Tạm biệt ước mơ

Hồ Chí Phèo (Danlambao) - Dân Mỹ cũng như các dân tộc trên các xứ sở tự do khác luôn có những ước mơ. Bao nhiêu ước mơ đã trở thành hiện thực về khoa học, kỹ thuật, kinh tế, giáo dục, y tế... Riêng một ước mơ bình đẳng về quyền con người nổi tiếng nhất, có lẽ của mục sư Luther King: "I have a dream...", trong đó ông mong ước một ngày người da đen hoàn toàn bình đẳng với người da trắng trên mọi phương diện.

Khi ông Obama đắc cử tổng thống Mỹ năm 2008, người Mỹ da đen và cả nhiều người Mỹ da trắng vui mừng vì điều này thể hiện rõ rệt chức vụ tổng thống Mỹ đã không phân biệt màu da. Dĩ nhiên trong một quốc gia, mọi người được tự do bày tỏ ý kiến của mình nên cũng có người trên căn bản kỳ thị, đã dè bỉu, phỉ báng khi ông Obama và vợ bước vào toà Bạch Ố́c. Bỏ qua tai những lời không lấy gì làm tốt đẹp đó, người luật sư trẻ da đen ấy đầu tiên bắt đầu chức vụ tổng thống với nhiều mơ ước. Ông mong cuộc chiến Iraq chấm dứt, lính Mỹ được trở về nhà, kinh tế Mỹ phục hồi, tỉ lệ thất nghiệp giảm, chính phủ dân chủ mới cuả Iraq sẽ điều hành tốt đất nước, các tổ chức khủng bố sẽ bị tiêu diệt… 

Tám năm trong chức vụ tổng thống, có những ước mơ của ông Obama đã thành hiện thực: lính Mỹ tại Iraq trở về nhà, kinh tế Mỹ dần dần hồi phục, tỉ lệ thất nghiệp giảm, công nghiệp xe hơi, ngân hàng... khấm khá, trùm khủng bố Bin Laden bị lực lượng đặc nhiệm Mỹ giết… Nhìn qua Âu Châu, Canada, Úc, Tân Tây Lan…, người Tổng Thống trẻ ao ước một ngày nước Mỹ sẽ có được hệ thống chăm sóc sức khoẻ cho cả những người nghèo khổ không thua kém bất kỳ quốc gia nào. Nhưng với dân số đông và đa chủng, điều này là một thách thức to lớn. Ông đã cố gắng hoàn thành một phần mơ ước của mình bằng Obamacare, nhiều người Mỹ phản đối vì nó quá tốn kém. Đối với mọi quốc gia, ngân sách y tế luôn là một gánh nặng và đầu tư vào bao giờ cũng “lỗ vốn, không có lời”. 

Có những ước mơ đã tan biến. Giấc mơ nước Mỹ có một tổng thống nữ đầu tiên mà hai ông bà Obama đã tích cực vận động cho bà Hilary Clinton, đã không thành. Chiến tranh ở Iraq không chấm dứt mà còn lan rộng cả vùng Trung đông. Chủ trương yểm trợ quân sự ở mức giới hạn cho lực lượng dân chủ tại Syria chống lại nhà độc tài al-Assad đã mang lại kết quả bi thảm khi hàng ngàn người phải di tản, tị nạn. Một thảm trạng khủng khiếp khiến các nước Âu châu phải vất vả đối phó, và dấy trên phong trào chống di dân. Những hành động giết người dân vô tội của kẻ khủng bố đã khiến cho thế giới lạnh lùng quay lưng lại những người Hồi giáo khốn cùng này. Khi không thể hiểu được tại sao người Hồi giáo, tuy cùng tôn giáo, chỉ khác hệ phái... lại có thể tàn sát lẫn nhau, thì ước mơ dân chủ, tự do, hoà bình ở xứ Hồi giáo có lẽ là điều xa vời… Ngày nào ước mơ hoà bình ở Trung đông, hoà bình giữa Do thái và Palestine sẽ thành hiện thực? 

Đối với nước Nga, Putin, một tổng thống thép, hay đúng hơn một tổng thống “thép đã tôi thế đấy”, lấy bán đảo Crimea của Ukraine, đẩy đến cuộc xung đột quân sự tại Ukraine. Một người có ước mơ mang tự do, dân chủ cho mọi nơi trên thế giới, tổng thống Obama cùng Âu Châu, đã đứng qua phe yếu thế hơn bằng biện pháp trừng phạt Nga về kinh tế. Kết quả Putin đã nhìn ông với cặp mắt đầy thù hận. 

Những người yêu hòa bình nhìn TT Obama với ánh mắt thiện cảm. Ông là Tổng Thống Mỹ đầu tiên ghé thăm đài tưởng niệm Hiroshima, nơi trái bom nguyên tử được thả xuống. Ông bày tỏ nỗi cảm thông với những người đã chết trong chiến tranh. Đáp lại dân Nhật đã đứng sau lưng thủ tướng Abe trong chuyến ghé thăm đầu tiên thủ tướng Nhật đến Trân Châu Cảng. 

Đối với nước Tàu đang trổi dậy, sự tranh chấp biển đảo giữa Tàu với Nhật bản, Việt Nam, Philippines... và hành động ngày càng ngang ngược của Tàu bất chất luật pháp quốc tế, TT Obama đã có chính sách xoay trục về châu Á, tăng cường hợp tác quân sự với các nước như Úc, Nhật, Hàn Quốc... Việc hợp tác quân sự với Philippines trở nên lủng củng dưới thời ông tổng thống Duterte. Riêng Việt Nam, cảng Cam Ranh là một địa điểm lý tưởng hơn Darwin hay Okinawa cho căn cứ của Mỹ, nhưng cộng sản Việt Nam không phải là một đồng minh gắn bó, đảng và nhà nước Việt Nam vẫn theo đuổi chính sách đu dây giữa Mỹ và Tàu. Chính xác hơn, Việt Nam gần như lệ thuộc về chính trị, kinh tế, xã hội với Trung Quốc, quân sự gần Nga, chỉ muốn dùng Mỹ để mặc cả về nhân quyền hay để Trung Quốc nương tay với đàn em. Nhưng Tàu mỗi ngày càng ra sức củng cố các đảo Trường Sa hay Hoàng Sa thành căn cứ quân sự quan trọng. Các vệ tinh do thám của Mỹ đã xác định hai hệ thống tên lửa CSA-6b và HQ-9 đã đưa từ đất liền ra đảo Hải Nam, sau đó sẽ được đưa ra Hoàng Sa hoặc Trường Sa. Mục đích củng cố căn cứ cố định tại Trường Sa thành căn cứ quân sự khổng lồ có lẽ quan trọng hơn nhiều so với sự diệu võ, dương oai của chiếc tàu sân bay “phế thải” Liêu Ninh duy nhất của Tàu, vì với kỹ thuật càng ngày càng phát triển của tên lửa, những tàu đi qua biển đông giữa VN và Phi sẽ là mục tiêu bị đe dọa, khống chế thường xuyên. Sự tồn tại của các hòn đảo Việt Nam còn nắm giữ ở Trường Sa sẽ ra sao? Việt Nam có đủ tài lực để cạnh tranh với Tàu? Chính sách đu dây hay vài chục tên lửa sẽ bảo vệ các đảo này được chăng? 

Về kinh tế, Obama đưa ra TPP, liên kết các nước để bao vây kinh tế nước Tàu. Riêng đối với Việt Nam, trong chuyến thăm viếng để lại rất nhiều cảm tình của người Việt, ông đã thuyết giảng cổ vũ cho dân chủ, tự do, đồng thời đưa ra các điều kiện nhằm yêu cầu chính quyền Việt Nam cải thiện nhân quyền, tạo điều kiện cho công đoàn độc lập, xã hội dân sự được họat động để được nhận vào TPP. Ước mơ này xem như tan tác khi tổng thống mới của nước Mỹ sẽ xóa bỏ TPP. 

Trong cuộc đời ai cũng có thành công, đạt đến ước mơ của mình, nhưng cũng có những thất bại. Dù thế nào, đối với nhiều người Mỹ, Tổng thống Obama vẫn là một trong những tổng thống được yêu mến của nước Mỹ do nhân cách bình dân, gần gũi với người dân và những điều tốt đẹp ông đã làm cho nước Mỹ. Theo viện Gallup, tỉ lệ người Mỹ hài lòng về chức vụ tổng thống vào tháng 12 cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Obama là 55%( so vào thời điểm tương tự :George W Bush 34%, Bill Clinton66% và Ronald Reagan là 63%…). Nhiều người Mỹ đã tỏ vẻ bất mãn với ông Obama, phê bình ông mềm quá, không cứng như Putin. Putin hay Tập Cận Bình muốn làm gì, trong nước ai dám chống? Trong xứ dân chủ, tự do thật sự, tổng thống Mỹ muốn gì cũng phải thông qua quốc hội. 

Nhiều ước mơ của TT Obama sẽ thay đổi với tổng thống mới. Nhưng dù có gì xẩy ra, với căn bản dân chủ tự do lâu đời, nước Mỹ đã sản sinh nhiều tài năng, những khoa học gia xuất chúng, những lãnh đạo tài giỏi về khoa học, chính trị..., những trường đại học danh tiếng trên thế giới... nước Mỹ đã vĩ đại và đang vĩ đại, không chỉ vĩ đại về kinh tế, quân sự, khoa học mà còn vĩ đại vì là cái nôi của dân chủ, tự do, nhân quyền. Nước Mỹ không có truyền thống suy tôn lãnh tụ, đương nhiên không một cá nhân nào vỗ ngực cho là mình làm cho nước Mỹ vĩ đại. Nước Mỹ vĩ đại từ Washington, Lincoln, Roosevelt, Reagan, Einstein, Steve Job, Bill Gates... Đất nước của những cái đầu thông thái cũng như đóng góp thầm lặng không biết của bao nhiêu người. Hãy nhìn kia :những trường học, bệnh viện, nhà thờ... bao nhiêu đã được xây dựng, không phải bằng những lời nói dối trá, mỹ miều, mà của những tấm lòng chân thực, của những người hảo tâm, cùng những di chúc đóng góp một phần gia sản cho cái chung của xã hội. Cái nước Tàu, kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, đang ngo ngoe muốn bắt kịp sự vĩ đại của nước Mỹ nhưng chắc chắn còn lâu lắm. Một chính quyền độc tài, đảng trị, nhân quyền bị chà đạp... có lúc chỉ cần nhìn một chuyện thường tình xẩy ra trong XHCN, những người giàu có lo chuyển tiền ra các ngân hàng ở nước ngoài hay cho con cái ăn xài, mua sắm xe, bất động sản ở Mỹ, Canada, Úc… phải hiểu ngay nước Tàu có nền đạo đức XHCN kia, ước muốn trở nên vĩ đại chỉ là điều hoang tưởng. Luật Magnitsky mở rộng đã được Tổng thống Obama ký ban hành ở những ngày cuối của nhiệm kỳ để chế tài những kẻ vi phạm nhân quyền, những kẻ tham nhũng, làm giàu trên xương máu của người dân lành tại nước mình mà lại được tự do qua Mỹ tung tăng dạo chơi. 

****** 

Ngày 20 tháng Một, ông Obama sẽ rời khỏi cương vị Tổng thống Mỹ. Trong nền nhạc bài hát Imagine của John Lennon, xin được chúc ông mọi điều tốt lành. Và mong những điều ông mơ ước về dân chủ, tự do, nhân quyền, hoà bình trên mọi quốc gia, tuy đã không thành trong thời gian cầm quyền, nhưng cũng sẽ có một ngày nào đó thành hiện thực. Người dân Việt Nam mong có ngày tưng bừng đón ông trở lại, ngày Việt Nam có tự do, nhân quyền thực sự. Ngày đó không còn lăng tẩm, tượng đài hoành tráng hay vĩ đại cho một cá nhân riêng rẽ của người cộng sản, chỉ có một đài tưởng niệm duy nhất chung cho hàng triệu người đã chết vì chủ nghĩa cộng sản. Đài tưởng niệm ấy sẽ đặt ở địa điểm đại diện cho cả nước, Quảng Trị hay An Lộc: hai thành phố, sau những trận đánh dữ dội chỉ còn là đống gạch vụn đổ nát và những con chó ốm đói cố gắng sinh tồn bằng ăn xác người chết. Ngày đó trong một buổi hoàng hôn, phía chân trời vẫn còn ánh vàng long lanh như của hàng ngàn, hàng triệu cây nến đang thắp sáng, ông Obama sẽ lặng lẽ đứng cùng những người mà chiến tranh còn ghi lại những vết hằn trong tâm hồn, trên da thịt; cùng những người trẻ của thế hệ sau chiến tranh, yên lặng tưởng niệm cho hàng triệu linh hồn, hàng triệu nạn nhân của cuộc chiến khốc liệt hơn hai mươi năm, của cải cách ruộng đất ở miền Bắc, đánh tư sản ở miền Nam, của trại học tập cải tạo, của ngục tù Cộng sản, của vượt biển khao khát tìm tự do... Nạn nhân của một tội ác gây ra do nhóm người sùng bái một chủ thuyết lỗi thời, vẽ vời một thiên đường giả tạo. Ngày đó hàng triệu linh hồn đấy sẽ tìm được nơi chốn bình yên, không còn ray rứt, phẫn nộ trong xã hội hiện tại đầy rẫy dối trá, tham nhũng và bất công. 


No comments

Có Thể Bạn Chưa Xem

Tin Nóng

Powered by Blogger.