"Nước mất rồi còn nói gì nữa?"

1/5/1975

“Nước mất rồi còn nói gì nữa?” Nguyễn Thị Ngân khóc nức nở. “Tôi biết nói gì bây giờ?”

Đối với những người Việt tụm lại trong phòng khách bài trí lộng lẫy của tòa đại sứ Việt Nam Cộng Hòa vào ngày hôm qua, tất cả chẳng còn gì hết ngoài trừ nước mắt.

Cô Ngân, thông dịch viên ở Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, trong những tuần qua đã làm việc cật lực để tổ chức cứu trợ người tỵ nạn và đưa những người thân trong gia đình ra đi trước khi nước cô rơi vào tay cộng sản. Hôm qua giống như những người khác ngồi trong phòng khách tòa đại sứ, cô đau đớn bàng hoàng trước cảnh nước mất nhà tan và cô khóc.

Gần chỗ cô, nhóm phóng viên đang tụ lại để nghe Đại sứ Trần Kim Phượng phải nói gì. Vài phóng viên cố gắng bắt chuyện với những người Việt buồn rầu.

Những người Mỹ nói về phòng khách đẹp với các bích họa, bình phong rực rỡ và những bàn sơn mài. Những người Mỹ khác, trò chuyện sôi nổi, kể cho nhau nghe chuyện chiến tranh Việt Nam khi họ chuẩn bị thiết bị truyền hình cho đại sứ.

“Tôi không hiểu tại sao đại sứ không nói ‘chúng tôi đã mất nước-chẳng còn gì nói nữa,’” Cô Ngân nói lúc đứng lên ra về “nhưng ông ta là nhà ngoại giao. Ông ta sẽ nói nhiều hơn.”

Đại sứ bước vào và bắt tay từng phóng viên.

“Chúng tôi không thua Việt Cộng mà thua Bắc Việt. Chúng tôi phải chấp nhận sự thua cuộc này.” Phượng nói giọng đắn đo, cân nhắc.

“Tuy nhiên tôi mừng là trong bảy ngày qua chính quyền Mỹ đã đưa đi được rất nhiều đồng bào tôi. Chúng tôi, người Mỹ và người Việt, đã cùng đồng hành bên nhau trên con đường dài, nhưng vì chúng tôi đã mất Miền Nam Việt Nam vào tay cộng sản, tôi hy vọng những người tỵ nạn (ở đây) sẽ nhận được sự trợ giúp để họ ổn định cuộc sống.”

“Ông có ngạc nhiên trước sự cưỡng chiếm của cộng sản.” một phóng viên hỏi.

Phượng đáp ông không ngạc nhiên trước kết cuộc cuối cùng ở Việt Nam-chỉ ngạc nhiên là nó xảy ra quá nhanh.”

“Ai đáng trách cho việc mất nước ông?”

“Tôi nghĩ không ai đáng trách cả,” Phượng nói. “ Tình thế rất phức tạp, và tất cả những gì cần nói về nó thì người ta đã nói rồi.”

“Chính sách của Mỹ ở Miền Nam Việt Nam sai lầm ở đâu?”

“Điều ấy tôi sẽ để cho lịch sử trả lời. Còn tình cảnh hiện nay rất buồn,”

“Chính sách Hoa Kỳ ở Đông Dương bây giờ nên như thế nào?”

“Điều ấy tôi không nói được nữa.”

Phượng, điềm tĩnh nghiêm nghị trong suốt cuộc phỏng vấn, nói ông đoán cộng sản cuối cùng sẽ sát hại rất nhiều đồng bào ông. “Nhưng họ sẽ không thực hiện điều ấy trước ống kính truyền hình hay trước các phóng viên.” Ông nói. “Nhiều người sẽ bị bắt đi vào buổi tối hay đang lúc đi ngoài đường rồi sau đó không ai sẽ biết chuyện gì xảy ra với họ.”

Giống như hầu hết các nhân viên của ông ở đây, Phượng lo sợ cho người thân của mình ở Việt Nam.

Phượng nói ông và 70 nhân viên người Việt ở tòa đại sứ ở nước này đã quyết định không trở về Việt Nam và không phục vụ cộng sản ở đây. “Tôi nghĩ tòa đại sứ sẽ phải đóng cửa, “ông nói. Nhưng cho đến lúc ấy các nhân viên tòa đại sứ sẽ vẫn tiếp tục làm việc ở văn phòng tại 2251 R St. NW để đại diện cho quyền lợi của người việt ở đây.

Phượng nói sáng hôm qua các viên chức Mỹ báo cho ông biết tòa đại sứ không còn có thể rút tiền ra từ các trương mục của mình ở ngân hàng, và cũng không thể nào bán tòa đại sứ mà thuộc sở hữu của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa.

Không biết liệu các nhân viên tòa đại sứ có được trả lương nữa hay không, Phượng nói.

Phương Dung, viên chức chính trị ở tòa đại sứ, sau cuộc phỏng vấn ngồi thẩn thờ trên ghế trường kỷ trong phòng khách. Như những người khác ở tòa đại sứ, cô nói cô không biết đi về đâu.

“Ngay lúc này chúng tôi đang nghĩ về gia đình, về tổ quốc,” cô nói. “Tôi luôn luôn tưởng đến tâm trạng lúc mình không còn có mái nhà. Giống như bước đi ngoài phố, mà chẳng biết đi về đâu, rồi chợt hy vọng ai đấy sẽ mở cửa cho mình-nhưng chẳng ai mở cửa.”

Ngày hôm qua tổng đài tòa đại sứ tràn ngập những cuộc gọi điện thoại từ những người Việt Nam gọi đến để muốn biết người thân của họ có thoát ra được không.

Chi Ray, một người Việt ở Mỹ sống tại Arlington, nói bà đã nộp giấy tờ cho thân nhân ở sở di trú vào ngày thứ Ba, ngay lúc nước sắp mất.

“Rồi tôi gọi Uỷ ban Đặc nhiệm Đông Dương ở Bộ Ngoại Giao,” bà nói, “và họ nói ‘Chúng tôi không còn lo vấn đề ấy nữa; mọi sự đã kết thúc.’”


Nguồn: Báo Washington Post, số ra ngày 1 tháng Năm, 1975; trang A10. Tựa đề nguyên tác “‘What Do You Say When You’ve Lost Your Country?’”



Bản tiếng Việt:

No comments

Có Thể Bạn Chưa Xem

Tin Nóng

Powered by Blogger.