Đục thủy tinh thể



Đục thủy tinh thể
Đục thủy tinh thể (hay còn gọi là bệnh cườm khô) là tình trạng thay đổi độ trong của một thấu kính tự nhiên nằm bên trong mắt (thủy tinh thể) làm cho thị lực giảm đi dần dần. Thủy tinh thể nằm phía sau phần có màu của mắt (mống mắt) ở vị trí của đồng tử (con ngươi) mà mắt thường không thể nhìn thấy một cách trực tiếp được trừ phi nó bị mờ đục đi đáng kể.


Thủy tinh thể đóng một vai trò thiết yếu trong việc tập trung ánh sáng vào võng mạc nằm phía sau mắt. Võng mạc sẽ chuyển ánh sáng đó thành những tín hiệu thần kinh được đưa lên não để xử lý thành hình ảnh. Khi thủy tinh thể bị đục đi một cách đáng kể, nó sẽ ngăn cản hoặc bóp méo ánh sáng xuyên qua nó gây ra những triệu chứng về nhìn và tạo sự khó chịu cho bệnh nhân.
Từ đục thủy tinh thể trong tiếng Anh là cataract có nguồn gốc từ một từ Hy Lạp là cataractos diễn tả một dòng nước chảy nhanh. Khi nước bị xáo động, nó sẽ chuyển từ trong sang màu trắng và sau đó là đục.
Người Hy Lạp đã quan sát và chú ý thấy sự thay đổi của mắt tương tự như hiện tượng trên nên họ cho rằng hiện tượng nhìn mờ do đục thủy tinh thể là do sự tích tụ của dịch bị khuấy động, lúc đó họ chưa có kiến thức về giải phẫu cấu trúc của mắt cũng như tình trạng và tính quan trọng của thủy tinh thể.
Đục thủy tinh thể thường tiến triển rất chậm theo tuổi tác nhưng đôi khi nó cũng có thể xảy ra rất nhanh chóng. Trong thực tế, có rất nhiều người không nhận ra mình bị đục thủy tinh thể do sự thay đổi thị lực ở họ diễn ra rất chậm chạp.
Đục thủy tinh thể có thể ảnh hưởng đến cả 2 mắt, nhưng ít gặp đục thủy tinh thể xảy ra ở một mắt tiến triển nhanh hơn. Đục thủy tinh thể rất thường gặp, nó xuất hiện ở khoảng 60% người trên 60 tuổi, có trên 1.5 triệu cuộc phẫu thuật đục thủy tinh thể diễn ra mỗi năm tại Hoa Kỳ.
Các nhà nghiên cứu đã ước lượng rằng chứng mất thị lực có liên quan đến đục thủy tinh thể chiếm trên 8 triệu lượt bệnh nhân đến khám bệnh mỗi năm tại Hoa Kỳ. Con số này có lẽ sẽ tiếp tục tăng do số người trên 60 tuổi hiện cũng đang tăng.
Khi bị đục thủy tinh thể, bệnh nhân sẽ bắt đầu cảm thấy khó khăn khi thực hiện những công việc cần làm hằng ngày hoặc giải trí. Một số than phiền thường hay gặp nhất bao gồm gặp khó khăn khi lái xe vào ban đêm, khi đọc sách, khi chơi thể thao hoặc khi đến những nơi lạ; đó là những hoạt động đòi hỏi phải có một thị lực rõ ràng.

NGUYÊN NHÂN

Thủy tinh thể có cấu tạo chủ yếu từ nước và protein. Một số loại protein chuyên biệt bên trong thủy tinh thể chịu trách nhiệm giữ cho nó được trong sáng. Sau nhiều năm, cấu trúc của các protein này bị thay đổi cuối cùng làm cho thủy tinh thể bị đục dần.
Cũng có một số rất ít trường hợp đục thủy tinh thể xuất hiện ngay khi sinh hoặc trong những năm đầu đời do sự thiếu sót enzyme mang tính di truyền, những chấn thương nặng nề của mắt, phẫu thuật mắt hoặc viêm bên trong mắt cũng có thể gây đục thủy tinh thể khi còn trẻ tuổi. Những yếu tố khác có thể dẫn đến đục thủy tinh thể khi còn trẻ bao gồm tiếp xúc với ánh sáng cực tím quá nhiều, đái tháo đường, hút thuốc lá, hoặc dùng một số loại thuốc nào đó chẳng hạn như corticoid dạng uống, dạng xịt hay dạng có tác dụng tại chỗ.
Một số loại thuốc khác cũng có liên quan nhưng kém hơn đối với đục thủy tinh thể bao gồm sử dụng statin và phenothiazine kéo dài.

PHÂN LOẠI

Tất cả các loại đục thủy tinh thể đều có tính chất cơ bản là sự thay đổi độ trong của cấu trúc toàn bộ thủy tinh thể, tuy nhiên đục thủy tinh thể có thể diễn ra lúc còn trẻ cũng như khi đã có tuổi và một số phần nào đó của thủy tinh thể có thể bị ảnh hưởng nhiều hơn những phần khác. Đục thủy tinh thể xảy ra khi mới sinh hoặc ở những năm đầu đời (trong vòng 1 năm đầu) được gọi là đục thủy tinh thể bẩm sinh hoặc đục thủy tinh thể sơ sinh.
Đục thủy tinh thể dạng này cần phải phẫu thuật nhanh chóng để ngăn không cho bệnh làm ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của mắt. Khi phần trung tâm của thủy tinh thể bị ảnh hưởng nhiều nhất, và cũng là trường hợp hay gặp nhất, người ta gọi tình trạng này là đục nhân thủy tinh thể. Vùng chung quanh thủy tinh thể được gọi là bao thủy tinh thể và nếu mờ đục nhiều ở vùng này người ta sẽ gọi là đục bao thủy tinh thể.
Thậm chí còn có một số dạng đặc biệt hơn nữa mà đôi khi có thể xảy ra, khi sự mờ đục xuất hiện ngay sát bên bao thủy tinh thể, có thể ở phía trước và thường gặp hơn là ở phía sau, những trường hợp này được gọi là đục thủy tinh thể dưới bao. Không giống như hầu hết các dạng khác, đục thủy tinh thể dưới bao phía sau có thể diễn ra nhanh hơn và ảnh hưởng đến thị lực đột ngột hơn là đục nhân hay đục vỏ thủy tinh thể.

TRIỆU CHỨNG

Bị đục thủy tinh thể thường được so sánh giống như đang nhìn qua một tấm kính chắn gió của xe hơi bị mờ đục hoặc nhìn qua một ống kính bẩn của máy ảnh.
Bệnh có thể gây ra nhiều sự khó chịu khác nhau do thay đổi thị lực bao gồm nhìn mờ, gặp khó khăn khi phải nhìn vào ánh sáng chói lòa (thường là do mặt trời hay đèn xe khi chạy trong đêm), nhìn màu mờ, tăng khả năng nhìn gần (cận thị) đi kèm với thay đổi độ của kính thường xuyên, và đôi khi còn có hiện tượng nhìn đôi ở một mắt. Một số người còn nhận thấy hiện tượng nhìn rõ thứ phát khi khả năng nhìn gần của họ bất chợt cải thiện do ánh sáng bị tái hội tụ.
Thay kính với độ cao hơn có thể có hiệu quả ở giai đoạn đầu mới bị đục thủy tinh thể, tuy nhiên nếu bệnh tiếp tục tiến triển thị lực sẽ trở nên mờ đục và cho dù có thay kính với độ cao hơn hoặc kính sát tròng cũng không thể cải thiện được tầm nhìn.
Đục thủy tinh thể thường tiến triển từ từ và không gây đau và cũng không liên quan đến triệu chứng đỏ mắt cũng như các triệu chứng khác trừ phi chúng trở nên quá nặng. Sự thay đổi thị lực nhanh chóng hoặc đau đớn có thể là do một bệnh về mắt khác và cần phải được các bác sĩ nhãn khoa đánh giá một cách cẩn thận.

KHI NÀO CẦN ĐI KHÁM

Có thể các bác sĩ nhãn khoa sẽ lưu ý trong khi khám mắt định kỳ rằng bạn đang bị đục thủy tinh thể giai đoán sớm ngay cả khi bạn chưa cảm thấy triệu chứng nào cả.
Mặc dù có thể bác sĩ là người đầu tiên có khả năng nói cho bạn nghe về sự khởi đầu của bệnh nhưng đối với những thay đổi về thị lực đòi hỏi phải được phẫu thuật thì thông thường bạn sẽ là người đầu tiên nhận ra chúng. Thủy tinh thể có thể bắt đầu đục ở bất kỳ lứa tuổi nào nhưng ít gặp ở những người dưới 40 tuổi. Tuy nhiên, phần lớn những bệnh nhân chỉ cảm nhận được triệu chứng của đục thủy tinh thể sau khi bệnh đã bắt đầu được nhiều năm.
Do đục thủy tinh thể hiếm khi gây ra những tổn thương lâu dài cho mắt nên việc phẫu thuật chỉ nên được xem xét khi những triệu chứng về thị lực bắt đầu tiến triển. Khi những triệu chứng về thị lực tiến triển đến mức đáng kể, bạn nên sắp xếp lịch hẹn tái khám thường xuyên với bác sĩ chuyên khoa mắt. Những triệu chứng thương gặp bao gồm nhìn mờ, không nhìn được ánh sáng chói hoặc vào buổi tối, khó phân biệt được màu sắc và thay đổi kính thường xuyên.
Đối với những thay đổi do đục thủy tinh thể ở giai đoạn sớm, sức nhìn có thể được cải thiện bằng cách thay kính, dùng kính phóng đại, hoặc tăng độ sáng của đèn mỗi khi cần thực hiện những việc phải quan sát kỹ. Cuối cùng, bệnh sẽ tiến triển đến mức chỉ còn cách can thiệp hiệu quả duy nhất là phẫu thuật. Quyết định phẫu thuật phụ thuộc chủ yếu vào mức độ giới hạn thị lực mà bệnh nhân cảm thấy.

NHỮNG CÂU BẠN NÊN HỎI BÁC SĨ

Khi đi khám bệnh, bạn nên hỏi bác sĩ một số câu sau:
  • Có phải vấn đề về thị lực của tôi có liên quan đến bệnh đục thủy tinh thể?
  • Có khả năng có những bệnh khác của mắt ảnh hưởng đến thị lực của tôi hay không?
  • Thị lực của tôi có được cải thiện một cách đáng kể sau khi mổ hay không?

KHÁM VÀ CÁC XÉT NGHIỆM

Để phát hiện bệnh, bác sĩ sẽ khám thủy tinh thể của bạn. Một cuộc khám mắt toàn diện thường sẽ bao gồm những bước sau:
  • Kiểm tra độ sắc của thị lực: một bảng chữ cái chuyên biệt được dùng để khảo sát xem khả năng đọc và nhìn xa của bạn.
  • Độ khúc xạ: bác sĩ sẽ kiểm tra xem liệu kính cho làm tăng khả năng nhìn của bạn hay không.
  • Kiểm tra độ chói: khả năng nhìn có thể thay đổi một cách đáng kể trong một số điều kiện ánh sáng nhất định và có thể bình thường ở những điều kiện ánh sáng còn lại, trong những trường hợp này, bác sĩ sẽ kiểm tra triệu chứng của bạn bằng nhiều nguồn sáng thay đổi khác nhau.
  • Kiểm tra độ sắc của thị lực dự kiến: sẽ cho bác sĩ một ý niệm về thị lực của bạn sẽ như thế nào sau khi loại bỏ được bệnh. Hãy nghĩ nó như là khả năng nhìn dự kiến của bạn nếu không bị đục thủy tinh thể.
  • Kiểm tra độ nhạy cảm với sự tương phản: kiểm tra khả năng phân biệt được những đậm độ khác nhau của màu xám, thường khả năng này bị giới hạn nếu bị đục thủy tinh thể.
  • Đo áp lực nhãn cầu: đo áp lực dịch bên trong mắt (nếu tăng thì đó có thể là dấu hiệu của bệnh tăng nhãn áp - glaucoma).
  • Dãn đồng tử: đồng tử sẽ nở rộng dưới tác dụng của thuốc nhỏ mắt giúp cho bác sĩ nhãn khoa có thể khám thủy tinh thể và võng mạch kỹ càng hơn. Điều này rất quan trọng để xác định xem có thể có nguyên nhân nào khác có thể gây giới hạn thị lực của bạn ngoài đục thủy tinh thể hay không.

ĐIỀU TRỊ

Phẫu thuật
Cách phẫu thuật thường sử dụng nhất hiện nay là phẫu thuật phaco (phacoemulsification). Với sự trợ giúp của kính hiển vi phẫu thuật, phẫu thuật viên sẽ rạch một đường rất nhỏ trên bề mặt của mắt tại hay gần giác mạc. Một đầu dò siêu âm nhỏ sẽ được đưa vào mắt để dùng sóng siêu âm làm phân hủy (phacoemulsify) thủy tinh thể bị đục đi.
Những mảnh vỡ nhỏ của thủy tinh thể sẽ được hút ra ngoài qua đầu dò siêu âm. Sau khi thủy tinh thể được lấy ra, một thủy tinh thể nhân tạo sẽ được đặt vào bao ở cùng vị trí với thủy tinh thể cũ. Thủy tinh thể này sẽ giúp mắt tập trung ánh sáng sau khi phẫu thuật.
Có 3 phương pháp phẫu thuật cơ bản đối với bệnh đục thủy tinh thể:
  • Phẫu thuật phaco: cách phẫu thuật thông dụng nhất đã được mô tả ở trên. Đây cũng là phương pháp phẫu thuật hiện đại nhất, thời gian phẫu thuật chỉ mất ít hơn 30 phút và thường chỉ cần một lượng tối thiểu thuốc nhỏ giảm đau và gây tê, không cần phải khâu vết thương và cũng không cần băng keo dán vào mắt sau khi phẫu thuật.
  • Phẫu thuật đục thủy tinh thể ngoài bao: phương pháp này được dùng chủ yếu cho những trường hợp đục thủy tinh thể ở giai đoạn nặng khi thủy tinh thể quá đặc đến mức không thể phân rã ra thành từng mảnh nhỏ được hoặc được thực hiện ở những nơi không có kỹ thuật mổ phaco. Phương pháp này cần phải rạch một đường lớn hơn để thủy tinh thể có thể được lấy ra một cách nguyên vẹn mà không vỡ ra thành từng mảnh bên trong mắt. Sau đó, thủy tinh thể nhân tạo sẽ được đặt vào bao bên trong mắt cùng vị trí với thủy tinh thể cũ giống như phương pháp phaco. Phương pháp này đòi hỏi cần phải khâu nhiều mũi để đóng vết thương và tốc độ hồi phục thị lực thường cũng chậm hơn. Phương pháp này đòi hỏi phải chính thuốc tê xung quanh mắt và dán băng keo mắt sau phẫu thuật.
  • Phẫu thuật đục thủy tinh thể trong bao: phương pháp này đòi hỏi vết mổ thậm chí còn lớn hơn cả phẫu thuật ngoài bao và phẫu thuật viên sẽ lấy toàn bộ thủy tinh thể cùng với bao xung quanh nó ra ngoài cùng lúc. Sau đó người ta sẽ đặt thủy tinh thể mới vào ở một vị trí khác với thủy tinh thể cũ, ngay phía trước mống mắt. Phương pháp này ngày nay hiếm khi được sử dụng tuy nhiên có thể vẫn còn có ích đối với những trường hợp bị chấn thương nặng nề.
Những dạng thủy tinh thể nhân tạo khác nhau được cấy vào mắt sau phẫu thuật
Cũng như thủy tinh thể của con người đóng vai trò chính yếu trong việc tập trung ánh sáng để có tầm nhìn tốt, thủy tinh thể nhân tạo được cấy vào mắt khi phẫu thuật cũng cần thiết để cho người bệnh có một thị lực tốt nhất.
Do thủy tinh thể nhân tạo được cấy vào gần hay đúng ngay tại vị trí của thủy tinh thể cũ đã bị lấy đi nên thị lực có thể được phục hồi, và tầm nhìn ngoại biên, cảm nhận độ sâu và kích thước hình ảnh có thể không bị ảnh hưởng. Thủy tinh thể nhân tạo được thiết kế để đặt vào mắt vĩnh viễn, không cần phải bảo trì, điều chỉnh và ngay cả người bệnh cũng như những người xung quanh cũng không thể nhận ra được.
Có nhiều loại thủy tinh thể nhân tạo được dùng để cấy ghép bao gồm: đơn tiêu điểm, toric và đa tiêu điểm.
  • Thủy tinh thể đơn tiêu điểm: thường được sử dụng nhất. Chúng có cùng một mức tập trung ở toàn bộ thủy tinh thể và có thể cho hình ảnh chất lượng cao tại một tiêu điểm duy nhất (thường ở xa). Thường chỉ cần dùng một cặp kính đep mắt nhẹ để hiệu chỉnh độ xa gần của hình ảnh. Tuy nhiên thủy tinh thể đơn tiêu điểm không trị được loạn thị, là tình trạng giác mạc có hình dạng bất thường làm méo mó hình ảnh ở tất cả các khoảng cách khác nhau và cần phải dùng kính để quan sát những vật ở gần như khi đọc sách hoặc khi viết.
  • Thủy tinh thể toric: có một khu vực có mức tập trung cao hơn những vùng khác (tương tự như kính điều chỉnh tật loạn thị) có thể cải thiện hơn nữa thị lực ở những khoảng cách mà trước đây là không thể ở nhiều người. Do sự khác nhau ở độ tập trung ở những vùng khác nhau nên thủy tinh thể toric cần phải được điều chỉnh ở một cấu hình rất đặc biệt. Thủy tinh thể toric có khả năng cải thiện tầm nhìn xa và loạn thị nhưng nó vẫn cần sự hỗ trợ của kính để đọc hoặc viết.
  • Thủy tinh thể đa tiêu điểm: có nhiều khu vực với nhiều mức tập trung khác nhau bên trong có thể cho phép bệnh nhân nhìn thấy ở nhiều khoảng cách khác nhau: ở xa, ở sát bên hay ở gần. Tuy nhiên, loại thủy tinh thể này không phù hợp với tất cả mọi người. Nó có thể gây chói nhiều hơn rõ rệt so với thủy tinh thể đơn tiêu điểm hoặc toric. Ngoài ra, nó không thể điều chỉnh được tật loạn thị, một số bệnh nhân cần phải được phẫu thuật Lasik để điều trị chứng loạn thị và tối ưu hóa tầm nhìn ở những mức xa hơn.
Điều gì chờ đợi bệnh nhân vào trước và trong ngày được phẫu thuật
Trước ngày phẫu thuật, bác sĩ nhãn khoa sẽ thảo luận với bạn về những bước sẽ xảy ra khi phẫu thuật. Bác sĩ sẽ hỏi bạn nhiều câu hỏi khác nhau về bệnh sử và khám tổng quát cho bạn. Bạn cũng nên thảo luận với bác sĩ mình nên tránh làm những xét nghiệm hay thủ thuật y khoa nào ở giai đoạn trước phẫu thuật.
Trước khi phẫu thuật, người ta sẽ làm một số phép tính để xác định được cấu hình phù hợp của thủy tinh thể được cấy. Thủy tinh thể nhân tạo sẽ được lựa chọn dựa trên chiều dài của mắt và độ cong của giác mác (phần trong suốt phía trước mắt).
Điều quan trọng là cần phải nhớ và thực hiện theo toàn bộ hướng dẫn trước phẫu thuật, có thể bao gồm: không ăn hoặc uống bất kỳ thứ gì sau nửa đêm vào ngày trước phẫu thuật. Do phẫu thuật đục thủy tinh thể là phẫu thuật ngoại trú, đi về trong ngày nên bạn nên sắp xếp để có người thân hoặc bạn bè đưa về nhà sau khi phẫu thuật hoàn tất.
Bạn sẽ được tiếp xúc với bác sĩ gây mê, người sẽ làm việc với bác sĩ nhãn khoa để xác định loại thuốc giảm đau cần thiết. Hầu hết các cuộc phẫu thuật đục thủy tinh thể có thể được thực hiện dưới liều gây tê tổi thiểu mà không cần phải ngủ.
Trong suốt cuộc phẫu thuật, sẽ có một số người đứng trong phòng mổ ngoài bác sĩ nhãn khoa ra, đó là thể bao gồm: bác sĩ gây mê, điều dưỡng phòng mổ và kỹ thuật viên. Tuy phẫu thuật đục thủy tinh thể không gây đau đáng kể nhưng bạn vẫn được cho thuốc để được thoải mái tối đa. Việc loại bỏ thủy tinh thể bị đục ra khỏi mắt có thể mất xấp xỉ 20 - 30 phút trong hầu hết trường hợp.
Sau khi rời khỏi phòng mổ, bạn sẽ được mang đến phòng phục hồi, khi đó các bác sĩ sẽ kê toa cho bạn một vài thuốc nhỏ mắt mà bạn sẽ cần phải dùng vài tuần sau khi mổ. Bạn có thể cảm thấy khó chịu một chút, tuy nhiên hầu hết các bệnh nhân không cảm thấy đau đớn gì đáng kể sau khi phẫu thuật, nếu bạn cảm thấy thị lực của mình bị suy giảm hoặc cảm giác đau tăng đáng kể, bạn nên liên lạc với bác sĩ ngay lập tức. Tùy thuộc vào loại thuốc tê được sử dụng, bạn có thể có hoặc không được dán băng lên mắt trong 1 ngày và 1 đêm đầu sau khi phẫu thuật.
Điều gì chờ đợi sau phẫu thuật
Sau phẫu thuật, bạn sẽ cần phải quay lại tái khám trong vòng vài ngày sau, và tiếp tục tái khám lần nữa trong vòng vài tuần đầu để bảo đảm mắt được hồi phục tốt. Trong suốt khoảng thời gian này, bạn sẽ được dùng một số loại thuốc nhỏ mắt để giúp bảo vệ mắt tránh nhiễm trùng và viêm, bạn sẽ không được thực hiện một số hoạt động như nâng nhấc vật nặng và tựa người ra phía trước hoặc cúi người xuống đất.
Trong vòng vài ngày, hầu hết mọi người đều nhận thấy thị lực của mình cải thiện và có thể quay trở lại làm việc. Trong những lần tái khám sau đó, bác sĩ sẽ theo dõi xem có xuất hiện biến chứng hay không, khi thị lực đã ổn định, bác sĩ sẽ xác định loại kính mà bạn sẽ phải đeo nếu cần thiết. Loại thủy tinh thể được cấy vào mắt bạn sẽ xác định được một số yêu cầu kèm theo của loại kính bạn cần đeo để cho thị lực được tốt nhất.
Những biến chứng sau phẫu thuật có thể gặp
Tuy phẫu thuật đục thủy tinh thể là một trong những phẫu thuật an toàn nhất có thể thực hiện được với tỷ lệ thành công cao nhưng cũng có một số ít trường hợp gặp phải biến chứng. Bác sĩ sẽ trao đổi với bạn về một số biến chứng có thể gặp của cuộc phẫu thuật (và cũng là cách duy nhất để điều trị bệnh đục thủy tinh thể) trước khi bạn ký vào bản cam kết phẫu thuật. Vấn đề thường gặp nhất sau phẫu thuật là viêm mạn tính, thay đổi áp lực trong mắt (nhãn áp), hoặc sưng/phù nề võng mạc ở phía sau mắt, tách võng mạc.
Nếu bao chứa thủy tinh thể vốn đã mỏng manh bị tổn thương thì thủy tinh thể nhân tạo có thể cần phải được đặt vào vị trí khác. Ở một số trường hợp rất hiếm gặp, thủy tinh thể được đặt vào bị di chuyển hoặc không hoạt động tốt chức năng của nó nên có thể cần phải chỉnh lại vị trí, thay đổi, hoặc lấy ra. Tất cả những biến chứng kể trên rấth iếm gặp nhưng có thể dẫn đến mất thị lực nếu không được điều trị, do đó, cần phải theo dõi sát sau khi phẫu thuật.
Trong một số trường hợp, trong vòng vài tháng hay vài năm sau phẫu thuật, lớp vỏ mỏng của thủy tinh thể trở nên mờ đục và bạn sẽ có cảm giác như mình bị bệnh trở lại bởi triệu chứng nhìn mờ lại xuất hiện. Quá trình này được gọi là đục hóa sau bao, hoặc đục thủy tinh thể thứ phát. Để phục hồi được thị lực, người ta dùng tia lazer để tạo ra một lỗ ở trên bao. Thủ thuật này không gây đau đớn và thường chỉ mất vài phút tại phòng mạch, sau đó thị lực thường sẽ được cải thiện một cách nhanh chóng.

TÓM TẮT

  • Những triệu chứng của bệnh ở giai đoạn sớm bao gồm: nhìn mờ, chói và gặp khó khăn khi đọc.
  • Đục thủy tinh thể có thể gặp ở hầu hết mọi người và trở nên nổi bật hơn khi ta già đi.
  • Đục thủy tinh thể có thể được chẩn đoán khi bác sĩ khám mắt với những dụng cụ chuyên biệt.
  • Quyết định có phẫu thuật hay không chủ yếu dựa vào mức độ khó khăn mà bạn gặp phải khi thực hiện những công việc hằng ngày.
  • Điều trị đục thủy tinh thể bằng cách phẫu thuật lấy thủy tinh thể bị đục ra và thay thế nó bằng thủy tinh thể nhân tạo.
  • Có nhiều loại thủy tinh thể nhân tạo khác nhau có khả năng hồi phục thị lực theo những cách khác nhau.
  • Phẫu thuật điều trị đục thủy tinh thể là cách an toàn và hiệu quả để phục hồi thị lực mà những biến chứng nghiêm trọng của nó chỉ xảy ra ở tỷ lệ thấp hơn 1/1.000 trường hợp.
Theo emedicinehealth - Y học NET dịch

No comments

Có Thể Bạn Chưa Xem

Tin Nóng

Powered by Blogger.