Thăm gia đình Phạm Văn Trội

NGUYỄN TƯỜNG THỤY




Ngày chủ nhật căng thẳng

Ngày Chủ nhật, 30/7/2017, một ngày vô cùng căng thẳng trong giới đấu tranh nói riêng và những người quan tâm nói chung. Không khí từng giờ, từng phút nóng dần.

Vào lúc 11 giờ, được tin anh Nguyễn Bắc Truyển bị bắt cóc tại cổng Nhà thờ Dòng Chúa cứu thế Sài Gòn (38 Kỳ Đồng, Phường 9, Quận 3). Vẫn cứ nghĩ là chuyện an ninh bắt cóc để thẩm vấn về việc gì đó rồi thả như thường xuyên xảy ra.

12 giờ 17 phút, tôi nhận được điện thoại từ cô Huyền Trang, vợ Cựu TNLT Phạm Văn Trội. Cô vừa khóc vừa nói, công an đến nhà khám xét từ lúc 10 giờ 30 phút, đọc lệnh bắt anh Trội và vừa đưa đi rồi.

Một giờ sau lại có tin Nguyễn Trung Tôn bị bắt ở Thanh Hóa và Trương Minh Đức bị bắt ở Sài Gòn. Hy vọng Nguyễn Bắc Truyển chỉ bị bắt vặt cũng tiêu tan.

Thông tin về 4 người bị bắt và đều bị truy tố theo điều 79 diễn ra chỉ trong vòng vài giờ. Tất cả đều là Cựu Tù nhân Lương tâm, từng nếm trải nhiều năm đắng cay trong nhà tù cộng sản. Công an triển khai bắt các anh cùng một lúc trên các địa bàn nơi các anh sinh sống. Nhà cầm quyền gọi đây là vụ án “Nguyễn Văn Đài cùng đồng bọn hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Như vậy, trong vụ án này, có 6 người đã bị bắt (trước đó Ls Nguyễn Văn Đài và cô Lê Thu Hà bị bắt ngày 16/12/2015).

Có rất nhiều điều khó hiểu trong vụ án này. Tính đến ngày 30/7, ngày bắt thêm 4 người thì Ls Nguyễn Văn Đài và Lê Thu Hà đã bị bắt 19,5 tháng, quá qui định cho phép gia hạn điều tra ở mức tối đa tới 3 tháng 14 ngày. Tuy nhiên ở đất nước không thượng tôn pháp luật, quen hành xử theo luật rừng thì việc này cũng chẳng ảnh hưởng gì đến họ, có ảnh hưởng chăng nữa thì chỉ theo hướng tốt lên cho những người vi phạm như lên lon, lên chức.

Cũng không hiểu được, 6 người trên có liên quan gì với nhau trong 1 vụ án và cái gọi là vụ án hoạt động nhằm lật đổ chính quyền có thật không, họ hoạt động lật đổ như thế nào? Tại sao cùng một vụ án mà tới 19,5 tháng sau lại bắt một loạt 4 người nữa? Tôi không tin 6 người này, hoặc ai đó trong số ấy hoạt động nhằm lật đổ chính quyền. Nó nằm ở một lý do và mục đích khác.

Gánh nặng đè lên vai những người phụ nữ

Ngay sáng hôm sau, một đoàn anh chị em ở Hà Nội gồm 8 người đến nhà Phạm Văn Trội thăm hỏi và động viên, chia sẻ với gia đình. Chúng tôi chọn thăm nhà anh đầu tiên vì tiện hơn cả. Trội từng bị bắt ngày 11/9/2008 ngẫu nhiên trùng vào ngày nước Mỹ bị tấn công năm 2001. Vụ án này có Phạm Văn Trội, Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, Ngô Quỳnh, Nguyễn Mạnh Sơn, Nguyễn Văn Tính, Nguyễn Văn Túc và Nguyễn Kim Nhàn, Phạm Thanh Nghiên, Vũ Hùng.

Phạm Văn Trội bị kết án 4 năm tù và 4 năm quản chế. Sau khi ra tù, anh bị theo dõi rất đặc biệt. Không được đi ra khỏi địa phương đã đành mà những nhóm đến thăm anh cũng bị sách nhiễu, cưỡng bức về đồn để “làm việc”. Có người bị đánh phải nhập viện như anh Huỳnh Ngọc Tuấn. Những ai đến thăm Trội phải chấp nhận hiểm nguy. Đã có 3 đoàn bị áp giải về đồn như thế. Tôi trong đoàn 7 người bị triệu về đồn ngày 20/1/2014, hôm ấy có cả an ninh thành phố và Bộ về làm việc. Và bây giờ, sau 5 năm ra tù và hết quản chế chưa được 1 năm thì anh bị bắt lại.

Phạm Văn Trội là người chân thành, nhiệt tình với bè bạn, vì vậy, anh được nhiều người quí mến. Trội quan tâm một cách chu đáo đến những gia đình TNLT. Trước khi bị bắt 11 ngày, anh còn cùng chúng tôi đến thăm mẹ Ls Nguyễn Văn Đài. Vợ chồng tôi coi Trội như người trong gia đình. Buổi trưa nghe tin Trội bị bắt, vợ tôi khóc suốt bữa ăn. Cô ấy thương Trội, thương Huyền Trang và hai đứa cháu. 

Tối hôm trước, Trội có nói chuyện với tôi qua mạng Internet. Anh nói nhà anh bị bao vây bởi khoảng 10 an ninh từ sáng. Anh dự đoán họ canh không cho anh đi đâu trong khi chờ lệnh, có thể bắt anh đi để thẩm vấn như hôm 17/6, cũng có thể bắt bởi lệnh của Viện kiểm sát. Và trưa hôm sau, tình huống thứ hai đã xảy ra. Trong câu chuyện, Trội có nói vợ anh bị sốt xuất huyết vừa đi bệnh viện 1 tuần về. Tôi bảo sao không cho anh em biết, anh nói sợ phiền đến mọi người. Anh định thứ 2 đưa vợ đi khám lại thì chủ nhật anh bị bắt.


Trong ngôi nhà vắng lặng vì thiếu bóng đàn ông, Huyền Trang và hai cháu bé mắt đang đỏ hoe. Một ngày sau khi chồng bị bắt, ba mẹ con cô chưa hết bàng hoàng, bối rối. Cô khóc ròng, nói họ gán cho anh ấy tội 79, lần này anh ấy đi, chắc đường dài lắm. Nhiều người cũng không cầm nổi nước mắt. Chỉ có những người thương yêu nhau thực sự thì mới có những giọt nước mắt như thế. Tôi run run khi bấm máy ghi lại những cảnh ấy.

Trang cho kể, trước khi bị áp giải đi, Trội dặn cô ở nhà nuôi mẹ và lo cho các con. Gánh nặng ấy quả là quá sức so với thân hình mảnh mai của cô. Một mẹ chồng già, hai đứa con học lớp 6 và lớp 10. Cô làm thợ thêu cho một công ty tại Minh Khai, đi về mất 50 cây số mỗi ngày với lương tháng 5 triệu đồng. Có lần Trội kể với tôi tiền nợ làm nhà còn mấy trăm triệu đồng chưa biết làm thế nào để trả.

Mảnh vườn nhà Trội khá rộng. Mấy năm trước, anh trồng hoa hòe. Khi bắt đầu có thu hoạch, anh thường biếu mỗi người một ít. Vừa qua, vườn bị ngập lụt, hoa hòe chết hết. Trang bảo anh ấy đang có kế hoạch cải tạo lại vườn, trồng những cây cho hiệu quả kinh tế. Bây giờ anh ấy bị bắt, em làm sao được, có lẽ phải cho thuê. Tôi nghĩ liệu có ai thuê cho không và nếu có thì thu được mấy đồng. Nhiều ruộng đất của nông dân còn bỏ hoang vì làm nông nghiệp không có hiệu quả.

Mọi người hỏi chuyện Trang, tính đến chuyện nuôi mẹ chồng, nuôi hai con ăn học và ngổn ngang những việc trước mắt nhưng vẫn có những bế tắc về giải pháp. Không biết rồi cô xoay sở ra sao. Cô đã phải xa chồng 4 năm, một mình nuôi mẹ chồng và 2 con nhỏ dại. Mà gần đây, án chính trị thường nặng hơn rất nhiều so với trước, với Trội lần này lại là án 79. Cô sẽ phải chịu đựng bao lâu nữa. Cả hai án nó sẽ chiếm bao nhiêu phần tuổi xuân của cả hai vợ chồng cô? Nghĩ đến đây, lòng tôi thắt lại.

Không chỉ với Huyền Trang, những người vợ khác như chị Thanh, vợ anh Trương Minh Đức, chị Lành, vợ Mục sư Nguyễn Trung Tôn, chị Phượng, vợ anh Nguyễn Bắc Truyển đều có hoàn cảnh khốn khó riêng, những thiệt thòi về vật chất và tinh thần riêng. Người vợ là người chịu đựng nhiều nhất những nỗi oan nghiệt vì sự hy sinh cao cả của người chồng.

Hãy buồn vì sao chúng ta chưa bị bắt

Một năm trở lại đây, nhà cầm quyền tăng cường bắt bớ và kết án nặng nề hơn trước. Theo thống kê của Hoàng Dũng, chỉ riêng 7 tháng đầu năm nay đã có 19 người bị bắt, bị truy nã hay bị trục xuất ra khỏi đất nước. Liệu đây có phải là sự trả đũa của nhà cầm quyền đối với giới đấu tranh dân chủ khi thái độ của chính phủ Mỹ về nhân quyền ở các nước khác có thay đổi?

7 tháng đầu năm nay đã có 19 người bị bắt, bị truy nã hay bị trục xuất ra khỏi đất nước.


Có một điều không lạ mà dễ hiểu, qua vụ bắt một lúc 4 cựu TNLT, qua mạng và qua chuyến thăm gia đình Phạm Văn Trội sau đó, tôi nhận thấy rất rõ rằng không phải bắt bớ nhiều mà răn đe được những người sống vì lẽ phải (ở đây, tôi không muốn nói đến những điều to tát như dân chủ, nhân quyền). Trong giới đấu tranh, tôi chưa nhìn thấy ở đâu có biểu hiện lo âu, sợ hãi. Ngược lại, mọi người thương yêu nhau nhiều hơn, muốn chia sẻ, hy sinh cho nhau nhiều hơn, hơn cả anh em ruột thịt và số sẵn sàng chấp nhận đến lượt mình đông hơn. Xin lấy một status của Facebooker Huynh Ngoc Chenh để kết thúc bài viết: “Đừng buồn vì bạn bè bị bắt. Đấu tranh là chấp nhận tù đày. Hãy buồn vì sao chúng ta chưa bị bắt”.


1/8/2012

No comments

Có Thể Bạn Chưa Xem

Tin Nóng

Powered by Blogger.