Chuyến công du Hoa Kỳ của Nguyễn Phú Trọng chủ yếu mang tính biểu tượng
Trần Quang Thành (Danlambao) - Từ ngày 6 đến 10/7/2015, ông Nguyễn Phú Trọng có chuyến công du Hoa Kỳ. Đây là lần đầu tiên Tổng bí thứ đảng CSVN thăm Hoa Kỳ theo mời của Chính phủ Mỹ.
Ngày 7/7, tại phòng Bầu Dục của Nhà Trắng Tổng thống Obama đã tiếp Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Từ Hà Nội, tiến sĩ Nguyễn Quang A bình luận cuộc viếng thăm này và cho rằng nó chủ yếu mang tính biểu tượng.
Phóng viên Trần Quang Thành thực hiện cuộc phỏng vấn. Nội dung như sau, mời quí vị cùng nghe trong clip ở trên hay bài ở dạng viết dưới đây:
Trần Quang Thành: Chào Tiến sĩ Nguyễn Quang A.
Nguyễn Quang A: Vâng, chào anh.
TQT: Thưa Tiến sĩ Nguyễn Quang A, ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư đảng CSVN đã có cuộc viếng thăm Hoa Kỳ trong 4 ngày, được dư luận trong ngoài nước rất quan tâm. Hai bên đã ra Tuyên bố về tầm nhìn chung Việt Nam-Hoa Kỳ. Ông đánh giá sao về bước phát triển mới này của quan hệ Việt-Mỹ?
NQA: Tôi nghĩ chuyến viếng thăm của ông Nguyễn Phú Trọng sang Mỹ lần này có tính biểu tượng cao. Nó cũng là kết quả của một quá trình phát triển quan hệ Việt-Mỹ suốt 20 năm vừa qua, nhất là mấy năm gần đây. Nhiều người hỏi tôi trước khi ông ấy đi là có bước đột phá gì không? Tôi nói: Không có nhiều đột phá. Tuy nhiên nó là bước cải thiện quan trọng mối quan hệ Việt-Mỹ. Tôi thấy cuộc gặp của Tổng thống Obama với ông Trọng tại phòng Bầu Dục của Nhà Trắng nó có tính biểu tượng là chính. Những nội dung của Tuyên bố tầm nhìn chung tất cả đều đã được biết trước rồi. Cái cụ thể hơn là một vài bản ghi nhớ, thêm một bản ghi nhớ về quân sự đó là vấn đề Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình, rồi việc trao giấy phép cho Citybank, cho đại học Fulbright. Tôi nghĩ những cái đó chỉ có ính chất phụ họa vào thôi, chứ không có gì là đột phá cả. Tất cả nội dung trước theo tôi biết và tôi nghĩ dư luận cũng biết cơ bản là như thế, kể cả bản ghi nhớ về thỏa thuận hợp tác quốc phòng mà ông Bộ trưởng Phùng Quang Thanh và ông bộ trưởng quốc phòng Mỹ ký tháng 6 vừa rồi, Như vậy có thể thấy tất cả những cái đó nó là một sự tiếp tục, nó là một sự đánh dấu tượng trưng cho bước phát triển. Tôi không nghĩ cuộc viếng thăm này mang lại một cái gì đột phá trong quan hệ giữa hai nước cả.
Có một điểm tôi nghĩ phía Việt Nam rất muốn nhấn mạnh như trong bài phát biểu của ông Trọng trong buổi chiêu đãi của Phó Tổng thống Joe Biden trưa 7/7, đã nhấn mạnh đên việc tôn trọng thể chế chính trị của nhau. Tôi nghĩ điều ấy về phía Hoa Kỳ không có gì là lạ. Hoa Kỳ cũng đã từng tôn trọng rất nhiều chế độ độc tài. Họ cũng có quan hệ rất thân thiện với rất nhiều chế độ độc tài từ trước đên nay và tôi nghĩ bây giờ cũng như thế. Nhưng mà về phía Việt Nam rất muốn nhấn mạnh điểm này nhằm mục đích làm tăng cái tính chính đáng của mình và tăng uy tín của mình.
TQT: Có người nghĩ rằng qua chuyến đi này ông Trọng sẽ lấy lại được uy tín của mình, đỡ bị mang tiếng là bảo thủ, là giáo điều. Ông nghĩ sao điều này?
NQA: Tôi nghĩ về mặt bề ngoài qua cách tiếp xúc, cách ăn nói của ông ấy người ta có thể suy nghĩ như vậy. Nhưng tôi nghĩ phải xem thực chất của vấn đề nó như thế nào? Bởi vì những quan điểm hết sức lỗi thời vẫn còn đang ở trong Hiến pháp Việt Nam; vẫn còn trong dự kiến sắp tới của đảng CSVN cũng như việc chuẩn bị bị cho đại hội tới của đảng CSVN và chính Nguyễn Phú Trọng kiên quyết đòi phải tuân theo câu chữ của Luận cương 1991. Trong đó vẫn giữ nguyên những điều mà người ta có thể gán cho ông cái tiếng là bảo thủ. Tôi nghĩ với sự xuất hiện trên phương tiện thông tin đại chúng thì hình ảnh và lời nói nó có thể cải thiện được hơn một chút. Nhưng với những người tìm hiểu kỹ lưỡng, tôi nghĩ ông ấy không cải thiện được nhiều đâu.
TQT: Lâu nay trong dư luận quốc tế, hay là ở Việt Nam người ta thường hay nói là ở Việt Nam có hai phe: Một phe bảo thủ tức là phe đảng do ông Nguyễn Phú Trọng đứng đầu; một phe cấp tiến, cải cách là phe chính phủ do ông Nguyễn Tấn Dũng cầm đầu. Vậy qua cuộc đi thăm Mỹ lần này này phải chăng phe bảo thủ và phe cấp tiến họ sẽ nhích lại gần nhau hơn; nó sẽ có điều gì khác hơn thưa Tiến sĩ Nguyễn Quang A?
NQA: Tôi nghĩ là khuôn khổ cách phân tích là phân ra có phe bảo thủ, phe cấp tiến đó là công cụ phân tích của phương Tây. Áp vào tình hình Việt Nam tôi nghĩ đôi khi nó không có phù hợp. Từng người chúng ta có thể nói như thế: người này cấp tiến hơn hay là bảo thủ hơn. Nhưng mà cũng chỉ ở một số khía cạnh nào đó. Bởi vì họ có thể là cấp tiến về mặt này nhưng mà họ lại bảo thủ về mặt kia. Tình hình nó phức tạp hơn là phân đôi cấp tiến hay bảo thủ. Có những khía cạnh tất cả họ không trừ ai cả đều là bảo thủ. Có những khía cạnh họ đều là cấp tiến. Cái khổ giữa bảo thủ và cấp tiến nó là một cái khổ dài. Nó có tính tương đối liên tục. Chứ không phải là chỉ có sự phân đôi rời rạc.
TQT: Nhìn vào hình thức đón tiếp của Nhà Trắng, của Tổng thống Obama đối với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, người ta thấy đó là một hình thức đón tiếp khá trọng thị, khá đặc biệt, nhưng mà cũng có người nói rằng hãy đợi đấy những gì sẽ diễn ra trong tương lai. Tiến sĩ Nguyễn Quang A nhìn nhận gì về vấn đề này?
NQA: Tôi nghĩ người Mỹ họ rất thực dụng. Họ không câu nệ về ý thức hệ. Họ cũng không câu nệ về vấn đề nghi lễ. Cái quan trọng nhất đối với họ là lợi ích của Hoa Kỳ. Nếu mà những mối quan hệ như thế nào đó mà vun đắp tốt cho mối quan hệ của Hoa Kỳ thì họ trân trọng. Tôi nghĩ cuộc tiếp của Tổng thống Obama đối với ông Nguyễn Phú Trọng dự kiến kéo dài có 45 phút mà nó quá thời gian điều đó nó phản ánh sự thực mối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ có sự phát triển rất là tốt trong thời gian vừa qua và khá là quan trọng dối với nhau. Tất nhiên mối quan hệ đó rất là quan trọng đối với Việt Nam; cũng quan trọng đối với Hoa Kỳ ở trong thế cờ tổng thể của họ trên thế giới. Tôi nghĩ những lợi ích chung đó nó giải thích cho sự đón tiếp nồng hậu khá là cởi mở đó.
TQT: Bước tiến trong quan hệ Việt-Mỹ qua chuyến đi của ôngTổng bí thứ Nguyễn Phú Trọng lần này có mang lại tốt đẹp gì cho các tổ chức xã hội dân sự, cũng như nhân quyền ở Việt Nam không thưa tiến sĩ?
NQA: Nó có nhiều tác động. Tác động chúng tôi nghĩ quan hệ Việt Nam và Hoa Kỳ mà tốt lên nó có lợi cho hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự về mọi mặt. Tuy nhiên như lúc đầu tôi nói cuộc đi thăm này nó có thể tạo ra cảm giác đối với mọi người là Hoa Kỳ cũng coi việc nhân quyền, dân chủ chỉ là một nhân tố mà thôi. Điều đó là thực bởi vì lợi ích của Hoa Kỳ có nhiều thứ từ an ninh trên thế giới đến an ninh trong khu vực; kinh tế; khoa học kỹ thuât. Đủ mọi thứ. Trong đó có vấn đề về nhân quyền giá trị về các vấn đề dân chủ. Những người hoạt động trong xã hội dân sự phải luôn luôn lưu ý vấn đề nó là như vậy. Không chỉ vấn đề xã hội dân sự, vấn đề nhân quyền, dân chủ là vấn đề duy nhất. Luôn luôn chúng ta phải ý thức được điều đó. Cuộc tiếp đón này có thể tạo ra một cảm tưởng là nó sẽ gây ra khó khăn cho hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự. Bởi vì phía chính quyền rất là vui mừng nói là Mỹ công nhận thể chế chính trị của họ. Nhân quyền có bàn đến nhưng còn nhiều bất đồng và còn tiếp tục thảo luận. Trong tình hình như thế có thể có cảm tưởng về tinh chính đáng của cái hệ thống này nó được Mỹ công nhận. Đấy là cách mà bộ máy tuyên truyền của hệ thống này họ muốn nói như vậy. Những tổ chức xã hội dân sự nếu mà hoạt động một cách tích cực vạch rõ tình hình thực nó là như thế này không phải là như các ông tuyên truyền. Cũng không phải là Mỹ người ta chấp nhận, người ta hài lòng về cái chuyện như vậy. Nếu nhìn như thế và có một cách hoạt động phù hợp tôi nghĩ xã hội dân sự vẫn có cơ hội phát triển mạnh lên.
TQT: Nhìn về tương lai Tiến sĩ Nguyễn Quang A thấy thế nào vể khả năng tham chính của các tổ chức xã hội dân sự trong thể chế của nhà nước cộng sản hiện nay?
NQA: Tôi nghĩ là những người gọi là xã hội dân sự sẽ không tham chính theo cái nghĩa là tham gia vào chính quyền. Người tham chính phải là những chính trị gia hoặc là các đảng chính trị. Tôi nghĩ ngày nào còn chế độ độc tài toàn trị này; người ta chưa chấp nhận đa nguyên thì những chính trị gia đối lập hoặc các đảng chính trị đối lập mà vẫn còn bị coi là bất hợp pháp, sẽ không có khả năng tham chính. Còn những người nào hoạt động trong các tổ chức xã hội dân sự mà muốn tham chính thì tôi khuyên họ nên thôi hoạt động xã hội dân sự. Họ chuyển sang hoạt động chính trị; hoạt động đảng chính trị thì hơn.
TQT: Xin cảm ơn Tiến sĩ Nguyễn Quang A.
11.07.2015
Post a Comment