Tổng Bí thư Trọng dự họp chính phủ và câu hỏi thủ tục

clip_image001

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại hội nghị chính phủ ngày 28/12. WEBSITE CHÍNH PHỦ

Truyền thông Việt Nam ngày 28/2 đưa tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tham dự và 'chỉ đạo' cuộc họp chính phủ, và sự kiện này đang thu hút các bình luận khác hẳn nhau về thể thức 'dự họp' của ông Trọng.

Bình luận với BBC về sự tham dự được cho là 'chưa có tiền lệ', luật sư Phùng Thanh Sơn, Giám đốc Công ty luật Thế giới Luật pháp, lý giải: "Căn cứ theo Quy chế làm việc của Chính phủ ban hành kèm Nghị định 138/2016/NĐ-CP, Thủ tướng chính phủ có quyền quyết định thành phần khách mời" nên "nếu Tổng Bí thư tham dự trên cơ sở thư mời của Thủ tướng Chính phủ thì hoàn toàn hợp pháp".

Tuy nhiên, việc dự họp này sẽ bị coi là "trái luật" nếu Tổng Bí thư "đóng vai người chủ trì hội nghị và phát biểu ý kiến chỉ đạo chính phủ, các bộ ngành, địa phương".

"Việc này thuộc thẩm quyền của Thủ tướng chính phủ hoặc Phó Thủ tướng", luật sư Sơn nói.

Trao đổi với BBC qua điện thoại từ Hà Nội cùng ngày, Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An cho rằng sự tham dự của Tổng Bí thư Trọng lần này là "cần thiết trong bối cảnh đất nước đang gặp rất nhiều khó khăn, cần sự vào cuộc cuộc cả xã hội" và việc đảng, chính phủ cùng ngồi trao đổi, bàn thảo về các phương hướng, chính sách là "không có gì mâu thuẫn".

Trang tin điện tử Chính phủ ngày 28/12 tường thuật Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc "tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng" tại cuộc họp của chính phủ cùng đại diện 63 tỉnh thành trong cả nước bàn về các vấn đề kinh tế, xã hội năm 2018.

"Tổng Bí thư đã chỉ ra những nguyên nhân của những kết quả đạt được, đặc biệt là những tồn tại, bất cập mà hệ thống hành chính Nhà nước cần quan tâm khắc phục", trang này viết.

Tiền đề hợp nhất đảng và chính quyền?

clip_image002

Tổng bí thư Trọng được coi người có quyền lực cao nhất trong 'Tứ Trụ'. HOANG DINH NAM/AFP/GETTY IMAGES

Bàn rộng hơn về ẩn ý việc dự họp "lần đầu tiên trong lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam" (ĐCSVN) của người đứng đầu đảng trong cuộc họp chính phủ, luật sư Phùng Thanh Sơn cho rằng đây có thể là "tiền đề để hợp nhất đảng và chính quyền".

Theo luật sư Sơn, "Tổng Bí thư là người quyền lực nhất trong 'Tứ Trụ'. Do đó, nếu đứng về mặt tâm lý thì việc tham gia của Tổng Bí thư Trọng có tác dụng úy lạo tinh thần cho các bộ ngành, địa phương trong việc triển khai thực hiện các nội dung trong Nghị quyết của Chính phủ".

"Thực tế thì ĐCSVN lãnh đạo toàn diện mọi hoạt động của cả hệ thống chính trị, trong đó có bộ máy nhà nước. Nhiều khi để đưa ra một quyết định nào đó, người đứng đầu chính quyền phải xin ý kiến của cấp ủy rồi mới quyết định. Người dân thì biết rõ mười mươi việc này".

Theo tôi, chỉ khi nào ĐCSVN chấp nhận đa nguyên đa đảng thì lúc đó mới cần tách hệ thống đảng ra khỏi hệ thống chính quyền.

LS Phùng Thanh Sơn

"Trong suy nghĩ của rất nhiều người, họ xem việc lãnh đạo của Đảng Cộng sản hiện nay là điều hiển nhiên. Do đó, ĐCSVN cũng không cần phải "che giấu" quyền lực tuyệt đối của mình bằng hai hệ thống song trùng như vậy", luật sư Sơn nói.

Luật sư từ TP Hồ Chí Minh cho rằng nếu cứ để song song hai bộ máy như hiện nay là 'không cần thiết' và 'lãng phí', đồng thời khiến "việc thực thi đường lối, chính sách của ĐCSVN sẽ bị chậm trễ và kém hiệu quả hơn".

"Theo tôi, chỉ khi nào ĐCSVN chấp nhận đa nguyên đa đảng thì lúc đó mới cần tách hệ thống đảng ra khỏi hệ thống chính quyền".

Mạng xã hội nói gì?

Sự xuất hiện lần đầu tiên của người đứng đầu ĐCSVN tại cuộc họp của Chính phủ cũng gây ra những ý kiến trái chiều trên mạng xã hội.

Nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn cho rằng căn cứ theo Luật Tổ chức Chính phủ 2015 thì Thủ tướng chỉ được phép mời một số thành phần nhất định ngoài chính phủ tham dự, ví dụ như "Thủ trưởng các cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch tỉnh thành, chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc, người đứng đầu cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội, riêng Chủ tịch nước thì được quyền tham dự".

"Thủ tướng mời Tổng Bí thư là trái pháp luật", ông Tuấn viết trên trang Facebook cá nhân hôm 15/12.

Facebooker Huỳnh Ngọc Chênh thì cho rằng "không có gì sai khi ông Tổng Bí thư Đảng Nguyễn Phú Trọng tham gia vào cuộc họp chính phủ thường niên bất chấp chuyện pháp luật không hề quy định chức năng cụ thể của tổng bí thư đảng trong guồng máy nhà nước''.

"Tất cả các cơ quan, ban ngành, đoàn thể đều nằm dưới quyền của tổng bí thư nên ông Trọng muốn tham gia trực tiếp chỉ đạo và ngay cả điều hành bất cứ tổ chức nào không được", ông viết trên Facebook hôm 16/12.

clip_image004

Nguyen Anh Tuan

TỔNG BÍ THƯ DỰ HỌP CHÍNH PHỦ CÓ PHẠM LUẬT?

Báo chí đang loan tin về việc lần đầu tiên Tổng Bí thư sẽ "dự và chỉ đạo" phiên họp Chính phủ theo lời mời của Thủ tướng [1].

Nhiều báo gọi đây là sự kiện "chưa có tiền lệ". Nhưng có lẽ cần nói rõ thêm, đây còn là hành vi TRÁI PHÁP LUẬT.

Phiên họp Chính phủ là hoạt động thường kỳ quan trọng của cơ quan này và Luật Tổ chức Chính phủ 2015 chỉ cho phép Thủ tướng mời những thành phần ngoài Chính phủ sau tham dự:

- Thủ tưởng các cơ quan thuộc Chính phủ;
- Chủ tịch tỉnh/thành;
- Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của QH;
- Chủ tịch Ủy ban TW Mặt trận Tổ Quốc;
- Người đứng đầu cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội;
- Riêng Chủ tịch nước thì được quyền tham dự; [2]

Hoàn toàn không có chỗ cho Tổng Bí thư trong hoạt động quan trọng này của Chính phủ. Nên Thủ tướng mời TBT là trái pháp luật, mà nếu TBT nhận lời cũng không ổn chút nào.

Còn nhớ cách đây không lâu TBT thường xuyên chỉ đạo "nhốt quyền lực vào lồng quy chế lập pháp", đại ý bất kỳ ai có quyền lực cũng cần được kiềm tỏa và buộc phải hành xử trong khuôn khổ pháp luật [3].

Không rõ chỉ đạo này là chung cho tất cả, hay vẫn có ngoại lệ?

---
[1] http://vneconomy.vn/tong-bi-thu-duoc-moi-du-hop-chinh-phu-c…

[2] Luật Tổ chức Chính phủ 2015 (Xem Điều 45, 46, 47)
http://moj.gov.vn/…/l…/vn%20bn%20php%20lut/view_detail.aspx…

[3] http://dantri.com.vn/…/tong-bi-thu-phai-nhot-quyen-luc-vao-…

*


Huynh Ngoc Chenh

TỪ CHUYỆN ÔNG TRỌNG TRỰC TIẾP THAM GIA HỌP CHÍNH PHỦ


Chẳng có gì sai khi ông tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng tham gia vào cuộc họp chính phủ thường niên bất chấp chuyện pháp luật không hề quy định chức năng cụ thể của tổng bí thư đảng trong guồng máy nhà nước.
Cũng chẳng có gì sai khi TBT trực tiếp nắm luôn quốc hội, quân đội, công an, tòa án, viện kiểm sát, báo chí và tất cả các đoàn thể xã hội mà đảng gọi là tổ chức quần chúng của đảng.
Chế độ độc đảng thì đảng nắm hết, lãnh đạo toàn diện. Cơ quan, tổ chức nào quan trọng như mặt trận, quốc hội, chính phủ, quân đội, ngoại giao, công an thì đảng cử ủy viên bộ chính trị xuống nắm, ban ngành tổ chức nào ít quan trọng thì cử một trung ương ủy viên xuống nắm như các bộ, các đoàn thể. 
Các đoàn thể quần chúng quan trọng như đoàn thanh niên, công đoàn, hội phụ nữ, hội nông dân... phải là một trung ương ủy viên nắm đã đành mà ngay cả hội nghề nghiệp như hội nhà báo cũng phải là một trung ương ủy viên nắm chứ chẳng chơi.
Tất cả các cơ quan, ban ngành, đoàn thể đều nằm dưới quyền của tổng bí thư nên ông Trọng muốn tham gia trực tiếp chỉ đạo và ngay cả điều hành bất cứ tổ chức nào không được. Dĩ nhiên các tồng bí thư trước "tế nhị" chỉ đạo gián tiếp thông qua cuộc họp bộ chính trị. Còn ông Trọng thấy không cần thiết tế nhị nữa và hơn nữa có thể ông cũng không tin vào các ông bộ chính trị dưới quyền nên phải tham gia trực tiếp vào là vậy.
Ông Trọng có toàn quyền tham gia trực tiếp vào bất kỳ cơ quan tổ chức nào vì tất cả các cơ quan, ban ngành, đoàn thể đều là của đảng, được lập ra nhằm để phục vụ và bảo vệ đảng.
Dưới slogan "mất đảng là mất tất cả" hay "còn đảng còn mình", quốc hội (làm ra pháp luật) để bảo vệ đảng, quân đội bảo vệ đảng, công an bảo vệ đảng, tòa án bảo vệ đảng, chính phủ (quản lý tài sản, tài nguyên, đất đai và ngườ dân) để bảo vệ đảng, báo chí cũng bảo vệ đảng, các đoàn thể cũng tổ chức ra lấp kín hết xã hội cũng nhằm bảo vệ đảng (do vậy đừng thắc mắc tại sao thấy công đoàn không bảo vệ công nhân, hội nông dân không bảo vệ nông dân, hội phụ nữ không bảo vệ phụ nữ và trẻ em, đoàn thanh niên không bảo vệ thanh niên, hội nhà báo không bảo vệ nhà báo, hội luật sư không bảo vệ luật sư...).
Đảng lập ra toàn bộ các cơ quan, tổ chức nhằm bảo vệ đảng kín bưng, từ vòng trong ra vòng ngoài, thành nhiều tầng nhiều lớp, không còn chút kẻ hở nào cho đến con kiến cũng không thể lọt vào cắn được vào mông đảng.
Điều đó có vẻ như là đúng hết, nhưng rồi vẫn thấy có gì đó sai sai.

Cái sai thứ nhất là tất cả các cơ quan tổ chức ấy đều là của đảng, tồn tại nhằm bảo vệ và phục vụ đảng nhưng lại dùng tài nguyên của quốc gia do cha ông để lại và tài sản của người dân làm ra trang trải chi phí. Chi phí ấy lớn lắm vì bộ máy rất to lớn và cồng kềnh. Do vậy thuế càng ngày càng tăng cao và tài nguyên ngày càng cạn kiệt là điều tất yếu.
Cái sai thứ hai là khi được bảo vệ tuyệt đối như vậy thì liệu đảng có còn mạnh khỏe để trường tồn không? Thuyết Darwin và thực tế cho thấy cái gì được bảo vệ tuyệt đối không theo quy luật thì có thể trước mắt chống đỡ được sự tấn công từ bên ngoài nhưng tự nó sẽ phát bệnh từ bên trong, rồi tự suy thoái, tự diễn biến và đi đến tiêu vong. 
Thực tế lịch sử cho thấy đảng CS Liên Xô có đến 20 triệu đảng viên được tổ chức bảo vệ còn kín bưng và kinh hồn hơn, nhưng rồi tự đổ bệnh lăn ra chết chứ chẳng có ai hại. Ông Trọng hiểu điều đó, nhưng không nghĩ ra cách nào khác để bảo vệ đảng của ông hữu hiệu hơn cách đã có theo bài bản của Liên Xô nên suốt ngày cứ kêu gọi chống suy thoái, chống diễn biến, chống tham nhũng - mà thực chất là "chống vài người để cứu vạn người"... và quan ngại "suy thoái là mất đảng, mất đảng là mất tất cả". 
Thực tế thì đảng ông cũng đang lâm bệnh, dù có rút kinh nghiệm từ sụp đổ của Liên Xô, Đông Âu thì cũng kéo dài thêm vài năm hay vài chục năm nữa thôi rồi cũng đến lúc tự diệt vong, chẳng có chi trường tồn mãi mãi.
Ông Trọng là người có học, cũng tỏ ra có hiểu biết và yêu nước, lại ở cương vị đứng đầu đất nước, không hiểu tại sao lại cứ chăm chăm vào chuyện bảo vệ đảng của ông mà không nghĩ đến cái gì đó sâu xa và tốt đẹp hơn nhỉ?

Nguồn: http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-42499790

***

Tổng bí thư đảng họp chính phủ

RFA

clip_image006

Ông tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam, Nguyễn Phú Trọng, tại buổi hội nghị trực tuyến do chính phủ Hà Nội tổ chức vào ngày 28 tháng 12 năm 2017. Ảnh chụp màn hình.

Ông tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam, Nguyễn Phú Trọng, vào ngày 28 tháng 12 lần đầu tiên dự hội nghị trực tuyến do chính phủ Hà Nội tổ chức với các địa phương.

Đây được cho là hội nghị thường niên lớn nhất của chính phủ nhằm tập trung thảo luận giải pháp triển khai những nghị quyết của đảng, quốc hội về kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách cho năm 2018.

Việc ông tổng bí thư đảng dự phiên họp chính phủ như vừa nêu từng được thông báo trước đây và gây nhiều quan tâm trong dư luận về sự can thiệp ngày càng rõ ràng của đảng đối với công tác điều hành của chính phủ.

Tại hội nghị được cho biết kéo dài trong một ngày rưỡi từ ngày 28 sang ngày 29 tháng 12, ông Nguyễn Phú Trọng có bài phát biểu và truyền thông trong nước loan đi rộng rãi.

Theo lời của ông tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam thì các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng/phức tạp đã được làm rất kiên quyết, nghiêm minh, kể cả đối với cán bộ lãnh đạo cấp cao của đảng, cán bộ đương chức và cả cán bộ đã nghỉ hưu.

Người đứng đầu đảng cộng sản Việt Nam nêu lại những con số về các vụ việc mà cơ quan phụ trách kỷ luật của đảng này thực hiện được trong thời gian qua. Đó là ngành thanh tra triển khai hơn 6800 cuộc thanh tra hành chính, gần 260 ngàn cuộc thanh tra/kiểm tra chuyên ngành. Từ đó phát hiện, xử lý hoặc kiến nghị xử lý 68 vụ, 107 đối tượng tham nhũng.

Cơ quan điều tra trên cả nước ra kết luận đối với gần 200 vụ, 467 bị can. Viện Kiểm sát Nhân dân các cấp truy tố 219 vụ, 481 bị can. Tòa án nhân dân các cấp đã xét xử sơ thẩm 205 vụ, 433 bị can về các tội tham nhũng.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Phú Trọng trong phát biểu tại hội nghị chính phủ, thừa nhận tình trạng ‘trên nóng/dưới lạnh’, ‘trên bảo/dưới không nghe’, kỷ cương phép nước bị buông lỏng vẫn còn diễn ra nhiều nơi trên cả nước.

Trong buổi họp trực tuyến chính phủ với các địa phương có sự tham dự của tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam như vừa nêu, chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Đà Nẵng, Huỳnh Đức Thơ, lên tiếng kiến nghị Thủ tướng chính phủ, Bộ Công an tăng cường chỉ đạo, khẩn trương truy nã, bắt đối tượng Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ ‘nhôm’.

Hiện ông Vũ ‘nhôm’ đang bỏ trốn và bị khởi tố, truy nã về tội cố ý làm lộ tài liệu bí mật nhà nước. Tuy nhiên theo lời ông Huỳnh Đức Thơ thì tại thành phố Đà Nẵng có dư luận ông Vũ ‘Nhôm’ liên quan chủ yếu đến vấn đề tham nhũng đất đai.

Ông chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng phát biểu thêm tại hội nghị trực tuyến chính phủ rằng theo lãnh đạo thành phố thì hiện có một số lượng lớn nhà đất liên quan đến ông Phan Văn Anh Vũ. Tuy vậy, trong khi các cơ quan chức năng đang điều tra thì ông Vũ đã rút vốn ra khỏi 5 công ty và nhiều công ty khác; cũng như chuyển nhượng các tài sản cá nhân.

Lý do đề nghị khẩn trương truy nã ông Vũ ‘Nhôm’ mà chủ tịch thành phố Đà Nẵng nêu ra như nguyên văn ‘không để kẻ xấu, kể cả một số nhà báo lợi dụng, xuyên tạc bản chất sự thật, bôi xấu các lãnh đạo trung ương, thành phố, gây ảnh hưởng xấu đến dư luận’.

Bản thân ông Huỳnh Đức Thơ vừa qua bị trung ương đảng cộng sản Việt Nam kỷ luật cảnh cáo cùng đợt với ông Nguyễn Xuân Anh, cựu bí thư thành phố. Ông Anh bị cách chức nhưng ông Thơ vẫn tại vị.

Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vcp-general-secretary-joins-in-government-conference-12282017090132.html

No comments

Có Thể Bạn Chưa Xem

Tin Nóng

Powered by Blogger.