Giả thuyết về chiếc ghế trống
Bùi Quang Vơm
Sáng ngày 8/12/2017, trong cuộc họp có lẽ được triệu tập bất ngờ, do đích thân Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì, được công bố là rất quan trọng, nhưng lại với một nội dung chung chung: «Bộ chính trị cho ý kiến về công tác cán bộ». Có nhiều bức ảnh được chụp và đưa lên hầu hết các tờ báo chính thống. Nhưng bức ảnh có chiếc ghế để trống bên cạnh ông Trọng, có một lý do đặc biệt. Nó đặc biệt vì chưa bao giờ có hiện tượng như vậy.
Hình 1. Chiếc ghế để trống bên trái ông Trọng ghi tên ông Đinh Thế Huynh
Đây là chiếc ghế có bảng ghi danh Đinh Thế Huynh, Thường trực Ban bí thư. Ông Đinh Thế Huynh vắng mặt trong các sinh hoạt của Bộ chính trị và Trung ương đảng từ sau Hội nghị Trung ương 5, ngày 10/05. Đến bây giờ, duy nhất chỉ có một thông tin cho biết ông Đinh Thế Huynh đang nghỉ dưỡng bệnh. Thông tin này không phải là một thông báo chính thức về tình trạng sức khoẻ của ông, mà giải thích lý do Bộ chính trị quyết định phân công ông Trần Quốc Vượng, Trưởng ban Kiểm tra Trung ương «tham gia thường trực Ban bí thư trong thời gian ông Đinh Thế Huynh điều trị bệnh». Không nói ông Huynh điều trị bệnh gì, tình trạng như thế nào và khả năng tiến triển ra sao.
Đã hơn nửa năm, ông Huynh vắng mặt. Mọi cuộc họp có mặt cả ông Trọng, ông Phúc và ông Quang, bao giờ ghế của ông Trọng cũng ở giữa, ông Phúc bên phải và ông Quang ở bên trái. Nếu là cuộc họp với một cơ quan nào đó mà có sự tham dự của cả ba ông, thì ông Trọng ở giữa, thủ trưởng của cơ quan đó là người liền bên trái, liền bên phải là ông Quang, sau ông Quang mới là ông Phúc. Trong bất cứ một cuộc họp hay hội nghị nào, người liền bên trái ông Trọng cũng là người «thứ hai». Người thứ ba là người ngồi bên phải ông, người thứ tư ngồi liền bên người thứ hai, người thứ năm là người ngồi kế tiếp người thứ ba... Không có quy định thành văn nào, nhưng người ta đã quen như vậy. Một tập quán khác: không bao giờ xếp ghế cho người đã biết là không thể có mặt. Vì vậy mà chiếc ghế thứ hai không phải của ông Phúc cũng không phải của ông Quang, nhưng được để trống, mặc dù ai cũng đã biết chủ nhân của nó nghỉ bệnh từ hơn nửa năm nay.
Người ta buộc phải hiểu, đây là một việc cố ý và nó phải truyền tải một thông điệp nào đó.
Ông Huynh vẫn là con bài chủ của ông Trọng?
Giả thiết này có nghĩa là: Từ trước đến nay, ông Đinh vẫn là người của ông Trọng, của phe ông Trọng. Việc ốm bệnh của ông là chuyện thật, chuyện không muốn. Như vậy, sẽ không có chuyện ông Đinh đi Mỹ tháng 10 năm 2016 để tố cáo ông Trọng, mà chỉ đơn thuần là nằm trong chương trình thăm dò nền chính trị Mỹ, xác định khả năng trúng cử của ông Trump, để từ đó dự thảo kế hoạch cho một tương lai của chế độ với tư cách người đứng đầu Quốc gia trong vị trí Tổng bí thư. Vị trí thứ hai trong đảng và thay thế ông Trọng vẫn luôn là của ông.
Việc cố tình để trống chiếc ghế kế cận, có ý nghĩa thông báo rằng ông Huynh vẫn ngồi đấy, ông ấy đã bình phục và sẽ nhanh chóng trở lại? Việc này nhắc cho ông Phúc biết rằng người kế cận chưa phải là ông, và nhấn mạnh vị trí cách biệt của ông Quang, một mặt dập tắt ảo tưởng tham vọng của ông Quang, một mặt bắn tín hiệu với những kẻ rắp tâm vận động cho ông Quang để thông qua ông Quang, đoạt lại quyền kiểm soát chính trường, là việc làm vô ích. Hãy nhớ rằng điều kiện để một ứng viên được bầu vào vị trí Tổng bí thư, là phải do Tổng bí thư đương nhiệm tiến cử, ngược lại phải được Tổng bí thư đương nhiệm chấp nhận.
Nếu có kẻ đứng sau ông Quang, thì không khó đoán, người đó là ông Dũng. Nếu ông Quang có thể thực hành được quyền lực và trở thành một trong những nhân vật có quyền lực nhất của chế độ là nhờ ông Dũng và trong suốt thời kỳ trị vì của ông Dũng. Nếu ông Quang đã được chia quyền lực thì khó có thể tin được là ông không được chia gì từ những thứ kiếm được bằng quyền lực.
Ông Quang đứng ở vị trí số một là một đảm bảo cho ông Dũng, cho các con ông Dũng và hệ thống những kẻ từng kiếm chác từ sự che chắn của ông Dũng. Đây có thể là cố gắng cuối cùng của ông Dũng. Nhiều người, trong đó, cả thủ hạ, lẫn những tên ăn trộm không thuộc cùng dây, nhưng nếu ông «chết», sẽ đương nhiên «chết» theo, vẫn thường mỉa ông Dũng là «có gan ăn cắp, nhưng không có gan chịu đòn». Tệ hơn, có kẻ còn nói: « vừa đ… vừa run thì làm trò mẹ gì!».
Phía trước ông Dũng không còn gì. Chiếc xe biển xanh 7 chỗ ngồi, số đăng ký 29A đang ở đâu đó rất gần ông, có thể xuất hiện trong sân nhà ông bất cứ lúc nào, như đã xuất hiện trước chung cư nhà ông Thăng, chiều tối ngày 8/12 vừa rồi.
Theo kịch bản này, ông Đinh sắp xuất hiện lại. Vào giữa năm 2018 chẳng hạn. Ông Trọng sẽ đề cử ông Đinh vào vị trí Tổng Bí thư, rút về làm cố vấn cao cấp, một loại Thái thượng hoàng. Ông Đinh lên Tổng bí thư. Ông Vượng chính thức nhận chức Thường trực Ban bí thư. Ông Nguyễn Xuân Thắng chính thức nhận chức Chủ tịch Hội đồng lý luận, kiêm chức Trưởng ban Tuyên giáo thay cho ông Thưởng chuyển sang làm Trưởng ban kiểm tra trung ương. Trung ương 7 bầu bổ sung ông Phan Bá Trạc và ông Nguyễn Xuân Thắng vào Ủy viên Bộ chính trị. Ông Đinh Thế Huynh làm Tổng bí thư, thì những Hiệp định ông Trọng ký với Trung Quốc sẽ chậm thực hiện rồi «thành bùn», hợp tác với Mỹ và châu Âu sẽ thực chất hơn. Ân oán cá nhân sẽ được trút bỏ khỏi sinh hoạt chính trị. Bộ chính trị sẽ chỉ còn 17 người. Tham nhũng sẽ có diện mạo khác. Ông Nguyễn Văn Bình và ông Hoàng Trung Hải sẽ thôi Ủy viên Bộ chính trị, nhưng Ông Quang, ông Phúc sẽ không bị «sờ» đến. Ông Dũng có thể bị thả nổi cho pháp luật, sau khi cho nghỉ sinh hoạt đảng.
Giả thiết hai: Ông Huynh đã được cho nghỉ?
Việc để ghế trống chỉ để nhắc lại một sự khẳng định rằng ông Huynh đã không còn sinh hoạt.
Ngày 28/7/2017, sau khi xem xét đề nghị của Ban Tổ chức Trung ương về việc phân công Ủy viên Bộ Chính trị tham gia Thường trực Ban Bí thư, Bộ Chính trị đã quyết định: Trong thời gian ông Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư điều trị bệnh; phân công ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương tham gia Thường trực Ban Bí thư.
Nhưng sau cái ngày 8/12 định mệnh đúng một tuần, chiều 14/12, tại Hà Nội, «Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức Lễ công bố Quyết định của Bộ chính trị về việc phân công phụ trách Hội đồng Lý luận Trung ương cho đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phụ trách Hội đồng Lý luận Trung ương trong thời gian đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nghỉ công tác để chữa bệnh».
Như vậy là cả hai chức danh của ông Huynh, ‘Thường trực Ban bí thư’ được giao lại cho ông Trần Quốc Vượng, và ‘Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương’ giao lại cho ông Thắng. Nếu ông Đinh quay lại thì ngồi vào đâu? Theo một loại luật không lời, ông Huynh sẽ không còn giữ hai chức vụ này nữa, ngay cả khi ông quay lại mà không bị kỷ luật.
Ông Huynh làm Chủ tịch Hội đồng Lý luận từ năm 2011. Sau đại hội XII, tháng 2/2016, ông được bầu vào vị trí Thường vụ Ban bí thư, thay ông Lê Hồng Anh, theo thông lệ, Thường trực Ban bí thư sẽ không kiêm chức Chủ tịch Hội đồng Lý luận, nhưng không hiểu vì sao, tháng 7/2016, khi Bộ chính trị công bố thành lập Hội đồng Lý luận nhiệm kỳ XII, ông Huynh vẫn giữ chức Chủ tịch.
Hội thảo lý luận Trung Việt lần thứ XII tại Hà Nội, theo kế hoạch tổ chức vào dịp tháng 10-11/2016, đã tưởng như bị huỷ, bởi những xung đột căng thẳng do việc Trung Quốc cơi nới vụng trộm và quân sự hoá các đảo đá chiếm đoạt phi pháp. Nó luôn bị hoãn, nhưng cuối cùng, Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhượng bộ và tổ chức vớt vào ngày cuối cùng của năm, ngày 23/12, vì từ sau Noel sẽ không có hoạt động quốc tế. Tuy vậy, đã xảy ra một chi tiết đặc biệt: Hội thảo không do ông Đinh Thế Huynh làm trưởng đoàn phía Việt Nam.Thông thường, đại diện mỗi bên là Ủy viên Bộ chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận kiêm Trưởng Ban Tuyên giáo của mỗi đảng, nhưng kỳ hội thảo này, Trưởng đoàn phía Việt Nam do ông Phạm Minh Chính mới được bổ nhiệm Trưởng ban Tổ chức Trung ương đảm nhận. Ông Chính xuất thân kỹ sư xây dựng, 10 năm làm công an.
Người ta đồn ông Huynh từ chối làm việc với Trung Quốc, việc chuyển vai trò trưởng đoàn sang cho ông Trưởng ban Tổ chức là thái độ bất tuân Bộ chính trị? Không rõ đây là thái độ đại diện cho lập trường thống nhất trong Bộ chính trị, hay chỉ là thái độ của ông Huynh, nhưng chắc chắn trong Bộ chính trị có người ủng hộ có người không. Có nghĩa là có phân hoá và chia rẽ. Việc này xảy ra sau chuyến ông Huynh đi Mỹ về. Có thể việc tiếp cận với giới lãnh đạo chính trị Mỹ, đã củng cố thái độ cứng rắn của ông Huynh trước tư tưởng bành trướng thâm căn của Đảng Cộng sản và lãnh đạo cầm quyền Trung Quốc.
Trong cuộc họp vào 10h sáng ngày 8/12, người duy nhất vắng mặt là ông Trần Quốc Vượng. Nếu liện hệ với tất cả những diến biến sau đó vào buổi chiều cùng ngày, người ta suy đoán rằng ông Vượng chính là lãnh đạo cao nhất trực tiếp chỉ huy chiến dịch bắt ông Đinh La Thăng. Chúng ta đã biết chiến dịch bắt ông Đinh La Thăng được lên kế hoạch chi tiết và với những thủ đoạn. Tất cả những thủ đoạn được áp dụng cho chiến dịch này nhằm tới những ai? Trong cả hai hội nghị quan trọng, Hội nghị Bộ chính trị về công tác cán bộ vào buổi sáng và Hội nghị Hội đồng Quốc phòng An ninh vào buổi chiều, có mặt cả bốn ông Quang, Phúc, Tô Lâm, và Phạm Bình Minh. Nếu các ông này không được biết chi tiết chiến dịch, thì chính các ông là đối tượng cách ly khỏi chiến dịch.
Như vậy, việc để trống chiếc ghế bên cạnh ông Trọng mang tên ông Huynh, một nhân vật được coi như đã bị loại, thì người thay vào đó là ai? Người ta sẽ hỏi một cách tự nhiên: tại sao ông Quang lại phải ngồi cách ra? Đơn giản là vì vị trí đó không phải của ông Quang.
Ông Huynh bị loại cùng nghĩa với việc nội bộ Bộ chính trị đã bị phân hoá nghiêm trọng. Ông Trọng và vài người theo ông Trọng vẫn giữ nguyên tắc dựa hẳn vào Trung Quốc để bảo vệ chế độ, bất kể nguy cơ lấn sâu vào sự phụ thuộc và nguy cơ mất quyền kiểm soát chủ quyền quốc gia.
Ông Huynh không hề mất chức?
Tuy vậy, có thể có một loại «sự thật» khác: Ông Huynh không bị kỷ luật hay bị thôi chức, việc ông Vượng được giao «tham gia Thường trực Ban bí thư» không có nghĩa là đã được giao thay thế ông Đinh Thế Huynh. Nếu một ngày ông Huynh quay về, thì mọi chuyện sẽ trở lại nguyên trạng trước đó. Chuyện ông Vượng kế cận vị trí thay thế Tổng bí thư như đồn đại, hay ai đó cố tình tạo ra một cảm giác như vậy, là chuyện thất thiệt. Hình ảnh chiếc ghế bỏ trống xác định rằng Bộ chính trị, cụ thể là các thành viên của Bộ chính trị không thừa nhận vai trò thứ hai của ông Vượng, bất kể có hay không có ý định của ông Trọng dành chiếc ghế đó cho ông Vượng.
Như vậy, có thể ông Đinh Thế Huynh «sắp hồi phục sức khoẻ» và có thể sắp quay lại sinh hoạt và đảm nhiệm bình thường chức vụ Thường trực Ban bí thư. Nếu có chuyện ông Huynh quay lại, có khả năng ông Trọng sẽ chính thức công bố rút lui giữa nhiệm kỳ vào dịp hội nghị trung ương 8 giữa năm 2018, hoặc ít nhất cũng sẽ công bố không ứng cử tiếp vào Đại hội 13, có nghĩa là từ hội nghị TƯ 9 trở đi, các Hội nghị TƯ sẽ có thêm nội dung thảo luận cơ cấu dự kiến Ban chấp hành và Bộ chính trị mới cho nhiệm kỳ 13.
Trước đây, việc ông Đinh Thế Huynh đột ngột biến khỏi chính trường được gắn với sự thất sủng của ông với chính Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sau chuyến đi Mỹ tháng 10 năm 2016, vì có tin ông Huynh tiết lộ với Chính phủ Mỹ quan điểm kiên trì liên kết với Trung Quốc để bảo vệ chế độ của ông Trọng. Với ông Trọng, chế độ và lý tưởng cộng sản quan trọng hơn tiến bộ xã hội gắn với tự do dân chủ, việc quan hệ với Mỹ chỉ là hình thức bề mặt.
Việc buộc phải để trống chiếc ghế thứ hai chứng tỏ vị trí thứ hai trong Bộ chính trị tiếp tục được dành cho ông Đinh Thế Huynh. Ông Trọng đã buộc phải nhượng bộ. Nếu đúng như vậy, có thể khẳng dịnh được một điều rằng, xu thế dựa vào Tàu, đồng nghĩa với xu thế bảo lưu chủ nghĩa Mác và bảo lưu chế độ XHCN trong Bộ chính trị đã không còn giữ thế thượng phong.
Gần đây, mặc dù trong các lần xuất hiện, ông Trọng vẫn luôn cố giữ vẻ lạc quan, không lộ gì, nhưng nhiều người đã bắt gặp những biểu hiện mệt mỏi. Nhà báo tự do Phạm Chí Dũng đoán «hình như ông đã muốn nghỉ». Nhìn ảnh của ông, có người nhận xét «tóc của ông Trọng rụng, thưa đi nhiều, mu mắt của ông sụp nhiều hơn, mặt chảy sệ xuống, da mồi hơn...». Và cái tin đồn ông đột quỵ do truỵ tim phải đi Singapore vừa rồi, có thể thật hay ít ra có nguồn gốc từ sự thật. Chiến dịch chống tham nhũng mà ông phát động, đang phát triển như một phản ứng nhiệt hạch, không có giới hạn, không có điểm dừng, và đang không thể kiểm soát. Vụ thâu tóm Sacombank, vụ Mobilphone, vụ BOT, thực chất là việc xẻ thịt ODA dính đến cao cấp v.v... theo đà phát triển của tình hình, thì nếu thêm một vụ án kiểu Đinh La Thăng nữa, chắc với tuổi ông, truỵ tim cũng không gây nghi ngờ.
Nhưng điều ông Trọng có lẽ lo ngại chính là đối thủ đang tìm cách thủ tiêu ông. Cái loại tin nhảm ông bị truỵ tim, có cái gì lặp lại chuyện ông Phùng Quang Thanh bị ám sát tại Pháp. Giả mà thật, thật nhưng giả. Nếu việc tổ chức ám sát thành công thì giả hoá thật, ngược lại thì ám sát thật nhưng thất bại, hoá thành chuyện giả.
Quỹ thời gian trời phật cho ông Trọng không còn nhiều, ông cũng phải tính tới chuyện giành chút yên tĩnh cuối đời.
Nếu sự tiếp tục trên ngai vàng quyền lực của ông Trọng được xác định kết thúc, hoặc không còn chắc chắn nữa, thì việc định hình nhân vật thay thế bắt buộc phải được đặt ra, và cùng với vị trí thứ nhất đó, những vị trí tiếp theo tất nhiên tự động thành hình.
Diễn biến trên sân khấu nhiều tháng nay cho thấy ông Trọng hoàn toàn đơn độc. Bên cạnh ông hiện nay chỉ có mặt ba nhân vật, Trần Quốc Vượng, Phạm Minh Chính và Ngô Xuân Lịch. Nếu có thể kể tên kẻ thứ tư, thì đó là tên một nhân vật làm trái ngành nghề nhưng nổi tiếng cơ hội, là Bộ trưởng 4T Trương Minh Tuấn. Bà Nguyễn Thị Kim Ngân chưa bộc lộ nhiều. Với bề ngoài ủng hộ chống tham nhũng, người ta có cảm giác là bà đứng về phía Tổng bí thư. Nhưng cảm giác đó có thể không đúng. Ở bà Ngân ẩn hiện một dòng chảy ngầm, chứa đựng không ít sức mạnh. Chưa rõ dòng chảy này về đâu, nhưng chắc 100% không về hướng Trung Quốc.
Từ những chuyện này, người ta có thể phỏng đoán, sự thống trị của ông vua thủ cựu, lạc hậu, hão huyền và ngoan cố đang kết thúc. Chủ nghĩa Mác và Chủ nghĩa Cộng sản đang trút những hơi thở có thể cuối cùng. Số phận của chế độ độc đảng cộng sản sắp hết cùng với sự ra đi không thể cưỡng lại của ông Trọng.
Bởi vì, ông Đinh Thế Huynh biến khỏi sân khấu khi chưa kịp trả lời ông Võ Văn Thưởng về một bản hướng dẫn đối thoại với những cá nhân có ý kiến khác với Đảng Cộng sản. Người ta biết chắc chắn rằng, lúc đó ông giữ chân Thường trực Ban bí thư, người thứ hai, chỉ dưới một người, kiêm Chủ tịch Hội đồng Lý luận, cấp trên trực tiếp của Ban Tuyên giáo Trung ương, nếu ông Võ Văn Thưởng phát biểu “Chúng ta không sợ đối thoại, không sợ tranh luận...”, thì không thể ngoài chủ trương của ông Huynh, chưa nói chính là chủ trương của ông Huynh. Và theo hứa hẹn của ông Thưởng thì Ban bí thư đang soạn thảo và sẽ ban hành bản hướng dẫn đó.
Nhưng cũng chính vì món nợ này, vì chính cái bản «hướng dẫn đối thoại» mà ông Huynh định đáp ứng chờ đợi của ông Thưởng, mà ông buộc phải «biến», dù có thể là «tạm», khỏi sân khấu chính trị, để «nghiền ngẫm» về những «sai phạm có thể», trong ý định đối thoại với những người có ý kiến khác với chủ trương của đảng.
Lần đầu tiên người ta chính thức công khai sự vắng mặt của ông Huynh trong vị trí người «thứ hai» của chế độ có lẽ báo hiệu ngày quay lại của ông. Người ta vẫn không quên, ông Huynh là người đầu tiên đưa ra sáng kiến không xét đề bạt cán bộ theo lý lịch sửa đổi khác với lý lịch gốc khai khi kết nạp đảng viên. Chỉ một đòn đơn giản đủ để loại ông Quang ra khỏi mọi cuộc chiến.
Chính trị là sự tổng hợp các nghệ thuật lừa đảo. Nhưng những kẻ làm chính trị mà lừa đảo thì chỉ là những nhà chính trị ở giai đoạn cuối.
18/12/2017
B.Q.V.
Tác giả gửi BVN
Post a Comment