Hiến Pháp Đại Hàn Dân Quốc 1987 - Chương II

Hiến Pháp
Đại Hàn Dân Quốc
(Công bố ngày29/10/1987)
Chương II:
CÁC QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA CÔNG DÂN
Điều 10
Mọi công dân đều được bảo đảm về giá trị và phẩm giá con người và có quyền mưu cầu hạnh phúc. Nhà nước có trách nhiệm khẳng định và đảm bảo các quyền con người cơ bản và bất khả xâm phạm của cá nhân.
Điều 11
(1) Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, không có sự phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội, hoặc văn hóa do giới tính, tôn giáo, hoặc địa vị xã hội.
(2) Chế độ đẳng cấp đặc quyền sẽ không được công nhận hay thiết lập dưới mọi hình thức.
(3) Việc trao các giải thưởng hoặc danh hiệu dưới mọi hình thức sẽ chỉ được ghi nhận đối với cá nhân người nhận và không có đặc quyền nào phát sinh từ đó.
Điều 12
(1) Mọi công dân đều được hưởng tự do cá nhân. Không ai bị bắt, giam giữ, khám xét, tịch thu tài sản hoặc bị thẩm vấn ngoại trừ những trường hợp theo luật định. Không ai bị trừng phạt, bị giám sát phòng ngừa, hoặc phải lao động cưỡng bức, ngoại trừ các trường hợp do luật định và thông qua các thủ tục hợp pháp.
(2) Không công dân nào bị tra tấn hoặc bị bắt buộc phải làm chứng chống lại mình trong vụ án hình sự.
(3) Trong trường hợp bắt, giam giữ, tịch thu tài sản hoặc khám xét thì cần phải có lệnh của thẩm phán thông qua các thủ tục luật định và trên cơ sở phải có yêu cầu của một công tố viên trừ trường hợp một nghi phạm hình sự bị bắt quả tang, hoặc trường hợp có nguy cơ một người bị tình nghi phạm tội có thể bị phạt tù ba năm trở lên có thể trốn thoát hoặc hủy hoại chứng cứ, cơ quan điều tra có thể yêu cầu một lệnh bắt khẩn cấp.
(4) Bất kỳ người nào bị bắt hoặc bị giam giữ đều có quyền có luật sư tư vấn ngay lập tức. Khi một bị cáo không có đủ khả năng để tìm được bào chữa, Nhà nước sẽ chỉ định luật sư cho bị cáo theo luật định.
(5) Không ai bị bắt hoặc bị giam giữ mà không được thông báo về lý do và không được quyền có luật sư giúp đỡ. Gia đình v.v.. của người bị bắt hoặc bị giam giữ được xác định theo luật định phải được thông báo không chậm trễ về lý do, thời gian và địa điểm của việc bắt hay giam giữ.
(6) Bất kỳ người nào bị bắt hoặc bị giam giữ đều có quyền yêu cầu Toà án xem xét tính hợp pháp của việc bắt hoặc giam giữ.
(7) Trong trường hợp có việc nhận tội mà được coi là trái với ý chí của bị cáo do bị tra tấn, bị sử dụng bạo lực, bị đe dọa, bắt giữ kéo dài vô lý, gian lận, hoặc hành động tương tự, hoặc trong trường hợp lời nhận tội đó là bằng chứng duy nhất chống lại bị đơn trong một phiên tòa chính thức, thì lời nhận tội đó sẽ không được thừa nhận là chứng cứ phạm tội, bị cáo cũng không bị trừng phạt vì lời thú nhận như vậy.
Điều 13
(1) Không công dân nào bị truy tố vì một hành vi không cấu thành tội phạm theo luật đang có hiệu lực tại thời điểm thực hiện hành vi, cũng không ai phải chịu xét xử hai lần.
(2) Không công dân nào phải chịu sự áp đặt hạn chế đối với các quyền chính trị, và cũng không ai bị tước quyền sở hữu bởi các quy định pháp luật hồi tố.
(3) Không công dân nào phải bị xử lý bất lợi đối với một hành động không phải do mình mà do một thân nhân của mình thực hiện.
Điều 14
Mọi công dân được hưởng các quyền tự do cư trú và tự do đi lại theo ý muốn.
Điều 15
Mọi công dân được hưởng quyền tự do nghề nghiệp.
Điều 16
Nơi cư trú của mọi công dân được đảm bảo không bị xâm phạm. Trong trường hợp cần khám xét hoặc thu giữ tại nơi cư trú, cần phải xuất trình lệnh của một thẩm phán được ban hành theo yêu cầu của công tố viên.
Điều 17
Đời tư của mọi công dân không thể bị xâm phạm.
Điều 18
Bí mật thư tín của mọi công dân không thể bị xâm phạm.
Điều 19
Mọi công dân được bảo đảm tự do xử sự theo đúng lương tâm.
Điều 20
(1) Mọi công dân được đảm bảo quyền tự do tôn giáo.
(2) Không một tôn giáo nào được thừa nhận là quốc giáo, nhà thờ và nhà nước được tách biệt.
Điều 21
(1) Mọi công dân được đảm bảo các quyền tự do ngôn luận và báo chí, tự do hội họp và lập hội.
(2) Không cho phép áp dụng chế độ cấp phép hoặc kiểm duyệt ngôn luận và báo chí cũng như chế độ xin phép cho hội họp và lập hội.
(3) Các tiêu chuẩn về dịch vụ tin tức và các phương tiện phát sóng, các vấn đề cần thiết để đảm bảo những chức năng của báo chí do luật định.
(4) Ngôn luận và báo chí không được xâm hại danh dự hoặc quyền của người khác cũng như không được làm xói mòn luân lý cộng đồng và đạo đức xã hội. Trong trường hợp ngôn luận hoặc báo chí xâm hại danh dự, quyền lợi của người khác, những người đó có thể khiếu kiện đòi bồi thường về các thiệt hại do hành vi đó gây ra.
Điều 22
(1) Mọi công dân đều có quyền tự do học tập và sáng tạo nghệ thuật.
(2) Các quyền của tác giả, nhà phát minh, nhà khoa học, kỹ sư và các nghệ sĩ được bảo vệ theo luật định.
Điều 23
(1) Quyền sở hữu của mọi công dân được bảo đảm. Nội dung và các giới hạn của quyền này do luật định.
(2) Việc thực hiện quyền sở hữu phải phù hợp với lợi ích công cộng.
(3) Việc sung công, trưng dụng hoặc hạn chế sở hữu tư nhân vì nhu cầu công cộng và việc bồi thường do các hành vi này được thực hiện theo luật định. Tuy nhiên, trong trường hợp này, phải có sự bồi thường thỏa đáng.
Điều 24
Mọi công dân đều có quyền bầu cử theo các điều kiện do luật định.
Điều 25
Mọi công dân đều có quyền giữ các chức vụ công theo các điều kiện do luật định.
Điều 26
(1) Mọi công dân đều có quyền kiến nghị bằng văn bản đến bất kỳ cơ quan nhà nước nào theo các điều kiện do luật định.
(2) Nhà nước có nghĩa vụ xem xét tất cả các kiến nghị đó.
Điều 27
(1) Mọi công dân có quyền được xét xử phù hợp với luật định bởi các thẩm phán đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của Hiến pháp và luật.
(2) Công dân không phải là người đang thực hiện nghĩa vụ quân sự hoặc đang làm việc cho các lực lượng quân sự sẽ không bị xét xử bởi một tòa án quân sự trong lãnh thổ của Hàn Quốc, ngoại trừ trường hợp phạm tội hình sự theo luật định liên quan đến thông tin quân sự quan trọng, việc đặt lính gác, các điểm gác, hay cung cấp thực phẩm và đồ uống độc hại, tù nhân chiến tranh, các vật dụng và phương tiện quân sự và trong trường hợp công bố thiết quân luật bất thường.
(3) Mọi công dân có quyền được xét xử nhanh chóng. Trong trường hợp không có lý do chính đáng để trì hoãn, bị cáo có quyền được xét xử công khai không chậm trễ.
(4) Bị cáo được coi là vô tội cho đến khi một phán quyết là có tội được tuyên.
(5) Nạn nhân của một tội phạm có quyền trình bày trong quá trình diễn ra phiên tòa về vụ việc có liên quan theo các điều kiện do luật định.
Điều 28
Trong trường hợp một nghi can hoặc một bị cáo bị giam giữ nhưng không bị kết tội theo luật định hoặc là được tòa tuyên trắng án, người đó có quyền yêu cầu Nhà nước bồi thường một cách thỏa đáng theo các điều kiện do luật định.
Điều 29
(1) Trong trường hợp một người phải chịu thiệt hại do hành vi trái pháp luật bởi một công chức trong quá trình thực thi công vụ, người đó có quyền yêu cầu Nhà nước hoặc tổ chức công quyền bồi thường một cách thỏa đáng theo các điều kiện do luật định. Trong trường hợp này, công chức có liên quan không được miễn trừ khỏi trách nhiệm pháp lý.
(2) Trong trường hợp một người đang thực thi nghĩa vụ quân sự hoặc đang làm việc cho lực lượng quân sự, đang là cảnh sát hoặc các trường hợp khác theo luật định bị thiệt hại liên quan đến việc thực hiện công vụ như chiến đấu thì người đó không có quyền yêu cầu Nhà nước hay tổ chức công quyền bồi thường đối với hành vi trái pháp luật của công chức khi thi hành công vụ, mà chỉ được bồi thường theo luật định.
Điều 30
Công dân bị thương tích cơ thể hay tử vong do hành vi phạm tội của người khác có thể nhận được viện trợ từ Nhà nước theo các điều kiện do luật định.
Điều 31
(1) Mọi công dân có quyền bình đẳng trong việc được giáo dục tương ứng với khả năng của mình.
(2) Mọi công dân đang nuôi dưỡng con cái có trách nhiệm cung cấp cho con mình ít nhất là giáo dục tiểu học và các bậc học khác theo luật định.
(3) Giáo dục bắt buộc là miễn phí.
(4) Tính độc lập, chuyên nghiệp và trung lập về chính trị của giáo dục cũng như quyền tự chủ của các tổ chức giáo dục đại học được đảm bảo theo các điều kiện do luật định.
(5) Nhà nước khuyến khích giáo dục suốt đời.
(6) Các vấn đề cơ bản liên quan đến hệ thống giáo dục, bao gồm giáo dục trong trường học và giáo dục suốt đời, vấn đề quản trị, tài chính và địa vị của giáo viên do luật định.
Điều 32
(1) Mọi công dân đều có quyền làm việc. Nhà nước phải nỗ lực mở rộng cơ hội việc làm của người lao động và đảm bảo tiền lương tối ưu thông qua các phương tiện xã hội và kinh tế và thực thi một hệ thống tiền lương tối thiểu theo các điều kiện do luật định.
(2) Mọi công dân có nghĩa vụ lao động. Nhà nước phải ban hành luật quy định về phạm vi và các điều kiện của nghĩa vụ lao động phù hợp với các nguyên tắc dân chủ.
(3) Các tiêu chuẩn của điều kiện làm việc sẽ do luật định theo phương thức đảm bảo phẩm giá con người.
(4) Lao động nữ sẽ được hưởng sự bảo vệ đặc biệt, và họ không bị phân biệt đối xử về việc làm, tiền lương và điều kiện làm việc.
(5) Lao động trẻ em được hưởng sự bảo vệ đặc biệt sẽ dành cho.
(6) Những người đã phụng sự cho quốc gia, các cựu chiến binh và cảnh sát bị thương, các thành viên gia đình của các quân nhân và cảnh sát đã hi sinh sẽ nhận được sự ưu tiên về cơ hội việc làm theo các điều kiện do luật định.
Điều 33
(1) Để nâng cao điều kiện làm việc, người lao động có quyền lập hội độc lập, thương lượng tập thể và hành động tập thể.
(2) Chỉ những công chức được luật cho phép mới có quyền lập hội, thương lượng tập thể và hành động tập thể.
(3) Quyền hành động tập thể của công nhân trong các ngành công nghiệp quốc phòng quan trọng có thể bị hạn chế hoặc bị cấm theo các điều kiện do luật định.
Điều 34
(1) Mọi công dân đều có quyền có cuộc sống xứng đáng của con người.
(2) Nhà nước có nhiệm vụ nỗ lực thúc đẩy an sinh và phúc lợi xã hội.
(3) Nhà nước phải nỗ lực thúc đẩy phúc lợi và quyền của phụ nữ.
(4) Nhà nước có nghĩa vụ thực hiện chính sách nâng cao phúc lợi của người cao tuổi và trẻ em.
(5) Công dân không có khả năng kiếm sống do khuyết tật về thể chất, bệnh tật, tuổi già, hoặc các lý do khác được Nhà nước bảo hộ theo các điều kiện do luật định.
(6) Nhà nước phải nỗ lực ngăn chặn thiên tai và bảo vệ công dân khỏi tác hại của thiên tại.
Điều 35
(1) Mọi công dân đều có quyền được hưởng một môi trường lành mạnh và thoải mái. Nhà nước và mọi công dân đều phải nỗ lực bảo vệ môi trường.
(2) Nội dung của các quyền về môi trường sẽ do luật định.
(3) Nhà nước phải nỗ lực để đảm bảo nhà ở đầy đủ cho mọi công dân thông qua các chính sách phát triển nhà ở và chính sách tương tự.
Điều 36
(1) Hôn nhân và cuộc sống gia đình được hình thành và duy trì trên cơ sở nhân phẩm cá nhân và sự bình đẳng về giới, và trong thẩm quyền của mình Nhà nước phải thực hiện mọi việc có thể để đạt được mục tiêu đó.
(2) Nhà nước phải nỗ lực bảo vệ các bà mẹ.
(3) Nhà nước bảo đảm sức khỏe cho mọi công dân.
Điều 37
(1) Các quyền và tự do của công dân không thể bị bỏ qua với lý do chúng không được liệt kê trong Hiến pháp.
(2) Các quyền và tự do của công dân chỉ có thể bị giới hạn theo luật khi cần thiết vì lý do bảo đảm an ninh quốc gia, duy trì pháp luật và trật tự hoặc vì lợi ích công cộng. Ngay cả khi áp đặt các hạn chế như vậy, không được vi phạm các yếu tố thiết yếu của các quyền và tự do.
Điều 38
Mọi công dân có nghĩa vụ nộp thuế theo các điều kiện do luật định.
Điều 39
(1) Mọi công dân có nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc theo các điều kiện do luật định.
(2) Không công dân nào bị đối xử bất lợi do thực hiện các nghĩa vụ quân sự của mình.

No comments

Có Thể Bạn Chưa Xem

Tin Nóng

Powered by Blogger.