Huyền thoại về chính đảng mạnh
Luật sư Đào Tăng Dực (Danlambao) - Đại họa về môi sinh phát xuất từ sự quản trị quốc gia yếu kém và vô trách nhiệm của giới quan chức CSVN liên hệ đến Formosa Hà Tĩnh tại Vũng Áng làm đổ vỡ thêm niềm tin vốn đã tả tơi trong quần chúng lẫn nội bộ đảng.
Sự kiện Tòa Trọng Tài Thường Trực Quốc Tế đã ra phán quyết dành chiến thắng toàn diện và triệt để cho Philippines trong cuộc chiến pháp lý tại Biển Đông, có hậu quả là phơi bày những yếu hèn và khiếp nhược của lãnh đạo CSVN trong trách nhiệm thiêng liêng bảo vệ lãnh thổ và lãnh hải của tiền nhân để lại.
Trong nội bộ của đảng, cũng như ngoài dư luận quần chúng, có nhiều xôn xao phẫn uất vì sự yếu kém và tắc trách của lãnh đạo đảng.
Hầu trấn an dư luận trong lẫn ngoài đảng, các người CSVN đưa ra lập luận như sau:
Đồng ý là đảng CSVN có rất nhiều khuyết điểm. Tuy nhiên, một cách khách quan, khi duyệt xét tình hình của đất nước hiện nay, một trong những lý do buộc đảng CSVN phải tiếp tục cầm quyền là hiện giờ không có một đảng phái chính trị quốc gia không cộng sản nào có đủ thực lực, nhất là nhân sự khả năng và uy tín, hầu lèo lái con thuyền quốc gia.
Dĩ nhiên, đây là một thứ ngụy biện hoàn toàn sai trái, như sẽ chứng minh trong bài này. Tuy nhiên lập luận trên vẫn thuyết phục được một số cán bộ trong nội bộ đảng và đáng chú ý hơn là ngay cả một số trí thức không cộng sản cũng bị lập luận này làm mờ mắt.
Trước hết, trên bình diện đảng phái chính trị, người CSVN, theo truyền thống của Đệ Tam Quốc Tế, chủ trương độc quyền chính trị và tiêu diệt tất cả mọi đảng phái và mầm mống đối lập. Chính vì thế, khi một mặt họ triệt tiêu mọi đối lập và mặt khác cũng chính họ lập luận rằng, vì không có những đảng phái đối lập với nhân lực có khả năng, họ bị bắt buộc phải tiếp tục cầm quyền, là một thứ lập luận vòng vo, mang tính vừa ăn cướp vừa la làng, không còn chỗ đứng trong thời đại tin học toàn cầu nữa. Nhất là, lập luận của họ, trên bình diện khách quan, hoàn toàn khác biệt với thực tế.
Thực tế khách quan là, mặc dầu họ ra sức hủy diệt mọi đối lập chính trị, kiểm soát mọi hình thức báo chí thông tin, cấm đoán sự hình thành các hội hoàn xã hội dân sự chân chính, nhưng các lực lượng và tổ chức đối lập vẫn được hình thành và nhân sự của họ, về phẩm chất cũng như về số lượng, đều cao hơn nhân sự lãnh đạo của đảng CSVN.
Đây chính là điều họ sợ hãi nhất.
Thật vậy, với sự tiến bộ về tin học và tính hiếu học truyền thống của người dân Việt, đất nước chúng ta đã có một giai cấp trí thức phi cộng sản mà trí tuệ và tài năng cao hơn các ông Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Xuân Phúc, Trần Đại Quang, hoặc bà Nguyễn Thị Kim Ngân rất nhiều. Những bài viết của các nhân sĩ không cộng sản này trên facebook, trên các diễn đàn diện tử, không kém gì các nhà trí thức trên khắp thế giới, tại các quốc gia tây phương.
Chỉ nói đến một vài tổ chức tương đối mới mẻ như Hội Anh Em Dân Chủ, Con Đường Việt Nam thôi, là cũng nhiều người tài ba rồi.
Trần Huynh Duy Thức, LS Lê Công Định, Phạm Thanh Nghiên, Huỳnh Ngọc Tuấn, Huỳnh Thục Vy, LS Nguyễn Văn Đài, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh... chỉ là những ví dụ điển hình nhỏ.
Đó là chưa kể tại hải ngoại. Ngoài các chính đảng phát xuất từ lòng dân tộc như Việt Nam Quốc Dân Đảng, Tân Đại Việt... còn nhiều tổ chức khai sinh từ sau năm 1975. Qua sự đào thải của thời gian, một số tổ chức vẫn còn hiện hữu và hoạt động mạnh hơn. Hiện nay, có một khuynh hướng rõ rệt ngồi lại với nhau trong một liên minh rộng lớn hơn, hầu khuếch trương ảnh hưởng.
Ngày 16 tháng 7 vừa qua, tôi có tham dự buổi Trại Ngọn Đuốc Sinh Tồn của anh chị em Tân Đại Việt tổ chức, chỉ cần nghe những anh chị em trẻ nhưng có những bằng cấp từ các đại học Úc như các luật sư, tiến sĩ thuyết trình thì cũng đủ tin tưởng rằng họ có khả năng và đầu óc hơn các ông bà bộ trưởng, thứ trưởng, phát ngôn nhân, giám đốc CSVN đang làm dân tộc điêu đứng tại quê nhà.
Đó là chúng ta chưa kể số nhân tài gấp bội tại Hoa kỳ, trên chính trường, trong các cơ quan chính quyền, các đại học, các cộng đồng người Việt, thì chân tài và thực học của nhiều người còn cao hơn các dân biểu quốc hội gật, các ủy viên ban chấp hành trung ương đảng hoặc Bộ Chính Trị trên mọi phương diện.
Trên phương diện tổ chức đảng phái, người cộng sản lại lập luận rằng, những đảng phái quốc gia chia rẽ và yếu. Trong khi đảng CSVN đoàn kết và mạnh hơn.
Lập luận này chỉ có giá trị trong một thể chế độc tài khi một đảng chính trị mạnh sẽ tiêu diệt toàn diện đảng chính trị yếu để một mình một cõi. Trong khi đó, trong một môi trường chính trị dân chủ đa nguyên, cái mạnh tuyệt đối của một đảng chính trị như thế là một đe dọa lớn lao cho tính dân chủ của toàn thể chế chính trị.
Chính vì thế, các quốc gia dân chủ chân chính tây phương, không dung túng cho một đảng chính trị mạnh như đảng cộng sản.
Những đảng phái chính trị hoàn toàn cởi mở với những phe nhóm hoặc cá nhân trong nội bộ đảng, nói lên tiếng nói khác biệt của mình và hoàn toàn nằm dưới sự chế tài của luật pháp quốc gia, cạnh tranh trong một môi trường cởi mở với các đảng phái tương tự, sẽ đóng góp tích cực hơn cho phúc lợi của người dân, hơn là một tổ chức đảng phái mạnh, theo mô hình của Đệ Tam Quốc Tế cộng sản.
Đảng cộng sản dùng nguyên tắc tập trung dân chủ để ràng buộc và trừng phạt từng đảng viên, áp đặc quan điểm của mình trên cả nhà nước lẫn xã hội dân sự và tiêu diệt mọi đảng phái đối lập khác bằng máu và bạo lực. Một tập thể như thế trở thành một căn bệnh ung thư trong cơ thể của dân tộc và cần phải đại phẫu thuật, dứt khoát tiêu trừ thì dân tộc mới mong được hồi sinh.
Trong một nước Việt Nam dân chủ đa nguyên, không chỉ là những đảng phái, mà những liên minh chính trị tương đối lỏng lẻo vẫn có thể chiếm được nhiều ghế trong quốc hội, hoặc nắm quyền hành pháp, như tại Úc Đại Lợi (Liên Đảng Tự Do và Quốc Gia) hoặc Đức Quốc (Hiệp Hội Dân Chủ Thiên Chúa Giáo và Hiệp Hội Xã Hội Thiên Chúa Giáo).
Một đảng chính trị mạnh trong một chế độ dân chủ hoàn toàn khác với một đảng chính trị mạnh theo truyền thống độc tài. Một đảng chính trị mạnh trong một chế độ dân chủ chấp nhận đối lập bên ngoài, sự đa dạng ngay trong nội bộ đảng và sự chiếu rọi của luật pháp quốc gia trong mọi góc cạnh sinh hoạt của đảng, hầu thể hiện tinh thần pháp trị chân chính.
Trong khi đó, một đảng cộng sản mạnh, theo tinh thần Đệ Tam Quốc Tế, không chấp nhận đối lập ngoài đảng, không có sự đa dạng trong nội bộ đảng và sống trên và ngoài vòng cương tỏa của quan điểm pháp trị.
Chính vì thế khi đảng CS càng mạnh, thì quốc gia dân tộc càng suy vi và sự cáo chung của những đảng CS trong truyền thống Đệ Tam Quốc Tế thông thường đem lại sự hồi sinh và vươn lên nhanh chóng của dân tộc.
11.08.2016
Post a Comment