Tâm thần phân liệt và thuốc điều trị


Bệnh tâm thần phân liệt là một bệnh lý rối loạn tâm thần nặng, gặp trong cộng đồng với tỷ lệ khoảng 0,3-0,8 % dân số. Bệnh khởi phát có thể từ từ, âm ỉ làm cho người nhà bệnh nhân không để ý, khiến việc phát hiện bệnh thường muộn hoặc cũng có thể khởi phát một cách rất đột ngột và các triệu chứng biểu hiện rầm rộ ngay trong một vài ba ngày đầu tiên. Lúc này bệnh nhân có đầy đủ những triệu chứng khác thường trong hành vi, lời nói, tình cảm...

Các nguyên nhân

Nguyên nhân gây bệnh tâm thần phân liệt được cho là sự phối hợp của nhiều yếu tố như di truyền, sang chấn tâm lý, những bất thường về sọ não... Qua nhiều nghiên cứu, người ta thấy có sự thay đổi về sinh hóa não ở những bệnh nhân tâm thần phân liệt: sự hoạt động quá mức của hệ thống dopaminergic và hệ thống serotonin, vì vậy việc điều trị bệnh tâm thần phân liệt bằng thuốc là dựa trên cơ chế lập lại sự hoạt động cân bằng của các hệ thống này.

Hiện nay, dùng các loại thuốc an thần kinh để điều trị bệnh lý này là một biện pháp quan trọng, bên cạnh đó còn có những biện pháp tâm lý trị liệu phối hợp, tái hoà nhập bệnh nhân với xã hội, với cộng đồng.

Và những lưu ý khi điều trị

Để điều trị bệnh tâm thần phân liệt cần đạt được 3 mục tiêu sau đây:
- Làm giảm hoặc loại trừ hoàn toàn các triệu chứng của bệnh.
- Làm cho chất lượng cuộc sống của người bệnh và những chức năng thích nghi về xã hội của bệnh nhân đạt ở mức độ tối đa.
- Bảo đảm được những mục đích cho cuộc sống cá nhân của người bệnh như là trong công việc, sinh hoạt cá nhân, việc hằng ngày trong gia đình và những mối quan hệ xã hội.

Việc điều trị cần phải có tư vấn của bác sĩ chuyên khoa vì trong điều trị đôi khi gặp phải những tác dụng phụ rất nguy hiểm và rất khó chữa, ví dụ như rối loạn vận động muộn do thuốc an thần kinh. Loại thuốc thường gây ra tác dụng này là haloperidol, một loại an thần kinh cổ điển được dùng tương đối phổ biến. Khi người bệnh dùng lâu, kéo dài haloperidol (trên 4 tháng) dễ gặp phải tác dụng phụ là rối loạn vận động muộn: các vận động không tự chủ ở lưỡi, cằm, đầu chi, hay gặp nhất là ở vùng miệng, mặt, ngón chân tay, run ở quanh miệng như kiểu mõm thỏ, có những động tác múa vờn, uốn éo, định hình, những động tác múa giật.

Một trong những đặc trưng của bệnh lý tâm thần là cần phải dùng thuốc lâu dài. Trong quá trình khám chữa bệnh tại bệnh viện, chúng tôi thường gặp những câu hỏi của bệnh nhân, người nhà bệnh nhân như: dùng thuốc đến bao giờ, dùng lâu có nguy hiểm gì không? Tại sao khi bệnh nhân gần như ổn định có thể sinh hoạt được bình thường mà vẫn phải dùng thuốc? Ngừng thuốc sẽ nguy hiểm như thế nào? Theo nhiều nghiên cứu khác nhau cho thấy khi bệnh nhân đã qua khỏi giai đoạn bệnh lý cấp tính, người bệnh trong tình trạng sinh hoạt gần như bình thường thì việc điều trị duy trì vẫn phải tiếp tục nhằm mục đích ngăn ngừa tái phát bệnh và làm cho bệnh nhân tuân thủ chế độ điều trị tốt hơn. Việc sử dụng tiếp tục thuốc an thần kinh có thể làm tỉ lệ tái phát thấp hơn 30% trong một năm và nếu không dùng thuốc duy trì thì tỷ lệ tái phát có thể lên đến 60-70% trong vòng một năm đầu và khoảng 90% trong vòng năm thứ hai. Đối với những bệnh nhân có nhiều đợt tái phát hoặc tái phát hai lần trong thời gian 5 năm thì việc dùng thuốc cần phải duy trì với thời gian là không xác định. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, kể cả khi bệnh nhân tuân thủ điều trị một cách nghiêm túc thì tỷ lệ tái phát vẫn khoảng 30% trong vòng một năm.

Bên cạnh việc dùng thuốc duy trì, những liệu pháp về tâm lý xã hội cũng rất quan trọng trong giai đoạn này. Gia đình bệnh nhân cần nhận biết được những biểu hiện tái phát sớm của bệnh như ngủ kém, khó tập trung chú ý, hay căng thẳng và dễ bị kích thích, bồn chồn, bất an, tính tình nghi ngờ. Những dấu hiệu này thường xảy ra sau những stress về tâm lý, vì vậy cần tránh cho người bệnh gặp phải những căng thẳng trong cuộc sống. Một biện pháp quan trọng nữa là làm cho người bệnh hòa nhập tái thích ứng xã hội: làm những công việc phù hợp với mình, tự chăm sóc bản thân, làm các việc trong cuộc sống hằng ngày như nấu cơm, quét dọn nhà cửa, vệ sinh cá nhân, giao tiếp với mọi người xung quanh, tham gia các hoat động vui chơi giải trí...

BS. Trịnh Thị Bích Huyền (BV Bạch Mai)

(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)





Điều trị tâm thần phân liệt

Khi tâm thần phân liệt không phải là tình trạng duy nhất của bệnh nhân và nguyên nhân cũng chưa được rõ thì các phương pháp điều trị gần đây đều dựa trên những nghiên cứu lâm sàng và kinh nghiệm. Người ta chọn những hướng tiếp cận trên là dựa vào cơ sở chúng có thể làm giảm và ngăn ngừa tái phát triệu chứng của tâm thần phân liệt. Nhiều phương pháp điều trị cũng như điều trị kết hợp đã và đang tìm thấy có ích lợi và đang được tiếp tục phát triển thêm. 

Có thể sử dụng thuốc chống loạn tâm thần hay không?

Các thuốc chống loạn tâm thần hay còn gọi là thuốc an thần đã được sử dụng rộng rãi kể từ giữa thập niên 50. Chúng đang cải thiện đáng kể viễn cảnh của các bệnh nhân. Những loại thuốc này làm giảm các triệu chứng tâm thần của tâm thần phân liệt và thường giúp cho bệnh nhân sinh hoạt hiệu quả và thích hợp hơn. Hiện nay, thuốc an thần là phương điều trị sẵn có tốt nhất, nhưng chúng không thể chữa khỏi tâm thần phân liệt hay đảm bảo một cách chắc chắn là các triệu chứng không quay lại. Chỉ có bác sĩ có trình độ, được đào tạo chuyên khoa về các bệnh tâm thần mới có thể tính được liều lượng thuốc. Liều lượng thuốc khác nhau ở mỗi bệnh nhân vì liều lượng cần dùng để giảm triệu chứng mà không gây ra tác dụng phụ thay đổi theo từng người.

Các thuốc an thần thì rất hiệu quả trong điều trị một số triệu chứng của tâm thần phân liệt như ảo giác và ảo tưởng. Phần lớn bệnh nhân đều cho thấy có cải thiện rất lớn. Tuy nhiên, ở một vài bệnh nhân thì thuốc không giúp ích được gì nhiều và ở một số ít thì dường như không có tác dụng. Rất khó dự đoán và phân biệt những bệnh nhân nào thuộc vào hai nhóm này với phần lớn những người có đáp ứng tốt với thuốc an thần.

Đôi khi các bệnh nhân và gia đình có thể trở nên lo lắng về các thuốc an thần dùng để điều trị tâm thần phân liệt. Bên cạnh mối quan tâm về tác dụng phụ (đã đề cập rải rác trong bài) thì có những mối lo lắng rằng thuốc có thể gây nghiện. Tuy nhiên, thuốc an thần không tạo ra một tình trạng hưng phấn hay lệ thuộc thuốc như các thuốc khác.

Một quan niệm sai lầm khác về thuốc an thần là xem chúng như một dạng kiểm soát trí óc. Các thuốc an thần không điều khiển những suy nghĩ của con người; thay vào đó chúng giúp nhận biết sự khác biệt giữa các triệu chứng tâm thần và thế giới thực tại. Những thuốc này làm giảm ảo giác, kích động, lú lẫn, và ảo tưởng, cho phép người bị tâm thần phân liệt hành động lý trí hơn. Bản thân người bệnh tâm thần phân liệt dường như có thể kiểm soát được ý nghĩ và nhân cách của mình và các thuốc an thần có thể giải phóng họ khỏi các triệu chứng trên và từ đó giúp suy nghĩ rõ ràng hơn, đưa ra các quyết định tốt hơn. Trong khi một số bệnh nhân sử dụng các thuốc trên có thể có tác dụng an thần hay giảm biểu lộ cảm xúc thì các thuốc chống loạn tâm thần với liều thích hợp cho điều trị tâm thần phân liệt không phải là chất ức chế. Nếu được theo dõi kỹ, đôi khi có thể giảm liều thuốc để làm giảm tác dụng không mong muốn. Hiện nay có một xu hướng trong bệnh học tâm thần là dò và dùng liều thấp nhất cho phép bệnh nhân tâm thần phân liệt có thể sinh hoạt mà không tái phát các triệu chứng loạn tâm thần.

Thời gian sử dụng các thuốc loạn tâm thần như thế nào là tốt ?

Các thuốc cũng làm giảm nguy cơ tái phát các triệu chứng tâm thần ở bệnh nhân đã phục hồi. Với việc tiếp tục sử dụng thuốc, khoảng 40% bệnh nhân đã phục hồi sẽ tái phát sau hai năm xuất viện. Tuy nhiên, tỉ lệ này vẫn có ý nghĩa khi so sánh với tỉ lệ tái phát 80% ở bệnh nhân không tiếp tục dùng thuốc. Trong hầu hết trường hợp, không thể nói chắc rằng việc tiếp tục sử dụng thuốc có thể ngăn chặn tái phát; đúng hơn, nó làm giảm tần số xuất hiện. Việc điều trị các triệu chứng tâm thần nặng nhìn chung cần những liều cao hơn liều điều trị duy trì. Nếu các triệu chứng tái phát với một liều thấp hơn, tăng liều tạm thời có thể ngăn chặn nó toàn phát trở lại.

Một số bệnh nhân có thể từ chối việc sử dụng thuốc và tự ngưng thuốc hoặc theo lời khuyên của người khác. Điều này thường làm tăng nguy cơ tái phát (mặc dù các triệu chứng không tái xuất hiện ngay lập tức). Rất khó thuyết phục những bệnh nhân như vậy tiếp tục dùng thuốc, đặc biệt đối với ai lúc đấy thấy trong người khá hơn. Đối với những bệnh nhân không tin vào việc sử dụng thuốc an thần, có thể thích hợp khi dùng dạng tiêm có tác dụng lâu. Các bệnh nhân tâm thần phân liệt không nên ngưng sử dụng thuốc an thần khi chưa được tư vấn và theo dõi y khoa.

Tác dụng phụ của thuốc

Giống như hầu hết các loại thuốc khác, thuốc an thần cũng có những tác dụng không mong muốn bên cạnh các lợi điểm của chúng. Trong khoảng thời gian đầu điều trị thuốc, bệnh nhân có thể gặp các tác dụng phụ như buồn ngủ, bồn chồn, vọt bẻ, run cơ, khô miệng hoặc mờ mắt. Các triệu chứng này có thể khắc phục khi hạ liều hoặc kiểm soát bằng một số thuốc khác. Những bệnh nhân khác nhau có đáp ứng điều trị và tác dụng phụ khác nhau đối với các loại thuốc an thần. Một người có thể đáp ứng tốt hơn với một loại thuốc so với các loại khác. 

Tác dụng phụ về lâu dài của các thuốc an thần có thể đưa đến nhiều vấn đề phiền toái. Rối loạn vận động chậm là một bệnh lý điển hình bởi các cử động tự phát thường ảnh huởng lên miệng, môi và lưỡi, đôi khi lên thân mình hoặc các phần khác trong cơ thể. Nhìn chung nó xảy ra ở khoảng 15%-20% bệnh nhân tâm thần phân liệt đang sử dụng thuốc an thần trong nhiều năm tuy nhiên, rối loạn vận động vẫn có thể xảy ra ở những người sử dụng thuốc trong thời gian ngắn hơn. Ở hầu hết các trường hợp thì các triệu chứng của rối loạn vận động đều nhẹ và làm cho người bệnh khó nhận biết.

Vấn đề nguy cơ cũng như lợi điểm của bất cứ phương pháp điều trị tâm thần phân liệt luôn được xem là rất quan trọng. Trong bài này, nguy cơ xảy ra rối loạn vận động vốn gây hoảng sợ như chính bản thân bệnh cần phải được cân nhắc với nguy cơ bùng nổ tái phát có thể làm cản trở mạnh những nỗ lực của bệnh nhân trong việc tái hoà nhập bản thân với trường lớp, công việc, gia đình và trong cộng đồng. Ở những bệnh nhân gặp phải chứng rối loạn vận động thì cần phải đánh giá lại việc sử dụng thuốc. Tuy nhiên, những nghiên cứu gần đây cho thấy rối loạn vận động một khi được xem như là không thể hồi phục vẫn có thể được cải thiện thậm chí khi họ tiếp tục dùng thuốc an thần.

Vai trò của các phương pháp điều trị tâm lý xã hội

Các thuốc an thần đã được chứng minh là quan trọng trong việc làm giảm các triệu chứng tâm thần phân liệt như ảo tưởng, ảo giác và thiếu tập trung nhưng không làm giảm vĩnh viễn tất cả các triệu chứng của bệnh. Thậm chí khi đã giảm tương đối các triệu chứng tâm thần ở người tâm thần phân liệt thì nhiều người vẫn có khó khăn đáng kể trong thiết lập và duy trì các mối quan hệ xung quanh. Thêm nữa, các bệnh nhân tâm thần phân liệt dường như không thể hoàn thành đầy đủ quá trình đào tạo đối các kỹ năng công việc do họ thường bị ốm đau trong suốt quá trình học tập-học nghề ở độ tuổi lao động (từ 18 đến 35 tuổi). Do vậy, người bệnh không chỉ gặp phải những khó khăn trong suy nghĩ, cảm xúc mà còn thiếu các kỹ năng xã hội, công việc. 

Điều trị tâm lý xã hội chủ yếu giúp giải quyết các vấn đề về tâm lý, xã hội và nghề nghiệp. Nhìn chung, các bước tiếp cận về tâm lý xã hội có ít giá trị trên bệnh nhân bị tâm thần cấp tính (mất khả năng thực tại hoặc chìm trong ảo giác hay ảo tưởng), nhưng có thể có ích đối với các trường hợp nhẹ hơn hoặc có triệu chứng tâm thần đang trong vòng kiểm soát. Có rất nhiều kiểu liệu pháp tâm lý xã hội dành cho người tâm thần phân liệt và hầu hết đều tập trung vào cải thiện chức năng phù hợp với xã hội cho dù là trong bệnh viện hay trong cộng đồng, tại nhà hay ở công sở. Ở đây chỉ đề cập đến một vài hướng tiếp cận này. Tuy nhiên, tính khả thi của các dạng điều trị khác nhau thay đổi rất lớn tuỳ theo nơi.

Tái hòa nhập: Theo nghĩa rộng, tái hoà nhập bao gồm nhiều bướccan thiệp không dùng thuốc trên bệnh nhân tâm thần phân liệt. Các chương trình tái hoà nhập tập trung vào huấn luyện về mặt xã hội, nghề nghiệp là hai mặt mà người bệnh cũng như người từng bị bệnh gặp nhiều khó khăn nhằm giúp họ vượt qua. Chương trình có thể bao gồm tư vấn nghề nghiệp, dạy nghề, các kỹ năng giải quyết khó khăn và quản lý tiền bạc, sử dụng các phương tiện vận chuyển công cộng và huấn luyện kỹ năng xã hội. Những hướng tiếp cận này rất quan trọng cho sự thành công của phương pháp điều trị lấy cộng đồng làm trung tâm cho người bị tâm thần phân liệt vì chúng cung cấp cho người xuất viện những kỹ năng cần thiết để làm chủ cuộc sống đầy biến động bên ngoài bốn bức tường bệnh viện.

Liệu pháp tâm lý giao tiếp: Phương pháp này bao gồm những buổi đối thoại thường xuyên giữa người bệnh với các nhà chuyên môn về sức khỏe tâm thần như bác sĩ tâm thần, bác sĩ tâm lý, nhà hoạt động xã hội về tâm thần, hoặc y tá. Các buổi nói chuyện này có thể tập trung vào các khó khăn, kinh nghiệm đã trãi qua, các suy nghĩ, cảm xúc hoặc các mối quan hệ trong quá khứ hay hiện tại. Bằng cách chia sẽ những gì đã trãi qua với một người đồng cảm, có kỹ năng cũng như nói về thế giới riêng của mình cho người khác, bệnh nhân tâm thần phân liệt có thể từ từ nhận thức nhiều hơn về chính bản thân và về các vấn đề của họ. Họ cũng có thể học cách nhận biết cái thực và cái không thực, biến chất.

Các nghiên cứu gần đây có khuynh hướng cho thấy liệu pháp nâng đỡ, giúp định hướng thực tại nhìn chung đem lại nhiều lợi ích hơn cho bệnh nhân tâm thần phân liệt ngoại trú hơn là liệu pháp tâm lý giúp phân tích tâm thần và tự định hướng bản thân. Trong một nghiên cứu rộng, những bệnh nhân được điều trị bằng liệu pháp tâm lý giúp định hướng thực tại, thích nghi và các kỹ năng giao tiếp nhìn chung có kết quả bằng hoặc tốt hơn những bệnh nhân được điều trị bằng phương pháp thông thường, tăng cường tự định hướng bản thân.

(Theo BSGĐ)

No comments

Có Thể Bạn Chưa Xem

Tin Nóng

Powered by Blogger.