Xin cám ơn các Anh Chiến Sĩ Việt Nam Cộng Hòa!
Nguyễn Trọng Dân (Danlambao) - Khác với nhiều người ở hải ngoại, tôi lần đầu biết đến giọng ca của Nguyệt Ánh khi còn ở trong tù - đó là vào khoảng gần cuối thập niên 1980.
Số là như vầy, không hiểu vì lý do gì mà bạn tù nằm chung “sệp” với tôi lại là một anh gốc Cao Thắng, rất khéo tay, giỏi sửa. Chúng tôi ở xà-lim gọi là F 250 (đọc là “ép hai- năm mươi”) - cuối dãy hành lang.
Mỗi xà-lim một “sệp” là hai người tù. Ở trong xà lim vì một chân bị còng nên phải tiểu tiện tại chổ. Toàn dãy xà-lim được còng bằng một thanh sắt xỏ còng; còng có hình như móng ngựa bằng sắt đúc xuống nền xà lim. Tù nhân chỉ việc để một chân vào cái móng ngựa này và khi thanh sắt xỏ ngang thì coi như chân bị dính chặt vào còng, không thể rút ra được nữa.
Mỗi lần mở còng để xịt nước rửa phân cho toàn dãy, bọn quản giáo cán ngáo phải mở khóa từ xà lim F 250 nơi chúng tôi bị nhốt trước thì mới kéo thanh sắt xỏ còng từ phía đầu dãy được. Có một lần khóa bị rỉ sét mở hoài không được nên bọn cán Cộng phải kêu người ngoài vào sửa. Khi vào sửa, người thợ này bảo bọn cán cần ít nhất hai ngày, một ngày cưa cái khóa cũ ra khỏi cái móng ngựa, nắn lại thanh sắt xỏ còng cho thẳng và ngày thứ hai thì đổ lại nền để làm lại cái móng ngựa mới cho chắc chắn.
Lúc giờ nghỉ trưa, người thợ này đem cái radio ấp chiến lược nhỏ sài bằng pin ra dò nghe ca nhạc nhân lúc nghỉ ngơi. Nhưng hôm đó, radio có lẽ cũ quá nên bị hư. Người đó bực mình chửi rủa mình ên thì người bạn tù tôi từ trong xà lim tối mới nói vọng ra xin sửa. Ông thợ khóa cười khảy bảo anh ta mà sửa được thì ông ta cho luôn hai thằng tù cái radio này- Ông thợ khóa nói "bởi thời buổi Bao Cấp, có sửa được thì pin cũng chẳng có mà mua!" Nói rồi, người thợ khóa quăng luôn cái radio nhỏ bé cũ mèm này vào trong xà lim. Người bạn tù tôi mới xin một cọng kẽm và mấy trái chanh.
Tôi nghĩ thầm trong bụng, bị bỏ đói bấy lâu trong xà-lim thì anh chàng này phải xin miếng đường thẻ cho đỡ đói mới phải- ai lại đi xin chanh mà làm gì. Không ngờ, người thợ sửa khóa tù ngày hôm sau thảy vào xà lim cả chục trái chanh.
Thế là sau đó, thời gian nằm trong xà lim, anh bạn tù của tôi cứ mạy mọ cả ngày. Anh ta đập bể phần che bằng nhựa ra rồi dùng cộng kẽm cắt chanh thấm vào áo rách te tua để chùi, rửa máy tỉ mỉ say sưa. Xà-lim tuy tối nhưng qua ánh sáng song khe, tôi thấy anh ta chăm chú sửa.
Tuy là bạn tù chung “sệp” nhưng tôi ít khi nói chuyện với người này bởi sợ anh chàng này là "ăng-ten." Thường thường, những người nằm ở xà-lim trước thường hay nghi những người vào “sệp" sau mình vì trước hay sau gì, không ba thì bảy, bọn này cũng là ăng ten.
Do đó, khi anh ta chăm chú sửa thì tôi mừng lắm vì khỏi phải mở miệng mà "hầu chuyện" anh ta. Anh ta mở miệng hỏi mà mình không trả lời thì cũng hơi kỳ, mà mở miệng thì lòng không muốn. Còn anh ấy, thấy tôi lạnh lùng nên cứ thở dài, thỉnh thoảng hát vài bản cải lương cho đỡ chán cảnh ngày dài…
Cho nên cả hai chúng tôi chẳng ai biết ai cả. Chỉ biết trước ở Sài Gòn, anh ta là dân Cao Thắng- Có vậy thôi!
Tôi đang ngủ thì nghe có tiếng rè rè của phụ nữ bên tay- nên giật mình tỉnh dậy tưởng là cơn mơ. Hóa ra anh bạn tù của tôi sửa được cái radio rồi- rè rè nhỏ lắm nhưng nằm gần bên thì nghe được. Anh ta rà rà nhẹ nhẹ chỉnh tần số nên âm thanh nghe khá khá hơn.
Tôi nằm im nghe. Những gì tôi nghe lúc đó từ cái radio ấp chiến lược rè rè, tôi nhớ đến bây giờ:
"Thưa chị Nguyệt Ánh, chị hát cho Thuyền Nhân Việt Nam, cho người lính mà chưa bao giờ tôi thấy chị hát tình ca. Khi nào chị sẽ hát tình ca?”
"Thưa anh, Nguyệt Ánh sẽ hát cho Thuyền Nhân Việt Nam, cho người lính cho đến khi nào quê hương không còn Cộng Sản."
"Thưa chị, ngày hôm nay, chị sẽ gởi đến thính giả của đài VOA bản nhạc nào?"
"Thưa anh, xin cho Nguyệt Ánh được trình bày bản nhạc "Thà Chết Trên Biển Đông"
"Thưa chị Nguyệt Ánh, vì sao chị lại chọn bài nhạc này để gởi đến thính giả?"
"Thưa anh, vì Nguyệt Ánh nghĩ rằng, "thà chết trên biển Đông còn hơn sống trong ngục tù Cộng Sản tối tăm!"
"Vâng, cám ơn chị và sau đây là bản nhạc, "Thà chết trên biển Đông" ..
Âm thanh bị rè...
Âm thanh rõ lại...
"Thà chết trên biển đông để được có một ngày
Em xa mùi chủ nghĩa đầm lầy
Thà chết trên biển đông được sạch kiếp làm người
Anh vui mồ chung ấy với ai đời đời."
Cả hai chúng tôi lặng im nghe, mỗi người một tâm sự riêng. Tuy nhiên, tôi thấy anh ta cứ khóc nghẹn mãi.
Khuya lơ khua lắc tối hôm đó, không hiểu lý do gì, người bạn tù chung "sệp" với tôi bỗng tự nhiên rú lên kinh khiếp- tôi cố nằm im giữ bình tĩnh, anh ta gào lên chửi Cộng Sản, anh ta đả đảo Cộng Sản. Anh ta gọi "Hồ Chí Minh là quân chó đẻ" liên hồi. Anh ta hô lên: "Việt Nam Cộng Hòa muôn năm" liên hồi.
Khoảng đâu nửa tiếng đồng hồ sau, bọn quản giáo lật đật đến, kéo thanh sắt mở còng vì cả trại xà-lim nhốn nháo. Chúng quát tháo, chúng nạt nộ. Sau cùng, chúng lôi cổ được người bạn tù chung “sệp” của tôi ra kéo lê lết (vì khi mình bị còng chân lâu ngày thì đôi chân sẽ bị liệt dần, phải tập từ từ mới đi được.) Mặc dù vậy, anh ta vẫn cứ tiếp tục la lên không ngừng "Hồ Chí Minh là quân chó đẻ! Việt Nam Cộng Hòa muôn năm!”
Khoảng hai mươi phút sau, chúng tôi nghe có tiếng súng…
Từ đó, tôi không thấy anh ấy trở lại “sệp" nữa. Nhưng dư âm của những tiếng kêu gào của anh cứ tối tối vang vọng trong lòng tôi, vang vọng trên toàn dãy xà lim... Ai ai cũng bảo xà lim bây giờ có ma.
Thú thật, đây cũng là lần đầu tôi nghe một người dám kêu lên "Việt Nam Cộng Hòa muôn năm" vào thời buổi đó; đó là chưa kể lần đầu thấy có người dám la gào lên “Hồ Chí Minh là quân chó đẻ" như vậy!
Thỉnh thoảng, toàn dãy xà lim gõ tường hẹn nhau đồng loạt hô lên "Việt Nam Cộng Hòa muôn năm" giữa đêm rồi đột nhiên im bặt khiến bọn quản giáo chẳng biết người nào hô cả. Chúng rình mãi đâm chán nên chúng tôi cứ thế mà hô, “ăng-ten” được bọn quản giáo gởi vào "sệp" hết người này đến người nọ để tìm xem ai là chủ mưu cho đến khi chúng buộc phải đổi trại hết toàn dãy xà-lim.
Sau, tôi được ra trại Lớn lao động, tôi dò hỏi mãi chẳng ai biết anh ấy là ai. Tôi hỏi một anh du kích dân địa phương canh trại, thì anh chàng du kích dốt chữ này chỉ nói "lãnh đạo ở trên cho biết anh ta là Trung úy Ngụy có tên giả mạo là Linh Tâm, ngoan cố không chịu ra trình diện, trốn đi nhưng được quần chúng tố giác bắt được; vì tên Ngụy này xúc phạm đến Bác mà phải đền tội!??"
Hỏi hắn xác của anh ấy bị vùi ở đâu thì hắn không biết, tôi hỏi hắn “sau này nếu anh lỡ bị bắn rồi bị vùi xác vô nhân không ai biết ở nơi nào như vậy thì anh có buồn không?”, anh ta nuốt nước miếng làm thinh và bỏ đi nơi khác.
Tôi không bao giờ thuộc nguyên bài nhạc này nhưng lúc nào cũng lầm bầm câu trả lời của Nguyệt Ánh: "Thà chết trên biển Đông còn hơn sống trong ngục tù Cộng Sản tối tăm!”
Từ năm 1991 trở đi, Việt Kiều quá giang, quá cảnh về Sài Gòn đem nào băng cassette Vũ Khanh, Ý Lan, Lệ Thu, Khánh Ly, etc... khoe, tặng; tôi hỏi họ, có đem về nhạc của Nguyệt Ánh hay không? Bọn Việt Kiều này chưng hửng đáp, "nhạc Nguyệt Ánh toàn là nhạc tâm lý chiến, đem về bị bắn chết sao?"
Tôi hỏi, "trước sau gì cũng phải giấu mới qua cửa hải quan thì tại sao giấu nhạc Nguyệt Ánh không được?" Họ nuốt nước bọt làm thinh. Một anh Việt Kiều có vẻ còn ấm ức bèn cãi: "Nhạc tình ca hay thì không nghe, sao lại đi nghe nhạc tâm lý chiến?" Tôi nhìn thẳng vào mặt anh ta mà hỏi:
"Đất nước của anh, tại sao anh ở không được, ở không nổi mà buộc phải trốn qua xứ người?" - Anh chàng Việt kiều này bỏ đi rồi từ đó, chẳng thấy liên lạc gì nữa…
Năm tháng trôi qua, niềm tin về một tương lai Việt Nam Cộng Hòa ngày càng mạnh mẽ trong tôi, có lẽ, được khởi đầu bằng sự hy sinh thầm lặng của người lính Việt Nam Cộng Hòa vô danh này, người tù chung "sệp" với tôi ngày nào.
Xin cám ơn Các Anh Chiến Sĩ Việt Nam Cộng Hòa!
Post a Comment