Xơ vữa động mạch


Xơ vữa động mạch
Xơ vữa động mạch là tình trạng xuất hiện mảng bám bên trong động mạchĐộng mạch là những mạch máu chuyên chở máu giàu oxy từ tim đến các phần khác của cơ thể.
Mảng bám này được tạo ra bởi mỡ, cholesterol, canxi và những chất khác có trong máu. Theo thời gian, mảng bám sẽ cứng dần lên và làm hẹp động mạch là giảm lượng máu giàu oxy đến nuôi dưỡng các cơ quan và những bộ phận khác của cơ thể dẫn đến nhiều hậu quả nặng nề bao gồm nhồi máu cơ tim, đột quỵ hoặc thậm chí có thể tử vong.


TỔNG QUAN

Bệnh xơ vữa động mạch có thể xuất hiện ở bất kỳ động mạch nào của cơ thể, bao gồm các động mạch ở tim, não, tay, chân và vùng chậu dẫn đến nhiều hậu quả khác nhau tùy vào nơi xuất hiện của nó.
  • Bệnh mạch vành. Là khi mảng xơ vữa tích tụ bên trong các mạch vành là những động mạch cung cấp máu cho tim. Khi lượng máu đến tim giảm hoặc nghẽn hoàn toàn có thể dẫn đến đau ngực và nhồi máu cơ tim. Bệnh mạch vành là nguyên nhân tử vong hàng đầu tại Hoa Kỳ.
  • Bệnh động mạch cảnh. Là khi mảng xơ vữa tích tụ bên trong các động mạch cảnh là những động mạch cung cấp máu cho não. Khi lượng máu đến não giảm hoặc nghẽn hoàn toàn có thể dẫn đến đột quỵ.
  • Bệnh mạch máu ngoại biên. Xuất hiện khi mảng xơ vữa tích tụ bên trong các động mạch chính cung cấp máu cho chân, tay và vùng chậu. Khi lượng máu đến những khu vực này giảm hoặc nghẽn hoàn toàn có thể gây ra cảm giác tê, đau, và đôi khi gây ra một số tình trạng nhiễm trùng nguy hiểm.
Một số người bị xơ vữa động mạch không có bất kỳ triệu chứng nào cả và không được phát hiện ra cho đến khi họ bị nhồi máu hoặc đột quỵ.
Phương pháp điều trị chính cho xơ vữa động mạch là thay đổi lối sống. Bạn cũng có thể cần phải uống thuốc hoặc chịu sự can thiệp của y học mà với sự ngày càng tiến bộ của y học, chúng sẽ giúp chất lượng sống của bạn nâng cao hơn.
Nguyên nhân gây xơ vữa động mạch vẫn chưa được tìm ra. Tuy nhiên, có một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ xuất hiện bệnh, những yếu tố này được gọi là những yếu tố nguy cơ. Bạn có thể kiểm soát được một số yếu tố nguy cơ, chẳng hạn như thiếu vận động, hút thuốc lá và chế độ ăn không hợp lý. Có một số yếu tố nguy cơ bạn không kiểm soát được, chẳng hạn như tiền sử gia đình bị bệnh tim mạch.


NGUYÊN NHÂN

Nguyên nhân chính xác gây xơ vữa động mạch vẫn chưa được biết đến. Tuy nhiên, có một số nghiên cứu cho thấy rằng xơ vữa động mạch là một tiến trình tiến triển chậm, phức tạp và có thể bắt đầu từ lúc bệnh nhân còn nhỏ. Nó sẽ tiến triển nhanh hơn khi tuổi ngày càng lớn hơn.
Xơ vữa động mạch có thể bắt đầu khi có một số tác nhân gây tổn thương lớp trong của động mạch. Những tác nhân đó bao gồm:
Khi bị tổn thương, cơ thể sẽ khởi phát tiến trình lành vết thương. Những mô mỡ tiết ra các hợp chất hỗ trợ cho tiến trình này. Sự lành vết thương sẽ làm mảng xơ vữa tích tụ lại ở nơi động mạch bị tổn thương.
Theo thời gian, mảng xơ vữa bị vỡ ra. Một loại tế bào máu có tên là tiểu cầu kết tụ lại với nhau để tạo thành huyết khối ở nơi bị vỡ. Huyết khối làm động mạch hẹp lại hơn nữa và gây đau ngực nặng nề hơn hoặc gây nhồi máu cơ tim.
Các nhà nghiên cứu vẫn đang tiếp tục tìm hiểu nguyên nhân của sự phát triển của mảng xơ vữa. Họ hy vọng tìm được câu trả lời cho một số câu hỏi như:
  • Tại sao động mạch bị tổn thương và như thế nào?
  • Mảng xơ vữa phát triển và thay đổi theo thời gian như thế nào?
  • Tại sao mảng xơ vữa lại bị vỡ và dẫn đến hình thành huyết khối?

NHỮNG NGƯỜI CÓ NGUY CƠ

Bệnh mạch vành (mảng xơ vữa xuất hiện ở mạch vành) là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại Hoa Kỳ.
Nguyên nhân chính xác gây ra xơ vữa vẫn chưa được tìm ra. Tuy nhiên, một số hoạt động, tình trạng hoặc thói quen có thể làm gia tăng nguy cơ xuất hiện của bệnh. Chúng được gọi là những yếu tố nguy cơ. Càng có nhiều yếu tố nguy cơ, bạn càng dễ có khả năng bị xơ vữa động mạch.
Bạn có thể kiểm soát được hầu hết các yếu tố nguy cơ giúp ngăn ngừa hoặc làm chậm lại tiến trình của bệnh. Một số yếu tố nguy cơ không thể kiểm soát được.
Những yếu tố nguy cơ chính
  • Nồng độ cholesterol trong máu bất thường. Bao gồm nồng độ LDL cao và HDL thấp.
  • Tăng huyết áp. Huyết áp được xem là cao khi nó ở mức 140/90 mmHg hoặc cao hơn kéo dài trong một khoảng thời gian.
  • Hút thuốc lá. Có thể làm mạch máu tổn thương và thắt lại, tăng cholesteroltăng huyết áp. Hút thuốc lá còn ngăn không cho đủ lượng oxy đến các mô của cơ thể.
  • Đề kháng insulin. Là tình trạng cơ thể không thể sử dụng được insulin của chính nó một cách hiệu quả. Insulin là một hormon giúp chuyển đường từ máu vào trong các tế bào là nơi mà nó được sử dụng.
  • Đái tháo đường. Là tình trạng lượng đường trong cơ thể cao do cơ thể không sản xuất đủ insulin hoặc không sử dụng được insulin của chính nó một cách hiệu quả.
  • Thừa cân hoặc béo phì. Thừa cân là khi cơ thể có một lượng cân nặng dư thừa từ cơ, xương, mô mỡ, và/hoặc nước. Béo phì là có một lượng mỡ thừa cao bên trong cơ thể.
  • Thiếu vận động. Có thể làm những yếu tố nguy cơ khác của xơ vữa động mạch trở nên tồi tệ hơn.
  • Tuổi. Tuổi càng cao thì nguy cơ bị xơ vữa động mạch cũng càng tăng. Những yếu tố di truyền và lối sống làm cho những mảng bám tích tụ lại bên trong động mạch khi bạn ngày càng lớn. Ở giai đoạn trung niên hoặc lớn hơn, khi lượng mảng xơ vữa tích tụ đủ, chúng sẽ gây ra những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh.
    • Ở nam giới, nguy cơ gia tăng sau 45 tuổi
    • Ở nữ giới, nguy cơ gia tăng sau 55 tuổi.
  • Tiền sử gia đình bị bệnh tim mạch sớm. Nguy cơ bị xơ vữa động mạch gia tăng khi người bệnh có cha hoặc anh em được chẩn đoán là có bệnh tim mạch trước năm 55 tuổi hoặc nếu có mẹ hoặc chị em gái được chẩn đoán là có bệnh tim mạch trước 65 tuổi.
Mặc dù tuổi tác và tiền sử gia đình bị bệnh tim mạch sớm là những yếu tố nguy cơ nhưng điều đó không có nghĩa là bạn sẽ bị xơ vữa động mạch nếu như bạn có một hoặc cả 2 yếu tố nguy cơ này.
Thay đổi lối sống và/hoặc uống thuốc để điều trị những yếu tố nguy cơ khác thường có thể làm giảm bớt ảnh hưởng của yếu tố di truyền và ngăn không cho xơ vữa động mạch tiến triển, ngay cả ở những người già.
Những yếu tố nguy cơ nổi bật
Các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu những yếu tố nguy cơ khác có thể có của xơ vữa động mạch.
Nồng độ trong máu của một loại protein có tên là CRP (C-reactive protein) cao có thể gia tăng nguy cơ bị xơ vữa động mạch và nhồi máu cơ tim. CRP cao là một bằng chứng của quá trình viêm của cơ thể. Viêm là sự đáp ứng của cơ thể đối với những tổn thương hoặc nhiễm trùng. Tổn thương thành trong của động mạch có vẻ như kích thích phản ứng viêm và giúp cho mảng xơ vữa phát triển.
Những người có nồng độ CRP thấp có thể bị xơ vữa động mạch với tốc độ chậm hơn những người có nồng độ CRP cao. Các nhà nghiên cứu đang trên đường khám phá ra xem nếu như giảm quá trình viêm và giảm nồng độ CRP có thể làm giảm nguy cơ bị xơ vữa động mạch được không.
Nồng độ triglycerid (một loại chất béo) trong máu cao cũng làm gia tăng nguy cơ bị xơ vữa động mạch, đặc biệt là ở phụ nữ.
Những yếu tố nguy cơ khác
Ngoài ra cũng có một số yếu tố nguy cơ khác có thể làm gia tăng nguy cơ bị xơ vữa động mạch bao gồm:
  • Ngưng thở lúc ngủ. Là khi bạn ngừng thở hoặc thở rất nông khi đang ngủ. Nếu không được điều trị có thể làm tăng nguy cơ bị tăng huyết ápđái tháo đường và thậm chí là nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ.
  • Stress. Các nghiên cứu cũng cho thấy rằng yếu tố dẫn đến nhồi máu cơ tim nhiều nhất là những sự kiện gây rối loạn cảm xúc - đặc biệt là nếu như nó có liên quan đến sự giận dữ.
  • Rượu bia. Uống rượu nhiều có thể làm tổn thương cơ tim và làm những yếu tố nguy cơ khác của xơ vữa động mạch tiến triển xấu đi. Nam giới không nên uống nhiều hơn 2 ly có chứa chất cồn mỗi ngày. Phụ nữ không nên uống nhiều hơn 1 ly có chứa chất cồn mỗi ngày.

TRIỆU CHỨNG

Xơ vữa động mạch thường không gây ra những dấu hiệu hay triệu chứng nào cho đến khi nó làm cho động mạch bị hẹp nặng hoặc bít tắc hoàn toàn. Nhiều người thậm chí không biết rằng họ có bệnh cho đến khi phải vào phòng cấp cứu do nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ.
Một số người có những biểu hiện và triệu chứng của bệnh tùy thuộc vào động mạch nào bị hẹp hoặc bít tắc.
Động mạch vành cung cấp máu giàu oxy cho tim nên khi bị mảng xơ vữa gây hẹp hoặc bít tắc (tình trạng này được gọi là bệnh mạch vành) thì triệu chứng thường gặp sẽ là đau ngực.
Bệnh nhân có thể đau ngực hoặc có cảm giác khó chịu ở ngực khi cơ tim không được cung cấp đủ máu. Bệnh nhân cũng có thể cảm thấy bị đè nén hoặc co thắt ở lồng ngực. Những cảm giác này cũng có thể xuất hiện ở vai, tay, cổ, hàm hoặc lưng.
Cơn đau có thể nặng hơn khi vận động và khỏi khi nghỉ ngơi. Những stress về cảm xúc cũng có thể làm khởi phát cơn đau.
Những triệu chứng khác của bệnh mạch vành bao gồm thở nông và loạn nhịp tim.
Các động mạch cảnh cung cấp máu giàu oxy cho não nên khi bị mảng xơ vữa gây hẹp hoặc bít tắc thì bệnh nhân có thể sẽ bị đột quỵ. Bệnh nhân có thể đột ngột có cảm giác tê, yếu và hoa mắt, chóng mặt.
Mảng xơ vữa cũng có thể tích tụ ở những mạch máu chính cung cấp máu cho chân, tay và khung chậu (bệnh mạch máu ngoại biên) gây hẹp hoặc bít tắc dẫn đến tê, đau và đôi khi gây ra những nhiễm trùng nguy hiểm.


CHẨN ĐOÁN

Bác sĩ sẽ chẩn đoán xơ vữa động mạch dựa vào các yếu tố:
  • Tiền sử bệnh tật và gia đình
  • Yếu tố nguy cơ
  • Kết quả khám lâm sàng và các xét nghiệm
Các chuyên khoa liên quan
Khi được chẩn đoán bị xơ vữa động mạch, bạn sẽ được bác sĩ khám tổng quát chuyển đến những bác sĩ thuộc chuyên khoa khác nếu như bạn cần sự can thiệp của họ. Các chuyên khoa đó có thể là:
  • Khoa tim mạch nếu bạn bị bệnh mạch vành hoặc bệnh mạch máu ngoại biên.
  • Khoa thần kinh nếu bạn bị đột quỵ.
Khám lâm sàng
Trong quá trình khám, bác sĩ sẽ dùng ống nghe đặt lên những động mạch bị ảnh hưởng để nghe xem có những tiếng rít bất thường không. Tiếng rít là sự biểu hiện của dòng máu bị ngăn trở do mảng xơ vữa.
Bác sĩ cũng có thể kiểm tra xem mạch ở một vị trí nào đó trên cơ thể bạn (chẳng hạn như chân) có yếu hoặc mất không. Mạch yếu hoặc mất là biểu hiện của tình trạng động mạch bị bít tắc.
Các xét nghiệm và thủ thuật
Các bác sĩ có thể thực hiện một hoặc nhiều xét nghiệm để chẩn đoán bệnh. Ngoài ra những xét nghiệm này còn giúp bác sĩ biết được sự tiến triển của bệnh và chuẩn bị kế hoạch điều trị tốt nhất.
  • Xét nghiệm máu. Dùng để kiểm tra nồng độ một số chất trong máu như chất béo, cholesterol, đường và protein. Nồng độ bất thường có thể chứng tỏ bạn đã có yếu tố nguy cơ của xơ vữa động mạch.
  • Điện tâm đồ (ECG - Electrocardiogram). Dùng để ghi lại hoạt động điện của tim. Điện tâm đồ cho phép  kiểm tra được tim đập nhanh như thế nào và có nhịp bất thường không. Nó còn cho thấy được cường độ và thời giancủa các tín hiệu điện khi nó đi qua những vùng khác nhau của tim. ECG còn có thể cho thấy những nghi ngờ bệnh mạch vành và cho những dấu hiệu của nhồi máu cơ tim sắp diễn ra hoặc đang diễn ra.
  • X quang ngực. Chụp lại hình ảnh của các cơ quan và cấu trúc bên trong ngực bao gồm tim, phổi và các mạch máu. X quang ngực có thể cho thấy dấu hiệu của suy tim.
  • Đo chỉ số huyết áp ở mắt cá chân/cánh tay. So sánh huyết áp giữa mắt cá chân và cánh tay giúp xác định được chất lượng dòng chảy của máu giúp chẩn đoán được bệnh mạch máu ngoại biên.
  • Siêu âm tim. Dùng sóng âm để tạo ra hình ảnh động của tim, giúp cung cấp thông tin về kích thước, hình dạng của tim và hoạt động của các buồng tim và các van tim. Nó cũng giúp xác định được khu vực nào ít máu nuôi, khu vực nào của cơ tim không co bóp bình thường và những khu vực tiền tổn thương của cơ tim do thiếu máu nuôi.
  • CT scan. Dùng máy vi tính tạo ra được hình ảnh của tim, não và những khu vực khác của cơ thể. Nó có thể cho thấy được những chỗ hẹp và xơ cứng của các động mạch lớn.
  • Nghiệm pháp gắng sức. Khi thực hiện nghiệm pháp gắng sức, bạn sẽ vận động để cho tim làm việc nhiều hơn và đập nhanh hơn khi thực hiện các đo đạc trên tim. Nếu bạn không thể vận động được, bác sĩ sẽ cho thuốc để tăng vận tốc hoạt động của tim. Khi tim hoạt động mạnh hơn hoặc đập nhanh hơn, nó cần nhiều máu và oxy hơn. Các động mạch bị hẹp do mảng xơ vữa không thể cung cấp được đủ máu cần thiết cho tim. Nghiệm pháp gắng sức cho thấy những dấu hiệu có thể có của bệnh mạch vành, chẳng hạn như:
    • Những thay đổi bất thường của tốc độ hoạt động của tim hoặc huyết áp.
    • Những triệu chứng như thở nông hoặc đau ngực.
    • Những thay đổi bất thường của nhịp tim hoặc hoạt động điện của tim.
Khi thực hiện nghiệm pháp này, nếu như bạn không thể vận động được bằng với người bình thường ở cùng độ tuổi, đó có thể là dấu hiệu cho thấy máu không cung cấp đủ cho tim. Nhưng cũng có những nguyên nhân khác ngoài bệnh mạch vành làm cho bạn không thể vận động được lâu (chẳng hạn như bệnh về phổi, thiếu máu hoặc thể lực kém).
Một số trường hợp có thể sử dụng chất cản quang, sóng âm, PET (positron emission tomography), hoặc cộng hưởng từ (MRI) để cho hình ảnh tim khi đang hoạt động mạnh và khi đang nghỉ ngơi.
Những hình ảnh chụp được qua nghiệm pháp gắng sức có thể cho thấy được chất lượng dòng chảy của máu qua những phần khác nhau của tim. Chúng cũng cho thấy khả năng bơm máu của tim khi đập.
  • Chụp mạch máu. Là xét nghiệm dùng chất cản quang và tia X để cho thấy hình ảnh bên trong động mạch. Xét nghiệm này có thể cho biết được mảng xơ vữa có làm tắc nghẽn động mạch hay không và độ nặng của nó. Khi thực hiện, một ống dẻo và mỏng được gọi là catheter được luồn vào mạch máu ở cánh tay, háng (phần trên bắp đùi), hoặc cổ. Chất cản quang có thể được nhìn thấy trên X quang sẽ được bơm vào động mạch. Bằng cách nhìn vào phim X quang, bác sĩ có thể thấy được dòng chảy của máu qua các động mạch.

ĐIỀU TRỊ

Điều trị xơ vữa động mạch bao gồm thay đổi lối sống, uống thuốc, thủ thuật hoặc phẫu thuật.
Mục tiêu điều trị
  • Làm dịu triệu chứng.
  • Giảm yếu tố nguy cơ để cố gắng làm chậm lại, ngưng hoặc đảo ngược tiến trình tích tụ của mảng xơ vữa.
  • Làm giảm nguy cơ hình thành huyết khối.
  • Làm rộng hoặc bắc cầu qua động mạch bị tắc nghẽn.
  • Phòng ngừa những bệnh có liên quan đến xơ vữa động mạch.
Thay đổi lối sống
Thay đổi lối sống thường có thể giúp ngăn ngừa hoặc điều trị xơ vữa động mạch. Đối với một số người, những thay đổi này có thể đủ để điều trị được bệnh.
  • Ăn những thức ăn có ít chất béo bão hòa và nồng độ cholesterol thấp.
  • Không ăn muối trong bữa ăn nếu bị tăng huyết áp.
  • Ăn nhiều thức ăn có chứa chất xơ (như rau quả và trái cây).
  • Ăn cá ít nhất 2 lần/tuần.
  • Bỏ thuốc lá.
  • Giảm cân nếu thừa cân.
  • Tập thể dục dưới sự tư vấn của bác sĩ.
  • Nếu bệnh nhân có nồng độ đường trong máu cao, cần phải theo dõi đường huyết và HbA1c thường xuyên.
Điều trị
Mục tiêu của quá trình điều trị là phục hồi lại dòng chảy của máu đến nơi bị ảnh hưởng hết mức có thể. Mục tiêu này có thể đạt được bằng cách giảm những yếu tố nguy cơ qua một số bước sau:
  • Uống thuốc để điều hòa huyết áp nếu bị tăng huyết áp.
  • Uống thuốc để điều hòa đường huyết, đặc biệt ở những bệnh nhân bị đái tháo đường.
  • Uống thuốc để giảm lipid máu nếu nồng độ chất này trong máu cao. Những loại thuốc này giúp làm giảm LDL và triglycerid và tăng HDLStatin là loại thuốc hạ lipid máu được dùng nhiều nhất do đã được chứng minh bởi kết quả nghiên cứu từ thử nghiệm lâm sàng kéo dài trong 11 năm qua.
  • Ngưng hút thuốc. Nguy cơ của thuốc lá trên bệnh nhân giảm rất nhanh và rõ rệt nếu như bỏ hút. Tần xuất bị bệnh mạch vành ở những người vừa bỏ thuốc tương tự với những những không hút thuốc lá trong vòng 2 năm trở lại đây. Hút thuốc lá làm giảm những cholesterol tốt trong máu (HDL cholesterol) và tăng nồng độ những cholesterolxấu. Thuốc lá thậm chí còn nguy hiểm hơn ở những người đã có nguy cơ bị bệnh tim mạch cao. Nó làm tăng nồng độ CO trong máu có thể dẫn đến tăng nguy cơ bị tổn thương niêm mạc của thành động mạch dẫn đến việc hình thành mảng xơ vữa. Khói thuốc là co thắt các động mạch đã bị hẹp do xơ vữa làm giảm lượng máu đến các tế bào xuống còn thấp hơn nữa.
  • Tập thể thao, giảm cân,  và thay đổi chế độ ăn cũng giúp làm ngăn ngừa tiến trình xơ vữa.
  • Aspirin cũng nên được dùng đều đặn ở những người đã có mảng xơ vữa ở bất kỳ động mạch nào và những người có nguy cơ cao. Aspirin ngăn không có các tiểu cầu có trong máu kết dính lại với nhau hình thành huyết khối và làm bít tắt những động mạch đã bị hẹp từ trước do mảng xơ vữa.
Thuốc
Thuốc được dùng để làm hạ cholesterol máu được chia ra làm 5 nhóm.
  • Statins: thường được dùng bao gồm atorvastatin (Lipitor), fluvastatin (Lescol), lovastatin (Mevacor, Altocor),pravastatin (Pravachol), simvastatin (Zocor), và rosuvastatin (Crestor). Statin làm ngăn enzyme có chức năng kiểm soát tốc độ sản xuất cholesterol của cơ thể. Uống 1 lần mỗi ngày và thường bắt đầu sau khi thử nghiệm điều trị bằng chế độ ăn và tập luyện thể dục thất bại.
  • Tác nhân cô lập acid mật: Cholestyramine (Questran, Questran Light, Prevalite, LoCholest), colestipol (Colestid), và colesevelam (Welchol) là những thuốc thường được dùng. Chúng cô lập những acid mật có chứa cholesterolbên trong ruột non và sau đó được bài tiết ra phân. Do đó, chúng làm giảm sự hấp thu của những cholesterol đã được tiêu hóa từ ruột non. Chúng có thể gây ra tiêu chảy ở một số bệnh nhân không dung nạp được.
  • Ức chế hấp thu cholesterol:  Ezetimibe (Zetia) giảm hấp thu cholesterol một cách có chọn lọc, thường được dùng kết hợp với statins.
  • Nicotinic acid hoặc niacin: Vitamin B hòa tan được trong nước làm tăng HDL và giảm LDL. Đỏ mặt là tác dụng phụ thường gặp nhất.
  • Fibrate. Những fibrate thường được dùng là gemfibrozil (Lopid) và fenofibrate (Tricor). Chức năng chính của chúng là làm giảm triglyceride và cholesterol xấu trong máu và tăng nồng độ cholesterol tốt.
Phẫu thuật
  • Phẫu thuật tạo hình mạch máu bằng bóng. Các bác sĩ sẽ dùng một catheter có bóng ở đầu để khai thông động mạch bị hẹp hoặc nghẽn. Catheter sẽ được đưa vào trong cơ thể qua các mạch máu ở háng và luồn đến động mạch bị nghẽn. Khi đến vùng bị hẹp, bóng được bơm lên để ép mảng xơ vữa vào thành động mạch để giúp lòng động mạch rộng ra hơn do đó có thể tăng lượng máu đến. Giới hạn của phương pháp này là có thể bóng sẽ làm thành mạch tổn thương tạm thời tạo ra sự kích thích lớp nội mạc tăng sinh và làm cho động mạch bị hẹp trở lại bởi các mô xơ.
  • Đặt stent. Là phương pháp phổ biến kế tiếp. Stent, là một ống kim loại được đặt vào động mạch để giữ cho lòng mạch được thông sau khi nó đã được làm giãn thành công. Stent có chức năng giống như một giá đỡ hỗ trợ cho thành mạch, ngăn không cho nó xẹp xuống và bịt lại phía trên khu vực tổn thương của nội mạc. Một số loại stent còn được phủ bởi những loại thuốc đặc biệt giúp ngăn không cho lớp nội mạc tăng sinh và gây nghẽn trở lại. Sau khi đặt stent, bệnh nhân sẽ được yêu cầu dùng thuốc để chống hình thành khối máu đông ở trên bề mặt stent.
Nếu như thay đổi lối sống và dùng thuốc không giúp làm giảm bớt triệu chứng, và/hoặc phẫu thuật tạo hình mạch máu bằng stent đã được làm và không thể thực hiện được thêm lần nữa, người ta sẽ sử dụng phẫu thuật bắc cầu.
  • Phẫu thuật bắc cầu. Dùng động mạch hoặc tĩnh mạch từ những khu vực khác của cơ thể để bắt cầu qua động mạch bị tắc nghẽn để cải thiện lượng máu đến động mạch phía hạ lưu. Khi phẫu thuật được thực hiện trên mạch vành, nó có tên là phẫu thuật bắc cầu mạch vành. Phẫu thuật cắt lớp nội mạc động mạch cảnh giúp loại bỏ mảng xơ vữa bên trong động mạch do đó máu đến não sẽ dễ dàng hơn. Phẫu thuật bắc cầu ở các động mạch chân thường dùng những ống ghép được thiết kế đặc biệt từ vải, Dacron hoặc plastic để thực hiện.

PHÒNG NGỪA

Thực hiện để kiểm soát các yếu tố nguy cơ có thể giúp ngăn ngừa hoặc làm chậm xơ vữa động mạch và những bệnh liên quan. Khả năng bị bệnh sẽ tăng lên cùng với số lượng yếu tố nguy cơ mà bạn có.
Thay đổi lối sống và dùng thuốc theo toa là những bước quan trọng cần thiết.
Biết được tiền sử gia đình và những vấn đề sức khỏe của mình có liên quan đến xơ vữa động mạch. Nếu bạn hoặc ai đó trong gia đình bị bệnh này, hãy nói với bác sĩ. Ngoài ra cũng báo cho bác sĩ biết nếu như bạn có hút thuốc lá.


TÓM TẮT

  • Xơ vữa động mạch là tình trạng mảng xơ vữa tích tụ bên trong lòng động mạch.
  • Theo thời gian, mảng xơ vữa sẽ làm động mạch cứng và hẹp lại gây giảm lượng máu giàu oxy đến nuôi các cơ quan và những bộ phận khác của cơ thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng khác như nhồi máu cơ tim, đột quỵ, và thậm chí có thể tử vong.
  • Xơ vữa động mạch có thể ảnh hưởng đến bất kỳ mạch máu nào trong cơ thể:
    • Mạch vành gây ra bệnh mạch vành, là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong tại Hoa Kỳ.
    • Động mạch cảnh là động mạch cung cấp máu cho não.
    • Các động mạch ngoại biên cung cấp máu cho chân, tay và vùng chậu.
  • Nguyên nhân chính xác gây xơ vữa động mạch vẫn chưa được tìm ra. Nó có thể xuất hiện khi có một tác nhân nào đó gây tổn thương lớp trong của thành động mạch. Khi tổn thương xảy ra, cơ thể sẽ bắt đầu tiến trình làm lành dẫn đến các mảng xơ vữa tích tụ lại ở nơi bị thương. Theo thời gian, mảng xơ vữa sẽ vỡ ra và hình thành huyết khối bên trong động mạch gây đau ngực nặng hơn hoặc gây nhồi máu cơ tim.
  • Có nhiều nguyên nhân làm gia tăng nguy cơ bị xơ vữa động mạch. Một số nguyên nhân chính bao gồm: nồng độcholesterol máu bất thường, tăng huyết áp, hút thuốc lá, đề kháng insulin, đái tháo đường, thừa cân hoặc béo phì, thiếu vận động thể lực, tuổi tác, và tiền sử gia định bị bệnh tim mạch sớm.
  • Bệnh xơ vữa động mạch thường không gây ra các triệu chứng cho đến khi động mạch bị hẹp nặng nề hoặc bít tắc hoàn toàn. Nhiều người không biết họ bị bệnh cho đến khi phải vào phòng cấp cứu vì nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ. Những triệu chứng khác tùy thuộc vào động mạch nào bị hẹp hoặc tắc.
  • Bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh dựa vào tiền sử bệnh tật và gia đình, yếu tố nguy cơ, và kết quả khám lâm sàng và những xét nghiệm chẩn đoán.
  • Điều trị xơ vữa động mạch bao gồm thay đổi lối sống, uống thuốc và những thủ thuật hay phẫu thuật. Thay đổi lối sống bao gồm ăn uống hợp lý, tăng vận động thể lực, giữ cân nặng lý tưởng, bỏ thuốc lá và giảm stress.
  • Thực hiện các bước để kiểm soát các yếu tố nguy cơ có thể ngăn hoặc làm chậm lại tiến triển của bệnh và những bệnh liên quan. Những bước này bao gồm: thay đổi lối sống và/hoặc dùng thuốc theo toa của bác sĩ.
  • Nếu bạn được chẩn đoán là xơ vữa động mạch, bạn có thể kiểm soát bệnh bằng cách thay đổi lối sống và/hoặc dùng thuốc. Tái khám thường xuyên và gọi cho bác sĩ nếu như có bất kỳ một triệu chứng nào khác hoặc những triệu chứng của bạn trở nên xấu đi.
Nguồn:
Y học NET tổng hợp

No comments

Có Thể Bạn Chưa Xem

Tin Nóng

Powered by Blogger.