Tập Cận Bình: “Tsar hoàng đỏ” mới của Trung Quốc
Vương Thuyên
I-Lời phi lộ
ảnh minh họa |
Phải chăng ông Tập muốn trở thành “Tsar hoàng đỏ” mới của Trung Quốc?
Chúng ta hãy thử xem sách lược của Tập Cận Bình để đi đến quyền lực tuyệt đối sau 42 năm Mao từ trần.
II-Tập Cận Bình (TCB) là ai?
Theo tư liệu Đảng, TCB sinh ngày 15-6-1953 tại Phú Bình tỉnh Thiểm Tây. Ông là con của Tập Trọng Huân (Xi Zhongxun, 1913-2002), nguyên phó chủ tịch Quốc hội và phó thủ tướng. Như vậy, TCB thuộc thành phần “thái tử đảng” như dân chúng Trung Quốc thường chế giễu. Năm 1962, Tập Trọng Huân chẳng may bị Mao trù dập và bị bỏ vào ngục trong 16 năm với tội âm mưu “chống Đảng” (ông được phục hồi cũng như đa số người bị cải tạo trong thời kỳ Cách mạng văn hoá (1966-1976) khi Đặng Tiểu Bình trở lại chinh quyền lần thứ hai vào cuối năm 1978). Lý do ông bị tù là có ý đồ muốn phục hồi Cao Cương (Gao Gang), một đối thủ chính trị của Mao bị tù năm 1954. Bốn năm sau, vợ ông cũng bị đày đi lao động ở nông thôn.
Số phận của chú bé TCB đương sống trong nhung lụa trong Trung Nam Hải cũng bị ảnh hưởng lây vì cha bị gán thành phần “chống đảng”. Thế là chú bé TCB không nơi nương tựa sống rày đây mai đó.
Năm 1969. TCB mới 16 tuổi đời bị đưa đi lao động trong đội ngũ sản xuất ở làng Lương Gia Hà (Liangjiahe) thuộc tỉnh Thiểm Tây. Vừa đến không lâu , TCB bỏ trốn về Bắc Kinh nhưng bị bắt lại và bị đưa về chổ cũ. Lần này, TCB cần cù lao động trong 7 năm ròng trong điều kiện khắc khổ và cuối cùng được nhận vào đoàn thanh niên cộng sản năm 1972 sau tám lần bị bác. Năm 1974, TCB được bầu bí thư đội sản xuất và được chính thức gia nhập Đảng.
Sau khi được vào Đảng, TCB được đề nghị về Bắc Kinh vào học Đại học Thanh Hoa môn Hoá học từ 1975 đến 1979.
[Trong thời gian phục vụ ở địa phương, TCB học thêm bằng tiến sĩ Luật (1998-2002), thực chất là ngành lý thuyết Mác và giáo dục ý thức hệ hay nôm na gọi ngành “xây dựng đảng”!].
Có thể nói sự nghiệp chính trị của TCB bắt đầu từ đây cùng lúc cha Tập Trọng Huân trở lại chính quyền ở cương vị bí thư tỉnh Quảng Đông.
Nhờ cha có quan hệ với bí thư Quân uỷ trung ương Cảnh Tiêu (Geng Biao), về sau là bộ trưởng Quốc phòng, TCB được nhận vào làm bí thư ở Văn phòng Quốc vụ viện và Quân uỷ trung ương từ năm 1979 đến 1982. Vào thời điểm này, TCB lấy bà Kha Linh Linh (Ke Lingling), con của một đại sứ ở London nhưng hai người ly dị sau ba năm. Năm 1987, TCB cưới bà Bành Lệ Viện (Peng Liyuan), một danh ca sĩ dân gian có hàm thiếu tướng.
Tiếp sau là những chức vụ ở đị́a phương:
-Từ 1983-1985, bí thư huyện Chính Đình (Hà Bắc)
-Từ 1985-1988, phó thị trưởng Hạ Môn thuộc tỉnh Phúc Kiến.
-Từ 1988-1990, bí thư thành phố Ninh Đức thuộc tỉnh Phúc Kiến.
-Từ 1990-2002, bí thư thành phố Phúc Châu rồi quyền tỉnh trưởng Phúc Kiến cho đến 2002. Năm 1997, TCB được bầu uỷ viên dự khuyết Ban Chấp hành ở Đại hội thứ 15 rồi chính thức ở Đại hội thứ 16 năm 2002.
-Từ 2002-2007, quyền tỉnh trưởng Chiết Giang rồi bí thư cho đến 2007.
-Từ tháng 3 đến tháng 10- 2007, bí thư Thượng Hải trong 7 tháng rồi được triệu hồi về Bắc Kinh làm phó chủ tịch nước sau khi được bầu vào thường vụ Bộ Chính trị ở Đại hội thứ 17.
-Tháng 10-2010, phó chủ tịch Quân uỷ.
-Từ 2012-2017, TBT Đảng, nhiệm kỳ một ở Đại hội thứ 18.
-Từ 2017, tái nhiệm TBT Đảng, nhiệm kỳ hai ở Đại hội thứ 19. Trên lý thuyết, nhiệm kỳ sẽ chấm dứt vào năm 2022.
Như trên đã thấy, con đường hoạn lộ của TCB bị trắc trở vào bước đầu nhưng về sau như “diều gặp gió”. Vậy ai là người đưa TCB đến quyền lực tuyệt đỉnh này?
Nếu trước đây, Đặng Tiểu Bình tiến cử Hồ Cẩm Đào ở chức vụ TBT Đảng thì Giang Trạch Dân là người đỡ đầu TCB. Tương truyền nói rằng ở Đại hội thứ 15 năm 1997, chính họ Giang đã ra lệnh “vớt” binh nhì TCB vào dự khuyết hạng chót Ban Chấp hành trong khi Lý Khắc Cường đương kiêm thủ tướng được bầu uỷ viên chính thức. Tại sao như vậy?
Cũng như trong các đảng cộng sản, tệ nạn bè phái trở thành thông lệ. Giang Trach Dân trước khi được Đặng Tiểu Bình đề cử TBT Đảng sau sự kiện Thiên An Môn năm 1989 là bí thư thành uỷ Thượng Hải trong hai năm (1987-1989). Giang là biểu tượng nhóm Thượng Hải chống lại nhóm Đoàn thanh niên cộng sản còn gọi là Đoàn phái mà biểu tượng là Hồ Cẩm Đào. Khi họ Hồ hết nhiệm kỳ hai TBT Đảng năm 2012, người mà ông muốn kế nhiệm là Lý Khắc Cường nhưng bị vây cánh của Giang còn mạnh trong Đảng chống đối. Cũng cần nên nhắc lại, trong 13 năm cầm quyền, Giang Trạch Dân đã đặt để nhiều thân tín ở chức vụ cao cấp trong Đảng như Tăng Khánh Hồng/Zeng Qinghong (phó chủ tịch nước), Giả Khánh Lâm/Jia Qinglin (chủ tịch Chính hiệp), Lưu Hoa Thanh/ Liu Huaqing (phó chủ tịch Quân uỷ), Hoàng Cúc/Huang Ju (phó thủ tướng thứ nhất), Ngô Bang Quốc/Wu Bangguo (chủ tịch Quốc hội), Châu Vĩnh Khang, trùm Công an vv.. thậm chí còn gia hạn thêm hai năm chức chủ tịch Quân uỷ khi hết nhiệm kỳ. Những người được Giang “gài” lại là uỷ viên thường vụ Bộ Chính trị và đa số đã từng phục vụ ở Thượng Hải. Do đó, quan hệ giữa Giang và Hồ rất căng thẳng. Do có sự tranh chấp Giang-Hồ, TCB được chọn vì đươc xem là đàn em của nhóm Thượng Hải dù chỉ làm bí thư trong thời gian ngắn.
III-Ý đồ muốn trở thành “Tsar hoàng đỏ” mới của Trung Quốc
Có thể nói TCB đã nung nấu muốn trở thành “Tsar hoàng đỏ” từ nhiều năm qua do bối cảnh thuận lợi trong và ngoài nước.
Trước Đại hội Đảng năm 2012, TCB tìm cách loại trừ các địch thủ lợi hại. Địch thủ đương thời là Bạc Hy Lai (Bo Xilai), bí thư thành uỷ Trùng Khánh đồng thời là một “thái tử đảng” như ông. (Bạc Hy Lai là con của Bạc Nhất Ba (Bo Yibo, 1908-2007), một thời làm phó thủ tướng từ 1956 đến 1966 và phó chủ tịch ban Cố vấn).
Bạc Hy Lai là người đầy tham vọng không giấu giếm ý đồ muốn trở thành uỷ viên thường vụ Bộ Chính trị và tranh giành chức TBT Đảng với TCB. Để đạt mục tiêu, Bạc cấu kết ngầm với một số nhân vật cao cấp sắp rời chính trường như Châu Vĩnh Khang (Zhou Yongkang), cựu uỷ viên thường vụ Bộ Chính trị khoá 17 từng là trùm Công an và trùm dầu khí với quyền lực rất lớn cùng hai thượng tướng cựu phó chủ tịch Quân uỷ trung ương Quách Bá Hùng (Guo Boxiong) và Từ Tài Hậu (Xu Caihou). Truyền thông lúc đó nói có âm mưu đảo chính.
Cơ hội hy hữu cho TCB là vụ bà Cốc Khai Lai (Gu Kailai), vợ Bạc Hy Lai bị kết án tử hình treo vì cố ý giết một thương gia người Anh tên Neil Heywood tháng 11-2011. Từ vụ đó đến vụ Vương Lập Quân (Wang Lijun) , trước đó là cánh tay phải của Bạc trốn vào Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ ở Thành Đô trong tháng 3-2012 vì sợ Bạc trả thù. Ở đây, họ Vương thố lộ sự tranh chấp trong nội bộ Đảng cùng việc gia đình Bạc Hy Lai dự tính chuyển tiền ra nước ngoài qua trung gian của ông Neil Heywood nhưng sự việc bị khúc mắc đưa đến cái chết của ông này. Thế là Bạc Hy Lai bị cách chức bí thư Trùng Khánh ngày 15-3-2012 rồi bị kết án tù chung thân trong tháng 9-2013. Riêng bà Cốc Khai Lai được giảm án xuống tù chung thân.
Sau khi được bầu TBT Đảng vào cuối năm 2012, TCB cho mở chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” với sự trợ giúp đắc lực của bí thư Uỷ ban Kiểm tra kỷ luật trung ương Vương Kỳ Sơn (Wang Qishan).
[Vương Kỳ Sơn vừa được TCB đề cử làm phó chủ tịch nước dù không còn trong Ban Chấp hành. Đây là một tiền lệ không tiền khoáng hậu vì chức phó chủ tịch nước thường là một uỷ viên thường vụ hoặc uỷ viên Bộ Chính trị].
Dĩ nhiên là TCB không “quên” những người bị cho có liên quan với Bạc Hy Lai trong việc cố tình ngăn chặn con đường tiến thân của ông.
Châu Vĩnh Khang bị bắt ngày 5-12-2014 rồi bị kết án tù chung thân ngày 15-6-2015 trong buổi họp kín về tội tham nhũng và tiết lộ bí mật quốc gia. Quách Bá Hùng cũng bị kết án tù chung thân ngày 25-7-2016. Hai người này bị tịch thu tài sản và bị khai trừ đảng tịch. Riêng Từ Tài Hậu chết năm 2015 trước khi ra tòa.
Chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” trong nhiệm kỳ một của TCB và Vương Kỳ Sơn “thành công mỹ mãn” như theo báo cáo của Uỷ ban Kiểm tra kỷ luật trung ương vào cuối năm 2017 theo đó có 1,34 triệu cán bộ trên dưới các ngành bị bắt hoặc bị điều tra trong đó có nhiều chục uỷ viên TƯĐ và hơn 100 tướng lãnh cao cấp.
Bước đi thứ hai của TCB là chuẩn bị cho nhiệm kỳ hai vào cuối năm 2017 sau khi đặt để vây cánh ở địa phương. Lần này địch thủ phải loại trừ cũng là một bí thư Trùng Khánh với tên Tôn Chính Tài (Sun Zhengcai), người kế nhiệm của Bạc Hy Lai. Tôn Chính Tài là một uỷ viên trẻ nhất của Bộ Chính trị khoá 18. Ông sinh năm 1963 và được xem là người có khả năng thay TCB sau 2022. Vì có ý đồ làm TBT suốt đời nên TCB tìm cách loại trừ ông Tôn trước Đại hội Đảng lần thứ 19 [2]. Khác với trường hợp của Bạc Hy Lai với nhiều vụ tai tiếng, Tôn Chính Tài không làm gì sai trái để bị khiển trách. Dù vậy, người ta vu cáo một cách hàm hồ rằng ông không quyết tâm tiêu trừ tàn dư của Bạc Hy Lai đặc biệt là phải đợi đến cuối năm 2016 mới thuyên chuyển phó bí thư kiêm tỉnh trưởng Hoàng Kỳ Phàm (Huang Qifan), một thân tín của Bạc. Ngày 24-7-2017 , Tôn Chinh Tài bị kết tội “vi phạm nghiêm trọng kỷ luật Đảng” cùng nghĩa với tham nhũng và bị cách chức dù chưa có bằng chứng nào cụ thể.
Trước đó một năm, TCB cũng thành công áp đặt trở thành “hạt nhân” của chế độ ở hội nghị trung ương lần thứ VI (tháng 10-2016). Trước đây chỉ có Mao mới được vinh dự này. Cụm từ “hạt nhân” cùng nghĩa với sự huỷ bỏ chế độ lãnh đạo tập thể và đưa tới độc tôn độc tài đảng trị. Vẫn chưa hết, ở Đại hội thứ 19, TCB áp đặt Ban Chấp hành đưa “ tư tưởng” mình vào điều lệ Đảng cùng đồng thời cố ý không chỉ định người kế nhiệm như điều lệ Đảng quy định. Bước đi cuối cùng của TCB là buộc 3000 “nghị gật” huỷ bỏ giới hạn nhiệm kỳ ngày 11-3 vừa qua.
Những điều này cho thấy TCB đã tính toán chu đáo bước tiến trở thành “Tsar hoàng đỏ” mới của Trung Quốc.
IV-Bối cảnh thuận lợi ở chính trường thế giơi
Vào thời kỳ Mao ngự trị, Trung Quốc còn yếu kém về kinh tế nếu không nói là kiệt quệ với chiến dịch “Đại Nhảy Vọt” và “đại Cách mạng văn hoá” kéo dài trong mười năm (1966-1976). Thu nhập đầu người dưới 200 Mỹ kim. Bên ngoài, Mỹ là kẻ thù địch số một, Liên Xô vừa bạn vừa thù (thù nhiều hơn bạn với vụ xung đột biên giới về đảo Trân Bảo (Zhenbao) năm 1969). Vị thế của Trung Quốc trên thế giới chưa đáng kể trong bối cảnh chiến tranh lạnh.
Ngày nay, nền kinh tế Trung Quốc đứng hàng thứ hai trên thế giới. Thu nhập đầu người gần 9000 Mỹ kim. Nga Sô của Putin là đối tác bằng hữu, Hoa Kỳ của Donald Trump trong tình trạng bất lường và bất ổn nội bộ. Liên hiệp Châu Âu lâm vào tình trạng phân hoá với Brexit. Thị trường Trung Quốc có mặt khắp năm châu với chiến lược một vành đai một con đường (one belt, one road hay obor) thậm chí ngay sân sau của Âu Mỹ như Phi Châu và Nam Mỹ. Ngân quỹ quốc phòng Trung Quốc không ngừng gia tăng với 151 tỷ Mỹ kim năm 2017 và dự định tăng thêm 8,1% năm 2018, đặc biệt về thiêt bị hải quân hầu thao túng ở biển Đông. Trung Quốc của TCB đã thành công lấp khoảng trống Âu Mỹ trong nhiều lãnh vực và trong nhiều nơi trên thế giới.
Nói tóm lại, chưa bao giờ vị thế trên chính trường thế giới của Trung Quốc hùng mạnh như thế này.
V-Thay lời kết
Như trên đã thấy, TCB đã toan tính đi từng bước một trên đường tiến tới thành “Tsar hoàng đỏ” mới của Trung Quốc. Bối cảnh thuận lợi của Trung Quốc trên chinh trường thế giới đã đưa TCB tới quyết định thành “người hùng” của thế kỷ 21. Nhiều nhà bình luận Trung Quốc cho rằng việc TCB muốn trở thành Mao trong thế kỷ 21 là một sự thụt luì lịch sử và đồng thời mang theo nó những hạt mầm đưa Trung Quốc một lần nữa rơi vào hỗn loạn. Một số người khác lạc quan hơn cho rằng TCB theo vết chân của Viên Thế Khải (Yuan Shikai) [3], có nghĩa là ngắn ngủi.
Cứ hy vọng là như vậy.
Paris ngày 27-3-2018
Chú thích
[1] Do Triệu Tử Dương (1919-2005) bị cách chức sau sự kiện Thiên An Môn, nhiệm kỳ của Giang Trạch Dân được thêm ba năm.
[2] Xem bài 'Vì sao TCB hạ bệ Tôn Chính Tài trước Đại hội Đảng”, Dân Quyền VN ngày 31-7-2017.
[3] Viên Thế Khải (1859-1916), một tướng nhà Thanh muốn tái lập nền quân chủ ngày 23-3-1916 với niên hiệu Hồng Hiến sau cách mạng Tân Hợi tháng 10-1911 của Tôn Dật Tiên (Sun Yixian) nhưng sau đó bị các đốc quân phản đối và các nước đồng minh Tây phương bỏ rơi. Viên ở ngôi không đầy ba tháng rồi chết trong tuyệt vọng ngày 6-6-1916.
Post a Comment