Loét dạ dày tá tràng
Trong hệ tiêu hóa, loét là một vùng mô bị phá hủy bởi dịch vị và acid của dạ dày. Bệnh loét dạ dày tá tràng là thuật ngữ chung dùng để chỉ những vết loét ở dạ dày hoặc tá tràng (phần cao nhất của ruột non).
· Một vết loét dạ dày tá tràng là sự ăn mòn hay tổn thương ở thành dạ dày - ruột.
· Lớp màng niêm mạc của hệ tiêu hóa bị ăn mòn và gây ra một vùng mô bị thoái hóa dần.
· Vùng bị thoái hóa này gây ra một cơn đau rát dai dẳng ở phần giữa bụng trên (thượng vị).
· Mặc dù hầu hết các vết loét có kích thước nhỏ nhưng chúng lại gây ra một sự khó chịu đáng kể.
Loét dạ dày tá tràng là một trong những bệnh phổ biến nhất ở Mỹ và trên toàn thể giới.
· Ở Mỹ, người ta ước lượng có đến 25 ngàn người bị loét ở một điểm nào đó. Tức là trong 10 người thì có 1 người bị loét.
· Tại một thời điểm bất kỳ, ta có thể tìm được khoảng 4 ngàn người bị loét.
· Chỉ tính trên nước Mỹ, có khoảng 350,000 đến 500,000 trường hợp mới mắc bệnh và hơn 1 ngàn người có bị bệnh iên quan đến loét được nhập viện hằng năm.
· Có 6000 người chết hằng năm do những biến chứng có liên quan đến loét.
Loét xuất hiện ở nhiều lứa tuổi, mặc dù chúng hiếm thấy ở trẻ nhỏ và thanh thiếu niên.
· Loét tá tràng thường xuất hiện lần đầu ở độ tuổi 30 – 50 và gấp hai lần ở nam so với nữ.
· Loét dạ dày thường xuất hiện ở tuổi trên 60 tuổi và thường gặp ở nữ.
Điều may mắn là trong khoảng 20 năm gần đây, chúng ta đã được biết nhiều về loét và hiện nay đã có những phương pháp điều trị hiệu quả.
NGUYÊN NHÂN
Khi ăn, dạ dày của bạn sẽ sản xuất ra acid chlohyric (HCl) và các enzyme được gọi là pepsin để tiêu hóa thức ăn.
· Thức ăn được tiêu hóa một phần ở dạ dày sau đó di chuyển xuống tá tràng để tiếp tục quá trình tiêu hóa
· Loét dạ dày tá tràng xảy ra khi acid và các men chiến thắng được cơ chế bảo vệ của hệ tiêu hóa và gây ăn mòn lớp thành niêm mạc.
Có một thời gian dài, giới y khoa đã tin rằng loét được gây ra bởi các yếu tố liên quan đến lối sống như là thói quen ăn uống, hút thuốc lá và stress.
· Những nhà nghiên cứu dần dần nhận ra rằng những người bị loét dạ dày tá tràng có sự mất cân bằng giữa một bên là acid cùng với các men tiêu hóa và một bên là khả năng tự bảo vệ của đường tiêu hóa đối với những tác nhân này.
· Những nghiên cứu được thực hiện vào những năm 80 đã chỉ ra rằng nguyên nhân thật sự của loét dạ dày tá tràng là do nhiễm một loại vi trùng có tên là Helicobacter pylori, thường được gọi là H.pylori (Hp).
· Tuy nhiên không phải tất cả những người bị loét dạ dày tá tràng đều là do nhiễm H.pylori. Hiện nay, chúng ta đều biết rằng aspirin và các thuốc kháng viêm nonsteroid (NSAID – Anti-inflammatory drug) cũng có thể gây ra loét nếu dùng thường xuyên.
Chúng ta không còn tin rằng yếu tố lối sống là nguyên nhân gây ra loét mà chỉ đóng một vai trò nhất định. Một số liệu pháp điều trị cũng góp phần hình thành loét. Những yếu tố sau có thể làm yếu đi lớp thành niêm mạc bảo vệ dạ dày do đó làm tăng thêm nguy cơ bị loét và chậm đi việc lành lại của các vết loét:
· Asprin, các thuốc kháng viêm nosteroid (như ibuprofen và naproxen), và các thuốc kháng viêm mới như (celecoxib).
· Rượu
· Các trạng thái căng thẳng về thể xác (như phỏng hay phẫu thuật) hoặc về tinh thần.
· Caffein
· Hút thuốc
· Xạ trị - dùng trong điều trị ung thư
Việc sử dụng asprin hoặc các thuốc kháng viêm khác có thể làm tăng nguy cơ bị loét ngay cả khi không bị nhiễm H.pylori:
· Những người lớn tuổi bị viêm khớp là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất.
· Những người từng bị loét hoặc xuất huyết tiêu hóa trước đây cũng có nguy cơ bị loét cao hơn bình thường.
· Nếu bạn sử dụng những loại thuốc này thường xuyên, bạn nên trao đổi với bác sĩ để tìm thuốc thay thế, nhất là khi bạn cảm thấy rối loạn tiêu hóa hay ợ nóng sau khi uống.
Vi khuẩn H.pylori phát tán từ phân của người bị nhiễm bệnh.
· Phân làm nhiễm bẩn thức ăn hoặc nước (thường ở những người kém vệ sinh)
· Vi trùng ở trong phân đi vào hệ tiêu hóa của người dùng thức ăn hay nước uống bị nhiễm bẩn này.
· Đây là đường lây phân – miệng và là đường lây phổ biến của nhiễm trùng.
Vi trùng được tìm thấy trong dạ dày, nơi mà chúng có thể xâm nhập và làm tổn thương lớp bảo vệ của dạ dày và tá tràng.
· Nhiều người bị nhiễm vi trùng nhưng không bao giờ phát triển thành loét.
· Những người mới nhiễm thường phát triển thành triệu chứng trong vòng vài tuần.
· Những nhà nghiên cứu đang cố tìm ra sự khác biệt ở những người bị phát triển thành loét so với những người không bị.
Nhiễm H.pylori xuất hiện ở mọi lứa tuổi, chủng tộc, tầng lớp xã hội.
· Nhưng thường gặp nhất là ở những người trung niên, mặc dù người ta cho rằng nhiều người bị nhiễm trùng từ nhỏ và mang vi trùng suốt đời.
· Cũng thường gặp ở những người có thu nhập thấp vì họ có khuynh hướng sống trong những hộ đông người, dùng chung phòng tắm và sử dụng chung nhà bếp.
· Người Mỹ gốc Phi và Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha cũng dễ mắc bệnh hơn những người Mỹ da trắng và người Mỹ gốc Châu Á.
Việc phân biệt giữa loét do H.pylori và loét do thuốc là rất quan trọng, bởi vì phương pháp điều trị hoàn toàn khác nhau.
Loét có thể được liên quan đến những bệnh khác.
· Những người thuờng xuyên lo lắng một cách thái quá được gọi là rối loạn lo âu. Sự rối loạn này liên quan đến loét dạ dày tá tràng.
· Một nguyên nhân ít gặp có tên là hội chứng Zollinger – Ellison gây ra loét dạ dày tá tràng và các khối u ở tụy hay tá tràng.
TRIỆU CHỨNG
Loét không phải lúc nào cũng gây ra triệu chứng. Đôi khi, một biến chứng nặng như chảy máu có thể là dấu hiệu đầu tiên của loét.
Triệu chứng thường gặp nhất từ trước đến giờ của loét dạ dày tá tràng là đau bụng.
· Đau thường ở vùng giữa bụng trên (vùng trên rốn và dưới xương ức).
· Cảm giác đau có thể giống như bị đốt hoặc bị ăn mòn bên trong bụng, và có thể lan ra sau lưng.
· Cơn đau thường xuất hiện sau khi ăn vài giờ khi dạ dày trống.
· Cơn đau thường nặng hơn về đêm hoặc sáng sớm.
· Cơn đau cũng có thể kéo dài từ vài phút đến vài giờ.
· Đau có thể giảm khi ăn, khi uống thuốc kháng acid, hoặc nôn.
Những triệu chứng khác của loét dạ dày tá tràng:
· Buồn nôn
· Nôn
· Chán ăn
· Giảm cân
Đôi khi những vết loét nặng có thể gây ra xuất huyết ở dạ dày tá tràng. Thỉnh thoảng xuất huyết là triệu chứng duy nhất của loét, nó có thể diễn tiến nhanh hay từ từ. Trong trường hợp diễn tiến nhanh có thể có một trong những biểu hiện sau:
· Nôn ra máu hoặc chất nôn sẫm màu trông như bã cà phê: đây là tình trạng cấp cứu và phải đến phòng cấp cứu ngay.
· Có máu trong phân hoặc phân màu đen, nhầy.
Chảy máu chậm thường khó phát hiện hơn vì nó không có những triệu chứng nổi bật.
· Kết quả thường gặp là giảm số lượng hồng cầu (thiếu máu).
· Triệu chứng của thiếu máu là mệt mỏi, thiếu năng lượng, suy nhược, và xanh xao, nhợt nhạt.
KHI NÀO CẦN CÓ SỰ CAN THIỆP Y KHOA
Nếu bạn đau ở vùng phía trên dạ dày, giảm đi khi ăn và uống thuốc kháng acid, bạn nên đi khám bác sĩ . Đừng tự chẩn đoán rằng mình bị loét vì một số bệnh khác nhau có thể gây ra cùng một triệu chứng.
Nếu bạn ói ra máu hoăc có những dấu hiệu khác của xuất huyết tiêu hóa hãy đi ngay đến phòng cấp cứu. Loét dạ dày tá tràng có thể gây chảy máu ồ ạt, cần đến truyền máu họặc phẫu thuật.
Đau dữ dội ở thượng vị gợi ý một vết thủng hoặc rách ở chỗ loét. Đây là trường hợp cấp cứu có thể phải phẫu thuật để vá lỗ thủng trong dạ dày.
Nôn và đau vùng thượng vị cũng có thể là dấu hiệu của tắc ruột, một biến chứng khác của loét dạ dày tá tràng. Trong trường hợp này cũng cần phải mổ cấp cứu.
LÂM SÀNG VÀ CẬN LÂM SÀNG
Sau khi nghe kể về những triệu chứng của bạn, có thể bác sĩ sẽ nghĩ ngay đến một vết loét. Nếu bạn có triệu chứng của xuất huyết tiêu hóa, những xét nghiệm sau sẽ được thực hiện ngay lập tức.
Để được xác định chẩn đoán, bạn có thể cần phải thực hiện một số kiểm tra về chẩn đoán hình ảnh. Hai loại được sử dụng rộng rãi nhất là:
· Chụp hệ tiêu hóa trên có cản quang (UGI – Upper GI series): đây là một phương pháp chụp X – quang chuyên biệt. Đầu tiên bạn uống một dung dịch màu trắng đục để tăng độ tương phản trên phim X – quang, để có thể quan sát một số chi tiết dễ dàng hơn.
· Nội soi: ống nội soi là một ống có đường kính nhỏ, dẻo có gắn một máy quay nhỏ ở cuối. Bạn sẽ được cho thuốc giảm đau nhẹ, sau đó ống được đưa qua miệng để xuống đến dạ dày. Bác sĩ có thể quan sát được lớp niêm mạc của dạ dày để chẩn đoán loét dạ dày tá tràng. Sau đó bác sĩ có thể sẽ lấy một mẩu mô nhỏ (sinh thiết) để xem dưới kinh hiển vi.
Nếu chẩn đóan hình ảnh cho thấy có vết loét, có thể bác sĩ sẽ thực hiện thêm một xét nghiêm để tìm H.pylori.
· Việc khẳng định chắc chắn bạn có nhiễm H.pylori là rất quan trọng vì điều trị H.pylori có thể làm lành vết loét.
· Hơn nữa, loét do H.pylori điều trị khác với loét do thuốc.
Có 3 xét nghiệm khác có thể tìm ra H.pylori:
· Xét nghiệm máu: Những xét nghiệm này phát hiện ra H.pylori bằng cách đo lượng kháng thể của vi trùng. Kháng thể là những protein được hệ miễn dịch sản xuất ra để bảo vệ cơ thể khỏi “những kẻ xâm lược”, chẳng hạn như H.pylori. Xét nghiệm máu không đắt tiền và có thể được làm ở phòng mạch tư. Tuy nhiên, mặt trái của xét nghiệm này là nó có thể cho kết quả dương tính ở những người từng bị loét trước đây nhưng đã được điều trị khỏi.
· Xét nghiệm bằng hơi thở: đây là xét nghiệm tìm H.pylori bằng cách đo CO2 (carbon dioxide) trong hơi thở khi uống một dung dịch đặc biệt. H.pylori phân giải dung dịch này làm tăng lượng carbon trong máu. Cơ thể loại lượng carbon này bằng cách thở ra nó ngoài dưới dạng CO2. Đây là xét nghiệm chính xác hơn xét nghiệm máu nhưng khó thực hiện hơn. Thường xét nghiệm này được thực hiện sau khi điều trị để kiểm tra lại xem H.pylori đã được tiêu diệt hay chưa.
· Xét nghiệm mô: Đây là xét nghiệm chỉ được thực hiện sau sinh thiết qua nội soi, bởi vì phải lấy ra một mẫu mô ở bên trong dạ dày để tìm ra H.pylori.
ĐIỀU TRỊ
Lựa chọn điều trị phụ thuộc vào chuyện H.pylori có phải là nguyên nhân gây ra loét hay không. Một chẩn đoán chính xác chính là chìa khóa quyết định việc điều trị có thành công hay không. Nếu nguyên nhân là do vi khuẩn, việc điều trị chủ yếu là giết chết vi trùng.Và cho dù vi trùng có phải là nguyên nhân gây loét hay không thì việc giảm lượng acid trong dạ dày cũng là một mục tiêu điều trị quan trọng khác cần phải quan tâm.
Bạn cần phải được bác sĩ theo dõi trong suốt quá trình điều trị để bảo đảm vết loét đang được liền lại, đó là một điều rất quan trọng.
Chăm sóc tại nhà
Mục tiêu của quá trình chăm sóc tại nhà đối với bệnh nhân bị loét dạ dày tá tràng thường tập trung vào việc giảm lượng acid trong dạ dày.
· Không hút thuốc, tránh cà phê, rượu. Đây là những thói quen làm tăng sản xuất acid và làm yếu đi lớp niêm mạc bảo vệ của ống tiêu hóa do đó sẽ làm tăng quá trình hình thành và làm chậm sự liền lại của vết loét.
· Không uống aspirin và các thuốc kháng viêm nonsteroid khác. Có thể dùng acetaminophen để thay thế trong một số trường hợp. Nếu không sử dụng được acetaminophen, bạn có thể nói với bác sĩ điều trị để lựa chọn một loại thuốc thay thế khác.
· Nếu các triệu chứng của bạn nhẹ, bạn có thể dùng các loại thuốc kháng acid, kháng histamin (H2) không cần kê toa để trung hòa acid của dạ dày. Tuy nhiên, thông thường bệnh nhân sẽ phải cần đến những loại thuốc được kê toa mạnh hơn.
Không có chế độ ăn riêng biệt nào là tốt dành cho những người bị loét dạ dày tá tràng:
· Trước đây, các nhà y học đề nghị một chế độ ăn nhạt, tránh những thức ăn có nhiều gia vị và dầu mỡ.
· Hiện nay, chúng ta đã biết rằng chế độ ăn trên cho hiệu quả rất ít đối với những bệnh nhân bị loét. Tuy nhiên, ở một số người, một số loại thức ăn còn làm triệu chứng nặng thêm.
· Một chế độ ăn nhạt hiện nay không còn được xem là cần thiết để trở thành một lời đề nghị phổ biến của các bác sĩ đối với bệnh nhân nữa.
· Tránh những thức ăn làm nặng thêm triệu chứng của bạn.
Can thiệp y học
Những điều trị dưới đây được đề nghị áp dụng đối với bệnh nhân bị loét:
· Thay đổi lối sống – bỏ hút thuốc, tránh uống rượu, aspirin và NSAIDs (kháng viêm non-steroid).
· Những thuốc kháng acid.
· Những thuốc giúp bảo vệ lớp niêm mạc của dạ dày và tá tràng.
· Dùng những chế độ trị liệu kết hợp nếu nguyên nhân gây loét là H pylori.
Chế độ đơn trị liệu không thể loại trừ H.pylori được. Nên cố gắng kết hợp nhiều phương pháp điều trị. Sau nhiều lần thử nghiệm và sai lầm, cuối cùng người ta rút ra được 2 cách kết hợp có tác dụng tốt trên hầu hết bệnh nhân.
· Kết hợp 3 loại thuốc: kết hợp bismuth subsalicylate ( ví dụ như pepto – Bismol) với kháng sinh tetracycline và metronidazole có tác dụng tốt trên 80 – 95% bệnh nhân và đây là phác đồ điều trị chuẩn hiện nay. Tất cả dùng dưới dạng thuốc viên. Bismuth subsalicylate và tetracycline dùng 4 lần 1 ngày và metronidazole 3 lần 1 ngày. Lịch dùng thuốc này phức tạp khó cho nhiều bệnh nhân theo được.
· Kết hợp 2 loại thuốc: Phác đồ điều trị này được phát triển để giải quyết được sự khó khăn và tác dụng phụ của phác đồ kết hợp 3 loại thuốc kể trên. Bao gồm 2 loại kháng sinh, amoxicillin và metronidazole, cả hai được dùng dưới dạng viên uống 3 lần 1 ngày. Phác đồ này đơn giản nên thích hợp với nhiều người hơn.
· Clarithromycin có thể được thay thế ở 15 – 25% bệnh nhân bị nhiễm trùng đề kháng với metronidazole.
· Thỉnh thoảng thuốc ức chế bơm H+ như omeprazole đươc dùng kết hợp hoặc thay thế cho 1 trong những loại kháng sinh kể trên.
· Những phát đồ điều trị này thường được dùng trong 2 tuần.
· Khi H.pylori được loại bỏ khỏi ống tiêu hóa, thường nó sẽ không quay trở lại được. Loét thường lành lại hoàn toàn và không tái phát.
· Những nhà nghiên cứu đang tìm ra những cách phối hợp khác tốt hơn, ít tốn thời gian hơn, đơn giản hơn và ít có tác dụng phụ hơn.
Điều trị loét có chảy máu phụ thuộc vào số lượng máu mất.
· Truyền dịch tĩnh mạch
· Cho đường tiêu hóa được “nghỉ ngơi”: nghỉ ngơi tại giường và uống dịch trong, không có thức ăn trong vài ngày. Điều này giúp cho vết loét có cơ hội lành lại mà không bị kích thích.
· Đặt ống thông dạ dày: đưa một cái ống nhỏ và mềm qua đường mũi xuống dạ dày của bạn. Nó cũng sẽ làm giải áp cho dạ dày giúp liền lại vết loét.
· Nội soi hay phẩu thuật khẩn cấp nếu có chỉ định: những mạch máu bị tổn thương đang xuất huyết thường có thể được điều trị qua nội soi. Ống nội soi có một thiết bị nhiệt nhỏ ở đầu được sử dụng để đốt các vùng tổn thương nhỏ.
Điều quan trọng cần nhớ rằng điều trị sẽ không hiệu quả nếu như chẩn đoán không chính xác. Nếu bác sĩ nói với bạn rằng bạn bị loét, điều quan trọng là cần phải xác định chắc chắn rằng vết loét đó có phải do vi trùng H.pylori gây ra hay không.
Các loại thuốc
Một số loại thuốc được sử dụng trong điều trị loét:
· Kháng acid (antacids): Đây là loại thuốc không cần kê toa có tác dụng trung hòa acid.
o Hầu hết các thuốc kháng acid có chứa aluminum hydroxide kết hợp với magnenium hoặc calcium. Như Maalox, Mylanta, Tums, Rolaids.
o Chúng có thể gây táo bón mặc dù những thuốc này chứa magnesium có thể gây ra tiêu chảy.
o Hiệu quả của thuốc tốt nếu như dùng thường xuyên.
· Kháng Histamin (H2): Đây là thuốc ngăn chặn sự tạo thành acid được dùng rộng rãi trong điều trị loét dạ dày tá tràng.
o Thuốc kháng Histamin H2 gồm cimetidine (Tagemet), ranitidine (Zantac), famotidine (Pepcicd) và nizatidine (Axid).
o Chúng ngăn sản xuất acid bằng cách chặn tác dụng của histamin, một chất hóa học làm tăng sản xuất acid.
o Có thể dùng những loại thuốc không cần được kê toa. Tuy nhiên, hầu hết các bệnh nhân cần phải sử dụng những loại thuốc có toa của bác sĩ vì chúng có tác dụng mạnh hơn.
o Kháng histamin có tác dụng tốt trong việc giảm acid và giảm đau (giảm acid giúp vết loét có thể lành lại được).
o Cần phải mất vài ngày sau mới thấy được hiệu quả điều trị.
o Điều trị với kháng histamin thường được dùng trong 6 – 8 tuần.
· Thuốc ức chế bơm acid: những thuốc này còn có tên gọi khác là ức chế bơm proton (PPIs - proton pump inhibitors)
o Nhóm này bao gồm omperazole (Prilosec), lansoprazole (Preacid) và rabeprazole (Aciphex).
o Thuốc ức chế bơm proton thậm chí còn có tác dụng mạnh hơn kháng H2.
o Chúng làm việc bằng cách ngăn chặn các “ống bơm” tiết acid vào trong dạ dày.
o Chúng đang được dùng tăng cường trong các chế độ phối hợp điều trị 2, 3 loại thuốc đối với nhiễm trùng.
· Những tác nhân bảo vệ: Những thuốc này không có ảnh hưởng đến lượng acid trong dạ dày, thay vào đó chúng bảo vệ lớp niêm mạc của dạ dày chống lại tác động của acid.
o Một trong những loại này dày và dính vào vết loét, hình thành một lớp màng bảo vệ ngăn cách giữa vết loét và acid. VD như sucralfate (Carafate).
o Một loại khác làm tăng số lượng dịch nhầy, tạo thành một màng ngăn cách, và bicarbonate giúp trung hòa acid. VD như miscprostol (Cytotec), loại này chỉ dùng trong điều trị những vết loét nguyên nhân do thuốc.
o Những thuốc kháng acid và những sản phẩm có chứa bismuth subsalicylate (như Pepto – Bismol) cũng có tác dụng bảo vệ.
· Kháng sinh: là một phần của chế độ điều trị kết hợp. Kháng sinh diệt H.pylori, là loại vi trùng gây ra loét ở nhiều người.
o Kết hợp 3 loại thuốc trong 2 tuần bao gồm 2 kháng sinh và bismuth subsalicylate là chế độ điều trị hiệu quả nhất. Nó loại trừ vi khuẩn và ngăn ngừa loét tái phát của loét trong 90% bệnh nhân điều trị theo cách này. Nhưng đáng tiếc là chế độ điều trị kết hợp này cho những tác dụng phụ như khó chịu dạ dày, buồn nôn và nôn, có vị khó chịu ở miệng, phân lỏng hoặc đen, chóng mặt và nhiễm nấm ở phụ nữ.
o Chế độ điều trị kết hợp 2 loại thuốc trong 2 tuần đơn giản hơn nên dễ tuân thủ điều trị hơn và có ít tác dụng phụ hơn, có hiệu quả ở khoảng 80% bệnh nhân được điều trị theo cách này.
o Chế độ điều trị kết hợp 3 lọai thuốc mới gồm kháng sinh và rabeprazole chỉ dùng trong 1 tuần cũng có thể loại trừ được H.pylori.
Phẫu thuật
Điều trị bằng thuốc có hiệu quả ở hầu hết những bệnh nhân bị loét. Đôi khi, điều trị bằng thuốc không hiệu quả hoặc bệnh nhân không uống được thuốc do một số lý do nào đó. Khi đó, phẫu thuật là một lựa chọn thay thể tốt đối với những bệnh nhân này.
Những phương pháp phẫu thuật thường được dùng trong loét dạ dày tá tràng là:
· Phẫu thuật cắt dây thần kinh phế vị (dây thần kinh X): đây là dây thần kinh chuyển thông tin từ não đến dạ dày, phương pháp này có thể làm giảm bài tiết acid. Tuy nhiên, nó cũng có thể cản trở các chức năng khác của dạ dày. Một phương pháp mới khác chỉ cắt phần có tác dụng trên sự chế tiết acid của dây thần kinh.
· Phẫu thuật cắt hang vị: được dùng kết hợp với phẫu thuật cắt dây thần kinh phế vị. Trong phẫu thuật này, các bác sĩ cắt đi phần thấp nhất của dạ dày của bệnh nhân (hang vị). Đây là phần sản xuất ra loại hormon làm tăng sự sản xuất acid dạ dày. Và phần dạ dày kế bên cũng có thể được cắt đi.
· Chỉnh hình hang vị: đôi khi cũng được thực hiện cùng với phẫu thuật cắt dây X. Nó mở rộng chỗ nối giữa dạ dày và tá tràng (môn vị) để tăng lượng các thức ăn được tiêu hóa một phần đi qua. Khi thức ăn đi qua khỏi môn vị, thì việc sản xuất acid sẽ tự nhiên được ngừng lại.
· Thắt động mạch: nếu có chảy máu, cắt nguồn cung cấp máu (động mạch) ở vết loét có thể làm ngưng chảy máu.
CÁC BƯỚC TIẾP THEO
Tuân thủ điều trị
Post a Comment