Thủ Tục Thành Lập Văn Phòng Đại Diện Của Thương Nhân Nước Ngoài Tại Việt Nam (06-2014)

PHẦN MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Thế giới đang đứng trước ngưỡng cửa của sự toàn cầu hóa, hứa hẹn nhiều biến chuyển. Những ảnh hưởng ngày càng lan rộng của các công ty đa quốc gia cùng với sự phát triển mạnh như vũ bão của khoa học công nghệ đã thúc đẩy cả xã hội cùng chạy đua trên con đường phát triển. Quá trình hợp tác hóa, chuyên môn hóa ngày càng được chuyên sâu, giúp tăng nhanh tổng sản phẩm của toàn xã hội. Chúng ta đang sống trong giai đoạn chứng kiến sự thay đổi đến chóng mặt trong tổng thể nền kinh tế, khoa học kỹ thuật.
Từ khi Việt Nam tiến hành đổi mới mở cửa (1986) cho đến nay, và đặc biệt là từ khi Việt Nam gia nhập WTO (2007). Đã có rất nhiều công ty nước ngoài chọn Việt Nam là điểm đầu tư của mình. Với việc hình thành của các văn phòng đại diện của mình cũng như là các dự án lớn tại Việt Nam, những công ty này góp một phần đáng kể vào quá trình phát triển của nền kinh tế Việt Nam.
Pháp luật của Việt Nam về thành lập văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam còn khá non trẻ so với các nước phát triển trên thế giới. Các công ty nước ngoài khi tìm hiểu đầu tư vào Việt Nam ngoài việc tìm hiểu về môi trường đầu tư, thì họ còn chú ý đến các thủ tục để thành lập trụ sở văn phòng đại diện của mình tại Việt Nam.
Vì vậy nhu cầu tìm hiểu về thủ tục thành lập văn phòng đại diện của các doanh nghiệp nước ngoài đang ngày càng trở nên được chú ý. Và việc pháp luật Việt Nam đang trong quá trình điều chỉnh, sửa đổi để hoàn thiện hơn, tạo điều kiện cho thu hút đầu tư nước ngoài. Với những vấn đề yêu cầu cấp thiết cơ bản như trên, và thực tế trong quá trình thực hành trải nghiệm cho thấy mức độ cần thiết mà đề tài “Thủ tục thành lập văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam” mà tôi nghiên cứu hướng tới.
2. Đối tượng nghiên cứu của đề tài
            Đối tượng nghiên cứu của đề tài là các quy định của pháp luật về thủ tục thành lập văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam, cũng như là các thương nhân nước ngoài có nhu cầu mở văn phòng đại diện của mình tại Việt Nam.
3. Mục đích nghiên cứu của đề tài
            Nghiên cứu một số vấn đề lý luận và pháp luật quy định về thủ tục thành lập văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam. Nội dung nghiên cứu nhằm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu về thủ tục thành lập văn phòng đại diện của các thương nhân nước ngoài có nhu cầu muốn thành lập văn phòng đại diện của mình tại Việt Nam. Đồng thời chỉ ra được các hạn chế trong thực tiễn, cũng như là đưa ra kiến nghị về vấn đề thành lập văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam.
4. Phạm vi nghiên cứu của đề tài
            Phạm vi nghiên cứu của đề tài “Thủ tục thành lập văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam” bao gồm các thủ tục pháp lý và một số vấn đề thực tiễn đang bất cập.
5. Phương pháp nghiên cứu của đề tài
            Bài nghiên cứu của tôi có sử dụng các phương pháp nghiên cứu bao gồm phương pháp luận của chủ nghĩa Marx – Lê nin, phương pháp phân tích tài liệu, phương pháp so sánh


6. Tổng quan tình hình nghiên cứu của đề tài
            Hiện nay, trong lĩnh vực thương mại quốc tế nói chung, đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về các đề tài khác nhau. Tuy nhiên, về vấn đề thủ tục thành lập văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài hiện còn rất hiếm công trình nghiên cứu.
7. Kết cấu của đề tài
            Đề tài nghiên cứu được chia làm 3 chương
Chương 1. Một số vấn đề lý luận chung
Chương 2. Quy định thành lập văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam.
Chương 3: Những bất cập và kiến nghị về các quy định của pháp luật thành lập văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam.


MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN CHUNG
1.1 Giải thích khái niệm
1.1.1 Thương nhân
1.1.1.1 Khái niệm thương nhân
            Thương nhân hay còn được gọi là thương gia (Trước đây còn được gọi là nhà buôn). Họ là người kinh doanh các giao dịch hàng hóa được sản xuất bơi những người khác để kiếm lợi. Từ tương nhân trong từ thông dụng cùng nghĩa với thương gia. Nửa thế kỷ XX trở về trước, từ thương gia được sử dụng rộng rãi, và nhiều người cho rằng thương gia là người hoạt động buôn bán trong ngành thương mại.
            Xét về chiều dài lịch sử, từ “thương gia” có sớm hơn từ “thương nhân”, được dùng để chỉ một tầng lớp làm nghề buôn bán trong số 4 tầng lớp “Sĩ”, “Nông”, “Công” và “Thương”.
            Theo pháp luật Việt Nam đưa ra khái niệm về thương nhân tại Khoản 1 Điều 6 Luật Thương mại năm 2005 thì thương nhân bao gồm tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thương xuyên và có đăng ký kinh doanh.
            So với luật thương mại Việt Nam thì luật Thương mại của Cộng Hòa Pháp có đưa ra định nghĩa hơi khác một chút về thương nhân. Theo luật Thương mại của Cộng Hòa Pháp thì thương nhân là người thực hiện hành vi thương mại và đó là nghề thường xuyên của họ. Luật Thương mại của Pháp còn làm rõ thêm là một người muốn được xác định là thương nhân thì không những họ thực hiện hành vi thương mại mà công việc đó phải là nghề thường xuyên của họ.
            Theo Luật Thương mại của Hoa Kỳ thì thương nhân là những người thực hiện các nghiệp vụ đối với một loại nghề nghiệp nhất định, là đối tượng của các hợp đồng thương mại.
            Còn theo luật thương mại quốc tế thì thương nhân là các bên tham gia vào hoạt động thương mại quốc tế để hưởng các quyền và nghĩa vụ nhất định.
1.1.1.2 Đặc điểm thương nhân
            Từ khái niệm cơ bản về thương nhân, chúng ta có thể biết được đối tượng của thương nhân có thể là cá nhân hoặc là tổ thức.
            Các đặc điểm hay là các thuộc tính cơ bản của thương nhân bao gồm:
            Thứ nhất – Thương nhân phải thực hiện các hành vi thương mại, và phải thực hiện hành vi thương mại độc lập, mang danh nghĩa chính mình và vì lợi ích của chính bản thân mình.
            Thứ hai – Thương nhan phải thực hiện các hành vi thương mại mang tính nghề nghiệp thương xuyên. Hoạt động thương mại mang tính chất nghề nghiệp của thương nhân phải được hiểu là hoạt động thường xuyên, liên tục, được thương nhân thực hiện nhằm đem lại thu nhập cho chính thương nhân.
            Thứ ba – Thương nhân phải có năng lực hành vi thương mại. Năng lực hành vi thương mại là khả năng của cá nhân, pháp nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ pháp lý thương mại.
            Thứ tư – Thương nhân phải có đăng ký kinh doanh. Đây là yêu cầu bắt buộc đối với tất cả cá nhân, tổ chức muốn trở thành thương nhân.


1.1.1.3 Phân loại thương nhân
            Theo pháp luật hiện hành của Việt Nam có loại hình thức của thương nhân đó là loại hình thương nhân là cá nhân và loại hình thương nhân là tổ chức.
Loại hình thương nhân là cá nhân bao gồm:
-         Doanh nghiệp tư nhân.
-         Hộ kinh doanh cá thể.
Loại hình thương nhân là tổ chức bao gồm:
-         Công ty cổ phần.
-         Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên.
-         Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên
-         Công ty hợp danh
-         Hợp tác xã
1.1.2 Thương nhân nước ngoài
1.1.2.1 Khái niệm thương nhân nước ngoài
             Thương nhân nước ngoài trước hết đó là thương nhân, tuy nhiên đây là thương nhân hoạt động trong lĩnh vực thương mại nhưng không thuộc quốc gia mà họ đến hoặc có ý định đến. Hay nói cách khác đó là những thương nhân được thành lập ở nước ngoài.
            Theo pháp luật Việt Nam quy định tại Khoản 1 Điều 16 Luật Thương mại năm 2005 đã đưa ra khái niệm về thương nhân nước ngoài  đó là “thương nhân được thành lập, đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật nước ngoài hoặc được pháp luật nước ngoài công nhận”
1.1.2.2 Thương nhân nước ngoài tại Việt Nam
            Theo pháp luật Việt Nam hiện hành, thì thương nhân nước ngoài hoạt động tại Việt Nam được hiểu là thương nhân nước ngoài có văn phòng đại diện hoặc chi nhánh của mình tại Việt Nam.
1.1.3 Văn phòng đại diện
1.1.3.1 Khái niệm văn phòng đại diện
            Văn phòng đại diện được hiểu đơn giản là một đơn vị được ủy quyền và trực thuộc của thương nhân, có địa điểm rõ ràng, và được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động.
            Theo pháp luật Việt Nam, văn phòng đại diện được hiểu là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ đại diện theo ủy quyền cho lợi ích của doanh nghiệp và bảo vệ các lợi ích đó. Tổ chức hoạt động của văn phòng đại diện theo quy định của pháp luật (Khoản 1 Điều 37 Luật Doanh nghiệp năm 2005 của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam)
            Văn phòng đại diện không được trực tiếp kinh doanh, không được tự ký các hợp đồng kinh doanh với dấu của văn phòng đại diện.  Ngoại trừ trường hợp thương nhân nước ngoài ủy quyền bằng văn bản cho người đứng đầu văn phòng đại diện cho từng lần giao kết, sửa đổi, bổ sung hợp đồng.
1.1.3.2 Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam
            Theo pháp luật Việt Nam hiện hành, văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam là đơn vị phụ thuộc của thương nhân nước ngoài, được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam để tìm hiểu thị trường và thực hiện một số hoạt động xúc tiến thương mại mà pháp luật Việt Nam cho phép.
1.1.3.3 Đặc điểm của văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam
            Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam do thương nhân nước ngoài lập lên thông qua các thủ tục đăng ký thành lập theo pháp luật của Việt Nam. Đây không phải là trụ sở chính của thương nhân nước ngoài, mà chỉ là một cơ quan phụ thuộc đươc ủy quyền của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam.
1.2 Pháp luật về thủ tục thành lập văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam.
            Pháp luật về thủ tục thành lập văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam là hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật quy định các hệ thống thống nhất đảm bảo việc thực hiện tốt và xuyên suốt về thủ tục thành lập văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam, nhằm quản lý tốt hoạt động xã hội của Nhà nước.
            Pháp luật Việt Nam về thủ tục thành lập văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài Việt Nam còn khá non trẻ so với các nước phát triển trên thế giới. Và được quy định trong các văn bản luật và hướng dẫn thi hành luật.
            Đầu tiên phải kể đến Luật Thương mại năm 2005, luật Doanh nghiệp năm 2005, Luật quản lý thuế năm 2006. Trong các luật này có các quy định chung về vấn đề thành lập văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài.
            Các văn bản hướng dẫn về thủ tục thành lập văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài từ năm 2006 đến nay bao gồm: Nghị định số 72/2006/NĐ-CP của Chính phủ ngày 25 tháng 07 năm 2006 (Vẫn còn hiệu lực); Nghị định số 43/2010/NĐ-CP của Chính phủ ngày  15 tháng 04 năm 2010 (Đã hết hiệu lực); Thông tư số 11/2006/TT-BTM của Bộ Thương mại ngày 28 tháng 09 năm 2006 (Vẫn còn hiệu lực); Thông tư số 14/2010/TT-BKH của Bộ Kế hoạch và đầu tư ngày 15 tháng 04 năm 2010 (Đã hết hiệu lưc); Thông tư số 01/2013/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoặc và đầu tư ngày 21 tháng 01 năm 2013 (Vẫn còn hiệu lực).
            Các văn bản pháp quy hướng dẫn về thủ tục đăng ký và kê khai thuế đối với văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam được ban hành từ năm 2007 đến nay bao gồm: Thông tư số 60/2007/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 14 tháng 06 năm 2007 (Vẫn còn hiệu lực); Thông tư số 85/2007/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 18 tháng 07 năm 2007 (Đã hết hiệu lực); Thông tư số 84/2008/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 08 tháng 09 năm 2008 (Đã hết hiệu lực); Thông tư số 111/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 15 tháng 08 năm 2013 (Vẫn còn hiệu lực).
            Về thủ tục khắc con dấu có các văn bản  pháp quy được ban hành từ năm 2001 đến nay gồm có: Nghị định số 58/2001/NĐ-CP của Chính phủ ngày 24 tháng 08 năm 2001 (Hết hiệu lực một phần); Thông tư số 07/2010/TT-BCA của Bộ Công an ngày 05 tháng 02 năm 2010(Vẫn còn hiệu lực). Ngoài ra còn có các văn bản khác về quản lý lao động làm việc tại văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam.


QUY ĐỊNH VỀ THỦ TỤC THÀNH LẬP VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN CỦA THƯƠNG NHÂN NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM
2.1 Điều kiện để thành lập văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam
            Một thương nhân nước ngoài có thể thành lập một hoặc nhiều văn phòng đại diện của mình tại Việt Nam. Tuy nhiên không được thành lập chi nhánh của văn phòng đại diện của mình tại Việt Nam. Thương nhân nước ngoài phải chịu trách nhiệm trước pháp luật Việt Nam về hoạt động của văn phòng đại diện của mình tại Việt Nam.
            Trưởng phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam có thể là người nước ngoài hoặc là người Việt Nam.
            Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam và người làm việc tại văn phòng đại diện đó được Nhà nước Việt Nam bảo hộ các quyền, lợi ích hợp pháp và có nghĩa vụ tuân thủ pháp luật Việt Nam. Những người này không được hưởng các quy chế ưu đãi miễn trừ ngoại giao đanh cho Cơ quan Đại diện ngoại giao, Cơ quan Lãnh sự nước ngoài, Cơ quan Đại diện của Tổ chức quốc tê liên Chính phủ tại Việt Nam.
            Trong thời hạn không quá 45 ngày, kể từ ngày được cấp giấy phép, văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam phải chính thức đi vào hoạt động và phải có văn bản thông báo cho Cơ quan cấp giấy phép về địa điểm đặt trụ sở, số người Việt Nam, số người nước ngoài làm việc tại văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam đó.
            Thương nhân nước ngoài được cấp giấy phép thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam khi có đủ các điều kiện sau:
            Một – Là thương nhân được pháp luật quốc gia, vùng lãnh thổ nơi thương nhân đó thành lập hoặc đăng ký kinh doanh công nhận hợp pháp.
            Hai – Đã hoạt động không dưới 01 năm kể từ khi được thành lập hoặc đăng ký kinh doanh hợp pháp ở nước của thương nhân đó. Giấy phép thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam của thương nhân nước ngoài có thời hạn 05 năm nhưng không vượt quá thời hạn còn lại của giấy đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương của thương nhân nước ngoài trong trường hợp pháp luật nước ngoài có quy định thời hạn giấy đăng ký kinh doanh của thương nhân nước ngoài.
            Ba – Là không thuộc các trường hợp được quy định tại Điều 6 Nghị định số 72/2006/NĐ-CP của Chính phủ ngày 25 tháng 07 năm 2006. Đó là các trường hợp: Thương nhân nước ngoài kinh doanh các loại hàng hóa dịch vụ bị cấm tại Việt Nam. Có bằng chứng cho thấy việc thành lập văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài gây ảnh hưởng nguy hại đến an ninh quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, truyền thống văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục dân tộc; hoặc gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, gây nguy hại đến môi trường, tài nguyên. Thương nhân nước ngoài nộp hồ sơ không hợp lệ nhưng không chịu bổ sung hồ sơ. Và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật Việt Nam.
            Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam không được thực hiện chức năng làm đại diện cho thương nhân khác, không được cho thuê lại trụ sở văn phòng đại diện đó.
2.2 Hồ sơ thành lập văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam
            Căn cứ theo Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 72/2006/NĐ-CP của Chính phủ ngày 25 tháng 07 năm 2006, thì thương nhân nước ngoài muốn thành lập văn phòng đại diện của mình tại Việt Nam phải chuẩn bị hồ sơ bao gồm như sau:
            Một – Đơn đề nghị cấp giấy phép thành lập văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam theo mẫu MĐ-1 Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư số 11/2006/TT-BTM của Bộ Thương mại ngày 28 tháng 09 năm 2006 do đại diện có thẩm quyền của thương nhân nước ngoài ký.
            Hai – Bản sao giấy đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương khác của thương nhân nước ngoài được cơ quan có thẩm quyền nơi thương nhân nước ngoài thành lập và xác nhận. Trong trường hợp giấy đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương khác có quy đinh thời hạn hoạt động của thương nhân nước ngoài thì thời hạn đó phải còn ít nhất là 01 năm.
            Ba – Báo cáo tài chính có kiểm toán hoặc các tài liệu khác có giá trị tương đương chứng minh được sự tồn tại và hoạt động thực sự của thương nhân nước ngoài trong năm tài chính gần nhất.
            Bốn – Bản sao điều lệ hoạt động của thương nhân (Áp dụng đối với thương nhân nước ngoài là các tổ chức kinh tế)
            Năm – Bản sao hộ chiếu hoặc bẳn sao giấy chứng minh nhân dân nếu là người Việt Nam; Bản sao hộ chiếu nếu là người nước ngoài của người đứng đầu văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam.
            Sáu – Bản sao hợp đồng thuê địa điểm đặt trụ sở văn phòng đại diện của thương nhân nước  ngoài tại Việt Nam. Tuy nhiên trên thực tế thì đối với pháp nhân nước ngoài thì chỉ có hợp đồng thỏa thuận mặt bằng giữ thương nhân nước ngoài và bên cho thuê mặt bằng tại Việt Nam.
            Các giấy tờ bằng tiếng nước ngoài phải được dịch ra tiếng Việt, và phải được cơ quan Đại diện ngoại gia, cơ quan Lãnh sự của Việt Nam ở nước của thương nhân chứng nhận và thực hiện hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật Việt Nam.
            Khi thành lập văn phòng đại diện của mình tại Việt Nam, thương nhân nước ngoài phải gửi thông báo lập văn phòng đại diện tới phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi đặt văn phòng đại diện.
2.3 Cơ quan giải quyết hồ sơ thành lập văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam.
            Sau khi thương nhân nước ngoài đã chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo Nghị định số 72/2006/NĐ-CP của Chính phủ ngày 25 tháng 07 năm 2006 thì trực tiếp nộp hồ sơ tại sở Công thương tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi mà mình muốn đặt trụ sở văn phòng đại diện.
            Sau khi nhận hồ sơ, sở Công thưởng sẽ tiến hành việc kiểm tra tính đầy đủ và tính hợp lệ của các loại giấy tờ có trong hồ sơ đó. Khi kiểm tra xong, nếu hồ sơ hợp lệ, người tiếp nhận hồ sơ sẽ viết giấy hẹn cho thương nhân nước ngoài. Còn nếu hồ sơ không hợp lệ, thì người tiếp nhận hồ sơ sẽ tiến hành trả hồ sơ và trực tiếp hướng dẫn thương nhân nước ngoài bổ sung và hoàn thiện hồ sơ đó.
2.4 Cấp lại, điều chỉnh, gia hạn giấy phép thành lập văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam
2.4.1 Điều kiện để được cấp lại, điều chỉnh và gia hạn giấy phép thành lập văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam.
            Khi có nhu cầu thay đổi một, một số hoặc tất cả các nội dung sau đây trong giấy phép thành lập văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam, thì thương nhân nước ngoài phải có văn bản đề nghị cơ quan cấp giấy phép sử đổi bổ sung giấy phép:
            Một – Thay đổi tên gọi, quốc tịch của thương nhân nước ngoài hoặc là tên gọi của văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam.
            Hai – Tăng số người từ nước ngoài và làm việc tại văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam.
            Ba – Thay đổi nội dung hoạt động của văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam.
            Bốn – Thay đổi địa điểm đặt trụ sở văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam.
            Trong thời hạn không quá 10 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị của thương nhân nước ngoài, cơ quan cấp giấy phép có trách nhiệm cấp cho thương nhân nước ngoài giấy phép mới đã được sửa đổi bổ sung và gửi bản sao giấy phép này cho các cơ quan được gửi bản sao giấy phép thành lập văn phòng đại diện.
            Trường hợp thay đổi địa điểm đặt trụ sở văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực thương mại, hoặc thương mại và du lịch từ một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương này đến một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác, thương nhân nước ngoài phải làm thủ tục đề nghị cấp giấy phép thành lập văn phòng đại diện mới.
Các giấy tờ do cơ quan nước ngoài có thẩm quyền cấp hay xác nhận đối với hồ sơ văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam theo quy định tại Nghị định số 72/2006/NĐ-CP của Chính phủ ngày 25 tháng 07 năm 2006, phải được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật Việt Nam. Các bản gốc tiếng nước ngoài phải được dịch sang tiếng Việt, bản dịch và bản sao phải được công chứng theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Bản sao các giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền Việt Nam cấp hay xác nhận đối với hồ sơ văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam theo quy định tại Nghị định số 72/2006/NĐ-CP của Chính phủ ngày 25 tháng 07 năm 2006 và hướng dẫn tại Thông tư số 11/2006/TT-BTM của Bộ Thương mại ngày 28 tháng 09 năm 2006 phải được công chứng theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Đối với trường hợp xin gia hạn lại giấy phép thành lập văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam thì thương nhân nước ngoài khi có nhu cầu hoạt động tiếp tại Việt Nam dưới hình thức văn phòng đại diện được quy định theo Khoản 1 Điều 14 Nghị định số 72/2006/NĐ-CP của Chính phủ ngày 25 tháng 07 năm 2006.
2.4.2 Hồ sơ cấp lại giấy phép thành lập văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam
            Để có thể cấp lại giấy phép thành lập văn phòng đại diện của mình tại Việt Nam, thương nhân nước ngoài cần phải chuẩn bị hồ sơ bao gồm như sau:
            Một – Đơn đề nghị cấp lại giấy phép thành lập văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam theo mẫu MĐ-3 Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư số 11/2006/TT-BTM của Bộ Thương mại ngày 28 tháng 09 năm 2006.
            Hai – Bản gốc giấy phép thành lập văn phòng đại diện đã được cấp (Trong trường hợp cấp lại giấy phép bị rách, hoặc hỏng hóc, hoặc thay đổi địa điểm trụ sở văn phòng đại diện từ tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương này sang tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác, hoặc khi thay đổi tên gọi, nơi đăng ký của thương nhân từ nước này sang nước khác)
            Ba – Bản sao giấy phép thành lập văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam đã được cấp (trong trường hợp cấp lại giấy phép thành lập văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam theo quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 11 và trường hợp bị mất, tiêu hủy theo quy định tại Khoản 2 Điều 11 Nghị định số 72/2006/NĐ-CP của Chính phủ ngày 25 tháng 07 năm 2006)
            Bốn – Xác nhận của cơ quan đã cấp giấy phép về việc xóa đăng ký văn phòng đại diện tại địa phương cũ (Trong trường hợp cấp lại giấy phép theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 11 Nghị định số 72/2006/NĐ-CP của Chính phủ ngày 25 tháng 07 năm 2006)
            Năm – Bản sao hợp đồng thuê địa điểm mới của văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam (Trong trường hợp điều chỉnh giấy phép quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 11 Nghị đinh số 72/2006/NĐ-CP của Chính phủ ngày 25 tháng 07 năm 2006)
            Sáu – Bản sao giấy đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương khác của thương nhân nước ngoài (Trong trường hợp cấp lại giấy phép theo quy định tại Điểm b, c Khoản 1 Điều 12 Nghị định 72/2006/NĐ-CP của Chính phủ ngày 25 tháng 07 năm 2006). Các loại giấy tờ này phải được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật Việt Nam
            Bảy – Giấy xác nhận thuế thu nhập cá nhân của tất cả nhân sự làm việc tại văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam trong năm gần nhất (Trong trường hợp cấp lại giấy phép theo quy định tại Điểm b, c Khoản 1 Điều 12  Nghị định số 72/2006/NĐ-CP của Chính phủ ngày 25 tháng 07 năm 2006)
            Tám – Bản sao giấy phép lao động của người nước ngoài làm việc tại văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam, trừ trưởng đại diện và các giấy tờ có liên quan đến việc xin giấy phép lao động (Trong trường hợp cấp lại giấy phép theo quy định tại Điểm b, c Khoản 1 Điều 12 Nghị định 72/2006/NĐ-CP của Chính phủ ngày 25 tháng 07 năm 2006).


2.4.3 Hồ sơ gia hạn giấy phép thành lập văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam
            Thủ tục về gia hạn giấy phép thành lập văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam được quy định tại Khoản 2 Điều 14 Nghị định số 72/2006/NĐ-CP của Chính phủ ngày 25 tháng 07 năm 2006; Theo đó hồ sơ bao gồm:
            Một – Đơn đề nghị gia hạn giấy phép thành lập văn phòng đại diện theo mẫu MĐ-4 phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư số 11/2006/TT-BTM của Bộ Thương mại ngày 28 tháng 09 năm 2006 do đại diện có thẩm quyền của thương nhân nước ngoài ký.
            Hai – Bản chính giấy phép thành lập văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam đã được cấp.
            Ba – Báo cáo tài chính hoạt động của văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam tính từ thời điểm thành lập văn phòng đại diện đến thời điểm đề nghị gia hạn. Đối với trường hợp đề nghị gia hạn kể từ lần thứ 2, văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam chỉ thực hiện báo cáo hoạt động từ thời điểm gia hạn gần nhất đến thời điểm đề nghị gia hạn kế tiếp.
2.4.4 Hồ sơ điều chỉnh giấy phép thành lập văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam
            Thương nhân nước ngoài muốn điều chỉnh giấy phép thành lập văn phòng đại diện của mình tại Việt Nam cần phải chuẩn bị hồ sơ như sau:
            Một – Đơn đề nghị sửa đổi, bổ sung giấy phép thành lập văn phòng đại diện theo mẫu MĐ-2 phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư số 11/2006/TT-BTM của Bộ Thương mại ngày 28 tháng 09 năm 2006 do đại diện có thẩm quyền của thương nhân nước ngoài ký.
            Hai – Bản gốc giấy phép thành lập văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Namm đã được cấp.
2.4.5 Hồ sơ gia hạn và điều chỉnh giấy phép thành lập văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam
            Thương nhân nước ngoài muốn gia hạn đồng thời điều chỉnh giấy phép thành lập văn phòng đại diện của mình tại Việt Nam thì cần chuẩn bị hồ sơ như sau:
            Một – Đơn đề nghị gia hạn giấy phép thành lập văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam theo mẫu MĐ-5 phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư số 11/2006/TT-BTM của Bộ Thương mại ngày 28 tháng 09 năm 2006 do đại diện có thẩm quyền của thương nhân nước ngoài ký.
            Hai – Bản chính giấy phép thành lập văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam đã được cấp.
            Ba – Báo cáo tài chính tài chính có kiểm toán hoặc các tài liệu khác có giá trị tương đương chứng minh sự tồn tại và hoạt động thực sự của thương nhân nước ngoài trong năm tài chính gần nhất, được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật Việt Nam.
            Bốn – Báo cáo hoạt động của văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam tính từ thời điểm thành lập đến thời điểm đề nghị gia hạn. Đối với trường hợp đề nghị gia hạn kể từ lần thứ 2, văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam chỉ thực hiện báo cáo hoạt động từ thời điểm gia hạn gần nhất đến thời điểm đề nghị gia hạn kế tiếp.


2.5 Thủ tục khắc con dấu của văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam
            Hồ sơ khác con dấu của văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam phải có giấy phép thầu, giấy phép đầu tư, giấy phép đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam của cơ quan có thẩm quyền cấp. Hồ sơ được nộp tại Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi đặt văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam.
            Người trực tiếp liên hệ với cơ quan Công an để xin làm con dấu, cấp lại giấy chứng nhận đã đăng ký con dấu, mang con dấu từ nước ngoài vào Việt Nam phải có giấy giới thiệu hoặc giấy ủy quyền, kèm theo bản sao giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu. Thủ tục này được quy định tại Thông tư số 07/2010/TT-BCA của Bộ Công an ngày 05 tháng 02 năm 2010.
            Thương nhân nước ngoài muốn mang con dấu từ nước ngoài vào sử dụng cho văn phòng đại diện của mình tại Việt Nam phải có đơn xin phép theo mẫu quy định của Bộ Công an gửi Bộ Công an Việt Nam, nêu rõ lý do, phạm vi sử dụng con dấu, kèm theo ẫu con dấu bao gồm xuất trình bản chính và nộp bản sao có công chứng chứng thực, giấy phép thành lập hoạt động văn phòng đại diện của mình tại Việt Nam được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp, đồng thời phải đăng ký mẫu dấu trước khi sử dụng.
2.6  Mở tài khoản và đăng ký mã số thuế của văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam
2.6.1 Mở tài khoản của văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam
            Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam được phép mở tài khoản chuyên chi bằng ngoại tệ và tài khoản chuyện chi bằng tiền Đồng Việt Nam có gốc ngoại tệ tại Ngân hàng được phép hoạt động tại Việt Nam, và chỉ được sử dụng tài khoản đó vào các hoạt động của Văn phòng đại diện đó. Việc mở, sử dụng và đóng tài khoản của văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam được thực hiện theo các quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
2.6.2 Đăng ký mã số thuế của văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam
            Trong thời hạn 10 ngày kể từ khi có giấy chứng nhận đăng ký văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam. Đại diện hợp pháp của văn phòng đại diện phải tiến hành đăng ký mã số thuế tại Cục thuế tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi đặt đặt văn phòng đại diện đó.
            Hồ sơ đăng ký mã số thuế của văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam bao gồm:
            Một – Tờ khai đăng ký thuế theo mẫu số 02-ĐK-TCT và các bảng kê kèm theo của Thông tư số 80/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 22 tháng 05 năm 2012. Trên tờ khai đăng ký thuế phải ghi rõ mã số thuế gồm 13 số tự nhiên đã được đơn vị chủ quản thông báo.
            Hai – Bản sao giấy chứng nhận thành lập văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam, giấy phép đầu tư nước ngoài của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam.
            Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam chưa có dẫu vẫn được đăng ký, khi nộp hồ sơ kèm theo bản sao giấy hẹn lấy dấu của cơ quan cấp dấu, sau khi có dấu phải nộp bổ sung mẫu dấu theo mẩu của cục thuế.
2.6.3 Mã số thuế cá nhân kèm theo hồ sơ đăng ký mã số thuế của văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam.
            Tờ khai đăng ký thuế thu nhập cá nhân theo mẫu số 05-ĐK-TNCN ban hành kèm theo Thông tư số 80/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 22 tháng 05 năm 2012.
            Bản sao chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu.
            Thủ tục này dùng cho các cá nhận đã kê khai thuế tại cơ quan thuế nhưng chưa có mã số thuế cá nhân do cơ quan thuế cấp.
            Mã số thuế này chỉ được cấp khi đã có mã số thuế của văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam. Trường hợp văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam mới được thành lập, chưa có mã số thuế văn phòng đại diện thì nộp kèm với hồ sơ xin cấp mã số thuế của văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam.
2.6.4 Thủ tục kê khai ban đầu người Việt Nam kê khai theo văn phòng đại diện.
            Hồ sơ kê khai ban đầu cho cá nhân là người Việt Nam mới bắt đầu làm việc tại văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam bao gồm:
            Tờ khai đăng ký thuế thu nhập cá nhân theo mẫu số 02-ĐK-TNCN ban hành kèm theo Thông tư số 80/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 22 tháng 08 năm 2012.
            Bảng kê chi tiết thu nhập thường xuyên.
            Bản sao giấy chứng minh nhân dân
            Bản sao hợp đồng lao động có dấu treo và dấu giáp lai của văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam.
            Mẫu đăng ký người phụ thuộc giảm trừ gia cảnh theo mẫu số 16-ĐK-TNCN ban hành kèm theo Thông tư số 80/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 22 tháng 05 năm 2012. Áp dụng cho trường hợp nếu có đăng ký giảm trừ gia cảnh của người lao động.
            Nộp bảng kê khai thu nhâp thường xuyên và nộp thuế và ngân sách Nhà nước chậm nhất là ngày 20 của tháng kế tiếp theo tháng phát sinh thu nhập.
            Nhận thông báo thuế tại sở Công thương tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nới đặt văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam
2.6.5 Thủ tục kê khai ban đầu người nước ngoài.
            Thủ tục này áp dụng cho cá nhân là người nước ngoài mới phát sinh nghĩa vụ thuế thu nhập cá nhân làm việc tại văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam.
            Bản sao giấy phép thành lập văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam.
            Tờ khai đăng ký thuế mẫu số 05/KK-TNCN ban hành kèm theo Thông tư số 80/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 22 tháng 05 năm 2012.
            Một bản tóm tắt thông tin của người nộp thuế, hoặc là sơ yếu lí lịch của người nộp thuế.
            Bản sao hộ chiếu của người nộp thuế
            Thư bổ nhiệm, hợp đồng lao động gồm 01 bản chính và 01 bản dịch tiếng Việt đã được công chứng. Thư bổ nhiệm và hợp đồng lao động phải nêu rõ ngày được bổ nhiệm, ngày làm việc, lương được hưởng tại Việt Nam (NET hay GROSS), lương được hưởng tại nước ngoài và các khoản phụ cấp, trợ cấp khác. Các khoản phí như phí đi lại, phí nhà ở do cá nhân người nộp thuế hay do thương nhân nước ngoài chi trả.
            Bản sao hợp đồng thuê căn hộ tại Việt Nam của người nước ngoài.
            Nếu ủy quyền cho người khác kê khai thuế, phải có giấy ủy quyền, bản sao giấy chứng minh nhân dân của người được ủy quyền đó.
2.6.6 Thủ tục kê khai thu nhập.
            Khi thay đổi thu nhập trong vòng 10 ngày phải kê khai tại cơ quan thuế. Hồ sơ bao gồm:
Tờ khai đăng ký nộp thuế theo mẫu số 2B/TNTX ban hành kèm theo Thông tư số 60/2007/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 14 tháng 06 năm 2007.
Tờ khai thuế thu nhập cá nhân theo mẫu số 07/KK-TNCN ban hành kèm theo Thông tư số 60/2007/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 14 tháng 06 năm 2007.
Bản chính và bản dịch sang tiếng Việt có công chứng của thư điều chỉnh thu nhập hoặc thư xác nhận thu nhập, hợp đồng lao động (bản sao y của cơ quan có thẩm quyền hoặc là bản chính)
Bản sao hợp đồng thuê căn hộ tại Việt Nam có dấu treo và dấu giáp lai của văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam.
Nếu ủy quyền cho người khác kê khai thì phải có giấy ủy quyền và bản sao giấy chứng minh nhân dân của người được ủy quyền.
2.6.7 Thủ tục kê khai thay đổi hàng tháng.
            Kê khai hàng tháng đối với cá nhân kê khai thông qua văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam thì tờ khai khấu trừ thuế thu nhập cá nhân theo mẫu số 02-KK-TNCN ban hành kèm theo Thông tư số 28/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 28 tháng 02 năm 2011, và bảng kê chi tiết thu nhập thường xuyên.
            Kê khai hàng tháng đối với cá nhân kê khai trực tiếp trong trường hợp cá nhân được chi trả từ ngoài nước thì tờ khai thuế thu nhập cá nhân theo mẫu số 07/KK-TNCN ban hành kèm theo Thông tư số 60/2007/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 14 tháng 06 năm 2007.
2.6.8 Thủ tục quyết toán thuế cá nhân người nước ngoài.
            Hồ sơ về quyết toán thuế cá nhân người nước ngoài làm việc tại văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài bao gồm:
            Tờ khai Quyết toán thuế thu nhập cá nhân mẫu 09/KK-TNCN ban hành kèm theo Thông tư số 28/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 28 tháng 02 năm 2011.
            Phụ lục thu nhập từ tiền lương, tiền công mẫu số 09A/PL-TNCN ban hành kèm theo Thông tư số 28/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 28 tháng 02 năm 2011.
            Phụ lục giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc mẫu 09C/PL-TNCN ban hành kèm theo Thông tư số 28/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 28 tháng 02 năm 2011. Trường hợp này chỉ áp dụng đối với cá nhân người nước ngoài thuộc diện cư trú tại Việt Nam.
            Bản chính thư xác nhận thu nhập năm mẫu số 20/TXN-TNCN ban hành kèm theo Thông tư số 28/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 28 tháng 02 năm 2011 do thương nhân nước ngoài chi trả thu nhập xác nhận và đóng dấu.
            Bảng kê số ngày cư trú của người nước ngoài mẫu số 06-1/TNCN ban hành kèm theo Thông tư số 60/2007/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 14 tháng 06 năm 2007.
            Quyết định nghỉ việc của người nước ngoài làm việc tại văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam.
            Bản sao hợp đồng thuê nhà, thuê căn hộ tại Việt Nam của người nước ngoài có đóng dấu treo, dấu giáp lai của văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam.
            Bản sao hộ chiếu có dấu mộc ngày đến và ngày đi của cá nhân người nước ngoài đó.
            Các chứng từ nộp thuế có dấu treo của văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam.
            Nếu ủy quyền cho người khác đến kê khai thì cần có giấy ủy quyền, bản sao chứng minh nhân dân của người được ủy quyền.
            Hồ sơ nộp thành 02 bộ, một bộ được Sở Công thương tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài đó đóng trụ sở lưu lại, và một bộ sở đóng dáu nhận để cho văn phòng đại diện đó lưu trữ.
2.6.9 Thủ tục quyết toán thuế đối với người Việt Nam làm việc tại văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam.
            Hồ sơ làm thủ tục quyết toán thuế đối với người Việt Nam làm việc tại văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài gồm:
            Tờ khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân mẫu số 05/KK-TNCN ban hành kèm theo Thông tư số 28/2011/TT-BTC của Bộ Tài Chính ngày 28 tháng 02 năm 2011.
            Phụ lục bảng kê thu nhập chịu thuế và thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của cá nhân cư trú có ký hợp đồng lao động mẫu số 05A/KK-TNCN ban hành kèm theo Thông tư 28/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 28 tháng 02 năm 2011.
            Phụ lục bảng kê thu nhập chịu thuế và thuế thu nhập cá nhân đã khấu trừ đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của cá nhân cư trú không ký hợp đồng lao động dưới 3 tháng và cá nhân không cư trú mẫu số 5B/KK-TNCN ban hành kèm theo Thông tư số 28/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 28 tháng 02 năm 2011.
            Chứng từ nộp thuế của người Việt Nam làm việc tại văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam có dấu treo của văn phòng đại diện đó.
            Khi nộp hồ sơ, văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam phải nộp 02 bộ cho sở công thương tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi đặt văn phòng đại diện đó. Một bộ hồ sơ được sở công thương lưu lại, còn một bộ sẽ được sở công thương đóng dấu nhận để cho văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam lưu trữ.
2.7 Đóng cửa văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam.
            Đối với trường hợp văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam chấm dứt hoạt động theo đề nghị của thương nhân nước ngoài, hoặc theo pháp luật của nước nơi thương nhân đó thành lập hoặc đăng ký kinh doanh; Hoặc hết thời hạn hoạt động theo giấy phép thành lập văn phòng đại diện mà thương nhân nước ngoài không đề nghị gia hạn.
            Trong thời hạn ít nhất 30 ngày trước ngày dự kiến chấm dứt hoạt động của văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam, thương nhân nước ngoài gửi thông báo dự kiến chấm dứt hoạt động của văn phòng đại diện của mình theo mẫu TB-1, phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư số 11/2006/TT-BTM của Bộ Thương Mại ngày 28 tháng 09 năm 2006 đến sở Công thương tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi đặt trụ sở của văn phòng đại diện đó, các chủ nợ, người lao động trong văn phòng đại diện đó, người có quyền nghĩa vu, lợi ích liên quan khác. Thông báo này phải được niêm yết công khai tại trụ sở của văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam. Và đăng báo viết hoặc báo điện tử được phép phát hành tại Việt Nam trong 03 số liên tiếp.
            Ít nhất là 15 ngày trước khi văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam chấm dứt hoạt động, thương nhân nước ngoài và văn phòng đại diện đó có nghĩa vụ thanh toán xong các khoản nợ và các nghĩa vụ khác đối với nhà nước, tổ chức, cá nhân liên quan ttheo quy định của pháp luật Việt Nam. Sauk hi hoàn thành các nghĩa vụ trên, thương nhân nước ngoài gửi thông báo chấm dứt hoạt động đến cơ quan cấp phép, đính kèm hồ sơ gồm:
            Một – Bản chính giấy phép thành lập văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam đã được cấp.
            Hai – Giấy biên nhận của cơ quan báo viết hoặc báo điện tử về việc dự kiến chấm dứt hoạt động của văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam, hoặc các giấy tờ khác chứng minh việc đã đăng báo.
            Ba – Bản sao giấy tờ chứng minh văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam đã hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ thuế, tài chính với nhà nước Việt Nam, chủ nợ, người lao động trong văn phòng đại diện đó (Cụ thể là giấy xác nhận hoàn thành nghĩa vụ thế thu nhập cá nhân của trưởng phòng đại diện và người lao động của văn phòng đại diện đó, hoàn thành nghĩa vụ về tài chính đối với người lao động của văn phòng đại diện đó, thanh lý hợp đồng thuê nhà, đóng tài khoản ngân hàng của văn phòng đại diện đó, và trả con dấu của văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam.
            Đối với trường hợp hết thời hạn hoạt động theo giấy phép thành lập văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam mà không được cơ quan cấp giấy phép chấp thuận gia hạn, hoặc bị thu hồi giấy phép thành lập văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam do có hành vi vi phạm quy định của Nghị định số 72/2006/NĐ-CP ngày 25 tháng 07 năm 2006 của Chính phủ.
            Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày quyết định không gia hạn giấy phép thành lập văn phòng đại diện của thương nhận nước ngoài tại Việt Nam, hoặc ngày quyết định thu hồi giấy phép, cơ quan cấp phép phải công bố trên báo viết hoặc báo điện tử được phép phát hành tại Việt Nam trong 03 số liên tiếp về việc chấm dứt hoạt động của văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam. Và nêu rõ thời điểm chấm dứt hoạt động của văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam.
            Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày chấm dứt hoạt động của văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam, thương nhân nước ngoài có nghĩa vụ thanh toán xong các khoản nợ và các nghĩa vụ khác với nhà nước, tổ chức, cá nhân liên quan theo quy định của pháp luật Việt Nam. Sau khi hoàn thành các nghĩa vụ trên, thương nhân nước ngoài gửi thông báo chấm dứt hoạt động theo mẫu TB-2, phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư số 11/2006/TT-BTM của Bộ Thương Mại ngày 28 tháng 09 năm 2006 đến cơ quan cấp giấy phép, đính kèm hồ sơ gồm:
            Một – Bản chính giấy phép thành lập văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam đã được cấp.
            Hai – Giấy biên nhận của cơ quan báo viết hoặc báo điện tử về việc dự kiến chấm dứt hoạt động của văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam, hoặc cá giấy tờ khác chứng minh việc đã đăng báo.

            Ba – Bản sao giấy tờ chứng minh văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài đã hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ thuế, tài chính với Nhà nước Việt Nam, chủ nợ, người lao động trong văn phòng đại diện đó. Cụ thể là giấy xác nhận hoàn thành nghĩa vụ thuế thu nhập cá nhân của trưởng phòng đại diện và người lao động trong văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam, thanh lý hợp đồng thuê trụ sở văn phòng đại diện, đóng tài khoản của văn phòng đại diện, trả con dấu của văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam.

No comments

Có Thể Bạn Chưa Xem

Tin Nóng

Powered by Blogger.