Đôi lời với cựu chiến binh về thành quả cách mạng
Nguyễn Đình Cống
Vừa qua, tại Đại hội VI của Hội Cựu chiến binh (CCB), ông Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh về nhiệm vụ bảo vệ thành quả cách mạng ( TQCM). Hiện nay, hiểu về TQCM có nhiều cách khác nhau. Vậy thế nào là đúng?
Tôi có dịp chuyện trò với các CCB địa phương và đem chuyện này ra trao đổi. Nhận được ý kiến như sau: TQCM là những thứ mà nhân dân ta có được như bây giờ, mà quan trọng nhất là chính quyền (CQ). Làm CM là để giành CQ. Kháng chiến 9 năm là để giải phóng đất đai và lập CQ. Chiến tranh Bắc - Nam 20 năm cũng là để lập CQ thống nhất trên cả nước. Vậy bảo vệ TQCM chủ yếu là bảo vệ CQ.
Tôi đã trao đổi các ý kiến như sau: Điều các anh nói giống với những gì chúng ta đã nghe, đã học, nhưng CQ được nói ở đây phải thật sự là của dân, do dân, vì dân, phải thật sự công minh, liêm khiết, thật sự dân chủ chứ không phải CQ như hiện nay. CQ hiện nay, ngoài mồm vẫn to tiếng tuyên bố đề cao dân chủ, vững mạnh nhưng thực tế đa số phạm tham nhũng, cửa quyền, nặng nề mà bất lực, thiếu công minh… Muốn biết mức độ tốt xấu thì phải đem so sánh với CQ các nước tiên tiến mới rõ được. Vậy CQ như thế có phải là TQCM? Cha anh và chúng ta phấn đâu, hi sinh để làm CM, phải chăng để tạo ra một CQ như vậy?
Ngay cả khi có một CQ tốt đẹp thì đó cũng mới chỉ là một trong những nhiệm vụ trung gian chứ chưa phải thành quả cuối cùng của CM. Phải suy nghĩ tiếp: CQ tốt để làm gì? Để bảo vệ độc lập của đất nước, để lo cho tự do và hạnh phúc của nhân dân, để chống lại áp bức, bất công và mọi cái ác trên đời. TQCM chính là độc lập, tự do, hạnh phúc. Đó là mục tiêu mà lãnh tụ Hồ Chí Minh đề ra từ đầu. Tuy vậy Người nói: Nước độc lập mà dân không được tự do và hạnh phúc thì độc lập ấy chẳng để làm gì". Vậy CQ chỉ là phương tiện chứ không phải mục đích hoặc thành quả cuối cùng của CM. Phải cùng khẳng định: TQCM là tự do và hạnh phúc của nhân dân.
Hãy nhìn kĩ vào CQ hiện tại. Nó cồng kềnh, kém hiệu lực, là nơi phát sinh và dung dưỡng tham nhũng, cửa quyền, nơi tạo ra áp bức và oan sai, nơi các nhóm lợi ích thao túng và lo làm giàu cho gia đình, phe nhóm. Tôi không dám nói toàn bộ CQ là như thế nhưng đại đa số là như thế. CQ ấy không thể mang lại tự do và hạnh phúc cho nhân dân. Người CCB đáng kính, trung tướng Trần Độ viết: "Những mong xóa ác ở trên đời - Ta phó thân ta với đất trời - Tưởng ác xóa rồi thay cực thiện - Không ngờ cái ác lại luân hồi". Cái ác luân hồi mà ông nói tới chính là do CQ mới gây ra.
Chúng ta nghe giải thích rằng sự hư hỏng, tệ nạn của CQ là do một số cán bộ thoái hóa, biến chất tạo nên. Nhận xét này mới nghe qua thì thấy đúng nhưng thực ra nó chỉ mới chạm đến ngọn mà chưa đụng đến gốc. Hỏi tiếp. Một số là số nào, ở đâu ra? Đó là số rất đông, rất phổ biến, từ trong các cơ quan Đảng và CQ. Chúng do chế độ độc tài toàn trị sinh ra, nuôi dưỡng. Tới khi chúng lớn mạnh, kéo bè kết cánh, gây bao tai họa thì mọi người mới giật mình.
Như vậy rõ ràng TQCM đã không được bảo vệ mà đã bị tước đoạt. Ai tước đoạt? Những kẻ có quyền lực trong các nhóm lợi ích, những kẻ cơ hội. Chúng đã bằng một số thủ đoạn nịnh hót, mua chuộc, lừa bịp để chui sâu, leo cao. Các CCB hãy tìm hiểu kĩ khi anh chị em lăn lộn trên chiến trường thì chúng làm gì và hiện chúng làm gì để rồi kêu gọi anh chị em bảo vệ chúng.
Hiện có một số tổ chức xã hội dân sự và một số cá nhân bất đồng với một vài đường lối của đảng cầm quyền, đề ra các yêu cầu cải cách. Lãnh đạo đảng gọi họ là bọn tự diễn biến, tự chuyển hóa. Phải chăng như thế là họ phản lại TQCM? Không, họ không phản lại quyền tự do và hạnh phúc của toàn dân mà đang đấu tranh cho nó, nghĩa là đang bảo vệ TQCM, chống lại những cái ác mới nảy sinh. Lãnh đạo đảng cố ý ghép họ với bọn thoái hóa, biến chất. Đó là sự gán ghép quá sai lầm, mọi người hãy sáng suốt và thận trọng phân biệt. Những người tự chuyển biến và bọn thoái hóa biến chất, tham nhũng là hai loại hoàn toàn khác nhau về bản chất.
Tôi kể chuyện cho các bạn CCB ở quê về vụ việc xảy ra ở Thái Bình năm 1997, khi hàng vạn nhân dân biểu tình bao vây trụ sở CQ huyện Quỳnh Phụ để đòi công bằng. Tất cả đều không biết, tưởng tôi bịa. Tôi hỏi nếu đó là sự thật và xảy ra ở quê ta, CCB được giao súng đạn thì anh chị em có dám bắn vào dân để bảo vệ một CQ chống lại dân không?
Lại có ý kiến rằng CQ nhiều nơi đã hư hỏng nhưng chế độ thì vô cùng tốt đẹp. Phải bảo vệ chế độ vì đã bao người hi sinh xương máu để tạo lập nên. Đúng là nhân dân ta đã tốn nhiều xương máu nhưng phải nghĩ cho kĩ sự hy sinh đó để làm gì? Để giành độc lập, thống nhất, đánh đuổi ngoại xâm hay là để xây dựng chế độ? Chính các CCB là người trả lời đúng đắn nhất. Khi anh chị em chiến đấu quên mình, có nghĩ rằng ta hi sinh giành lại đất đai để công hữu hóa, để cho bọn tư bản đỏ chia chác, để cho Formosa và bao nhiêu bọn khác làm ô nhiễm môi trường nhằm hưởng lợi? Khi anh chị em chiến đấu gìn giữ đất đai, tài nguyên của Tổ quốc có nghĩ rằng sẽ để cho bọn có tiền và có quyền móc nối với nhau tàn phá, tham nhũng, làm thất thoát hàng chục vạn tỉ, gây nên biết bao thảm họa cho dân? Không, không, Anh chị em không nghĩ đến chế độ. Anh chị em chỉ nghe mang máng về chế độ xã hội chủ nghĩa là tốt đẹp, là tự do, hạnh phúc cho toàn dân. Anh chị em không ngờ được rằng chế độ XHCN gồm 2 phần cơ bản: chính trị và kinh tế. Chính trị chủ yếu là chuyên chính vô sản, là độc tài toàn trị. Kinh tế cơ bản là kinh tế quốc doanh như các tập đoàn của nhà nước. Chính trị ấy, kinh tế ấy hàng giờ hàng ngày sinh ra và nuôi dưỡng bọn độc quyền, tham nhũng, lãng phí. Không, chế độ cộng sản với phương thức làm tùy sức, hưởng theo nhu cầu chỉ là cái bánh vẽ, chỉ là hoang tưởng. Chế độ XHCN theo đường lối cộng sản cũng thế mà thôi. Chế độ cũng như CQ, không phải là thành quả cuối cùng của CM. Câu khẩu hiệu "Yêu nước phải yêu chế độ XHCN" là ngụy biện, sai lầm. CNXH với vô sản chuyên chính là do Đảng Cộng sản lựa chọn rồi áp đặt cho dân tộc chứ toàn thể nhân dân Việt Nam chưa bao giờ được trưng cầu ý kiến về vấn đề này. Nhân dân cần một chế độ thực sự dân chủ chứ không phải kiểu dân chủ XHCN giả hiệu với việc đảng cử dân bầu.
Có lập luận cho rằng còn đảng, còn chế độ là còn tất cả. Đây lại là một ngụy biện nguy hiểm. Đối với các nhóm lợi ích, sống và làm giàu trên cơ chế độc tài đảng trị, đúng là còn đảng, còn chế độ thì còn tất cả cho bọn họ. Đối với dân tộc thì không phải như vậy. Hãy xem Mông Cổ, các nước thuộc Liên Xô cũ, các nước Đông Âu làm gì còn đảng cộng sản nắm quyền, làm gì còn chế độ XHCN mà nhân dân vẫn có được tự do, dân chủ, hạnh phúc chứ có mất gì đâu. Đó là chưa kể đến những nước văn minh, thịnh vượng. Lại có lời dọa rằng nếu CQ bị thay đổi thì CCB và những người nghỉ hưu sẽ mất hết lương hưu. Đó là lời vu khống, bịa đặt dựa trên sự tàn ác của đấu tranh giai cấp. Thực tế ở Liên Xô và các nước Đông Âu, sau khi thay đổi chế độ không hề có chuyện đó, chỉ có một số nơi bị chậm vài tháng do chuyển giao sổ sách.
Thế còn độc lập dân tộc? Nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch (cha đẻ của đương kim Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh) năm 1990 có nói: "Việt Nam đang dần rơi vào thời kì Bắc thuộc mới". Bắc thuộc nghĩa là lại mất độc lập, mất nước. Nguyên Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Văn Linh có nói: "Ta theo Trung Quốc thì có thể mất nước nhưng còn giữ được đảng". Trời ơi, mất nước rồi thì giữ đảng làm gì ngoài việc làm tay sai và bù nhìn để giữ lại đặc quyền đặc lợi cho phe nhóm? Việt Nam đang bị Trung Quốc thao túng, lấn chiếm là rõ ràng, mong các CCB quan tâm.
Hiện nay, thông tin có nhiều nguồn và có những nguồn trái ngược nhau. Muốn biết đâu là sự thật, cần có được các nguồn khác nhau đó để tự suy nghĩ, tự đối chiếu với thực tế và tự rút ra kết luận. Sự vội vàng và dễ tin có thể dẫn người ta đến nhầm lẫn, bị lừa gạt.
Cha anh và chúng ta đã có những cái nhầm tai hại trong nhận thức và hành động. Các CCB hứa hẹn bảo vệ TQCM thì hãy suy nghĩ cho thấu đáo để bảo vệ được tự do và hạnh phúc của nhân dân, đừng vì vội vàng và chỉ nghe tuyên truyền từ một phía của bọn đại diện cho lợi ích nhóm mà lại bị nhầm lẫn để khi nhận ra sự thật thì đã muộn.
Trên đây chỉ mới đề cập TQCM mà chưa nói gì đến cái được, cái mất của cuộc CM. Điều này chỉ nêu ra để suy nghĩ còn đánh giá về nó có lẽ phải đợi sự phán xét của lịch sử sau vài chục hoặc vài trăm năm nữa.
N.Đ.C
(Tác giả gửi BVN)
Post a Comment