Nghĩ về cuộc chiến biên giới năm 1979
Hạt Sương Khuya (Danlambao) - Tháng 2 năm 1979, ngày ấy tôi còn ở quê nhà, trong ký ức, tôi không hề biết đến đã từng có một cuộc chiến tranh đẫm máu tại vùng biên giới Việt Bắc, cướp đi sinh mạng của bao nhiêu đồng bào mà sau cuộc chiến "tương tàn" vẫn còn chưa khô vết máu.
Cho đến mãi sau này, khi sống đời tị nạn, trong dịp tình cờ tôi được nghe câu chuyện từ một người em của chị bạn, kể lại cuộc sống sót trở về từ chiến trường Campuchia. Sau những gì được nghe anh kể lại, cho tôi hiểu cuộc chiến Campuchia là cuộc chiến "đem con bỏ chợ", vì người lính không được trang bị súng đạn và quân nhu đầy đủ. Anh cho đó là một hình thức mượn chiến trường Campuchia tiêu diệt bớt thanh niên Miền Nam để trừ hậu hoạn. Điều này đúng/sai xin để lịch sử sau này phán xét.
Qua câu chuyện miên man, được anh nhắc đến cuộc chiến xảy ra vào tháng 2 năm 1979 tại vùng biên giới Bắc Việt, mà sau này tôi có đọc qua đâu đó trong hồi ký của những tù nhân chính trị thuộc Quân Cán Chính Việt Nam Cộng Hòa bị lưu đày tại vùng núi Hoàng Liên Sơn.
Sở dĩ tôi dài đòng để các bạn trẻ hiểu rằng: Cuộc chiến ngày 17 tháng 2 năm 1979 đã được nhà cầm quyền dấu nhẹm một cách có hệ thông, sau khi trở lại bình thường hóa quan hệ vào năm 1990 giữa hai nhà nước Trung-Việt qua Hội Nghị Thành Đô...
Cuộc chiến đã qua đi gần bốn mươi năm. Có biết bao sách vở, hồi ký, bút ký cùng những hình ảnh trong cuộc chiến được ghi lại thật đậm nét về sự tàn ác của quân đội Trung Cộng đối với người dân Việt Nam. Dù ai đó nói với tôi rằng, cuộc chiến 1979 là câu chuyện bất hòa giữa hai người anh em "môi hở răng lạnh". Thế nhưng, những thân xác nằm đó là máu của đồng bào tôi, nó đã chảy xuống cho những nghịch lý bởi những kẻ coi mạng người như cỏ rác. Khi cần thì kêu gọi lòng yêu nước, qua sông rồi giết luôn kẻ đưa đò.
Trong nhiều năm qua, cứ mỗi khi đến gần ngày 17 tháng 2. Thì nhà cầm quyền lại tung ra các chiêu trò nhằm ngăn cản bất cứ ai có lòng tưởng niệm những người đã nằm xuống trong trận chiến đẫm máu ấy, hoặc đôi khi còn thẳng tay đàn áp. Chỉ vài năm trở lại đây, sự kiện ngày 17 tháng 2 tuy được nhắc đến nhiều hơn, nhưng vẫn chưa nói hết được bản chất của cuộc chiến. Không có một buổi lễ tưởng niệm mang tính quốc gia để tuổi trẻ qua đó hiểu được thực chất của cuộc chiến, hầu nuôi dưỡng lại tinh thần dân tộc. Người ta có thể ra rả hàng năm về chiến thắng Mậu Thân, chiến thắng Mùa Xuân 1975, hay dựng lên những tội ác "Mỹ Ngụy" để tạo thêm lòng thù hận. Nhưng lại quên đi biến cố tháng 2 năm 1979 với bao nhiêu bom đạn cầy nát vùng trời Việt Bắc, từ Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh. Cuộc chiến ấy đâu chỉ kéo dài có 30 ngày, thực chất là 10 năm mà mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang) là vùng chiến sự ác liệt nhất kéo dài trong nhiều năm, cho đến khi bình thường hóa quan hệ.
Bình thường hóa quan hệ… nghe thật mỉa mai. Cuộc chiến bom đạn chấm dứt để mở đầu cho một chính sách mềm, một cuộc xâm thực không tiếng súng, những "cái chết của lương tâm, cái chết của luân lý, cái chết của lý trí, cái chết của chính trị." (Đức Tổng Giuse Ngô Quang Kiệt)
Hội Nghị Thành Đô đã ra đời từ sau cái ngày "bình thường hóa quan hệ" ấy. Những mảnh giấy được ký kết bằng xương máu của con dân Việt Nam, một sự đổi chác đê tiện để được vinh thân phì da của những con thú chỉ biết chăm lo cho bộ lông của nó. Một lũ khốn nạn buôn dân, hại nước, đem quân thù về dày xéo quê hương. Nhìn trên bản đồ Việt Nam đâu đâu cũng tràn ngập bọn quân xâm lược, đi giữa vùng trời quê hương mà ngỡ như đi lạc vào xứ người. Quả thật đất nước ta chưa bao giờ được như thế, phải không "Nguyễn Phú Trọng".
Nhìn lại hình ảnh cuộc chiến Trung-Việt 1979 thật quá uất hận, sự man rợ của nó có khác gì những hình ảnh Mậu Thân 1968, Mùa Hè Đỏ Lửa 1972, Đại Lộ Kinh Hoàng với bao xác người nằm dọc theo hai bên bờ quốc lộ. Xin đừng nói với tôi đó là một cuộc chiến cần thiết để giải phóng Miền Nam hay một cuộc chiến để thống nhất hai miền Nam-Bắc. Đó chỉ là những lời ngụy biện. Giải phóng gì với một lũ ăn cướp, bần cùng hóa con người xuống tận đáy điêu linh, để rồi "hãnh diện" tự cho mình có công "cứu nước", nhưng thực chất là một tay sai cho lũ cường quyền Trung Cộng. Thống nhất gì khi lòng người mang nặng chất hận thù bởi chính sách tàn bạo, làm tê liệt cả một hệ thống nhân bản vốn dĩ đang còn nằm trong giai đoạn thực hiện, dù chưa hoàn hảo nhưng chắc chắn vẫn hơn cái chủ thuyết hoang tưởng mà "Nguyễn Phú Trọng" đã một lần phải thốt lên rằng: “Đến hết thế kỷ này không biết đã có Chủ nghĩa Xã hội hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa…". Một lời thú tội dù chẳng bởi xuất phát từ tâm, nhưng cũng đủ nói lên lời thật của một kẻ ngây ngô, đầy tham vọng.
Nói đến đây tôi bỗng nhớ đến lời của một người trẻ bên nhà: "Một trong những sai lầm hay mắc phải mà đối thủ khai thác triệt để đó là tính tự mãn, tự mãn rất gần với độc tài. Đó là sai lầm chết người".
Khi chiếm được Miền Nam, Cộng Sản Bắc Việt đã tự cho mình là đỉnh cao trí tuệ của loài người, hàng loạt chính sách dở hơi ra đời, làm tê liệt mọi hệ thống từ giáo dục, kinh tế đến đời sống xã hôi nhân văn, không khác gì con voi nằm trong tủ kính, khua đâu, bể đấy. Cuộc chiến Campuchia là một điển hình vốn dĩ không cần thiết. Chính sự ngu muội và bản chất tự mãn, say men chiến thắng đã tạo cho Trung Cộng cơ hội lũng đoạn, đứng sân sau hậu thuẫn cho Campuchia gây nên cuộc chiến 1978, dựng lên câu chuyện "nạn kiều" lấy cớ "dạy cho Việt Nam một bài học" tạo nên cuộc chiến tranh biên giới 1979, lấy đi mạng sống của biết bao con người.
Trong nhiều năm qua, những buổi tưởng niệm về cuộc chiến biên giới 1979 luôn bị nhà cầm quyền tìm đủ mọi cách phá rối. Nhưng cái nghịch lý là họ vẫn để báo chí chính thức đề cập khá nhiều, thậm chí nêu đích danh cuộc chiến tranh Trung - Việt là cuộc chiến "xâm lược". Không biết đã từng có ai đặt dấu hỏi, riêng cá nhân tôi cho rằng: Nhà cầm quyền Việt Cộng đã thuần hóa sự kiện vừa đủ trong tầm kiểm soát của họ. Yếu tố thời gian rất quan trọng. Nếu tính từ mốc thời gian 1979 đến nay có ít nhất gần hai thế hệ không liên quan đến cuộc chiến, nếu chỉ đọc đâu đó thì không đủ yếu tố để dấy lên tinh thần yêu nước. Và đó là nguyên nhân họ không dám đưa vào sách giáo khoa để giảng dạy, sẽ làm ảnh hưởng đến 16 chữ vàng và 4 tốt.
Thương cho những người tuổi trẻ hôm nay, vẫn ngờ nghệch đi trong mộng mị, vẫn viễn vông giao sinh mệnh mình trong tay lũ man rợ. Trách ai đây khi cuộc tẩy não đã được lên kế hoạch từ trong trứng nước, mở mắt chào đời đã được lên khuôn. Có phải "chúng ta" đang bất lực? Hay chính "chúng ta" đang cúi đầu trước một cuộc cách mạng lương tâm? Bọn cường quyền đã mất hết lương tri, chúng đã mất đi sự kiểm soát bản thân. Chúng ta đều biết rõ điều đó, vậy thì có cần không một cuộc chiến tâm lý, chờ đợi sự thay đổi từ những con người vô minh ấy?
Thiết nghĩ thời gian đã quá đủ để chúng ta cùng nhìn ra một bài học chung. Cho dù có giết hết người cộng sản cuối cùng, thì cái tư duy cộng sản vẫn còn. Huống gì truyền thông đều nằm trong tay chúng. Hãy nhìn lại hành trình đi khiếu kiện của giáo dân Song Ngọc để thấy cái nghịch lý qua cách hành xử của nhà cầm quyền. Cho thấy sự kiện Formosa có tầm ảnh hưởng rất lớn đối với chúng. Nếu không thế thì sao chúng phải tìm đủ cách để hướng dẫn dư luận đi theo những hiện tượng do chúng dựng lên, và chúng ta vẫn cứ chạy theo những bề nổi ấy mà quên đi Formosa mới là ĐIỂM. Cứ đánh vào quyền lợi của Trung Cộng, tôi tin chắc nhà cầm quyền sẽ để lòi bộ mặt phản quốc làm tay sai cho bọn Hán tặc. Lúc ấy chính nghĩa sẽ về ta. Chỉ cần biết khai thác đúng yếu huyệt của chúng, tạo thành vết dầu loang cho đến khi đủ lực để đối đầu.
Nghĩ cho cùng thì cái chúng ta cần vẫn là chất xám. Hơn bốn mươi năm qua, bên cạnh những điều cần phải làm để có được những khái niệm về dân chủ và nhân quyền. Song song đó là xây dựng kiến thức và nhân tâm con người. Thì giờ đây chúng ta cũng có một chút vốn để đương đầu với bối cảnh hiện tại. Điều ấy vẫn chưa muộn, bởi chế độ nào cũng chỉ mang tính cách giai đoạn, nhưng Tổ Quốc sẽ mãi trường tồn.
Mong rằng tuổi trẻ ngày hôm nay sẽ sử dụng trí thông minh và tinh thần độc lập để đặt ra những câu hỏi cho chính mình qua những gì đang xảy ra trên đất nước. Hãy bắt đầu từ câu hỏi "Vì sao nhà nước ta lại cho người đi phá rối và đàn áp buổi tưởng niệm những người con đã hy sinh bảo vệ biên giới trong trận chiến ngày 17 tháng 2 năm 1979"? Câu trả lời sẽ mở ra thêm những chiếc chìa khóa để đi tìm sự thật lịch sử mà các bạn đã bị nhà cầm quyền che dấu bấy lâu nay. Xin Hồn Thiêng Sông Núi phù hộ các bạn.
Paris ngày 17 tháng 2 năm 2017
Post a Comment