Lỗ hổng về nghị định quản lý vàng dẫn đến “đánh bạc” ở tầm quốc gia

Tô Văn Trường

Có nhiều ý kiến khác nhau về nội dung sửa Nghị định của Chính phủ cho phép các công ty nhà nước được thành lập để kinh doanh trên thị trường là chứng chỉ vàng. Điều đó cũng dễ hiểu vì tùy theo nhận thức và góc nhìn của mỗi người.

Những người am hiểu thấu đáo về bài toán kinh tế, đều nắm lòng nguyên lý quản trị quốc gia “Nhà nước không kinh doanh” (Hiểu theo nghĩa lấy lợi nhuận là mục tiêu tối thượng). Doanh nghiệp nhà nước chỉ làm ba nhóm việc:

Thứ nhất là làm những lĩnh vực cụ thể nào đó rất cần cho sự phát triển của đất nước, nhưng doanh nghiệp tư nhân không muốn làm hoặc không thể làm.

Thứ hai, ai cũng biết, áp dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất kinh doanh là vô cùng cần thiết đối với đất nước, nhưng là lĩnh vực đầy rủi ro. Doanh nghiệp nhà nước phải đứng ra làm và làm càng sớm, càng tốt để từ đó lan tỏa cho cả nền kinh tế quốc dân.

Thứ ba, doanh nghiệp nhà nước phải làm trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh.

Với quan điểm như trên, con đường phát triển bền vững của đất nước là phải làm mọi thứ để doanh nghiệp tư nhân tự do phát triển sáng tạo và phải phân tích làm rõ quan điểm sai trái: “Tập đoàn kinh tế nhà nước kinh doanh đa ngành, trong đó có ngành chính”. Mới đây, việc chính quyền bắt ông Đinh La Thăng càng minh chứng rõ hơn về quan điểm sai lầm cho tập đoàn kinh tế nhà nước kinh doanh đa ngành.

Chuyên gia Vũ Quang Việt vừa mới cảnh báo về các bất cập của dự thảo sửa Nghị định nhà nước huy động vàng từ tổ chức, cá nhân, kinh doanh vàng trên tài khoản. Với nghị định mới này các công ty nhà nước có thể ra đời để kinh doanh “đánh bạc” trên thị trường là chứng chỉ vàng.

Giá vàng trên thị trường rất rủi ro, hoàn toàn nằm trong tay giới đầu cơ. Bởi thế, nếu mượn tiền dân bằng cách đưa chứng chỉ vàng, sau đó dân đòi lại mà giá vàng ở mức cao thì lấy đâu ra mà trả?

Dù là để cho ngân hàng nhà nước hay công ty quốc doanh làm thì rủi ro cũng cực kỳ lớn. Tại sao nhà nước lại ham độc quyền về chuyện này làm gì.? Ở nước ta, trình độ quản trị thấp thì không nên mở cửa cho “đánh bạc” ở mức quốc gia như thế. Và nếu cho làm, thì để tư nhân làm, lời ăn lỗ chịu, không nên lập công ty quốc doanh làm chuyện này. Bài học đắt giá trước đây, nhiều ngân hàng đã gần như phá sản vì nhận ký gửi bằng vàng.

Theo tôi hiểu vàng là hàng hóa, lại là loại hàng hóa đặc biệt, không phải chỉ vì nó là ngoại tệ có giá và vật cất trữ không giảm chất lượng, mà còn vì nó là hàng hóa thông dụng nhất, muốn bán lúc nào cũng được, không chỉ trong phạm vi quốc gia mà cả quốc tế. Khách hàng của nó không phân biệt hạng người, nghề nghiệp. Hễ ai có yêu cầu là họ mua, thậm chí không có yêu cầu mà ai bán rẻ cũng mua hoặc “mua dùm”. Người có vàng, bất cứ lúc nào cũng là vật phòng thân tốt nhất, hơn cả đô-la.

Bản chất của vàng và đô la tăng giá là do nền sản xuất và nền tài chính quốc gia mất cân đối từ vĩ mô đến vi mô mới trầm trọng. Còn mất cân đối nhất thời thì là lẽ thường tình, nước nào mà chả có. Từ khi ta đổi mới đến nay, vàng và đô la luôn tăng giá, lúc tiệm tiến, lúc ào ạt, nhưng kìm được trong khung trượt giá của rổ hàng hóa nói chung nên đất nước không khủng hoảng (cả kinh tế + chính trị). Vì sản xuất không lời thì chỉ có mua vàng là bảo toàn vốn. Xúm nhau mua vàng thì vàng lên giá, phải nhập (cho dù nhập lậu) thì giá đô la sẽ lên. Trên thế giới vì dân cho rằng lạm phát sẽ là vấn đề nên họ đẩy tiền mua vàng khiến giá vàng nhảy vọt. Ở Việt Nam lại thêm nạn lạm phát càng khiến dân chạy đuổi mua vàng là bảo toàn vốn.

Ngân hàng nhà nước trong thời gian dài cho phép ngân hàng thương mại nhận ký gửi vàng, giống như đô la, với lãi suất thấp, và trả lại bằng vàng. Đây là chính sách sai lầm vì nó khuyến khích dùng vàng thay tiền. Vì lãi suất ký gửi vàng thấp so với lãi suất tiền đồng, các ngân hàng bán vàng đổi ra tiền để cho vay với lãi suất cao. Trong thời gian vàng lên giá thì đây là nguồn tài chính cho vay lãi rất hời của ngân hàng thương mại, họ làm giầu rất ngon lành. Khi lãi suất tăng thì nợ xấu cũng tăng và các ngân hàng mất khả năng chi trả, nhất là chi trả vàng ký gửi.

Nhà nước đang nợ như “chúa chổm”, rất vất vả để tìm nguồn trả nợ nên hy vọng thu được vàng từ dân. Nếu vàng này rơi vào tay nhà nước để “đánh bạc” thì tương lai dân nghèo dành dụm bằng vàng có khả năng mất sạch, nếu nhà nước cho rằng họ có trách nhiệm về đảm bảo nợ của doanh nghiệp nhà nước.

Không nên chạy đua thành tích tăng GDP bằng được. Nhiệm vụ chính của ngân hàng nhà nước là bảo vệ giá trị tiền đồng và tiền đồng phải là phương tiện thanh toán duy nhất trong một nền kinh tế nếu như nhà nước muốn giữ chủ quyền về kinh tế.

Thời gian vừa qua, Việt Nam chưa có vấn đề lớn về cán cân thanh toán vì tiền của Việt kiều, của người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài và FDI vẫn đổ về trong nước. USD lên giá vì ngân hàng nhà nước phải mua vào để trả nợ. Giá USD (giá danh nghĩa) có tăng lên khoảng 3,8% trong hai 2 năm, so cuối năm 2017 với 2015, 22.717 đồng/USD so với 21.890 đồng/USD như thế là thấp hơn với lạm phát trong 2 năm là 7%. Do đó, đồng VN thực chất là đang lên giá so với đồng đô la Mỹ và làm hàng VN mất tính cạnh tranh.

VN đang cố gắng gom đô la và vàng vì:

1. Lo sợ mất khả năng trả nợ;

2. Có tiền để nhà nước chi tiêu, nên tìm cách gom vàng.

Không nên thu hút vàng bằng cách lập doanh nghiệp nhà nước mua bán chứng chỉ vàng (thực chất là mua và trả bằng giấy nợ có giá trị bằng vàng). Những người am hiểu về bài toán kinh tế, thấy âu lo vì đây cũng là cách tăng GDP nhưng có nhiều rủi ro, không bền vững, nhất là trong tình hình thu không đủ chi, nợ công cao, chi phí vận hành bộ máy cồng kềnh qúa sức v.v. Mua vàng kiểu này thực chất là vay vàng và hứa trả vàng. Nếu vàng nằm im thì chẳng ai điên mà làm như vậy, nhưng họ định vay vàng, bán vàng lấy tiền chi tiêu, hy vọng là sẽ có tiền mua lại vàng để trả khi người ta đòi. Điều này là hão huyền và đầy rủi ro.

Ngày nay, niềm tin vào “uy tín” như xưa không còn, hệ thống tài chính, ngân hàng không minh bạch nên yếu kém, dân & nhà đầu tư mất lòng tin vào VND, đành phải tìm đến vàng/USD để giữ “túi” của mình. Người dân “thế thủ”, cất trữ là chính. Chính sách nới ra một tý, hay nhà đầu tư khát vốn, thì họ “lướt sóng” kiếm chút lãi rồi lại thu về cho chắc ăn. Các doanh nghiệp nhà nước thì liên thông với tài chính/ngân hàng để khai thác quyền lực của các ngành này lấy vốn, hoãn nợ, giảm lãi suất để bù lỗ hoặc tránh phá sản. Nhiều đơn vị thành công vì hết nhiệm kỳ là xong. Lẽ ra, nhà cầm quyền đứng giữa các nhóm lợi ích phải có chiến lược dài hạn, có thái độ nhất quán điều chỉnh các mối quan hệ thì chỉ chăm chăm bảo vệ doanh nghiệp nhà nước èo ọt, nhưng cùng nhóm mình, thả nổi cho người dân bơi trong dòng vàng trôi nổi. Quốc hội và người dân kêu quá thì ngân hàng thay đổi vải qui định để “chữa cháy”, nên không thể nào ổn định được, thị trường vàng vẫn nằm trong tay các giới có máu mặt.

Sẽ không quá đáng, nếu nói rằng với cách điều hành quản lý vàng như hiện nay thì sẽ chỉ làm dễ cho những kẻ “đục nước, béo cò” và gây khó cho hàng triệu người dân đang muốn yên ổn làm ăn. Có vẻ như chính sách vàng như vậy đã thất bại, chỉ có nhóm lợi ích là thắng lợi mà thôi! Vì vậy, để dân không mất quá nhiều, nguy cơ mất sạch, Đảng cần sửa những vấn đề cốt lõi, nghĩa là sửa đường lối, chứ sửa vụn vặt như đang làm thì chẳng bao giờ thành công, chỉ đẩy đất nước vào con đường bất an và tụt hậu.

T.V.T.

Tác giả gửi BVN.

No comments

Có Thể Bạn Chưa Xem

Tin Nóng

Powered by Blogger.