Không thể xử lý hành vi hợp pháp cho dù hậu quả như thế nào.

Nguyễn Tường Thụy

Một tuần nay, hiện tượng nhiều lái xe dùng tiền lẻ để thanh toán khi qua trạm trạm thu phí Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang khiến giao thông qua trạm này bị tắc nghẽn. Ùn tắc giao thông kéo dài dẫn đến nhiều lần nhà đầu tư buộc phải xả trạm thu phí.

Việc làm này của giới tài xế, dư luận cho rằng nhằm phản đối việc thu phí quá cao và trạm thu phí đặt ở vị trí bất hợp lý. Mức phí từ 35.000 đồng đến 180.000 đồng tùy từng loại xe, cao gấp nhiều lần so với các cao tốc khác. Còn bất hợp lý ở chỗ, lẽ ra trạm chỉ được đặt ở vị trí sao cho chỉ thu tiền những xe nào đi trên phần đường của dự án chứ không được thu đoạn trên tuyến khác vì lái xe đã đóng tiền bảo trì đường bộ hàng năm.

Việc thanh toán bằng tiền có mệnh giá thấp không chỉ gây ùn tắc giao thông mà làm cho nhà đầu tư thất thu vì phải xả cửa. Có một số ý kiến, trước hết là từ phía nhà đầu tư đòi xử lý lái xe. Tuy nhiên vấn đề tìm ra cơ sở để xử lý họ không đơn giản, không phải cứ muốn là được.

1. Không thể có cơ sở kết luận lái xe trả tiền lẻ là cố tình gây ách tắc giao thông, vì không thể đọc trong đầu người khác cái ý nghĩ “cố tình” mà chỉ có thể ghi nhận được hành vi trả tiền lẻ mà thôi. Cũng như trong Bộ luật hình sự không có tội "âm mưu".

Tiền dù mệnh giá nào cũng là tiền được lưu hành hợp pháp. Chê tiền lẻ là vi phạm pháp luật. Ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tasco, đại biểu Quốc hội khóa XIV, Ủy viên Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội yêu cầu cấm sử dụng tiền mệnh giá dưới 5.000 đồng khi đi qua trạm là không hiểu biết pháp luật. Việc lái xe dùng tiền lẻ để thanh toán phí không thể qui họ vào lỗi gì, ngược lại coi chừng xử lý lái xe trả tiền lẻ là vi phạm pháp luật.

Điều 3, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 130/2003/QĐ-Ttg ngày 30/6/2003 về việc bảo vệ tiền Việt Nam qui định những hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có hành vi "Từ chối nhận, lưu hành đồng tiền do Ngân hàng Nhà nước phát hành trong lãnh thổ Việt Nam".

2. Theo luật sư Nguyễn Doãn Hùng, Công ty Luật IPIC - Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội thì tiền lẻ cuộn tròn bỏ trong chai nhựa là hành vi cố ý để làm cho quá trình mua vé diễn ra rất chậm, hành vi này sẽ gây ra ùn tắc giao thông tại trạm thu phí.

Luật sư Nguyễn Doãn Hùng dẫn nghị định về xử phạt vi phạm hành chính và Bộ luật Hình sự ra rồi cho rằng hành vi bỏ tiền lẻ vào chai nhựa có thể vị xử phạt 2 triệu đến 3 triệu đồng hoặc bị tù từ 2 đến 7 năm.

Nếu dẫn luật đúng thì tiếng nói của luật sư rất có tác dụng. Ông vừa bênh vực quyền lợi của nhà đầu tư, vừa thương các anh công an vất vả, vừa lo cho an ninh trật tự bị rối loạn. Lời răn đe của luật sư Hùng chắc hẳn làm mát lòng nhà cầm quyền cũng như chủ đầu tư. Nhưng khi dẫn giải các điều khoản của luật pháp ra để “đe” như vậy, Luât sư Hùng đã sai bét.

Có thể, hoặc là Luật sư Hùng nhầm lẫn về luật pháp hoặc là ông chọn đứng về phía kẻ có quyền hay có tiền.

Thứ nhất là không thể nhét hai chữ “cố ý” cho một hành vi nào đó vì ý nghĩ con người không thể hiện lên văn bản.

Thứ hai là không có qui định nào cấm cho tiền lẻ vào chai nước để thanh toán, cũng như không có qui định nào cấm các bà nội trợ giắt tiền vào cạp quần, vào áo ngực khi đi chợ.

Thứ ba là an ninh, trật tự công cộng bị rối loạn do hành vi vi phạm pháp luật gây ra thì kẻ có hành vi ấy mới bị xử lý, chứ không thể xử lý người có hành vi hợp pháp dẫn đến trật tự công cộng bị rối loạn. Việc dùng tiền mệnh giá nhỏ, bỏ vào chai nhựa để thanh toán là hành vi hợp pháp (không bị cấm).

Ví dụ: Khi lượng xe tham gia giao thông nhiều, đường hẹp dẫn đến ách tắc giao thông thì không thể xử lý những xe tham gia giao thông. Nhưng hai tài xế quay xe đánh, chửi nhau làm ùn tắc giao thông thì họ bị xử lý.

Một cô gái đẹp xuất hiện trên phố, thu hút sự chú ý của lái xe dẫn đến ùn tắc giao thông - điều này đã từng xảy ra nhưng không thể xử lý cô gái ấy về “tội đẹp”

Trạm BOT Cai Lậy đặt sai vị trí. Hình của báo Người Lao động

3. Theo thông tin vừa nhận được, Sở GTVT Tiền Giang đã gửi lên Tổng cục đường bộ danh sách số đăng ký của 19 xe dùng tiền lẻ khi qua trạm BOT Cai Lậy. Đây là những xe trích xuất dữ liệu từ các camera tại trạm mà nhà đầu tư “đòi xử lý”. Tuy nhiên, việc xử lý những xe này là không thể vì như đã diễn giải ở trên là không có căn cứ pháp luật, trừ khi “tức lên xử đại”. Cần phải giải quyết cái gốc của vấn đề, đó là dời trạm về đúng vị trí của nó và định lại mức phí để lái xe có thể chấp nhận được.


Biển số 19 xe dùng tiền lẻ để đi qua trạm thu phí bị đề nghị xử lý. Hình của Nhật ký yêu nước


16/8/2017

No comments

Có Thể Bạn Chưa Xem

Tin Nóng

Powered by Blogger.