Vuột ông Trịnh Xuân Thanh: Thách thức chồng chất ông Nguyễn Phú Trọng

Phạm Chí Dũng


Không ai có thể chắc chắn về “nhất thể hóa,” chiến dịch khổng lồ “thay máu nhân sự” của Tổng Bí Thư Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng, sẽ đạt được kết quả khả quan nào. Và cũng chẳng ai dám đoan chắc vị thế chính trị của ông tại đại hội giữa nhiệm kỳ vào năm 2018 sẽ ra sao.

“Mở đường cho người ta tiến…”

Quyết tâm “bắt bằng được Trịnh Xuân Thanh” của ông Trọng vừa được tôn tạo do một phát biểu “lạ” của chính ông: “Đối với Trịnh Xuân Thanh đã khai trừ đảng và khởi tố, truy nã toàn quốc, quốc tế. Chúng ta làm đồng bộ nhưng phải có bước đi, có tình, có lý, mở đường cho người ta tiến, cốt là đánh động để răn đe, ngăn ngừa.”

Phát ngôn trên xuất hiện trong ngữ cảnh ông tiếp xúc với cử tri Hà Nội hôm 23 Tháng Sáu vừa qua.

Chi tiết đáng chú ý là kể từ ngày phát lệnh “việc cần làm ngay” vào Tháng Sáu, 2016, chưa bao giờ ông Trọng lại thể hiện tâm thế “mở đường cho người ta tiến, cốt là đánh động để răn đe, ngăn ngừa” – một cách nói rất dễ khiến dư luận hiểu rằng ông đã mệt mỏi và chấp nhận thất bại trong chiến dịch “tìm và diệt” ông Thanh.

Vào đầu quý tư năm ngoái, ông còn rất mạnh mẽ trên mặt báo chí về “lưới trời lồng lộng, tuy thưa nhưng khó thoát.” Nhưng đến cuối năm 2016, trong một cuộc tiếp xúc với cử tri tại Đông Anh, Hà Nội, ông Trọng như than thở về vụ Trịnh Xuân Thanh: “Bây giờ chúng ta đã phát lệnh truy nã ra cả quốc tế, phối hợp với các cơ quan của các nước và tinh thần là bắt bằng được, không trốn được đâu. Chúng ta làm theo luật pháp quốc tế nhưng phải có thời gian.” Dù tinh thần “bắt bằng được,” “không trốn được đâu” vẫn được ông kiên định lặp đi lặp lại, nhưng lần đó ông còn thòng thêm một đoạn “nhưng phải có thời gian.”

Đến Tháng Ba, bất chợt rộ lên tin ông Thanh sắp bị dẫn độ về Việt Nam.

Khỏi phải nói, ai cũng hiểu rằng nếu ông Thanh bị cảnh sát một nước nào đó bắt giữ và áp dụng dẫn độ về Việt Nam, thì ông Trọng sẽ hởi lòng hởi dạ đến thế nào để hoàn thiện vế sau lời cảnh cáo “không trốn được đâu…” của ông trước đây.

Vụ việc “hồi hương” này – có tầm vóc không những không thua kém mà còn hơn cả vụ “tau khỏe mà, có chi mô” của ông Nguyễn Bá Thanh cuối năm 2014 và vụ “tướng chữa bệnh Phùng Quang Thanh” giữa năm 2015 – hẳn sẽ tạo nên một cơn địa chấn chính trị ở Việt Nam và khiến nhiều người phải mất ăn mất ngủ và mất mật.

Thậm chí bàn cờ chính trị quốc gia, mà phần thắng chưa biết thuộc về ai, có thể bị đảo lộn vì sự hiện diện thình lình của ông Thanh ở Việt Nam…

Những kẻ tàng hình đã ra đi

Thời gian là nhân chứng rõ ràng nhất: Gần tròn một năm từ lúc ông Nguyễn Phú Trọng quyết tâm ra lệnh cho các cơ quan chức năng “xử” ông Trịnh Xuân Thanh, nhân vật đã quyết tâm từ bỏ đảng để trở thành “nhà đấu tranh dân chủ” vẫn bóng chim tăm cá ở một nơi xa xôi nào đó. Thậm chí cả động tác “Bộ Công An phối hợp chặt chẽ với Interpol quốc tế để truy nã Trịnh Xuân Thanh” cũng chưa có bất kỳ hứa hẹn nào sẽ phát huy tác dụng. Mọi thứ cứ như thể bị cố trì kéo và sẽ dần nhạt nhòa theo thời gian.

Mặc dù lệnh truy nã quốc tế đối với ông Thanh có “thâm niên” gần bằng thời gian tính từ lúc Tổng Bí Thư Trọng quyết định tham gia vào thường vụ đảng ủy công an trung ương để chỉ đạo cụ thể, cho tới nay hầu hết phát ngôn của giới quan chức có trách nhiệm, đặc biệt trong ngành công an, vẫn không lóe ra được tia sáng nào cho triển vọng đưa ông Thanh về “đoàn tụ ở quê hương.”

Vào quý tư năm 2016, thậm chí một nhân vật gạo cội của Bộ Công An là Thứ Trưởng Lê Quý Vương còn gián tiếp xác nhận khả năng ông Thanh vẫn ung dung tự tại khi trả lời báo chí “Có lẽ Trịnh Xuân Thanh cũng đang theo dõi qua mạng (về kỳ họp Quốc Hội).”

Từ đó đến nay, không chỉ ông Thanh bặt tăm mà ông Vương cũng chẳng thấy phát ngôn gì thêm.

Động tác mới đây của Bộ Công An truy nã toàn quốc ông Vũ Đình Duy, cựu tổng giám đốc công ty cổ phần Hóa Dầu Và Xơ Sợi Dầu Khí (PVTEX), thậm chí còn cho phép bất cứ ai cũng có thể bắt ông Duy, có lẽ cũng chẳng nói lên được gì nhiều. Báo điện tử Zing đưa tin rằng, theo nguồn tin riêng của báo này, vào ngày 22 Tháng Mười, 2016, ông Duy đã xuất cảnh qua cửa khẩu Nội Bài, Hà Nội.

Cho tới nay, không có bất kỳ dấu hiệu gì cho thấy ông Duy đang ở Việt Nam để ai cũng có thể bắt và giao nộp cho công an.

Chưa kể một nhân vật khác của Tập Đoàn Dầu Khí Việt Nam (PVN) – Lê Chung Dũng – cũng như thể tàng hình trước mũi công an.

Cứ như một trò ú tim, thi thoảng không khí rộ lên đôi chút nhưng rồi sau đó mọi chuyện lại lắng vào thinh không.

Tinh thần quyết tâm của tổng bí thư cũng bởi thế lắng dần theo ngày tháng.

Những kẻ tàng hình còn ở lại

Dù chưa chính thức thừa nhận thất bại, nhưng cái cách mà ông Trọng trần tình về ông Thanh “mở đường cho người ta tiến, cốt là đánh động để răn đe, ngăn ngừa” đang phản ảnh tâm thế quá đỗi thất vọng và ngổn ngang của ông.

Nhiều khả năng là trong quá trình “xác minh làm rõ” vụ Trịnh Xuân Thanh, những người bên đảng đã đụng phải một “bức tường” ghê gớm. Tức một thế lực chính trị rất lớn, liên quan sâu đến nội bộ và cả bên đảng.

Và đến đó thì ngừng. Rút dây động rừng…

Một nguy cơ rất lớn đặt ra hiện thời là một khi đã để vuột Trịnh Xuân Thanh, chiến dịch “chống tham nhũng” của Tổng Bí Thư Trọng rất có thể sẽ thất bại. Dù chỉ là một quan chức nhỏ, nhưng ông Thanh lại được cho là liên quan đến nhiều quan chức cao, thậm chí nằm trong cả một đường dây quyền lực. Nếu chấp nhận để vuột Trịnh Xuân Thanh, ông Trọng sẽ đồng thời phải thừa nhận ngay bên cạnh cái ghế tổng bí thư của ông là một thế lực tàng hình đang ngạo mạn cười đắc thắng…

Để có thể dẫn tới ngay cả chủ trương “kiểm tra tài sản 1,000 quan chức” mà ông Trọng khởi xướng sẽ gặp vô vàn khó khăn.

Cách nói của ông Trọng như thể vớt vát thể diện trước vụ Trịnh Xuân Thanh cũng có thể khiến dư luận chợt nhận ra rằng quyền lực của tổng bí thư lại một lần nữa có dấu hiệu suy giảm, tương tự vào thời gian quý tư năm 2016.

Sau thắng lợi lớn hạ được “thành trì” Đinh La Thăng tại Hội Nghị Trung Ương 5 vào Tháng Năm, 2017, hiện tượng đáng mổ xẻ là ông Trọng vẫn chưa “hình sự hóa” được bất kỳ đối tượng nào mà ông nhắm đến, kể cả trường hợp ông Vũ Huy Hoàng, cựu bộ trưởng Công Thương. Tương quan đối chọi trong chính trường Việt Nam cũng bởi thế lại một lần nữa rơi vào thế giằng co, bất định.

Người Việt

No comments

Có Thể Bạn Chưa Xem

Tin Nóng

Powered by Blogger.