Bộ luật Dân sự và Thương sự Tố Tụng Việt Nam Cộng Hòa 1972 - Thiên III

THIÊN THỨ III

KHÁNG CÁO VÀ THỦ TỤC TRƯỚC TÒA 
SƠ THẨM VÀ TÒA THƯỢNG THẨM


Điều thứ 250 – Thời hạn kháng cáo án văn đối tịch là ba mươi ngày:
1) Kể từ ngày tuyên án đối với đương sự có mặt lúc tuyên án;
2) Kể từ ngày tống đạt cáo tri án văn chiếu theo điều 232, 233, 234 và 235 của bộ luật này, đối với đương sự vắng mặt lúc tuyên án.
Điều thứ 251 – Thời hạn kháng cáo án văn khuyết tịch là sáu mươi ngày kể từ ngày án văn này không còn kháng tố được nữa.
Đương sự bị kết án khuyết tịch có quyền kháng cáo trong vòng thời hạn kháng tố và trong trường hợp này, đương sự được xem như đã khước từ quyền kháng tố.
Điều thứ 252 – Các thời hạn trên đây chỉ có thể bị đình chỉ do sự từ trần của người bị kết án. Thừa kế của người này sẽ được một thời hạn mới là sáu mươi ngày kể từ ngày người được kiện cáo tri án văn cho họ, để kháng cáo.
Sự cáo tri cho một thừa kế sẽ có hiệu lực đối với tất cả.
Điều thứ 253 – Sự kháng cáo sẽ thực hiện theo thể thức dự liệu nơi điều 245 về sự kháng tố.
Đương sự kháng cáo phải đóng một số tiền dự phạt một ngàn (1.000$)
Điều thứ 254 – Bị kháng có thể kháng cáo phụ đới chống lại nguyên kháng chẳng những về các khoản làm mục tiêu cho đơn kháng cáo chánh, mà luôn cả về các khoản khác của án văn.
Sự kháng cáo phụ đới không phải làm theo hình thức đặc biệt nào và có thể thực hiện trong mọi giai đoạn của thủ tục cho đến khi tòa nghị án.
Điều thứ 255 – Hồ sơ kháng cáo phải chuyển đến tòa thượng thẩm trong các thời hạn tối đa sau đây kể từ ngày kháng cáo:
- Một tháng cho những vụ cấp thẩm;
- Ba tháng cho những vụ khác.
Nếu để quá kỳ hạn, lục sự có thể bị phạt vạ dân sự một ngàn đồng (1.000$) bằng án lệnh của chánh án tòa đã xử kiện, trừ phi lục sự chứng minh được duyên cớ cản trở chính đáng.
 Trong trường hợp bản án bị kháng cáo chưa được trước bạ vì đương tụng không nạp đủ tiền dự phí, lục sự sẽ làm trích lục thay vì bản toàn sao để hoàn thành hồ sơ chuyển lên Tòa Thượng Thẩm.
 Điều thứ 256 – Trong vòng tám ngày, sau khi nhận hồ sơ, lục sự tòa Thượng thẩm sẽ xuất trát đòi các đương sự đến trước tòa.
 Trát đòi sẽ ghi rõ tên họ, nghề nghiệp, cư sở thực sự hay tuyển định hay nơi trú ngụ của đương sự, số đăng đường, lý do đòi đến là để nghe xử về sự kháng cáo, ngày giờ của phiên xử.
 Trong trường hợp có sự khẩn cấp, và nếu được chánh nhứt tòa thượng thẩm cho phép bằng án lệnh, đương sự mẫn cán có thể đòi các đương sự khác bằng triệu hoán trạng ra phiên xử được ấn định trong án lệnh.
 Trát đòi của phòng lục sự hay triệu hoán trạng sẽ được tống đạt theo thể thức dự liệu nơi các điều từ 33 đến 39 của bộ Luật này.
 Điều thứ 257 – Có thể bị kháng cáo những án văn mà tòa chỉ có thẩm quyền xử sơ thẩm đã định danh lầm là án chung thẩm.
 Sự chấp hành của án văn trên đây có thể bị đình chỉ do một quyết định của tòa Thượng thẩm, theo thủ tục triệu hoán ngắn hạn.
 Điều thứ 258 – Sẽ bất khả chấp thẩm sự kháng cáo đối với các án văn tuyên xử trong những vụ kiện thuộc quyền chung thẩm của tòa sơ thẩm nhưng không được tòa này định danh, hay tòa này đã định danh sai lầm là án sơ thẩm.
 Trong trường hợp nói ở điều 255 đoạn chót. Vì là nguyên kháng không chịu nạp tiền trước bạ bản án bị kháng cáo mà trong hồ sơ kháng cáo chỉ có bản trích lục án văn thay vì bản toàn sao, Tòa Thượng thẩm, ngay phiên xử đầu tiên sẽ ra lệnh cho tòa lục sự cáo tri cho đương tụng biết trong thời hạn một tháng phải nạp tiền dự phí để trước bạ bản án, Tòa Thượng thẩm sẽ tuyên bố sự kháng cáo bất khả chấp thẩm.
 Điều thứ 259 – Nếu có sự vô thẩm quyền đối vật, đơn kháng cáo sẽ được chấp nhận trong mọi trường hợp, dẫu rằng vụ kiện không quá giá ngạch chung thẩm.
 Điều thứ 260 – Sự kháng cáo, nếu thực hiện không có dự phòng nào, sẽ đặt lại trước tòa thượng thẩm tất cả sự tranh chấp, cũng như khi vụ kiện được đưa ra xét xử trước tòa sơ thẩm.
 Điều thứ 261 – Sự kháng cáo chỉ có hiệu lực đối với:
1) Những đương sự kháng cáo;
2) Những đồng hội viên, đồng thừa kế, đồng phụ trái liên đới;
3) Những người bị tòa thượng thẩm đòi dự sự.
Đối với các đương sự khác, án văn sơ thẩm được xem như có uy lực quyết tụng.
Điều thứ 262 – Sự kháng cáo có hiệu lực đình chỉ sự chấp hành án văn nếu án này không được tòa cho thi hành tạm.
Điều thứ 263 – Nếu tòa sơ thẩm đã truyền thi hành tạm án văn ngoài những trường hợp điều kiện luật định, đương sự kháng cáo có thể xin tòa thượng thẩm truyền đình chỉ sự thi hành tạm theo thủ tục triệu hoán ngắn hạn.
Điều thứ 264 – Trước tòa thượng thẩm, các đương sự không thể đưa ra những thỉnh cầu mới, ngoại trừ trường hợp thỉnh cầu mới là đơn xin bù trừ hay nhằm mục đích chống lại thỉnh cầu chánh.
Các đương sự cũng có thể xin tòa thượng thẩm dạy trả tiền thuê mướn, tiền lời, tiền phải trả từng kỳ hạn, hay phụ khoản nào khác, đã đáo hạn kể từ ngày tuyên án sơ thẩm, hoặc tiền bồi thường sự thiệt hại phát sinh kể từ ngày này.
Không kể như thỉnh cầu mới các thỉnh cầu bắt nguồn trực tiếp từ thỉnh cầu nguyên thủy, và cùng mục đích, mặc dầu căn cứ vào những nguyên nhân hay lý do khác.
Điều thứ 265 – Các đương sự có thể xin mở cuộc điều tra lần đầu tiên trước tòa thượng thẩm. Tuy nhiên, đối với các đơn xin điều tra bổ túc, thỉnh cầu sẽ bị bác nếu chỉ nhằm vào những sự kiện mà đương sự đã hay biết nhưng không nại ra khi xin mở cuộc điều tra thứ nhất.
Điều thứ 266 – Không thể bị chỉ trích trước tòa thượng thẩm chữ ký hay chữ viết mà đương sự không phủ nhận trước tòa sơ thẩm trong một cuộc tranh luận đối tịch.
Điều thứ 267 – Án sơ thẩm có thể bị cải sửa hay bác bỏ do sự xuất trình những tài liệu mới, nhưng đương sự xuất trình trễ nải có thể bị xử phải gánh chịu tất cả hay một phần án phí, chưa kể tiền bồi thường thiệt hại, nếu có.
Điều thứ 268 – Không đương sự nào có thể kháng cáo chánh hay kháng cáo phụ đới những án văn mà mình đã thuận tuân.
Điều thứ 269 – Sự thuận tuân không thể được suy đoán, nhưng có thể minh thị hay mặc thị.
Sự thuận tuân minh thị phải được chứng minh bằng văn thư.
Sự thuận tuân mặc thị có thể được xác định bởi việc tự ý thi hành toàn thể hay một phần án văn, hoặc bởi bất cứ hành động nào trái với ý định kháng án bằng một trong những phương sách dự liệu trong bộ luật này.
Điều thứ 270 – Có thể dự sự trước tòa thượng thẩm những người có quyền đệ tam kháng tố án văn bị kháng cáo hay án văn mà tòa thượng thẩm sẽ tuyên.
Tòa thượng thẩm có thể hoặc theo thỉnh cầu của các đương sự, hoặc tự ý đòi dự sự những người nói trên.
Điều thứ 271 – Trong trường hợp một án văn sơ thẩm xử chung cuộc vụ kiện bị hủy bỏ vì có sự bất hợp lệ về hình thức hoặc vì bất cứ lý do nào khác, tòa thượng thẩm có thể di thẩm vụ tranh chấp, nếu xét vụ kiện đã hoàn bị.
Điều thứ 272 – Điều 179 và 180 của bộ luật này về sự thất hiệu sẽ được áp dụng trước tòa thượng thẩm.
Sự thất hiệu sẽ làm cho án văn sơ thẩm bị kháng cáo có uy lực quyết tụng.
Điều thứ 273 – Tất cả những điều khoản của bộ luật này về thủ tục trước tòa cấp sơ thẩm đều sẽ được áp dụng trước tòa thượng thẩm, ngoại trừ những điều khoản trái với tổ chức và sự điều hành của tòa sau này.
Điều thứ 274 – trong trường hợp sự kháng cáo chánh bị bác toàn vẹn, tòa thượng thẩm sẽ truyền tịch thâu số tiền dự phạt nói ở điều 253 trên đây; ngoài ra, nếu sự kháng cáo có tánh cách diên trì hay quá lạm, tòa thượng thẩm còn có thể tuyên phạt nguyên kháng một số tiền vạ dân sự không quá năm ngàn đồng (5.000$)  chưa kể tiền bồi thường thiệt hại cho đối phương, nếu có.
Tiền vạ dân sự sẽ do sở trước bạ truy thâu riêng biệt đối với nguyên kháng bị phạt, ngoài thuế trước bạ bản án.
Các đương sự khác không thể bị buộc phải trả tiền vạ này và có quyền xin cấp bản đại tự hoặc bản toàn sao án văn mặc dầu người bị phạt chưa đóng đủ.

Điều thứ 275 – Các tòa sơ thẩm xử kháng cáo sẽ áp dụng những điều khoản về việc kháng cáo dự liệu trong thiên này, trừ phi luật định khác.

No comments

Có Thể Bạn Chưa Xem

Tin Nóng

Powered by Blogger.