Cá tôm muốn biết: Tổ quốc đã lâm nguy chưa?
Phạm Trần (Danlambao) - Không có nước nào trên Thế giới khi gặp đại họa môi trường gây thiệt nặng nề kinh tế và đe dọa mạng sống của hàng triệu người dân mà đảng cầm quyền lại đủng đỉnh vô cảm và vô trách nhiệm đáng lên án như nhà nước Cộng sản Việt Nam.
Sau đây là những bắng chứng:
Thứ nhất, người có trách nhiệm cao nhất là Tổng Bí thư đảng, ông Nguyễn Phú Trọng thì đã đi thăm khu liên hiệp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh ngày 22/4/2016, đúng 18 ngày sau khi xảy ra nạn cá chết hàng loạt dạt vào bờ biển Hà Tĩnh.
Nhưng đến nay, dù thảm trạng môi trường vẫn tiếp diễn trong toàn vùng miền Trung, từ Hà Tĩnh vào tận Bình Thuận đã gần hai tháng mà ông Trọng vẫn chưa chịu nói nửa lời. Chẳng nhẽ cấp lãnh đạo Hà Tĩnh không báo cáo, hay ông Trọng chỉ muốn “cỡi ngựa xem hoa” ở Formosa và coi chuyện cá chết cũng “nhạy cảm” như xung đột với Trung Quốc ở Biển Đông nên ông muốn tránh cho an thân?
Thứ hai, từ Chủ tịch nước Trần Đại Quang đến Chủ tịch Quốc hội bà Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch Mặt trận Tổ Quốc Nguyễn Thiện Nhân cũng miệng ngậm tăm không dám hé răng.
Thậm chí các Đại biểu Quốc hội của vùng lãnh thổ bị nạn cũng không thấy ai dám nói năng nửa lời hay dám xông mình đi giúp cử trị!
Như vậy thì Quốc hội, cơ quan quyền lực cao nhất của hệ thống lãnh đạo, có là bù nhìn hại dân không?
Duy nhất chỉ thấy có Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, quê quán Quảng Nam tiếp cận với cá chết ở quê hương và Đà Nẵng, đã chỉ thị tiếp cứu dân vùng bị nạn. Ông ra lệnh bảo đảm tiêu hủy cá chết và điều tra cho ra manh mối tại sao cá và nhiều sinh vật biển đã bất ngờ bị chết.
Bộ Công an cũng nhận lệnh điều tra cho ra cá nhân hay tổ chức nào đã gây ra đại họa môi trường để trừng phạt.
Có đưa ống lên không?
Tuy nhiên, những lời hứa và làm của các Bộ liên hệ vẫn còn trên giấy.
Vì cá chết bắt đầu từ vùng Vũng Áng, nơi có ống dẫn chất thải độc hại của dự án gang thép chôn sâu dưới đáy biển nên mọi nghi vấn đã tập trung vào Formosa là nguồn gốc gây ra đại họa ô nhiễm cho miền Trung.
Báo Đời sống Pháp luật (ĐSPL) ngày 25/04/2016 viết: "Một trong những người tham gia lặn xuống biển Vũng Áng truy tìm đường ống xả thải của KCN Formosa là anh Nguyễn Xuân Thành (36 tuổi), trú tại phường Kỳ Phương, thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Sau nhiều thời gian săn lặn trên vùng biển Vũng Áng, anh Thành bất ngờ phát hiện một đường ống xả thải cắm sâu xuống lòng biển đang phun ra thứ nước vàng đục, có mùi hôi thối."
"Anh Thành mô tả, đường ống có đường kính khoảng 1,1m được làm bằng sắt rất chắc chắn, phía cuối đường ống có nối với 3 ống nhỏ, mỗi đoạn đường ống nhỏ dài 2m, đường kính khoảng 40cm. Điểm cuối của ống nhỏ này được bịt bằng van cao su kiểu lưỡi gà (nước trong ống chỉ có thể chảy ra, nước ở ngoài không thể chui vào). Ống này kéo dài vào bờ biển, được vùi dưới cát và nối với khu công nghiệp."
Cuộc điều tra của ĐSPL cho biết thêm: "Vào thời điểm phát hiện, anh Thành thấy đường ống này phun nước rất mạnh. Nước phun từ đường ống ra có màu vàng đục, nhừa nhựa, có mùi hôi thối, ngửi cảm thấy rất ngạt thở.
Sau khi phát hiện ra đường ống trên, anh Thành đã thông tin cho Đồn Biên phòng Đèo Ngang (thuộc Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh); đồng thời vẽ lại hồ sơ cùng vị trí của đường ống dưới lòng biển.
Cũng từ những thông tin ấy, nhiều người đã đặt ra các giả thuyết và nghi vấn chính đường ống xả thải có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến cá chết hàng loạt tại các vùng biển thuộc tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế."
Đáng chú ý là thời điểm anh Thành phát giác ra chất hôi thối, khó chịu thải ra từ ống dẫn là ngày 4/4/2016, hai ngày trước khi nhiều loại cá bị chết dạt vào bờ.
Anh Thành nói với ĐSPL: "Thực tế trước đó 2 năm tôi đã bắt gặp đường ống này rồi nhưng lúc đó chưa thải gì cả. Ngay trước đó nửa tháng tôi cũng lặn xuống chỗ ống nước này nhưng không phát hiện. Vào khoảng ngày 4/4, tình cờ trong lúc lặn tìm săn bắt hải sản thì tôi bất ngờ phát hiện một đường ống đang xả thải dưới lòng biển."
Nhưng đến nay, nhà nước CSVN vẫn không có thông tin nào về phát giác của ông Thành.
Chỉ biết Bộ trưởng Tài Nguyên và Môi Trường Trần Hồng Hà, sau khi đi thị sát Formosa để tìm nguyên nhân gây cá chết (28/4/2016), đã nói với báo Tuổi Trẻ (30/04/2016): "Tôi khẳng định pháp luật VN không cho phép vì điều 101 Luật bảo vệ môi trường có hiệu lực từ năm 2015 đã thể hiện, trong đó quy định: bất cứ đường ống nào - nhất là đường ống xả thải - đều phải tạo điều kiện cho quá trình giám sát, tiếp cận, kiểm tra một cách dễ dàng."
Nhưng tại sao Formosa lại được phép đặt ống ngầm dưới đất từ năm 2014 với sự chấp thuận của nhiều cơ quan nhà nước?
Ông Hà nói: "Tôi đang chỉ đạo kiểm tra và làm rõ việc này. Trước mắt những cái gì chưa phù hợp phải sửa ngay. Còn việc kiểm tra, rà soát xem vì sao thời điểm trước chấp thuận, trách nhiệm thế nào, lý do vì sao chấp thuận, tôi đã chỉ đạo làm rõ và sẽ tiếp tục xem xét trong thời gian tới."
Tất nhiên chuyện Formosa xảy ra thời ông Nguyễn Tấn Dũng làm Thủ tướng, vậy ông này có trách nhiệm gì chăng, hay đã nghỉ hưu mà ở Việt Nam gọi quen thuộc là "hạ cánh an toàn" thì trách nhiệm thuộc về ai đó không biết?
Để sửa đổi khuyết điểm đặt ống dẫn, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã chỉ đạo Formosa phải đưa ống lên cho dễ kiểm soát.
Ông nói: "Tôi nhìn ra vấn đề nếu để đường ống ngầm thì rất khó giám sát, rất khó kiểm tra. Vì vậy, trước mắt tôi đã chỉ đạo rõ, ngay tới đây Formosa phải đưa đường ống ngầm này lên để thuận tiện cho việc theo dõi, giám sát. Luật quy định đường ống phải đảm bảo thật sự thuận lợi cho các cơ quan kiểm tra, như vậy không thể để ngầm được."
Cho đến khi bài này được viết (18/05/2016), chuyện đưa ống lên của Formosa vẫn chưa thấy nhúc nhích.
Có rồi sao còn giấu?
Vậy cuộc điều tra của cán bộ khoa học hàng đầu của nhà nước CSVN về nguyên nhân cá chết đã ra cơm cháo gì chưa?
Theo lời Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Công Tạc thì cuộc điều tra của các Bộ, ngành liên quan đã phân tích mẫu hải sản chết ở miền Trung.
Ông Tạc nói với báo chí ở Việt Nam ngày 14/05/2016: "Có thể nói, tất cả lực lượng các tổ chức Khoa học và Công nghệ, nhà khoa học trong nước với những chuyên ngành có liên quan đã tham gia vào quá trình phân tích, đánh giá và xác định nguyên nhân của hiện tượng hải sản chết hàng loạt này."
Ông Tạc cũng khoe: "Với tính chất là vấn đề phức tạp liên quan đến nhiều ngành: hải dương học, địa chấn thủy văn, động học dòng chảy, hóa học, sinh học, bệnh học, sinh thái…việc xác định nguyên nhân thực sự là một vấn đề lớn, phức tạp và đặt ra yêu cầu tiếp cận, xử lý bài bản, khoa học, khách quan, chặt chẽ và đúng pháp luật.
Các nhà khoa học đã được tạo mọi điều kiện để trả lời bằng luận cứ khoa học của mình một cách độc lập và khách quan nhất.”
Ông nói: "Thực chất đã có sự hợp tác chặt chẽ với các nhà khoa học nước ngoài (Nhật Bản, Đức, Pháp, Mỹ, Israel) để bổ sung dữ liệu đánh giá, tăng cường độ tin cậy, tính chính xác và tính khách quan.
Các nhà khoa học nước ngoài khi được trao đổi tham vấn với Hội đồng chuyên gia Khoa học và Công nghệ quốc gia đã khẳng định về việc tiếp cận và đi đúng hướng của các nhà khoa học trong nước để từng bước xác định nguyên nhân."
Cuộc họp báo của ông Tạc khá dài và có qúa nhiều chi tiết như thế ông muốn làm cho bộ não các nhà báo bị quay cuồng muốn vỡ ra mà vẫn chưa trả lời được câu hỏi: Vì sao cá, cua, tôm, sò v.v… đã chết.
Ông chỉ nói úp mở: "Cho đến nay, các kết quả phân tích mẫu, kết quả đối chứng đã cơ bản thể hiện sự hội tụ và phù hợp với những quy luật và diễn biến thực địa. Kịch bản nguồn phát sinh tác động, lan truyền ra sao, ảnh hưởng đến cá và sinh vật biển kể cả san hô như thế nào đã dần được sáng tỏ.
Trao đổi trực tiếp với các nhà khoa học cho thấy hơn một tháng qua chúng ta đã nỗ lực và cũng đã đi một chặng đường dài đến giai đoạn nước rút cuối cùng thực hiện mục tiêu đề ra."
Vậy đâu là “trung tâm” của chuyện cá chết mà cứ phải nói loanh quanh cho mất thời giờ?
Ông đáp: "Như vậy có thể nói đã đủ cơ sở để khẳng định sẽ có được câu trả lời với căn cứ khoa học thuyết phục, được quốc tế thừa nhận. Bộ Khoa học và Công nghệ đang nỗ lực cùng với Hội đồng chuyên gia Khoa học và Công nghệ và các Bộ, ngành liên quan để đưa ra kết luận cuối cùng sớm nhất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và nhân dân."
Chừng nào thì có kết luận cuối cùng để bạch hóa cho dân biết? Tại sao chuyện khẩn trương như thế mà ông Tạc cứ thủng thẳng là làm sao?
Chẳng nhẽ dân cứ há hốc mồm ra để chờ ăn bánh vẽ mãi?
Chết mặc bay
Cũng liên quan đến chất độc từ Formosa thì người dân cũng muốn hỏi nhà nước tại sao không thử nghiệm xác thợ lặn Lê Văn Ngày đã chết khi ông thi công xây dựng đê chắn sóng ở cảng Sơn Dương thuộc KCN Formosa - Vũng Áng (huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh)?
Báo chí Việt Nam tường thuật: "Sau nhiều lần lặn biển, thấy trong người khó thở, mệt mỏi nên chiều 24-4, ông Ngày xin phép nghỉ, ở ký túc xá của công ty. Đến chiều cùng ngày, ông Ngày có biểu hiện trẹo hàm, tức ngực, đau bụng, đau lưng dữ dội và khi đưa đến Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình thì ông tử vong. Cái chết của ông Ngày làm gia đình hết sức bất ngờ, không hiểu lý do vì sao."
Theo lời kể của ông ông Lê Văn Giờ (em ruột ông Ngày) thì: "Tại khu vực cảng Vũng Áng, khoảng 3-4 tuần trước khi ông Ngày tử vong, nước biển vẩn đục bất thường. “Thời gian nước đục trùng với thời gian cá chết hàng loạt và trùng luôn thời điểm các thợ lặn cảm thấy ngứa ngáy, mỏi mệt, nhiều người ho sặc sụa khi lặn ở vùng biển này. Thời điểm nước vẩn đục cũng trùng với việc anh tôi phát bệnh và chết đột ngột sau đó".
Bên cạnh những chuyện thiệt hại, lo âu và thương tâm của người dân trong vùng bị nạn còn có chuyện nhiều cá tôm nuôi trong hồ ở Quảng Bình và Quảng Trị cũng bi nhiễm độc chết vì người nuôi nghe theo lời lãnh đạo bảo "nước an toàn" nên cứ bơm nước biển vào hồ.
Như vậy toàn cảnh của người dân miền Trung sẽ tiếp tục bị khốn khó, không chỉ cho những người còn sống bây giờ mà còn cho cả các thế hệ tương lai ở vùng đất nghèo khổ này.
Bởi vì, từ biển người dân đã sống và tồn tại hàng ngàn năm với cá tôm, hải sản, nước mắm và muối. Bây giờ cá chết, nước mắm sẽ khan hiếm và hết còn ai dám làm muối thì dân miền Trung và cả nước Việt Nam sẽ sống bằng gì?
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và đảng CSVN có giỏi thì trả lời cho cá tôm biết Tổ quốc đã lâm nguy chưa?
(05/016)
Post a Comment