Hiến Pháp Đại Hàn Dân Quốc 1987 - Chương VIII - Chương IX - Chương X - Phụ Lục

HIẾN PHÁP
ĐẠI HÀN DÂN QUỐC
(Công bố ngày29/10/1987)
 

Chương VIII:
TỰ QUẢN ĐỊA PHƯƠNG
Điều 117
(1) Trong phạm vi luật hoặc các văn bản dưới luật quy định, chính quyền địa phương sẽ giải quyết các vấn đề hành chính liên quan đến an sinh của dân cư địa phương, quản lý tài sản và có thể ban hành các quy định liên quan đến tự quản địa phương.
(2) Các loại chính quyền địa phương sẽ do luật định.
Điều 118
(1) Trong chính quyền địa phương sẽ có một hội đồng.
(2) Tổ chức và thẩm quyền của các hội đồng địa phương, việc bầu cử các thành viên, thủ tục bầu cử người đứng đầu chính quyền địa phương và các vấn đề khác liên quan đến tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương sẽ do luật định.
Chương IX:
KINH TẾ
Điều 119
(1) Trật tự kinh tế của Cộng hòa Hàn Quốc được dựa trên sự tôn trọng tự do và sáng tạo của các doanh nghiệp và cá nhân trong các hoạt động kinh tế.
(2) Nhà nước có thể kiểm soát và điều phối các hoạt động kinh tế nhằm duy trì sự tăng trưởng cân bằng và ổn định của nền kinh tế quốc dân, nhằm phân phối thu nhập, ngăn chặn sự thống lĩnh thị trường và lạm quyền kinh tế và để dân chủ hóa nền kinh tế thông qua sự hòa hợp giữa các chủ thể kinh tế.
Điều 120
(1) Giấy phép khai thác, phát triển và tận dụng khoáng sản và các nguồn tài nguyên quan trọng trong lòng đất khác, tài nguyên dưới biển, thủy điện và năng lượng tự nhiên sẵn có cho mục đích kinh tế có thể được trao trong một thời hạn theo các điều kiện do luật định.
(2) Đất đai và các tài nguyên thiên nhiên được Nhà nước bảo vệ và Nhà nước phải xây dựng một kế hoạch cần thiết để đảm bảo sự phát triển và tận dụng tài nguyên.
Điều 121
(1) Nhà nước phải nỗ lực thực hiện nguyên tắc đất nông nghiệp thuộc về nông dân. Phát canh thu tô bị cấm.
(2) Việc cho thuê đất nông nghiệp, phó thác quản lý đất nông nghiệp để tăng sản lượng nông nghiệp và bảo đảm việc sử dụng hợp lý đất nông nghiệp hoặc do các hoàn cảnh không thể tránh khỏi sẽ được thực hiện theo các điều kiện do luật định.
Điều 122
Theo các điều kiện do luật định, Nhà nước có thể đặt ra các giới hạn hoặc nghĩa vụ cần thiết cho việc sử dụng, phát triển và bảo quản hiệu quả và cân bằng nguồn đất đai của quốc gia, vì đó là nền tảng của các hoạt động sản xuất và đời sống hàng ngày của mọi công dân.
Điều 123
(1) Nhà nước phải xây dựng và thực hiện một kế hoạch để phát triển và hỗ trợ toàn diện cộng đồng nông dân và ngư dân nhằm bảo vệ và thúc đẩy nông nghiệp và ngư nghiệp.
(2) Nhà nước có trách nhiệm thúc đẩy kinh tế các khu vực để bảo đảm sự phát triển cân bằng ở mọi khu vực.
(3) Nhà nước có trách nhiệm bảo vệ và thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
(4) Nhằm bảo vệ lợi ích của nông dân và ngư dân, Nhà nước thúc đẩy sự ổn định giá nông sản và hải sản bằng cách duy trì sự cân đối giữa cung và cầu và phát triển hệ thống tiếp thị và phân phối nông sản và hải sản.
(5) Nhà nước ủng hộ việc thành lập và bảo đảm các hoạt động và sự phát triển độc lập của các tổ chức do nông dân, ngư dân và thương nhân thành lập trên cơ sở tự nguyện để tham gia vào công nghiệp nhỏ và vừa.
Điều 124
Nhà nước bảo đảm các hoạt động bảo vệ người tiêu dùng nhằm khuyến khích các hoạt động tiêu dùng ích lợi và thúc đẩy chất lượng sản phẩm theo các điều kiện do luật định.
Điều 125
Nhà nước hỗ trợ ngoại thương, có thể kiểm soát và điều phối ngoại thương.
Điều 126
Các doanh nghiệp tư nhân không thể bị quốc hữu hóa hoặc chuyển sử hữu bởi một chính quyền địa phương, cũng như việc quản lý chúng không bị kiểm soát hay điều hành bởi Nhà nước, trừ các trường hợp do luật định nhằm đáp ừng các nhu cấu khẩn cấp vì quốc phòng hoặc vì nền kinh tế quốc dân.
Điều 127
(1) Nhà nước nỗ lực thúc đẩy kinh tế quốc dân thông qua phát triển khoa học và công nghệ, thông tin, nguồn nhân lực và khuyến khích sáng tạo.
(2) Nhà nước thiết lập một hệ thống tiêu chuẩn quốc gia.
(3) Tổng thống có thể thiết lập các cơ quan tư vấn cần thiết để thực hiện mục tiêu nhắc đến ở khoản (1).
Chương X:
SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP
Điều 128
(1) Quyền đề nghị sửa đổi Hiến pháp thuộc về đa số của tổng số thành viên Quốc hội và Tổng thống.
(2) Các sửa đổi Hiến pháp để kéo dài nhiệm kỳ của Tổng thống hoặc để cho phép Tổng thống tái cử không được áp dụng đối với Tổng thống đương nhiệm vào thời điểm có các đề xuất sửa đổi đó.
Điều 129
Các đề xuất sửa đổi Hiến pháp phải được Tổng thống công bố ra công chúng tối thiểu trong hai mươi ngày.
Điều 130
(1) Quốc hội phải ra quyết định về các đề xuất sửa đổi Hiến pháp trong vòng sáu mươi ngày sau khi các đề xuất này được công bố, và đề xuất đó chỉ được thông qua khi có sự đồng thuận của tối thiểu hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội.
(2) Các đề xuất sửa đổi Hiến pháp được đưa ra trưng cầu ý dân không muộn hơn ba mươi ngày sau khi được Quốc hội thông qua, và đề xuất đó chỉ được thông qua khi nhận được sự ủng hộ của ít nhất một nửa số phiếu hợp lệ trên tổng số cử tri đủ điều kiện bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Quốc hội.
(3) Khi các đề xuất sửa đổi Hiến pháp nhận được sự chấp thuận như quy định tại khoản (2), các sửa đổi Hiến pháp sẽ được chung quyết và Tổng thống công bố mà không được trì hoãn.
PHỤ LỤC
Điều 1
Hiến pháp này có hiệu lực vào ngày 25 tháng 2 năm 1988. Việc ban hành hoặc sửa đổi các đạo luật cần thiết để áp dụng hiến pháp này hoặc việc tổ chức các cuộc bầu cử Tổng thống và Quốc hội theo Hiến pháp này, các việc chuẩn bị khác để áp dụng Hiến pháp này có thể được triển khai trước khi Hiến pháp có hiệu lực.
Điều 2
(1) Cuộc bầu cử Tổng thống đầu tiên theo Hiến pháp này sẽ được tổ chức không muộn hơn bốn mươi ngày trước ngày Hiến pháp có hiệu lực.
(2) Nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên theo Hiến pháp này bắt đầu vào ngày Hiến pháp có hiệu lực.
Điều 3
(1) Cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên theo Hiến pháp này được tổ chức trong vòng sáu tháng từ khi công bố Hiến pháp. Nhiệm kỳ các đại biểu Quốc hội đầu tiên theo Hiến pháp này bắt đầu vào ngày đầu tiên triệu tập Quốc hội theo Hiến pháp.
(2) Nhiệm kỳ các đại biểu Quốc hội hiện hành vào thời điểm Hiến pháp này được công bố kết thúc vào ngày trước ngày triệu tập phiên họp thứ nhất của Quốc hội theo quy định tại khoản (1).
Điều 4
(1) Các công chức và viên chức trong các doanh nghiệp được bổ nhiệm bởi Chính phủ, đang tại vị vào thời điểm Hiến pháp này có hiệu lực, được coi là đã được bổ nhiệm theo Hiến pháp này, trừ khi thủ tục bầu cử hoặc người có thẩm quyền bổ nhiệm công chức đó được thay đổi theo Hiến pháp này. Chánh án Tòa án Tối cao, Chủ tịch Ban Kiểm toán và Thanh tra tiếp tục tại vị đến khi người kế nhiệm họ được chọn ra theo Hiến pháp này và nhiệm kỳ của họ kết thúc vào ngày trước khi người kế nhiệm họ bắt đầu công việc.
(2) Các thẩm phán gắn với Tòa án Tối cao mà không phải là Chánh án hoặc các Thẩm phán Tòa án Tối cao đang tại vị vào thời điểm Hiến pháp này có hiệu lực, được coi là đã được bổ nhiệm theo Hiến pháp này, cho dù có quy định tại khoản (1).
(3) Các điều khoản của Hiến pháp này quy định nhiệm kỳ của công chức hoặc giới hạn số lượng nhiệm kỳ mà công chức có thể đảm nhiệm, có hiệu lực vào ngày bầu cử đầu tiên hoặc bổ nhiệm đầu tiên các công chức đó theo Hiến pháp này.
Điều 5
Các luật, nghị định, pháp lệnh và điều ước có hiệu lực vào thời điểm Hiến pháp này có hiệu lực, tiếp tục có hiệu lực trừ khi chúng trái với Hiến pháp này.
Điều 6
Các cơ quan cũ tồn tại vào thời điểm Hiến pháp này có hiệu lực, mà đang thực hiện các chức năng thuộc thẩm quyền của cơ quan mới được thành lập theo quy định của Hiến pháp này, thì tiếp tục được tồn tại và thực thi các chức năng như vậy đến khi các cơ quan mới được thành lập theo Hiến pháp này.




No comments

Có Thể Bạn Chưa Xem

Tin Nóng

Powered by Blogger.