"Thu Sầu"
Cao-Đắc Tuấn (Danlambao) - Tóm lược: Ca khúc "Thu Sầu" là lời tâm sự của một người về cuộc tình ngang trái khi hai người xa cách nhau và không được sống bên nhau. Vào mùa thu buồn, người tình trở về khơi lại niề̀m thương yêu và nhung nhớ, nhưng hai người không gặp nhau. Bài hát không nói rõ lý do của sự ngang trái nhưng cái mơ hồ đó làm tăng giá trị nghệ thuật và cho thấy lòng cao thượng của người trong cuộc, bỏ đi tình yêu vị kỷ và muốn quên đi mối tình thương đau. Được diễn tả qua giai điệu nhẹ nhàng với chuyển động liên kết, tiết tấu đều đặn, và cách dùng chữ mạnh mẽ, điển tích Ngưu Lang Chức Nữ và các mỹ từ độc đáo, câu chuyện tình đơn giản trở nên sống động và đem lại cảm giác nhẹ nhàng thanh thoát cho người nghe.
***
Âm nhạc miền Nam Việt Nam trước 1975 là kho tàng văn chương quý báu của đất nước, bên cạnh vô số tác phẩm văn chương (thí dụ, truyện, thơ, khảo cứu) khác. Rất may cho dân Việt là kho tàng này vẫn được gìn giữ trong suốt bốn mươi năm qua, mặc dù có khoảng thời gian bị nhóm cầm quyền cộng sản cấm đoán (và ngay cả bây giờ cho một số bài hát), và do đó một số ít tài liệu như tờ nhạc gốc của các bài nhạc đã bị thất lạc.
Việc giữ gìn và phát huy kho tàng âm nhạc này rất quan trọng vì nó giúp thế hệ hiện nay và các thế hệ sau hiểu rõ và yêu quý nền văn hóa tuyệt vời của miền Nam dưới chính thể Việt Nam Cộng Hòa (VNCH). "Sử gia đôi khi coi những ca khúc 'phản ảnh' phần nào thẳng thắn xã hội và văn hoá đã sinh ra những ca khúc đó" (History Matters) Những bài hát thịnh hành trong một xã hội thường khá chính xác thể hiện bản chất con người và môi trường sinh sống của xã hội đó. Khi nghe những bài hát đầy tình cảm, tình thương yêu, chứa chan tình quê hương, và có nhiều kỹ thuật văn chương tuyệt diệu của nền âm nhạc miền Nam trước 1975, ai cũng phải thấu hiểu bản chất hiền hòa, nhân bản, thông minh, và sáng tạo của người miền Nam. Mặc cho những tuyên truyền cộng sản về chính thể VNCH, những ca khúc oai hùng, đượm màu sắc quê hương tổ quốc, truyền cảm, và lãng mạn là bằng chứng hùng hồn cho tinh thần bất khuất, can trường, yêu nước thương nòi, yêu chuộng hòa bình, và đầy tình người của chính thể VNCH và người dân sống trong chính thể đó.
Điểm đặc sắc nhất trong âm nhạc miền Nam Việt Nam trước năm 1975 là tính chất nhân bản, đầy tình cảm, và tình người. Những ca khúc về người lính VNCH trong cuộc chiến không có màu sắc chém giết hung bạo như trong nhạc đỏ của cộng sản. Ngược lại, những bài hát về chiến tranh đượm tình người, chứa chan tình yêu, lòng can đảm và sức chịu đựng của người miền Nam. Bên cạnh những bài hát về chiến tranh và người lính, nền âm nhạc miề̀n Nam trước 1975 còn có những ca khúc về quê hương đất nước cho thấy lòng yêu nước, thương yêu quê hương, cuộc sống êm đềm của người dân miền Nam. Nổi bật nhất trong nền âm nhạc miề̀n Nam trước 1975 là những tình khúc chứa chan tình yêu, từ những mối tình ngây thơ trong trắng của tuổi học trò tới những cuộc tình lãng mạn yêu thương vui buồn. Cách diễn tả tình cảm, âm nhạc, cách dùng chữ, kỹ thuật trình bày ý tưởng rất tinh vi, đầy nghệ thuật, cho thấy mức sáng tạo phong phú và khả năng văn chương vượt trội của nhạc sĩ miền Nam.
Nhạc sĩ Lam Phương được coi là một trong những nhạc sĩ nổi tiếng nhất về nhạc tình, có sức sáng tạo phong phú với nhiều bài hát truyền cảm lãng mạn. Ông viết ca khúc "Thu Sầu" vào năm 1969 (dựa vào giấy phép xuất bản ghi trong tờ nhạc gốc) khi cuộc chiến tại miền Nam Việt Nam đang đi vào giai đoạn khốc liệt sau cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân (1968) bị thất bại thảm não của cộng sản Bắc Việt. Tuy "Thu Sầu" không phải là tình khúc thành công nhất của Lam Phương (tình khúc thành công nhất của ông có lẽ là bài "Thành Phố Buồn"), bài hát này có giá trị nghệ thuật rất cao vì điệu nhạc êm ái nhẹ nhàng phù hợp với lời ca nói lên nỗi buồn trong cuộc tình và ý nghĩa cao thượng của một chuyện tình ngang trái.
Trong bài "Chuyến Đò Vĩ Tuyến," tôi đã viết về tiểu sử nhạc sĩ Lam Phương và tài năng khác thường của ông trong việc viết nhạc (Cao-Đắc 2014). Trong bài này, tôi sẽ không nhắc lại những khía cạnh đó mà chỉ chú trọng vào nội dung và hình thức của ca khúc "Thu Sầu."
Nguyên văn lời bài hát "Thu Sầu" như sau (Xem, Nhạc Việt trước 75):
Mùa thu thưa nắng gió mang niềm nhớ
Trời chiều man mác buồn nát con tim
Lệ tình đẫm ướt tà áo trinh nguyên
Kỷ niệm êm đềm còn in trên giấy
Người ôm thương nhớ ra đi từ đấy
Trời đày hai đứa vì thiếu tơ duyên
Rừng còn thay lá tình vẫn chưa yên
Thương chi cho lắm giờ cũng xa nhau.
Người từ ngàn dặm về mang nỗi sầu
Nhịp cầu ô thước hẹn đến mai sau
Ngày dài nhung nhớ mình cũng như nhau
Trên cao bao vì sao sáng
Rừng vắng có bao lá vàng
Là bấy nhiêu sầu.
Người đi hoa lá chết theo mùa nhớ
Người về lặng lẽ tình vẫn bơ vơ
Thà rằng chôn kín mộng ước xa nhau
Quên đi cho hết một kiếp thương đau.
Trong bài này, như thường lệ, tôi sẽ chú trọng thảo luận về các khía cạnh văn chương của bài hát, nội dung và hình thức, và vài điểm về âm nhạc. Tôi dùng "khán giả" để chỉ người nghe, người đọc, và người xem.
A. "Thu Sầu" nói lên tâm tình sầu não của người trong cuộc tình xa cách với lòng cao thượng như một nghịch lý trong mối tình ngang trái.
Bài hát là lời tâm tình của một người trong cuộc tình buồn vào mùa thu khi người đó và người tình xa nhau. Bài hát không xác định lời tâm tình đó là của cô gái hay chàng trai; nhưng có những gợi ý cho thấy đó là cô gái. Thực ra, lời tâm sự cũng có thể do từ chàng trai; nhưng cho tiện việc trình bày, tôi sẽ dùng "cô gái" là người nói lên tâm sự mình trong bài hát. Bài hát cũng không cho biết rõ lý do cho sự xa cách, mà chỉ mơ hồ nói đến hai người không có duyên nợ nên đành xa nhau. Như sẽ được trình bày sau, chính sự mơ hồ không nói rõ lý do này làm tăng giá trị của bài hát.
"Thu Sầu" có ba phiên khúc (PK): PK1, PK2, và PK3; và một điệp khúc (ĐK) được sắp xếp như sau: PK1, PK2, ĐK, và PK3. Sự phân chia các phiên khúc theo một bố cục mạch lạc, giúp ý tưởng được trôi chảy. PK1 mô tả cảnh tượng mùa thu và thiết lập bối cảnh quá khứ. PK2 tiếp tục câu chuyện cho biết hai người xa nhau vì không có duyên nợ và những thay đổi trong cuộc đời. ĐK cho thấy cái nghịch lý của chuyện tình: yêu nhau và có dịp hội ngộ nhưng không gặp nhau khi nỗi buồn chồng chất. PK3 xác nhận nghịch lý với mơ ước thầm kín xa nhau để quên nhau.
1. Bài hát là lời tâm tình của người với nỗi buồn đau khổ trong cuộc tình trắc trở sau thời gian xa cách:
Bài hát mở đầu với PK1 và lời giới thiệu mùa thu. Mùa thu thường được dùng là bối cảnh cho những chuyện buồn. Trong một ngày mùa thu thiếu ánh nắng, cơn gió mang đến niềm nhớ nhung và buổi chiều man mác gợi nỗi buồn thống thiết ("Mùa thu thưa nắng gió mang niềm nhớ/ Trời chiều man mác buồn nát con tim.")
Trong văn và thi ca, mùa thường được dùng là bối cảnh cho tình tiết, tâm sự, hoạt động, hoặc ý tưởng cho câu chuyện. Các mùa thường có ý nghĩa như sau (Xem, thí dụ như, Richards-Gustafson). Mùa Xuân đem lại vui tươi, tình yêu, tuổi trẻ, nẩy nở, tái sinh, và phục hồi. Mùa Hạ hàm ý tự do, thám hiểm, hồi tưởng, tình bạn, và ấm áp. Mùa Thu gợi ý chín mùi, trưởng thành, thay đổi, rộng rãi, buồn bã, và suy đồi. Mủa Đông cho hình ảnh chết chóc, già nua, cô đơn, tuyệt vọng, và kết thúc; nhưng cũng có thể gợi ý phục hồi và hy vọng.
Việt Nam tuy không có bốn mùa rõ rệt và thường chỉ có hai mùa (mưa và nắng), nhưng sự thay đổi thời tiết và thiên nhiên cũng tạo ra những nét đặc thù của bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông. Văn, thi, và nhạc sĩ thường liên kết mùa thu với buồn bã, xa cách, chia ly, có lẽ vì cảnh lá úa hoặc lá rơi tạo ra hình ảnh vắng vẻ, cô liêu, và thiếu sức sống. Thí dụ, ca khúc "Mùa Thu Chết" của Phạm Duy dựa vào lời bài thơ L'Adieu của thi sĩ Pháp Guillaume Apollinaire nói đến cảnh chết chóc ly biệt trong mùa thu (Wikipedia 2014). Có nhiều câu ca dùng mùa thu để diễn tả nỗi sầu não, buồn thảm. Thí dụ, "Trời vào thu Việt Nam buồn lắm em ơi" (trong "Tình Bơ Vơ" của Lam Phương), "Em có nghe mùa thu mưa giăng lá đổ" (trong "Mùa Thu Cho Em" của Ngô Thụy Miên), "Đếm lá úa mùa thu/ Đo sầu ngập tim tôi" (trong "Mùa Thu Không Trở Lại" của Phạm Trọng Cầu). Tương tự, trong "Thu Sầu," bằng cách mở đầu bài hát với cảnh mùa thu ít nắng và buổi chiều man mác, Lam Phương báo trước khán giả biết đây là một chuyện tình buồn.
Những giọt lệ khóc cho mối tình làm ướt đẫm áo dài trắng, và những kỷ niệm êm đềm ngày xưa còn trên trang giấy ("Lệ tình đẫm ướt tà áo trinh nguyên/Kỷ niệm êm đềm còn in trên giấy.") Ta không rõ kỷ niệm êm đềm gì trên trang giấy. Nhưng câu nhắc nhở đến "tà áo trinh nguyên" và trang giấy gợi ra hình ảnh học đường trung học trong miền Nam. Thời ấy, nữ sinh thường mặc đồng phục áo dài trắng và các kỷ niệm thường được ghi qua thư từ hoặc quyển lưu bút vào mỗi dịp hè. Do đó, ta có thể hiểu mối tình được khởi đầu qua môi trường học đường lúc hai người còn trẻ.
PK2 kể chuyện tình hai người xa cách. Người tình của cô đã xa cách cô từ thuở ghi kỷ niệm trên trang giấy. Anh mang theo nỗi thương nhớ cô gái. Cô gái cho rằng hai người xa nhau vì không có duyên nợ với nhau ("Người ôm thương nhớ ra đi từ đấy/ Trời đày hai đứa vì thiếu tơ duyên.") Qua câu "trời đày hai đứa," tác giả ngụ ý chuyện tình hai người không được suông sẻ và phải xa nhau. Ngoài ra, tác giả chuẩn bị nhắc đến tích Ngưu Lang - Chức Nữ bị trời đày xuống trần, đề cập trong câu sau.
Khi thời gian trôi qua, cuộc đời có nhiều thay đổi như rừng thay lá, chuyện tình hai người không được yên ổn. Lúc trước hai người thương yêu làm chi để bây giờ không được nên duyên ("Rừng còn thay lá tình vẫn chưa yên/Thương chi cho lắm giờ cũng xa nhau.") Sự thay đổi của cuộc đời có thể do việc chàng trai đi xa, cô gái đi lấy chồng, hoặc bất cứ chuyện gì ảnh hưởng đến tình trạng sống của hai người. Nhưng những sự thay đổi hoặc thời gian trôi qua này không làm thay đổi tình yêu của hai người.
Thời gian là yếu tố quan trọng cho sự thay đổi trong cuộc đời. Có nhiều thi sĩ và nhạc sĩ khai thác cảnh rừng thay lá để diễn tả thời gian trôi qua và/hoặc sự thay đổi thời tiết. Thí dụ, câu "Anh đi rừng chưa thay lá/ Em về, rừng lá thay chưa?" trong ca khúc "Rừng Chưa Thay Lá" do nhạc sĩ Huỳnh Anh phổ nhạc qua bài thơ "Rừng Lá Thay Chưa" của Hoàng Ngọc Ẩn. "Rừng xưa thức giấc, lá rung rinh như còn ngỡ ngàng/Bầy chim thờ thẫn, im tiếng nghe rừng xưa thay lá/ Rừng thay lá úa, lá úa rơi/Hay linh hồn lá xanh rơi?/ . . . Rừng xưa thức giấc, lá ươm xanh, không còn hoang tàn. . . Rừng xưa thay lá, lá xinh tươi" trong ca khúc "Rừng Thay Lá" do nhạc sĩ Châu Kỳ viết. Nhóm chữ "rừng thay lá" cũng được nhiều thi sĩ dùng để diễn tả thời gian trôi qua và những thay đổi trong cuộc đời hoặc tình người. Thí dụ, "Từ độ rừng thu thay sắc lá/ Bao mùa thu qua chở hẹn hò" trong bài thơ "Rừng Thu Thay Lá" của Miên Thụy. Trong ca khúc "Thu Sầu," Lam Phương nhắc đến sự thay đổi qua cách dùng ẩn dụ rừng thay lá, nhưng không nói rõ lý do tại sao hai người xa nhau.
ĐK nhắc đến tích xưa Ngưu Lang Chức Nữ và cho thấy nghịch lý của cuộc tình ngang trái. Người tình trở về từ nơi xa xôi ngàn dặm mang theo nỗi buồn. Cuộc hội ngộ hai người như cuộc gặp gỡ mỗi năm một lần của Ngưu Lang - Chức Nữ qua cầu ô thước. Hai người thương nhớ nhau nhưng lại không gặp nhau mà hẹn gặp nhau trong thời gian không xác định, có thể sẽ không gặp nhau nữa ("Người từ ngàn dặm về mang nỗi sầu/ Nhịp cầu ô thước hẹn đến mai sau/ Ngày dài nhung nhớ mình cũng như nhau.") Ta không rõ bối cảnh của sự trở về của người tình như thế nào. Nhưng chuyện đó không quan trọng. Có thể chuyến trở về chỉ là tình cờ hoặc không có ý định gặp lại người yêu cũ. Có thể qua những mối liên hệ khác (bạn bè, gia đình) mà cô gái biết được tin cố nhân trở về sau thời gian xa cách lâu năm.
Tuy không dùng "Ngưu Lang Chức Nữ," bài hát nhắc đến tích này hai lần qua "trời đày hai đứa" và "nhịp cầu ô thước." Tích Ngưu Lang - Chức Nữ dựa vào câu chuyện dân gian lâu đời ở bên Tàu kể chuyện tình giữa cô gái dệt vải Chức Nữ và anh chăn bò (hoặc chăn trâu theo Việt Nam) Ngưu Lang là tiên và thần trên trời (Wikipedia 2015a). Vì phạm tội do yêu nhau, hai người bị Trời đày xuống trần thế và ở cách xa nhau hai bên đầu sông Ngân (dải Ngân Hà). Mỗi năm hai người chỉ được gặp nhau một lần vào ngày 7 tháng 7 âm lịch (ngày Thất tịch). Khi gặp nhau, họ đi trên cầu được tạo bởi đàn quạ (crow, ô) và chim khách (magpie, thước). Cầu ô thước, do đó, chỉ chiếc cầu hai người đi qua sông để gặp nhau vào ngày Thất tịch.
Chuyện tình Ngưu Lang Chức Nữ thực ra cũng chẳng có gì ly kỳ lắm. Có nhiều phiên bản thêm mắm thêm muối cho có nhiều chi tiết hấp dẫn, nhưng tựu trung, mối tình hai người cũng như mọi mối tình dang dở khác. Cái tình tiết khiến cho câu chuyện Ngưu Lang Chức Nữ được lưu truyền lâu dài có lẽ ở khía cạnh hai người chỉ được gặp nhau một năm một lần. Có cái gì kỳ bí và lãng mạn trong việc gặp nhau mỗi năm một lần này. Câu chuyện Ngưu Lang Chức Nữ không có kết thúc, nhưng ta có thể hiểu là họ yêu nhau mãi mãi và không có việc xa mặt cách lòng. Có thể vì mối tình bền bỉ đó mà ngày 7 tháng 7 âm lịch được coi là ngày Tình Yêu ở bên Tàu, tương đương với Valentine Day ở các xứ Tây phương. Một khía cạnh đặc sắc khác của chuyện tình Ngưu Lang Chức Nữ là khía cạnh thiên văn của câu chuyện. Ngưu Lang là sao Altair, ngôi sao sáng nhất trong chòm sao (constellation) Aquila. Chức Nữ là sao Vega, ngôi sao sáng nhất trong chòm sao Lyra. Cầu ô thước được đặt trên sao Deneb, là ngôi sao sáng nhất trong chòm sao Cygnus. Sông Ngân là dải Ngân Hà (Milky Way). Ba ngôi sao Altair, Vega, và Deneb là đỉnh của tam giác gọi là Tam Giác Mùa Hè (Summer Triangle) (Wikipedia 2015b). Tuy khía cạnh thiên văn này rất hứng thú, không phải ai cũng biết chuyện Ngưu Lang Chức Nữ tương ứng với ba ngôi sao Altair, Vega, và Deneb. Hầu hết tích Ngưu Lang Chức Nữ được dùng để nhắc đến việc hai người tình xa cách nhau và chỉ gặp nhau sau thời gian xa nhau. Lam Phương đem lại một khía cạnh bí ẩn và lãng mạn cho cuộc tình qua hai lần nhắc nhở tích Ngưu Lang Chức Nữ.
Nỗi buồn cho chuyện tình hai người thật là sâu đậm và nhiều như sao trên trời hoặc lá trong rừng ("Trên cao bao vì sao sáng/ Rừng vắng có bao lá vàng/ Là bấy nhiêu sầu.") Câu này theo ngay sau hai câu "Nhịp cầu ô thước hẹn đến mai sau/ Ngày dài nhung nhớ mình cũng như nhau" cho thấy cô gái muốn diễn tả tình trạng khó xử của cô trong cuộc tình. Cô và người tình vẫn còn thương yêu nhau, và người tình trở về, có thể muốn gặp lại cô. Tuy nhiên, vì lý do nào đó như sẽ được thảo luận sau, cô không muốn gặp lại anh mà chỉ "hẹn đến mai sau" và cô phải chấp nhận nỗi sầu não to tát cho quyết định này.
PK3 bày tỏ ước mơ thầm kín cho cuộc tình và hé lộ ra lý do tại sao cô gái không muốn gặp lại người tình cũ. Lúc người tình ra đi, hoa lá tàn úa theo mùa nhung nhớ. Khi người tình trở về, mối tình vẫn lặng lẽ cô đơn, không có sự xum họp vui tươi ("Người đi hoa lá chết theo mùa nhớ/ Người về lặng lẽ tình vẫn bơ vơ.") Câu "hoa lá chết theo mùa nhớ" cho thấy mùa nhớ đó là mùa thu. Mùa thu ngự trị mối tình hai người ngay từ lúc xa cách lúc trước đó. Ngay cả lúc người tình trở về, chiều mùa thu làm buồn nát con tim và cuộc tình vẫn lặng lẽ bơ vơ.
Chẳng thà hai người không nên gặp nhau thì hơn, và ấp ủ chôn kín ước vọng xa nhau để quên đi cuộc tình thương đau này ("Thà rằng chôn kín mộng ước xa nhau/ Quên đi cho hết một kiếp thương đau.") Câu "mộng ước xa nhau" có vẻ hơi lạ lùng vì người nghe nghĩ rằng cô gái phải thầm mơ ước sống bên nhau với người tình. Có vài phiên bản ghi "mộng ước bên nhau" để diễn tả ý tưởng này. Tuy nhiên, lời bài hát trong tờ nhạc gốc ghi rõ "xa nhau," và "mộng ước xa nhau" có ý nghĩa hay và sâu sắc hơn nhiều "mộng ước bên nhau" như được trỉnh bày sau đây.
Tại sao cô gái có ước mơ thầm kín xa nhau?
Lam Phương không cho biết lý do hai người xa nhau hoặc chuyện gì cản trở cuộc tình hai người. Chuyện đó thực ra không quan trọng, và có lẽ Lam Phương cố tình không cho biết rõ rệt lý do để tạo nét bí ẩn và làm tăng giá trị cuộc tình như được trình bày sau đây.
2. Sự mơ hồ cho người tâm sự bày tỏ tình yêu cao thượng không muốn gặp lại người tình cũ và muốn quên đi mối tình đau thương:
Một bài hát có những chi tiết đặc thù lôi cuốn người nghe, cho dù người nghe không có cùng kinh nghiệm đặc thù đó. Lam Phương viết nhiều tình khúc với những chi tiết rõ rệt và đặc thù. Thí dụ, ca khúc "Thành Phố Buồn" nói đến mối tình hai người trong khung cảnh nhà thờ ("Quỳ bên em trong góc giáo đường") và cuộc tình đổ vỡ vì hai người cách xa và mối tình trở nên nhạt nhòa, và sau đó cô gái lấy chồng ("Em làm dâu nhà người"). Trong ca khúc "Tình Bơ Vơ," cô gái đi ra nước ngoài xa người yêu ("Em khóc cho đời viễn xứ") và khiến cuộc tình tắt dần vì cô gái quên người yêu ("Một phút tim em ơ hờ"). Trong "Tình Nghĩa Đôi Mình Chỉ Thế Thôi," hai người không nói cho nhau tình cảm của mình dành cho người kia và đưa đến chuyện tan vỡ ("Tại em không nói, hay tại anh không biết/ Để tình ta tan vỡ theo thời gian").
Tuy nhiên không phải lúc nào rõ rệt và đặc thù mới hay. Một lý do khiến thi ca có giá trị là sự mơ hồ, không rõ rệt. "Khi thơ nói cho biết hết, nhiều khi thơ không còn là thơ nữa" (Singh, 309, ghi chú 15). Trong thi ca, "ta nên cảnh giác không tránh mơ hồ mà nên hiểu nó" (Sutherland 2007, 181). Giá trị của một tác phẩm nghệ thuật không nhất thiết là ở chỗ khán giả hiểu được ý của tác giả, mà còn có thể ở chỗ khán giả tự diễn giải tác phẩm theo ý mình như được khuyến khích bởi tác giả. "Sự kiện có nhiều cách dùng và diễn giải hiện hữu cho thấy một khía cạnh quan trọng của âm nhạc: nó dùng là diễn đàn cho tranh luận công cộng về cách cư xử, đạo đức, chính trị, và thay đổi xã hội" (History Matters). Do đó, có lúc tác giả cố tình tạo ra sự mơ hồ để khán giả tùy nghi diễn giải và thưởng thức tác phẩm qua diễn giải của chính mình. Ngoài ra, có những diễn giải không cần phải nói ra rõ rệt, mà ngầm hiểu để làm tăng giá trị nghệ thuật. Viết lời lẽ mơ hồ để khán giả hiểu được là chuyện khó và không phải ai cũng có thể làm được.
Nhưng Lam Phương làm được chuyện đó, và không những thế, còn làm được một cách hữu hiệu. Như tôi đã viết nhiều lần trong các bài trước, một nhạc sĩ, thi sĩ, văn sĩ, họa sĩ hoặc bất cứ một nghệ sĩ nào, nhiều khi không ý thức sự tài tình của việc mình làm trong công trình nghệ thuật mình. Đó là vì tài năng thường được tiềm tàng hoặc phát triển qua thời gian một cách không ý thức. Nhiều khi, chính tác gỉả một tác phẩ̀m nghệ thuật ngạc nhiên khi có người vạch ra những nét độc đáo hoặc kỹ thuật tài tình của mình. Ở đây, một lần nữa, Lam Phương biểu lộ khả năng khác thường trong việc dùng sự mơ hồ về câu chuyện để tạo giá trị nghệ thuật cho bài hát.
Ông dùng những diễn tả rõ rệt và đặc thù của cảnh tượng như thể để che giấu hoặc hóa trang sự mơ hồ về câu chuyện và khiến khán giả quên đi hoặc không thấy cần thiết để biết chi tiết rõ rệt nữa. Những chi tiết đặc thù về mùa thu thưa nắng, rừng thay lá, và tích Ngưu Lang Chức Nữ đủ giữ khán giả bận rộn để họ không thắc mắc về các tình tiết về cuộc tình. Tuy nhiên, khán giả thấu hiểu nỗi buồn của cô gái khi người tình trở lại mà vẫn thấy tình bơ vơ. Bài hát cho thấy hai người vẫn còn yêu nhau ("Ngày dài nhung nhớ mình cũng như nhau"). Nhưng tại sao tác giả không muốn cho biết rõ lý do của sự trắc trở? Ta thấy chi tiết đó không quan trọng, và nhiều khi biết rõ lý do còn làm tầm thường hóa mối tình hai người. Đây là một trong nhiều trường hợp mà mơ hồ làm tăng giá trị của câu chuyện.
Đặc biệt, câu "Thà rằng chôn kín mộng ước xa nhau" bộc lộ nỗi xót xa của cuộc tình. Tuy yêu nhau, hai người biết rõ là họ không thể nên duyên vợ chồng, và do đó, những gần gũi vật chất đều không nên, vì có thể tạo ra những tội lỗi, tai tiếng, hoặc lầm lỡ. Vì vậy, cô gái có mơ ước thầm kín là xa nhau, vì gặp nhau làm chi khi họ không thể ở bên nhau?
Đó là nét đặc sắc của ca khúc "Thu Sầu": lòng cao thượng trong cuộc tình. Cô gái tuy vẫn còn yêu người tình cũ, nhưng cô không muốn gặp lại anh, và mong muốn hai người xa nhau để cô quên hẳn anh. Tuy ta không biết chính xác lý do tại sao hai người không được nên duyên vợ chồng, ta có thể suy đoán hai lý do căn bản. Lý do thứ nhất là một hoặc cả hai đều đã lập gia đình. Với lý do này, chuyện tình của hai người phải chấm dứt để tránh phá vỡ hạnh phúc gia đình. Lý do thứ nhì là có những cản trở khắc nghiệt khiến họ không thể lấy nhau: gia đình cấm đoán, khác biệt tôn giáo, bệnh tật hiểm nghèo, và các lý do mạnh mẽ khác. Với lý do này, giá đổi lại cho việc hai người được ở bên nhau quá cao, và tạo đau khổ trong tương lai hoặc cho những người khác, và do đó hạnh phúc bên nhau của họ cũng không còn được toàn vẹn nữa.
Quyết định không gặp lại nhau và ước mơ xa nhau là một quyết định cao thượng. Cô gái gạt bỏ tình yêu vị kỷ và chấp nhận nỗi buồn cá nhân để không tạo ra tan vỡ hoặc đau khổ cho người khác.
Tóm lại, "Thu Sầu" nói lên nỗi buồn xót xa của người trong cuộc tình không được nên duyên, và chỉ có dịp hội ngộ sau khoảng thời gian xa nhau lâu năm. Nhưng họ không muốn gặp nhau và muốn quên đi cuộc tình đau thương. Cuộc tình có đoạn kết cho thấy lòng cao thượng của người trong cuộc (cô gái) khi người đó gạt bỏ mối tình vị kỷ và muốn quên đi người tình vì không muốn tạo thêm nghịch cảnh hoặc đau khổ cho người khác.
B. "Thu Sầu" có âm điệu phù hợp nội dung chuyện tình buồn và kỹ thuật diễn tả hữu hiệu
Ca khúc "Thu Sầu" có nhạc điệu phù hợp với nội dung cho một chuyện tình buồn và làm tăng thêm tác dụng của lời ca lên khán gỉả. Ngoài ra cách diễn tả rất hữu hiệu làm nổi bật ý tưởng, cho thấy tài năng nghệ thuật khác thường của nhạc sĩ Lam Phương.
1. Bài hát có giai điệu nhẹ nhàng, chuyển động liên kết, và tiết tấu cố định cho mỗi câu, thích hợp với diễn tả nỗi buồn man mác trong cảnh mùa thu:
Lam Phương áp dụng kỹ thuật viết nhạc theo tiêu chuẩn truyền thống, và không có nhiều biến dạng. Kỹ thuật này có chút tính chất bảo thủ, nhưng an toàn vì không có những khía cạnh táo bạo có thể làm một số khán giả khó chịu. Với nội dung bài hát về nỗi buồn man mác của một chuyện tình vào mùa thu, đây là một kỹ thuật thích hợp.
Giai điệu và tiết tấu của PK1 và PK2, PK3 hầu như giống hệt nhau chỉ khác một chút ở câu chót. "Thu Sầu" có giai điệu nhẹ nhàng, diễn tả tình cảm hữu hiệu qua cách dùng chuyển động liên kết (conjunct movement). Các nốt nhạc không có sự thay đổi đột ngột, và đi lên đi xuống chậm chạp uốn éo. Ngay cả trong điệp khúc, tuy có nốt lên cao, nhưng các nốt nhạc vẫn đi theo chuyển động liên kết, chỉ có một chút nhảy vọt trong câu chót ("là bấy nhiêu sầu") để nhấn mạnh sự ví von nỗi buồn nhiều như sao trên trời hoặc lá rụng trong rừng.
Mỗi câu trong phiên khúc cũng theo một tiết tấu cố định: các âm tiết đi nhanh trong đoạn đầu nhưng kéo dài ở âm tiết chót: nhớ, tim, nguyên, giấy trong PK1; đấy, duyên, yên, nhau trong PK2; và nhớ, vơ, nhau, đau trong PK3. Ngay cả ĐK cũng theo kiểu mẫu đó với âm tiết chót kéo dài (sầu, sau). Tác dụng của tiết tấu cố định cho mỗi câu tạo nên một nét đều đặn, có chút nhàm chán, nhấn mạnh thêm nỗi chán chường của cuộc tình buồn.
2. Bài hát có lối dùng chữ mạnh mẽ và cách dùng mỹ từ tài tình tạo nên hình ảnh sống động, giúp diễn tả ý tưởng hữu hiệu:
Lam Phương dùng cảnh để tả tình một cách điêu luyện. Ông chọn lựa từ ngữ khéo léo và mạnh mẽ, diễn tả hình ảnh cụ thể và gợi ý. Thí dụ, "thưa nắng" cho thấy cảnh chiều thu buồn và nói lên sự thiếu thốn sức sống, "đẫm ướt" biểu lộ cơn khóc lóc thê thảm của cảnh xa nhau, "buồn nát con tim" mô tả nỗi bi thảm cực điểm, "ôm thương nhớ" nhấn mạnh nỗi chịu đựng tái tê, "đày" nói lên nỗi xấu số đau khổ, "vẫn chưa yên" diễn tả sự dây dưa lê thê của chuyện tình, "rừng vắng" vẽ ra cảnh tượng xơ xác bơ vơ, "về lặng lẽ" mô tả sự âm thầm cô độc, "chôn kín" bộc lộ nỗi xót xa, "cho hết một kiếp" nói lên sự chua chát và cay đắng.
Lam Phương áp dụng kỹ thuật mỹ từ hóa vào những chữ đơn giản không trau chuốt thật tài tình khiến cho hình ảnh trở nên linh động. Cách dùng ẩn dụ tuyệt vời như "tà áo trinh nguyên" mô tả sự trong trắng hồn nhiên của tuổi học trò, "rừng còn thay lá" cho sự thay đổi trong cuộc đời, "hoa lá chết" cho nỗi đau đớn tuyệt vọng, "chôn kín" cho sự ấp ủ bí mật. Một nét độc đáo khác trong "Thu Sầu" là cách dùng các điển xưa tích cũ như ẩn dụ để diễn tả ý tưởng như chuyện tơ duyên do tích ông tơ bà nguyệt, trời đày và cầu ô thước do tích Ngưu Lang Chức Nữ ("Trời đày hai đứa vì thiếu tơ duyên . . . Nhịp cầu ô thước hẹn đến mai sau.") (Xem, thí dụ như, Wikipedia 2015b; 2015c). Những điển tích này làm tăng mức phong phú của cách diễn tả.
Đặc biệt, cách dùng so sánh ví von rất độc đáo: mức độ to tát của nỗi buồn, một mức độ không đếm được (uncountable), được ví von qua số lượng đếm được (countable) của sao trên trời hoặc lá rụng trong rừng ("Trên cao bao vì sao sáng/ Rừng vắng có bao lá vàng/ Là bấy nhiêu sầu"). Tiếng Việt có sự mơ hồ về danh từ đếm được và không đếm được, nhất là khi nói đến số lượng. Tiếng Việt dùng "bao nhiêu," "bấy nhiêu," "nhiều," "ít" cho cả danh từ đếm được và không đếm được, trong khi tiếng Anh phân biệt rõ ràng "much/ little" cho không đếm được và "many/ few" cho đếm được. Vì không có sự phân biệt rõ rệt này trong tiếng Việt, cách dùng mỹ từ so sánh hoặc ví von (simile) có thể dùng danh từ đếm được để ví von với danh từ không ̣đếm được như Lam Phương đã làm. Tuy nhiên, nếu không biết khéo dùng, sự ví von có thể trở nên vụng về và khập khiễng. Thí dụ, "Niềm vui đến ồ ạt như cát trên sa mạc," "Tình yêu của nàng dành cho hắn ít oi như chùa Bà Đanh" là những câu dùng ví von một cách vụng về.
Kết Luận:
Ca khúc "Thu Sầu" là lời tâm sự của một người trong mùa thu mang đến nỗi buồn của cuộc tình dang dở. Lời tâm sự bộc lộ nỗi buồn cuộc tình khi hai người không được sống bên nhau và phải chịu cảnh xa cách. Bài hát không nói rõ lý do của sự xa cách, nhưng cái mơ hồ đó làm tăng giá trị nghệ thuật vì tạo nên nét bí ẩn của cuộc tình và cho thấy sự cao thượng của người tâm sự muốn quên đi người yêu cũ và mối tình đau thương trắc trở.
Bài hát được viết theo âm điệu truyền thống với giai điệu nhẹ nhàng, chuyển động liên kết, và tiết tấu cố định phù hợp với nội dung chuyện tình buồn. Nhạc sĩ Lam Phương diễn tả ý tưởng tài tình qua cách dùng chữ mạnh mẽ, chấm phá với điển tích xưa, và mỹ từ độc đáo.
Ca khúc "Thu Sầu" không có nét sôi động hoặc thảm thiết của một chuyện tình buồn, nhưng đem lại một nỗi buồn man mác nhẹ nhàng và tác dụng sâu đậm trong tâm hồn khán giả. Bài hát nói lên tâm hồn đầy tình cảm lãng mạn nhưng trong sạch đạo đức của người miền Nam trước năm 1975.
CẢM TẠ
Tôi xin có lời cám ơn các bạn trên trang mạng Dân Làm Báo đã có lời khích lệ trong các bài về âm nhạc trước và giúp tôi có ý định viết bài này, đặc biệt là lời yêu cầu của bạn bức xúc cho thân mẫu bạn.
Tài Liệu Tham Khảo:
1. Cao-Đắc, Tuấn. 2014. "Chuyến Đò Vĩ Tuyến". 13-12-2014.
http://danlambaovn.blogspot.com/2014/12/chuyen-o-vi-tuyen.html (truy cập 30-6-2015).
2. History Matters. Không rõ ngày. What Can Songs Tell Us About People And Society? Không rõ ngày. http://historymatters.gmu.edu/mse/songs/question5.html (truy cập 30-6-2015).
3. Nhạc Việt trước 75. Không rõ ngày. Thu sầu (Lam Phương). Không rõ ngày. http://amnhacmiennam.blogspot.jp/2013/06/thu-sau-lam-phuong.html (truy cập 24-6-2015).
4. Richards-Gustafson, Flora. Không rõ ngày. Examples of Seasonal Symbolism. Không rõ ngày. http://classroom.synonym.com/examples-seasonal-symbolism-22272.html (truy cập 27-6-2015).
5. Singh, G. 2014. Leopardi and the Theory of Poetry. University Press of Kentucky, Lexington, Kentucky, U.S.A.
6. Sutherland, Keston. 2007. Vagueness, Poetry, trong "Contemporary Poetics," by Louis Armand, Editor, Northwestern University Press, Evanston, Illinois, U.S.A., pp. 175-184.
7. Wikipedia. 2014. Mùa thu chết. 9-11-2014.
https://vi.wikipedia.org/wiki/M%C3%B9a_thu_ch%E1%BA%BFt (truy cập 27-6-2015).
8. _________. 2015a. Ngưu Lang Chức Nữ. 2-2-2015.
https://vi.wikipedia.org/wiki/Ng%C6%B0u_Lang_Ch%E1%BB%A9c_N%E1%BB%AF (truy cập 27-6-2015).
9. _________. 2015b. Summer Triangle. 6-4-2015.
https://en.wikipedia.org/wiki/Summer_Triangle (truy cập 27-6-2015).
10. _________. 2015c. Ông tơ bà nguyệt. 3-5-2015.
https://vi.wikipedia.org/wiki/%C3%94ng_t%C6%A1_b%C3%A0_nguy%E1%BB%87t (truy cập 28-6-2015).
Post a Comment