Quân đội CSVN khoe có hơn 10.000 lính ‘bút chiến’ trên Internet

LỰC LƯỢNG HUỶ HOẠI VĂN MINH

Luân Lê

Trong câu chuyện giáo viên về hưu nhận lương không quá 1,3 triệu đồng, và người ta đang muốn giảm lương hưu của các lao động nữ, nhưng ngược lại, họ còn công khai thừa nhận duy trì một binh đoàn đông đảo lên tới 10.000 người, gọi là lực lượng 47, thuộc quản lý của quân đội - một dạng khác của dư luận viên (lên tới khoảng 80.000 người, thuộc quản lý của Ban tuyên giáo), đồng thời với đó là tình trạng ngân khố quốc gia đang ngày càng cạn kiệt, mới thấy được việc họ quyết tâm bảo thủ đến cùng chứ không sẵn sàng vì tiến bộ và sự phát triển của con người và xã hội để mà cùng lắng nghe những tiếng nói trái chiều, dung hoà và hợp tác những tư tưởng khác biệt.

Mà mục đích của đám người này, đơn giản, chỉ là đi chửi bới và miệt thị, xúc phạm thậm chí tấn công những cá nhân, những người dân cất lên tiếng nói bất đồng về chính kiến, quan điểm với nhà nước và đảng cộng sản trong nhiều vấn đề về dân sinh hay chuyện đại sự quốc gia.

Nhìn vào đám dư luận viên và lực lượng 47 này ta thường thấy chúng rất hung hãn và côn đồ trong nhận thức, sẵn sàng chửi bới và nhục mạ bất kể người đó có là ai, lối ăn nói, viết lách cực kỳ vô văn hoá, bẩn thỉu, lưu manh và đặc biệt là nó hoàn toàn đi ngược lại thực tế xã hội, lập luận nguỵ biện, nếu không thể phản biện (tranh luận) thì dùng mọi cách vô lại nhất để quy chụp, lăng nhục những người không cùng tư tưởng với chính quyền.

Các bạn thử nghĩ, một đám người tồi tệ và man rợ như thế thì có thể bảo vệ cho những điều tốt đẹp và xây dựng điều tử tế, văn minh được hay không?

Những người cống hiến cả đời và về nghỉ hưu, chắc hẳn là không có giá trị bằng những kẻ sẵn sàng (hung hăng) lao ra bảo vệ cho lợi ích hiện tại của (nhóm) người mà ban cho chúng lợi ích và sai khiến chúng làm những công việc bẩn thỉu là tấn công đối với những người dân, những người bất đồng về chuyện xã hội, con người và luật pháp đối với công quyền.

Tại sao phải sử dụng những kẻ nhận thức và văn hoá thấp kém như thế để bảo vệ cho quan điểm và tính chính danh của mình? Không đủ lực lượng trí thức để đưa ra lý lẽ, luận điểm một cách khoa học với phần còn lại của xã hội hay sao mà phải sai khiến lực lượng thấp kém đó làm việc ấy?

https://www.facebook.com/luatsuluanle/posts/2027697554140686

Mạng Facebook tại VN: một đại lực sĩ!

Bổn Đình Nguyễn

Theo thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo cho biết về báo in, VN có 849 cơ quan báo, tạp chí in, trong đó có 185 báo trung ương, 99 địa phương; 664 tạp chí, trung ương có 530, địa phương 134.

Về báo điện tử, hiện có 195 cơ quan báo chí điện tử được cấp phép, trong đó, 171 cơ quan báo, đài, tạp chí thực hiện loại hình báo chí điện tử và hiện có 178 giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp.

Về phát thanh, truyền hình, cả nước có 67 đài phát thanh, truyền hình trung ương và địa phương, 5 đơn vị hoạt động truyền hình, với tổng số kênh phát thanh, truyền hình trong nước được cấp phép là 281 kênh.

Ôi, nghe thật ấn tượng!

Thế nhưng chính ông này cho rằng lực lượng hùng hậu đó có nguy cơ bị chi phối, lấn át về thông tin; báo chí có nguy cơ bị truyền thông xã hội "vượt mặt" trong việc cung cấp thông tin đến độc giả.

Hehhehe, xem ra mạng Facebook tại VN là một đại lực sĩ: một mình chấp hết mà vẫn thắng.

Nói cho nghe nè: các ông đừng đổ thừa do "động cơ, mục đích không rõ ràng, xuyên tạc, lừa đảo, tung tin giả để để lôi kéo sự chú ý" gì cả, cả triệu người trên mạng xã hội không phải thứ ngu để tin vào thông tin giả. Vấn đề báo chí có giấy phép bị qua mặt chỉ có 1 lý do duy nhứt: KHÔNG DÁM NÓI SỰ THẬT!

https://www.facebook.com/dinhbon.nguyendinhbon/posts/1727044930683151

clip_image002

Không chỉ dùng công an đàn áp dân, CSVN còn dùng quân đội để “bút chiến” với dân trên Internet. (Hình: Hoàng Đình Nam/AFP/GettyImages)

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Hiện nhân sự “Lực Lượng 47” của quân đội CSVN đã có hơn 10.000 người là “hạt nhân đấu tranh trên không gian mạng”, chống lại các “bọn phản động” trong ngoài nước, phụ họa với công an.

Tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, phó chủ nhiệm Tổng Cục Chính Trị Quân Đội CSVN, khoe quân đội CSVN gần đây thành lập một lực lượng với hơn 10.000 người được gọi là “Lực lượng 47,” tức theo “Chỉ thị 47” làm “hạt nhân đấu tranh trên không gian mạng, vừa hồng vừa chuyên, có trình độ, kỹ năng sử dụng công nghệ cao thực hiện nhiệm vụ” tại “Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tuyên giáo năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018” tổ chức ở Sài Gòn hôm 25 Tháng Mười Hai, theo báo Tuổi Trẻ.

Lần đầu tiên, người ta thấy có một thứ “lực lượng” như thế trong tổ chức quân đội CSVN được khoe công khai. Từ trước tới nay, người ta chỉ biết một cách không chính thức công an và guồng máy tuyên truyền CSVN có hàng ngàn cán bộ ngày đêm theo dõi hoạt động của những người tham gia đấu tranh đòi tự do tôn giáo, tự do nghiệp đoàn, tự do phát biểu và thông tin, vận động dân chủ hóa Việt Nam.

Những người bị nghi ngờ hoặc nằm trong danh sách đen hằng ngày bị theo dõi, nghe lén điện thoại, đọc trộm điện thư, theo dõi trên các trang mạng xã hội. Nhiều người đã bị bắt giữ và bỏ tù. Không ít người bị đánh đập, khủng bố dưới nhiều hình thức.

Không biết có phải các lực lượng phản tuyên truyền và theo dõi người dân của công an và “dư luận viên” đã không đủ sức đối phó với các thành phần chống phá chế độ trên không gian ảo, nên nhà cầm quyền Việt Nam phải vận dụng đến cả quân đội để đối phó.

“Quân ủy trung ương hết sức quan tâm, xây dựng lực lượng thường trực phản bác các quan điểm sai trái. Lực lượng bảo vệ an ninh tư tưởng trong quân đội cũng phát triển và tới đây sẽ có lực lượng chuyên trách làm nhiệm vụ tác chiến không gian mạng,” lời Tướng Nguyễn Trọng Nghĩa được dẫn trên báo Tuổi Trẻ.

“Có người hỏi tôi thông tin này có thể công khai không. Tôi thấy các thế lực và nước khác cũng đang tuyên bố là đang có cuộc chiến tranh trên không gian mạng thực sự. Nên chúng ta hàng giờ, hàng phút, hàng giây phải sẵn sàng chủ động tác chiến, đấu tranh với các quan điểm sai trái”, Tuổi Trẻ tường thuật.

Điều 66, Hiến Pháp 2013, chương IV “Bảo Vệ Tổ Quốc” quy định về nhiệm vụ của quân đội CSVN là: “Nhà nước xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có lực lượng thường trực hợp lý, lực lượng dự bị động viên hùng hậu, lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh và rộng khắp, làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng”.

clip_image004

Thượng Tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, phó chủ nhiệm Tổng Cục Chính Trị Quân Đội CSVN, nói: “Hơn 10,000 ‘hạt nhân’ đấu tranh trên không gian mạng.” (Hình: Tuổi Trẻ)

Facebooker Hưng Phạm Ngọc bình luận: “Như thế, sự tồn tại của ‘binh đoàn 47’ để tham gia vào một nội dung thuộc phạm vi dân sự là vi hiến”.

Ngoài những luật và nghị định siết cổ tự do thông tin trên Internet và một số luật khác, hiện Quốc hội CSVN đang có một dự luật về “An ninh mạng” nhằm siết chặt hơn nữa khi đòi ép các công ty dịch vụ Internet và mạng xã hội ở nước ngoài phải đặt máy chủ tại Việt Nam cho nhà cầm quyền kiểm soát, sàng lọc thông tin. Lại còn đòi cài điều khoản trị tội những người bị vu cho tội “nói xấu lãnh tụ.”

Trong một phiên thảo luận hồi cuối Tháng Mười Một vừa qua ở Quốc hội, một đại biểu thuộc đơn vị Đà Nẵng đã ngạc nhiên về sự chồng chéo của dự luật “An ninh mạng” với những luật đã có sẵn như “Luật An ninh Quốc gia” ban hành năm 2004 và “Luật An toàn Thông tin mạng” được sửa đổi thêm năm 2015. Sự chồng chéo này được mô tả giống như “một cửa có ba khóa”.

Đầu năm 2013, báo Lao Ðộng ngày 9 Tháng Giêng thuật lời ông Hồ Quang Lợi, trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, nói chính quyền nơi đây thành lập “Nhóm chuyên gia bút chiến trên Internet” với 900 người có nhiệm vụ “đấu tranh trực diện, tham gia bút chiến trên Internet trong việc đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch”.

Sau đó, người ta thấy có những nhóm “dư luận viên,” nhiều khi đeo khăn đỏ, khoác cờ đỏ, được đưa đi phá đám các cuộc biểu tình của những người thuộc “lề trái” ở Hà Nội, Sài Gòn và một vài nơi khác. Mới đây nhất, người ta thấy xuất hiện “Hội Cờ đỏ” được công an hộ tống tới khủng bố giáo dân tại một vài giáo xứ Công giáo tỉnh Nghệ An.

Hàng ngàn, hàng vạn người ở Việt Nam viết blog và sau này có thêm mạng xã hội Facebook đã đưa tin tức thời sự độc lập với các bản tin từ hệ thống tuyên truyền chính thống của nhà nước, nhiều khi có cả hình ảnh và video clip. Hiển nhiên những bản tin và hình ảnh đó đã phơi bày các sự thật mà nhà cầm quyền Việt Nam muốn che giấu hoặc nói ngược lại, nhưng đành phải nín lặng.

Nhà cầm quyền Việt Nam qua Bộ Thông tin và Truyền thông đã kêu rằng trên mạng có hơn 8.000 thông tin và clip “độc hại” nhưng đến nay mới áp lực các công ty Google (YouTube), và Facebook xóa bỏ được hơn một ngàn.

Nay lại có thêm “Lực Lượng 47” với hơn 10.000 người tay súng, tay nhấp chuột để đối phó với “quần chúng nhân dân” trong một cuộc chiến siết cổ Internet mà tờ New York Times ngày 30 Tháng Mười Một, 2017, nói đã “too late – quá muộn”.

Nguồn: https://www.nguoi-viet.com/viet-nam/csvn-thua-nhan-co-hon-10000-du-luan-vien-de-chien-tren-internet/

***

Truyền thông quốc tế nói về 'Lực lượng 47'

clip_image005

Quản lý thông tin trên mạng xã hội được chính phủ VN đề cập nhiều thời gian gần đây. HOANG DINH NAM/AFP/GETTY IMAGES

Đội ngũ an ninh mạng 'hùng hậu' của Việt Nam mang tên Lực lượng 47 đã được truyền thông nước ngoài đưa tin và bình luận trong vài ngày qua.

Lực lượng 47, gồm 10.000 người, sẽ 'là hạt nhân đấu tranh trên không gian mạng', 'vừa hồng vừa chuyên, kiên định lập trường, có trình độ, kỹ năng sử dụng công nghệ cao', truyền thông trong nước dẫn lời Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó chủ tịch Tổng cục Chính trị hôm 25/12.

Hãng tin Anh Reuters ngày 26/12 có bài bình luận về lực lượng an ninh mạng với nhiệm vụ "chống lại quan điểm 'sai trái'" trên internet này trong bối cảnh "cuộc đàn áp những người chỉ trích nhà nước độc đảng ngày càng lan rộng".

"Nhà nước Cộng sản Việt Nam tăng cường nỗ lực kiểm soát Internet, kêu gọi kiểm soát chặt chẽ hơn các mạng xã hội và xóa bỏ nội dung có vẻ mang tính công kích, nhưng có rất ít dấu hiệu cho thấy những nỗ lực này khiến sự chỉ trích lắng xuống trong bối cảnh các công ty cung cấp dịch vụ mạng xã hội là công ty toàn cầu", bài báo của Reuters viết.

clip_image006

VN đứng top 10 thế giới về số người dùng Facebook. HOANG DINH NAM/AFP/GETTY IMAGES

Số nhân lực 10.000 người của Lực lượng 47 được so sánh với con số 6.000 nhân viên của Bắc Hàn. Tuy nhiên, ý kiến của Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa gợi ý rằng lực lượng này tập trung chủ yếu vào người sử dụng internet trong nước, trong khi Bắc Hàn tập trung vào trên phạm vi quốc tế vì internet không được phổ biến cho người dân nước này, vẫn theo Reuters.

Việt Nam, một trong 10 quốc gia hàng đầu về số người sử dụng Facebook, vừa qua đã soạn thảo một dự luật về an ninh mạng, yêu cầu đặt các máy chủ của Facebook và Google tại Việt Nam. Dự luật này được bàn luận sôi nổi tại Quốc hội và vẫn đang chờ được thông qua.

Công ty an ninh mạng Hoa Kỳ FireEye cho Reuters biết Việt Nam đã "xây dựng được các chức năng gián điệp trên mạng đáng kể trong một khu vực có hệ thống phòng thủ tương đối yếu".

Phát ngôn viên của FireEye, người yêu cầu giấu tên, nói với Reuters rằng: "Việt Nam chắc chắn không đơn độc. FireEye đã quan sát sự gia tăng các khả năng tấn công ... Sự gia tăng này có ý nghĩa đối với nhiều bên, bao gồm các chính phủ, nhà báo, nhà hoạt động và thậm chí cả các công ty đa quốc gia".

Ông nói thêm: "Hoạt động gián điệp qua mạng đang ngày càng hấp dẫn các quốc gia, một phần bởi nó có thể cung cấp quyền truy cập một số lượng thông tin đáng kể với đầu tư khiêm tốn, khả năng phủ nhận hợp lý và rủi ro thấp".

clip_image007

Nhiều blogger bất đồng chính kiến bị bắt và bỏ tù. AFP/GETTY IMAGES

Reuters cũng nhắc lại việc Việt Nam tháng trước bỏ tù một blogger bất đồng chính kiến với thời hạn mười năm và vài tháng trước đó tuyên án bảy năm tù một blogger khác vì tội 'tuyên truyền chống phá nhà nước'.

Hãng tin Bloomberg hôm 27/12 nhân thông tin về Lực lượng 47, cho biết thêm trong những năm gần đây, Việt Nam đã mở cửa cho Thung lũng Silicon, trong đó có Tập đoàn Alphabet Inc. Không giống như Trung Quốc chặn Facebook, Google và Twitter, chỉ mở đường cho các dịch vụ mạng xã hội nội địa như WeChat, QQ, Baidu và Weibo.

Bloomberg cũng trích dẫn thông tin từ một website của chính phủ cho hay Facebook, vốn có quy chế cho chính phủ các nước thông tin về các hoạt động bất hợp pháp, đã gỡ bỏ các tài khoản giả mạo và các nội dung phát ngôn vi phạm chính sách. Chủ tịch điều hành Alphabet Inc, ông Eric Schmidt, cũng hứa trong cuộc gặp hồi tháng Năm với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ở Hà Nội sẽ cùng Việt Nam chống lại các nội dung "xấu" trên YouTube.

Mô hình "đội quân 50 xu" của Trung Quốc

Từ năm 2010, Trung Quốc đã có một đội ngũ các "bình luận viên" được nhà nước trả lương để tung các bài viết và bình luận theo đường lối chính quyền lên mạng.

Những người này, mà con số ước tính ở thời điểm 2010 là 300.000, được mệnh danh là "đội quân 50 xu" vì cứ mỗi comment mà họ tung lên mạng, họ được trả công 50 xu. Thế nhưng dần dần ngay cả những người này cũng tỏ ra hoài nghi về hiệu quả công việc của họ.

Không chỉ nhắm vào người sử dụng mạng trong nước, chính phủ Trung Quốc được cho là còn có đội ngũ gián điệp mạng chuyên tấn công vào các quan chức và doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có Việt Nam.

Hồi tháng 9/2017, FireEye nói với Reuters rằng các cuộc tấn công xảy ra trong những tuần cuối tháng tám cho thấy Trung Quốc bắt đầu nhắm vào lĩnh vực thương mại đầy tiềm năng ở Việt Nam và cố gắng thu thập nguồn thông tin rộng lớn ở đó.

Theo Bộ Công an Việt Nam, chỉ trong nửa đầu 2017, cả nước có hơn 4600 trang thông tin có tên miền quốc gia bị tin tặc tấn công hoặc chiếm quyền điều khiển, tăng gần 50% so với cùng kỳ năm 2016.

Cuối tháng 7/2017, hãng Vietnam Airlines bị tấn công tin tặc với màn hình ở các sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất bị mất quyền điều khiển giao diện và hiển thị nội dung đả kích Việt nam và Phillipines.

Mạng xã hội nói gì về 'lực lượng 47'?

Thông tin về đội quân 10.000 người của lực lượng 47 được bình luận rộng rãi trên các trang mạng xã hội Việt Nam.

Nhà văn Đoàn Bảo Châu viết trên trang Facebook của ông hôm 26/12: "Tôi tự hỏi lực lượng này có khác gì với đội ngũ dư luận viên (DLV) lương tháng 3 triệu mà sứ mệnh cao cả nhất của họ là chửi bới cục cằn, ngôn ngữ hạ cấp, lý luận cùn, thiếu não và có thể nói là ngu một cách "kiên định" và "bền vững" trong thời gian qua không?

Nếu là một lực lượng mới thì đây là một tin rất buồn cho đất nước vốn đã xơ xác bởi nạn tham nhũng kinh hoàng, bởi môi trường ô nhiễm, giáo dục càng cải cách càng lạc hậu...

Tôi nghĩ với tư tưởng lãnh đạo sáng suốt, con đường đi đúng đắn thì chừng 800 tờ báo đã là quá đủ cho công tác tuyên truyền rồi, tại sao lại khoác thêm một gánh nặng cho ngân sách vốn đã rất hạn hẹp?"

Nhà báo Trương Huy San thì bình luận ngắn gọn trên Facebook: "Lâu nay, cứ đọc những tin nhắn tục tĩu, những cmts khiên cưỡng, ngờ nghệch mà không biết ở đâu ra."

Nguồn: http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-42490249

No comments

Có Thể Bạn Chưa Xem

Tin Nóng

Powered by Blogger.