Nguyễn Phú Trọng với những con số mị dân

Tháng Chín (Danlambao) - Vào ngày 24.2, Nguyễn Phú Trọng trong phát biểu tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác kiểm tra, giám sát của đảng cộng sản năm 2016, đã tuyên bố: "nhưng vì sự tiến bộ chung, vì để mong nhiều người không mắc sai phạm, chúng ta phải kỷ luật; kỷ luật một vài người để cứu muôn người!" (*)

"Một vài người là những ai và "một vài" thật sự là bao nhiêu trong cái trò mị dân cứu muôn người này của Nguyễn Phú Trọng?

Chính Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu trong bài diễn văn của ông ta:

"Trong năm 2016, cấp ủy, tổ chức đảng và ủy ban kiểm tra các cấp đã tiến hành kiểm tra gần 10 vạn tổ chức đảng và hơn 4 vạn đảng viên; giám sát hơn 3 vạn tổ chức đảng và hơn 10 vạn đảng viên; thi hành kỷ luật gần 150 tổ chức đảng và hơn 12 nghìn đảng viên..."

Thế là một vài người này là 12000 đảng viên cộng sản và 150 tổ chức của đảng bị kỷ luật.

Con số này chắc chắc còn nhỏ vì:

Trong năm 2016 đảng của ông ta kiểm tra 10 vạn tức là 100000 tổ chức đảng: Thực hiện công việc này như ông ta nói bao gồm cấp ủy, tổ chức đảng và ủy ban kiểm tra các cấp. Trong những thành phần này thì thành phần cấp ủy, cấp địa phương chẳng ngu dại gì và không thể đóng vai trò khách quan trong việc kiểm tra, giám sát. Chúng chỉ bao che thì có. 

Còn lại là ở thành phần trung ương. Cứ tạm cho là thành phần này "khách quan" và phải tham gia vào mọi cuộc giám sát để bảo đảm địa phương không bao che nhau. Họ có làm nỗi không?

Nếu phải tham gia nhúng tay vào 100000 tổ chức các cấp, bộ phận kiểm tra trung ương mỗi ngày phải kiểm tra 273 tổ chức đảng. Làm thế nào để thực hiện trong 1 ngày. Đó là chưa nói đến việc nếu thật sự kiểm tra chu đáo, có điều tra, xem xét mọi hành vi cá nhân trong tổ chức, những hoạt động, đề án... thì không thể 1 ngày là phanh phui mọi chuyện.

Do đó, 12000 đảng viên bị kỷ luật chỉ là con số nhỏ. Nhưng chỉ chừng đó đủ để thấy "vài người" của ông Trọng là một lũ bầy đàn lên đến hàng chục ngàn, hàng trăm ngàn đảng viên.

Việc kiểm tra các cấp với con số khổng lồ nói trên được tiến hành ra sao? Theo Nguyễn Phú Trọng:

"Công tác kiểm tra, giám sát phải được tiến hành một cách thường xuyên, toàn diện, công khai, dân chủ, thận trọng chặt chẽ, trong đó lấy phòng ngừa, xây là chính".

Câu này bật lên sự láo khoét của toàn bộ "công tác" này.

Cho đến nay, có bao nhiêu thông tin, dữ kiện, kết quả cụ thể được công bố, được công khai cho người dân lẫn đảng viên của họ? Từng trường hợp một của 100000 tổ chức bị kiểm tra, 30000 tổ chức bị giám sát, 40000 đảng viên bị kiểm tra và 100000 đảng viên bị giám sát có được công khai bao giờ?

Trong số được cho là 12000 đảng viên bị kỷ luật thì nếu công khai thì những kẻ này là ai, tên tuổi thuộc tổ chức đảng, địa phương nào, đã phạm tội gì? Công khai thì tại sao không công bố?

Làm thế nào có thể thực hiện công tác này một cách "toàn diện, thận trọng và chặt chẽ" cho 130000 tổ chức và 140000 đảng viên trong 1 năm? Nhất là với tình trạng cán bộ địa phương bao che lẫn nhau?

Nguyễn Phú Trọng cũng tuyên bố là có "sự phối hợp giữa các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Chính phủ nhịp nhàng, chặt chẽ, kịp thời, có hiệu quả, cho chúng ta thêm những bài học quý."

Nếu là chuyện riêng của một đảng thì tại sao phải lạm dụng nhân sự của Quốc hội, Chính phủ vốn không là của đảng cộng sản. Nếu có sự phối hợp thì bắt buộc các vi phạm không chỉ vi phạm kỷ luật đảng mà là vi phạm luật pháp. Vậy thì sao không có sự truy tố ra tòa đối với 12000 đảng viên cộng sản này?

Xin chấm dứt bài này, bằng phát biểu của Nguyễn Phú Trọng và xin được mở cửa cho mọi người để đánh giá bản chất của câu nói cũng như bản chất của ông ta: "Chúng ta rất nhân văn, nhân đạo, nhân ái, nhân tình; không thích thú gì khi phải kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình; trái lại, rất khổ tâm, đau xót. Nhưng vì sự tiến bộ chung, vì để mong nhiều người không mắc sai phạm, chúng ta phải kỷ luật; kỷ luật một vài người để cứu muôn người!"

25.02.2017



___________________________________

No comments

Có Thể Bạn Chưa Xem

Tin Nóng

Powered by Blogger.