Một cuộc vượt thoát công an ngoạn mục
Lê Anh Hùng | VOA| 2.5.2016 |
Như bao người khác không chỉ đang khắc khoải, lo lắng cho số phận của dân tộc mà còn sẵn sàng dấn thân với những hành động thiết thực, sáng 1/5 tôi dự định sẽ tham gia cuộc biểu tình tại Hà Nội nhằm phản đối thảm hoạ môi trường ở Bắc Miền Trung thời gian qua mà thủ phạm là tập đoàn Formosa của Trung Quốc.
Tôi thức dậy từ sớm, tắm rửa rồi đi ăn sáng. Ra khỏi nhà thì không thấy kẻ nào canh chừng mình. Tuy nhiên, trong bụng còn chưa hết mừng thì khi quay về tôi đã thấy lố nhố mấy vị khách “không mời mà đến”: 1 tay an ninh phòng PA67 – CA Hà Nội, tay trưởng công an phường Đại Kim (quận Hoàng Mai), 1 viên cảnh sát khu vực, 1 viên cảnh sát trật tự và ông tổ trưởng dân phố.
Tôi vừa buồn vừa bực, bụng bảo dạ: “Phen này thì hết đường biểu tình rồi.” Và tự trách mình là sao lại chủ quan đến thế, lẽ ra là phải đi luôn từ sáng sớm, đằng này lại cứ đủng đỉnh để rồi bị bao vây. (Thực ra, vì tối hôm trước tôi bay chuyến bay muộn từ Sài Gòn ra Hà Nội, về đến nhà đã 1h sáng, nên cũng có phần chủ quan là họ chưa biết mình ở đâu.)
Tôi vừa buồn vừa bực, bụng bảo dạ: “Phen này thì hết đường biểu tình rồi.” Và tự trách mình là sao lại chủ quan đến thế, lẽ ra là phải đi luôn từ sáng sớm, đằng này lại cứ đủng đỉnh để rồi bị bao vây. (Thực ra, vì tối hôm trước tôi bay chuyến bay muộn từ Sài Gòn ra Hà Nội, về đến nhà đã 1h sáng, nên cũng có phần chủ quan là họ chưa biết mình ở đâu.)
Tay trưởng công an phường giải thích với tôi là họ muốn mời tôi về trụ sở công an phường để làm “đăng ký tạm trú”, do hộ khẩu của tôi nằm ở quận Thanh Xuân. Một ngày nghỉ lễ trên cả nước mà nhà chức trách lại huy động một lực lượng đông đảo đến nhà một công dân chỉ để mời anh ta đi đăng ký tạm trú thì đó quả là một nhà nước “của dân, do dân và vì dân” như họ vẫn ra rả tuyên truyền rồi còn gì.
Tôi biết là nếu không đi đến đó thì mình cũng không thể nào rời khỏi nhà được, bởi với ngần ấy người thì làm sao mà thoát cho nổi. Vì thế chỉ còn cách là vờ ngoan ngoãn đi theo họ để tìm cơ hội thoát thân thôi.
Sau khi đăng thông báo trên trang Facebook cá nhân về việc tôi bị “mời” về công an phường để “khai báo tạm trú”, tôi bắt đầu tỏ ra nhũn nhặn với họ, lấy xe máy ra và đi theo họ, không quên thủ sẵn máy ảnh và biểu ngữ trong người. Tay trưởng công an phường nhanh chóng nhảy lên xe tôi ngồi để dễ bề kiểm soát đối tượng, sau lưng tôi là 2 xe máy của tay an ninh PA67 và tay cảnh sát khu vực.
Đến khu vực trụ sở công an phường, vì đã có ý tìm cơ hội đào thoát nên khi đưa xe máy vào bãi xong, tôi không cởi mũ bảo hiểm. Tay trưởng công an phường liền nhắc tôi là hãy cất mũ bảo hiểm chỗ xe máy (bãi để xe nằm ngoài khuôn viên trụ sở). Tôi bèn quay lại xe, tra chìa khoá vào ổ, mở ngăn chứa đồ để bỏ mũ bảo hiểm vào đó (dù thực ra không cần thiết phải cẩn thận như vậy vì đây là lãnh địa của công an), đồng thời tranh thủ thời cơ quay đầu xe ra ngoài một chút.
Tôi cố ý “câu giờ” để chờ cho mấy kẻ hộ tống mình tiến về phía cổng trụ sở công an phường. Trong tích tắc, khi phát hiện bọn chúng lơ là mục tiêu, tôi liền rồ ga phóng xe chạy. Mấy tay cảnh sát hốt hoảng chạy theo: “Ơ này, chạy đi đâu thế?”
Đến Bờ Hồ, tôi gửi xe vào phố Lý Thường Kiệt rồi bắt taxi đi về phía Nhà hát Lớn, nơi cuộc biểu tình dự kiến xuất phát, nhưng không thấy bóng “biểu tình viên” nào ở đấy. Tôi tưởng cuộc biểu tình đã không thể diễn ra, nhưng vẫn bảo taxi đi về hướng Tràng Tiền rồi rẽ sang Đinh Tiên Hoàng xem tình hình thế nào. Đi qua chỗ tượng đài Lý Thái Tổ cũng chẳng thấy dấu hiệu nào của một cuộc biểu tình, ngoại trừ rất đông dân chúng đang tập thể dục và nhảy nhót cùng nhiều cảnh sát áo xanh, áo vàng ở đó. (Đây là một địa điểm mà các cuộc biểu tình ở Hà Nội thường lấy làm điểm xuất phát hoặc ghé vào trong khi tuần hành, vì thế nhà chức trách thường huy động lực lượng “quần chúng” chiếm hết không gian công cộng.)
Nhìn sang phố Lê Thái Tổ phía bên kia Hồ Hoàn Kiếm, thấy một đám đông khá dài, tay lái xe taxi nói hình như đang có biểu tình ở đó. Tôi liền bảo taxi chạy sang đó và gia nhập đoàn biểu tình ở đoạn ngay trước mặt nhà hàng Thuỷ Toạ phố Lê Thái Tổ. Lúc này khoảng 9h30.
Tôi giương cao tấm biểu ngữ “HÁN TẶC HOÀNG TRUNG HẢI, ‘CHA ĐẺ’ CỦA FORMOSA HÀ TĨNH, HÃY CÚT KHỎI VIỆT NAM” gần như suốt cuộc biểu tình, đặc biệt là luôn cố trưng cho lực lượng cảnh sát, an ninh và dân phòng để họ được thấy, ngõ hầu khai mở cho họ về thực trạng thối nát của bộ máy cũng như những hiểm hoạ của đất nước. Chốc chốc tôi lại hô vang “ĐẢ ĐẢO FORMOSA!”, rồi “ĐẢ ĐẢO HÁN TẶC HOÀNG TRUNG HẢI!”. Đoàn người biểu tình cứ thế hô theo “ĐẢ ĐẢO! ĐẢ ĐẢO!” Rất nhiều người dân chụp ảnh tấm biểu ngữ và bày tỏ sự ủng hộ.
Tác giả (Lê Anh Hùng) trong cuộc biểu tình tại Hà Nội sáng 1/5.
Từ đầu đến cuối cuộc biểu tình, tôi luôn bị đám an ninh thay nhau quay phim, chụp ảnh. Một vài người nhắc tôi là không nên hô khẩu hiệu quá mạnh như thế, những người mới tham gia lần đầu họ sẽ ngại, nhưng tôi giải thích với họ rằng Hán tặc Hoàng Trung Hải mới là chính danh thủ phạm, nếu không nhằm thẳng vào hắn thì không thể giải quyết được vụ Formosa Hà Tĩnh cũng như bao hiểm hoạ khác của Việt Nam. Nhiều người đồng tình ủng hộ.
Sau mấy vòng tuần hành, cuộc biểu tình kết thúc vào khoảng lúc 12h tại tượng đài Lý Thái Tổ. Tôi và anh Hoa TDrời khu vực tượng đài đi dọc theo phố Lê Lai rồi rẽ trái sang góc phố Lý Thái Tổ giáp phố Lê Lai, nơi anh gửi xe máy (tôi nhờ anh chở đến chỗ tôi gửi xe máy).
Từ tượng đài Lý Thái Tổ, đi được một đoạn, chúng tôi ngoái lại nhìn thì thấy một toán an ninh chừng 7-8 tên đang bám theo. Đến chỗ anh Hoa TD gửi xe thì cả một đám mặt mũi lạnh lùng bặm trợn đuổi kịp và vây xung quanh chúng tôi. Tôi bảo chúng: “Các anh định làm gì vậy. Chúng tôi không có nhu cầu bảo vệ đâu.” Bất thình lình, một tên an ninh hộ pháp chẳng nói chẳng rằng vòng tay qua cổ và bụng tôi, ép tôi lên chiếc xe SH của đồng bọn chờ sẵn và đưa tôi đi, với mấy chiếc xe khác hộ tống phía sau.
Chúng đưa tôi về trụ sở Phòng Cảnh sát Hình sự Công an Hà Nội, số 7 Thuyền Quang. Tại đây, chúng lục soát người tôi, tước đoạt điện thoại, máy ảnh cùng 2 tấm biểu ngữ có nội dung như trên.
Trước sự hung tợn của đám côn đồ đội lốt “công an nhân dân”, tôi tỏ ra nhũn nhặn rồi dần dần giải thích cho chúng việc mình đang làm. Đám an ninh/cảnh sát cứ xoáy vào tấm biểu ngữ của tôi, rằng tôi lấy tấm biểu ngữ ở đâu, tại sao lại viết nội dung như vậy về một nhà lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước, v.v.
Tôi hỏi lại chúng: “Hoàng Trung Hải có phải là người Hán không?” Một tên nói: “Ông ta là người Hán nhưng đã ở Việt Nam 5 đời rồi.” Tôi nói: “Đó là luận điệu của đám dư luận viên bắt nguồn từ những kẻ bao che cho ông ta. Bố ông ta tên là Sì Sói, sinh ra và lớn lên ở Long Khê, Chương Châu, Phúc Kiến, Trung Quốc. Vậy ông ta không là người Hán thì người gì?”
Tôi lại đặt câu hỏi cho chúng: “Có đúng Hoàng Trung Hải là tác giả của Formosa Hà Tĩnh không? Ông ta là người đã ký hai quyết định quan trọng nhất đưa đến sự ra đời của dự án này.” Tôi tiếp tục: “Tôi không nói vu vơ, mà tôi khẳng định những sự thật trên qua một vụ tố cáo công khai và đúng pháp luật suốt 8 năm nay, mà đến giờ vẫn chưa được giải quyết.” Bọn họ không trả lời được. “Vậy tôi nói đúng hay sai? Tôi có nên nói hay không? Tôi tin là nếu ở vào hoàn cảnh của tôi, các anh cũng hành xử như tôi thôi.”
Tôi nhẹ nhàng khuyên nhủ họ: “Chúng ta không phải là kẻ thù của nhau. Giữa tôi và các anh chẳng có thù oán gì cả. Các anh làm theo pháp luật, theo chỉ đạo của cấp trên. Tôi thì thực hiện quyền biểu tình, một quyền tự do mà hiến pháp quy định. Công dân được quyền làm những gì mà pháp luật không cấm, còn các anh chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép. Tôi chỉ yêu cầu các anh làm đúng pháp luật thôi. Các anh mà cứ nhắm mắt làm bừa theo chỉ đạo mồm của cấp trên thì đến khi chế độ này sụp đổ các anh chạy đi đâu, trong khi với hàng đống dollar chứa đầy các nhà băng ở Thuỵ Sỹ, Hoa Kỳ… sếp của các anh đã ‘cao chạy xa bay’ rồi?”
Đám cảnh sát/an ninh kia không chỉ cứng họng mà dần dần còn tỏ ra đồng cảm và thậm chí nể phục.
Dù tỏ ra nhũn nhặn và luôn tận dụng cơ hội để khai mở cho họ về những vấn đề của đất nước, nhưng tôi kiên quyết không hợp tác với họ khi họ lập đủ thứ biên bản này nọ. Tôi nói: “Việc các anh ‘mời’ tôi về đồn công an như thế là trái pháp luật, vi phạm quyền tự do và quyền bất khả xâm phạm về thân thể của tôi. Tôi đi biểu tình là thực hiện một quyền chính đáng của công dân mà hiến pháp quy định. Tôi không thể hợp tác hay làm việc với những kẻ bắt cóc, những kẻ đang chà đạp lên pháp luật.”
Cuối cùng, sau một thời gian chờ “chỉ đạo của cấp trên”, Phòng Cảnh sát Hình sự đành lập biên bản bàn giao vụ việc cho Công an Q. Hoàn Kiếm, rồi Công an Q. Hoàn Kiếm lại bàn giao cho Công an P. Đại Kim. Hơn 7h tối, tôi rời khỏi trụ sở Phòng CSHS để đi cùng viên Trưởng CA P. Đại Kim và viên cảnh sát khu vực về trụ sở công an phường làm thủ tục đăng ký tạm trú. Mãi tới hơn 11h đêm, tôi mới về tới nhà.
Cuộc biểu tình ở Hà Nội hôm 1/5 vừa qua là cuộc biểu tình kéo dài nhất từ trước tới nay, bắt đầu từ 8h55 và mãi đến gần 12h mới tan, với số người tham gia đông nhất, lúc cao điểm phải trên 2.000 người. Quan trọng hơn, trong thành phần biểu tình có rất nhiều người mới tham gia lần đầu và đặc biệt là đông đảo các bạn trẻ. Đây thực sự là bước chuyển biến rất tích cực và mang nhiều ý nghĩa.
Riêng đối với tôi, sau một ngày mệt nhọc với nhiều cung bậc cảm xúc, tôi cảm thấy rất vui khi lần đầu tiên công khai vạch mặt chỉ tên thủ phạm chính của hiểm hoạ Formosa Hà Tĩnh, và là đầu mối trực tiếp của hầu như mọi vấn nạn liên quan đến Trung Quốc ở Việt Nam suốt nhiều năm qua, trong một cuộc xuống đường rầm rộ của quần chúng.
Cuộc vượt thoát công an sáng 1/5 vì thế lại càng ngoạn mục và ý nghĩa.
* Blog của Lê Anh Hùng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
Lê Anh Hùng là một blogger/dịch giả/nhà báo độc lập ở Hà Nội và là người đấu tranh vì tự do, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam từ nhiều năm nay.
Nguồn: VOA
Post a Comment