Bộ luật Hình sự Tố tụng Việt Nam Cộng Hòa 1972 - Quyển V
QUYỂN V
Thủ tục chấp hành
THIÊN THỨ NHẤT
Chấp hành án hình
Điều thứ 669 - Công tố viện và các đương sự đảm nhiệm việc chấp hành án hình trong phạm vi quyền hạn và quyền lợi của mỗi bên.
Tuy nhiên, viên chức thâu thuế, nhân danh biện lý, phụ trách việc truy thâu tiền phạt và việc tịch thâu.
Để thi hành nhiệm vụ công tố viện có quyền yêu cầu chánh lục sự bên xử án thông tri nguyên cáo mọi án văn, phúc quyết và án lệnh.
Điều thứ 670 - Công tố viện yêu cầu chấp hành án văn sau khi phán quyết đã thành nhất định.
Tuy nhiên, thời hạn kháng cáo của chưởng lý, dự liệu nơi các điều 484, 522 và 524, không có hiệu lực đình chỉ việc chấp hành.
Biện lý và chưởng lý có quyền trực tiếp triệu dụng công lực để chấp hành án văn.
Điều thứ 671 - Những đới tranh có tính cách tố tụng liên quan đến việc chấp hành được xét xử do tòa vi cảnh, tòa sơ thẩm hay tòa thượng thẩm đã tuyên phán quyết cơ quan tài phán đã tuyên phán quyết cũng có thể cải chính những sai lầm thuần túy vật chất trong án văn.
Việc cải chính phúc quyết tòa đại hình và việc xét xử đới tranh ra trong khi chấp hành án văn này thuộc thẩm quyền phòng luận tội.
Điều thứ 672 - Theo lời yêu cầu của công tố viện hay của đương sự, tòa sẽ quyết định trong phòng thẩm nghị, sau khi công tố viện, luật sư hay đương sự kết luận, trừ trường hợp dự liệu nơi điều 673.
Tòa có thể truyền đình chỉ việc chấp hành án văn đương tranh nại.
Án văn xử việc đới tranh phải được tống đạt cho các đương sự theo lời yêu cầu của công tố viện.
Điều thứ 673 - Trong trường hợp cần lấy cung tội nhân bị giam, tòa án thụ lý nội vụ có thể ủy thác chánh án tòa gần nơi giam hơn hết để hỏi cung.
Chánh án thụ ủy có năng quyền chuyển ủy cho một thẩm phán đồng tòa.
Điều thứ 674 - Công tố viện phải cáo tri Tổng trưởng tư pháp ngay khi án văn kết phạt tử hình đã thành nhất định.
Án tử hình chỉ được chấp hành sau khi đơn xin ân xá bị bác.
Nếu tử tội muốn khai điều chi, một trong những thẩm phán chứng kiến hành quyết, có lục sự phụ tá, sẽ tiếp nhận lời khai này.
THIÊN THỨ II
Tống giam
Điều thứ 675 - Bị can bị giam cứu được giữ nơi trại tạm giam.
Tại nơi đặt trụ sở một tòa sơ thẩm, thượng thẩm và đại hình đều có một trại giam, trừ trường hợp có sắc lệnh của Thủ tướng Chánh phủ định khác. Trong trường hợp sau này, sắc lệnh của Thủ tướng phải chỉ định trại tạm giam để giam giữ bị can thống thuộc các cơ quan tài phán liên hệ.
Điều thứ 676 - Dự thẩm, chánh thẩm phòng luận tội, chánh thẩm tòa đại hình, cũng như biện lý và chưởng lý có thể truyền cho trại giam thi hành những chỉ thị cần thiết cho việc thẩm vấn hay xét xử.
Điều thứ 677 - Bị can, bị giam cứu được giam riêng mỗi người một nơi, thoáng khí, hợp vệ sinh ngày cũng như đêm Nguyên tắc trên chỉ được tạm ngưng áp dụng nếu trại tạm giam không đủ chỗ hay nhất thời có nhiều người bị giam cứu, hoặc trong trường hợp họ xin được phép làm việc trong trại tạm giam mà không thể tổ chức công việc làm cho riêng từng người.
Để bị can có thể xử dụng quyền bào chữa họ được phép tiếp xúc với bên ngoài, miễn là kỷ luật và an ninh của trại được tôn trọng.
CHƯƠNG THỨ II
Thi hành án phạt giam
Điều thứ 678 - Tội nhân bị kết phạt cấm cố hoặc khổ sai hữu hạn hay chung thân sẽ thụ hình tại trung tâm cải huấn được chỉ định để tiếp nhận họ. Tội nhân bị phạt giam trên một (1) năm hay bị nhiều hình phạt tổng cộng trên một (1) năm mà hình phạt, hay hình phạt sau cùng đã trở thành nhất định cũng thụ hình tại trung tâm cải huấn được chỉ định để tiếp nhận họ.
Tội nhân bị hình phạt giam đúng một (1) năm hay dưới một (1) năm thụ hình trong trại giáo hòa.
Tội nhận bị phạt giam vi cảnh thụ hình trong một khu riêng biệt của trại tạm giam.
Một nơi có thể vừa là trại tạm giam vừa là trại giao hóa.
Tội nhân bị phạt lưu xứ thụ hình tại trung tâm cải huấn được chỉ định để tiếp nhận họ.
Điều thứ 679 - Tội nhân thu hình tại trung tâm cải huấn được phân phối tùy theo hình phạt nặng hay nhẹ, tuổi tác và tình trạng sức khỏe của họ.
Tội nhân đau ốm hay có bệnh thần kinh phải được gởi đến các y viện đặc biệt để điều trị.
Người bệnh tật, người già yếu trên năm mươi (50) tuổi vị thành niên dưới mười tám (18) tuổi phụ nữ phải được giam ở trại riêng, thoáng khí, có đủ điều kiện vệ sinh cần thiết, hợp với tình trạng sức khỏe và tuổi tác của họ.
Điều thứ 680 - Tội nhân thụ hình tại trại giáo hóa hay trung tâm cải huấn bị giam mỗi người một nơi, thoáng khí, hợp vệ sinh, ngày cũng như đêm, và nếu cần, chỉ có thể giam riêng biệt ban đêm mà thôi.
Nguyên tắc trên, chỉ được tạm ngưng áp dụng trong một thời gian ngắn nếu trại trừng giới hay trung tâm cải huấn không đủ chỗ hay nhất thời có nhiều tội nhân hoặc vì lý do cần thiết cho sự tổ chức công việc làm của tội nhân.
Điều thứ 681 - Tội nhân bị phạt giam về thường tội, dù là trọng tội hay khinh tội, bắt buộc phải làm việc.
Lợi tức thâu hoạch được do công việc làm của tội nhân dùng để đài thọ các khoản chi tiêu chung cho trung tâm cải huấn, trả ngân hình cho công khố hay tiền bồi thường cho dân sự nguyên cáo, thành lập một quỹ trừ bị dành cho tội nhân khi mãn án, và một khoản tích kim dành cho tội nhân chi tiêu trong khi bị giam.
Một bản văn lập quy sẽ ấn định thể thức xử dụng lợi tức trên
CHƯƠNG THỨ III
Điều khoản chung cho các trung tâm cải huấn
Điều thứ 682 - Mỗi trung tâm cải huấn phải có một cuốn sổ đính bài do biện lý ký tên và ghi số trên mỗi trang.
Nhân viên phụ trách việc thi hành các án văn kết phạt, mệnh lệnh câu lưu, trát tống giam hay trát bắt giam, trát dẫn giải nếu có tạm giam sau đó, hoặc lệnh bắt giam lập theo thể thức hợp lệ, phải ghi vào cuốn sổ đính bài văn kiện được chấp hành. Trước khi giao người áp giải cho trung tâm cải huấn, viên quản đốc trung tâm phải lập ngay tờ giao nạp và ký tên cùng với nhân viên thi hành. Bản sao của tờ giao nạp có chữ ký của quản đốc trung tâm cải huấn được trao cho nhân viên thi hành.
Nếu người bị kết phạt tự ý thi hành án văn, quản đốc trung tâm cải huấn sao lại trên sổ đính bài bản trích lục án văn kết phạt do biện lý hay chưởng lý chuyển đến.
Trong mọi trường hợp, quản đốc trung tâm cải huấn phải báo cho chưởng lý hay biện lý biết mỗi khi có giam giữ.
Sổ đính bài cũng ghi ngày phóng thích người bị giam đối diện với văn kiện giao nạp, và nếu cần, quyết định hay điều luật cho phép phóng thích.
Điều thứ 683 - Mọi hình thức tra tấn, đánh đập bị can, tù nhân, lợi dụng bị can, tù nhân đều bị nghiêm cấm. Những kẻ phạm điều luật này sẽ bị truy tố theo luật. Hình phạt tối đa phải được áp dụng.
Điều thứ 684 - Những tù nhân chánh trị được hưởng quy chế đặc biệt theo đúng quy tắc đã được đề ra trong bản tuyên ngôn nhân quyền của liên hiệp quốc.
Điều thứ 685 - Nhân viên trung tâm cải huấn chỉ có thể tiếp nhận hoặc giam giữ một người nào khi có án văn kết phạt, mệnh lệnh câu giữ, trát tống giam hay trát bắt giam, trát dẫn giải nếu cần phải tạm giam sau đó, hoặc lệnh bắt giam lập theo thể thức hợp lệ và phải ghi chú vào sổ đính bài những chi tiết nói ở điều trên, nếu vi phạm, sẽ bị truy tố về tội giam giữ trái phép.
Điều thứ 686 - Nếu người bị giam giữ hăm dọa, mạ lỵ hay hành hung kẻ khác, hoặc vi phạm kỷ luật của trung tâm, y có thể bị giam riêng biệt trong những phòng kỷ luật hoặc phải chịu những biện pháp cưõng bách trong trường hợp y có cử chỉ bạo hành quá đáng, không kể việc y có thể bị truy tố về những hành vi ấy.
Điều thứ 687 - Dự thẩm, chánh thẩm phòng luận tội, biện lý và chưởng lý có bổn phận khám xét các trung tâm cải huấn.
Điều thứ 688 - Một bản văn lập quy sẽ ấn định thể thức kiểm soát các trung tâm cải huấn và những điều kiện để cho một số người có thể vào thăm những người bị giam.
Điều thứ 689 - Một bản văn lập quy sẽ ấn định tổ chức và điều hành của trung tâm cải huấn trong tinh thần bảo vệ nhân phẩm và sức khỏe của tù nhân.
Chế độ cải huấn phải được thiết lập với mục tiêu cải tạo và hoàn lương tù nhân.
THIÊN THỨ III
Huyền án
Điều thứ 690 - Trong trường hợp tuyên án phạt giam hay phạt vạ, tòa có thể truyền cho hưởng án treo nếu người bị án chưa hề bị phạt giam về tội đại hình hay tiểu hình trên hai (2) tháng.
Điều thứ 691 - Sự kết phạt được coi như hủy bỏ nếu trong hạn năm (5) năm kể từ ngày tuyên án, người can án không bị truy tố và không bị kết phạt giam hay một hình phạt nặng hơn về thường tội.
Nếu trong hạn năm (5) năm, người can án lại bụ truy tố và bị kết phạt giam hay một hình phạt nặng hơn về thưởng tội, thì hai hình phạt sẽ được liên tiếp thi hành, không được trùng nhập.
Điều thứ 692 - Việc đình chỉ thi hành hình phạt không áp dụng cho án phí tụng lệ và tiền bồi thường, cùng những phụ hình và vô năng cách, hậu quả trực tiếp của sự kết phạt.
Tuy nhiên, các phụ hình và vô năng cách sẽ hết hiệu lực kể từ ngày sự kết phạt coi như bị hủy bỏ chiếu điều 691.
Điều thứ 693 - Chánh thẩm tòa đại hình, tòa thượng thẩm hay tòa sơ thẩm sau khi truyền cho huyền án phải báo cho người bị án nếu trong hạn năm (5) năm y bị kết phạt một lần nữa, thì hai hình phạt sẽ được liên tiếp thi hành, không được trùng nhập và bị can sẽ bị xét xử theo trường hợp tái phạm được dự liệu trong bộ hình luật.
THIÊN THỨ IV
Kiểm nhận căn cước của người bị kết phạt
Điều thứ 694 - Nếu bị bắt lại sau khi đào tẩu hoặc bất cứ vì lý do nào khác mà căn cước của người bị kết phạt bị dị nghị, sự tranh chấp này sẽ được thanh quyết theo các qui tắc về các đới tranh nhân khi chấp hành án văn. Tuy nhiên, nội vụ phải đưa ra phiên tòa công khai.
Nếu sự tranh chấp được nêu lên trong hoặc nhân một cuộc truy tố khác, tòa án thụ lý vụ kiện này sẽ thanh quyết vấn đề.
THIÊN THỨ V
Câu thúc thân thể
Điều thứ 695 - Khi tòa án xét xử một tội phạm không có tính cách chánh trị và không tuyên hình phạt chung thân, nếu phạt vạ, buộc phải trả án phí tụng lệ hiặc mọi khoản tiền cho công khố, tòa sẽ ấn định thời gian câu phúc thân thể theo giới hạn sau đây, trong trường hợp hình phạt không được thi hành.
Thời gian câu thúc thân thể để bảo đảm việc thâu hồi nhiều trái khoản, sẽ được ấn định theo tổng số các khoản tiền phạt.
Điều thứ 696 - Thời gian câu thúc thân thể được ấn định như sau:
- Từ hai (2) ngày đến mười (10) ngày nếu số tiền phạt vạ hoặc số bạc tòa tuyên phải trả không quá sáu trăm đồng (600$00);
- Từ sáu (6) ngày đến hai mươi (20) ngày nếu số tiền phạt vạ hoặc số bạc tòa tuyên phải trả trên sáu trăm đồng (600$00) và không quá ba ngàn đồng (3.000$00);
- Từ mười hai (12) ngày đến bốn mươi (40) ngày nếu số tiền phạt vạ hoặc số bạc tọa tòa tuyên phải trả trên ba ngàn đồng (3.000$00) và không quá năm ngàn đồng (5.000$00);
- Từ một (1) tháng đến ba (3) tháng nếu số tiền phạt vạ hoặc số bạc tòa tuyên phải trả trên năm ngàn đồng (5.000$00) và không quá mười hai ngàn năm trăm đồng (12.500$00);
- Từ hai (2) tháng đến sáu (6) tháng nếu số tiền phạt vạ hoặc số bạc tòa tuyên phải trả trên mười hai ngàn năm trăm đồng (12.500$00);
- Từ bốn (4) tháng đến mười (10) tháng nếu số tiền phạt vạ hoặc số bạc tòa tuyên phải trả trên năm mươi ngàn đồng (50.000$00) và không quá hai trăm năm mươi ngàn đồng (250.00$00);
- Từ tám (8) tháng đến mười tám (18) tháng nếu số tiền phạt vạ hoặc số bạc tòa tuyên phải trả trên hai trăm năm mươi ngàn đồng (250.000$00);
- Từ một (1) năm đến hai (2) năm nếu quá năm trăm ngàn đồng (500.000$00).
Điều thứ 697 - Không được câu thúc thân thể người chưa đủ mười tám (18) tuổi lúc xảy ra sự kiện bị truy tố và người trên sáu mươi (60) tuổi lúc bị án.
Đối với người trên năm mươi lăm (55) tuổi lúc bị án, thời hạn câu thúc thân thể sẽ được giảm phân nửa không kể việc áp dụng điều khoản sau đây.
Điều thứ 698 - Thời hạn câu thúc thân thể những người bị án mà vô tư lực cũng bị giảm phân nửa, nhưng không thể dưới hai mươi bốn (24) giờ, nếu họ xuất trình được những văn kiện sau đây để chứng minh họ vô tư lực:
- Chứng chỉ của viên chức thâu thuế nơi cư sở chứng nhận họ không bị đánh thuế;
- Chứng chỉ của nhà chức trách hành chánh hay cảnh sát nơi cư trú.
Điều thứ 699 - Việc câu thúc thân thể không được thi hành cùng một lúc đối với chồng và vợ dù để truy thâu những khoản tiền phạt khác nhau.
Điều thứ 700 - Năm (5) ngày sau khi tổng đạt bách thúc trạng cho người bị án treo lời yêu cầu của bên truy tố, mới được thi hành việc câu thúc thân thể.
Trong trường hợp án văn kết phạt không được tống đạt cho người thiếu nợ, trích lục án văn có ghi tên các đương sự và chủ văn bản án sẽ được tính theo bách thúc trạng.
Khi được trình tờ tống đạt bách thúc trạng và theo lời yêu cầu của bên truy thu, biện lý sẽ ra lệnh triệu dụng cần thiết cho nhân viên công lực và cho những viên chức đảm nhiệm việc chấp hành mệnh lệnh của tòa án. Lệnh câu thúc thân thể chỉ có hiệu lực cho đến khi mãn hạn thời tiêu hình phạt. Nếu hình phạt đã bị thời tiêu, thì không thể câu thúc thân thể, trừ trường hợp đã có lệnh câu thúc hay việc câu thúc thân thể đương hành.
Nếu người thiếu nợ đang bị giam, lệnh câu thúc được thi hành ngay sau khi tống đạt bách thúc trạng.
Khi bách thúc trạng đã quá một (1) năm mà chưa có lệnh câu thúc thân thể, thì phải lập bách thúc trạng khác.
Điều thứ 701 - Những qui tắc về việc thi hành trát của tòa án dự liệu nơi điều 118 và 125 được áp dụng cho việc câu thúc thân thể, ngoại trừ đoạn quy chiếu điều 126 và 127 khoản 1 và 2.
Điều thứ 702 - Nếu người nợ bị giam yêu cầu được xét xử khẩn cấp, y được dẫn ngay đến trước chánh án tòa sơ thẩm nơi y bị bắt. Chánh án sẽ xử cấp thẩm, trừ trường hợp cần phải đình hoãn để xét xử theo thể thức dự liệu nơi điều 671 và 672.
Người thiếu nợ bị bắt hay có lệnh câu thúc thân thể cũng được quyền này, y sẽ được dẫn liền đến trước chánh án tòa sơ thẩm nơi y bị giam.
Điều thứ 703 - Nếu người thiếu nợ bị bắt không yêu cầu được xét xử khẩn cấp hay trong trường hợp có cấp thẩm mà chánh án bác lời khiếu nại của đương sự, sẽ bị câu thúc theo thể thức về việc thi hành án phạt giam.
Điều thứ 704 - Người bị câu thúc thân thể bị giam tại một khu riêng biệt trong trại tạm giam.
Tuy nhiên, nếu người thiếu nợ bị lệnh câu thúc thân thể đang thụ hình một án phạt giam, y sẽ bị giữ tại trung tâm cải huấn cho đến hết thời hạn câu thúc thân thể, sau ngày y được phóng thích hay được phóng thích có điều kiện.
Điều thứ 705 - Để ngăn ngừa hoặc chấm dứt hậu quả của sự câu thúc thân thể, người thiếu nợ có thể thánh toán món nợ, hoặc ký quỹ một số tiền đầy đủ để trả nợ hay để cùng một người bảo chứng được xét là xứng đáng và hữu hiệu.
Người bảo chứng phải được trưởng ty ngân khố nhận; nếu có tranh chấp, chánh án sở tại sẽ quyết định về tư cách của người này theo thủ tục khẩn cấp.
Người bảo chứng phải trả tiền thay người thiếu nợ trong hạn một tháng bằng không sẽ bị ngân khố truy tố để đòi nợ.
Nếu tổng số món nợ không được thanh toán đầy đủ, ngân khố có thể yêu cầu câu thúc thân thể đối với số nợ còn lại, trừ trường hợp dự liệu nơi điều 706.
Điều thứ 706 - Nếu đã câu thúc thân thể để đòi một món nợ và dù cho vì nguyên nhân nào, biện pháp này đã mãn kết, thì không thể xin câu thúc một lần nữa đối với món nợ ấy, cũng như đối với những số tiền đã được tuyên trước ngày thi hành câu thúc thân thể, trừ khi nào thời hạn câu thúc tính theo tổng số các khoản tiền phạt dài hơn thời hạn đã thực hiện, trong trường hợp đó, thời hạn câu thúc trước được khấu trừ vào thời hạn mới.
Điều thứ 707 - Người thiếu nợ bị câu thúc thân thể phải theo chế độ cải huấn áp dụng cho tội nhân, nhưng không bị bắt buộc làm việc.
Điều thứ 708 - Sự câu thúc thân thể không có hiệu lực miễn trái.
THIÊN THỨ VI
Thời tiêu hình phạt
Điều thứ 709 - Thời tiêu hình phạt về tội đại hình là hai mươi (20) năm kể từ ngày phán quyết đã thành nhất định.
Thời tiêu hình phạt về tội tiểu hình là năm (5) năm kể từ ngày án văn đã thành nhất định.
Thời tiêu hình phạt về tội vi cảnh là hai (2) năm. Tuy nhiên hình phạt về tội vi cảnh liên hệ với tội tiểu hình chỉ bị thời tiêu sau hạn năm (5) năm.
Điều thứ 710 - Trong mọi trường hợp, đơn xin hủy án của người bị kết án khuyết tịch về tội đại hình hoặc tiểu hình bất khả chấp thẩm nếu hình phạt đã bị thời tiêu.
Điều thứ 711 - Những khoản tiền phạt dân sự tuyên xử do án văn đã thành nhất định về việc đại hình, tiểu hình hay vi cảnh bị thời tiêu theo quy tắc của Bộ dân luật.
ĐIỀU KHOẢN TỔNG QUÁT
Điều thứ 712 - Không có sự tống đạt hay chấp hành nào có thể làm trước sáu (6) giờ sáng và sau tám (8) giờ chiều hoặc trong ba (3) ngày chót tháng chạp và bảy (7) ngày đầu tháng giêng âm lịch, cũng là trong những ngày lễ Quốc khánh và lao động, trừ phi được chưởng lý tòa thượng thẩm cho phép vì có sự nguy tai diện tiền.
Điều thứ 713 - Ngoại trừ các vụ tiểu hình quả tang, không vụ kiện hình sự nào được đăng đường để xét xử vào năm (5) ngày chót tháng chạp và tám (8) ngày đầu tháng giêng âm lịch.
Tuy nhiên, trong thời gian này, phòng luận tội, phòng thẩm nghị của tòa sơ thẩm và của tòa thượng thẩm vẫn tiếp tục thẩm định về đơn xin tại ngoại của các bị can, nếu có.
Điều thứ 714 - Tất cả các thời hạn thủ tục dự liệu trong bộ luật này điều là thời hạn tròn; ngày khởi lưu thời hạn và ngày mãn hạn sẽ không tính.
Nếu ngày chót của thời hạn là ngày nghỉ lễ hay ngày chúa nhật, thời hạn sẽ triển khoáng đến ngày làm việc trở lại.
Điều thứ 715 - Trừ trường hợp bị giam giữ lại hợp lệ như định trong điều 685 về tội trạng nào khác, người bị giam giữ phải được quản đốc trung tâm cải huấn phóng thích ngay khi nhận được lệnh phóng thích của biện lý hoặc ủy viên Chánh phủ tòa án đặc thẩm, chấp hành phán quyết cho tại ngoại, miễn tố, tha bổng hoặc miễn nghi của dự thẩm, phòng luận tội, cơ quan tài phán bất kể thường tụng hay đặc thẩm.
Điều thứ 716 - Vi phạm nghiêm lệnh ấn định nơi điều 715, quản đốc trung tâm cải huấn sẽ bị truy tố về tội giam cầm trái phép.
Điều thứ 717 - Đối với vụ phạm pháp, dù quả tang hay không, thụ lý hồ sơ có người bị dẫn trình, biện lý phải thanh quyết trong thời hạn bốn mươi tám (48) giờ.
Vi phạm điều luật này, biện lý có thể bị truy tố về tội giam cầm trái phép, chưa kể chế tài về kỷ luật.
Điều thứ 718 - Bất cứ ai được biết có người bị bắt bớ, giam giữ mà không có mệnh lệnh hợp pháp của cơ quan có thẩm quyền hoặc bất cứ ai được biết có người bị giam giữ tại nơi không phải cơ sở theo luật định để giam giữ, đều có nghĩa vụ phải cấp thời thông báo cho biện lý, hoặc chưởng lý tòa thượng thẩm.
Điều thứ 719 - Ngay khi được báo cáo như trên, thẩm phán công tố phải cấp thời thân đáo trường sở và phải ra lệnh phóng thích ngay người bị giam giữ. Nếu nhận thấy có nguyên nhân hợp pháp nào để tạm giữ, thẩm phán công tố sẽ truyền dẫn trình ngay người bị tạm giữ đến thẩm phán có thẩm quyền.
Phải lập biên bản về mọi sự kiện trên đây.
Điều thứ 720 - Để thi hành nhiệm vụ luật định kể trên, thẩm phán công tố, nếu cần, có thể hạ trát, đòi dẫn giải, trát tống giam theo thể thức ấn định nơi điều 116 vào 117.
ĐIỀU KHOẢN CHUYỂN TIẾP
Điều thứ 721 - Bộ hình sự tố tụng này sẽ có hiệu lực tức thời đối với tất cả các thủ tục đang tiến hành. Tuy nhiên, các hành vi thủ tục đã thực hiện theo luật cũ vẫn có hiệu lực
Ngoài ra, điều 3 khoản 3 Bộ hình sự tố tụng cũng không có hiệu lực hồi tố đối với những sự kiện đã được tòa hộ hay tòa án hành chánh thụ lý.
Điều thứ 722 - Riêng về việc đại hình, các vụ kiện đương cứu đã phúc quyết chuyển tống ra ban đại hình tòa sơ thẩm cũng như các vụ đương cứu trước tòa này, sẽ được chuyển thẳng đến tòa đại hình mà tòa sơ thẩm kể trên thông thuộc về mặt quản hạt.
Đối với vụ kiện đã có án văn sơ thẩm chung quyết về nội dung và nếu có đương sự kháng cáo, nội vụ cũng sẽ được đăng đường ra tòa đại hình liên hệ như định ở khoản trên.
Thụ lý nội vụ, sau khi thẩm định về sự khả chấp đơn kháng cáo, nếu cần, chiếu luật lệ đương hành vào ngày kháng cáo, tòa đại hình sẽ phúc thẩm về nội dung và áp dụng các điều 487, và 491 khoản 2 và 3, điều 492 cùng các qui điều khác về tòa đại hình dự liệu trong quyển II, thiên I, ngoại trừ các điều 265, 266, 268, 269, 270, 272, 273 và 275 Bộ hình sự tố tụng.
Điều luật này cũng áp dụng đối với vụ đương cứu trước ban đại hình tòa thượng thẩm.
Điều thứ 723 - Khi tuyên phán phúc quyết, ban đại hình tòa thượng thẩm và nếu có di giao. Tối cao pháp viện sẽ truyền di giao đến tòa đại hình có thẩm quyền như qui định tronh điều 722 khoản 1 trên đây.
Điều thứ 724 - Để tòa đại hình có thể cấp thời hoạt động, đặc biệt riêng về năm đầu áp dụng Bộ hình sự tố tụng này, các điều 256, 257 và 259 khoản 2 của Bộ luật này được hoãn áp dụng.
Danh sách đoàn phụ thẩm nhân dân quy định nơi điều 255 và 256 Bộ hình sự tố tụng sẽ được thiết lập theo thủ tục đơn giản. Mười lăm (15) ngày sau khi Tổng thống ban hành các sắc lệnh thiết lập các tòa đại hình như dự liệu trong điều 230 Bộ hình sự tố tụng, ủy ban định nơi điều 258 Bộ luật này sẽ ghi vào danh sách phụ thẩm nhân dân các công dân hội đủ các điều kiện luật định cư ngụ tại nơi tòa đại hình đặt trụ sở.
Lượng số phụ thẩm nhân dân trên danh sách qui định nơi điều 256 Bộ hình sự tố tụng là lượng số tối thiểu, và đối với tòa đại hình Saigon, danh sách đó gồm một trăm năm mươi (150) phụ thẩm nhân dân chọn trong các công dân hội đủ các điều kiện luật định, cư ngụ tại đô thành Saigon hoặc tỉnh lỵ gia định.
Điều thứ 725 - Những bản văn và những điều luật trước trái với Bộ hình sự tố tụng này đều bị bãi bỏ, nhất là:
1) Bộ hình sự tố tụng Pháp quốc áp dụng tại Nam Viet theo sắc lệnh ngày 25 tháng bảy năm 1865;
2) Bộ hình sự tố tụng Bắc kỳ ban hành do dụ ngày 28 tháng tám năm 1921;
3) Bộ Trung kỳ hình vụ tố tụng Pháp ban hành do du ngày 2 tháng tám năm 1933.
Đối với những trường hợp không dự liệu trong Bộ luật này và được luật lệ riêng biệt qui định, tòa án sẽ tiếp tục áp dụng các luật lệ ấy.
Post a Comment