Bộ luật Dân sự và Thương sự Tố Tụng Việt Nam Cộng Hòa 1972 - Thiên II

THIÊN THỨ II

THỦ TỤC TRƯỚC TÒA HÒA GIẢI VÀ TÒA SƠ THẨM


CHƯƠNG THỨ NHẤT

VỀ VIỆC KHỞI TỐ

Điều thứ 23.– Muốn khởi tố phải có lợi ích, tư cách và năng lực.
Điều thứ 24 – Có thể khởi tố bằng đơn nạp tại phòng lục sự hoặc cả bằng triệu hoán trạng do thừa phát lại tống đạt, nếu vụ kiện thuộc thẩm quyền tòa sơ thẩm.
Văn kiện khởi tố phải ghi:
1) Ngày, tháng, năm;
2) Tên họ. nghề nghiệp, cư sở thực sự hoặc tuyển đinh của nguyên đơn, các nguyên đơn ở ngoại quốc phải tuyển định cư sở trên lãnh thổ Việt Nam bằng lời khai tại phòng lục sự tòa án thụ lý vụ kiện hay tại một phòng chưởng khế tại Việt Nam, trong trường hợp này, chứng chỉ về sự tuyển định cư sở phải được đính kèm đơn khởi tố. Sự tuyển định cư sở tại Việt Nam có giá trị cả với các vụ tranh tụng phụ đới vụ tranh tụng nguyên thủy;
3) Nếu có sự tuyển nhiệm luật sư, tên và địa chỉ của luật sư, cư sở của luật sư nguyên đơn sẽ đương nhiên là cư sở tuyển trạch của nguyên đơn, trừ khi nào có tuyển trạch một cư sở khác.
4) Tên họ, cư sở thật sự hoặc tuyển định, hay nơi trú ngụ của bị đơn, nếu không có cư sở;
5) Điều thỉnh cầu và các lý lẽ;
6) Tòa án thụ lý vụ kiện. Riêng về triệu hoán trạng còn phải ghi thêm:
7) Tên họ, địa chỉ văn phòng của thừa phát lại;
8) Ngày giờ ra phiên tòa.
Điều thứ 25 – Đơn khởi tố do nguyên đơn hoặc người thay mặt hợp lệ ký tên.
Nguyên đơn lăn tay, nếu không biết ký tên và người viết hộ cũng phải ký vào cuối đơn khởi tố, sau khi ghi rõ tên họ, nghề nghiệp, địa chỉ và thẻ căn cước.
Điều thứ 26 – Một nguyên đơn có thể kiện một bị đơn về nhiều khoản thỉnh cầu khác nhau.
Cùng trong một đơn khởi tố, một nguyên đơn có thể kiện nhiều bị đơn hoặc nhiều nguyên đơn có thể kiện một hay nhiều bị đơn, với điều kiện là các thỉnh cầu có cùng một nguyên nhân và đối tượng.
Điều thứ 27 – Nguyên đơn có thể gia tăng thỉnh cầu của mình cho đến ngày vụ kiện được gọi ra phiên tòa đầu tiên.
Sự thay đổi này sẽ được tòa cho bị đơn biết.
Tuy nhiên, cho đến ngày vụ kiện được được nghị án, sự gia tăng thỉnh cầu có thể chấp nhận, nếu thuộc về tiền thuê mướn, tiền lời, tiền phải trả từng hạn kỳ hoặc phụ khoản nào khác, đã đáo hạn từ ngày khởi tố, hoặc về tiền bồi thường sự thiệt hại phát sinh kể từ ngày này.
Điều thứ 28 – Con cháu muốn kiện tôn trưởng trực hệ phải được phép của biện lý tòa án có thẩm quyền. Nếu biện lý từ chối, đương sự có thể xin chưởng lý xét lại.

CHƯƠNG THỨ II

TRUYỀN PHIẾU VÀ TRÁT ĐÒI

Điều thứ 29 – Khi nguyên đơn nạp đơn khởi tố và đóng tiền dự phí, lục sự phải ghi trên biên nhận: ngày nhận đơn, tòa án thụ lý, ngày giờ của phiên xử và số đăng đường. Bản chánh biên nhận giao cho đương sự sẽ thay thế trát đòi ra tòa. Một bản sao có chữ ký của đương sự sẽ được lưu vào hồ sơ.
Phiên xử sẽ được ấn định trễ lắm là hai mươi (20) ngày sau ngày nạp đơn khởi tố, nếu tất cả bị đơn đều cư ngụ trong quản hạt tòa án. Thời hạn vừa kể có thẻ tăng lên đến bốn mươi (40) ngày nếu có bị đơn cư ngụ ngoài quản hạt này, và đến chín mươi ngày nếu có bị đơn cư ngụ ở ngoại quốc.
Khi có sự khẩn cấp, nguyên đơn có thể xin chánh án xử sớm hơn các hạn định trên, nếu vụ kiện thuộc thẩm quyền tòa hòa giải, hoặc xin chánh án tòa sơ thẩm cho phép triệu hoán ngắn hạn bằng một án lệnh phê đơn, nếu vụ kiện thuộc thẩm quyền tòa sơ thẩm.
Điều thứ 30 – Nếu có giấy tờ kèm theo đơn khởi tố, hoặc nạp sau, đương sự có quyền đòi lục sự cấp biên nhận riêng.
Điều thứ 31 – Lục sự lập trát đòi bị đơn đến tòa và giao cho thừa phát lại hoặc viên chức hành chánh tổng đạt cho bị đơn.
Trát đòi bị đơn phải ghi rõ:
1) ngày nạp đơn khởi tố;
2) tên họ, nghề nghiệp, cư sở thật sự hoặc tuyển định, hay nơi trú ngụ của bị đơn;
3) tên họ, cư sở thật sự hoặc tuyển định, hay nơi trú ngụ của bị đơn;
4) sơ lược các bị đơn;
5) ngày giờ của phiên xử và số đăng đường;
Điều thứ 32 – Bị đơn phải được một thời hạn tối thiểu là tám ngày kể từ ngày nhận được trát đòi của phòng lục sự hay triệu hoán trạng của thừa phát lại, để chuẩn bị sự biện hộ của mình.
Thời hạn này không áp dụng trước tòa cấp thẩm hoặc khi nguyên đơn được tòa triệu hoán hay cho phép triệu hoán ngắn hạn theo điều 29 trên đây.
Điều thứ 33 – Trát đòi của phòng lục sự sẽ được thừa phát lại hoặc viên chức hành chánh hữu trách tổng đạt cho đích than bị đơn hay nơi cư sở của người này. Mỗi bị đơn phải được giao một bản sao.
Triệu hoán trạng sẽ do thừa phát lại tống đạt và cũng sẽ theo thể thức trên đây.
Điều thứ 34 – Nếu không tìm được bị đơn hoặc than nhân hay gia nhân của đương sự tại cư sở, viên chức phụ trách việc tống đạt có thể giao trát hay triệu hoán trạng cho người láng giềng để đưa lại cho bị đơn.
Trong trường hợp này, bản sao phải để vào một phong bì dán kín, một mặt chỉ để tên và địa chỉ của đương sự, mặt kia có để tên, chữ ký và con dấu của thừa phát lại hay viên chức hành chính.
Điều thứ 35 – người nhận bản sao phải ký tên trên bản chánh. Nếu người này không biết hoặc không chịu ký tên, viên chức phụ trách việc tống đạt phải ghi lại sự kiện đó.
Ngoài ra, viên chức này phải ghi rõ mối liên hệ giữa người nhận bản sao và bị đơn, trong trường hợp trát đòi hoặc triệu hoán trạng không được tống đạt cho đích thân bị đơn.
Điều thứ 36 – Nếu người láng giềng không chịu nhận bản sao và cũng không cho biết địa chỉ hiện tại của bị đơn, bản sao sẽ được giao cho trưởng đơn vị hành chánh sở tại để niêm yết; viên chức này sẽ ký nhận vào bản chánh.
Trong vòng ba ngày kể từ khi nhận được bản chánh nói trên, phòng lục sự sẽ thông báo việc niêm yết cho bị đơn bằng thơ bảo đảm có hồi báo; bản sao thơ này và biên lai bưu điện được đính theo hồ sơ.
Thừa phát lại hoặc viên chức hành chánh lạm dụng niêm yết mà không cố gắng tìm kiếm bị đơn trước sẽ bị xử phạt một số tiền vạ dân sự từ ba ngàn đồng (3000$) đến ba mươi ngàn đồng (30.000$) do chánh án tòa án thụ lý tuyên phạt, chưa kể trừng phạt về kỷ luật và tiền bồi thường thiệt hại cho đương sự.
Điều thứ 37 – Sẽ được triệu hoán tại văn phòng:
1) Tổng trưởng tài chính. Để đại diện cho quốc gia, về những vụ kiện liên quan đến công sản và công sản quyền;
2) Đô trưởng, thị trưởng, tỉnh trưởng, xã trưởng, để đại diện cho đô thành, Thị xã, Tỉnh, Xã.
Trong trường hợp vắng mặt không có người thay thế, hoặc không chịu nhận bản sao trát đòi hay triệu hoán trạng văn kiện này sec giao cho biện lý tòa sơ thẩm trên tòa hòa giải hay tòa sơ thẩm thụ lý vụ án. Biện lý sẽ ký nhận vào bản chánh và chuyển giao bản sao đến cơ quan liên hệ.
Điều thứ 38 – Sẽ được triệu hoán ra tòa:
1) Những người mà không biết được cư sở trên lãnh thổ Việt Nam, tại nơi trú ngụ hiện thời của họ;
2) Những người mà không biết được cư sở và trú ngụ trên lãnh thổ việt nam, tại biện lý cuộc tòa án trên tòa hòa giải hay tòa án thụ lý vụ kiện; biện lý sẽ ký nhận bản chánh trát đòi hay triệu hoán trạng và cho dán bản sao tại cửa chánh của tòa án;
3) Những người cư ngụ ở ngoại quốc, tại biện lý cuộc tòa án nói trên. Biện lý sẽ ký nhận vào bản chánh và gởi bản sao cho Bộ ngoại giao hoặc cho nhà chức trách khác do hiệp ước quốc tế ấn định, để tống đạt cho đương sự.
Điều thứ 39 – Viên chức phụ trách phải lập biên bản về sự tống đạt ngay trên bản chánh và gửi văn kiện này về tòa án cho kịp phiên xử.
Điều thứ 40 – Các đương sự có đủ năng lực pháp lý có thể tự mình đến hoặc đệ đơn tại thẩm phán hòa giải để xin hòa giải về vụ trình bày theo lời khai hay theo đơn viết.
Thẩm phán hòa giải xuất trát hoặc cho gửi thơ bảo đảm có biên nhận hoặc bằng mọi cách khác nhanh chóng đòi các đương sự đến văn phòng để hòa giải, cố gắng đi đến một cuộc điều đình công bằng.
Điều thứ 41 – Những vụ kiện thuộc thẩm quyền thẩm phán hòa giải không buộc phải qua giai đoạn hòa giải sơ khởi. Tuy nhiên, ngay phiên xử vụ kiện lần đầu, thẩm phán khuyến cáo các đương sự nên điều đình và thử hòa giải họ nhưng cấm không được cho ý kiến về kết quả vụ kiện.

CHƯƠNG THỨ III

HÒA GIẢI

Điều thứ 42 – Ngoại trừ trường hợp luật định khác, chánh án tòa sơ thẩm sẽ thử hòa giải:
1) Trong những vụ kiện thuộc quyền chung thẩm của tòa sơ thẩm, theo giá ngạch thỉnh cầu chánh;
2) Trong những vụ kiện khác, khi có lời yêu cầu của một đương sự.
Những vụ hoãn trên đương nhiên sẽ hoãn đến cuối phiên tòa đầu tiên, để được lần lượt hòa giải nơi văn phòng chánh án.
Điều thứ 43 – Trong thủ tục hòa giải, đương sự có thể đặc biệt ủy quyền cho một trong những người có tư cách đại diện ấn định nơi điều 50 dưới đây.
Đương sự có quyền nhờ luật sư dự thính.
Điều thứ 44 – Chánh án (tòa hòa giải hay tòa sơ thẩm) kiểm soát căn cước và tư cách của đơn sự, nghe họ trình bày và thử hòa giải.
Điều thứ 45 – Nếu có nhiều nguyên đơn hoặc nhiều bị đơn mà chỉ có một số người  có mặt, việc hòa giải chỉ có hiệu lực đối với những người hiện diện.
Đối với đương sự vắng mặt, việc hòa giải kể như bất thành.
Điều thứ 46 – Nếu việc hòa giải thành tựu, biên bản sẽ được lưu chép tại một quyển sổ lưu trữ tại phòng lục sự, có ghi số trang và được chánh án ký tên vào từng tờ một.
Chánh án, lục sự và các đương sự hiện diện đồng ký tên vào biên bản hòa giải.
Trong trường hợp đương sự không thể ký tên, hoặc có thông ngôn phụ giúp, những điểm ấy phải được ghi chú.
Điều thứ 47 – Biên bản minh xác những giao ước giữa đương sự sẽ có hiệu lực chấp hành như một bản án, không một phương sách kháng án nào được chấp nhận.
Bản đại tự có ghi văn thức chấp hành sẽ được cấp phát cho đương sự.
Điều thứ 48 – Nếu việc hòa giải bất thành, sẽ không lập biên bản. Về các vụ kiện đã thụ lý, chánh án chỉ ghi chú trên hồ sơ và định ngày vụ kiện trở ra phiên tòa.
Phòng lục sự sẽ thông báo bằng thơ bảo đảm cho những đương sự vắng mặt.
Điều thứ 49 – Trong trường hợp việc hòa giải chỉ đạt thành được một phần, hiệu lực chấp hành sẽ liên quan đến phần đó thôi.
Điều 48 sẽ áp dụng đối với phần không hòa giải được.

CHƯƠNG THỨ IV

VỀ VIỆC ĐƯƠNG SỰ RA TRƯỚC TÒA

Điều thứ 50 – Đương sự hoặc đích thân xuất đình, hoặc nhờ luật sư, tôn thuộc, ti thuộc, vợ, chồng, anh chị em, đồng thừa kế và đồng hội viên thay mặt cho mình.
Ngoại trừ luật sư, các đại diện khác phải có ủy quyền đặc biệt.
Lý đoán không được chấp nhận, nếu đương sự không xuất đình mà cũng không được thay mặt hợp lệ.
Điều thứ 51 – Trước khi mở cuộc tranh luận, tòa sẽ kiểm soát căn cước của các đương sự, của đại diện, nếu có, cùng sự hợp lệ của văn thư ủy quyền.
Điều thứ 52 – Khi các đương sự được đòi hợp lệ, đích thân xuất đình hoặc nhờ người đại diện như dự định ở điều 50, vụ kiện kể như hoàn bị và cuộc tranh luận đã kết buộc đối tịch các đương sự.
Điều thứ 53 – Nếu một bị đơn từ trần trước khi cuộc tranh luận kết buộc đối tịch các đương sự như đã ấn định nơi điều 52, chánh án sẽ cho gửi trát đòi các thừa kế theo danh sách và địa chỉ do nguyên đơn cho biết, ra một phiên tòa khác để tiếp tục vụ kiện.
Khi có thừa kế tự ý trình diện theo trát đòi người quá cố, tòa tuyên bố họ đương nhiên dự sự, không cần trát đòi khác.
Điều thứ 54 – Nếu nguyên đơn từ trần sau khi nạp đơn khởi tố, vụ kiện sẽ được bôi bỏ, ngoại trừ trường hợp có thừa kế của người quá cố tự ý dự sự để tiếp tục vụ kiện, hoặc có bị đơn phản tố đòi họ ra dự sự.
Nếu trong các nguyên đơn có người tử trần mà không có thừa kế dự sự, vụ kiện sẽ tiếp tục đối với những nguyên đơn còn lại.

CHƯƠNG THỨ V

SỰ THẨM CỨU

TIẾT 1

NGUYÊN TẮC TỔNG QUÁT

Điều thứ 55 – Để phán quyết chánh án không thể căn cứ vào những tài liệu thu thập riêng, ngoài các phương sách dẫn chứng và các biện pháp thẩm cứu luật định.
Điều thứ 56 – Người nào viện dẫn một sự kiện thuận lợi cho mình, có trách nhiệm dẫn chứng.
Đối phương muốn phủ nhận tín lực của sự kiện được chứng minh, phải xuất trình bằng cớ tương phản.
Điều thứ 57 – Đương sự việc dẫn luật lệ ngoại quốc, phong tục hay tập quán, có trách vụ dẫn chứng về sự hữu thực và nội dung của luật lệ, phong tục hay tập quán ấy.
Điều thứ 58 – Nếu không có đủ bằng cớ theo luật về chủ trương của mình, đương sự sẽ bị bác khước về những khoản không chứng minh được.
Điều thứ 59 – Sự kiện vật chất có thể được chứng minh bằng mọi phương cách.
Điều thứ 60 – Về thương sự, việc dẫn chứng được tự do, trừ phi luật dự liệu khác.

TIẾT 2

BIỆN PHÁP THẨM CỨU

Điều thứ 61 – Nếu theo hiện trạng hồ sơ, chưa đủ yếu tố để xét xử, tòa án có thể, hoặc tự ý hoặc theo thỉnh cầu của đương sự cho thi hành một hay nhiều biện pháp thẩm cứu sau đây: điều tra, giám định, kiểm tra dự tạng, tố cáo giả mạo phụ đới, đích thân xuất đình, lý khám trưởng sở, khảo tra tài liệu và phát hệ.
Điều thứ 62 – Sự vô hiệu liên quan đến các biện pháp thẩm cứu sẽ được xét xử cùng một lúc với nội dung vụ kiện.
Điều thứ 63 – Về điều tra, giám định và kiểm tra tự dạng,  tòa sẽ tuyên án tuyên thẩm có viện dẫn lý do.
Về những biện pháp khác, tòa có thể không lên án tiên thẩm mà chỉ cho ghi quyết định vào sổ bút ký của lục sự.
Án tiên thẩm và quyết định nói trên không thể bị kháng tố hay kháng cáo trước khi vụ kiện được xử chung cuộc.
Điều thứ 64 – Tòa án nếu xét cần, sẽ buộc đương sự thỉnh cầu phải ứng trước phí tổn để thi hành biện pháp thẩm cứu.
Người này phải đóng tiền tại phòng lục sự trễ lắm là mười lăm ngày kể từ khi nhận được báo thi án tiện thẩm hoặc quyết định của tòa. Trong báo thị, chánh lục sự phải nói rõ thời hạn vừa kể, số tiền phải đóng và chế tài dự định trong điều 65 sau đây.
Nếu phí tổn không được nạp trong thời hạn, lục sự sẽ gửi thư bảo đảm cho các đương sự khác, cho biết rằng họ có một thời hạn mười lăm ngày kể từ khi nhận được thơ để đóng tiền, nếu xét có lợi ích cho mình.
Điều thứ 65 – Trong trường hợp không người nào đóng phí tổn, vụ kiện sẽ được gọi ra phiên tòa thứ nhất để tiếp tục xét xử, mặc dầu không thực hiện được biện pháp thẩm cứu đã quyết định.

PHỤ TIẾT I

ĐIỀU TRA

Điều thứ 66 – Người nào xin điều tra phải liệt khai các điểm mình muốn dẫn chứng, cùng danh tánh và địa chỉ của các nhân chứng.
Điều thứ 67 – Nếu điểm xin dẫn chứng khả chấp và có vẻ chính xác, tòa sẽ lên án tiên thẩm, ghi rõ trong chủ văn những điều phải điều tra, chỉ định vị thẩm phán phụ trách và thời gian tối đa để nạp biên bản.
Điều thứ 68 – Đối phương đương nhiên có quyền phản chứng và phải nạp tại phòng lục sự tòa án thụ lý, danh sách nhân chứng trong thời hạn tám ngày kể từ khi nhận được báo thị án tiên thẩm. Trong báo thị, lục sự sẽ ghi rõ thời hạn vừa kể.
Trong trường hợp tòa tự ý cho điều tra, hai bên nguyên bị phải nạp danh sách nhân chứng, theo thể thức và trong thời hạn ấn định trước đây.
Điều thứ 69 – Thẩm phán phụ trách sẽ ấn định ngày giờ và nơi mở cuộc điều tra.
Ngoài các chi tiết vừa kể, trong trát đòi, chánh lục sự còn cho đương sự và nhân chứng biết thêm lý do phải đến trình diện.
Điều thứ 70 – Nếu nhân chứng vắng mặt không có lý do xác đáng, thẩm phán điều tra, bằng một án lệnh có hiệu lực chấp hành tức khắc, sẽ tuyên phạt người này một số tiền vạ dân sự từ năm trăm (500$) đến năm ngàn đồng (5.000$) chưa kể tiền bồi tổn mà đương sự bị thiệt hại có thể đòi sau này.
Mặc dầu đã bị phạt như kể trên và có trát đòi lại hợp lệ mà nhân chứng vẫn vắng mặt, thẩm phán điều tra có thể ra lệnh dẫn giải và ngay sau khi chấp cung sẽ trả tự do cho nhân chứng.
Điều thứ 71 – Khi nhân chứng mang lại được bằng cớ rằng không thể đến trình diện vì trường hợp ngoài ý muốn, thẩm phán điều tra, sau khi chấp cung, sẽ thâu hồi án lệnh phạt vạ.
Điều thứ 72 – Nhân lúc chấp cung, thẩm phán điều tra có thể cho đòi và nghe thêm nhân chứng, ra lệnh nạp tài liệu và viết thư hỏi công hay tư sở, nếu xét cần, để tìm ra sự thật.
Điều thứ 73 – Thẩm phán điều tra có thể ủy thác cho thẩm phán khác để chấp cung nhân chứng cư ngụ ngoài quản hạt tòa án thụ lý.
Điều thứ 74 – Có thể bị cáo tị những nhân chứng có mối tương quan sau đây với đương sự:
1) Vợ hay chồng, mặc dầu đã ly dị;
2) Thân thuộc hoặc thích thuộc, trực hệ hay bang hệ cho đến luôn bực thứ sáu của đương sự hoặc của người đối ngẫu;
3) Người thừa kế tiên định hoặc người thụ hưởng của tặng dữ;
4) Thuộc viên hoặc gia nhân;
5) Những người có thưa kiện với một đương sự, mặc dầu vụ kiện đã kết liễu;
6) Những người đang bị truy tố hay đã bị kết án về một trọng tội, hay một kinh tội về làm chứng gian, trộm, lường gạt, bội tín.
Điều thứ 75 – Lời khai của những người bị cáo tị, cũng như của vị thành niên dưới 18 tuổi, có thể được ghi với tính cách chỉ dẫn.
Điều thứ 76 – Trước khi được chấp cung, nhân chứng phải tuyên thệ nói sự thật và được thẩm phán điều tra cho biết rằng nếu khai gian, có thể bị truy tố theo hình luật.
Điều thứ 77 – các nhân chứng sẽ được chấp cung từng người một. Hai bên đương sự và luật sư của họ có quyền dự thính.
Thẩm phán điều tra có thể, hoặc tự ý, hoặc theo thỉnh cầu của đương sự, chất vấn nhân chứng về những điều xét ra có lợi ích cho cuộc điều tra.
Nếu câu hỏi do đương sự đề nghị không được chấp nhận, người này có quyền xin ghi vào biên bản.
Điều thứ 78 – Biên bản điều tra sẽ ghi rõ tên, họ, tuổi, nghề nghiệp, địa chỉ của nhân chứng, mối liên hệ với đương sự, việc tuyên thệ và nguyên văn các lời khai.
Sau khi nghe đọc lại và xác nhận là đúng, nhân chúng và đương sự ký tên vào biên bản. Nếu có người không biết hoặc không chịu ký tên, sự kiện ấy sẽ được ghi chú.
Thẩm phán điều tra, lục sự và thông ngôn, nếu có, cũng sẽ ký tên vào biên bản.
Điều thứ 79 – Cấm cạo tẩy và viết chồng chữ này lên chữ khác; các chữ gạch thêm hoặc bôi bỏ phải được những người ký tên xác nhận.
Ngoài ra, mọi người còn phải ký tên vào cuối mỗi trang của biên bản.
Điều thứ 80 – Trong vòng hai mươi ngày kể từ khi cuộc điều tra kết thúc, lục sự sẽ gửi trát đòi các đương sự phiên tòa gần nhất, để vụ kiện được xét xử về nội dung.

PHỤ TIẾT II

GIÁM ĐỊNH

Điều thứ 81 – Án tiên thẩm truyền mở cuộc giám định do tòa án tự động ra lệnh hay do lời thỉnh cầu của đương sự sẽ ghi rõ danh tánh và nhiệm vụ của giám định viên, cùng thời hạn để nạp phúc trình.
Điều thứ 82 – Tòa sẽ cử một giám định viên duy nhất, ngoại trừ trường hợp có sự khó khăn đặc biệt cần đến ba người.
Điều thứ 83 – Khi tuyên án, nếu các đương sự thỏa thuận về danh tánh của giám định viên, tòa sẽ ghi nhận việc ấy; nếu không, tòa sẽ tùy nghi lựa chọn.
Điều thứ 84 – Trong vòng tám ngày sau khi nhận báo thị án tiên thẩm, đương sự có quyền nạp tại phòng lục sự đơn xin cáo thị giám định viên có nêu rõ lý do. Lục sự sẽ gửi trát đòi giám định viên và các đương sự đến trước chánh án, để nghe xét xử tại phòng thẩm nghị.
Án lệnh chấp nhận hoặc bác khước đơn xin cáo tị không thể bị kháng án và sẽ được thi hành trên nguyên bổn trước khi trước bạ.
Đương sự cũng có thể nhờ thừa phát lại triệu hoán giám định viên và đối phương ra trước chánh án, để được xét xử như trên.
Điều thứ 85 – Giám định viên có thể bị cáo tị vì những lý do áp dụng cho nhân chứng, chiếu theo điều 74 hoặc vì đã làm một công tác thuộc về chuyên môn của mình cho một đương sự.
Điều thứ 86 – Trong án lệnh bác đơn, chánh án có thể tuyên phạt người xin cáo tị đã hành động vì ác ý, một số tiền vạ dân sự từ một ngàn đồng (1.000$) đến mười ngàn đồng (10.000$).
Điều thứ 87 – Nếu giám định viên được chỉ định không thể thi hành nhiệm vụ vì lý do chánh đáng, chánh án sẽ chọn người thay thế bằng một án lệnh phê đơn, theo lời yêu cầu của đương sự mẫn cán nhứt.
Điều thứ 88 – Trước khi hành nhiệm, giám định viên sẽ tuyên thệ trước chánh án, trừ phi án tiên thẩm đã chuẩn miễn.
Điều thứ 89 – Một khi đã nhận, giám định viên phải thi hành nhiệm vụ trong thời hạn ấn định. Nếu trễ hạn hoặc không nạp phúc trình, giám định viên có thể bị tòa buộc trả chi phí đã xuất dụng và tiền bồi thường, nếu có sự thiệt hại cho đương sự.
Điều thứ 90 – Giám định viên gởi thư bảo đảm mời các đương sự đến chứng kiến cuộc giám định, ít nhất là tám ngày trước. Thơ phải ghi rõ ngày giờ và địa điểm. Đương sự có thể nhờ luật sư dự kiến. Nếu có người vắng mặt, dầu đã được thư mời hợp lệ như trên, giám định viên vẫn có quyền thi hành nhiệm vụ.
Điều thứ 91 – Giám định viên phải ghi nhận lời giải thích hoặc khiếu nại của các đương sự.
Điều thứ 92 – Phúc trình sau khi trước bạ, sẽ được nạp tại phòng lục sự tòa án thụ lý và một bản sao phải được giám địnhviên gửi cho mỗi đương sự.
Trong vòng hai mươi ngày từ khi nhận phúc trình, chánh lục sự sẽ gửi trát đòi đương sự ra phiên tòa gần nhất, để vụ kiện được xét xử về nội dung.
Điều thứ 93 – Tiền thù lao và phí tổn của giám định viên phải do chánh án phê chuẩn.
Điều thứ 94 – Tòa án không buộc phải theo kết luận của giám định viên.
Điều thứ 95 – Nếu xét phúc trình không đủ yếu tố để thẩm định, tòa án có thể truyền mở một cuộc giám định khác, hoặc yêu cầu giám định viên giải thích tại phiên tòa trước mặt các đương sự, hay bằng phúc trình bổ túc.
Trong trường hợp phúc trình bị tuyên bố vô hiệu, tòa án có thể cho thi hành lại cuộc giám định hoặc xử ngay về nội dung, nếu từ ngày tuyên án tiên thẩm có đủ yếu tố mới để quyết định.

PHỤ TIẾT III

KIỂM TRA TỰ DẠNG

Điều thứ 96 – Nếu đương sự phủ nhận chữ ký hay chữ viết của mình trên một tư chứng thư do đối phương xuất trình, tòa sẽ áp dụng trong những giải pháp sau đây:
1. Khi chỉ xem qua bút tự phủ nhận, đối chiếu với các tài liệu trong hồ sơ, mà xét ra đã có đủ bằng chứng rằng bút tự là thiệt hay giả, tòa có thể nhìn nhận ngay văn kiện tương tranh có giá trị, hoặc gạt bỏ ra ngoài cuộc tranh luận, nhưng phải viện dẫn lý do;
2. Trong trường hợp không đủ yếu tố thẩm xét, tòa sẽ truyền kiểm tra tự dạng bằng mọi biện pháp luật định.
Điều thứ 97 -  Nếu cần mở cuộc giám định, ngoài các điều khoản từ 81 đến 95, còn phải áp dụng thêm những thể thức sau đây.
Điều thứ 98 - Văn kiện bị phủ nhận sẽ được chánh án, lục sự hoặc các đương sự hoặc người đại diện ký tên.
Nếu có đương sự vắng mặt hoặc không chịu hay không biết ký tên, sự kiện này sẽ được ghi chú vào sổ bút ký phiên tòa.
Điều thứ 99 - Khi được mời đến chứng kiến chiếu theo điều 90, các đương sự phải đem nạp cho giám định viên những tài liệu mà họ đề nghị dùng làm văn kiện để so sánh.
Nếu không có sự thỏa thuận về việc lựa chọn tài liệu, giám định viên chỉ dùng những bút tự trên các công chứng thư hoặc tư chứng thư đã được đương sự xác nhận là chủ mình.
Trong trường hợp không có hoặc không đủ văn kiện để so sánh, giám định viên có quyền yêu cầu đương sự ký tên hoặc đọc cho đương sự viết một số chữ mẫu, trước mặt đối phương.
Điều thứ 100 - Nếu bút tự cho giảo nghiệm được xác nhận là của đương sự , tòa án có thể xử phạt người này một số tiền  vạ dân sự từ ba ngàn đồng (3000$) đến 30 ngàn đồng (30.000$), chưa kể tiền  bồi thường thiệt hại cho đối phương, nếu có.

PHỤ TIẾT IV

TỐ CÁO GIẢ MẠO PHỤ ĐỚI

Điều thứ 101 – Đương sự nào cho rằng một văn kiện được tống đạt, thông tri hoặc xuất trình trong vụ kiện là giả mạo hay biến tạo, phải đốc thúc đối phương, tại phiên tòa hoặc bằng truyền phiếu thừa phát lại, để cho biết còn muốn sử dụng văn kiện ấy hay không.
Điều thứ 102 – Nếu người bị đốc thúc không trả lời hoặc tuyên bố rút lại văn kiện tương tranh, tòa sẽ gạt tài liệu này ra ngoài cuộc tranh luận và tiếp tục xử về nội dung.
Điều thứ 103 – Tòa cũng sẽ tiếp tục xử về nội dung khi theo tài liệu hồ sơ nhận thấy rằng:
1. Văn kiện tương tranh là hiển nhiên chân thật hay giả mạo;
2. Hoặc người tố cáo không thể nào chứng minh được sự giả mạo;
3. Hoặc văn kiện bị chỉ trích không có ành hưởng nào đến kết quả vụ kiện.
Điều thứ 104 – Khi người bị đốc thúc tuyên bố những quyết sử dụng văn kiện và khi xét không phải trường hợp dự liệu nơi điều 103, tòa truyền cho các đương sự nạp, trong vòng tám ngày, một bên đơn kiện giả mạo có đứng dân sự nguyên cáo chánh tố, bên kia văn kiện bị chỉ trích.
Nếu quá hạn mà đơn kiện giả mạo hoặc văn kiện bị tố cáo không được nạp vào hồ sơ, tòa sẽ tiếp tục xét xử về nội dung.
Điều thứ 105 – Sau khi nhận đủ hai tài liệu vừa kể và thi hành thể thức ấn định nơi điều 98,  tòa sẽ truyền hoãn xử về nội dung cho đến khi có phán quyết nhất định về hinhd sự, và chuyển giao hai tài liệu trên đây đến biện lý quyền có thẩm quyền.
Điều thứ 106 – Nếu công tố quyền bị tiêu diệt, tòa sẽ kiểm tra tự dạng.
Điều thứ 107 – Sau khi có phán quyết nhất định của tòa hình, đương sự mẫn cán nhứt sẽ nạp một bản toàn sao phán quyết ấy vào hồ sơ dân sự và trong vòng hai mươi ngày, lục sự sẽ gửi trát đòi các đương sự trở ra phiên tòa.
Điều thứ 108 – Nếu tòa hình xác nhận trong thực tế có sự giả mạo, dầu bị cáo bị kết án, được miễn tố hay tha bổng, văn kiện giả mạo sẽ bị gạt bỏ ra ngoài cuộc tranh luận.
Tòa sẽ truyền tiêu hủy, xóa bỏ toàn thể hay một phần văn kiện ấy, hoặc tái lập tình trạng nguyên thủy.
Sau khi mời các đương sự đến dự kiến, lục sự sẽ thực hiện công việc kể trên và lập biên bản.
Điều thứ 109 – Trong trường hợp tòa hình tuyên án miễn tố hoặc tha bổng và xác nhận không có sự giả mạo, nguyên đơn tố cáo sẽ bị phạt một số tiền vạ dân sự không quá một ngàn đồng, chưa kể tiền bồi thường thiệt hại cho đối phương, nếu có.

PHỤ TIẾT 5

ĐÍCH THÂN XUẤT ĐÌNH

Điều thứ 110 – Trong mọi trường hợp, tòa có thể truyền cho đương sự đích thân xuất đình.
Điều thứ 111 – Theo ngày giờ ấn định, đương sự được chấp cung tại phiên tòa công khai hoặc tại phòng thẩm nghị.
Lục sự lập ngay biên bản vấn đáp đương sự và lưu vào hồ sơ.
Điều thứ 112 – Nếu đương sự vắng mặt và có lý do xác đáng, tòa có thể truyền đòi lại vào một ngày khác.
Tòa cũng có thể ủy thác một vị thẩm phán chấp cung hoặc đến tận nhà lấy cung đương sự, nếu người này bị tật nguyền hay bệnh hoạn, hoặc vì đường xa cách trở không thể đến tòa được.
Điều thứ 113 – Tòa có thể hỏi riêng từng người, ngoài sự hiện diện của đối phương và sau đó sẽ cho đối chất lời khai của hai bên.
Điều thứ 114 – Nếu đương sự vắng mặt hoặc từ chối cung khai, tòa sẽ dành cho sự kiện đó mọi hậu quả luật định, nhất là xem sự vắng mặt hay sự từ chối công khai tương đương với một khởi điểm bút chứng.
Điều thứ 115 – Trong mọi trường hợp, tòa có thể truyền xuất đình để cung khai, các nhân chứng do hai bên nguyên bị đồng ý xin tòa nghe, về những điểm cũng do đương sự thỏa thuận xin điều tra.
Sẽ được áp dụng những điều khoản 70. 71. 76, 77, 78, 79 và 111 trên đây.

PHỤ TIẾT 6

LÝ KHÁM TRƯỜNG SỞ

Điều thứ 116 – Khi xét cần để tìm ra sự thật, chánh án có thể tự mình hoặc ủy nhiệm một vị thẩm phán, thân hành đến tận nơi để lý khám.
Các đương sự hoặc luật sư phải được báo trước và có quyền dự kiến.
Điều thứ 117 – Trong khi lý khám, thẩm phán có thể nhờ chuyên viên đến cho biết ý kiến, nghe nhân chứng tại chỗ hoặc tham khảo mọi tài liệu cần thiết.
Sự chấp cung nhân chứng sẽ tuân theo các điều khoản từ 74 đến 79.
Điều thứ 118.– Biên bản lý khám được thành lập ngay, thẩm phán và lục sự cùng ký tên với đương sự, chuyên viên và nhân chứng, nếu có.

PHỤ TIẾT 7

KHẢO TRA TÀI LIỆU

Điều thứ 119 – Trong khi vụ kiện đang tiến hành, tòa có thể truyền cấp phát để nạp vào hồ sơ, bản toàn sao hay trích lục của một tài liệu lưu trữ tại một công sở hay văn phòng của một công lại.
Điều thứ 120 – Tòa có thể truyền khỏa tra hồ sơ hình sự.
Chỉ trong trường hợp vụ hình đã được biện lý cuộc bỏ qua không truy tố, hoặc đã được kết thúc bằng một quyết định miễn tố của dự thẩm hay phòng luận tội, mới phải có sự chấp thuận của chưởng lý để thực hiện biện pháp thẩm cứu này.
Tòa sẽ ấn định cách thức thảm cứu thích nghi. Tòa có thể truyền sát nhập hồ sơ hình sự vào hồ sơ vụ kiện đang xét xử cho đến khi vụ kiện kết thúc nếu không có sự phản đối của công tố viện tòa án thụ lý vụ hình.

PHỤ TIẾT 8

PHÁT THỆ

Điều thứ 121 – Quyết định truyền phát thệ phải ghi rõ:
1. Việc phát thệ là do một đương sự đề nghị và được đối phương chấp nhận hoặc do tòa án tự ý truyền lịnh;
2. Người nào phải phát thệ;
3. Nơi phát thệ được hai đàng đồng ý lựa chọn hoặc do tòa chỉ định;
4. Viên chức có nhiệm vụ điều hành việc phát thệ và lập biên bản;
5. Văn chức phát thệ có chỉ rõ những điểm phải thề.
Điều thứ 122 – Trong trường hợp phát thệ quyết tụng, tòa án sẽ ấn định một số tiền dự phạt không dưới một ngàn đồng (1000$) do người thách thề phải đóng tại phòng lục sự trước khi thi hành việc phát thệ.
Điều thứ 123 – Việc thách thề kể như không có nếu đương sự không đóng tiền dự phạt.
Điều thứ 124 – Đương sự có quyền xin thề theo tôn giáo của mình. Nếu không có lời yêu cầu về khoản này, sự phát thệ sẽ theo tục lệ đia phương.
Điều thứ 125 – Viên chức được chỉ định điều hành việc thệ sẽ viết thơ bảo đảm ít nhất là tám (8) ngày trước cho các đương sự để mời đến phát thệ và dự kiến.
Điều thứ 126 – Viên chức nói trên phải lập ngay biên bản ghi rõ:
1. Sự có mặt hoặc vắng mặt của người phải phát thệ và bên đối phương, cùng lý do vắng mặt, nếu được biết.
2. Chi tiết hành lễ phát thệ;
3. Nguyên văn lời thề đã thực sự phát xướng trong buổi lễ.
4. Biên bản sẽ được viên chức này ký tên cùng các đương sự có mặt và gửi đến phòng lục sự tòa án thụ lý vụ kiện.
Điều thứ 127 – Trong vòng hai mươi (20) ngày sau khi nhận biên bản, lục sự sẽ gởi trát đòi các đương sự trở ra phiên tòa.

CHƯƠNG THỨ VI

VỀ CÁC ĐỚI TRANH

TIÊT 1

ĐỚI TRANH VỀ THẨM QUYỀN VÀ THÀNH PHẦN TÒA ÁN

PHỤ TIẾT 1

DI GIAO

Điều thứ 128 – Đương sự bị gọi ra trước một tòa án vô thẩm quyền có thể xin di giáo đến tòa án có thẩm quyền.
Điều thứ 129 – Kết luận xin di giao phải được nêu ra trước mọi khước biện và kháng biện, ngoại trừ khước biện ngoại kiều án quỹ.
Điều thứ 130 – Tuy nhiên khước biện vô thẩm quyền đối vật có thể nại ra trong mọi giai đoạn của thủ tục, và dầu đương sự không đề cập đến, tòa cũng phải tự ý nêu lên.
Điều thứ 131 – Sự vô thẩm quyền đối vật chỉ có thể nại ra lần đầu  tiên tại Tối-cao Phap-viện trong trường hợp:
1. Luật phô dữ thẩm quyền cho tòa hình hay cơ quan tài phán hành chánh;
2. Vụ kiện liên quan đến trật tự công cộng như thân trạng, ly dị, ly thân hay biệt sản.
Điều thứ 132 – Đương sự cũng có thể xin di giao:
1. Nếu trước một tòa án khác đã có một đơn khởi tố cùng một đối tượng;
2. Hay nếu việc tranh chấp liên quan đến vụ kiện đã được tòa án khác thụ lý.

PHỤ TIẾT 2

TÀI QUYẾT THẨM PHÁN

Điều thứ 133 - Vấn đề tài quyết thẩm phán sẽ đưa ra:
1. Trước tòa sơ thẩm, nếu sự tranh thẩm phát sinh giữa những tòa hòa giải cùng tùy thuộc tòa sơ thẩm ấy, hoặc trước tòa thượng thẩm nếu sự tranh thẩm phát sinh giữa những tòa hòa giải tùy thuộc những cơ quan sơ thẩm khác nhau;
2. trước tòa thượng thẩm, nếu sự tranh thẩm phát sinh giữa những tòa sơ thẩm cùng quản hạt;
3. Trước tối-cao Pháp-viện, nếu sự tranh thẩm phát sinh giữa những tòa sơ thẩm khác quản hạt hoặc giữa những tòa thượng thẩm.
Điều thứ 134 – Trong trường hợp tranh thẩm tích cực, đương sự phải nạp đơn xin tài quyết thẩm phán trong khi chưa tòa án nào tuyên một bản án có uy lực quyết tụng.
Trong trường hợp tranh thẩm tiêu cực, chỉ có thể xin tài quyết thẩm phán khi tất cả án văn đều có uy lực quyết tụng.
Điều thứ 135 – Đương sự xin tài quyết thẩm phán sẽ tùy trường hợp, nạp đơn nơi tay chánh án tòa sơ thẩm, chánh nhứt tòa thượng thảm hoặc chủ tịch ban phá án Tối-cao Pháp-viện. Vị thẩm phán này sẽ ấn định phiên tòa và có thể truyền đình chỉ mọi thủ tục trước các tòa đang tranh thẩm, ngoại trừ những biện pháp bảo toàn.
Phòng lục sự sẽ thông đạt quyết định kể trên cho các tòa án liên hệ và gửi trát đòi đương sự ra phiên tòa đã ấn đinh, nếu không có đơn xin triệu hoán.
Điều thứ 136 – Án  văn bác đơn xin tài quyết thẩm phán có thể phạt nguyên đơn một số tiền vạ dân sự từ năm trăm đồng (500$) đến năm ngàn đồng (5000$), chưa kể tiền bồi thường thiệt hại cho đối phương.

PHỤ TIẾT 3

CÁO TỊ THẨM PHÁN

Điều thứ 137 – Thẩm phán có thể bị cáo tị vì những duyên cớ sau đây:
1. Nếu chính mình hay người phối ngẫu là thân thuộc hoặc thích thuộc, tỏng vong trực hệ không kể bực vào, hoặc trong vòng bàng hệ cho đến luôn bực thứ sáu, của đương sự hay phối ngẫu của người này.
2. Trong trường hợp người phối ngẫu đã chết hay li dị mà không có con chung, sự cáo tị chỉ hạn chế trong mối liên hệ rể đối với cha mẹ vợ, dâu đối với cha mẹ chồng, giữa anh chị em vợ, anh chị em chồng;
3. Nếu thẩm phán, người phối ngẫu, tôn thuộc, ti thuộc hoặc thích thuộc trực hệ:
a) Có một vụ tranh chấp tương tự với một vụ kiện đem xét xử;
b) có một vụ kiện khác mà chính một đương sự trong hiện vụ là thẩm phán xử án;
c) Là người thiếu nợ hay chủ nợ của một đương sự, người phối ngẫu của đương sự này;
3) Nếu thẩm phán có mối oán thù đối với đương sự, người phối ngẫu, tôn thuộc, ti thuộc trực hệ của đương sự này;
4) Nếu thẩm phán là giám hộ, đại nhiệm giám bộ, quản tài, thừa kế tiên định, người thụ tặn, chủ nhân của đương sự hoặc ngược lại,nếu đương sự là thừa kế tiên định hay người phụ tặng của thẩm phán.
5) Nếu thẩm phán đã chỉ dẫn hoặc biện hộ cho đương sự ; trước kia đã xét xử vụ kiện với tư cách trọng tài hay thẩm phán trong thành phần một tòa án khác, đã cầu cạnh, gởi gấm cho một đương sự hoặc dự phần vào sở phí vụ kiện; đã cung khai với tư cách nhân chứng; đã thường ăn uống chung với đương sự hoặc đã nhận tặng phẩm của người này.
Điều thứ 138 – Các trường hợp bất khả kiêm nhiệm dự liệu trong quy chế thẩm phán cùng là duyên cớ cáo tị có thể nại ra được.
Điều thứ 139 – Người được giao phó chức vụ xử án trong bất cứ cơ quan tài phán nào, dầu không phải thẩm phán chuyên nghiệp cũng có thể bị cáo tị;
1/ nếu ở trong trường hợp dự liệu nơi điều 137, 138 trên đây;
2/ nếu là thuộc viên của một đương sự;\
3/ nếu là giám đốc, quản trị viên, quản lý của một cơ quan hay hội xã đương sự của một vụ kiện.
Điều thứ 140 – Thẩm phán nào xét mình ở vào trường hợp bị cáo tị có thể tự động cáo thoái.
Điều thứ 141 – Thẩm phán công tố viện phụ tố có thể bị cáo tị vì những duyên cớ áp dung cho thẩm phán xử án ; trái lại thẩm phán công tố viện chánh tố không thể bị cáo tị.
Điều thứ 142 – Đương sự phải cáo tị trước khi cuộc tranh luận kết thúc; tuy nhiên, nếu duyên cớ cáo tị phát sanh ra sau đó, đương sự có thể nêu lên cho đến khi tuyên án.
Đối với thẩm phán phụ trách việc điều tra, lý khám trường sở, hay biện pháp cựu thẩm khác. Đương sự phải cáo tị trước khi các biện pháp đó chấm dứt.
Điều thứ 143 – Đương sự xin cáo tị phải nộp tại phòng lục sự tòa án thụ lý, đơn có nêu rõ lý do, có chữ ký của mình hay của người đại diện theo ủy quyền đặc biệt bằng công chính chứng thư, ủy quyền này sẽ dính theo đơn.
Đơn cáo tị sẽ được lục sự đệ trình chánh án trong vòng 24 giờ.
Điều thứ 144 – Nếu lý do cáo tị được công nhận. vụ kiện sẽ được giao cho thẩm phán khác đồng tòa xét xử.
Trong trường hợp tòa án thụ lý không có thẩm phán để xử thay đồng sự bị cáo tị, hồ sơ vụ kiện sẽ chuyển đến tòa sơ thẩm nếu là sự cáo tị, hồ sơ vụ kiện sẽ chuyển để tòa sơ thẩm nếu là sự cáo tị thẩm phán tòa sơ thẩm tòa chánh án tòa sơ thẩm hay chánh nhứt kỹ án lệnh chỉ định thẩm phán hoặc tòa án xét xử.
Điều thứ 145 – Nếu lý do cáo tị không được công nhận, chánh án sẽ chuyển đệ hồ sơ vụ kiện cùng với đơn cáo tị vào phúc trình giải thích của thẩm phán bị chỉ trích lên tòa sơ thẩm hay tòa thượng thẩm để xét xử vè đới trạng cáo tị tùy theo trường hợp cáo tị nói ở điều trên.
Điều thứ 146 – Kể từ ngày nạp đơn cáo tị, mọi việc xét xử về nội dung, mọi biện pháp thẩm cứu đều bị đình chỉ. Tuy nhiên, đương sự nào cho rằng biện pháp bị ngưng và có tính cách khẩn thiết, có quyền, bằng đơn hay triệu hoán, đưa điều khó khăn này ra phiên tòa; tòa án, sau khi nghe đôi bên, có thể tuyên an cho thi hành biện pháp ấy, do một thẩm phán khác cùng tòa nếu có, hay do thẩm phán tòa án khác ủy thác.
Chánh án tòa hòa giải hay tòa sơ thẩm sẽ phúc trình ngay cho chánh án tòa sơ thẩm hay chánh nhứt biết.
Điều thứ 147 – Trong vòng ba ngày sau khi nhận được hồ sơ, chánh lục sự tòa sơ thẩm hay tòa thượng thẩm phải trình cho chánh án hay chánh nhứt, để ấn định ngày xử và cử một thẩm phán làm phúc trình.
Sauk hi nghe công tố viện kết luận, tòa sơ thẩm hay tòa thượng thẩm sẽ tuyên án nơi phiên xử công khai, không cần đòi đương sự xuất đình.
Điều thứ 148 – Nếu chấp nhận sự cáo tị, tòa sơ thẩm hay tòa thượng thẩm sẽ chuyển hồi vụ kiện cho tòa án thụ lý xét xử với một thành phần không có thẩm phán bị cáo tị, hoặc giao cho một tòa án khác được chỉ định.
Điều thứ 149 – Trong trường hợp đương sự xin cáo tị không thể đem lại được bút chứng hay khởi điểm bút chứng nào về các duyên cớ cáo tị nại ra, tòa sơ thẩm hay tòa thượng thẩm có toàn quyền bác đơn cáo tị theo phúc trình của thẩm phán bị chỉ trích, hoặc truyền cho đòi nhân chứng đến cung khai tại phiên tòa, không cần thông báo cho đương sự và thẩm phán.
Điều thứ 150 – Trong vòng hai mươi ngày sau khi tòa sơ thẩm hay tòa thượng thẩm tuyên án, chánh lục sự sẽ gửi hồ sơ và toàn sao án văn về tòa án thụ lý, hoặc đến tòa án khác được chỉ định, để tiếp tục xét xử.
Điều thứ 151 – Về việc cáo tị thẩm phán tòa thượng thẩm, sẽ áp dụng những thể thức dự liệu nơi điều 143.
Đơn cáo tị sẽ được xét xử với thành phần trong đó không có thẩm phán bị chỉ trích.
Nếu tòa chấp thuận lý do cáo tị, thẩm phán này không được xử vụ kiện.
Điều thứ 152 – Đơn xin cáo tị thẩm phán tối cao pháp viện phải gởi đến chủ tịch cơ quan này và sẽ do đại hội đồng tối cao pháp viện thanh quyết.
Đơn sự bị bác đơn cáo tị sẽ bị phạt một số tiền vạ dâ sự từ năm ngàn đồng (5.000$) đến năm mươi ngàn đồng (50.000$) chưa kể quyền đòi bồi thường thiệt hại của thẩm phán bị cáo tị và của đương sự khác. Thẩm phán xin bồi thường sẽ không được xử vụ kiện.

TIẾT II

ĐỚI TRANH VỀ TƯ CÁCH NGOẠI KIỀU CỦA ĐƯƠNG SỰ:

KHƯỚC BIỆN NGOẠI KIỀU ÁN QUỸ

Điều thứ 153 – Trừ phi được hiệp định quốc tế miễn cho, tất cả ngoại kiều, nguyên đơn chánh tố hay tự ý dự sự, đều bắt buộc phải ký nạp tại phòng lục sự một số tiền để đảm bảo việc trả án phí tụng lệ và các khoản bồi thường có thể bị xử phải trả.
Điều thứ 154 – Khước biện ngoại kiều án quỹ sẽ được xét xử bằng một án văn riêng biệt có thể bị kháng án.
Án văn chấp nhận khước biện sẽ ấn định số tiền phải ký quỹ.
Nguyên đơn nào chứng minh được rằng bất động sản của mình tọa lạc tại Việt Nam đủ để bảo đảm số tiền này sẽ được án văn miễn ký quỹ.

TIẾT III

ĐỚI TRANH VỀ SỰ BẤT HỢP THỨC CỦA THỦ TỤC

PHỤ TIẾT 1

VỀ SỰ VÔ HIỆU

Điều thứ 155 – Không hành vi tố tụng nào có thể bị tuyên bố vô hiệu nếu luật không có quy định minh thị.
Điều thứ 156 – Muốn xin tuyên bố vô hiệu một hành vi tố tụng vì bất hợp thức, đương sự phải chứng minh rằng sự bất hợp thức đó làm hại quyền lợi của  mình.
Điều thứ 157 – Trong trường hợp luật không có dự liệu sự vô hiệu, công lại đã phạm lỗi vì bỏ sót hay vi luật, có thể bị phạt một số tiền vạ dân sự từ năm trăm đồng đến năm ngàn đồng.
Điều thứ 158 – Về các thủ tục và các hành vi vô hiệu hay lạm hành, cũng như về các hành vi vừa nói ở đoạn trên, công lại có lỗi về gánh chịu phí tổn; người này, tùy theo trường hợp, còn có thể phải bồi thường thiệt hại cho đương sự và bị trừng phạt kỹ thuật.

PHỤ TIẾT 2

VỀ SỰ PHỦ NHẬN

Điều thứ 159 – Đương sự có thể phủ nhận mọi đề cung, tự thú, hay chấp thuận đã được thực hiện không có ủy quyền đặc biệt do công lại hay luật sư hành động ngoài phạm vi tụng ủy.
Điều thứ 160 – Sự phủ nhận phải được đưa ra trước tòa án đã thụ lý thủ tục bị phủ nhận.
Tuy nhiên, sự phủ nhận một văn kiện không thuộc một vụ kiện nào, hoặc một hành vi tố tụng trước tòa đặc thẩm, sẽ được xét xử do tòa án thường tụng nơi cư sở hay nơi đặt văn phòng của bị đơn.
Điều thứ 161 – Đơn xin phủ nhận phải viện dẫn lý do, có chữ ký của đương sự hay người thay mặt được ủy quyền đặc biệt bằng công chính chứng thư, và đệ nạp tại phòng lục sự tòa án có thẩm quyền.
Điều thứ 162 – Khi sự phủ nhận được nêu lên ngay trong thủ tục đang tiến hành, đơn sẽ được phòng lục sự cáo tri cho luật sư hay công lại bị phủ nhận và các đương sự; trát cáo tri sẽ đòi tất cả xuất đình để nghe xử về đới tranh này.
Điều thứ 163 – Nếu tòa án thụ lý đơn xin phủ nhận không phải là tòa án đang xét xử vụ kiện chánh, tất cả đương sự trong vụ kiện này phải được phòng lục sự đòi dự sự, bên cạnh luật sư hay công lại bị phủ nhận.
Điều thứ 164 – Trong trường hợp luật sư hay công lại không còn hành nghề nữa, trát đòi sẽ tống đạt cho bị đơn nơi cư sở; nếu người này từ trần, cho các thừa kế.
Điều thứ 165 – Việc thẩm cứu và xét xử vụ kiện chánh sẽ bị đình chỉ cho đến khi có án chung thẩm về sự phủ nhận.
Điều thứ 166 – Đơn phủ nhận phải được thông tri cho công tố viên.
Điều thứ 167 – Nếu sự phủ nhận được chuẩn chấp, hành vi tố tụng bị phủ nhận sẽ đương nhiên vô hiệu, cũng như tất cả các thủ tục, án văn, hoặc phần án văn căn cứ vào hành vi đó.
Người bị phủ nhận sẽ bị xử phạt bồi thường thiệt hại cho nguyên đơn, và nếu cần, cho các đương sự khác, chưa kể còn có thể bị truy tố về kỹ luật hay về hình sự, tùy theo trường hợp.
Điều thứ 168 – Đương sự bị bác đơn phủ nhận sẽ bị phạt một số tiền vạ dân sự từ ba ngàn đồng (3.000$) đến ba mươi ngàn đồng (30.000$) chưa kể quyền đòi bồi thường thiệt hại của người bị phủ nhận và các đương sự khác.
Điều thứ 169 – Đối với một bản án có uy lực quyết tụng, đơn phủ nhận liên quan đến một hành vi tố tụng đã làm căn cứ cho bản án đó, không thể được chấp nhận sau thời hạn tám ngày kể từ khi bản án được coi như đã chấp hành rồi theo đinh nghĩa của điều 249.

TIẾT IV

ĐỚI TRANH NỚI RỘNG PHẠM VI VỤ KIỆN

PHỤ TIẾT 1

THỈNH CẦU TẠM THỜI

Điều thứ 170 – Các thỉnh cầu tạm thời phải đưa ra trước tòa án có thẩm quyền để xét xử về chánh vụ.
Tuy nhiên, trong trường hợp tòa chánh vụ chưa thụ lý, tòa cấp thẩm cũng có thẩm quyền nếu đủ yếu tố khẩn cấp và thỉnh cầu tạm thời không chạm đến nội dung.
Điều thứ 171 – Nếu sự thẩm cứu về thỉnh cầu tạm thời đã hoàn bị, tòa sẽ xét xử thỉnh cầu ấy trước, bằng một bản án riêng biệt.
Tuy nhiên, nếu toàn thể vụ kiện đã hoàn bị, tòa sẽ xét xử tất cả các thỉnh cầu bằng một bản án duy nhất.

PHỤ TIẾT 2

THỈNH CẦU PHẢN TỐ

Điều thứ 172 – Thỉnh cầu phản tố của bị đơn chỉ được chấp nhận nếu là:
1) thỉnh cầu xin bù trừ tài phán.
2) Kháng biện chống lại thỉnh cầu chánh;
3) Thỉnh cầu có liên quan với thỉnh cầu chánh;
4) Thỉnh cầu xin bồi thường chỉ căn cứ vào sự thiệt hại gây nên do thỉnh cầu chánh.
Điều thứ 173 – Tòa án đặc thẩm không thể xét xử một thỉnh cầu phản tố không thuộc thẩm quyền đối vật của tòa này.
Điều thứ 174 – Khi bị đơn đã phản tố, nguyên đơn không thể khép vào đó một đơn phản tố mới, trừ phi đơn mới này dựa ngay vào chứng khoán làm căn bản cho thỉnh cầu phản tố của bị đơn.

PHỤ TIẾT 3

DỰ SỰ

Điều thứ 175 – Người nào có quyền lợi trong một vụ kiện đang được thụ lý trước tòa, có thể tự ý xin dự sự cho đến khi vụ kiện này được nghị án.
Điều thứ 176 – Người xin dự sự có thể nạp đơn tại phòng lục sự tòa án thụ lý vụ kiện, hoặc tại phiên tòa; phòng lục sự sẽ gửi trát đòi người này xuất đình và gửi thư bảo đảm thông báo cho các đương sự.
Điều thứ 177 – Khi một đơn kiện liên quan đến những người không được đòi ra tòa, chánh án có thể , hoặc tự ý, hoặc theo thỉnh cầu của các đương sự, truyền đòi họ vào dự sự. Bị đơn cũng có thể xin tòa đòi dự sự người bảo đảm cho mình.

PHỤ TIẾT 4

SỰ NHẬP CHUNG NHIỀU VỤ KIỆN

Điều thứ 178 – Các vụ kiện có liên hệ với nhau và đều đang thẩm cứu trước một tòa án, có thể được tòa này, tự ý hoặc theo thỉnh cầu của đương sự, truyền cho nhập chung để xét xử bằng một bản duy nhất.

TIẾT V

ĐỚI TRANH VỀ VIỆC CHẤM DỨT VỤ TỐ TỤNG

PHỤ TIẾT 1

THẤT HIỆU

Điều thứ 179 – Mọi vụ tố tụng sẽ bị thất hiệu nếu để gián đoạn trong thời gian một năm, kể từ hành vi thủ tục sau cùng.
Điều thứ 180 – Sự thất hiệu phải do bị đơn nêu lên, chớ không đương nhiên ký đắc, và được bao yêm nếu trước khi bị đơn nại ra đã có hành vi thủ tục hợp lệ của bất cứ đương sự nào.
Điều thứ 181 – Sự thất hiệu không làm mất tố quyền mà chỉ tiêu diệt thủ tục tố tụng.
Nguyên đơn phải chịu tất cả án phí về thủ tục bị tuyên xử thất hiệu.

PHỤ TIẾT 2

BÃI NẠI

Điều thứ 182 – Nguyên đơn có thể xin bãi nại trong mọi vụ kiện và trong mọi giai đoạn thủ tục.
Sự bãi nại phải được thực hiện do chính nguyên đơn hay do người thay mặt có ủy quyền đặc biệt.
Để công nhận sự bãi nại, tòa sẽ truyền ghi vào sổ bút ký phiên tòa, hoặc tuyên án nếu có thỉnh cầu của đương sự.
Điều thứ 183 – Sự bãi nại về thủ tục tố tụng, khi được chấp thuận, sẽ đương nhiên đặt các đương sự vào tình trạng cũ như đã không có vụ kiện.
Người xin bãi nại, nếu các đương sự không đồng ý quyết định khác, sẽ phải trả án phí tụng lệ theo án lệnh định ngạch của thẩm phán; án lệnh này có hiệu lực thi hành tạm mặc dầu có kháng cáo hay kháng tố.
Điều thứ 184 – Sự bãi nại về tố quyền sẽ có hiệu lực không cho đương sự khỏi tố lại lần nữa.
Điều thứ 185 – Nếu không nói rõ tính chất của sự bãi nại, đương sự phải được xem như chỉ bãi nại về thủ tục tố tụng.

TIẾT VI

ĐỚI TRANH SAU KHI TUYÊN ÁN

PHỤ TIẾT 1

CẢI CHÍNH ÁN VĂN

Điều thứ 186 – Những thiếu sót hay lầm lẫn chỉ có tính cách vật chất trong một án văn đều có thể được cải chánh.
Sự cải chánh áng văn sẽ thực hiện do tòa án đã tuyên xử nếu là án chung thẩm mặc dầu có thượng tố, hoặc là án sơ thẩm trong khi chưa có kháng cáo.
Nếu án sơ thẩm đã bị kháng cáo, chỉ có tòa phúc thẩm mới có quyền cải chính.
Điều thứ 187 – Đương sự xin cải chính phải khởi tố theo thể thức dự liệu nơi điều 24 và kế tiếp của bộ luật này.

PHỤ TIẾT 2

GIẢI THÍCH ÁN VĂN

Điều thứ 188 – Một bản án không rõ nghĩa có thể được giải thích bằng một bản án thứ nhì; hai án này sẽ hợp chung thành một án văn duy nhất.
Tòa có thẩm quyền được giải thích là tòa đã tuyên bản án trừ phi đó là án sư thẩm bị kháng cáo; trong trường hợp sau này tòa thụ lý sự kháng cáo sẽ xét xử.
Điều thứ 189 – tuy nhiên đương sự không thể trực tiếp xin giải thích trước tòa có thẩm quyền.
Sự giải thích chỉ có thể được đặt ra khi án được chấp hành mà gặp sự khó khăn do ở bản án không rõ nghĩa.
Điều thứ 190 – Thẩm phán cấp thẩm thụ lý vụ khó khăn thi hành sẽ quyết định bằng án lệnh, hoặc truyền cho tiếp tục thi hành, hoặc chuyển hồ sơ đến tòa án có thẩm quyền để xin giải thích về những điểm không rõ nghĩa.
Điều thứ 191 – Thẩm phán cấp thẩm, tùy theo phạm vi của sự giải thích, sẽ truyền đình chỉ thủ tục truy tố về toàn thể hay một phần án văn cho đến khi có quyết định chung thẩm về việc giải thích.
Ngoài ra, thẩm phán cấp thẩm có thể, theo lời yêu cầu của đương sự, cho phép thực hiện mọi biện pháp bảo toàn cần thiết để khỏi thiệt hại đến quyền lợi của người này.

PHỤ TIẾT 3

CẤP PHÁT ĐẠI – TỰ THỨ NHÌ

Điều thứ 192 – Bản đại tự thứ nhì của một án văn chỉ có thể cấp phát cho đương sự chiếu theo án lệnh của chánh án tòa đã tuyên xử.
Điều thứ 193 – Đơn xin bản đại tự thứ nhì phải nạp tại phòng lục sự. Chánh án cho đòi hai bên đến văn phòng và sẽ quyết định sau khi nghe đương sự có mặt trình bày.
Nếu bản án đã được thi hành một phần, án lệnh sẽ nêu rõ những khoản còn phải thi hành.
Điều thứ 194 – Án lệnh trên đây có thể bị kháng cáo trong thời hạn mười lăm ngày kể từ ngày tuyên án đối với đương sự có mặt, và kể từ ngày nhận được báo thị của phòng lục sự đối với đương sự vắng mặt.
Điều thứ 195 – Khi quyết định cho phép lập bản đại tự thứ nhì đã thành chung quyết, phòng lục sự sẽ cấp phép cho đương sự; nguyên văn quyết định sẽ được ghi chép dưới chót bản đại tự này.
Điều thứ 196 – Việc cấp đại tự thứ nhì của các chứng thư chưởng khế cũng theo thể thức trên và chiếu theo án lệnh của chánh án tòa sơ thẩm nơi tọa lạc văn phòng chưởng khế đã lập chứng thư.
Trước khi quyết định, chánh án sẽ hỏi ý kiến của vị công lại này.

CHƯƠNG THỨ VII

VỀ NHIỆM VỤ CỦA CÔNG TỐ VIỆN

Điều thứ 197– Công tố viện  phải đương nhiên được thông tri hồ sơ  các vụ kiện liên quan đến:
1) trật tự công cộng;
2) quốc-gia, công sản, các pháp-nhân công-lập;
3) tài quyết thẩm-phán, cáo-tị thẩm-phán, khiếu tố thẩm phán;
4) thân trạng;
5) những người vô năng lực;
6) những người được suy đoán là thất tung;
7) câu thúc thân thể.
Ngoài ra, phòng lục sự cũng phải thông tri hồ sơ mọi vụ kiện khác nếu có lệnh của công tố viện.
Tòa án cũng có thể đương nhiên truyền thông tri cho công tố viện.
Điều thứ 198 – Trong trường hợp thẩm phán công tố viện vắng mặt hoặc không thể thi hành nhiệm vụ, một thẩm phán khác đồng tòa sẽ thay thế.
Điều thứ 199 - Trong các trường hợp luật định rằng công tố viện phải đứng chánh tố, cơ quan này, được sở trước bạ ứng trước sở phí, sẽ làm các hành vị tố tụng và được coi như là một đương sự.
Tuy nhiên, công tố viện thông thể bị xử khuyết tịch, không thể bị xử bồi thường thiệt hại vì vụ kiện, và nếu bị bác đơn án phí sẽ do công quỹ đài thọ.
Điều thứ 200 – Tại các tòa án không có thẩm phán công tố, nhiệm vụ đứng chánh tố sẽ do chưởng-lý tòa thượng thẩm hành sự.

CHƯƠNG THỨ VIII

PHIÊN TÒA

Điều thứ 201 – Các phiên tòa đều công khai trừ phi tòa xét rằng sự công khai có thể phương hại đến trật tự  công cộng hay thuần phong mỹ tục.
Phiên tòa sẽ họp tại trụ sở của tòa án. Tuy nhiên, chánh nhứt tòa thượng thẩm, với sự đồng ý của chưởng-lý, có thể cho phép tòa cấp sơ thẩm nhóm những phiên xử ngoại đình, tại các tỉnh lỵ hay quận-lỵ hay những nơi khác  trong quản hạt.
Điều thứ 202 – Đương sự hay đại diện có thể trình bày miệng hoặc bằng lý đoán các lý lẽ của mình. Tuy nhiên, nếu xét thấy đương sự thiếu bình tĩnh để bàn cãi đứng đắn hoặc không đủ khả năng để khẩu biện, tòa có quyền buộc đương sự nạp lý đoán viết.
Điều thứ 203 – Những người hiên diện tại phiên tòa phải ăn mặc chỉnh tề, có cử chỉ kính cẩn và giữ im lặng; phải tức khắc tuân hành lệnh của chánh án về việc giữ trật tự.
Qui điều này cũng áp dụng ở các nơi có một vị thẩm-phán đang thi hành chức vụ.
Điều thứ 204 – Bất cứ ai biểu lộ sự tán thành hay không tán thành tự mình hay xúi giục người khác gây sự ồn ào bất cứ bằng cách gì, sẽ bị tòa truyền trục xuất ra khỏi phòng xử; kẻ bất tuân sẽ tức khắc bị câu lưu và tống giam vào khám đường trong vòng hai mươi bốn (24) tiếng đồng hồ, chiếu theo mệnh lệnh của chánh án.
Điều thứ 205 – Nếu người gây ồn ào lại là viên chức phụ tá công lý, thì ngoài trừng phat nói trên, viên chức ấy còn có thể bị đình chỉ hành nghề; sự đình chỉ lần đầu tiên, sẽ không thể quá ba tháng; án văn truyền đình chỉ hành nghề sẽ được cho thi hành tạm.
Điều thứ 206 – Khi một hanh vi phạm pháp dự định và trừng trị do hình luật xảy ra trong phiên xử, tòa sẽ truyền ghi vào sổ bút của lục sự các sự kiện cùng lời khai của bị can và của nhân chứng, nếu có. Sau khi nghe công tố viện kết luận, tòa có thể:
a) Hạ trát tống giam bị can và sẽ tuyên xử ngay, áp dụng các điều khoản của hình luật.
 Nếu hình phạt áp dụng là hình phạt vi cảnh, án văn sẽ chung thẩm, không kể tòa nào đã xử, trừ tòa án hòa giải tùy theo thẩm quyền của tòa này.
 Nếu hình phạt áp dụng là hình phạt tiểu hình, án văn do tòa sơ thẩm tuyên xử có thể bị kháng cáo, nhưng phải được thi hành trong khi chờ đợi phòng kháng cáo tiểu hình của tòa thượng thẩm xét về giá trị của sự kháng cáo; trái lại án văn do tòa thượng thẩm hay tối cao pháp viện tuyên xử sẽ chung thẩm.
b) ra lệnh chuyển tống bị can cùng giấy tờ cần thiết đến trước biện lý có thẩm quyền, nếu hành vi phạm pháp là một khinh tội hay trọng tội xảy ra trước tòa hòa giải hay một trọng tội xảy ra trước mọi tòa khác.
Điều thứ 207 – Sự xác phạm những người đảm nhiệm chức vụ phụ tá tòa án tại phiên xử sẽ bị trừng trị bằng những hình phạt áp dụng cho tội xúc phạm thẩm phán và theo thủ tục dự liệu nơi điều 205 trên đây.

CHƯƠNG THỨ IX

VỀ VIỆC PHÁN XỬ

TIẾT 1

VỀ VÀI NGUYÊN TẮC

Điều thứ 208 – Tòa án, theo nguyên tắc chỉ xử trong phạm vi thỉnh cầu và kết luận của các đương sự, nhưng phải tuyên phán về tất cả các thỉnh cầu.
Tuy nhiên, tòa án sẽ tự ý nêu lên và phán xử trong những trường hợp liên quann đến trật tự công cộng hoặc khi có luật minh thị quy định.
Điều thứ 209 – Nếu nghĩa vụ của bị đơn là một hành vi do chính người này phải làm hay không được làm, tòa án, chiếu theo thỉnh cầu của nguyên đơn, có thể xử buộc bị đơn phải thực hiện hay không thực hiện hành vi đó. Tòa cũng có thể xử bị đơn phải trả một số tiền cưỡng thúc hoặc về mỗi ngày trễ, hoặc về mỗi vi phạm vào điều đã bị cấm.
Nếu nghĩa vụ hành sự của bị đơn có thể do người đệ tam thi hành, tòa án có thể truyền cho thi hành nghĩa vụ đó, phí tổn do bị đơn gánh chịu.
Nếu nghĩa vụ của bị đơn là một nghĩa vụ bất hành sự, tòa án có thể truyền phá hủy những gì đã thực hiện, phí tổn cũng do bị đơn gánh chịu.
Trong mọi trường hợp, bị đơn còn có thể bị xử trả tiền bồi thường thiệt hại, nếu có.

TIẾT 11

VỀ SỰ THI HÀNH TẠM

Điều thứ 210 – Ngoài những trường hợp luật định phải thi hành tạm hay cấm chỉ biện pháp này, hoặc không thể cho phép thi hành tạm vì bản chất của vụ tranh tụng, tòa án có thể, bằng một quyết định có viện dẫn lý do, truyền thi hành tạm toàn thể hoặc một phần các án-văn, đối tịch cũng như khuyết-tịch, xử chung cuộc vụ tranh chấp, với điều kiện là có thỉnh cầu của đương sự và có yếu tố khẩn cấp hay nguy tai diện tiền.
Sự thi hành tạm co thể thực hiện trên nguyên bổn án-văn, trước khi tống đạt cho đương sự và trước khi trước bạ.
Điều thứ 211 – Tòa án truyền thi hành tạm án văn có thể buộc đương sự chấp hành phải ký quỹ môt số tiền bảo đảm do tòa ấn định.
Tuy nhiên, biện-pháp bảo đảm trên đây không cần thiết:
1) Nếu có chứng khoán, công-chính hay tư-thự, không bị phủ nhận, có hứa trước được xác nhận, có sự thỏa thuận giữa các đương sự trước hay trong thời gian thủ-tục, hoặc đã có án văn kết phạt mà không bị kháng cáo.
2) Nếu án văn được thi hành tam truyền môt biện pháp thẩm cứu.
3) Nếu án-văn đã truyền biện pháp thi hành trạm với điều kiện là số tiền thâu được do sự chấp hành phải ký quỹ.
Điều thứ 212 – Ngoại trừ trường hợp số nợ thuộc về quyền cấp dưỡng, hay về tiền bồi thường thiệt hại gây ra cho thân thể, đương sự bị kết án có thể tránh sự thi hành tạm bằng cách xin tòa cấp thẩm cho phép ký quỹ một số tiền đủ để đảm bảo nợ gốc, tiền lời và tụng phí.
Khi có sự ký quỹ như trên các biện pháp bảo đảm mà người được thi hành án tạm án văn đã thực hiện đều trở thành vô sở đích và sẽ được giải trừ.
Điều thứ 213 – Sự ký quỹ dự định nơi 2 điều trên đây sẽ thực hiện tại quỹ cung thác, hay phòng lục-sự, hoặc nơi tay một đệ tam nhân, tùy tòa chỉ định, và theo thể thức ghi trong án văn.
Tiền kỹ quỹ sẽ được sung dụng đặc định để đảm bảo ưu tiên quyền lợi của đương sự được thi hành tạm án văn đối với tất cả các chủ nợ khác.

TIẾT III

VỀ ÂN-HẠN

Điều thứ 214 – Tòa án có thể tùy ý hoặc theo thỉnh cầu của đương sự, ban cho con nợ khốn đốn hoặc ngay tình một ân hạn bằng cách hoãn ngày trả nợ hoặc cho phép trả làm nhiều phân-kỳ.
Mặc dù con nợ đã được tòa ban cho ân hạn, chủ nợ vẫn có quyền thi hành mọi biện pháp bảo toàn.
Nếu con nợ được hưởng ân hạn, không trả đúng theo thể thức và thời hạn ấn định, biện pháp khoan hồng này sẽ đương nhiên bị hủy bỏ tám (8) ngày sau khi con nợ bị đốc thúc vô hiệu, và chủ nợ khỏi cần làm thủ tục nào khác, sẽ chấp hành án-văn.
Điều thứ 215 – Trong trường hợp có khẩn cấp và trong mọi giai đoạn của sự chấp hành, tòa cấp thẩm có thể ban ân hạn không quá một (1) năm, nếu con nợ chưa bị tòa chánh vụ bác đơn xin ân hạn, hoặc nếu đã bị tòa chánh vụ bác đơn người này chứng minh có sự kiện mới.
Khi chấp hành bị hoãn vi ân huệ trên, các thời hạn dự liệu trong thủ tục chấp hành đều bị đình chỉ cho đến khi ân hạn đã mãn hoặc bị hủy bỏ.
Điều thứ 216 – Những quy điều trên đây cũng áp dụng cho người bị xử phải thi hành những nghĩa vụ khác, ngoài nợ về tiền bạc.

TIẾT IV

VỀ VIỆC THẢO ÁN VĂN

Điều thứ 217 – Tất cả các án văn đều phải dẫn lý và thảo thế nào để được thấy rõ những lý do đã làm cho thẩm phán có xác tín.
Thẩm phán bắt buộc phải trả lời bằng những lý do riêng biệt rõ ràng, về những thỉnh cầu hoặc phương chước đã được đưa ra.
Điều thứ 218 – Chánh án và lục-sự sẽ ký nguyên bổn của mỗi bản án sau khi thảo xong.
Lục sự không quyền cấp bản đại tự hoặc toàn sao án văn trước khi nguyên bổn có đủ chữ ký trên đây và đã được trước bạ.
Biện lý có thể đòi lục sự trình các nguyên bổn án văn để kiểm soát xem có theo đúng các thể thức trên đây không.
Điều thứ 219 – Án văn sẽ được ghi ngày tuyên án, danh tánh các vị thẩm phán, biện lý và lục sư, tên họ, nghề nghiệp, cư sở của các đương sự và danh tánh luật sư nhiệm cách, sơ lược những điểm về sự kiện và pháp lý theo sự trình bày của các đương sự, lý do và chủ văn bản án.
Cũng sẽ ghi rằng án đã đọc trong phiên xử công khai hay tại phòng thẩm nghị và đối với án văn đương tịch, có đương sự có mặt khi tuyên án hay không.

TIẾT V

VỀ ÁN PHÍ

Điều thứ 220 – Đương sự nào thất kiện sẽ bị tòa xử phải trả án phí.
Điều thứ 221 – Sẽ được kể như án phí, thuế trước bạ và con niêm, kể luôn thuế đơn, thuế gấp đôi và tiền phạt, thâu trên các văn kiện xuất trình trong vụ tranh tụng:
1) Nếu trong văn kiện, các đương sự thỏa thuận rằng bên nào làm cho việc trước bạ cần thiết phải gánh chịu thuế đó ;
2) Nếu trong án văn có một khoản riêng biệt dạy người thật kiện phải trả thuế trước bạ và con niêm với tánh cách tiền bồi thường thiệt hại.
Điều thứ 222 – Án-phí có thể được phân bổ, toàn thể hay một phần, giữa vợ chồng, tôn thuộc hoặc ti thuộc, anh chị em hay thích thuộc đồng bực.
Toàn án cũng có thể phân bổ tất cả hay một phần án phí giữa các đương sự, nếu mỗi bên đều có bị bác khước về một vài khoản thỉnh cầu của mình.
Điều thứ 223 – Tòa không thể cho phép thi hành tạm về án phí, dẫu rằng án phí được xử trả với tánh cách là tiền bồi thường thiệt hại.
Điều thứ 224 – Những luật sư và thừa phát lại đã vượt khỏi giới hạn nhiệm chức của mình,  những cán bộ quản tài và quản trị viên khác đã làm thiệt hại đến quyền lợi giao phó cho họ, đều có thể bị tòa xử phải tự mình chịu án phí mà không quyền kiện đòi bồi đoàn, chưa kể tiền thiệt hại nếu có, ngoài ra các luật sư và thừa phát lại còn có thể bị trừng phạt về kỷ luật, và các giám hộ quản tải, quản trị viên có thể bị truất quyền, tùy theo sự hệ trọng của mỗi trường hợp.
Điều thứ 225 – Luật sư có thể xin trích xuất án phí cho mình nếu xác nhận đã ứng trước phần lớn các sở phí. Sự trích xuất chỉ có thể được truyền ngay trong bản án đã xử về án phí; trong trường hợp này, luật sư sẽ xin án lênh định ngạch và văn thức chấp hành cho đích danh mình hưởng, chưa kể luật sư có tố quyền đối với thân chủ.
Điều thứ 226 – Bản kê khai tụng phí đã được định ngạch sẽ giao cho phòng lục sự và số án phí thanh toán sẽ được ghi vào chủ văn bản án hay phúc thuyết xử chung cuộc vụ kiện.
Điều thứ 227 -  Thẩm phán có thẩm quyền để định ngạch tụng phí liên quan đến một vụ kiện là chánh án hay chánh nhứt tòa đã xét xử.
Trong trường hợp tụng phí không liên hệ đến một vụ kiện nào, thẩm phán có thẩm quyền là chánh án tòa sơ thẩm nơi tụng phí phát sinh.
Các thẩm phán trên đây có thể ủy phó cho một thẩm phán khác đồng tòa.
Điều thứ 228 – Để đòi tụng phí của mình, luật sư hoặc cộng lại sẽ tống đạt cho đương sự phải trả, bản kê khai tụng phí và án lệnh định ngạch có ghi văn thức chấp hành nơi nguyên bổn,tờ tống đạt phải nói rõ, nếu không sẽ vô hiệu, rằng án lệnh sẽ trở thành chung quyết nếu không bị kháng tố trong thời hạn dự liệu nơi điều sau đây.
Điều thứ 229 – Nguyên đơn xin định ngạch và các đương sự có quyền lợi bị thương tổn đều có thể kháng tố án lệnh định ngạch trong thời hạn 15 ngày. Thời hạn này bắt đầu:
1) Đối với nguyên đơn, kể từ ngày nhận lãnh án lệnh.
2) Đối với các đương sự khác kể từ ngày được tống đạt.
Điều thứ 230 – Đơn kháng tố, có viện dẫn lý do sẽ nạp tại phòng lục sự tòa án mà thành phần gồm có thẩm phán đã ký án lệnh định ngạch.
Đơn này sẽ được xét xử do phong thẩm nghị.
Sẽ áp dụng những thể thức quy định nơi điều 29 của Bộ Luật này để đòi các đương sự.
Điều thứ 231 – Bản án phòng thẩm nghị tòa cấp sơ thẩm có thể bị kháng cáo theo thủ tục thông thường.
Phúc quyết phòng thẩm nghị tòa thượng thẩm và ban án tối cao pháp viện sẽ chung thẩm.

TIẾT VI

VỀ VIỆC CÁO-TRI ÁN-VĂN

Điều thứ 232 – Trong vòng ba (3) ngày sau khi tòa tuyên án, lục sự sẽ gửi trát cáo tri án văn cho các đương sự trong vụ kiện, dầu đương sự có mặt hay có luật sư đại diện lúc tuyên án.
Trát cáo phải ghi rõ:
1) Tên họ, nghề nghiệp, cư sở thục sự hoặc tuyển định, hay nơi cư trú của mỗi đương sự;
2) Tòa nào đã tuyên án;
3) Số đăng đường và ngày xử;
4) Chủ văn bản án.
Điều thứ 233 – Nếu xét thấy cần, và bất cứ lúc nào, một đương sự có thể bằng truyền phiếu của thừa phát lại, cáo tri án văn cho đương sự khác trong vụ tranh tụng.
Điều thứ 234 – Trát cáo tri của phòng lục sự hay truyền phiếu của thừa phát lại sẽ được tống đạt theo thể thức dự liệu nơi điều 33, 34, 35 và 36 Bộ luật này.
Điều thứ 235 – Trong trường hợp có 2 tờ cáo tri, bằng trát của phòng lục sự và bằng truyền phiếu của truyền phát lại, tờ cáo tri hợp lệ do đương sự nhận được trước nhứt sẽ làm khởi tiến các thời hạn thủ tục, nếu luật không định một điểm tiến khác.

CHƯƠNG THỨ X

ÁN KHUYẾT-TỊCH VÀ SỰ KHÁNG-TỐ

TIẾT 1

ÁN KHUYẾT-TỊCH

 Điều thứ 236 – Vào ngày vụ kiện được đưa ra phiên tòa, nếu không có đương sự nào xuất đình hoặc đích thân họ do người đại diện, và nếu đương sự cũng không đưa ra  lý do xác đáng nào về sự vắng mặt, chánh án sẽ xét thủ tục có hợp lệ hay không.
 Trong trường hợp có sự vô hiệu trong triệu hoán trạng hay trát đòi, chánh án sẽ truyền cho đòi lại, vào một phiên tòa sau cho chánh án quyết định; các phí tổn đòi lại sẽ do công lại, lục sự hay viên chức có trách nhiệm về sự vô hiệu đài thọ.
 Điều thứ 237 – Nếu xét không có sự bất hợp lệ nào, chánh án, bằng một quyết định ghi vào sổ bút ký phiên tòa, sẽ truyền bôi bỏ vụ kiện, tất cả phí tổn do nguyên đơn gánh chịu.
Nguyên đơn có ba mươi ngày kể từ ngày nhận được cáo trị quyết định nói trên để xin đăng đường vụ kiện trở lại; quá hạn đó, nguyên đơn phải nạp đơn khởi tố khác nếu muốn tiếp tục vụ kiện.
Điều thứ 238 – Nếu chỉ một mình bị đơn xuất đình và nếu nguyên đơn vắng mặt mà cũng không có người đại diện, chánh án sẽ tuyên án khuyết tịch đối với nguyên đơn và bác đơn khởi tố, không cần xét đến nội dung.
Điều thứ 239 – Trong trường hợp bị đơn không xuất đình và cũng không có đại diện, mặc dầu được đòi hợp lệ, tòa sẽ tuyên bố khuyết tịch đối với bị đơn và chấp nhận các thỉnh cầu trong đơn khởi tố, nếu xét thấy các thỉnh cầu này hợp lý và có căn cứ.
Tuy nhiên, tòa có thể truyền nạp các văn kiện, nghị án và tuyên xử vào phiên tòa sau.
Điều thứ 240 – Nếu trong hai hoặc nhiều bị đơn có người vắng mặt, người xuất đình, tòa sẽ tuyên án khuyết tịch hợp tố đòi lại các đương sự vắng mặt ra một phiên tòa khác. Chánh án sẽ báo miệng cho các đương sự có mặt trong phiên tòa biết phiên tòa được ấn định; sự thông báo này có giá trị như trát đòi đối vơi họ.
Đến phiên tòa sau, mặc dầu một hay nhiều bị đơn vẫn không xuất đình, tòa sẽ phán xử, án văn được xem như đối tịch đối với tất cả.
Điều thứ 241 – Ngoại trừ trường hợp có sự kháng án hay có trở lực pháp định nào khác, án văn khuyết tịch không được chấp hành trong vòng một năm kể từ ngày tuyên xử sẽ bị thất hiệu và xem như không có.
Nếu nguyên đơn để thất hiệu án văn khuyết tịch và nạp đơn khởi tố khác rồi để thất hiệu án khuyết tịch thứ nhì, tố quyền của nguyên đơn trong vụ kiện se bị tiêu diệt.
Điều thứ 242 – Ngoại trừ trường hợp được tòa cho thi hành tạm, không một án văn khuyết tịch nào được thi hành đối với đệ tam nhân, nếu không có xuất trình một chứng chỉ của lục sự xác nhận không có kháng tố và kháng cáo, hoặc văn kiện nào chứng minh rằng án văn đã được người bị kết án tự ý thi hành hay được xem như đã chấp hành đối với người này theo định nghĩa của điều 249 sau đây.

TIẾT 11

SỰ KHÁNG-TỐ

Điều thứ 243 – Đương sự bị xử khuyết tịch có ba mươi ngày kể từ ngày nhận cáo tri án văn để kháng tố.
Điều thứ 244 – Nếu bị đơn từ trần trong vòng thời hạn kháng tố, các thừa kế sẽ có ba mươi ngày khác kể từ ngày nhận được cáo tri án văn cho họ để kháng tố. Sự cáo tri cho một thừa kế sẽ có giá trị đối với tất cả.
Nếu nguyên đơn từ trần trong vòng thời hạn nói trên, các thừa kế có một thời hạn mới kể từ ngày nguyên đơn qua đời để kháng tố.
Sự kháng tố của một trong các thừa kế sẽ lợi ích cho toàn thể đồng thừa kế.
Điều thứ 245 – Sự kháng tố sẽ thực hiện dưới hình thức một lời khai của đương sự hay người có ủy quyền đặc biệt, tại phòng lục sự của tòa đã tuyên án. Lục sự sẽ lập biên bản lời khai kháng tố trong một quyển sổ và ký tên với đương sự.
Điều thứ 246 – Sự kháng tố có hiệu lực đình chỉ sự chấp hành án văn, nếu án văn này không được tòa cho thi hành tạm.
Điều thứ 247 – Sự kháng tố sẽ được tòa đã tuyên bản án khuyết tịch xét xử.
Sau khi ghi nhận sự kháng tố, lục sự tong vòng hai mươi ngày, sẽ xuất trát đòi lại các đương sự đến tòa để nghe xét xử về giá trị của sự kháng tố.
Nếu đương sự kháng tố, mặc dầu được đòi hợp lệ vẫn không xuất đình và cũng không có người đại diện, tòa sẽ tuyên xử đơn kháng tố bất khả chấp thẩm và giữ áng văn bị kháng tố. Đương sự sẽ không được kháng tố lần thứ nhì.
Nếu đương sự kháng tố đích thân xuất đình hay có người đại diện, tòa sẽ mở lại cuộc tranh luận và sau đó sẽ quyết định về hình thức của sự kháng tố, cũng như  về nội dung sự kiện.
Điều thứ 248 – Trong trường hợp đương sự có nhận trát tận tay nhưng để bị xử khuyết tịch, sự kháng tố chỉ có thể được tòa chấp thẩm nếu người này xuất trình được biên nhận đã đóng một số tiền dự phạt là hai mươi ngàn đồng tại phòng lục sự.
Số tiền đó sẽ bị tịch thâu cho công khố, nếu đương sự bị xử khuyết tịch được đòi lại mà vẫn không xuất đình hoặc nếu sự kháng tố bị bác về hình thức hay về nội dung.
Tiền dự phạt sẽ được hoàn lại cho đương sự nếu sự kháng tố được chấp nhận toàn vẹn hoặc một phần.
Điều thứ 249 – Ngoại trừ trường hợp tòa có cho thi hành tạm, sự kháng tố áng văn khuyết tịch sẽ bất khả chấp thẩm nếu án văn đã được chấp hành.
Án văn khuyết tịch được xem như đã chấp hành:
1) Nếu động sản bị sai áp đã phát mãi xong;
2) Nếu người bị kết án đã bị câu thúc thân thể theo luật;
3) Nếu người bị kết án đã được tống đạt sự sai áp một hay nhiều bất đọng sản của mình.
4) Nếu người này đã trả án phí;

5) Hay có bất cứ hành vi nào chứng minh một cách chắc chắn rằng người bị kết án đã biết có sự chấp hành.

No comments

Có Thể Bạn Chưa Xem

Tin Nóng

Powered by Blogger.