BỔ TÚC MỘT SỐ SỬ LIỆU VỀ CHIẾN THẮNG ĐỐNG ĐA (5 tháng Giêng Kỷ Dậu, 1789) - Nguyễn Lý Tưởng
(Quang Trung Hoàng Đế)
-Vua Quang Trung đã áp dụng chiến thuật gì để chiến thắng trận Ngọc Hồi: dùng những bó rơm cuốn tròn lăn đi trước hay dùng những tấm ván để đỡ đạn?
-Tại sao Đại Nam Liệt Truyện Tiền Biên (quyển 30) và Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục (quyển 27) ghi chép khác nhau?
-Sử nhà Thanh và sử nhà Nguyễn: bên nào chính xác hơn?
(Bài của GS Nguyễn Lý-Tưởng)
Hình ảnh vị anh hùng áo vải đất Tây Sơn đã đi vào sử sách như là một thiên tài quân sự. Cứ mỗi lần Tết đến, chúng ta lại có dịp nhắc đến chiến công oai hùng của vua Quang Trung qua trận chiến thắng Đống Đa ngày mùng 5 Tết Kỷ Dậu (30-01-1789). Hôm nay, chào đón Xuân về, chúng tôi xin cống hiến quý vị bài nghiên cứu sau đây dưới nhãn quan của một người nghiên cứu sử học, căn cứ vào những sử liệu hiện có, với tinh thần khoa học, gạt ra ngoài những yếu tố tình cảm hay định kiến.
1. Hoàn cảnh lịch sử: Tây Sơn khởi nghĩa ở Quy Nhơn, Tây Sơn hòa với Trịnh để rảnh tay diệt Nguyễn ở Gia Định, Nguyễn Hữu Chỉnh vào Quy Nhơn dẫn đường cho Tây Sơn chiếm Phú Xuân rồi thẳng ra Thăng Long phò Lê diệt Trịnh...
Nguyễn Nhạc khởi nghĩa ở Tây Sơn năm 1772, chiếm được Quy Nhơn, Quảng Ngãi, Quảng Nam và trên đường tiến ra kinh đô Phú Xuân của chúa Nguyễn. Cuối năm Giáp Ngọ (đầu năm 1775), tướng Trịnh là Hoàng Ngũ Phúc đem quân vào chiếm Thuận Hóa, chúa Nguyễn Phúc Thuần đem vợ, con gái và người cháu là Nguyễn Phúc Ánh chạy vào Gia Định, để người con của Thế tử Hiệu là Nguyễn Phúc Dương ở lại Đà Nẵng...Tây Sơn hòa với Trịnh và đem quân đánh chúa Nguyễn ở Gia Định.
Năm Mậu Tuất (1778), chúa Nguyễn bị Tây Sơn giết ở Gia Định. Tại Quy Nhơn, Nguyễn Nhạc tự lập làm vua niên hiệu Thái Đức. Tại Bắc Hà, chúa Trịnh Sâm mất, các quan chia làm hai phe: phe ủng hộ Trịnh Tông, con trưởng Trịnh Sâm và phe ủng hộ Trịnh Cán, con của Đặng Thị Huệ lên ngôi chúa. Lính Tam Phủ (thường gọi là Kiêu binh) nổi loạn, lật đổ Trịnh Cán, giết Hoàng Đình Bảo, người đứng đầu phe Đặng Thị Huệ, rồi đưa Trịnh Tông lên ngôi... Nguyễn Hữu Chỉnh là đàn em của Hoàng Đình Bảo chạy vào Quy Nhơn báo cáo tình hình Bắc Hà cho Nguyễn Nhạc biết và dẫn đường cho quân Tây Sơn tiến ra Bắc đánh quân Trịnh.
Nguyễn Nhạc cho em là Nguyễn Huệ đem quân đánh lấy Phú Xuân và thừa thắng, kéo quân thẳng ra chiếm Thăng Long lấy danh nghĩa “phò Lê, diệt Trịnh”. Vua Lê gả con gái là Ngọc Hân cho Nguyễn Huệ để cậy nhờ thế lực của Tây Sơn, giữ ngai vàng. Nguyễn Nhạc nghe tin Nguyễn Huệ ra Bắc liền đuổi theo Nguyễn Huệ, khuyên em nên trả nước lại cho vua Lê, rồi kéo quân về.
Quân Tây Sơn trở về Phú Xuân đem theo 60 thuyền của cải mà họ vơ vét được trong kho tàng của vua Lê, chúa Trịnh. Nguyễn Huệ nắm quyền chủ động trong việc phân chia chiến lợi phẩm nầy. Nguyễn Nhạc trở về Quy Nhơn bắt giam vợ con Nguyễn Huệ không cho ra Phú Xuân. Nguyễn Huệ đem quân vào Quy Nhơn đánh Nguyễn Nhạc...
Sau khi biết tin anh em Tây Sơn ban đêm âm thầm bỏ Thăng Long rút quân về Nam, Nguyễn Hữu Chỉnh liền kéo quân chạy theo Tây Sơn. Nguyễn Nhạc bèn cho Nguyễn Hữu Chỉnh ở lại giữ đất Nghệ An.
Quân Tây Sơn và Nguyễn Hữu Chỉnh đi rồi thì con cháu họ Trịnh trở về Thăng Long áp bức vua Lê. Vua Lê kêu cứu Nguyễn Hữu Chỉnh... Trong khi Nguyễn Huệ và Nguyễn Nhạc đánh nhau thì Nguyễn Hữu Chỉnh ở Nghệ An đem quân ra Thăng Long phò Lê diệt Trịnh. Phe ủng hộ chúa Trịnh bị Nguyễn Hữu Chỉnh đánh bại, chúa Trịnh bỏ chạy, vua Lê Chiêu Thống bèn cho người đốt phủ chúa. Nguyễn Hữu Chỉnh đương nhiên thay thế vai trò chúa Trịnh ngày trước ở Bắc Hà.
Được tin Nguyễn Hữu Chỉnh đi khỏi Nghệ An, Nguyễn Huệ liền sai Võ Văn Nhậm từ Hà Tĩnh đem quân ra chiếm Nghệ An và cho người theo dõi tình hình vua Lê ở Thăng Long. Từ tháng 11, 1786 đến tháng 5, 1787, Nguyễn Hữu Chỉnh nắm hết mọi quyền hành không coi vua Lê ra gì. Ông còn cho người mang thư vào Phú Xuân đòi Nguyễn Huệ trả lại đất Nghệ An cho vua Lê.
2. Nguyễn Hữu Chỉnh thao túng Bắc Hà nên bị quân Tây Sơn giết, Lê Chiêu Thống cầu viện nhà Thanh
Nguyễn Huệ được tin đó bèn sai Võ Văn Nhậm, con rể Nguyễn Nhạc, và hai tướng Ngô Văn Sở, Phan Văn Lân đem quân từ Nghệ An ra Bắc diệt Nguyễn Hữu Chỉnh. Ngày 01 tháng 11 Đinh Mùi (09/12/1787) quân của Nhậm vào Thăng Long, Nguyễn Hữu Chỉnh bị phanh thây. Vua Lê Chiêu Thống lẩn trốn trong dân chúng và lên tiếng kêu gọi cần vương, chống lại quân Tây Sơn. Một phái đoàn do Lê Quýnh cùng Thái Hậu qua Trung Hoa cầu viện nhà Thanh.
Trong khi Nguyễn Huệ bận đối phó với Nguyễn Nhạc ở Quy Nhơn và Nguyễn Hữu Chỉnh ở Bắc Hà thì Nguyễn Phúc Ánh từ Xiêm trở về Long Xuyên. Nhờ Nguyễn Văn Trương giúp, Nguyễn Phúc Ánh đã xây dựng được một lực lượng mới và được Bá Đa Lộc cùng một số người Pháp có tàu chiến giúp, đã chiếm lại toàn bộ đất Gia Định. Ngày 8 tháng 8 âm lịch năm Mậu Thân (tức 7 tháng 9, 1788) ông đã kéo quân vào Sài Gòn, Nguyễn Lữ chạy về Quy Nhơn và chết ở đó.
3. Nguyễn Huệ giết Võ Văn Nhậm
Võ Văn Nhậm thay Nguyễn Hữu Chỉnh cai trị đất Bắc Hà, ông cho lính đi lục xét từng nhà dân chúng để tìm lại các báu vật trong cung vua bị mất trong thời gian loạn lạc. Quân Tây Sơn tuy chiếm được Thăng Long nhưng lực lượng vua Lê chúa Trịnh vẫn còn ở các tỉnh. Đinh Tích Nhưỡng, Hoàng Viết Tuyển vẫn còn đóng quân ở vùng Hải Dương và Kinh Bắc (Bắc Ninh). Vì thế, ông phải huy động dân chúng ngày đêm xây thành đắp lũy để phòng bị. Võ Văn Nhậm cũng tỏ ra hống hách khiến cho những người ra cộng tác thì mất tin tưởng, những người chưa cộng tác thì lẫn tránh, ẩn thân nơi quê nhà. Võ Văn Nhậm là con rể của Nguyễn Nhạc mà giữa Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ đã có mối hiềm khích từ khi ra Bắc trở về năm 1786. Do đó, mặc dù Võ Văn Nhậm làm trấn thủ Bắc Hà, nhưng Nguyễn Huệ vẫn đặt Ngô Văn Sở theo dõi hành vi của Nhậm để mật báo cho ông biết. Theo Hoàng Lê Nhất Thống Chí (trang 173) và Đại Nam Liệt Truyện Chính Biên (quyển 30 trang 28, 30) thì Ngô Văn Sở khuyên Võ Văn Nhậm nên đặt quan cai trị đất Bắc, đừng đặt Lê Duy Cẩn làm Giám Quốc sau khi Lê Chiêu Thống bỏ trốn và đừng đóng quân ở trong thành. Nhưng Võ Văn Nhậm không chịu, ông muốn đặt Lê Duy Cẩn để ông đứng đằng sau điều khiển việc nước như Nguyễn Hữu Chỉnh trước đây. Lê Duy Cẩn là con của Lê Hiển Tông, anh của Ngọc Hân, người mà trước đây công chúa đã muốn đưa lên làm vua sau khi Lê Hiển Tông chết... nhưng hoàng gia lại muốn chọn cháu đích tôn của vua Lê là Lê Duy Kỳ tức Lê Chiêu Thống, theo di chiếu. Võ Văn Nhậm ngồi một chỗ ở Thăng Long và sai các tướng đi đánh dẹp các nơi. Thấy rõ tham vọng của Võ Văn Nhậm nên Ngô Văn Sở đã viết tờ trình bắt Phan Văn Lân cùng ký vào để gởi cho Nguyễn Huệ.
Nhận được thư của Ngô Văn Sở, Nguyễn Huệ đã tức tốc ra Bắc. Ông đến Thăng Long vào ban đêm, không cho Võ Văn Nhậm biết, chỉ có Ngô Văn Sở ra đón. Nguyễn Huệ đến ngay dinh của Võ Văn Nhậm, cho đọc bản án tuyên bố tội trạng, và sai một võ sĩ tên là Hoàng Văn Lợi thi hành bản án, chém đầu Võ Văn Nhậm ngay trước mặt ông rồi đặt Ngô Văn Sở lên thay. Nguyễn Huệ cũng thành lập ngay một Bộ Tham Mưu để giúp Ngô Văn Sở đối phó với tình hình. Bộ Tham Mưu gồm có các tướng của Tây Sơn như Phan Văn Lân, Nguyễn Văn Dũng, Nguyễn Văn Tuyết (cháu của Nguyễn Huệ)... và những người của vua Lê chúa Trịnh theo Tây Sơn như Phan Huy Ích, Ngô Thời Nhiệm, Ninh Tốn, Nguyễn Bá Lân... Những vị khoa bảng nhà Lê không theo Tây Sơn như Bùi Huy Bích (giữ chức Tham Tụng, tương đương Thủ Tướng), Phạm Quý Thích, Nguyễn Huy Trạc, Nguyễn Văn Hợp, v.v... đã bỏ về quê hoặc lánh mặt.
Nguyễn Huệ cho phép Ngô Văn Sở được quyền giải quyết mọi công việc không cần phải hỏi ý kiến của ông nhưng phải họp Bộ Tham Mưu bàn bạc, tính toán cho thật chu đáo. Ông khuyên mọi người không được phân biệt cũ, mới, không được hiềm khích chia rẽ.
Phải bắt cho được Lê Chiêu Thống mới ổn định được tình hình ở Bắc Hà, vì thế khi nghe tin Lê Chiêu Thống đang lẩn tránh tại làng Chí Linh tỉnh Hải Dương trong vùng Đinh Tích Nhưỡng kiểm soát, Ngô Văn Sở liền cho một toán quân nhỏ đi bắt vua. Nhưng toán quân nầy đã bị lực lượng của Trần Quang Chiêu ở địa phương giết sạch. Sở liền cho đại binh đến, nhưng vua đã trốn qua trấn Sơn Nam ở trong nhà Trương Đăng Quỹ và nhờ lực lượng của Hoàng Viết Tuyển bảo vệ. Ngô Văn Sở bắt cha mẹ, vợ con Hoàng Viết Tuyển viết thư khuyên Tuyển ra hàng. Nhưng Tuyển từ chối. Sở bèn cho cha mẹ vợ con của Tuyển ngồi thuyền đi trên sông bắc loa kêu gọi... Tuyển thấy vậy bèn rút quân, nhưng bất ngờ bị bao vây, quân Tuyển tan rã, Tuyển bỏ trốn. Vua được tin đó, cũng trốn vào vùng Thanh Hóa, Sở không tìm được.
4. Quân Thanh xâm lăng
Đoàn tùy tùng do Thái Hậu, mẹ vua Lê Chiêu Thống gồm 64 người qua Trung Hoa cầu viện nhà Thanh. Tổng đốc Lưỡng Quảng là Tôn Sĩ Nghị lợi dụng cơ hội đó đã tâu xin vua Càn Long (tức Cao Tông nhà Thanh) mượn danh nghĩa phò Lê để đem quân chiếm nước ta. Sách “Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục”, một bộ sử lớn nhất nước ta do Quốc Sử Quán triều Nguyễn biên soạn trong thế kỷ 19, quyển 47 trang 32-33 trích lại một đoạn trong tờ trình của Tôn Sĩ Nghị cho biết âm mưu thâm độc của nhà Thanh như sau: “Kẻ kế vị nhà Lê phải lưu lạc, nghĩa nên cứu giúp, vả lại An Nam là đất cũ của Trung Quốc, nên sau khi khôi phục nhà Lê, hãy dùng binh mà chiếm lấy, làm như thế vừa bảo tồn được nhà Lê, vừa lấy được An Nam, một công hai việc.”
Tháng 10 năm Mậu Thân (tức tháng 11, 1788) quân Thanh tuyển từ 4 trấn Quảng Đông, Quảng Tây, Quý Châu và Vân Nam, chia làm hai đường tiến xuống nước ta:
-Tôn Sĩ Nghị, Tổng Đốc Lưỡng Quảng làm Tiết Chế và Đề Đốc Hứa Thế Hanh làm Phó từ Quảng Tây đi vào Ải Nam Quan (Lạng Sơn)
-Ô Đại Kinh chỉ huy đạo quân từ Vân Nam xuống vào Đào Giang tiến đến Tuyên Quang.
-Sầm Nghi Đống, Tri Phủ Điền Châu chỉ huy đạo quân từ Điền Châu. (1)
-Thượng Duy Thanh, Tổng Binh Quảng Tây và Phó Tướng Khánh Thành chỉ huy quân Quảng Tây.
-Trương Triều Long,(2) Tổng Binh Quảng Đông và Phó Tướng Lý Hóa Long chỉ huy quân Quảng Đông.
Theo “Đại Thanh Thông Sử” (sử của nhà Thanh) trang 137 thì quân Thanh tất cả khoảng vài vạn: Tôn Sĩ Nghị và Hứa Thế Hanh có một vạn, để lại ở Vân Nam hai ngàn còn đem vào nước ta tám ngàn. Quân của Ô Đại Kinh gồm tám ngàn. Ngoài ra, số người Hoa buôn bán ở nước ta tập hợp được một vạn theo quân Thanh. Các sử gia căn cứ trên các tài liệu về quân lương (lương thực tiếp tế cho lính khi hành quân) thì quân chính quy của nhà Thanh khoảng hai vạn, cộng với quân mới tuyển chừng một vạn. Quân nhà Lê ở các tỉnh khoảng mười vạn người. Tính chung tất cả quân Thanh và quân của nhà Lê là mười ba vạn. Theo sử của ta thì quân Thanh có hai mươi vạn. Sử nhà Thanh cũng nói rõ, khi Tôn Sĩ Nghị vào nước ta, đã ra một thông báo nói là quân Thanh có năm mươi vạn, mục đích hư trương thanh thế, làm cho đối phương mất tinh thần chiến đấu.
Tôn Sĩ Nghị ban hành tám điều luật căn bản cho lính như sau:
1.Phải nghiêm chỉnh không được cướp bóc.
2.Phải cẩn thận kẻo bị mai phục.
3.Chỗ đóng quân phải vững chắc và phải đề phòng.
4.Phải có biện pháp hữu hiệu đánh với voi.
5.Dùng lá chắn bằng da trâu sống để chống hỏa hổ.
6.Phải làm cầu phao để qua sông, khi lội qua sông cạn phải giữ thuốc súng để khỏi bị ướt.
7.Củi, than, rau phải mua, không được cướp; nếu đi hái phải đề phòng; nước uống phải tránh nước độc.
8.Các quan phải coi xét việc hưu tuất (trợ cấp cho lính), phu và lính phải tử tế với nhau.
Căn cứ vào sử liệu nhà Thanh, chúng ta thấy Tôn Sĩ Nghị là người cẩn thận, không xem thường quân Tây Sơn.
Trấn Thủ Thăng Long là Ngô Văn Sở được tin, bèn họp các quan cũ nhà Lê bắt làm thư mang lên Ải Nam Quan cho Tôn Sĩ Nghị nói rằng trong lúc vua Lê Chiêu Thống mất tích tìm chưa ra, hào kiệt trong nước đã cử Lê Duy Cẩn (chú ruột của vua) lên làm Giám Quốc, xin hứa sẽ triều cống Trung Hoa và sẽ rước Thái Hậu trở về... mục đích để tìm kế hoãn binh. Nhưng Ngô Thời Nhiệm lại đề nghị rút quân cả thủy lẫn bộ về núi Tam Điệp và Biện Sơn để bảo toàn lực lượng, tránh đụng độ lúc ban đầu, đợi Nguyễn Huệ đem quân ra tăng cường, vừa để chờ xem thái độ quân Thanh và phản ứng của dân chúng như thế nào.
Kế hoạch nầy, về phương diện tâm lý chính trị đã làm cho địch trở nên kiêu căng, khinh thường không đề phòng. Dân chúng cũng cần có thời gian để hiểu rõ bộ mặt thật giả nhân giả nghĩa của quân Thanh và vai trò bù nhìn của vua Lê, từ đó mới ủng hộ cuộc chiến đấu chống xâm lăng của Tây Sơn. Như chúng ta đã thấy, kế hoạch nầy về sau quả thật linh nghiệm và Sở đã nghe theo lời của Ngô Thời Nhiệm.
Phái bộ Nguyễn Quý Nho được phái mang thư đến Nam Quan cho Tôn Sĩ Nghị đã không liên lạc được với quân Thanh vì cửa biên giới bị đóng và quân Thanh đã vào Đại Việt rồi nên phải quay về Thăng Long. Riêng Phan Văn Lân không chịu thi hành lệnh rút quân, ông đã đem quân đến sông Thọ Xương và đụng độ với đoàn quân Quảng Tây của Thượng Duy Thanh, rồi đoàn quân Quảng Đông của Trương Triều Long. Quân ta phải rút lui. Phan Văn Lân ra lệnh phá cầu phao. Địch kết bè qua sông.
Từ 13 tháng 11 năm Mậu Thân (1788) bắt đầu đụng độ với quân Thanh cho đến ngày 17, quân ta phải rút lui nhiều đợt. Đêm 19, quân ta lại phản công, Hứa Thế Hanh đích thân chỉ huy, cướp được một số thuyền nhỏ khoảng ba mươi chiếc và chở được hai ngàn lính qua sông. Quân Thanh xông vào đốt trại Tây Sơn, quân ta bỏ chạy tán loạn. Có người chạy vào các làng lân cận nhưng sáng hôm sau đều bị dân chúng bắt nộp cho quân Thanh. Riêng Phan Văn Lân thì phi ngựa chạy về Thăng Long rồi theo Ngô Văn Sở rút về Tam Điệp. Việc thất trận của Lân, Ngô Văn Sở dấu không cho mọi người biết.
Ngày 20 tháng 11 âm lịch (Mậu Thân), quân Thanh vượt qua sông Hồng Hà. Lúc đó quân Tây Sơn đã rút đi xa và ngày 21, đã tới Tam Điệp an toàn. Quân Thanh vào Thăng Long như chỗ không người. Vì chiến thắng quá dễ dàng nên họ đã trở nên kiêu căng và không còn nhớ đến tám điều quân lệnh của Tôn Sĩ Nghị nữa.
5. Dân chúng bất mãn về Lê Chiêu Thống và quân Thanh
Nghe tin quân Thanh vào nước ta, Lê Chiêu Thống liền cho Lê Duy Đản mang thư lên tận biên giới chào mừng và xin lỗi vì bị bệnh không đến được. Khi được tin quân Tây Sơn đã rút khỏi Thăng Long, vua cho các tướng đem nghĩa quân đi đóng giữ các nơi và chỉ giữ một ngàn quân để làm cận vệ. Khi quân Thanh vào Thăng Long thì vua từ Kinh Bắc cũng trở về theo sau quân Thanh. Vua cho người mang trâu, rượu đến dâng cho quân Thanh để khao quân. Ngày 20-11 Mậu Thân (1788), quân Thanh vào Thăng Long, các cựu thần và hoàng tộc nhà Lê ra đứng hai bên đường cùng dân chúng lạy tạ. Ngày 22 tháng 11 âm lịch, Tôn Sĩ Nghị đọc tuyên chiếu của vua nhà Thanh phong cho Lê Chiêu Thống làm An Nam Quốc Vương. Vua quỳ giữa sân điện Kính Thiên để nhận sắc phong. Vua thảo tờ biểu tạ ơn dâng lên vua Thanh, hứa sẽ đích thân sang chúc thọ bát tuần của vua Càn Long (1790, Canh Tuất)... Mỗi ngày vua phải thân hành đến dinh của Tôn Sĩ Nghị đợi lệnh. Cựu thần nhà Lê lục tục kéo về, họp nhau lên án những người theo Tây Sơn hoặc không hết lòng với vua khi vua lâm hoạn nạn. Họ cho như thế là đã yên thân rồi và không ai nghĩ đến chuyện đánh Tây Sơn. Vua quan nhà Lê cũng như quân Thanh tha hồ yến tiệc liên hoan. Bọn người Hoa sinh sống buôn bán ở nước ta tập hợp nhau thành một đạo quân, chúng dẫn đường cho quân Thanh đi cướp bóc, hãm hiếp dân lành. Hoàng Lê Nhất Thống Chí (ký sự lịch sử của Ngô Gia Văn Phái) viết rằng: “Giữa đồng, giữa chợ, họ (quân Thanh) cũng cướp giật tiền bạc, hãm hiếp đàn bà con gái không kiêng sợ gì.” Vua Lê cũng biết những chuyện đó nhưng không dám kêu trách! Dân chúng và trí thức Bắc Hà chán nản, thất vọng, lòng người ly tán... Trong tình thế đó, quân Tây Sơn trở lại, đánh đuổi quân Thanh, chắc chắn sẽ được dân chúng ủng hộ.
Theo chỉ thị của Càn Long gởi cho Tôn Sĩ Nghị thì quân Thanh chỉ đóng quân không đuổi theo Tây Sơn. Chờ Tây Sơn đánh nhau với quân nhà Lê. Nếu Nguyễn Huệ thua thì đặt nhà Lê lên, nếu Nguyễn Huệ thắng thì sẽ đánh Huệ, sau đó, chia nước làm hai. Từ Nghệ An trở ra trao cho vua Lê, từ Nghệ An trở vào trao cho Nguyễn Huệ... Quân Thanh chia ra đóng các đồn Hà Hồi, Ngọc Hồi, Vân Điển, và Khương Thượng, quân nhà Lê đóng ở Giản Thủy. Theo kế hoạch thì quân Thanh nghỉ ngơi, ăn Tết xong mới nói đến chuyện hành quân đi đánh Tây Sơn.
6. Nguyễn Huệ đối phó với quân Thanh
Ngô Văn Sở cho Nguyễn Văn Tuyết (tức đô đốc Tuyết, cháu của Nguyễn Huệ) vào Phú Xuân báo cáo tình hình Bắc Hà cho Nguyễn Huệ. Được tin quân Thanh đã vào nước ta, Nguyễn Huệ thét lên: “ Đồ chó má, sang đây để mà chết.” (Theo Vãn Lê Dị Sử, tr.66). Để cho danh chính ngôn thuận, Nguyễn Huệ đã quyết định lên ngôi hoàng đế, ông đã đổi tên là Nguyễn Quang Bình và lấy niên hiệu là Quang Trung. Việc đó có hai ý nghĩa:
-Thứ nhất, từ đây ông không còn là Nguyễn Huệ, em của Nguyễn Nhạc;
-Thứ hai, ông không còn là Bắc Bình Vương, tướng của Nguyễn Nhạc.
Không còn liên hệ gì với Nguyễn Nhạc, có nghĩa là không còn phải tuân lệnh của Nguyễn Nhạc, không còn chịu trách nhiệm về những việc làm sai trái, mất chính nghĩa của Nguyễn Nhạc. Bây giờ, ông là một nhân vật mới của giai đoạn lịch sử mới. Ông là Hoàng Đế của một giang sơn mới, có dân, có lãnh thổ, có triều đình và quân đội riêng để có thể nhân danh đất nước của mình, nhân danh dân tộc của mình mà hành động hợp với chính nghĩa bảo vệ tổ quốc, chống xâm lăng. Sử sách xưa như Hoàng Lê Nhất Thống Chí hay là sử nhà Nguyễn thường gọi Nguyễn Huệ là “Bình” khởi đi từ đó. Bình đây không phải là Bắc Bình Vương mà là Nguyễn Quang Bình. Các con của ông cũng lấy tên Nguyễn Quang như Nguyễn Quang Toản, Nguyễn Quang Thùy v.v....
Ông cho lập đàn, tế cáo trời đất và lên ngôi Hoàng Đế. Ngày 25 tháng 11 âm lịch năm Mậu Thân (22-12-1788) một cuộc diễn binh được tổ chức dưới chân núi Ba Vành (phía Nam Ngự Bình). Ông đọc tuyên cáo kêu gọi binh sĩ chiến đấu chống xâm lăng:
“...Quân Thanh sang xâm lấn nước ta hiện ở Thăng Long, các ngươi đã biết chưa? Trong khoảng vũ trụ, trời nào sao ấy, đều đã phân biệt rõ ràng. Phương Nam, Phương Bắc chia nhau mà cai trị... Từ đời Hán đến nay, chúng đã mấy phen cướp bóc nước ta, giết hại nhân dân, vơ vét của cải, người mình không thể chịu nổi, ai cũng muốn đuổi chúng đi. Đời Hán có Trưng Nữ Vương, đời Tống có Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành, đời Nguyên có Trần Hưng Đạo, đời Minh có Lê Thái Tổ. Các ngài không nở ngồi nhìn chúng làm điều tàn bạo, nên đã thuận lòng người dấy nghĩa binh, đều chỉ đánh một trận là thắng và đuổi chúng về phương Bắc. Ở các thời kỳ ấy, Bắc Nam riêng phận, bờ cõi lặng yên, các vua truyền ngôi lâu dài... Nay người Thanh lại sang, mưu đồ lấy nước Nam ta đặt làm quận huyện, không biết trông gương mấy đời Tống, Nguyên, Minh ngày xưa. Vì vậy, ta phải kéo quân ra đánh đuổi chúng về” (Hoàng Lê Nhất Thống Chí).
Ngày 29 tháng 11 Mậu Thân (1788), vua Quang Trung chỉ huy đạo quân Thuận Quảng lên đường từ Huế ra Nghệ An. Đây là đạo quân tinh nhuệ đã giúp vua bách chiến bách thắng trong các trận đánh bại quân Xiêm, quân Trịnh, và mới đây đánh Nguyễn Nhạc ở Quy Nhơn. Trong đạo quân nầy có voi, ngựa, thuyền lớn v.v... Tới Nghệ An, ở lại đó 10 ngày để tuyển thêm quân, cứ ba người dân thì chọn một người khỏe mạnh cho làm lính. Đất Nghệ An vốn là đất anh hùng, không thiếu gì hạng trai tráng khỏe mạnh, biết võ nghệ, biết chiến đấu. Còn những người dân ở hai bên bờ sông Gianh cũng đã từng quen chinh chiến hàng trăm năm rồi. Quang Trung chỉ cần huấn luyện cấp tốc những điều căn bản là họ có thể chiến đấu. Tại đây ông cũng đã tiếp xúc với La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp, một danh sĩ đương thời, ẩn dật không hợp tác với họ Trịnh. Nguyễn Thiếp đã hiến kế và cho rằng kế hoạch của Ngô Thời Nhiệm đưa ra là hợp lý.
Vua Quang Trung có trong tay khoảng mười vạn quân và trên dưới hai trăm con voi (có tài liệu nói hơn 100 voi). Lính Thuận Quảng làm tiền quân và lính Nghệ An làm trung quân. Thời xưa chỉ có vua và tướng mới đi ngựa hay voi. Lính phải đi bộ. Vua ra lệnh cứ ba người lính thì dùng một cái cáng, hai người gánh, một người nghỉ, thay nhau đi suốt ngày đêm cho mau. Từ Huế ra đến Tam Điệp khoảng 500 cây số chỉ đi trong 10 hôm (Nghỉ ở Nghệ An 10 hôm để tuyển thêm quân). Hơn 20 ngày sau, tức 20 tháng Chạp, quân đến Tam Điệp. Vua gặp Ngô Văn Sở và Ngô Thời Nhiệm khen kế hoạch Ngô Thời Nhiệm đưa ra. Vua cũng không trách phạt Ngô Văn Lân thua trận. Sau khi bố trí kế hoạch hành quân, ngày 30 tháng Chạp trong khi cho lính ăn Tết trước, vua Quang Trung tuyên bố: “Nay hãy ăn Tết Nguyên Đán trước, đợi đến sang Xuân, ngày mồng 7 vào thành Thăng Long sẽ mở tiệc lớn. Các ngươi hãy ghi nhớ lấy lời ta xem có đúng không?” Lời tuyên bố đầy tin tưởng, đầy quyết thắng ấy làm nức lòng binh sĩ, làm cho họ hăng say chiến đấu và đã đem lại thắng lợi. Vua Quang Trung cũng gởi cho Tôn Sĩ Nghị một bức thư chê Nghị là quan văn mà dám đem quân sang Đại Việt...
Theo kế hoạch thì:
-Ngô Văn Sở và Phan Văn Lân chỉ huy Tiền quân đi tiên phong.
-Hô Hổ Hầu lãnh Hậu quân tiếp ứng cho Tiền quân.
-Đại Đô Đốc Lộc và Đô Đốc Tuyết chỉ huy Hữu quân cùng Thủy quân đi đường biển vào sông Lục Đầu. Đô Đốc Tuyết sẽ kiểm soát vùng Hải Dương, Đô Đốc Lộc kiểm soát vùng Lạng Giang, Phượng Nhãn, Yên Thế chặn đường quân Thanh chạy về.
-Đô Đốc Bảo và Đô Đốc Mưu chỉ huy Tả quân và Tượng quân đi đường núi xuống mặt phía Tây, vào Chương Đức, làng Nhân Mục, huyện Thanh Trì đánh đạo quân Điền Châu. Đô Đốc Bảo chỉ huy đoàn voi theo đường huyện Sơn Lãng ra Đại Áng tiếp ứng cho mặt tả.
-Vua Quang Trung chỉ huy Trung quân, vượt Sơn Nam, tấn công vào Bộ Chỉ Huy của Tôn Sĩ Nghị.
Quân ta lên đường vào 30 Tết, trong lúc quân Thanh còn đang vui chơi ăn Tết không hay biết và cũng không đề phòng. Đến đồn Giản Thủy, tướng nhà Lê là Lê Phùng Nghĩa, trấn thủ Sơn Nam đóng ở đó, không đánh mà bỏ chạy. Đêm 3 Tết, quân ta đến vây đồn Hà Hồi, tiền đồn của Ngọc Hồi (huyện Thường Tín, Hà Đông), nửa đêm dùng loa hô một tiếng, quân sĩ dạ vang. Địch sợ cuống quýt, xin hàng. Ta tịch thu nhiều quân trang, khí giới. Trận nầy quân ta chiến thắng quá dễ dàng.
Tại đồn Ngọc Hồi, quân Thanh bố trí phòng thủ kiên cố, có thành lũy chắc chắn, trên thành có đặt đại bác, bên ngoài vòng rào có địa lôi. Vua Quang Trung ra lệnh kết ba tấm ván thành một bức, bện rơm ướt cho 10 người khiêng đi trước, mang theo đoản đao. Có 20 người theo sau với đầy đủ khí giới. Voi tiên phong mở đường tiến vào.(3) Gần sáng mồng 5, quân ta đánh đồn Ngọc Hồi. Trong đồn không liên lạc được với Hà Hồi nên không biết Hà Hồi đã bị quân ta chiếm. Đạn trong đồn Ngọc Hồi bắn ra như mưa. Voi của ta xông vào phá lũy, lính theo sau, gần giáp địch thì bỏ ván, nhảy ra đánh cận chiến, dùng đoản đao rất lợi hại. Toán sau, với đầy đủ khí giới cũng xông vào. Quân Thanh bị chết rất nhiều, trốn ra ngoài đạp trúng địa lôi của ta mai phục và bị voi của ta chà đạp... Ngọc Hồi cách Thăng Long khoảng 14 cây số là một căn cứ chiến lược quan trọng, do Hứa Thế Hanh là Phó Tướng của Tôn Sĩ Nghị chỉ huy. Các đồn Văn Điển, Yên Quyết gần đó cũng bị quân ta chiếm. Các tướng Hứa Thế Hanh, Trương Triều Long, Thượng Duy Thanh của nhà Thanh đều tử trận.
Tôn Sĩ Nghị ở Thăng Long được tin báo liền cho Dương Hồng Nghiệp cùng 20 kỵ sĩ, có hai người Việt Nam là Phạm Khải Đức và Lê Quang Châu theo để thăm dò tình hình. Nhưng không kịp nữa rồi vì quân Tây Sơn đã đến Thăng Long với cờ dong, trống mở, đại bác nổ rền trời. Tôn Sĩ Nghị không kịp mang áo giáp, thắng yên cương, lên ngựa chạy về hướng Bắc, bỏ lại cả ấn tín và giấy tờ quan trọng. Tại Yên Phụ, thấy lính của mình chạy qua cầu quá đông nên Tôn Sĩ Nghị ra lệnh cắt đứt cầu để chạy cho nhanh và tránh quân Tây Sơn đuổi theo. Lính Thanh rơi xuống sông, chết rét, chết đuối rất nhiều. Chạy đến Phượng Nhãn (Bắc Ninh) bị Đô Đốc Lộc đuổi, phải chạy tiếp không nghỉ chân được. Thuật lại lời của một vị tướng dưới quyền của Tôn Sĩ Nghị, sách “An Nam Quân Doanh Kỷ Yếu” của Trần Nguyên Nhiếp viết rằng: “Tôi với Chế Hiếu (Tôn Sĩ Nghị) đói cơm, khát nước, không kiếm đâu ra được ăn uống, cứ phải đi suốt bảy ngày, bảy đêm mới đến trấn Nam Quan.” Sách Hoàng Lê Nhất Thống Chí viết rằng: “Tôn Sĩ Nghị sợ vỡ mật, ngựa không kịp đóng yên, người không kịp mặc giáp, dẫn bọn lính kỵ mã của mình chuồn trước qua cầu phao, rồi nhắm hướng Bắc mà chạy.” (bản dịch của Nguyễn Đức Vân... sđd, trang 226). Theo Đại Nam Liệt Truyện Chính Biên, các sử gia nhà Nguyễn đã thuật lại hoàn cảnh của quân Thanh sau trận Ngọc Hồi như sau “Đô đốc nước Thanh là Hứa Thế Hanh, Tổng binh là Trương Triều Long, Thượng Duy Thăng, Tri phủ Điền Châu là Sầm Nghi Đống đều chết cả. Tôn Sĩ Nghị ở bãi cát nghe tin báo, một mình cỡi ngựa chạy về Bắc, tướng sĩ tranh cầu để sang sông, cầu gãy ôm lấy nhau xô nhau lăn xuống sông chết đuối kể đến hàng vạn, nứơc sông Nhị Hà vì thế chảy không được” (ĐNLTCB,sđd, bản dịch, trang 519)
Đạo quân Vân Nam và Quý Châu đóng ở vùng Phú Thọ, Vĩnh Yên nghe tin Tôn Sĩ Nghị đã bỏ chạy, cũng rút quân chạy về. Vua Quang Trung ra lệnh cho quân ta đuổi theo cho đến tận biên giới. Người Hoa ở gần Lạng Sơn thấy quân Thanh rút chạy vội vàng như thế, nên cũng bỏ nhà cửa kéo nhau chạy theo, từ cửa ải về phía Bắc mấy trăm dặm không có một bóng người: “Huệ sai quân đuổi theo đến cửa ải Lạng Sơn, nói phao lên rằng quân qua cửa ải đánh giết không sót người nào, cốt tìm cho được chỗ Chiêu Thống đế ở. Người nước Thanh cả sợ, từ cửa quan trở về mạn Bắc, người già, trẻ con bồng bế nhau chạy, vài trăm dặm tuyệt không có người ở.” (Đại Nam Liệt Truyện Chính Biên, sđd. tr.519).
Sầm Nghi Đống ở gò Đống Đa (gần Thái Hà ấp, bên ngoài thành Thăng Long) vì không biết tình hình nên chống cự lại quân ta. Hai bên đánh nhau từ sáng đến chiều, quân Thanh không có viện binh, Sầm Nghi Đống lên đồi thắt cổ tự tử. Chỗ đó gọi là Loa Sơn. Quân Thanh chết hàng ngàn, chôn chung một ngôi mộ tại Gò Đống Đa.
Lê Chiêu Thống cũng theo đám dân chạy loạn ra khỏi thành trốn qua Trung Hoa cùng đám cận thần nhà Lê và một số gia đình họ. Trưa mồng 6, vua Lê đến Kinh Bắc, và sau đó gặp Tôn Sĩ Nghị tại Ải Nam Quan.: “Vua Lê trong điện, nghe tin có việc biến ấy, vội vã cùng bọn Lê Quýnh, Trịnh Hiến đưa Thái hậu ra ngoài. Cả bọn chạy đến bờ sông thì thấy cầu phao đã đứt, thuyền bè cũng không, bèn gấp rút chạy đến Nghi Tàm thình lình gặp được chiếc thuyền đánh cá, vội cướp lấy rồi chèo sang bờ Bắc. Trưa ngày mồng 6, vua Lê và những người tùy tùng chạy đến núi Tam Tằng, nghe nói Tôn Sĩ Nghị đã đi khỏi đó.” (Hoàng Lê Nhất Thống Chí, bản dịch của Nguyễn Đức Vân, sđd. trang 226)
Tôn Sĩ Nghị ra lệnh thiêu hủy tất cả đạn dược dự trữ tại biên giới rồi về triều chịu tội với nhà Thanh. Trong sách “Cao Tông Thực Lục” (sử nhà Thanh viết về vua Càn Long) có ghi lại lời tâu của Tôn Sĩ Nghị gởi lên vua Càn Long (Cao Tông nhà Thanh) như sau:
“Ngày 25 tháng Giêng (Kỷ Dậu) năm Cao Tông thứ 54 (19/2/1789) Tổng đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị tâu rằng: sau khi thành nhà Lê (Thăng Long) được thu phục, vị trí dải đất về phía Nam thành tiếp giáp với đất giặc (Tây Sơn). Theo lời Lê Duy Kỳ (Lê Chiêu Thống) báo, ngày mồng 2 tháng Giêng năm nay quân lính của viên Quốc vương phòng thủ nơi này bị giặc đánh đuổi, bọn chúng rêu rao rằng sẽ trả thù rửa hận. Thần sai quan binh đến tiểu trừ, đánh bại bọn giặc. Rồi Lê Duy Kỳ nghe tin Nguyễn Huệ thân tới, sợ hãi gan mật tê liệt, tay bế con nhỏ, cùng với mẹ chạy trốn qua sông Phú Lương, khiến dân tình hoảng hốt, người người trong nước rần rần chạy loạn. Thần cùng Đề đốc Hứa Thế Hanh lại đốc suất quan binh quyết tâm huyết chiến, nhưng không địch nổi, vì giặc quá đông, vây kín đại binh bốn phía. Từ đó Thần và Đề đốc Hứa Thế Hanh không thấy mặt nhau nữa. Thần phá vòng vây, tiến thẳng tới cầu nổi, ra lệnh Tổng binh Lý Hóa Long qua sông để chiếm lấy bờ phía Bắc. Lý Hóa Long đi đến giữa cầu, chẳng may trượt chân rơi xuống nước. Thần ra lệnh Phó tướng Khánh Thành quay đầu bắn súng điểu thương chặn địch, rồi mang binh từ từ theo cầu nổi tới bờ phía Bắc, đoạn rút về sông Thị Cầu trú đóng. Một mặt cho người chạy đến vùng Lạng Sơn, ải Nam Quan tìm mẹ con Lê Duy Kỳ, tạm trú bọn họ tại quan ải. Thần mang trọng trách không làm xong việc sớm, lần này lại bị giặc đánh chặn, xin được cách chức trị tội về việc điều binh sai lầm để làm răn.” (Cao Tông Thực Lục, quyển 1321 tờ 868, bản dịch, trích tài liệu của Hồ Bạch Thảo, đăng trên đặc san Tây Sơn Bình Định, Xuân Bính Tuất 2006, trang 145-146)
Vua Quang Trung vào thành Thăng Long hôm 5 Tết Kỷ Dậu (30-01-1789) , sớm hơn dự tính hai hôm, chiến bào nhuộm đầy khói thuốc súng. Dân chúng kéo nhau ra đường chào mừng đoàn quân chiến thắng.
7. Bổ túc về trận Ngọc Hồi: Quân Tây Sơn đã khiêng những tấm ván lớn hay đã dùng những bó rơm lớn lăn tròn đi trước để đỡ đạn?
Trong trận Ngọc Hồi có một số chi tiết mà các sử gia ghi chép khác nhau:
Quân Tây Sơn dùng ba tấm ván ghép lại có bện rơm trộn đất ướt làm bình phong đỡ đạn và tiến theo hàng ngang hay dùng rơm bó lại thành từng bó lớn tẩm nước và lăn đi trước, lính núp đàng sau?
Theo Trần Trọng Kim (Việt Nam Sử Lược) và Nguyễn Phương (Việt Nam Thời Bành Trướng: Tây Sơn) thì Nguyễn Huệ ra lệnh cho quân Tây Sơn “ kết ba tấm ván thành một bức bện rơm ướt cho 10 người khiêng đi trước, mang theo đoản đao. Có 20 người theo sau với đầy đủ khí giới. Voi tiên phong mở đường tiến vào.” Sách Đại Nam Liệt Truyện Chính Biên do Quốc Sử Quán Nhà Nguyễn biên soạn cũng chép:
“Mờ sáng mồng 5, tiến sát đến lũy Ngọc Hồi, trên lũy đạn bắn xuống như mưa, Huệ sai chiến sĩ đội ván gỗ để xông vào trận, mà tự thúc voi đốc đằng sau. Khi đã phá được cửa lũy, đều ném ván gỗ xuống đất, đem dao ngắn chém bừa đi, quân nước Thanh chống chọi không được, tan vỡ chạy ra bốn mặt gặp máy chôn ngầm, lại bị chấn địa lôi nổ ra, chết và bị thương rất nhiều” (Đại Nam Liệt Truyện Chính Biên, quyển 30, bản dịch của Viện Sử Học Hà Nội, nhà xuất bản Thuận Hóa 1993, trang 518). Hoàng Lê Nhất Thống Chí (Ngô Gia Văn Phái) cũng diễn tả như vậy:
“Vua Quang Trung lại truyền lấy 60 tấm ván, cứ ghép liền ba tấm thành một bức, bên ngoài lấy rơm dấp nước phủ kín, tất cả là 20 bức. Đoạn kén loại lính khỏe mạnh, cứ 10 khiêng một bức, lưng giắt dao ngắn. Hai mươi người khác đều cầm binh khí theo sau, dàn thành trận chữ “nhất”; vua Quang Trung cưỡi ngựa voi đi đốc thúc, mờ sáng ngày mồng 5 tiến sát đồn Ngọc Hồi. Quân Thanh nổ súng bắn ra chẳng chết người nào cả. Nhân có gió Bắc, quân Thanh bèn dùng ống phun khói lửa ra, khói tỏa mù trời, cách gang tấc không thấy gì, hòng làm cho quân Nam rối loạn. Không ngờ trong chốc lát trời bỗng trở gió Nam, thành ra quân Thanh lại tự làm hại mình.
Vua Quang Trung liền sai đội khiêng ván vừa che vừa xông thẳng lên phía trước. Khi gươm giáo hai bên đã chạm nhau thì quăng ván xuống đất, ai nấy cầm dao ngắn chém bừa; những người cầm binh khí theo sau cũng nhất tề xông tới mà đánh. Quân Thanh chống không nổi bỏ chạy tán loạn, dày xéo lên nhau mà chết. Tên Thái thú Điền Châu Sầm Nghi Đống tự thắt cổ chết. Quân Tây Sơn thừa thế chém giết lung tung, thây nằm đầy đồng, máu chảy thành suối, quân Thanh đại bại.”
(Hoàng Lê Nhất Thống Chí, bản dịch của Nguyễn Đức Vân và Kiều Thu Hoạch, trang 223-224)
Nhưng, theo “Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục” (do Quốc Sử Quán nhà Nguyễn biên soạn) thì nói rằng Quân Tây Sơn “đã dùng những bó rơm to lớn che đỡ mà lăn xả vào” chứ không dùng “ván gỗ che đỡ”...
Để hiểu rõ diễn tiến tình hình chiến sự giữa quân Tây Sơn và quân nhà Thanh lúc đó, chúng tôi xin trích lại toàn bộ đoạn văn trong sách “Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục” như sau:
“Kỷ Dậu năm thứ 3 (1789) (Thanh, năm Càn Long thứ 54 ). Mồng 1 tháng Giêng... Mùa Xuân Quân nhà Thanh đánh nhau với Nguyễn Văn Huệ ở địa phận hai huyện Thượng Phúc và Thanh Trì, bị thua: bọn đề đốc Hứa Thế Hanh, tiền phong Trương Sĩ Long, tả dực Thượng Duy Thăng và tri phủ Điền Châu Sầm Nghi Đống đều chết trận; Tôn Sĩ Nghị phải chạy về Quảng Tây...
Sĩ Nghị từ khi qua cửa ải, đến đâu được đấy, có ý khinh địch. Lấy được Thăng Long rồi, Sĩ Nghị tự cho rằng thế là xong việc. Những hào kiệt ở các trấn đi ứng nghĩa đều đua nhau đến cửa quân xin Sĩ Nghị tiến binh, nhưng đều bị bỏ qua, không được hỏi đến. Kịp khi được thủ chiếu của vua Thanh ra lệnh cho Sĩ Nghị phải khôi phục hết đất đai cho Lê vương, mới được rút quân về, Sĩ Nghị bấy giờ mới tính đến mưu kế tiến hành.
Đến đây, quân Văn Huệ kéo đến đèo Ba Dội (Tam Điệp Sơn), nhà vua được tin, lấy làm lo sợ, hỏi Sĩ Nghị về mưu kế, Sĩ Nghị nói: "Ta cứ thế thong thả để chờ đợi ứng phó với kẻ đang nhọc nhằn, cần chi phải hấp tấp đánh vội.” Thế rồi Sĩ Nghị dương dương tự đắc, không để ý đến nữa.
Giặc ruổi dài ra Bắc, không có lấy một người hay một quân kỵ nào chống lại cả. Khi giặc đến Sơn Nam, Sĩ Nghị sai đề đốc Hưa Thế Hanh đem quân tứ dực đi trước, chia đóng ở Hà Hồi và Ngọc Hồi để chống cự lại.
Ngày 4 tháng Giêng ấy, quân lưu động của giặc đến trước, hễ đánh trận nào thì thua luôn trận ấy. Sĩ Nghị rất coi khinh.
Hồi trống canh năm sớm hôm sau. Văn Huệ xắn tay áo đứng dậy, đốc thúc bản bộ lùa quân rầm rộ tiến lên. Chính Văn Huệ tự mình đốc chiến, cho hơn trăm voi khỏe đi trước. Tờ mờ sáng, quân Thanh lùa toán quân kỵ tinh nhuệ ồ ạt tiến. Chợt thấy bầy voi, ngựa quân Thanh đều sợ hãi, hí lên, tế chạy, lồng lộn quay về, chà đạp lẫn nhau. Giặc lại lùa voi xông đến: quân Thanh, trong cơn gấp rút, không cứu nhau được, ai nấy rút vào trong lũy để cố thủ. Bốn mặt đồn lũy quân Thanh đều cắm chông sắt, súng và tên bắn ra như mưa. Giặc (Tây Sơn) dùng những bó rơm to lớn để che đỡ mà lăn xả vào, rồi quân tinh nhuệ tiến theo sau. Kẻ trước ngả, người sau nối, thảy đều trổ sức liều chết mà chiến đấu. Các lũy quân Thanh đồng thời tan vỡ và quân Thanh đều chạy. Giặc đuổi đến đồn Nam Đồng, thừa thắng, ập lại giết chết. Quân Thanh bị chết và bị thương đến quá nửa. Thế Hanh, Tiên phong Trương Sĩ Long (Trương Triều Long) và tả dực Thượng Duy Thăng đều chết trận. Sầm Nghi Đống đóng đồn ở Loa Sơn (tục gọi Đống Đa), bị một tướng khác của giặc đánh. Quân cứu không có, Nghi Đống phải tự thắt cổ chết. Toán thân binh của Nghi Đống cũng tự ải chết theo đến vài trăm người.
Bấy giờ ở nơi màn trướng, thình lình được tin quân giặc đã bức bách gần Thăng Long. Sĩ Nghị không biết xoay xở ra sao, bèn nhổ đồn lũy, vượt qua sông, chạy. Cầu gãy, người bị chết vô kể”.
(Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, quyển XLVII, bản dịch của Viện Sử Học Hà Nội, 1998, tr.845- 847)
(Xin lưu ý: sử nhà Nguyễn thường gọi Tây Sơn là Giặc hay Ngụy Tây).
“Thanh Thông Giám” (sử nhà Thanh) cũng nói rằng quân Tây Sơn dùng những bó rơm lớn lăn tròn để làm bia đỡ đạn... Xin đọc đoạn văn sau đây trích từ sử nhà Thanh để so sánh:
“Ngày mồng 5 tháng Giêng: Quân Thanh bị bại. Tôn Sĩ Nghị mang tàn quân chạy về Bắc.
Vào cuối năm ngoái (Mậu Thân, 1788) quân của Nguyễn Huệ nước An Nam vượt sông Gián Thủy đánh bại quân phòng thủ của Lê Duy Kỳ (Lê Chiêu Thống), lại bắt toán quân Thanh tuần thám giết sạch. Ngày mồng hai, Tôn Sĩ Nghị được tin hoảng hốt ngự địch; ra lệnh Tổng binh Trương Triều Long mang 3000 quân tăng cường cho các đồn Hà Hồi, Ngọc Hồi để chống cự, lại ra lệnh cho Đề đốc Hứa Thế Hanh mang 1500 tên, tự đốc suất 1200 tên để tiếp ứng. Quân Nguyễn Huệ tiến tới đông như ong vây đồn 4 phía, đánh nhau một ngày một đêm, quân Thanh bị đánh tan bèn bỏ chạy.
Vào canh năm ngày này (mồng 5) Nguyễn Văn Huệ mang đại binh tiến đánh, thân tự đốc chiến, dùng 100 thớt voi khỏe làm tiên phong. Rạng sáng quân Thanh cho kỵ binh nghênh địch. Vào giờ Ngọ quân Nguyễn bắn hỏa châu, hỏa tiễn tới tấp; lại dùng rạ bó to lăn mà tiến đều, khinh binh theo sau, trước ngã sau tiến lên một lòng quyết chiến, tại các trại quân Thanh đồng thời tan vỡ, quân Nguyễn thừa thắng chém giết, quân Thanh tử thương quá nửa.
Đề đốc Hứa Thế Hanh thấy thế lực nhiều ít rõ ràng, bảo gia nhân đem ấn triện Đề đốc mang đi, rồi ra sức đánh, bị chết tại trận. Lúc này quân địch càng bị giết càng nhiều, chia cắt quân Thanh từng nhóm rồi vây kín. Thống soái Tôn Sĩ Nghị mất liên lạc với Hứa Thế Hanh và các đại viên Đề trấn; bèn ra lệnh Phó tướng Khánh Thành, Đức Khắc Tinh Ngạch mang 300 quân đoạt vây chạy về phía Bắc. Khi tàn quân của Tôn Sĩ Nghị chạy đến bờ sông, thì số quân Thanh 3000 tên trú đóng tại bờ phía Nam đã được Tổng binh Thượng Duy Thanh mang đi tiếp ứng cho Hứa Thế Hanh, bèn ra lệnh cho Tổng binh Lý Hóa Long vượt qua cầu nổi chiếm cứ bờ phía Bắc, để tiện việc yểm hộ qua sông. Không ngờ Lý Hóa Long đi đến giữa cầu, trượt chân rơi xuống nước chết, số quân mang đi kinh hãi không biết làm gì. Tôn Sĩ Nghị ra lệnh Khánh Thành yểm hộ mặt sau bằng cách bắn súng điểu thương vào quân Nguyễn Văn Huệ đang truy kích, riêng mình tự mang quân theo cầu nổi lui về bờ phía Bắc, rồi lập tức cho chặt đứt cầu nổi, cùng với bọn Khánh Thành rút lui về sông Thị Cầu.
Quân Thanh tại phía Nam sông thấy cầu đã bị đứt chìm, không có đường về, bèn đánh trở lại thành nhà Lê. Các Tổng binh Thượng Duy Thăng, Trương Triều Long, Phó tướng Na Đôn Hành, Tham tướng Dương Hưng Long, Vương Tuyên, Anh Lâm đều tử trận. Tri châu Điền Châu Sầm Nghi Đống không được viện binh đành tự tử, số thân binh tự tử cũng đến hàng trăm. Quốc vương An Nam Lê Duy Kỳ vào lúc binh thua, tới dinh Tôn Sĩ Nghị họp bàn, thấy Tôn Sĩ Nghị đã bỏ chạy, bèn hoảng hốt vượt sông chạy lên phía Bắc, đến đây nhà Lê diệt vong.
Nguyễn Văn Huệ xua quân tiến vào thành, chiến bào mặc trên người nhuốm đen, do bởi thuốc súng. Đề đốc Ô Đại Kinh mang đạo quân Thanh tại Vân Nam xuất phát từ Mã Bạch quan vào ngày 20 tháng 11 năm ngoái (Mậu Thân, 1788), đến Tuyên Quang vào ngày 21 tháng 12; khi đến sông Phú Lương thấy cầu nổi bằng tre đã bị chìm đứt, nhìn sang bên kia bờ thấy lửa rực bốn phía, bèn triệt hồi Tuyên Quang, rồi lập tức lui vào trong nước”.
(Thanh Thông Giám, quyển 146, trang 4565 – 4567, trích dịch tài liệu của Hồ Bạch Thảo, đăng trong Đặc San Tây Sơn Bình Định, Xuân Bính Tuất 2006, trang 145)
8. Nhận Định Tình Hình Và Chủ Trương Của Vua Càn Long Sau Khi Vua Quang Trung Đại Thắng Quân Thanh
Nhận được tờ tấu của Tôn Sĩ Nghị, để vớt vát thể diện cho danh tiếng của quân đội thiên triều, một đại cường quốc tại Á Châu thời bấy giờ, vua Càn Long đã ra tờ dụ cho các Quân Cơ Đại Thần với mục đích tìm kiếm hòa bình, không đem quân trả thù:
“Trẫm trước kia đã cho rằng Lê Duy Kỳ mềm yếu không có khả năng, xem ra trời đã ghét họ Lê nên không thể hỗ trợ được, mà dân tình An Nam lại phản phúc khó tin; nên đã giáng chỉ dụ lệnh Tôn Sĩ Nghị cấp tốc triệt binh. Nếu như Tôn Sĩ Nghị nhận được chỉ dụ bèn lập tức triệt hồi, thì ngày hôm nay đại quân đã về đến cửa quan ải rồi. Nay Nguyễn Huệ dám ra mặt chặn đánh, nguyên do là Tôn Sĩ Nghị hy vọng Nguyễn Huệ sẽ hối lỗi đầu hàng để mọi việc được hoàn mỹ, nên chần chừ ngày giờ, mới xảy ra như vậy. Hiện tại vào tiết mùa Xuân, tại nơi này mưa nhiều, lắm chướng khí; nếu muốn cử đại binh cũng chưa phải lúc. Huống chi các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây trước đây tiếp tục điều binh, thì đã ra lệnh đình chỉ; nay lại rầm rộ truyền hịch điều động, thì cũng không đáp ứng được tình hình khẩn cấp, mà lại khiến cho lòng người thêm kinh hãi. Nói tóm lại đem binh triệt hồi, vẹn toàn quốc thể là điều cốt yếu” (Cao Tông Thực Lục, sđd, quyển 1321, tờ 868, bản dịch của Hồ Bạch Thảo, đăng trong Đặc San Tây Sơn Xuân Bính Tuất 2006 trang146-147 như trên).
Tiếp theo lời dụ nầy, vua Càn Long đã nhận xét về hoàn cảnh của Tôn Sĩ Nghị như sau:
“Tôn Sĩ Nghị là người thống suất toàn quân, không thể làm việc mạo hiểm; viên Tổng đốc phá vòng vây để ra, hành động này rất đúng. Thứ đến, Hứa Thế Hanh là viên chức lớn với cấp bực Đề đốc cũng rất quan hệ; hiện nay chưa có tin tức, đang hết sức trông ngóng. Hai người phải lưu tâm thận trọng, đốc suất quan binh đến ải gấp. Theo lời tâu của Tôn Vĩnh Thanh thì Lê Duy Kỳ đến quan ải vào ngày 7 tháng Giêng, (Kỷ Dậu, 1789) hiện cho trú tại Nam Ninh. Bàn về việc hành quân từ trước tới nay không phải mỗi lần ra quân đều thuận lợi, như các cuộc hành quân tại Tân Cương, Tây Lộ, cho đến Lưỡng Kim Xuyên đều có những tổn thất nhỏ rồi mới thành công. Lần nầy Tôn Sĩ Nghị mang quân đến An Nam đánh giặc thành công quá dễ, nay có sự tổn thất biết đâu đây chính là Nguyễn Huệ tự mang lấy mầm diệt vong vậy. Tôn Sĩ Nghị và Hứa Thế Hanh hãy mang quân ra cho vẹn toàn, đừng làm tổn thương quốc thể; tương lai có liệu biện việc này hay không do chính Trẫm thao túng, rồi sẽ từ từ quyết định. Còn việc Tôn Sĩ Nghị tâu xin cách chức trị tội, thì việc tổn thương này ngoài ý muốn, không phải do viên Tổng đốc lầm lỡ mạo muội, tại sao lại tâu như vậy! Viên Tổng đốc phải gia tăng trấn tĩnh để lo liệu việc triệt thoái, chớ nên hoang mang ý loạn, đó là điều hết sức quan trọng. Chắc bọn Nguyễn Huệ cũng không dám xâm phạm biên giới của Thiên triều.” (Cao Tông Thực Lục, quyển 1321 tờ 868- 869, sđd, như trên)
Rồi nhà vua chỉ thị đem quân đi tiếp ứng để phòng thủ biên giới:
“ Tuy nhiên dọc theo quan ải cần dàn binh lực để làm mạnh thanh thế và chuẩn bị việc tiếp ứng. Hiện theo lời tâu của Tôn Vĩnh Thanh đã điều một ngàn quân tiến trước hợp với quân phòng thủ gồm 3000 tên sẽ lo điều động thêm. Nay dụ Tôn Vĩnh Thanh hãy tính toán kỹ, nếu số binh lính không đủ dùng, thì có thể một mặt tiếp tục điều tại các doanh, một mặt tấu lên. Quân Quảng Tây hiện đang triệt hồi, còn đạo quân Vân Nam do ngã Tuyên Quang An Biên cũng phải triệt thoái gấp. Quân lính tại các doanh đồn trú tại Vân Nam tương đối nhiều, nếu quân số dưới quyền của Phú Cương và Ô Đại Kinh hiện nay không đủ dùng, thì đừng ngại lấy thêm quân từ các doanh để phòng thủ dọc biên giới, khiến cho thanh thế càng thêm mạnh mẽ.”
(Cao Tông Thực Lục, quyển 1321 tờ 869, sđd như trên)
(Xin lưu ý: Ông Hồ Bạch Thảo có nhận xét: Theo Thanh Thông Sử: số quân 3000 người mà Tôn Vĩnh Thanh điều động cho công tác phòng thủ biên giới là sử nhà Thanh cố ý nói bớt đi vì “theo Thanh Thông Sử, lúc bấy giờ dân Trung Quốc tại vùng biên giới Quảng Đông, Quảng Tây nghe tin quân Nguyễn Huệ sẽ sang trả thù rửa hận, nên đều bỏ chạy để nhà cửa trống không; tình hình như vậy mà chỉ có vài ngàn quân phòng thủ biên giới, thì chắc số lính này cũng không có gan ở lại để phòng thủ! Tham khảo với các sách khác, về quân số nhà Thanh thường nói bớt khoảng mười lần!”...)
Vua Lê Chiêu Thống chạy qua Trung Quốc, gặp Tôn Sĩ Nghị. Đi theo vua có 8 người hầu là Hoàng Ích Hiểu, Nguyễn Quốc Đống, Lê Hân, Phạm Như Tùng, Nguyễn Viết Triệu, Phạm Đình Thiện, Lê Văn Chương và Lê Quý Thích (KĐVSTG Cương Mục, quyển 47, bản dịch, tr.848). Tại trấn Nam Quan, khi chia tay với Tôn Sĩ Nghị, vua nói: “Tôi không giữ nổi xã tắc, tự biết sỉ nhục phải phiền ngài đem quân sang cứu. Tôi lấy làm cảm kích vô cùng. Nay ngài lại bỏ tôi mà đi, tôi không dám lại làm phiền ngài nữa. Tôi xin trở về nước, lượm lặt quân và dân để toan tính cử sự sau này.” Tôn Sĩ Nghị nói: “Đã tâu xin thêm quân rồi. Chẳng bao lâu đại quân sẽ đến.” Tôn Sĩ Nghị mời nhà vua vào thành Quế Lâm yên nghỉ, vua theo lời. (KĐVSTG Cương Mục, sđd như trên, tr.848).
Sau khi ra lệnh cho quân đội tăng cường phòng thủ biên giới, vua Càn Long cho Đại thần là Phúc Khang An đến thay thế Tôn Sĩ Nghị làm Tổng đốc Lưỡng Quảng, tổ chức lại binh mã 9 tỉnh phía Nam và chuẩn bị để đánh nước ta.
Chú thích:
(1) về chức vụ của Sầm Nghi Đống: sử nhà Thanh (Thanh Thông Sử) viết Sầm Nghi Đống là Tri châu ở Điền Châu;
-Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục và Đại Nam Liệt Truyện Chính Biên viết Sầm Nghi Đống là Tri phủ Điền Châu;
-Hoàng Lê Nhất Thống Chí viết Sầm Nghi Đống là Thái thú Điền Châu.
(2) Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục viết Tổng binh Quảng Đông là Trương Sĩ Long;
- Thanh Thông Sử và các tài liệu khác đều viết là Tổng binh Quảng Đông là Trương Triều Long.
(3) Trong trận Ngọc Hồi, các sách Hoàng Lê Nhất Thống Chí, Đại Nam Liệt Truyện Chính Biên, cũng như các sử gia Trần Trọng Kim, Nguyễn Phương, nhóm sử gia CS ở Hà Nội trong các tài liệu nghiên cứu lịch sử đều nói rằng Quân Tây Sơn đã dùng 3 tấm ván kết lại, 10 người khiêng đi trước để đỡ đạn, có 20 người núp đàng sau dùng đoản đao, khi đến gần thì ném bỏ tấm ván đi mà đánh cận chiến. Nhưng theo Thanh Thông Sử và Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục thì quân Tây Sơn đã dùng những bó rơm lớn cuốn tròn để làm bia đỡ đạn?
(Chân dung Hoàng Đế Quang Trung ở tờ giấy bạc của VNCH)
Nguyễn Lý Tưởng
Post a Comment