Tâm tình với cô giáo Trần Thị Lam về thực trạng đất nước, khát vọng của dân tộc

Lê Quế Lâm (Danlambao) - Sau khi thay Cô tìm hiểu “Câu hỏi gửi trời xanh, người sau, người trước, Đất nước mình rồi sẽ về đâu anh?” Anh đã trả lời với lời khẳng định “không còn Cộng sản”. Điều đó, em và mọi người đều biết. Không còn cộng sản sẽ không còn bộ máy hành chánh quan liêu tham nhũng khổng lồ với hơn 2 triệu công chức cán bộ. Ngoài bộ máy công quyền cồng kềnh, còn có bộ máy Đảng CS quy mô không kém, từ Chi bộ xã lên Ban Chấp hành Trung ương với đầy đủ các ủy ban trực thuộc từ trên xuống dưới. Ngoài tổ chức Đảng còn có tổ chức Đoàn cũng tổ chức qui mô như Đảng từ cơ sở đến trung ương. Bên cạnh Đảng, Đoàn còn có thêm Mặt trận Tổ Quốc cũng có Ban Chấp hành Trung ương với 360 ủy viên trung ương và các MTTQ ở các cấp tỉnh, quận, xã. Thử hỏi một đất nước nghèo mà nuôi báo cô một lực lượng lớn như vậy, không đóng góp gì cho việc sản xuất phát triển thì làm sao đất nước tránh khỏi tụt hậu.

Không còn Cộng sản, sẽ không còn một lực lượng công an đông đảo gần 600 viên tướng. Lực lượng này chỉ để trấn áp nhân dân, là công cụ của nền chuyên chính vô sản, Còn quân đội thì quá nhiều cấp chỉ huy, chỉ riêng cấp tướng cũng gần 500 ông. Không còn cộng sản, sẽ không còn tình trạng chảy máu ngoại tệ, cả chục tỉ Mỹ kim chuyển ra nước ngoài. Còn số tiền của đồng bào ở hải ngoại gởi về nước không phải chỉ 10 tỉ mà còn nhiều hơn nữa. Như thế chỉ trong vòng nửa năm hoặc một năm, đất nước sẽ có sự thay đổi lớn. Đó là sự suy nghĩ thực tế của em và đồng bào. Nhưng rất tiếc, anh chỉ nói đến tương lai tươi sáng khi đất nước không còn cộng sản, mà còn mơ hồ: Tương lai là thời gian bao lâu và sẽ diễn biến ra sao?

Trước khi giãi bày hai câu hỏi trên, anh xin chia sẻ với em về thực trạng đất nước được em gói ghém trong 16 câu đầu trong bài thơ “Đất nước mình ngộ quá phải không anh”. Từ thực trạng bi đát của đất nước, mới hiểu được tâm tư của đồng bào, khát vọng của dân tộc. Từ trước đến nay đã có hàng ngàn quyển sách trong và ngoài nước đề cập đến chiều dài và chiều rộng của lịch sử chiến tranh VN… Nhưng hình như ít có ai đề cập đến chiều sâu của cuộc chiến qua các khía cạnh như tâm linh, văn hóa, kinh tế, xã hội, tâm tư, tình cảm, khát vọng… của những người trong cuộc, người dân Việt là nạn nhân của cuộc chiến. Bài thơ của em đã nói lên phần nào chiều sâu lịch sử của cuộc chiến VN.

Thảm trạng của đất nước ngày nay là kết quả từ những nguyên nhân sâu xa từ mấy chục năm trước và xảy ra ở mấy thập niên sau. Năm 1949 Mao Trạch Đông xuất bản quyển “Lịch sử Cách mạng và Đảng CS Trung Quốc” có đoạn viết “Sau khi dùng chiến tranh đánh bại Trung Quốc, các nước đế quốc đã cướp đi nhiều nước phụ thuộc và một bộ phận lãnh thổ của Trung quốc: Nhật chiếm Tiều Tiên,... Anh chiếm Miến Điện,… Pháp chiếm An Nam…” Ngay sau đó, Hồ Chí Minh sang Bắc Kinh cầu viện Mao giúp Việt Minh chống Pháp. Mao đã tích cực viện trợ HCM để TQ thu hồi lại phần đất An Nam và dùng VN làm bàn đạp giành lại Thái Lan, Cam Bốt, Lào, Mã Lai, Singapore và bành trướng xuống Nam Dương.

Mộng thu hồi An Nam và bành trướng xuống ĐNÁ bất thành vì quyết tâm ngăn chận của Mỹ. Một cơ hội mới lại đến, giúp TQ tiếp tục thực hiện tham vọng của mình. Đầu tháng 9/1990, TBT Nguyễn Văn Linh và TT Đỗ Mười đến TQ cùng TBT Giang Trạch Dân và TT Lý Bằng ký Thỏa hiệp Thành Đô. Nội dung mật ước Thành Đô được Hoàn Cầu Thời Báo và Tân Hoa Xã của Trung Cộng công bố coi đó như là sự chấp nhận lời cầu xin của Nguyễn Văn Linh: “Việt Nam bày tỏ mong muốn sẵn sàng chấp nhận làm một khu vực tự trị thuộc chính quyền Trung ương tại Bắc Kinh, như TQ đã dành cho Nội Mông, Tây Tạng, Quảng Tây… Phía TQ đồng ý và chấp nhận đề nghị nói trên, và cho Việt Nam thời gian 30 năm (1990-2020) để đảng CSVN giải quyết các bước tiến hành cần thiết cho việc gia nhập đại gia đình các dân tộc TQ”. (RFA online ngày 6-8-2014).

Thảm họa mất nước xuất phát từ sự cuồng tín mê muội cao độ của giới lãnh đạo CSVN trong một thời gian quá dài gần tròn một thế kỷ kể từ khi HCM tìm đường cứu nước đến Paris, tham gia Đại hội Tour 1920 trở thành một đệ tử cuồng tín của Quốc tế III.

Cuối năm 1999, ải Nam Quan, địa đầu của tổ quốc, ranh giới Việt Trung suốt hơn 1000 năm, nay không còn nữa. Sau đó, TQ vào khai thác bauxite ở Tây nguyên. Thuê đất trồng rừng ở biên giới phía Bắc trong thời gian 50 năm. Thuê cảng Vũng Áng đến 70 năm. Riêng tỉnh Quảng Ninh còn muốn thuê 120 năm. Báo chi đưa tin có đến 60% các mỏ khoáng sản ở miền Bắc là do người Tàu đứng tên. Năm 2014, họ đưa giàn khoan HD 981 vào sâu trong thềm lục địa VN. Bắc Kinh thực sự đã gây chiến và dự trù sẽ chiến thắng VN trong vòng 31 ngày. Cuối cùng do áp lực của Thượng viện Mỹ, TQ rút giàn khoan HD 981 ra khỏi lãnh hải VN trước thời hạn hồi giữa tháng 7/2014.

Trước thảm họa bị Hán hóa, khuynh hướng hội nhập với quốc tế, hợp tác với Mỹ để thoát Trung đã phát triển mạnh trong thời gian Nguyễn Tấn Dũng làm thủ tướng. Chuyển hướng chiến lược này phải do nhân vật lãnh đạo tối cao của Đảng CSVN thực hiện. Nguyễn Tấn Dũng chỉ là nhân vật thứ ba trong Đảng không thể thực hiện một đường hướng chiến lược quan trọng. Năm 2015 đánh dấu 20 năm mối bang giao CSVN với Mỹ, đầu tháng 7/2015 TBT Nguyễn Phú Trọng đến Mỹ hội đàm với TT Obama tại phòng Bầu Dục Tòa Bạch Ốc để bắt đầu giai đoạn mới: hợp tác chặt chẽ giữa hai nước. Trong đó hai vấn đề trọng tâm là bảo vệ hòa bình ở biển Đông và gia nhập TPP. Trong Đại hội Đảng lần thứ 12 sau đó, Nguyễn Tấn Dũng xin rút lui, Nguyễn Phú Trọng tiếp tục vai trò Tổng Bí thư để hoàn thiện mối hợp tác với HK.

Trong vài ngày tới, TT Obama sẽ đến VN, có khả năng VN sẽ tiến tới hợp tác chiến lược toàn diện với HK. Tình trạng cá chết hàng loạt ở miền Trung và môi trường bị ô nhiểm nặng từ cuối tháng Tư có thể đó là thủ đoạn của TQ: Ăn không được, phá cho hôi. Biến động này cũng là báo hiệu ngày tàn của CSVN như lời của Đặng Tiểu Bình hồi năm 1979: Trừng phạt CSVN cho đến chết vì vong ân bội nghĩa.

Cộng sản cáo chung là một biến cố lớn, trước khi xảy ra có những biến động báo trước. Anh xin mượn mấy câu được người đời truyền tụng là sấm Trạng Trình “Chừng nào thằng ngốc làm vua. Thế gian cạo trọc, thầy chùa để râu” để nói lên Đất nước mình ngộ và lạ quá phải không em

Anh chưa bao giờ dám phạm thượng đối với người lãnh đạo tối cao của đất nước đã ngoài tuổi “Thất thập cổ lai hi”… Nhưng nhiều người gọi ông là Trọng Lú, nay ông là vua nên thế gian đảo lộn. Công an đội lốt sư quốc doanh tràn ngập chùa chiền, khiến những người tu hành chân chính phải hoàn tục, trở thành người dân bình thường để râu, để tóc.

Trước cảnh đời trần tục trớ trêu “Yêu tinh đặng thế, bóp hầu thần tiên”. Nòi gióng Việt theo truyền thuyết vốn là con rồng cháu tiên, nay bị yêu tinh bóp hầu, bịt miệng. Còn “Quan làng ỷ thế, ỷ quyền. Dầu khôn giả dại mới yên phần mình. Việc làng việc nước làm thinh chớ bàn. Muốn yên, mồm lặng như tờ. Dân bàn việc nước thì khô xác mình. Bởi vì quốc thể bù nhìn. Quốc hồn mờ ám, hởi ơi thế quyền. Nước nhà nghiêng ngửa, đảo điên. Tham quan hại nước, lợi riêng một mình” (trích Sấm Trạng Trình). Trong suốt dòng lịch sử, đồng bào luôn tin tưởng ở hồn thiêng sông núi độ trì. Nhưng có lẽ vì nghiệp quả quá nặng, hơn 170 ngàn người chết oan ức trong Cải cách ruộng đất, hơn 6000 đổng bào Huế bị thảm sát hồi Tết Mậu Thân. Cộng nghiệp qua nhiều thế hệ liên tiếp, chiến tranh lại kéo dài quá lâu khiến cả chục triệu người trở thành oan hồn uổng tử, chưa được siêu thoát. Hậu quả là ngày nay mây sầu gió thảm, oan hồn uổng tử phủ trùm khắp non sông đất nước.

Nhìn thảm cảnh đó, những người ưu thời mẫn thế và đại đa số đồng bào chán ngán thế sự, sinh ra bi quan yếm thế, muốn trở thành người tu hành như thầy chùa, thầy cúng cạo trọc đầu để xa lánh thế gian, cầu cho âm siêu dương thái. Một dân tộc từng tự hào đánh thắng Pháp thắng Mỹ, nay thờ ơ trước bất công, thụ động trước vận nước, vô cảm trước thảm họa của dân tộc. Đất nước này buồn quá phải không em?

Trước thảm trạng cá chết hàng loạt, môi trường sống bị ô nhiễm nặng nề, đồng bào xuống đường biểu tình ôn hòa đòi quyền sống, bị đàn áp dã man. “Cá với nước, như quân với dân”. Quân bao gồm bộ đội, công an, thanh niên xung phong đều xuất phát từ dân, hưởng bổng lộc cũng là do dân đóng góp. Cá chết vì nước bị nhiễm độc. Dân bị đàn áp vì quân bị đầu độc, làm công cụ bảo vệ chế độ chuyên chính độc tài. Hậu quả là quân chống dân, chớ không còn tình quân dân cá nước nữa. Nhìn hình ảnh cô giáo Trần Thị Thảo ngồi bẹp bên vệ đường với tấm bảng ôm trước ngực, ghi mấy chữ mời gọi những thanh niên có vũ khí trong tay, có thể là các học trò của cô “Cứ đánh vào mặt tôi nếu muốn, nhưng hãy trả biển và quyền làm người cho dân”. Chưa có dân tộc nào chấp nhận và mời gọi những người với thiên chức bảo vệ đất nước đồng bào cứ đánh vào mặt mình, để giống lên tiếng chuông cảnh tỉnh: quốc gia mất biển, người dân mất quyền. Đất nước mình thương quá phải không em?


Có một số Công an án binh bất động, nhưng làm ngơ nhìn những thành phần du đảng ra tay đàn áp người dân biểu tình. Lạ kỳ quá phải không em? Một đất nước mà lực lượng công an nhân dân lại đồng tình, đồng minh với thành phần côn đồ du đảng để trấn áp người dân. Câu nói của cụ Nguyễn Trãi trong Bình Ngô Đại Cáo “Lấy nhân nghĩa thắng hung tàn. Lấy chí nhân thay cường bạo” là chân lý muôn đời của dân tộc. Còn ngày nay, để bảo vệ chế độ độc tài đảng trị, những người lãnh đạo đất nước chủ trương ngược lại “Lấy hung tàn thắng nhân nghĩa. Lấy cường bạo thay chí nhân” thì đất nước này sẽ đi về đâu em?

Những dòng chữ mang trước ngực của người đồng nghiệp chúng ta nói lên thảm trạng của đất nước, khát vọng của dân tộc. Anh xin mượn tựa đề quyển sách của nhà văn Lê Phú Khải vừa được xuất bản tại Mỹ, để nói rằng đó chính là Lời Ai Điếu một chế độ.

Cộng sản làm sao có thể đòi TQ trả lại biển? Ông HCM và người học trò tin cậy nhất của ông là Phạm Văn Đồng làm thủ tướng lâu nhất nước gần 30 năm, đã ký công hàm thừa nhận biển Đông thuộc chủ quyền của TQ. Cộng sản làm sao có thể trả lại quyền làm người của dân, vì bản chất của chế độ là độc tài chuyên chính. Vì thế dù đất nước đã có hòa bình từ lâu, nhưng cộng sản vẫn nuôi dưỡng một lực lượng công an khổng lồ. Quân đội và công an là công cụ của Đảng để bảo vệ Đảng, chống lại khát vọng của toàn dân,

Hai vấn nạn trên đang thử thách chế độ nặng nề, có khả năng đưa cộng sản đến chỗ cáo chung. Nhân dân biểu tình đòi TQ trả lại biển, giới lãnh đạo không dám đồng tình với dân, vì “mở miệng mắc quai”. Trước sự câm nín của giới lãnh đạo, người dân xuống đường biểu tình mạnh hơn để TQ thấy được khát vọng mãnh liệt của dân tộc Việt… Nhưng với bản chất do Đảng rèn luyện, lực lượng công an đàn áp người dân một cách dã man. Nổi uất hận của đồng bào càng trào dâng trước một chế độ được lãnh đạo bởi những người “hèn với giặc, ác với dân”. Đây là cơ hội để TQ dựa vào sự xung đột về chủ quyền ở biển Đông để tuyên chiến với CSVN. Đất nước minh ngộ quá phải không em? Có lý nào CSVN hợp tác toàn diện với CSTQ qua “phương châm 16 chữ vàng” và “tinh thần bốn tốt”, TQ lại tuyên chiến với VN?

Anh xin lần lượt giải thích ngọn nguồn. Lịch sử biến đổi khôn lường, không ai có thể tiên liệu được những gì sẽ xảy ra ở tương lai. Năm 1958 TT Phạm Văn Đồng đã gởi công hàm đến TT Chu Ân Lai thừa nhận bản Tuyên cáo lãnh hải 12 hải lý của Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, trong đó Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hành động này của CSVN chỉ để bày tỏ tình đồng chí giữa hai Đảng Cộng sản anh em, đồng thời cũng để tranh thủ sự ủng hộ của TQ trong chiến tranh giải phóng MNVN mà mục đích chính là để tăng cường phe xã hội chủ nghĩa.

Nhờ sự “đúc lót” của CSVN, TQ can dự vào chiến tranh VN. Vì việc này HK cũng ra sức “o bế” TQ bằng thế lực của mình. Mỹ không dùng quyền phủ quyết, giúp Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa gia nhập LHQ và trở thành Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo An. Nhờ đó TQ tích cực cộng tác với Mỹ để kết thúc chiến tranh VN. Đến cuối năm 1978, HK bình thường hóa bang giao với Mỹ. Sách Sự thật về quan hệ Việt Nam-Trung Quốc trong 30 năm qua do Nxb Sự thật Hà Nội phổ biến tháng 10/1979 đã viết: “Từ chỗ coi Liên Xô là đồng minh lớn nhất, họ (TQ) đi đến chỗ coi Liên Xô là kẻ thù nguy hiểm nhất. Từ chỗ coi đế quốc Mỹ là kẻ thù nguy hiểm nhất mà bản chất không bao giờ thay đổi, họ (TQ) đi đến chỗ coi đế quốc Mỹ là đồng minh tin cậy và trắng trợn tuyên bố Trung Quốc là NATO ở Phương Đông”. Vì đồng minh với nhau, nên HK cùng với Nhật Bản vả các nước Tây Âu tận tình giúp Đặng Tiểu Bình thực hiện “Bốn hiện đại hóa Trung Quốc”. Và ngày nay TQ có nền kinh tế lớn hơn Nhật, chỉ đứng sau HK.

Trong khi đó nhân dân VN hiện đang gánh chịu thảm trạng nặng nề của cuộc chiến kéo dài gần nửa thế kỷ (1946-1989) do Đảng CSVN gây ra. Nay VN đang bắt tay hợp tác với HK và có triển vọng trở thành đồng minh của Mỹ và sẽ phát triển mạnh như TQ trước đây. Theo tin Reuters ngày 15/5/2016, khi được hỏi về khả năng Mỹ dỡ lệnh cấm vận vũ khí với VN, ông Lục Khảng, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao TQ nói rằng: "Từ quan điểm của chính phủ Trung Quốc, chúng tôi vui mừng khi thấy Việt Nam xây dựng quan hệ bình thường với những nước liên quan. Chúng tôi cũng hy vọng quan hệ này có thể giúp ích cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng khu vực",

Vấn nạn lớn nhất của CSVN hiện nay là vấn đề tranh chấp giữa VN và TQ về chủ quyển hai đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Sự tranh chấp có khả năng dẫn đến xung đột, có nguy cơ TQ sẽ mở một cuộc tấn công VN lần thứ hai. Lần trước để cho Mỹ thấy quyết tâm chống bá quyền của TQ. Lúc bấy giờ, đại bá Liên Xô (Brezhnev) vừa ký kết hiệp ước hữu nghị hợp tác toàn diện với tiểu bá VN (Lê Duẩn) Ngay sau đó, tiểu bá VN đưa quân sang Cam Bốt lật đổ chế độ Pol Pot được TQ hậu thuẫn. Còn lần này để chứng tỏ cho Mỹ thấy Trung Quốc đã bỏ rơi CSVN.

Bốn mươi mốt năm trước (1975) HK đã bỏ rơi Việt Nam Cộng Hòa, để nước VN độc lập, thống nhất và trung lập, dưới ảnh hưởng của TQ, lãnh tụ tinh thần của Thế giới thứ ba. Kế hoạch này bất thành vì TBT Lê Duẩn quyết định đưa VN vào quỹ đạo Liên Xô, chống cả TQ lẫn HK. Ngày nay, vì lợi ích của mình, TQ sẽ bỏ rơi CSVN để VN hợp tác với Mỹ “giúp ích cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực” như phát ngôn viên Bộ Ngoại giao đã tuyên bố: đó là quan điểm của Trung Quốc. Đó là thái độ thực dụng xưa nay của Bắc Kinh: xử dụng CSVN để phục vụ cho mối bang giao với HK để mang lại lợi ích lớn nhất cho TQ. Bỏ rơi CSVN, Bắc Kinh còn tranh thủ nhân dân VN hiện đang thù ghét TQ cao độ.

Qua trình bày trên cho thấy ván cờ VN đã tàn. Nếu lãnh đạo CSVN không thức tỉnh, cứ bám chặt quyền lực, chiến tranh sẽ xảy ra để kết thúc chế độ. Nhờ chiến tranh, CSVN mới giành và nắm được quyền lực. Và cũng chiến tranh sẽ kết thúc quyền lực khi người dân đã hiểu rõ thực chất của ba cuộc chiến mà CS luôn tự hào để bành trướng hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới. Liên Xô và CS Đông Âu đã sụp đổ từ lâu, còn VN đang gặp biết bao thảm nạn vì di sản của cuộc chiến.

Hơn 5 thế kỷ trước, cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) đã viết ra những lời tiên tri để con cháu đời sau chiêm nghiệm, chỉ vì sự tồn vong đất nước. Những lời của nhà tiên tri thiên tài của dân tộc có lẽ sẽ ứng nghiệm vào thời điểm hiện nay. Nếu giới lãnh đạo không thức thời, đất nước có nguy cơ gánh chịu một cuộc chiến tranh tàn khốc. Trong 487 câu trong Sấm Trạng Trình bàn bạc những thảm họa của chiến tranh từ phương Bắc (Bắc binh, Tần quốc) ở biển Đông, ở đất liền. Cụ đề cập đến chữ U, đó có phải là bản đồ hình chữ U trong tham vọng bành trướng của TQ ở biển Đông.

Đây là những câu trong Sấm Truyền của cụ: “Cờ tàn lại muốn con đường kéo xe. Năm châu nổi sóng một khi. Chuồng bay khói tỏa tử thi như bèo. Bập bồng Tần quốc bập bồng. Là nơi chiến địa huyết hồng tràn lan. Đại bàng xuống phá đài lầu. Ngạc ngư phóng tặc, tàu thuyền tan hoang. Bể thanh cá phải ẩn cây. Đất bằng nổi sấm cát bay mịt mù. Nào ai đã dễ nhìn U. Thủy binh bộ chiến mặc dù đòi cơn. Kẻ ngàn Đông hải người rừng Bắc lâm. Chiến trường chốn chốn cát lầm. Kẻ nằm đầy đất kẻ trầm đầy sông. Thủy binh cờ phất vầng hồng. Bộ binh tấp nập như ong kéo hàng. Đứng hiên ngang đố ai biết trước. Ấy Bắc binh sang việc gì chăng”.

Chiến tranh một khi xảy ra sẽ diễn ra ở hai mặt trận: thủy binh ở Đông hải tấn công vào và bộ binh từ rừng núi phía Bắc kéo xuống “tấp nập như ong kéo hàng”. Đất nước trở thành chiến địa “huyết hồng tràn lan”. Tiếp đó là “Đại bàng” có phải là phi cơ hạng nặng oanh tạc các thành phồ “xuống phá đài lầu”. Còn “Ngạc ngư phóng tặc” có phải là tàu ngầm, tàu chiến phóng ngư lôi? Làm cho tàu thuyền tan hoang. “Chuồng bay khói tỏa” có phải là máy bay đông như chuồng chuồng bay lượn tỏa khói mịt mù. Hậu quả là trên mặt biển, tử thi nổi lên như bèo, nghĩa là vô số người chết. TQ động binh tấn công như vậy mà người người vẫn “hiên ngang” không một ai biết trước, không một ai biết được Bắc binh kéo sang vì việc gì?

Đất nước mình như vậy, có buồn không em? Nhưng anh tin rằng những câu sấm trên sẽ không trở thành sự thật, chỉ để cảnh tỉnh những người cuồng tín mê muội. Cả chục triệu người đã chết vì ba cuộc chiến không cần thiết, nay ván cờ đã tàn lại chết vì chiến tranh một lần nữa hay sao? Hồn thiêng sông núi luôn độ trì dân tộc. Đó là những anh hùng liệt nữ đã chết vì quốc gia dân tộc trong cuộc chiến vừa qua. Câu cuối cùng của Sấm Trạng Trình đã nói rõ: “Đông Tây vô sự, nam thành quốc gia”.

Nhớ lại năm 2015, TBT Nguyễn Phú Trọng là lãnh tụ tối cao Đảng CSVN đến Mỹ hội đàm với TT Obama, mở đầu giai đoạn hợp tác sau khi hai nước đã chấm dứt thù địch (1975) và bình thường hóa bang giao (1995). Để thực hiện việc “Phát triển quan hệ với HK là chủ trương nhất quán lâu dài của VN” mà ông đã tuyên bố tại Phòng Bầu dục Tòa Bạch Ốc ngày 7/7/2015… Trong Đại hội XII Đảng CSVN, ông Trọng cho rằng “Tổng bí thư phải là người có lý luận và phải là người miền Bắc”. Nguyễn Tấn Dũng rút lui, ông được bầu tiếp tục giữ chức Tổng bí thư với đa số tuyệt đối 100% ông có toàn quyền quyết định trong giai đoạn VN hợp tác với HK.

Ông là Tiến sĩ Chính trị học, ngành xây dựng đảng, dĩ nhiên ông là nhà lý luận về chủ nghĩa Mác-Lê. Nhưng chủ nghĩa đó đã cáo chung ngay tại đất nước sản sinh ra nó từ 25 năm trước. Trung Quốc cũng đã phê phán giáo điều Mác Lê không còn phù họp với yêu cầu phát triển kinh tế và xã hội của TQ ngày nay. Nhật báo Bắc Kinh ngày 7/4/1985 đã viết: “Marx chết cách đây 101 năm, tác phẩm của ông viết ra một thế kỷ trước. Có nhiều điều mà Marx, Engels và ngay cả Lenin cũng chưa từng có kinh nghiệm. Chúng ta không thể trông cậy vào tác phẩm của Marx và Lenin của thời trước để giải quyết các vấn đề của thời này”.

Milovan Djilas (1911-1995) lãnh tụ cao cấp Đảng CS Nam Tư và là Phó tổng thống Liên bang Nam Tư dưới thời Joseph Tito đã có một nhận xét tinh tế: “Hai mươi tuổi không theo cộng sản là không có trái tim. Bốn mươi tuổi mà không từ bỏ cộng sản là không có khối óc”. Lớn tuổi hơn nữa mà vẫn còn tin cộng sản thì trở thành cuồng tín không còn lương tri nữa. Năm 20 tuổi, HCM đã xuất ngoại tìm đường cứu nước và gia nhập cộng sản. Năm 40 tuổi, ông đã chứng kiến những hành động sắt máu của Stalin ở Liên Xô trong thập niên 1920… Nhưng ông vẫn không từ bỏ cộng sản mà còn học hỏi để mang về ứng dụng ở VN.

Năm 1945, 25 năm sau khi Quốc tế III ra đời, tình hình thế giới đã thay đổi lớn, nhưng HCM vẫn tin vào chủ nghĩa Mác Lê, tạo ra cuộc chiến thảm khốc từ 1945 đến 1954. Sau đó thế giới hòa hoãn, VN không xây dựng phát triển đất nước, mà phát động chiến tranh lần thứ hai kéo dài đến 1975. Thế giới lại hòa hoãn, đất nước đã thống nhất, nhưng CSVN vẫn tiếp tục con đường cũ tạo ra cuộc chiến lần thứ ba. Liên Xô sụp đổ lại quay về với Trung Cộng và ngày nay VN đang ở vào thế bế tắc. Rất mong ông Tổng Bí thư, một nhà lý luận sắc bén, nhìn lại quá khứ, rút kinh nghiệm về chủ nghĩa CS, để định hướng tương lai dân tộc.

Tổng Bí thư phải là người miền Bắc. Ông có học vị tiến sĩ, đúng là sĩ phu Bắc Hà, đứng ra lãnh đạo đất nước trong giai đoạn lịch sử này, hoàn toàn khác xa với những người tiền nhiệm ít học và cuồng tín. Nói đến sĩ phu Bắc Hà, người đời nhớ đến hai câu đối nổi tiếng của hai danh sĩ Đặng Trần Thường và Ngô Thời Nhậm. Hai câu đối chọi nhau, nhưng đều là những phương châm để người đời sau học hỏi và xử sự.

Câu thứ nhất của Đặng Trần Thường một bầy tôi của vua Gia Long khi thống nhất sơn hà năm 1802: “Ai công hầu, ai khanh tướng. Trong trần ai, ai dễ biết ai”. Không phải hể là công hầu khanh tướng là giống nhau. Danh xưng như nhau, nhưng tư cách khác nhau. Thế gian phân biệt rõ có thứ lưu danh thiên cổ, có thứ lưu xú vạn niên. Trần Bình Trọng không thể nào giống Trần Ích Tắc. Trần Quang Diệu với Võ Tánh và Ngô Tùng Châu đều là công hầu khanh tướng của hai bên đối nghịch Nguyễn Huệ và Nguyễn Ánh, nhưng đều được người đời kính phục như nhau. Khi thành Qui Nhơn bị quân Tây Sơn vây hãm ngặt nghèo, Võ Tánh và Ngô Tùng Châu -một võ tướng, một văn quan đều tự sát. Trước khi chết, hai ông viết thơ cho tướng Trần Quang Diệu xin khoan hồng đối với những người bại trận. Trần Quang Diệu tha tất cả và còn chôn cất trọng thể hai đối thủ quá đỗi anh hùng.

Câu thứ hai của Ngô Thời Nhậm kẻ tôi thần của vua Quang Trung đối lại “Thế chiến quốc, thế xuân thu. Gặp thời thế, thế thời phải thế”. Đời nhà Trần, cùng thời thế như nhau, nhưng Trần Ích Tắc và Trần Bình Trọng lại hành xử khác nhau. Một bên hùa theo giặc, một bên chống lại giặc. Cả hai đều là công hầu khanh tướng, nhưng một người bị thế gian nguyền rủa, một bên được người đời kính phục tôn thờ.

Những ngày này, đồng bào xuống đường biểu tình đòi làm sạch môi trường nước để cứu cá, kết hợp với việc đòi TQ trả lại biển cho VN, đòi nhà nước trả lại quyển làm người cho dân. Hành động của đồng bào trùng hợp với chuyến viếng thăm của TT Obama. Có thể nói đây là cơ may to lớn của TBT Nguyễn Phú Trọng. Ông sẽ đồng tình với đồng bào, nhưng mạnh mẽ hơn là làm sạch môi trường chính trị để cứu dân cứu nước. Ông đã gặp thời. Thời thế này giúp ông hành động theo xu thế phát triển chung của thời đại, phù hợp với mối quan hệ giữa TQ với HK. Ông sẽ trở thành cứu tinh của dân tộc.

Cuối cùng, người viết xin nói lên lòng ngưỡng mộ đối với hai đồng nghiệp thuộc thế hệ sau nặng tình yêu nước. Bài thơ của cô giáo Lam là tiếng gọi của hồn thiêng sông núi, của lương tri. Biểu ngữ của cô giáo Thảo nói lên thảm trạng của đất nước, khát vọng của đồng bào. Từ xúc động đó, người viết mượn lời tâm tình với hai đồng nghiệp để chuyển gởi những lời tâm huyết lên TBT Đảng CSVN với kỳ vọng vị sĩ phu đất Bắc, một lý luận gia sắc bén của thời đại sẽ đưa dân tộc đến bến bờ vinh quang. 


No comments

Có Thể Bạn Chưa Xem

Tin Nóng

Powered by Blogger.