quốc coi như chốn không người nên họ thích làm gì cũng được. Một nhà nước độc tài cộng sản với một chính sách kinh tế theo học thuyết con mèo đã gây ra bao tai họa cho thế giới, nhưng tai họa này thì không phải quốc gia nào cũng nhìn ra và có khi nhìn ra cũng không dám đối đầu vì đã có quá nhiều ràng buộc.
Nước Mỹ đã nhìn ra được tai họa này và Trump là người đã xung phong đối đầu với Trung Quốc. Đây là một lý do quan trọng để hiểu tại sao người dân Mỹ lại trao chức vụ Tổng thống cho một nhà tỷ phú có bằng cấp về kinh tế và kinh nghiệm trong thương trường. Đúng là như vậy, vì Trump có những kế sách làm cho Tập phải hoảng sợ. Nhưng có lẽ cái mà Tập phải hoảng sợ nhất chính là Trump đã tăng ngân sách quốc phòng quá lớn so với thời Obama và bổ nhiệm tướng Mattis làm Bộ trưởng quốc phòng. Riêng tướng Mattis thì ai cũng phải công nhận là một vị tướng tài ba, nhưng ông cũng cần có một cuộc chiến tranh tầm cỡ để thể hiện tài năng điều quân khiển tướng trên cương vị Bộ trưởng quốc phòng Mỹ.
Từ khi Trump lên làm Tổng thống thì chiến lược xoay trục sang Châu Á của Mỹ đã được đẩy nhanh hơn, mạnh mẽ hơn, và rõ ràng hơn. Trump đẩy mạnh quân sự nhắm vào Trung Quốc và kéo các doanh nghiệp đầu tư vào Mỹ để tạo công ăn việc làm cho người dân Mỹ. Trump càng đẩy mạnh quân sự nhắm vào Trung Quốc bao nhiêu thì các doanh nghiệp lại rút khỏi Trung Quốc để đầu tư vào Mỹ bấy nhiêu. Như vậy về nội trị thì Trump tạo được niềm tin nơi dân chúng Mỹ để khi Trump phát động chiến tranh thì dân chúng Mỹ cũng sẽ ủng hộ. Đây là lý do tại sao Tập phải sợ Trump và phải dùng đến khổ nhục kế trong quan hệ với Trump mà vẫn không thành công. Tập tự xưng là nguyên thủ của một siêu cường mới nổi, nhưng Trump đã không thèm tiếp Tập ở Nhà Trắng mà Tập vẫn phải chấp nhận sang Mỹ tham Trump.
Nếu nói về cách dàn trận của Trump và Mattis để chiến tranh với Trung Quốc thì quả là quá cao tay. Triết lý chiến tranh của Mỹ là không để bom đạn rơi xuống nước Mỹ và giảm thiểu thương vong cho dân thường. Trump và Mattis đã chọn Nhật Bản, Ấn Độ, Nam Hàn, Đài Loan, Philippines để dàn trận. Mỹ đẩy mạnh Hải quân và chọn Biển Đông làm bãi chiến trường cho cuộc chiến. Biển Đông là miếng mồi ngon vì có nhiều mở dầu và khí đốt nhưng cũng là miếng mồi khó nuốt đối với Trung Quốc. Về quân sự thì Trung Quốc với dân số đông và có thể huy động được bộ binh, nhưng Mỹ chọn Biển Đông làm bãi chiến trường thì bộ binh của Trung Quốc sẽ vô dụng. Mỹ muốn khai mào cuộc trên Biển Đông và sau đó sẽ dần dần tiến vào đất liền để thay đổi thể chế chính trị.
Người Mỹ khi phát động chiên tranh với một quốc gia khác thì họ luôn tính đến lợi ích kinh tế và thay đổi thể chế chính trị. Cả hai mục tiêu này thì người Mỹ đã tính toán trong kịch bản chiến tranh với Trung Quốc. Về lợi ích kinh tế, Mỹ phát động chiến tranh với Trung Quốc trên Biển Đông thì Mỹ sẽ có rất nhiều lợi ích về kinh tế. Biển Đông sẽ thuộc về các quốc gia đồng minh của Mỹ và các công ty của Mỹ có thể ký hợp đồng cùng khai thác chung. Mỹ vừa giữ được các đồng minh mà vừa có lợi ích về kinh tế để bù lại những chi phí cho chiến tranh. Về thay đổi thể chế chính trị, Mỹ phát động chiến tranh thì chính quyền cộng sản Trung Quốc sẽ sớm sụp đổ. Khi cộng sản sụp đổ thì Trung Quốc sẽ trở thành một quốc gia dân chủ nhưng nó sẽ được xé nhỏ với các quốc gia khá như Tân Cương, Nội Mông, Tây Tạng.
Quan sát những xung đột lợi ích kinh tế và những động thái quân sự thì một cuộc chiến tranh Mỹ - Trung là không thể tránh khỏi. Nó chỉ còn là vấn đề khi nào thì sẽ được bấm nút để khai mào cho cuộc chiến tranh này. Hiện tại, Ấn Độ đã đưa quân áp sát biên giới với Trung Quốc nên buộc Trung Quốc phải đưa bộ binh tới biên giới Ấn Độ để cân bằng lực lượng, và như vậy thì bộ binh của Trung Quốc đang bị xé ra làm hai. Trung Quốc đang một lúc phải đối phó với ba mặt trận là biên giới Ấn Độ, biên giới Bắc Triều Tiên và ngoài Biển Đông. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang phải đối phó với biên giới Nhật Bản và Đài Loan. Những cửa ngõ này đều làm cho Trung Quốc phải lo lắng, vì Nhật Bản là đồng minh thân cận của Mỹ và cũng đang có tranh chấp với Trung Quốc. Còn Đài Loan thì đang phục thù để đưa nền dân chủ trở lại Trung Quốc và đang được Mỹ hậu thuẫn.
Người Mỹ làm việc luôn có chiến lược và luôn có mục đích rõ ràng nên họ không đưa hàng không mẫu hạm, không đưa quân đội ra Biến Đông để dạo chơi cho tốn kém. Nó không phải vô tình mà Trump đề cử tân đại sứ Mỹ tại Việt Nam bằng một nhân vật kỳ cựu về vấn đề Châu Á, và đã từng làm phó đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh. Nó cũng không phải vô tình mà ngày 27.7 vừa qua, Đô đốc Scott Swift đã tuyên bố sẵn sàng tấn công Trung Quốc bằng vũ khí hạt nhân trong tuần tới nếu Tổng thống Trump ra lệnh. Lời tuyên bố của một đô đốc thì không thể là một lời nói cho vui nhưng nó phải là một lời tuyên bố nằm trong chiến lược quân sự của Mỹ. Từ những diễn biến trên đây thì có thể kết luận được rằng, cuộc chiến tranh Mỹ - Trung là không thể tránh khỏi và nó đang đến rất gần. Hãy chờ xem những diễn biến tiếp theo.
28/7/2017
Post a Comment