HD-981 và ba mũi giáp công của Trung Quốc nhắm vào Việt Nam

Trọng Nghĩa (RFI) - ...Sự chuyển dịch của giàn khoan HD-981 đã nêu bật tình trạng Việt Nam đang phải chịu đến ba "mũi giáp công" của Trung Quốc; hai mũi trên Biển Đông là các cứ điểm quân sự đã và đang hoàn thành của Trung Quốc trên Biển Đông đặt ở hai vị trí yết hầu là Hoàng Sa và Trường Sa, và mũi thứ ba trên bộ là từ vùng biên giới với Cam Bốt ở phía Tây nam Việt Nam. Chiến lược chung của Trung Quốc, tuy nhiên, lại là "giương đông kích tây", gây huyên náo tại vùng biên giới Việt Nam-Cam Bốt, đưa giàn khoan xuống gần Vịnh Bắc Bộ để thu hút sự chú ý của mọi người, trong lúc vẫn im lìm tiến hành xây dựng căn cứ quân sự tại vùng Trường Sa, đặt khu vực và thế giới vào tình thế sự đã rồi khi Trung Quốc hoàn tất công việc của mình... 

*

Ngày 25/06/2015, Bắc Kinh bất ngờ sử dụng trở lại biểu tượng của thái độ quyết đoán của Trung Quốc đối với Việt Nam tại Biển Đông: Giàn khoan nước sâu HD-981. Giàn khoan mà Trung Quốc đã cho hạ đặt trong vùng thềm lục địa của Việt Nam vào tháng Năm năm 2014, lần này cũng được đưa xuống Biển Đông, hướng về phía Việt Nam, nhưng nằm sát khu vực Vịnh Bắc Bộ. 

Đối với giới phân tích, mục tiêu hù dọa Việt Nam của Trung Quốc quả thật đã rõ ràng, vì hành động di chuyển giàn khoan được tiến hành và loan báo đúng vào thời điểm Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng chuẩn bị đi Mỹ, trong một chuyến đi được đánh giá là lịch sử, có khả năng đưa quan hệ Hà Nội - Washington chuyển sang một giai đoạn mới, điều mà Bắc Kinh không hề mặn mà. 

Ý nghĩa gây sức ép lại càng mạnh hơn trong bối cảnh Trung Quốc, bất chấp những lời phản đối của quốc tế, vẫn tiếp tục xúc tiến các công trình xây cất trên các đảo nhân tạo mà họ bồi đắp lên từ những bãi ngầm hay rạn san hô ở vùng quần đảo Trường Sa, những thực thể mà họ đã đánh chiếm từ tay Việt Nam và Philippines hàng chục năm trước đây. Điểm hệ trọng là Bắc Kinh đang cho xây dựng những cơ sở có thể dùng vào mục tiêu quân sự trên các đảo nhân tạo đó. 

Trả lời phỏng vấn của Ban Việt Ngữ RFI, Giáo sư Ngô Vĩnh Long (Đại học Maine Hoa Kỳ) đã ghi nhận ý đồ của Trung Quốc muốn hù dọa Việt Nam khi cho di chuyển giàn khoan HD-981 xuống gần Việt Nam, bên cạnh hai mục tiêu khác là: (1) thăm dò phản ứng của Việt Nam; (2) đánh lạc hướng dư luận thế giới đang chú mục vào việc Trung Quốc xây căn cứ quân sự tại Trường Sa. 

Hù dọa để Việt Nam không xích lại gần Mỹ 

Điều khiến Bắc Kinh quan ngại là Việt Nam có thể thắt chặt thêm quan hệ với Mỹ nhân chuyến thăm của ông Nguyễn Phú Trọng, và theo Giáo sư Long, mục tiêu hù dọa đó sẽ thất bại. Thậm chí, như nhận xét của hãng tin Anh Reuters, việc Trung Quốc viện đến giàn khoan HD-981 còn có tác dụng củng cố thêm ý muốn siết chặt quan hệ với Mỹ của Việt Nam. 

Đối với giáo sư Ngô Vĩnh Long, sự chuyển dịch của giàn khoan HD-981 đã nêu bật tình trạng Việt Nam đang phải chịu đến ba "mũi giáp công của Trung Quốc; hai mũi trên Biển Đông là các cứ điểm quân sự đã và đang hoàn thành của Trung Quốc trên Biển Đông đặt ở hai vị trí yết hầu là Hoàng Sa và Trường Sa, và mũi thứ ba trên bộ là từ vùng biên giới với Cam Bốt ở phía Tây nam Việt Nam. 

Chiến lược chung của Trung Quốc, tuy nhiên, theo giáo sư Long, lại là "giương đông kích tây", gây huyên náo tại vùng biên giới Việt Nam-Cam Bốt, đưa giàn khoan xuống gần Vịnh Bắc Bộ để thu hút sự chú ý của mọi người, trong lúc vẫn im lìm tiến hành xây dựng căn cứ quân sự tại vùng Trường Sa, đặt khu vực và thế giới vào tình thế sự đã rồi khi Trung Quốc hoàn tất công việc của mình. 

Để đối phó với mưu toan áp đặt sự đã rồi của Trung Quốc trên Biển Đông, ngoài việc phải vận động công luận trong và ngoài nước, Giáo sư Long cho rằng Việt Nam cần mạnh dạn tham gia các cuộc tuần tra chung trên Biển Đông, cùng với các nước khác như Mỹ, Nhật, Úc... 

HD-981 hiện gần Việt Nam hơn năm 2014 

Ngô Vĩnh Long: Theo một số bài báo, tính đến ngày 1 tháng 7 năm 2015 thì giàn khoan Hải Dương 981 đã được neo ở cách đường ranh giới phân định Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc khoảng 1 hải lý. Nếu đúng, thì vị trí của giàn khoan kỳ này gần đất liền Việt Nam hơn rất nhiều so với điểm Trung Quốc đã đặt giàn khoan này vào tháng 5 năm 2014. 

Tôi nghĩ Trung Quốc họ muốn trêu chọc Việt Nam. Nếu chia từ Hải Nam đến Việt Nam, thì trong vùng Vịnh Bắc Bộ, nó nằm 1 hải lý về phía bên Trung Quốc chứ chưa nằm bên phía Việt Nam. 

Ba mục đích: Gài bẫy, đánh lạc hướng, hù dọa 

Ngô Vĩnh Long: Theo tôi, Trung Quốc để giàn khoan ở đó để nhử, nếu Việt Nam phản ứng thì họ sẽ nói: "Thấy không? Mình đang neo cái giàn khoan này ở trong vị trí của đất mình, mà bọn Việt Nam lại la lối um xùm!". 

Rồi nếu các nước khác ủng hộ Việt Nam, thì Trung Quốc cũng nói là mọi người đều xúm lại bắt nạt Trung Quốc, Trung Quốc là một nạn nhân, Trung Quốc không thể để cho bị bắt nạt mãi, cho nên Trung Quốc phải cứng rắn hơn! 

Tôi nghĩ đó cũng là lý do vì sao Trung Quốc mới ra cái đạo luật bảo vệ an ninh quốc gia, nói rằng Trung Quốc không thể bị bắt nạt mãi, nếu ai bắt nạt họ thì họ sẽ phải cứng rắn hơn, sẽ dùng võ lực đánh các nước khác để bảo vệ quyền lợi của Trung Quốc... Vấn đề đưa giàn khoan vào sát gần Việt Nam là một cái cớ để đưa ra luật đó, và dùng luật đó như là một bước mới để lấn chiếm Biển Đông. 

Mục đích thứ hai là đánh lạc hướng dư luận thế giới để Trung Quốc có thể tiếp tục hoàn tất các cơ sở quân sự trên các đạo nhân tạo mà Trung Quốc đã bồi đắp ở Trường Sa. 

Và mục đích thứ ba, mà tôi cho là mục đích chính, là để hù dọa Việt Nam trước chuyến thăm Mỹ của Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng, ngỏ hầu Việt Nam sẽ không dám siết chặt thêm quan hệ với Mỹ. 

Quan hệ Việt-Mỹ vẫn sẽ được siết chặt thêm 

Ngô Vĩnh Long: Chuyến đi của ông Nguyễn Phú Trọng sẽ siết chặt thêm một mức mối quan hệ với Mỹ. 

(1) Ông ấy là nhân vật chóp bu của đảng cầm quyền ở Việt Nam, cho nên cuộc viếng thăm Mỹ có tính cách biểu tượng rất quan trọng trong thời điểm hiện tại. Mỹ và Việt Nam muốn chứng minh rằng quan hệ giữa hai nước đang được củng cố chủ yếu là vì lợi ích của hai nước và an ninh chung của khu vực. 

Đối với Mỹ, việc này gởi thông điệp đến nhiều người “chống Cộng” ở Mỹ là ý thức hệ không còn là rào cản đối với nỗ lực phát triển quan hệ giữa hai nước. 

(2) Chuyến đi, dù chỉ có hai ngày, nhưng khẳng định bản Tuyên bố chung về Tầm nhìn Chiến lược mà Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter và Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam đã ký đầu tháng Sáu năm nay (2015) và như thế sẽ giúp đưa quan hệ Việt-Mỹ tiến đến mục tiêu “đối tác chiến lược toàn diện.” 

(3) Chuyến đi cũng sẽ giúp cho việc vận động dư luận Mỹ ủng hộ hiệp định “Đối tác Xuyên Thái Bình Dương” (Trans-Pacific Partnership, TPP)... Nếu được thông qua, hiệp định này sẽ có lợi cho Việt Nam và Mỹ trên nhiều mặt, trong đó có việc phát triển kinh tế và củng cố an ninh cho toàn khu vực Đông Nam Á. 

Việt Nam đang bị 3 gọng kềm: Hoàng Sa, Trường Sa, biên giới Cam Bốt 

Ngô Vĩnh Long: Nếu chỉ tính Biển Đông, Việt Nam đang nằm giữa hai gọng kềm. Giàn khoan HD-981 chỉ là công cụ Trung Quốc xê dịch để thách thức, chứ quan trọng nhất là việc Trung Quốc đã chiếm Hoàng Sa, đã xây dựng cơ sở quân sự trên đó, thành lập thành phố Tam Sa trên đó để từ đó chỉ huy toàn bộ khu vực Biển Đông. 

Cho nên, dù không có giàn khoan HD-981 được đẩy tới, đẩy lui, thì trên thực tế, Hoàng Sa với những cơ sở quân sự đó, đã là một cái gọng kềm gần Việt Nam nhất. Trong mấy năm qua, chúng ta đã nói nhiều lần là phải chú ý đến Hoàng Sa, một cái yết hầu của toàn Biển Đông... 

Hiện nay, ngoài Hoàng Sa, Trung Quốc lại lập cơ sở quân sự trên 7 đảo ở Trường Sa, và tôi nghĩ là Trung Quốc sẽ không ngừng ở đó, mà sẽ tiếp tục. 

Để có thể tiếp tục, Trung Quốc đã mở một mũi (tấn công) khác: Thúc đẩy gây rối ở vùng biên giới phía Tây nam của Việt Nam, tức là vùng biên giới với Cam Bốt. 

Đúng là Việt Nam đang bị “3 mũi giáp công” của Trung Quốc, hai mũi từ biển (Hoàng Sa, Trường Sa) và một mũi từ đất liền, (biên giới Tây nam với Cam Bốt). Đây là chiến lược “giương đông kích tây” của Trung Quốc. 

Báo chí gần đây có nói đến sự cố ở cột mốc 203 ở biên giới Tây Nam... Tôi nghĩ đây không phải là vấn đề ngẫu nhiên. Những nhà nghiên cứu vấn đề dọc biên giới Việt Nam đã thấy là trong mấy tháng gần đây căng thẳng đã có ở hầu như gần hết tuyến biên giới giữa Cam Bốt và Việt Nam trong khi Trung Quốc đang bồi đắp các bãi chìm ở Trường Sa và xây dựng các căn cứ quân sự. 

Chiến lược giương đông kích tây 

Thành ra Trung Quốc rõ ràng là có chiến lược giương đông kích tây, làm cho nhiều người không hiểu là mục đích chính của Trung Quốc là gì. Theo tôi, đó là tiếp tục xây căn cứ ở Trường Sa, 

Các căn cứ này có cảng nước sâu có thể giấu tàu ngầm ở đó, có ăng ten liên lạc vệ tinh, có tháp radar, v.v. 

Việc quân sự hóa các đảo nhân tạo này không những là đe dọa đối với Việt Nam và các nước nhỏ khác trong khu vực mà còn là thách thức đối với những nước ngoài khu vực, đặc biệt là đối với Mỹ. 

Từ bốn, năm năm nay, Trung Quốc đã cố ý thách thức Mỹ, chĩa mũi dùi vào Mỹ, bởi vì nếu Mỹ im lặng hay nhẹ tay thì Trung Quốc sẽ tiếp tục lấn lướt. Cho nên, tôi thấy phản ứng (cứng rắn) của Mỹ mấy tháng gần đây là đúng hướng, vì nếu không thì Trung Quốc sẽ cứ tiếp tục khiêu khích, cứ tiếp tục xâm chiếm. 

Trung Quốc sẽ tiếp tục "tằm ăn dâu" để áp đặt "sự đã rồi" 

Ngô Vĩnh Long: Tôi nghĩ sắp tới đây Trung Quốc sẽ tiếp tục những động thái “tầm ngặm dâu” (salami slicing). Họ nghĩ rằng nếu cứ hai bước tiến, một bước lùi nhẹ nhàng, không thách thức mạnh lắm, thì họ sẽ dần dần chiếm được Biển Đông, dần dần tạo ra được tình trạng « sự đã rồi » (fait accompli). 

Theo tôi, Mỹ và các đồng minh phải vận động các nước trong khu vực cùng nhau tuần tra trên Biển Đông cũng như xung quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã và đang xây các căn cứ quân sự. Nếu không thì Trung Quốc và nhiều nước trên thế giới coi như là Việt Nam, Mỹ, hay là các nước khác đã chấp nhận "sự đã rồi". 

Trong trường hợp đó thì Trung Quốc càng làm tới và Mỹ sẽ mất rất nhiều uy tín. Nếu Mỹ mất uy tín, Trung Quốc sẽ cứ tấn công tới. Thành ra những động thái của Mỹ như trong vài tháng nay, đặc biệt là nâng cấp hợp tác quân sự với Việt Nam, đã đi đúng hướng, và tỏ ra là Mỹ đã có thái độ rõ ràng và cương quyết. 

Khi mà Mỹ đã làm việc đó rồi thì Mỹ không thể lùi được, vì lùi sẽ bị xem là con hổ giấy, khiến cho các nước khác trong khu vực, kể cả Việt Nam, nói rằng Mỹ không đáng tin cậy. Và như vậy thì Mỹ, vốn đã tốn rất nhiều công, sẽ không được gì. 

Cho nên tôi nghĩ rằng quan hệ Mỹ-Việt sẽ càng ngày càng được siết chặt, việc mời ông Nguyễn Phú Trọng là một biểu tượng, để cho thấy rằng hai bên sẵn sàng bỏ qua vấn đề ý thức hệ, hay tạm gác những vấn đề chưa đồng ý, để có thể cùng nhau bảo vệ lợi ích của nhau, cũng như của những nước khác trong khu vực. 

Việt Nam đã bắt đầu có tiếng nói rõ ràng và kiên quyết hơn 

Ngô Vĩnh Long: Ba tờ báo Việt Nam như Vnexpress, Vietnamnet, Giáo Dục Việt Nam, dường như mỗi tuần đều có bài nói về vấn đề Biển Đông. Ngoài ra; vừa qua có một bộ phim 5 tập, được chiếu ở Việt Nam rồi được đưa lên Youtube và một vài chỗ khác. Rõ ràng là Chính phủ Việt Nam nghĩ rằng bây giờ phải tích cực vận động quần chúng trong nước. Và dư luận thế giới, vì bây giờ cũng có nhiều bài của một số người trong nước, viết bằng tiếng Anh, gởi đăng trên các báo nước ngoài. 

Tôi thấy rằng Việt Nam đang có tiếng nói rõ ràng và cương quyết, và điều đó rất quan trọng vì Việt Nam có lãnh thổ và lãnh hải dài nhất trong khu vực Biển Đông, nếu Việt Nam không lên tiếng thì khó có thể giúp các nước như Mỹ vận động quần chúng họ để ủng hộ Việt Nam, để bảo vệ quyền lợi các nước xung quanh Biển Đông. 

Nên tuần tra chung với Mỹ, Nhật, Philippines... 

Trước mắt, Việt Nam nên tham gia các hoạt động tuần tra chung với Mỹ, Nhật, Úc, Phillippines, Ấn độ, Hàn Quốc, trên Biển Đông. Nếu một mình Việt Nam thì khó có thể bảo vệ lợi ích của Việt Nam, mà Việt Nam tuần tra một mình, thì Trung Quốc có thể tạo các sự cố, rồi lại bắt nạt Việt Nam. 

Nhưng nếu Việt Nam tham gia các hoạt động tuần tra chung với các nước như tôi vừa kể, thì tôi nghĩ rằng Trung Quốc sẽ phải e dè. Họ có thể đánh một nước như Việt Nam hay Philippines được, nhưng khó có thể đánh những nước lớn khác mà không bị thiệt thòi. 


No comments

Có Thể Bạn Chưa Xem

Tin Nóng

Powered by Blogger.