Thông điệp của Hoa Kỳ khi mời Tổng Trọng: đi với Mỹ, đảng sẽ sống!?

Danlambao - Việc Tổng thống Hoa Kỳ đi ra ngoài truyền thống ngoại giao, đồng ý gặp Tổng bí thư đảng CSVN tại Tòa Bạch Ốc, tiếp đón một người không giữ vị trí chính thức trong chính phủ là một thông điệp chính trị có tính đoán. Thông điệp đó là: Chính quyền Obama công nhận vai trò lãnh đạo độc tài của đảng cộng sản và tư thế lãnh tụ của ông Nguyễn Phú Trọng.

Hành động tiếp đón Nguyễn Phú Trọng của Obama tại phòng Bầu Dục đã bị Dân biểu Zoe Lofgren đặt vấn đề, thái độ "trọng thị" dành cho người đứng đầu một đảng độc tài, đã vi phạm nhân quyền trầm trọng trong suốt nhiều năm qua, đã bị nhiều nhà tranh đấu nhân quyền phê phán và cho đó là một phần thưởng không đáng cho cái giá phải trả.

Việc tiếp đón và thông điệp bảo đảm an toàn chính trị của Hoa Kỳ đối với đảng CSVN là kết quả của một tiến trình đàm phán lâu dài. Không ai biết rõ nội dung chi tiết từ đầu đến cuối của tiến trình đàm phán này - đằng sau cánh gà sân khấu chính trị Hoa Kỳ đã đòi hỏi những gì, đảng cộng sản tương nhượng nhiều hay ít???

Tuy nhiên người ta có thể thấy được những kết quả như sau:

1. Phùng Quang Thanh, người đứng đầu lực lượng quân đội và là kẻ thần phục, nịnh bợ Bắc Kinh nhất bị gạt ra khỏi sân khấu chính trị, ra khỏi mọi hoạt động quốc phòng, ngoại giao, lễ lạc.

2. Đoàn tùy tùng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, một tay giáo điều và bảo thủ số một của đảng cộng sản, lại bao gồm hầu hết các đảng viên thuộc về phe cánh của Nguyễn Tấn Dũng, là phe cánh mà Hoa Kỳ nghĩ rằng có thể lôi kéo ra khỏi quỹ đạo Bắc Kinh bằng những con số $$$ đính kèm theo 3 chữ viết tắt TPP. (1)

3. Tầm nhìn chung về Quan hệ Quốc phòng Việt Nam-Hoa Kỳ đã được tuyên bố với những cam kết gia tăng quan hệ quốc phòng Việt Mỹ. (2)

4. Tuyên bố về Tầm nhìn chung Việt Nam - Hoa Kỳ trong đó hướng đến quan hệ Đối tác Toàn diện. (3)

Trong tầm nhìn chung Việt-Mỹ này, 2 cam kết quan trọng nhất đánh dấu cho bước đầu của con đường gần Mỹ xa Tàu và bảo đảm sự sống còn của đảng cộng sản nếu bước theo con đường đó:

- Hai nước nhấn mạnh cam kết phối hợp trong nhiều lĩnh vực, trong đó có việc xử lý các mối đe dọa an ninh phi truyền thống, hợp tác an ninh hàng hải, nhận thức trong lĩnh vực hàng hải, thương mại quốc phòng và chia sẻ thông tin, tìm kiếm và cứu nạn, hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa và trao đổi công nghệ quốc phòng.

- Việt Nam và Hoa Kỳ mong đợi phối hợp chặt chẽ với các bên tham gia đàm phán khác để hoàn tất sớm nhất có thể Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) toàn diện, nhiều kỳ vọng và tiến hành những cải cách mà thấy có thể cần thiết nhằm đáp ứng tiêu chuẩn cao của Hiệp định TPP, kể cả khi cần thiết đối với các cam kết liên quan tới Tuyên bố của ILO năm 1998 về Nguyên tắc cơ bản và Quyền tại nơi làm việc... 

Hai nước quyết tâm thực hiện một Hiệp định TPP có chất lượng cao, cân bằng, đáp ứng lợi ích của tất cả các bên và tạo nên một khuôn khổ mới, lâu dài và cùng có lợi cho hợp tác kinh tế và thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, đồng thời tạo xung lực mới cho hợp tác kinh tế khu vực và đóng góp vào hợp tác và thịnh vượng trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Đặc biệt trong tuyên bố này, phía nhà nước CSVN đã buộc phải cùng với Hoa Kỳ ghi nhận vai trò của cộng đồng người Việt quốc gia tị nạn cộng sản: Hai nước ghi nhận thành công của cộng đồng người Việt Nam tại Hoa Kỳ và nhiều đóng góp của họ đối với sự phát triển của Việt Nam và Hoa Kỳ cũng như đối với mối quan hệ song phương tốt đẹp hơn giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

Rõ ràng, tháng 7 năm 2015, không phải tại Sài Gòn hay Hà Nội, mà tại Washington DC, một sự kiện đánh dấu bước ngoặt quan trọng đối với cục diện chính trị của Việt Nam, trong đó có số phận của đảng CSVN.

*

Đối với 90 triệu người dân Việt Nam, mọi cam kết, nhượng bộ, chiều hướng gần Mỹ xa Tàu... là những chỉ dấu tích cực cho công cuộc tranh đấu cho tự do, dân chủ và độc lập, toàn vẹn lãnh thổ. Nhưng số phận của dân tộc sẽ không bao giờ khá hơn nếu số phận đó được đặt để hoàn toàn trong bàn tay, trong sự thương thảo, định đoạt của chính phủ Hoa Kỳ và tập đoàn cai trị cộng sản.

Mọi hứa hẹn, thương thảo cũng không có gì bảo đảm khi Obama không còn tại chức, đảng Cộng hoà thay thế đảng Dân chủ, và chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ thay đổi theo từng nhiệm kỳ 4 năm và nhu cầu kiếm phiếu của các chính trị gia Mỹ. 

Chúng ta có thể xem Hoa Kỳ như là đồng minh và dựa vào những điều hứa hẹn, hoan nghênh, cam kết giữa hai nước về nhân quyền để làm bàn đạp vận động quốc tế cho việc đấu tranh và cùng lúc luôn nhớ rằng giữa những mỹ từ chính trị, những người tù như Tạ Phong Tần, Bùi Minh Hằng, Đoàn Huy Chương, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Việt Khang, Nguyễn Ngọc Già... vẫn còn bị đày đoạ trong ngục tù:

- Hai nước hứa hẹn tiếp tục ủng hộ việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người và ủng hộ việc duy trì đối thoại tích cực, thẳng thắn và xây dựng về quyền con người nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau và thu hẹp khác biệt.

- Hai nước khuyến khích sự hợp tác hơn nữa nhằm bảo đảm rằng mọi người, bao gồm cả những thành viên của các nhóm dễ bị tổn thương, không phân biệt giới, chủng tộc, tôn giáo hoặc khuynh hướng giới tính, và bao gồm cả người tàn tật, được hưởng đầy đủ các quyền con người.

- Hoa Kỳ hoan nghênh những nỗ lực hiện nay của Việt Nam hài hòa hóa luật với Hiến pháp 2013 và các cam kết quốc tế mà Việt Nam thực hiện nhằm phát triển toàn diện đất nước, kể cả trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người và các quyền tự do cơ bản.

- Hoa Kỳ hoan nghênh việc Việt Nam phê chuẩn Công ước về chống Tra tấn và các Hình thức Đối xử hoặc Trừng phạt Tàn bạo, Vô nhân đạo hoặc Hạ nhục Con người và Công ước về Quyền của Người Khuyết tật, và hai nước mong muốn thúc đẩy hợp tác kỹ thuật trong lĩnh vực này.

Chúng ta không bao giờ là xem Hoa Kỳ hay bất kỳ một cường quốc nào khác là một cứu tinh vì chúng ta hiểu rằng họ luôn luôn đặt quyền lợi của đất nước họ lên trên hết, cũng như chúng ta luôn luôn đặt quyền lợi của Việt Nam lên trên hết. 

Về phía đảng CSVN, chúng ta cũng biết quá rõ là đảng cộng sản Việt Nam chưa từng và sẽ không bao giờ đặt tổ quốc Việt Nam lên trên quyền lợi của đảng và quyền cai trị độc tôn của đảng. Mọi cam kết của bất kỳ cá nhân hay tập thể lãnh đạo cộng sản nào cũng đều cần được nhắc đi nhắc lại nhiều lần câu nói của cố Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu: "đừng nghe những gì cộng sản nói mà hãy nhìn những gì cộng sản làm."

Do đó, trước những biến chuyển về tình hình chính trị, chúng ta có thể hoan nghênh những nỗ lực này hay hứa hẹn nọ, chúng ta có thể khai dụng những biến chuyển chính trị để kéo Việt Nam ra khỏi quỹ đạo nô lệ Bắc Kinh mà đảng CSVN đã gây ra từ thời Hồ Chí Minh cướp chính quyền cho đến nay, để mở cơ hội cho những tranh đấu về quyền con người và quyền làm chủ vận mạng đất nước. Đó là thái độ cần phải có của chúng ta. Chúng ta không bao giờ đặt hết kỳ vọng của mình, giao trọn tương lai đất nước thân yêu này vào tay một người Mỹ mang tên Barack Obama và một người cộng sản mang trên Nguyễn Phú Trọng.



______________________________

Chú thích:



No comments

Có Thể Bạn Chưa Xem

Tin Nóng

Powered by Blogger.