Xã hội VN, niềm tin giữa người dân với chế độ bị mất trắng
Kông Kông (Danlambao) - Xem mấy phút đoạn clip được phát tán rộng trên mạng xã hội, ngày 22/7/2017, xảy ra tại thôn Thái Phù, xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn, Hà Nội thấy 2 người đàn bà nhà quê bị đánh bầm dập thật nao lòng. Lý do 2 bà bị đánh vì nghi ngờ “bắt cóc trẻ em”. Không cần phải suy nghĩ lâu, người làng chỉ cần vài chục giây bình tĩnh thôi, chắc chắn kết quả sẽ khác. Khác hẳn! Vì, nếu 2 bà thực sự bắt cóc trẻ em họ sẽ đem em bé đi bằng cách nào? 2 bà đang đi bộ, mang dép lẹp xẹp, không có ô tô hoặc xe máy. Mà nếu có, thì xe phải đang nổ máy để chộp được thì nhanh chân tẩu thoát. Đó là chưa kể việc 2 bà vô làng xóm chứ không phải giữa đám đông. Vì bắt cóc thường chỉ giữa đám đông xô bồ để dễ lẩn trốn.
Hình ảnh kế tiếp là khi công an xuất hiện, người trong đám đông vẫn tiếp tục đánh, còn công an thì lớ ngớ. Thái độ nầy cho thấy, hoặc công an không biết nghiệp vụ lúc cần phải cứu người trước sự phẫn nộ của đám đông, hoặc công an đồng tình với đám đông nên cứ nhẫn nha. Tiếp theo là cảnh 2 bà bị ném lên xe như con vật chứ không phải được giải cứu!
Sau đó được thông báo 2 bà nạn nhân là thành viên của Hợp tác xã Tình Thương đi bán tăm gây quỹ.
Điều mỉa mai, nạn nhân là người có lòng tốt đi gây quỹ Tình Thương!
Trước đó không lâu, ngày 20/7/2017, người dân thôn Đồng Hởi, xã Hồng lạc, Thanh Hà, Hải Dương đánh đập 2 người đàn ông đi xe Forturner đi tìm mua gỗ, dù họ đã vô trong nhà gặp gia chủ. Nhưng bà chủ bỗng bị xây xẩm sao đó nên chạy ra cửa hô hoán là có người “bắt cóc trẻ em”. Rồi xe bị lật đốt.
Vụ khác xảy ra tại Nghệ An, hôm 5/7/2017, 2 người đi xe máy vào làng quảng cáo thuốc xịt muỗi cũng bị đánh vì nghi ngờ bắt cóc trẻ em. Trong 2 tháng xảy ra 4 vụ.
Rất nhiều vụ khác tương tự như vừa kể. Sự việc đã và đang xảy ra như thế chắc chắn không phải bỗng dưng mà cội nguồn là sự mất lòng tin của người dân với công an, nói rộng hơn là với chế độ!
Dùng ngôn ngữ mạng xã hội là “công an nhiều như quân Nguyên” nhưng tại sao không bảo vệ được dân, không tạo được lòng tin nơi dân? Câu trả lời rất đơn giản, vì công an không phải để phục vụ dân mà để bảo vệ chế độ là chính! Câu viết trên pano được chụp ảnh và phổ biến tràn lan trả lời rõ nhất: “Công an còn đảng còn mình”!
Thực tế có cả trăm nạn nhân bị giết trong đồn công an với những lý do rất khôi hài. Như dùng dao rọc giấy cắt cổ, dùng dây giày, dây điện thoại để bàn, kể cả dây thun quần... để thắt cổ! Những lý do công an giải thích trước công luận tự nó xác nhận họ coi sự hiểu biết của dân còn tệ hơn con trẻ!
Vì công an không còn bảo vệ dân thì người dân phải tự vệ! Khi người dân tự vệ thì hẳn nhiên không ở trong tâm trạng bình tĩnh để giải quyết sự việc, mà bị hồi hộp, bị xốc nổi là đương nhiên mà chuyện bất trắc thì có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Nhìn xa hơn thì chính người dân đã bị chế độ lừa phỉnh vô số lần nên không còn ai tin tưởng những gì được hứa. Ví dụ như thảm trạng môi trường do Formosa gây ra. Biển bị ô nhiễm nghiêm trọng đến nỗi chính phát ngôn ngoại giao của Formosa tuyên bố là “chọn sắt hay chọn cá” thì nhà cầm quyền lại đỡ đòn giúp họ, là do “thủy triều đỏ”, “tảo nở hoa”... đến nỗi các quan chức cùng ăn cá biển, tắm biển để chứng tỏ biển đã an toàn! Đã thế, nhà nước lại đi đêm với Formosa nhận tiền đền bù rồi sau đó gọi là tiền “hỗ trợ”! Vì “đền bù” thì người nhận coi đó là đương nhiên. Còn “hỗ trợ” thì người nhận phải “mang ơn”! Trò chơi chữ/nghĩa lại vừa mới được Bộ Tài nguyên & Môi trường dùng sau khi đã cấp giấy phép cho nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 đổ một triệu tấn “vật chất” xuống biển Hòn Cau, tỉnh Bình Thuận thay vì đúng phải là một triệu tấn chất thãi! Chữ với nghĩa đã manh động như thế thì ai tin được?
Và còn vô số chuyện lươn lẹo chữ/nghĩa cũng như cãi chày cãi cối của các quan chức tham nhũng cỡ lớn nữa! Ví dụ như “làm thối móng tay”, “nuôi heo, buôn chổi”... để làm giàu bạc ngàn tỉ!
Đó là lý do dân không còn tin nhà cầm quyền!
Khi người dân mất trắng niềm tin vào chế độ thì xã hội đương nhiên sẽ bạo loạn, vô đạo, vô pháp luật... tất cả đều bắt nguồn từ sự vô đạo, vô luật pháp của nhà cầm quyền!
24.07.2017
_________________________________
Chú thích:
Post a Comment