Việt Nam: Tự do huỷ hoại thân thể
Từ Thức (Danlambao) - Thiếu ăn gây những hậu quả tai hại về sự phát triển cơ thể và trí não. Về cơ thể, người ta đã biết từ lâu, nhưng những nghiên cứu gần đây cho thấy trí óc cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Đây không phải chỉ là một thông tin y khoa. Đây là một vấn đề khẩn trương đối với một dân tộc như Việt Nam, nơi sự thiếu thốn dinh dưỡng càng ngày càng nghiêm trọng. Không những vì thiếu sinh dưỡng, bộ óc của lớp trẻ VN còn bị tàn phá bởi ma túy, thuốc lá, rượu chè. Người ta không thể không bi quan cho tương lai dân tộc, trong một thời đại sức mạnh, khả năng phát triển của một quốc gia đặt căn bản trên chất xám.
Hậu quả của nạn ăn uống không đủ sinh tố trên thể xác, ai cũng thấy trước mắt. Ngày xưa, người ta nghĩ người Việt nhỏ con vì cái tạng người như vậy, sinh ra để trở thành người tý hon, nhỏ xíu, gầy đét. Thực ra, cái tội chính là thiếu ăn. Hay chỉ ăn cho đầy bụng. Những trẻ em gốc Việt sinh ra hay lớn lên ở những nước phát triển đã lớn như thổi, không thua gì trẻ em Tây Phương.
Khả năng đọc và hiểu
J.F Bouvet, trong tuần báo Le Point (27/07), nhắc tới kết quả những nghiên cứu từ gần một nửa thế kỷ, vừa đăng trên Nature, đặc san Y khoa uy tín nhất (1), cho thấy vấn đề dinh dưỡng cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển khả năng của trí não.
Tại Guatelama, Nam Mỹ, một nhóm nghiên cứu cung cấp thức ăn bổ dưỡng cho nông dân trong nhiều năm, đã chứng minh giả thuyết nếu cải thiện dinh dưỡng, sẽ cải thiện sự tăng trưởng cơ thể. Kết quả cũng cho thấy những trẻ em được được ăn uống đầy đủ hơn đã đạt được kết quả tốt hơn trong những tests về khả năng đọc và hiểu những gì đã đọc.
Tất cả những nghiên cứu tại Ba Tây, Jamaïque, Phi Luật Tân, Zimbabwe đều đi tới kết luận: có sự liên hệ giữa dinh dưỡng và kết quả ở học đường. Foundation Bill § Melinda Gates làm một nghiên cứu IRM (chụp hình não) tại một khu nghèo ở Bangladesh, nơi 40% trẻ em 2 tuổi ở dưới mức tăng trưởng bình thường. Bộ óc của trẻ sơ sinh (2 tới 3 tháng) thiếu dinh dưỡng, có khối lượng chất xám nhỏ hơn bình thường.
Không phải chỉ có vấn đề dinh dưỡng, môi trường xã hội, gia đình cũng là một yếu tố quan trọng. Charles Nelson (Boston) nghiên cứu bộ óc của trẻ em trong một nhà mồ côi ở Roumanie. Thiếu tình thương, sống lẻ loi, không được chăm sóc, hỏi han, tiếp xúc với người khác, bộ óc của các trẻ em từ 8 tuổi thiếu chất xám (matière grise) và chất trắng (substance blanche) tại những vùng não điều hành khả năng nói và tập trung, chú ý.
Thời đại của chất xám
Bouvet gọi sự nghèo đói là kẻ thù của bộ óc.
Như đã nói, thời đại này là thời đại của chất xám. Những dân tộc đầu tư vào chất xám, vào sự thông minh, đã và sẽ lãnh đạo thế giới. Những dân tộc chỉ trông vào bắp thịt và mồ hôi để kiếm ăn sẽ chỉ làm thuê, gánh mướn, nếu không muốn nói là nô lệ. Nô lệ về kinh tế, nô lệ về kỹ thuật, nô lệ văn hóa. Tóm lại, nô lệ.
Đọc bài báo của Nature, người ta không khỏi rùng mình nghĩ tới bộ óc của giới trẻ ở VN.
Nhiều nghiên cứu quốc tế trước đây cho thấy tệ nạn thiếu dinh dưỡng cực kỳ nghiêm trọng ở VN.
Người ta phải chờ đợi một lớp trẻ có bộ óc bất bình thường, thiếu khả năng tập trung, suy nghĩ, học hỏi. Trẻ em VN không những thiếu dinh dưỡng, khi lớn lên còn được tự do hút sách, rượu chè là những độc được, theo các tổ chức y tế quốc tế.
Ở VN, mọi tự do đều bị hạn chế tối đa, trừ tự do hủy hoại thân thể. Ăn nói, viết lách, hành động không đúng chính sách của đảng cầm quyền, dù chỉ để giúp dân, giúp nước, dễ vào tù, nhưng tiêu thụ độc dược để tàn phá cơ thể và trí não thì hoàn toàn tự do.
Tại nhiều nước, vị thành niên không có quyền mua thuốc lá, mua hay uống rượu.
Cấm hút thuốc ở tất cả những nơi công cộng, kể cả tiệm ăn, quán cả phê. Hút thuốc trong xe riêng cũng bị phạt nặng nếu trong xe có trẻ nhỏ. Trên mỗi bao thuốc, bắt buộc phải in hình bệnh tật hậu quả của thuốc lá: ung thư cuống họng, ung thư phổi v.v... Tại hầu hết các nước trên thế giới, giảm bớt số người hút thuốc là một ưu tiên quốc gia. Ở VN, hút thả cửa.
Tai hại của rượu
VN là một trong những nước tiêu thụ bia và rượu mạnh nhiều nhất, tính trên đầu người. Thanh thiếu niên VN hãnh diện vì uống nhiều rượu, dấu hiệu của người hùng, của đàn ông, của… nghệ sĩ. Không biết rằng rượu, nếu lạm dụng, được coi là chất độc ngang với ma túy. Rượu càng mạnh, uống càng nhiều, sự tàn phá càng dữ.
Ở VN, người ta uống rượu mạnh như nước lã trong bữa cơm, trong khi rượu mạnh chỉ để uống, một ly nhỏ, cho tiêu cơm hay thú vị ngoài bữa cơm. Đó là một cái "mode" vừa quê mùa, vừa độc hại, chỉ thấy ở bên Tầu và VN.
Rượu (bất cứ dưới hình nào: rượu mạnh, rượu đế, bia, rượu đỏ…), nếu lạm dụng, tàn phá cơ thể: gan, ruột, dạ dầy, lá lách... Không một bộ phận nào tránh khỏi sức tàn phá của rượu, vì rượu tan trong máu, và máu đi tới và nuôi dưỡng tất cả các bộ phận của thân thể. Nhưng trước khi tàn phá gan, lá lách… , rượu tàn phá bộ óc, cơ quan mềm yếu (vulnérable) nhất.
Những nghiên cứu mới đây cho thấy rượu (bất cứ rượu gì, kể cả la de), hủy hoại myelin (myéline) là vỏ bọc giây thần kinh. Giây thần kinh bị tổn hại, óc không chỉ huy được cơ thể nữa, tới một giai đoạn người nghiện rượu không nói nổi một hai câu rành mạch, mất thăng bằng, đi ngả nghiêng, mất ngủ, bị bệnh dépression. Bộ óc không hoạt động bình thường nữa, người nghiện không kiểm soát được hành vi của mình, bạo hành, đánh vợ, đánh con, bỏ bê công việc. Khi hết bị rượu hành, người nghiện hối hận, xin lỗi vợ con, để khi rượu vào, lại tiếp tục trò cũ, càng ngày càng nặng hơn, nhiều khi đi tới án mạng, hay tự sát.
Rượu không phải chỉ tai hại cho cá nhân, còn là một đại họa cho xã hội: tội ác, tai nạn lao động, tai nạn xe cộ... Và tai họa cho thế hệ sau: con cái của người nghiện có bộ óc bất bình thường, chậm hiểu, thất bại ở học đường và đa số trở thành nghiện ngập như bố mẹ.
Nếu hỏi thanh thiếu niên họ có vấn đề rượu hay không, hầu hết trả lời không. "Tôi uống bình thường, như mọi người." Thế nào là lạm dụng? WHO (World Health Organization, Tổ Chức Y Tế Liên Hiệp Quốc) định nghĩa: lạm dụng khi uống quá 3 ly một ngày cho đàn ông, 2 ly cho đàn bà. Có sự khác biệt bởi vì cơ thể đàn ông chuyển hóa (métaboliser) rượu dễ dàng hơn, đàn ông lớn con, ít mỡ hơn, nghĩa là nhiều máu hơn, tỷ lệ rượu trong máu do đó thấp hơn.
Khi nói 2 hay 3 ly, không phải ly cối, to tổ bố, nhưng là những ly nhỏ xíu dùng trong các tiệm rượu, các quán café ở các nước Tây Phương. Bất cứ rượu loại gì trong một ly cũng có khoảng 10 gramme rượu nguyên chất (ly rượu mạnh, whisky, vodka nhỏ hơn ly bia, nhưng có khả năng độc hại ngang nhau).
Thực phẩm Trung Quốc
Ở VN, còn phải thêm một cái đại họa khác: những thức ăn độc hại vì hóa chất. Đa số nhập cảng từ Trung Quốc. Thịt cá, rau cỏ, đồ hộp "ma dzê in China" đều là những độc dược, nếu không giết người ngay, sẽ đưa tới ung thư, hay hàng chục thứ bệnh trong những năm tới.
Ở các nước Tây Phương, người ta tịch thu thường xuyên thức ăn độc hại của Tầu, hay ra thông cáo báo động, mặc dù đã có những tiêu chuẩn khắt khe khi nhập cảng thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm Trung Quốc. Hàng tấn thực phẩm Tầu bị hủy hoại mỗi ngày vì không đủ tiêu chuẩn vệ sinh dinh dưỡng. Ở VN, ăn uống thực phẩm tẩm thuốc độc cũng là một quyền tự do, được nhà nước triệt để tôn trọng.
Đã tới lúc coi việc tẩy chay hàng hóa Trung Quốc, đặc biệt là thực phẩm, là một bổn phận công dân.
Thực phẩm thiếu dinh dưỡng, đầy hóa chất độc hại, rượu chè, ma túy, thuốc lá, môi trường ô nhiễm, xã hội bạo hành, đó là môi trường sống của tuổi trẻ VN. Chưa nói tới một nền y tế tồi tệ, thối nát, bất nhân. Không cần phải là khoa học gia, giáo sư y khoa cũng tưởng tượng được bộ óc của tuổi trẻ VN, tương lai của đất nước. Nếu đất nước còn có một tương lai.
Ngày nay, người ta không biết ở VN có bao nhiêu người bị ung thư, bao nhiêu người nghiện, bao nhiêu người có óc não bất bình thường, nhưng người ta biết rõ tên tuổi những người viết báo, làm thơ, viết văn, soạn nhạc không đúng đường lối của Đảng, của các đỉnh cao trí tuệ đã vạch sẵn.
Một nhà tù không tường
Chính quyền VN không có một chính sách ngắn hay dài hạn, để cứu cả một thế hệ tuổi trẻ, sau khi đã đốt cháy thế hệ trước trong chiến tranh. Có thể vì thiển cận, hay ngu dốt. Nhưng trước hết vì tính toán. Không những họ không làm gì, nhưng họ còn khuyến khích những tệ trạng đưa tới một xã hội bệnh hoạn, một dân tộc bạc nhược.
Thứ nhất, bởi vì rượu và thuốc lá là những nguồn lợi thuế má khổng lồ, huyết mạch của một quốc gia phá sản, nợ nần chồng chất, của một giới lãnh đạo chỉ có một mục tiêu duy nhất là làm giàu.
Thứ hai: Cho phép hàng hóa Tầu tràn ngập thị trường là một cách làm vui lòng đàn anh Trung Quốc, cũng là một cơ hội kiếm chác, vì thương gia Tầu biết chi, biết chỗ chi. Và biết kín đáo khi đút lót.
Thứ ba, bởi vì chế độ độc tài xây dựng trên sự ngu dốt và tồn tại trong một xã hội bạc nhược. Cho thả cửa hút sách, nhậu nhẹt để người dân có ảo tưởng sống trong một xã hội tự do.
Aldoux Huxley viết: nhà nước độc tài nào cũng muốn biến xã hội thành "một nhà tù không tường, trong đó tù nhân không nghĩ đến chuyện vượt ngục, không nghĩ tới việc lật đổ bạo quyền. Một hệ thống nô lệ, trong đó nhờ tự do tiêu thụ và giải trí, người nô lệ yêu cả thân phận nô lệ của mình". (2 )
(Paris, 08/2017)
(1) NATURE, July 2017
(2) "…une prison sans murs dont les prisonniers ne songeraient pas à s’évader, dont il ne songeraient même pas à renverser les tyrans. Système d’esclavage où, grâce à la consommation et au divertissement, les esclaves auraient l’amour de leur servitude" Aldoux Huxley ( Le Meilleur des Mondes )
Post a Comment