Ông Trump kí luật mở đường chiến hạm Mỹ tới Đài Loan: Cú đấm trực diện làm Trung Quốc choáng váng
Hải Võ
Vào trưa ngày 12-12-2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kí phê chuẩn Đạo luật Ủy quyền quốc phòng (NDAA) cho năm tài chính 2018, bất chấp cảnh báo từ Bắc Kinh.
Dự luật trước đó đã được lưỡng viện Quốc hội Mỹ thông qua với nội dung mở ra khả năng tái khởi động chương trình thăm viếng lẫn nhau giữa các chiến hạm của quân đội Mỹ và Đài Loan, đồng thời mời Đài Loan tham dự hoạt động tập trận Red Flag của Mỹ.
Cảnh cáo đối thủ của Mỹ
Trước lễ kí thông qua NDAA, Tổng thống Trump phát biểu: "Đạo luật Ủy quyền quốc phòng sẽ cho phép quân đội Mỹ có được nhiều nguồn lực hơn, phát đi thông điệp rõ ràng tới các đồng minh, đồng thời gửi lời cảnh cáo sắt đá đến kẻ thù rằng nước Mỹ hùng mạnh, kiên định, và có sự chuẩn bị tốt".
Qua điều chỉnh của lưỡng viện Quốc hội Mỹ, nội dung liên quan Đài Loan trong NDAA bao gồm: Quốc hội nhận thấy Mỹ cần tăng cường quan hệ hợp tác và đối tác lâu bền với Đài Loan, chuyển giao định kì cho phép Đài Loan duy trì đủ trang thiết bị phòng vệ theo nhu cầu về năng lực phòng thủ; mời Đài Loan tham dự tập trận Red Flag; thực thi kế hoạch giao lưu trao đổi quan chức và sĩ quan cấp cao song phương theo Luật Ủy quyền quốc phòng 2017 nhằm tăng cường quan hệ quân sự song phương. Quốc hội Mỹ cho rằng chính quyền ông Trump cần ủng hộ mở rộng kế hoạch tiếp nhận nhân viên Đài Loan tập huấn tại Mỹ hoặc tập huấn chung với lính Mỹ, tổ chức tập trận chung Mỹ - Đài ở Tây Thái Bình Dương, cân nhắc khả năng và mức độ phù hợp để chiến hạm Mỹ - Đài thăm viếng các cảng của nhau.
NDAA 2018 đồng thời căn cứ Đạo luật Quan hệ với Đài Loan và Sáu điều bảo đảm để tái khẳng định cam kết của Washington với vùng lãnh thổ này. Theo đó, đôi bên cần hợp tác để cải thiện năng lực tự vệ của Đài Loan.
Trong thông cáo báo chí của Nhà Trắng có đoạn về Điều 1259 của NDAA 2018 gồm nội dung về chiến hạm Mỹ - Đài thăm viếng và tập trận Red Flag cùng một số phần của đạo luật quốc phòng có thể mang ý nghĩa chỉ dẫn đối với hoạt động quân sự đối ngoại hoặc các sự vụ ngoại giao, đồng nghĩa cho phép trong một số trường hợp có vai trò chỉ dẫn đường lối đối ngoại quốc tế của Mỹ. "Khi xử lí các điều khoản này, trên cơ sở phù hợp quyền lực do Hiến pháp Mỹ trao cho tổng thống trong vai trò tổng tư lệnh và đại diện duy nhất về ngoại giao của Mỹ, chúng tôi sẽ quyết định cách thức áp dụng các điều khoản phù hợp với đối tác, và thực thi hoạt động ngoại giao của Mỹ" - thông cáo cho biết.
Bắc Kinh đe dọa "thống nhất Đài Loan bằng vũ lực"
Truyền thông Trung Quốc ghi nhận chính quyền Đài Loan hoan nghênh một cách thận trọng động thái của Nhà Trắng. Văn phòng lãnh đạo Thái Anh Văn bày tỏ cảm ơn Mỹ hỗ trợ Đài Loan trong nhiều lĩnh vực.
Người phụ trách nhánh hành pháp của chính quyền Đài Loan, ông Lại Thanh Đức gọi việc Mỹ sẵn sàng đưa tay giúp đỡ Đài Loan trước mối đe dọa Trung Quốc "là một việc tốt".
Hồi tuần trước, Công sứ Trung Quốc tại Washington, ông Lý Khắc Tân cảnh báo "ngày chiến hạm Mỹ đến cảng Cao Hùng cũng là ngày (Trung Quốc đại lục) thống nhất Đài Loan bằng vũ lực" nhằm đáp trả việc Quốc hội Mỹ thông qua dự luật quốc phòng 2018. Tuy nhiên, thái độ của Bắc Kinh không ngăn cản Tổng thống Trump phê chuẩn văn kiện trên thành luật chính thức.
Phát ngôn viên Văn phòng Sự vụ Đài Loan thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc, ông An Phong Sơn ngày 13-12 tuyên bố vấn đề Đài Loan là sự vụ nội bộ của Trung Quốc, Bắc Kinh phản đối mọi hình thức liên hệ và giao lưu chính thức về mặt quân sự giữa Mỹ và Đài Loan.
Tờ United Daily News (Đài Loan) đánh giá NDAA 2018 - đối với một cao thủ đàm phán như ông Trump - có thể trở thành "vốn liếng" cho cuộc trao đổi về sau với Bắc Kinh. Trong khi đó, với tình hình quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan xuống dốc, việc Đài Loan tăng cường quan hệ ngoại giao - quân sự với Mỹ mang lại hệ quả tích cực hay tiêu cực cho hòn đảo này vẫn còn là một dấu hỏi lớn.
Vài giờ trước khi ông Trump kí Đạo luật Ủy quyền quốc phòng 2018, quân đội Trung Quốc vào ngày 12-12 thông báo đã tiến hành "thêm các chuyến bay tuần tra quanh đảo" ở gần đảo Đài Loan như một hành động chứng minh cảnh báo của ông Lý Khắc Tân trước đó.
Theo Phát ngôn viên Không quân Trung Quốc, ông Thân Tiến Khoa, nhiều máy bay tiêm kích, máy bay ném bom và máy bay trinh sát của lực lượng này đã tuần tra trên biển "định kì" và "theo kế hoạch" vào ngày 11 nhằm "bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ".
Ông Thân cho hay các máy bay H-6K, Su-30, J-11 cùng máy bay trinh sát, cảnh báo và tiếp liệu của Trung Quốc đã bay qua eo biển Bashi nằm giữa Đài Loan - Philippines và eo biển Miyako nằm gần đảo Okinawa của Nhật Bản nhằm "kiểm nghiệm khả năng thực chiến".
H.V (Theo Thời đại)
Post a Comment