Nhìn Ok Tedi nhớ về Hà Tĩnh
Ls Nguyễn Văn Thân (Danlambao) - Trong thời gian qua, các vụ cá chết hàng loạt ở mấy tỉnh miền Trung làm sôi sục nhiều người Việt trong và ngoài nước. Nhà nước hoàn toàn bất lực trước thảm họa môi trường này. Đã hơn một tháng mà vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân. Thậm chí phải mời chuyên gia ngoại quốc đến giúp. Người dân ở Sài Gòn, Hà Nội và các tỉnh xuống đường biểu tình ôn hòa đòi hỏi môi trường trong sạch và chính quyền minh bạch thì bị chụp mũ là do tổ chức "khủng bố khích động và chi tiền" rồi bị công an trá hình thanh niên xung phong đánh tả tơi không chừa cả phụ nữ lẫn trẻ em. Hơn 800 cơ quan truyền thông bây giờ đã bị Đảng bịt miệng. Báo nào đăng bài viết về những "lời than thở của cá" thì phải "xin tự đình bản". Tự do ngôn luận và tự do báo chí ở Việt Nam là một trò hề cười ra nước mắt mà hàng ngàn ngư dân miền Trung sẽ không cảm thấy hài hước tí nào.
Thảm họa môi trường không chỉ xảy ra ở Việt Nam. Đa số các nước nghèo và tụt hậu đều có một điểm chung là có một thể chế chính trị độc tài, yếu kém đẻ ra nạn tham nhũng, bôi trơn và một hệ thống công quyền vô cảm để cho các công ty ngoại quốc lợi dụng khai thác. Trước đây đã có trường hợp tương tự liên quan tới BHP và mỏ Ok Tedi tại Papua New Guinea (PNG). BHP là một trong những công ty khai thác khoáng sản lớn nhất của Úc có hơn 30,000 nhân viên làm việc cho công ty khắp mọi nơi trên toàn thế giới.
Ok Tedi hay là sông Tedi nằm trong miền núi hướng tây của PNG. Mỏ Ok Tedi nằm trên núi Fubilan khoảng 1800 mét trên mặt nước. Trong khu vực này, lượng nước mưa hàng năm lên tới 10 mét và nạn đất lỡ và trượt xảy ra hàng ngày.
Vào năm 1980, chính quyền PNG cấp giấy phép cho công ty Ok Tedi Mining Limited (OTML) tiến hành khai thác mỏ đồng. Công ty này do BHP làm chủ nắm quyền kiểm soát với 52% cổ phiếu. Chính quyền PNG có 30% và 18% còn lại thuộc về Canada Metal Mining Corporation. Lúc đó có khoảng 74,000 người đang sống trong khu vực sông Tedi trong số 5 triệu dân PNG thời bấy giờ.
Khi tiến hành hoạt động, OTML đã nghiên cứu cho xây một cái đập nước để giữ chất thải. Nhưng tới đầu năm 1984 thì một trận lở đất khủng khiếp hủy hoại cấu trúc của con đập này trong lúc xây cất. OTML, với sự đồng ý của chính quyền và cổ đông PNG, tiếp tục hoạt động và xả thải vào sông Tedi. Trong hai thập niên, OTML xả khoảng 30 tới 40 triệu tấn chất độc vào sông Tedi tiêu diệt gần 90% số lượng cá và đời sống thực vật trong phạm vi 1300 km vuông. Các loại súc vật gồm có heo rừng và bồ câu lần lượt biến mất. Người dân cũng không tiếp tục trồng được khoai môn là món ăn hàng ngày của họ, buộc nhiều người dân địa phương phải rời bỏ bộ lạc tìm nơi khác sinh sống.
Vào cuối năm 1994, Slater & Gordon, công ty luật nổi tiếng chuyên đại diện cho những người thấp cổ bé miệng trong các vụ kiện tập thể đại diện cho 30,000 cư dân sinh sống chung quanh sông Tedi thuộc 600 bộ lạc khác nhau đệ đơn kiện BHP tại Tòa Thượng Thẩm Victoria đòi bồi thường 4 tỷ Úc kim. Đơn kiện nói rõ là nguyên đơn bị thiệt hại vì OTML xả thải chất độc vào sông Tedi. Bị đơn BHP là công ty điều hành mỏ Ok Tedi trực tiếp gây ra tổn hại này và do đó phải chịu tránh nhiệm pháp lý. Slater & Gordon lập luận rằng nguyên đơn tiến hành đơn kiện tại Victoria để cho người Úc thấy chính công ty lớn nhất của họ đang hủy diệt môi trường, đất đai và đời sống của người dân PNG thế nào.
BHP không phủ nhận là họ có xả thải vào sông Tedi. Nhưng họ lập luận rằng việc làm này có sự chấp thuận của chính quyền PNG và do đó họ không phạm pháp. Hơn nữa, sự việc này xảy ra ở một quốc gia khác là PNG và Tòa án Úc không có thẩm quyền để xét xử. Bị đơn dựa vào án lệ được thành lập trong vụ kiện British South Africa Co v Companhia de Mozambique [1893] là tòa án trong hệ thống thông luật không có thẩm quyền xét xử các vụ kiện liên quan tới chủ quyền hoặc sở hữu hoặc xâm phạm đất đai của một quốc gia khác. Lý do đơn giản là tòa không thể ban hành án lệnh có tính ràng buộc về chủ quyền hoặc sở hữu đất đai ở nước ngoài.
Thẩm phán Byrne của Tòa Thượng Thẩm Victoria ghi nhận là tòa sẽ không có thẩm quyền nếu đơn kiện dựa trên chủ quyền hoặc sở hữu đất đai. Tuy nhiên, tòa sẽ có thẩm quyền nếu đơn kiện dựa vào yếu tố khác ví dụ như hoạt động thương mại hoặc kinh tế bị tổn hại vì hành vi của bị đơn. Trong trường hợp này, nguyên đơn lập luận rằng họ không làm chủ sông Tedi và đất đai chung quanh. Nhưng họ hành nghề đánh cá để sinh sống. Họ kiện vì bị đơn tước đi quyền khai thác sông nước thiên nhiên mà họ và tổ tiên của họ đã hưởng từ ngàn xưa. Lập luận của nguyên đơn tương tự như lập luận của Phi Luật Tân trong vụ kiện "Đường Lưỡi Bò". Có nghĩa là Phi Luật Tân không yêu cầu tòa phán xét chủ quyền mà chỉ xin tòa xác nhận quyền khai thác kinh tế chính đáng và hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế dựa trên Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển.
Sau khi Thẩm phán Byrne ban hành quyết định là Tòa có thẩm quyền, BHP chấp nhận điều đình và bồi thường và trả án phí cho nguyên đơn tổng cộng lên tới khoảng 500 triệu Úc kim. Hợp đồng thỏa thuận kết thúc vụ kiện giữa hai bên được ký vào năm 1996 gồm có 4 phần. BHP sẽ trả 90 triệu cho 30,000 cư dân sinh sống dọc theo sông Tedi và 35 triệu cho những người ở hạ nguồn bị thiệt hại nặng nề nhất vì chất thải. 10% cổ phiếu trong công ty OTML trị giá 350 triệu được trao cho chính quyền PNG giữ giùm cho những người dân tỉnh miền tây PNG. Ngoài ra, BHP cũng cam kết tiến hành biện pháp lưu trữ chất thải dựa theo yêu cầu của chính quyền PNG.
Năm năm sau tức vào năm 2001, Slater & Gordon một lần nữa lại đại diện cho hơn 46,000 cư dân PNG tiến hành đơn kiện tập thể viện dẫn lý do là BHP đã không thi hành đúng cam kết của thỏa thuận năm 1996. Tòa ấn định ngày xử trong tháng 4 năm 2004 nhưng tới tháng Giêng thì nguyên đơn rút lại đơn kiện. Một trong những lý do chính là BHP đã chuyển nhượng hết cổ phiếu của họ cho chính quyền PNG để đổi lấy đặc quyền miễn tố vào năm 2001.
Mỏ Ok Tedi tạo ra 2,000 việc làm và vào năm 2006 đóng góp 23.6% vào GDP của PNG và gần 20% tổng giá trị xuất khẩu. Là một nước nghèo, đây là một số tiền quá lớn mà chính quyền PNG sẵn sàng chấp nhận và đánh đổi môi trường và đời sống của hàng chục ngàn cư dân của họ cũng như cướp đi môi trường sống của nhiều thế hệ mai sau. Nhưng tới tháng Giêng năm 2014 thì Tòa án Quốc gia PNG ra lệnh OTML phải ngưng xả thải vào sông Tedi đồng nghĩa với việc đình chỉ mọi hoạt động của mỏ này. Tòa cũng ra lệnh niêm phong trương mục của công ty và sử dụng 19 triệu để điều tra tác hại của hành vi xả thải trong nhiều năm qua đối với sông Tedi và các nhánh sông lân cận.
Trước đây cũng đã xảy ra vụ ô nhiễm môi trường ở Việt Nam liên quan tới công ty Vedan. Vedan là một doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư từ nước ngoài có trụ sở đặt tại Đồng Nai, thuê mướn khoảng 2,000 công nhân làm việc với thu nhập bình quân trên 2 triệu đồng VN hàng tháng. Từ năm 1994, Vedan đã bắt đầu xả thải vào sông Thị Vải. Mặc dù gây ô nhiễm tai hại như vậy nhưng tới 14 năm sau tức là vào tháng 9 năm 2008 thì hành vi này mới bị nhà nước phát hiện. Bộ Tài Nguyên & Môi Trường xử phạt và truy thu phí môi trường nhưng đùn đẩy trách nhiệm đình chỉ hoạt động hoặc rút giấy phép kinh doanh sang cho chính quyền tỉnh Đồng Nai. Nhưng cơ quan điều tra không thể khởi tố hình sự vì luật pháp VN chưa quy trách nhiệm hình sự của pháp nhân công ty Vedan mà chỉ truy cứu trách nhiệm cá nhân lãnh đạo công ty nếu họ đã bị xử phạt hành chính.
Ngoài lợi ích môi trường của chung, hành vi xả thải hủy diệt sông Thị Vải của Vedan gây thiệt hại trực tiếp cho 7,000 hộ nông dân của ba tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu và TP HCM. Khi nông dân đòi bồi thường thì phản ứng của chính quyền ba tỉnh là khác nhau. Tại TP HCM, Hội Nông Dân đứng ra làm đầu mối tiếp nhận đơn rồi báo cáo với Ban Bí thư Trung Ương Đảng. Tại Bà Rịa-Vũng tàu, chính quyền giao trách nhiệm cho Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn giúp nông dân kê khai và xác định thiệt hại. Ngược lại tại Đồng Nai là trụ sở của Vedan thì chính quyền địa phương không chủ động hỗ trợ nông dân khởi kiện mà thậm chí còn đứng về phía Vedan hạn chế số tiền bồi thường xuống 15 tỷ đồng trong lúc nông dân tỉnh này đòi bồi thường 119 tỷ đồng.
Thật ra vấn đề chính của Việt Nam không phải là thảm họa môi trường mà là thảm họa thể chế. Thể chế độc tài đảng trị mới sinh ra tham nhũng và vô cảm là nguyên nhân hủy diệt không chỉ đời sống kinh tế, môi trường mà văn hóa và tinh thần của cả một dân tộc. Việt Nam chưa phát triển mà đã bị ô nhiễm thê thảm thế này và càng công nghiệp hóa dưới chủ trương của Đảng thì đất Mẹ Thiên nhiên càng tan tành. Chỉ có khi nào có một số đông quần chúng cần thiết (critical mass) không chỉ vài trăm hay vài ngàn mà là vài trăm ngàn người Việt vượt qua sợ hãi và thờ ơ đứng lên đòi quyền làm người gồm có quyền tiếp cận thực phẩm và nguồn nước sạch theo tinh thần của Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền và Công Ước Quốc Tế về Các Quyền Kinh Tế, Xã Hội và Văn Hóa mà Việt Nam đã gia nhập thì mới mong có cơ hội cá có nước sạch và người dân có chính quyền minh bạch.
Post a Comment