Phế thải y tế ở Việt Nam
Mai Thanh Truyết (Danlambao) - Hầu hết chúng ta đều biết tình trạng môi trường ở Việt Nam hiện tại đang xấu đi ngày càng trầm trọng, hậu quả của việc sản xuất của cải vật chất cho xã hội mà không chú trọng đúng mức đến việc bảo vệ mội trường từ khi Việt Nam bắt đầu mở cửa ra thế giới bên ngoài từ năm 1986 trở đi. Có khoảng 160.000 tấn/năm (1%) chất thải của Việt Nam được coi là nguy hiểm, bao gồm cả chất thải y tế nguy hại từ các bệnh viện, chất thải độc hại hoặc dễ cháy từ các quá trình công nghiệp, và thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ.
Một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng trên là các nguồn phế thải rắn. Có bốn loại phế thải rắn:
• Phế thải từ các công nghệ sản xuất gọi là phế thải kỹ nghệ;
• Phế thải từ rác từ các hộ gia đình gọi là phế thải sinh hoạt;
• Và phế thải y tế là tất cả các loại rác phát sinh từ những dịch vụ y tế trong bịnh viện và các trung tâm y tế trên toàn quốc;
• Sau cùng là phế thải điện tử gồm đủ loại máy vi tính, truyền hình, điện thoại, máy in v.v...
Bài viết nầy có mục đích trình bày các loại phế thải y tế ở Việt Nam và một số nhận định về tình trạng trên cùng một vài đề nghị giải quyết một vấn đề không kém quan trọng hiện đang xảy ra ở Việt Nam.
Định nghĩa và thành phần của chất thải y tế
Chất thải y tế còn gọi là chất thải bệnh viện là những chất phế thải từ bệnh viện qua những dịch vụ y tế như chữa trị, mổ xẻ, và thử nghiệm. Đại để, đó là những quần áo bệnh nhân và y công, bác sĩ sau khi chữa trị có dính máu và chất thải của người bệnh, cũng như vi khuẩn, các bộ phận của con người bị tách rời, hóa chất, thuốc men cùng dụng cụ dùng trong các sinh hoạt trên.
Do đó, phế thải y tế rất dễ bị lây nhiễm và có nguy cơ ảnh hưởng lên sức khỏe con người sống trong môi trường bệnh viện, nếu không được xử lý thích đáng. Thông thường theo ước tính trong 4kg phế thải y tế có 1kg phế thải đã bị nhiễm vi khuẩn nguy hiểm. So với các loại chất thải khác như chất thải rắn trong kỹ nghệ và phế thải gia cư, đây là một loại phế thải độc hại hơn cả vì phế thải y tế có thể trực tiếp ảnh hưởng tức khắc lên sức khỏe của con người, và hơn nữa có thể có nguy cơ tạo ra bịnh dịch qua sự lây nhiễm trên một vùng dân cư rộng lớn. Còn tính độc hại của hai loại phế thải gia cư và kỹ nghệ có tính cách lâu dài hơn và khó nhận diện trước mắt.
Cung cách giải quyết hay thanh lọc loại phế thải y tế trên thế giới
Hiện tại, trên thế giới ở hầu hết các quốc gia kỹ nghệ, trong các bệnh viện, cơ sở săn sóc sức khỏe, hay những công ty đặc biệt xử lý phế thải đều có thiết lập hệ thống xử lý loại phế thải nầy. Đó là các lò đốt (incinerators) ở nhiệt độ cao tùy theo loại phế thải từ 1.000oC đến trên 4.000oC. Tuy nhiên phương pháp nầy hiện nay vẫn còn đang được tranh cãi về việc thanh lọc khí và bụi đã được thải hồi vào không khí sau khi đốt.
Các phế thải y tế trong khi đốt, thải hồi vào không khí nhiều hạt bụi li ti và các hóa chất độc hại phát sinh ra do quá trình thiêu đốt như: acid cloridric, dioxin/furan, và một số kim loại độc hại như thủy ngân, chì, hoặc arsenic, cadmium. Do đó, tại Hoa Kỳ từ năm 1996, đã bắt đầu các điều luật về khí thải của lò đốt nghiêm khắc hơn và lượng khí thải hồi phải được giảm thiểu bằng những hệ thống lọc hóa học và cơ học tùy theo loại phế thải. Cũng như các hạt bụi phóng thích sau khi đốt đường kính phải nhỏ hơn 8 micrometer (PM8).
Ngoài ra còn có phương pháp khác để giải quyết vấn đề nầy đã được các quốc gia lưu tâm đến vì phương pháp đốt đã gây ra nhiều bất lợi vì lượng khí độc hại phát sinh thải vào không khí; do đó các nhà khoa học hiện đang áp dụng một phương pháp mới. Đó là phương pháp nghiền nát chất phế thải và thanh lọc dưới nhiệt độ và áp suất cao để tránh việc phóng thích khí thải trong khi xử lý.
Dựa theo phương pháp nầy, phế thải bệnh viện được chuyển qua một máy nghiền nát. Phế thải đã được nghiền xong sẽ được chuyển qua một phòng hơi có nhiệt độ 138oC và áp suất 3,8bar. Điều kiện nhiệt độ và áp suất trên là điều kiện tối ưu cho hơi nước bão hòa. Phế thải được thanh lọc trong vòng 40 đến 60 phút. Sau cùng phế thải rắn đã sẽ được chuyển đến các bãi rác thông thường vì đã đạt được tiêu chuẩn tiệt trùng. Phương pháp nầy có thêm lợi điểm là làm giảm được khối lượng phế thải vì được nghiền nát, chi phí ít tốn kém hơn lò đốt, cũng như không tạo ra khí thải vào không khí.
Phế thải y tế ở các nước đang phát triển
1. Phế thải rắn: Đối với các quốc gia đang phát triển, việc quản lý môi trường chung vẫn còn rất lơ là, nhất là đối với phế thải bệnh viện. Tuy nhiên trong khoảng 5 năm trở lại đây, các quốc gia như Ấn Độ và Trung Cộng đã bắt đầu chú ý đến việc bảo vệ môi trường, và có nhiều tiến bộ trong việc xây dựng các lò đốt ở bệnh viện.
Đặc biệt ở Ấn Độ từ năm 1998, chính phủ đã ban hành Luật về “Phế thải y tế: Lập thủ tục và Quản lý”. Trong bộ luật nầy có ghi rõ ràng phương pháp tiếp nhận phế thải, phân loại phế thải, cùng việc xử lý và di dời đến các bãi rác.. Do vậy, vấn đề phế phải độc hại của quốc gia nầy đã được cải thiện rất nhiều.
Trong lúc đó Việt Nam, mặc dù đã ban hành Luật về Quản lý Phế thải Y tế từ năm 1999, nhưng cho đến nay vẫn chưa đặt mối quan tâm đúng mức về vấn đề nầy, ngay cả đối với rác gia cư và rác kỹ nghệ. Hà Nội có 36 bệnh viện mà chỉ có một bệnh viện có lò đốt. Tp Sài Gòn cũng chẳng khá gì hơn, chỉ có 3 lò đốt cho trên 100 bệnh viện trong thành phố. Đối với các tỉnh, thị xã còn lại, thiết nghĩ cũng không có bệnh viện nào có trang bị lò đốt cả.
Tại Sài Gòn, hầu hết các bệnh viện trong thành phố chỉ có trách nhiệm thu gom, phân loại, kiểm soát và chuyển tải rác y tế về nhà rác; còn vấn đề vận chuyển rác đi đâu, xử lý như thế nào thì giao cho cơ quan quản lý môi trường. Chính vì sự quản lý còn lỏng lẻo mà tình trạng rác y tế ngày càng tệ hại hơn.
Đối với Tp Sài Gòn, đây là thành phố có số lượng bệnh nhân lớn nhất, trung bình hàng tháng có thể thải ra hơn 7 tấn rác y tế gồm kim và ống chích, bông băng, dao mổ, các ống plactic chuyền nước biển hay thuốc men v.v... Tất cả được thu gom vào các thùng nhựa, có ghi mã số riêng và được chuyển xuống nhà rác. Sau đó là việc của Cty Quản lý Môi trường, và bệnh viện hoàn toàn không còn chịu trách nhiệm việc xử lý! Do đó, Cty Môi trường chuyển rác đi đâu, xử lý như thế nào thì không ai được rõ cả! Cũng không quên nói thêm là thành phố còn có hàng ngàn văn phòng khám bệnh và chữa trị do các bác sĩ hành nghề, và vấn đề thu gom rác y tế hoàn toàn không được nêu lên. Đây cũng là một số lượng rác không nhỏ, gây thêm nguy cơ cho rất nhiều mầm bịnh.
Riêng tại thủ đô Hà Nội, vấn đề quản lý còn tồi tệ hơn nữa, và nhiều tệ trạng mới vừa được nêu ra trên báo chí và truyền thanh gần đây nói lên sự bất lực của những nhà chịu trách nhiệm trong lãnh vực nầy. Điển hình là trường hợp bệnh viện Việt Đức. Trong nhiều năm qua, bệnh viện đã ký hợp đồng với Xí nghiệp Xử lý chất thải công nghiệp Y tế thuộc Cty Môi trường Hà Nội vận chuyển và xử lý rác y tế. Tuy nhiên vì không ai quản lý địa hạt xử lý, cho nên Cty trên đã bán lại các loại rác có thể tái sinh thay vì phải xử lý. Điều nầy cũng xảy ra cho bệnh viện Bạch Mai và một số bệnh viện khác tuy chưa được khám phá ra. Ngay chính Đài Radio ABC ở Úc châu trong buổi phát thanh ngày 29/8/2007 nêu tin tức gần 300 tấn rác y tế ở Việt Nam ở các bệnh viện Hà Nội đã được tái sản xuất thành các dụng cụ dùng trong kỹ nghệ ăn uống như muỗng nĩa, dao nhựa, các loại ly chén nhựa, các thùng chứa bằng nhựa v.v...
2. Phế thải y tế lỏng: Ngoài phế thải rắn vừa kể trên, cũng cần nên nhắc đến một lượng nước thải y tế quan trọng. Từ trên 1.000 bệnh viện trên toàn quốc hiện tại, theo thống kê của Việt Nam hiện chỉ có 1/3 có hệ thống xử lý nước thải, đặc biệt là ở trung ương và các thành thị lớn. Tuy nhiên trong số trên chỉ có một phần nhỏ đạt được tiêu chuẩn môi trường. Nhiều nơi, có cũng như không vì hệ thống không được bảo hành sau đó bỏ không với lý do là không có kinh phí cho tiền điện và hóa chất cùng nhân viên điều hành...
Ở nhiều bệnh viện lớn ở thành phố, nước thải chỉ qua bồn chứa rồi chảy thẳng vào sông rạch.
Thí dụ như bệnh viện Việt Đức, cơ sở ngoại khoa lớn nhất nước, thực hiện hàng chục ngàn ca mổ mỗi năm mà vẫn chưa có nhà máy xử lý nước thải đúng tiêu chuẩn. Sài Gòn còn trên 35 bịnh viện chưa có hệ thống xử lý nước thải và 40 bệnh viện hệ thống không đạt tiêu chuẩn theo thống kê 2007.
Theo Sở Tài nguyên & Môi trường Hà Nội, trong số 400 ngàn m3 nước thải đổ vào sông Nhuệ, sông Đáy mỗi ngày, có độ khoảng phân nửa là nước thải bệnh viện. Từ đây cho thấy mầm bịnh trên các sông rạch chằng chịt ở Việt Nam đang bị ô nhiễm như thế nào vì các mầm bệnh sinh học, thậm chí cả phóng xạ, virus đường tiêu hóa, bại liệt, ký sinh trùng, liên cầu, tụ cầu, Salmonella v.v...
Thêm nữa, những mầm bệnh nầy chu du khắp nơi, xâm nhập vào các loại thủy sản, cây trồng, nhất là các thủy thực vật như rau muống chẳng hạn. Từ đó, con người sau khi tiếp nhiễm với các mầm bịnh trên qua dây chuyền thực phẩm, nguy cơ ung thư và các bệnh hiểm nghèo khác sẽ tăng rất nhanh. Đối lại, Sài Gòn cũng không khá gì hơn với trên 17 ngàn m³ nước thải y tế lỏng thải vào sông rạch hàng ngày.
Từ những thông tin nêu trên đây, chúng ta nhận thức được tình trạng rác y tế ở Việt Nam đã được quản lý tồi tệ cũng như các viễn kiến để giải quyết vấn đề hầu như không được những người đang nắm quyền lực lưu ý đến.
Cung cách giải quyết rác thải y tế của Việt Nam hiện tại
Từ năm 2007, Bộ Y tế đã đưa ra kế hoạch thu thập tất cả các chất thải y tế mỗi ngày, với 70 phần trăm của chất thải rắn, và sẽ được “xử lý” vào năm 2015, theo một nguồn tin từ Cục Quản lý Môi trường Y tế. Nhưng năm 2015 đã qua, và năm 2016 đã bước vào nửa năm cuối mà tình trạng ngày càng tệ hại hơn so với năm 2007!
Trong những năm gần đây, dịch tả và cúm A H1N1 đã xuất hiện trở lại, hầu hết trong số nạn nhân là do ô nhiễm môi trường, đặc biệt là cung cách điều trị không đúng cách cũng như chất thải y tế còn tồn đọng trong phạm vi các bệnh viện và ở cả các bãi rác lộ thiện hiện diện khắp nơi trong nước.
Ts Nguyễn Huy Nga cho biết “Việt Nam đã có hơn 13.600 bệnh viện và cơ sở y tế, trong đó chỉ có 44 phần trăm đã có hệ thống “xử lý” nước thải y tế”.
Ngoài ra, hầu hết các hệ thống thanh lọc nước thải y tế tại các bệnh viện hoặc bị quá tải hoặc trong hình dạng không sử dụng được, cũng như cung cách thanh lọc không đáp ứng được yêu cầu và tiêu chuẩn đã đề ra trong Bộ luật Môi trường.
Kết quả là, hầu hết chất thải bệnh viện dù có qua thanh lọc hay không đều được xả thải trực tiếp vào môi trường.
Nước thải y tế thường có chứa khoảng 20 phần trăm các chất độc hại có thể gây bệnh nếu không được thanh lọc đúng cách.
Cũng theo lời của Ts Nga “Các cơ sở y tế mỗi ngày xả khoảng 120.000 và 150.000 mét khối nước thải và khoảng 350 và 400 tấn chất thải y tế, trong đó có 42 tấn chất thải độc hại.” (Theo thống kê năm 2007).
“Năm 2015, lượng nước thải ý tế lỏng và rắn đã tăng gấp đôi, nhưng tình trạng của các nhà máy thanh lọc vẫn không được cải thiện thêm chút nào, người lại còn rất nhiều nhà máy bị hư hỏng và Giám đốc của nhiều bệnh viện địa phương cho biết rằng họ thừa nhận tầm quan trọng của chất thải và xử lý nước thải nhưng không có đủ kinh phí để xây dựng và lắp đặt thiết bị này”.
Chỉ có Hà Nội và Tp Sài Gòn có lò đốt rác y tế, trong khi ở các bịnh viện và cơ sở y tế địa phương, việc thanh lọc chất thải y tế rắn bằng cách chôn sâu dưới đất cùng với rác thải sinh hoạt; cũng như chất thải lỏng... được đổ thẳng vào các mương rạch trong vùng...
Đề nghị hướng giải quyết
Cho đến hiện nay, chưa thấy có chỉ dấu nào của Việt Nam về việc cải thiện tình trạng quản lý các nguồn rác nói chung, và phế thải y tế nói riêng. Các loại phế thải rắn và lỏng là hai vấn nạn môi trường quan trọng nhất hiện tại mà Việt Nam phải đối mặt và giải quyết một cách rốt ráo. Nếu Việt Nam không chịu thay đổi cung cách hành xử, e rằng Việt Nam sẽ phải chịu một cơn khủng hoảng môi trường nghiêm trọng trong một tương lai rất gần.
Tình trạng chung trên 64 tỉnh toàn quốc vẫn xảy ra nhiều trường hợp cảnh trống đánh xuôi kèn thổi ngược, nghĩa là luật đi đường luật, lệ... đi đường lệ! Tình trạng nầy càng tệ hại hơn nữa ở hai nơi cần phải được giữ gìn hơn cả là ở Hà Nội và Sài Gòn, vì hai nơi nầy là hai trung tâm tiếp cận với ngoại quốc nhiều nhất và đông dân nhất so với các tỉnh khác.
Do đó, đứng trước tình trạng cấp bách về việc thanh lọc phế thải y tế, cũng như khả năng tài chính của các bệnh viện không thể nào trang trải cho chi phí thiết lập một lò đốt, một số phương cách giải quyết trước mắt để có thể điều chỉnh và hạn chế được chất thải nầy. Tuy nhiên, vấn đề chỉ có thể giải quyết từng bước một khi có sự tham gia của nhà cầm quyền hiện tại:
- Đối với các bệnh viện có bệnh nhân dễ bị nhiễm trùng và truyền nhiễm cao như các bệnh viện nhiệt đới, nhà bảo sinh, nhà nước bắt buộc bằng giá nào cũng phải xây lò đốt càng sớm càng tốt. Thêm nữa cần phải tăng cường kiểm soát việc quản lý các lò đốt của bệnh viện. Và việc làm cấp yếu tức thời đối với những bệnh viện còn lại là phải hạn chế chất thải y tế tối đa.
- Ở các quốc gia kỹ nghệ, song hành với việc thanh lọc phế thải, Cơ quan Bảo vệ môi trường sở tại thường thiết lập chính sách khen thưởng bằng cách giảm thuế cho cơ sở sản xuất nào áp dụng chương trình giảm thiểu phế thải. Mức độ khen thưởng tùy theo điều kiện và mức độ độc hại cho mỗi quy trình.
Trong trường hợp chất thải y tế, sau đây là một số gợi ý về phương cách để làm giảm thiểu chất thải:
- Trước hết, trong bệnh viện không nên sử dụng bao tay, áo choàng, khăn trải v.v... bằng chất dẻo nhân tạo như PVC, phải thay thế các dụng cụ trên bằng cao su thiên nhiên (latex).
- Thủy ngân trong các hỗn hợp kim loại dùng trong việc trám răng, trồng răng, cũng như chì (Pb) dùng làm điện cực của pin trong các hệ thống theo dõi nạn nhân bị bệnh tim v.v... sẽ được tái sử dụng bằng phương pháp tái sinh hóa học.
- Một số trang phục và hệ thống hô hấp trong phòng mổ có thể được tiệt trùng và dùng lại nhiều lần.
- Các dung môi thông thường trong bệnh viện như benzen, toluene, xylene có thể được sử dụng lại qua hệ thống chưng cất phân đoạn.
Tóm lại, bệnh viện có thể sử dụng lại tất cả những dụng cụ, hóa chất nào có thể tái sinh được và làm đúng theo quy định về an toàn y tế.
Ngoài ra, còn rất nhiều phương cách để giảm thiểu phế thải y tế tùy theo mức độ chuyên ngành của bệnh viện.
Nếu làm được một số việc căn bản đan cử trên đây, chúng ta đã hạn chế được một phần nào tình trạng ô nhiễm, giảm thiểu lượng chất thải và mức độ độc hại của chúng, và nhất là giảm thiểu được chi phí điều hành.
Sau hết, với sự tham gia đúng mức của các thành phần nhân sự trong bệnh viện từ nhân viên quản lý đến nhân viên y tế, cùng bệnh nhân… sẽ chứng minh được mức độ thành công của chương trình giảm thiểu chất thải nói chung, và chất thải y tế nói riêng.
11.08.2016
Hội Khoa học & Kỹ thuật Việt Nam tại Hoa Kỳ (VAST)
Post a Comment