Lịch Sử Ngày Quốc Tế Lao Động - Ngày 1 Tháng Năm
Ngày Quốc tế Lao động hay ngày 1 tháng Năm là ngày lễ kỷ niệm và ngày hành động của phong trào công nhân quốc tế và của người lao động. Vào các ngày 1 tháng Năm, tại nhiều nước trên thế giới thường có các cuộc biểu tình trên đường phố của hàng triệu người lao động và các tổ chức công đoàn của họ. Vào ngày này, các phong trào cộng sản, cánh tả, các tổ chức theo chủ nghĩa vô chính phủ cùng với các công đoàn liên minh thực hiện các cuộc tuần hành trên đường phố yêu cầu mở rộng các quyền lao động và an sinh xã hội.
Năm 1883, tại thành phố Chicago, Đại hội Liên đoàn Lao động Hoa Kỳ thông qua nghị quyết nêu rõ: "...Từ ngày 1/5/1886, ngày lao động của tất cả các công nhân sẽ là 8 giờ". Sở dĩ ngày 1 tháng Năm được chọn bởi đây là ngày bắt đầu một năm kế toán tại hầu hết các nhà máy, xí nghiệp ở Hoa Kỳ. Vào ngày này, hợp đồng mới giữa người lao động và người sử dụng lao động sẽ được ký. Giới chủ tư bản có thể biết trước quyết định của công nhân mà không thể kiếm cớ chối từ.
Ngày 1/5/1886, do yêu cầu của công nhân không được đáp ứng một cách đầy đủ, giới công nhân trên toàn Hoa Kỳ đã tham gia bãi công nhằm gây áp lực buộc giới chủ thực hiện yêu sách của mình. Đầu tiên là cuộc bãi công tại thành phố Chicago. Khoảng 40 nghìn người không đến nhà máy. Họ tổ chức mit-tinh, biểu tình trên thành phố với biểu ngữ "Từ hôm nay không người thợ nào làm việc quá 8 giờ một ngày! Phải thực hiện 8 giờ làm việc, 8 giờ nghỉ ngơi, 8 giờ vui chơi!" Cuộc đấu tranh lôi cuốn ngày càng đông người tham gia. Cũng trong ngày hôm đó, tại các trung tâm công nghiệp khác trên khắp Hoa Kỳ đã nổ ra khoảng 5.000 cuộc bãi công với khoảng 340 nghìn công nhân tham gia. Ở Washington, New York, Baltimore, Boston... hơn 125.000 công nhân giành được quyền ngày chỉ phải làm 8 giờ.
Các cuộc biểu tình bị đàn áp nặng nề. Những người sử dụng lao động đuổi những công nhân bãi công, thuê người làm ở các thành phố bên cạnh, thuê bọn khiêu khích và cảnh sát đàn áp cuộc đấu tranh của công nhân. Đặc biệt, ở Chicago, cảnh sát đã xả súng vào đoàn người tay không, làm 4 người chết, hơn 70 bị thương và trên 100 người bị bắt. Các xung đột xảy ra dữ dội khiến hàng trăm công nhân chết và bị thương, nhiều thủ lĩnh công đoàn bị bắt... gây nên sự kiện thảm sát Haymarket năm 1886 tại Chicago. Do cuộc biểu tình đình công của công nhân ngày càng lan rộng buộc giới chủ phải chấp nhận yêu sách của công nhân.
Ngày 20/6/1889, ba năm sau "thảm kịch" tại thành phố Chicago, Quốc tế cộng sản lần II nhóm họp tại Paris (Pháp). Dưới sự lãnh đạo của Friedrich Engels, Đại hội lần thứ nhất của Quốc tế Cộng sản II đã quyết định lấy ngày 1 tháng Năm hàng năm làm ngày biểu dương lực lượng và đấu tranh chung của tầng lớp vô sản các nước.
Từ đó, ngày 1 tháng Năm trở thành Ngày Quốc tế Lao động, ngày đấu tranh của giai cấp công nhân, ngày nghỉ ngơi và biểu dương lực lượng, ngày hội của công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới.
Năm 1920, dưới sự phê chuẩn của Lenin, Liên Xô (cũ) là nước đầu tiên cho phép người dân được nghỉ làm vào ngày Quốc tế Lao động 1 tháng Năm. Sáng kiến này dần dần được nhiều nước khác trên thế giới tán thành.
Nguồn sưu tầm
Mời các bạn ghé thăm facebook: www.facebook.com/BlogAnhHoNguyen/
Xin cảm ơn!
Post a Comment