Hiến Pháp Cộng Hòa Liên Bang Nga 1993
HIẾN PHÁP
NƯỚC CỘNG HÒA LIÊN BANG NGA
(Được thông qua bởi phúc quyết toàn dân ngày 12/12/1993)
Chúng ta, nhân dân đa sắc tộc của Liên bang Nga, cùng chung một số phận trên mảnh đất này; khẳng định quyền và tự do của con người, hoà bình và đồng thuận xã hội; gìn giữ sự thống nhất về mặt nhà nước từ bao đời nay; xuất phát từ những nguyên tắc đã được thừa nhận rộng rãi về bình đẳng và tự quyết của các dân tộc; nhớ đến tổ tiên, những người đã truyền lại cho chúng ta tình yêu và sự kính trọng Tổ quốc, niềm tin vào những điều tốt đẹp và sự công bằng; lập lại sự toàn vẹn chủ quyền của nước Nga và khẳng định tính không thể đảo ngược của nền dân chủ; nỗ lực đảm bảo sự thịnh vượng và phồn vinh của nước Nga, xuất phát từ trách nhiệm đối với Tổ quốc trước thế hệ hiện tại và tương lai; nhận thức được mình là một phần của cộng đồng thế giới,
Thông qua
PHẦN MỘT
CHƯƠNG I
NỀN TẢNG CỦA CHẾ ĐỘ HIẾN PHÁP
Điều 1
1. Liên bang Nga – Nga là một nhà nước liên bang dân chủ, pháp quyền có hình thức chính thể cộng hoà.
2. Tên nước Liên bang Nga và Nga đều có ý nghĩa ngang nhau.
Điều 2
Con người, các quyền và tự do của con người là những giá trị cao nhất. Việc thừa nhận, tuân thủ và bảo vệ các quyền và tự do của con người và công dân là bổn phận của nhà nước.
Điều 3
1. Nhân dân Nga đa sắc tộc là đại diện cho chủ quyền và là nguồn duy nhất của quyền lực ở Liên bang Nga.
2. Nhân dân thực hiện quyền lực của mình một cách trực tiếp, cũng như thông qua các cơ quan quyền lực nhà nước và cơ quan tự quản địa phương.
3. Trưng cầu ý dân và bầu cử tự do là những hình thức thể hiện cao nhất quyền lực của nhân dân.
4. Không một ai có thể chiếm dụng quyền lực ở Liên bang Nga. Việc chiếm đoạt quyền lực hoặc các vị trí quyền lực sẽ bị truy tố theo pháp luật liên bang.
Điều 4
1. Chủ quyền của Liên bang Nga bao trùm toàn bộ lãnh thổ liên bang.
2. Hiến pháp Liên bang Nga và các đạo luật liên bang có hiệu lực tối thượng trên toàn bộ lãnh thổ của Liên bang.
3. Liên bang Nga bảo đảm sự toàn vẹn và bất khả xâm phạm của lãnh thổ Liên bang.
Điều 5
1. Liên bang Nga bao gồm các nước cộng hoà; các khu; các tỉnh; các thành phố trực thuộc trung ương; tỉnh tự trị; các vùng tự trị – là những chủ thể bình đẳng của Liên bang Nga.
2. Nước cộng hoà (nhà nước) có hiến pháp và pháp luật riêng. Khu; tỉnh; thành phố trực thuộc trung ương; tỉnh tự trị; vùng tự trị có hiến chương và pháp luật của mình.
3. Cấu trúc liên bang của Nga dựa trên sự toàn vẹn lãnh thổ, sự thống nhất của hệ thống quyền lực nhà nước, sự phân chia tham quyền giữa các cơ quan quyền lực nhà nước Liên bang Nga và các cơ quan quyền lực nhà nước ở các chủ thể Liên bang, sự bình đẳng và tự quyết của các dân tộc ở Liên bang Nga.
4. Các chủ thể của Liên bang Nga đều bình đẳng với nhau trong quan hệ với các cơ quan quyền lực nhà nước liên bang.
Điều 6
1. Quốc tịch Liên bang Nga được cấp và chấm dứt theo pháp luật liên bang, là quốc tịch duy nhất và bình đẳng không phụ thuộc vào cơ sở được cấp.
2. Mỗi công dân Liên bang Nga trên lãnh thổ liên bang đều có tất cả các quyền và tự do và có những bổn phận như nhau đã được quy định trong Hiến pháp Liên bang Nga.
3. Công dân Nga không thể bị tước quốc tịch hoặc bị tước quyền thay đổi quốc tịch.
Điều 7
1. Liên bang Nga là nhà nước xã hội với chính sách hướng đến việc tạo các điều kiện để bảo đảm một cuộc sống xứng đáng và sự phát triển một cách tự do của con người.
2. Ở Liên bang Nga, lao động và sức khoẻ người dân phải được đảm bảo, mức lương tối thiểu phải được thiết lập, nhà nước phải hỗ trợ gia đình, các ông bố, bà mẹ, trẻ thơ, người tàn tật, người cao tuổi; phát triển hệ thống dịch vụ xã hội, phải thiết lập lương hưu, trợ cấp và những cơ chế bảo đảm an sinh xã hội khác.
Điều 8
1. Liên bang Nga đảm bảo một không gian kinh tế thống nhất, sự lưu thông tự do đối với hàng hoá, dịch vụ và các phương tiện tài chính, sự cạnh tranh và tự do hoạt động kinh tế.
2. Liên bang Nga công nhận và bảo vệ một cách bình đẳng các hình thức sở hữu tư nhân, nhà nước, địa phương và những hình thức sở hữu khác.
Điều 9
1. Đất đai và những tài nguyên thiên nhiên khác ở Liên bang Nga được sử dụng và bảo vệ như là nguồn sống và hoạt động của các dân tộc cư trú trên lãnh thổ Liên bang.
2. Đất đai và những nguồn tài nguyên thiên nhiên khác có thể thuộc về sở hữu tư nhân, nhà nước, địa phương hoặc các hình thức sở hữu khác.
Điều 10
Quyền lực nhà nước Liên bang Nga được thực thi trên cơ sở phân chia thành quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp độc lập với nhau.
Điều 11
1. Quyền lực nhà nước ở Liên bang Nga được thực hiện bởi Tổng thống Liên bang Nga, Quốc hội Liên bang (gồm Hội đồng Liên bang và Đuma Quốc gia), Chính phủ Liên bang Nga, các toà án Liên bang Nga.
2. Quyền lực nhà nước ở các chủ thể của Liên bang Nga do các cơ quan quyền lực nhà nước tại đó thực hiện.
3. Việc phân định quyền hạn và phân chia tham quyền giữa các cơ quan quyền lực nhà nước Liên bang Nga và các cơ quan quyền lực nhà nước của các chủ thể Liên bang Nga được quy định bởi Hiến pháp này, Thỏa ước Liên bang và những bản khế ước khác về phân định quyền hạn và phân chia thẩm quyền.
Điều 12
Ở Liên bang Nga thừa nhận và đảm bảo tự quản địa phương. Tự quản địa phương được độc lập trong phạm vi thẩm quyền của mình. Các cơ quan tự quản địa phương không thuộc hệ thống các cơ quan quyền lực nhà nước.
Điều 13
1. Ở Liên bang Nga thừa nhận sự đa dạng về tư tưởng.
2. Không một hệ tư tưởng nào được coi là chính thức hoặc bắt buộc.
3. Ở Liên bang Nga thừa nhận sự đa nguyên, đa đảng.
4. Các tổ chức xã hội bình đẳng trước pháp luật.
5. Cấm thành lập và cấm sự hoạt động của các tổ chức xã hội có mục đích hay hành động hướng tới việc dùng bạo lực để thay đổi nền tảng chế độ hiến pháp và xâm phạm sự toàn vẹn của Liên bang Nga, đe doạ an ninh quốc gia, thành lập các tổ chức có vũ trang, gây sự chia rẽ về xã hội, chủng tộc, sắc tộc và tôn giáo.
Điều 14
1. Liên bang Nga là nhà nước thế tục. Không một tôn giáo nào được coi là tôn giáo nhà nước hoặc bắt buộc.
2. Các tổ chức tôn giáo tách rời khỏi nhà nước và bình đẳng trước pháp luật.
Điều 15
1. Hiến pháp Liên bang Nga có hiệu lực pháp lý cao nhất, được áp dụng trực tiếp trên toàn thể lãnh thổ Liên bang Nga. Các đạo luật và những văn bản pháp luật khác được áp dụng ở Liên bang Nga không được mâu thuẫn với Hiến pháp Liên bang.
2. Các cơ quan quyền lực nhà nước, các cơ quan tự quản địa phương, các nhà chức trách, công dân và các tổ chức của công dân phải tuân thủ Hiến pháp Liên bang Nga và các đạo luật liên bang.
3. Các đạo luật phải được đăng tải chính thức. Những đạo luật chưa được đăng tải thì không được áp dụng. Bất kỳ văn bản quy phạm pháp luật nào liên quan đến các quyền, tự do và nghĩa vụ của con người và công dân, nếu không được đăng tải chính thức sẽ không được áp dụng.
4. Các nguyên tắc và quy phạm đã được thừa nhận rộng rãi của pháp luật quốc tế và các điều ước quốc tế của Liên bang Nga là một phần cấu thành của hệ thống pháp luật liên bang. Nếu điều ước quốc tế của Liên bang Nga có quy định khác với pháp luật liên bang thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế.
Điều 16
1. Các quy định của Chương này là nền tảng của chế độ hiến pháp ở Liên bang Nga và chỉ được sửa đổi theo trình tự được quy định trong Hiến pháp này.
2. Các quy định khác của Hiến pháp này không được mâu thuẫn với các quy định về nền tảng hiến pháp Liên bang Nga.
CHƯƠNG II
CÁC QUYỀN VÀ TỰ DO CỦA CON NGƯỜI VÀ CÔNG DÂN
Điều 17
1. Ở Liên bang Nga, các quyền và tự do của con người và công dân theo các nguyên tắc và quy phạm đã được công nhận rộng rãi của pháp luật quốc tế và theo Hiến pháp này được thừa nhận và đảm bảo.
2. Các quyền và tự do cơ bản của con người là không thể tách rời và thuộc về mỗi người từ lúc sinh ra.
3. Việc thực hiện các quyền và tự do của con người và công dân không được xâm phạm quyền và tự do của người khác.
Điều 18
Các quyền và tự do của con người và công dân có hiệu lực trực tiếp. Các quyền và tự do xác định ý nghĩa, nội dung và việc áp dụng các đạo luật, hoạt động của lập pháp và hành pháp, chính quyền tự quản địa phương, và được đảm bảo bởi toà án.
Điều 19
1. Tất cả đều bình đẳng trước pháp luật.
2. Nhà nước đảm bảo sự bình đẳng về quyền và tự do của con người và công dân mà không bị phụ thuộc vào giới, chủng tộc, sắc tộc, ngôn ngữ, xuất thân, vị thế, tài sản, chỗ ở, tín ngưỡng, tôn giáo, tổ chức xã hội và những hoàn cảnh khác.
3. Phụ nữ và đàn ông có các quyền và tự do ngang nhau và cơ hội thực hiện chúng như nhau.
Điều 20
1. Mỗi người đều có quyền được sống.
2. Theo pháp luật liên bang, cho đến khi chưa được bãi bỏ, tử hình được áp dụng với tư cách là biện pháp trừng phạt đặc biệt đối với các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm cuộc sống con người chỉ với điều kiện bị cáo có quyền được xét xử bởi bồi thẩm đoàn.
Điều 21
1. Phẩm giá con người được Nhà nước bảo trợ. Không một điều gì có thể là cơ sở để hạ thấp phẩm giá con người.
2. Không một ai phải chịu tra tấn, bạo lực hay bất kỳ hình thức đối xử, trừng phạt dã man nào hạ thấp phẩm giá con người. Không một ai chịu thử nghiệm y học, khoa học hay bất kỳ hình thức thử nghiệm khác nếu chính người đó không tự nguyện đồng ý.
Điều 22
1. Mỗi người đều có quyền tự do và bất khả xâm phạm cá nhân.
2. Chỉ được bắt, giam, tạm giam theo quyết định của toà án. Khi chưa có quyết định của toà, không được giữ người quá 48 tiếng đồng hồ.
Điều 23
1. Mỗi người đều có quyền bất khả xâm phạm về cuộc sống riêng tư, bí mật gia đình và bí mật cá nhân, quyền bảo vệ danh dự và uy tín của mình.
2. Mỗi người đều có quyền bí mật thư tín, điện thoại và những hình thức trao đổi thông tin khác. Việc hạn chế quyền này chỉ được phép khi có quyết định của toà án.
Điều 24
1. Không được phép thu thập, lưu giữ, sử dụng và phổ biến thông tin về đời tư của người khác nếu người đó không đồng ý.
2. Các cơ quan quyền lực nhà nước, tự quản địa phương, các nhà chức trách phải đảm bảo khả năng cho từng công dân có thể tiếp cận các văn bản động chạm trực tiếp các quyền và tự do của người đó, nếu pháp luật không quy định khác.
Điều 25
Chỗ ở là bất khả xâm phạm. Không một ai có thể xâm nhập chỗ ở trái với ý chí của những người sống trong đó, trừ những trường hợp do pháp luật liên bang quy định, hoặc được toà án cho phép.
Điều 26
1. Mỗi người đều có quyền tự xác định và chỉ định sắc tộc của mình. Không một ai bị ép buộc phải xác định và chỉ định sắc tộc của mình.
2. Mỗi người đều có quyền sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, tự do lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp, giáo dục và sáng tạo.
Điều 27
1. Mỗi người, nếu có mặt một cách hợp pháp trên lãnh thổ Liên bang Nga, đều có quyền tự do di chuyển, lựa chọn chỗ đến và chỗ ở.
2. Mỗi người có thể tự do ra khỏi lãnh thổ Liên bang Nga, Công dân Liên bang Nga có quyền trở về Liên bang Nga mà không gặp cản trở nào.
Điều 28
Mỗi người đều được đảm bảo tự do tôn giáo, tín ngưỡng, trong đó có quyền riêng mình hoặc cùng với người khác theo đuổi bất kỳ tôn giáo nào hoặc không theo đuổi bất cứ tôn giáo nào, tự do lựa chọn và phổ biến tôn giáo và các hình thức tín ngưỡng khác và hành động theo tín ngưỡng đó.
Điều 29
1. Mỗi người đều được bảo đảm quyền tự do tư tưởng và ngôn luận.
2. Cấm tuyên truyền, phổ biến gây thù hận về mặt xã hội, chủng tộc, sắc tộc, tôn giáo. Cấm tuyên truyền về ưu thế xã hội, chủng tộc, sắc tộc, tôn giáo.
3. Không một ai bị bắt buộc phải thể hiện hoặc từ chối quan điểm, ý kiến của mình.
4. Mỗi người đều có quyền tự do tìm hiểu, tiếp nhận, phổ biến thông tin bằng bất kỳ hình thức hợp pháp nào. Danh mục các loại thông tin thuộc bí mật nhà nước do pháp luật liên bang quy định.
5. Tự do báo chí được bảo đảm. Cấm kiểm duyệt.
Điều 30
1. Mỗi người đều có quyền liên kết, trong đó có quyền lập hội đoàn chuyên nghiệp để bảo vệ quyền lợi của mình. Tự do hoạt động hiệp hội được bảo đảm.
2. Không một ai bị ép buộc gia nhập, hoạt động trong một hiệp hội nào.
Điều 31
Công dân Liên bang Nga có quyền tụ tập một cách hoà bình, không có vũ trang để tiến hành hội họp, mít tinh, biểu tình, diễu hành, tuần hành.
Điều 32
1. Công dân Liên bang Nga có quyền tham gia quản lý nhà nước một cách trực tiếp cũng như thông qua các đại biểu dân cử.
2. Công dân Liên bang Nga có quyền bầu và được bầu vào các cơ quan quyền lực nhà nước, các cơ quan tự quản địa phương, cũng như tham gia trưng cầu ý dân.
3. Các công dân mà toà án tuyên bố không có năng lực hành vi, những người đang bị giam giữ theo bản án của toà thì không được bầu cử và ứng cử.
4. Công dân Liên bang Nga có quyền tiếp cận bình đẳng đối với nền công vụ.
5. Công dân Liên bang Nga có quyền tham gia xét xử.
Điều 33
Công dân Nga có quyền kiến nghị trực tiếp, hoặc gửi kiến nghị cá nhân và tập thể đến các cơ quan quyền lực nhà nước và cơ quan tự quản địa phương.
Điều 34
1. Mỗi người đều có quyền tự do sử dụng khả năng và tài sản của mình để tiến hành kinh doanh hoặc những hoạt động kinh tế hợp pháp khác.
2. Cấm các hoạt động kinh tế độc quyền và cạnh tranh không lành mạnh.
Điều 35
1. Quyền tư hữu được pháp luật bảo hộ.
2. Mỗi người đều có quyền sở hữu tài sản, nắm giữ, sử dụng và định đoạt tài sản một mình hoặc cùng với người khác.
3. Không một ai bị tước tài sản sản của mình, trừ khi toà án quyết định. Việc thu hồi tài sản dùng cho nhu cầu của nhà nước chỉ được tiến hành khi đã có bồi thường trước, ngang bằng giá trị.
4. Quyền thừa kế được bảo đảm.
Điều 36
1. Công dân và các tổ chức của họ có quyền tư hữu về đất đai.
2. Chủ sở hữu đất đai và các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác được quyền tự do nắm giữ, sử dụng và định đoạt chúng, nếu điều này không làm tổn hại môi trường xung quanh, không xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.
3. Điều kiện và trình tự sử dụng đất đai do pháp luật liên bang quy định.
Điều 37
1. Lao động là tự do. Mỗi người đều có quyền tự do sử dụng khả năng lao động của mình, tự do lựa chọn hình thức hoạt động và nghề nghiệp.
2. Cấm lao động cưỡng bức.
3. Mỗi người đều có quyền được làm việc trong những điều kiện đảm bảo yêu cầu an toàn và vệ sinh, được trả lương cho lao động của mình mà không bị phân biệt đối xử và không thấp hơn mức lương tối thiểu do pháp luật liên bang quy định, cũng như quyền được bảo vệ trước nạn thất nghiệp.
4. Công nhận quyền tranh chấp lao động cá nhân và tập thể thông qua các phương thức giải quyết tranh chấp do pháp luật liên bang quy định, trong đó có quyền đình công.
5. Mỗi người đều có quyền nghỉ ngơi. Người làm việc theo hợp đồng lao động được đảm bảo thời gian làm việc, các ngày nghỉ, ngày lễ, kỳ nghỉ được trả tiền.
Điều 38
1. Người mẹ, trẻ em, gia đình được Nhà nước bảo hộ.
2. Quan tâm và giáo dục trẻ em là quyền và nghĩa vụ của cha mẹ.
3. Con cái có năng lực hành vi đủ 18 tuổi phải chăm sóc bố mẹ không đủ năng lực hành vi.
Điều 39
1. Mỗi người đều được đảm bảo an sinh xã hội khi về già, trong trường hợp đau ốm, thương tật, mất người nuôi dưỡng, để nuôi con và những trường hợp khác do pháp luật quy định.
2. Lương hưu và phúc lợi xã hội được pháp luật xác lập.
3. Khuyến khích bảo hiểm xã hội tự nguyện, thiết lập các hình thức an sinh xã hội khác và hoạt động từ thiện.
Điều 40
1. Mỗi người đều có quyền về nhà ở. Không một ai bị tước đoạt nhà ở.
2. Các cơ quan quyền lực nhà nước và cơ quan tự quản địa phương khuyến khích xây dựng nhà ở, tạo điều kiện thực thi quyền về nhà ở.
3. Người nghèo, những công dân khác cần nhà ở đã được quy định trong luật được cấp nhà không mất tiền hoặc với sự trợ giúp từ các quỹ nhà nước, chính quyền địa phương hoặc các quỹ nhà khác theo quy định của pháp luật.
Điều 41
1. Mỗi người đều có quyền bảo vệ sức khoẻ và chăm sóc y tế. Tại các cơ sở y tế của nhà nước và chính quyền địa phương, công dân được hưởng chăm sóc y tế không mất tiền nhờ nguồn tiền ngân sách, tiền đóng bảo hiểm và những nguồn khác.
2. Ở Liên bang Nga các chương trình bảo vệ và nâng cao sức khoẻ người dân được đầu tư các khoản tài chính, thực hiện các biện pháp phát triển hệ thống y tế nhà nước, địa phương, tư nhân; khuyến khích các hoạt động có thể nâng cao sức khoẻ con người, phát triển thể dục, thể thao, giữ gìn một môi trường trong lành.
3. Việc che dấu các sự việc và hoàn cảnh đe doạ đến cuộc sống và sức khoẻ con người phải bị truy cứu trách nhiệm theo pháp luật liên bang.
Điều 42
Mỗi người đều có quyền về một môi trường trong lành, thông tin xác đáng về tình trạng môi trường, và quyền được bồi thường đối với thiệt hại về sức khoẻ và tài sản do việc vi phạm môi trường gây ra.
Điều 43
1. Mỗi người đều có quyền được học hành.
2. Đảm bảo việc tiếp cận đại chúng và không mất tiền đối với giáo dục mẫu giáo, giáo dục phổ thông, dạy nghề chuyên nghiệp trung học trong các cơ sở giáo dục nhà nước hoặc địa phương và trong các xí nghiệp.
3. Mỗi người đều có quyền qua thi cử được nhận giáo dục đại học trong cơ sở giáo dục nhà nước hoặc địa phương.
4. Giáo dục phổ thông cơ sở là bắt buộc. Cha mẹ hoặc người thay thế họ bảo đảm cho con cái được học phổ thông.
5. Liên bang Nga thiết lập các tiêu chuẩn giáo dục nhà nước liên bang, hỗ trợ các hình thức giáo dục và tự giáo dục khác nhau.
Điều 44
1. Mỗi người được đảm bảo quyền tự do sáng tạo văn học, nghệ thuật, khoa học, kỹ thuật và những hình thức sáng tạo khác. Sở hữu trí tuệ được pháp luật bảo hộ.
2. Mỗi người đều có quyền tham gia vào đời sống văn hoá, sử dụng các cơ sở văn hoá, tiếp cận các giá trị văn hoá.
3. Mỗi người có nghĩa vụ quan tâm bảo vệ di sản văn hoá và lịch sử, gìn giữ các di tích lịch sử và văn hoá.
Điều 45
1. Ở Liên bang Nga, nhà nước đảm bảo sự bảo vệ các quyền và tự do của con người và công dân.
2. Mỗi người đều có quyền bảo vệ các quyền và tự do của mình bằng mọi phương thức mà pháp luật không cấm.
Điều 46
1. Mỗi người đều được bảo vệ các quyền và tự do của mình tại toà án.
2. Các quyết định, hành động hoặc không hành động của các cơ quan quyền lực nhà nước, cơ quan tự quản địa phương, các tổ chức xã hội, các nhà chức trách có thể bị kiện ra toà.
3. Căn cứ vào các điều ước quốc tế của Liên bang Nga, mỗi người đều có quyền viện đến các thiết chế quốc tế về bảo vệ quyền và tự do con người, nếu đã sử dụng hết các phương thức pháp lý sẵn có trong nước.
Điều 47
1. Không ai bị tước quyền được xét xử tại toà án và bởi các tham phán mà pháp luật quy định có tham quyền xét xử vụ việc đó.
2. Người bị buộc tội có quyền được xét xử bởi bồi thẩm đoàn trong những trường hợp do pháp luật liên bang quy định.
Điều 48
1. Mỗi người đều có quyền được trợ giúp pháp lý. Trong những trường hợp được pháp luật liên bang quy định, sự trợ giúp pháp lý không mất tiền.
2. Mỗi người bị bắt, tạm giam, tạm giữ, người bị kết tội đều có quyền sử dụng trợ giúp pháp lý của luật sư từ thời điểm bị bắt, tạm giam, tạm giữ, bị buộc tội.
Điều 49
1. Người bị buộc tội vẫn được coi là vô tội cho đến lúc tội được chứng minh theo một trình tự do pháp luật liên bang quy định và được tuyên bởi một bản án có hiệu lực pháp lý.
2. Người bị buộc tội không có nghĩa vụ phải chứng minh tội của mình.
3. Các tình tiết gây nghi ngờ được giải thích có lợi cho người bị buộc tội.
Điều 50
1. Không ai bị kết án hai lần vì một tội.
2. Khi thực hiện xét xử, không cho phép sử dụng các chứng cứ thu thập được do vi phạm pháp luật liên bang.
3. Người bị kết án có quyền được xem xét lại bản án bởi toà án cấp cao hơn theo trình tự do pháp luật liên bang quy định, cũng như quyền đề nghị ân xá hoặc giảm mức hình phạt.
Điều 51
1. Không một ai có nghĩa vụ phải cung cấp chứng cứ chống lại chính mình, vợ hoặc chồng mình, những người thân của mình do pháp luật liên bang xác định.
2. Pháp luật có thể quy định những trường hợp khác khi không phải cung cấp chứng cứ.
Điều 52
Pháp luật bảo hộ quyền của người bị tội phạm xâm hại hoặc bị xâm hại do việc lạm dụng quyền lực. Nhà nước bảo đảm cho người bị hại được tiếp cận công lý và được bồi thường thiệt hại.
Điều 53
Mỗi người đều có quyền được nhà nước bồi thường thiệt hại do những hành động hoặc không hành động trái pháp luật của các cơ quan nhà nước hoặc các nhà chức trách gây ra.
Điều 54
1. Một đạo luật thiết lập trách nhiệm mới hoặc tăng nặng trách nhiệm thì không có hiệu lực hồi tố.
2. Không một ai chịu trách nhiệm pháp lý về hành vi mà tại thời điểm tiến hành nó không bị coi là phạm tội. Nếu sau khi phạm tội mà có luật mới không coi đó là tội phạm hoặc giảm nhẹ trách nhiệm, luật mới phải được áp dụng.
Điều 55
1. Việc liệt kê các quyền và tự do cơ bản trong Hiến pháp Liên bang Nga không có nghĩa là phủ nhận hoặc xem nhẹ các quyền và tự do khác của con người và công dân đã được thừa nhận rộng rãi.
2. Ở Liên bang Nga không được ban hành những đạo luật tước bỏ hoặc xem nhẹ các quyền và tự do của con người và công dân.
3. Các quyền và tự do của con người và công dân có thể bị giới hạn bởi pháp luật liên bang chỉ trong mức độ cần thiết đủ để bảo vệ nền tảng chế độ hiến pháp, đạo đức, sức khoẻ, các quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, bảo đảm quốc phòng và an ninh quốc gia.
Điều 56
1. Trong điều kiện tình trạng khẩn cấp, để bảo đảm an toàn cho công dân và bảo vệ chế độ hiến pháp, theo một đạo luật hiến pháp liên bang, có thể thiết lập những giới hạn nhất định đối với các quyền và tự do với điều kiện phải chỉ rõ phạm vi và thời hạn của những giới hạn đó.
2. Tình trạng khẩn cấp có thể được ban bố trên toàn bộ lãnh thổ Liên bang Nga hoặc một phần lãnh thổ nhất định khi xuất hiện bối cảnh và theo trình tự được quy định trong đạo luật hiến pháp liên bang.
3. Không được hạn chế các quyền và tự do được quy định tại các điều 20, 21, 23 (khoản 1), 24, 28, 34 (khoản 1), 46 – 54 của Hiến pháp Liên bang Nga.
Điều 57
Mỗi người có nghĩa vụ nộp các loại thuế và phí đã được pháp luật quy định. Các đạo luật quy định các loại thuế mới hoặc làm xấu đi tình trạng của người nộp thuế thì không có hiệu lực hồi tố.
Điều 58
Mỗi người có nghĩa vụ bảo vệ thiên nhiên và môi trường xung quanh, gìn giữ các tài nguyên thiên nhiên.
Điều 59
1. Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ và bổn phận của công dân Liên bang Nga.
2. Công dân Liên bang Nga thực hiện nghĩa vụ quân sự theo quy định của pháp luật liên bang.
3. Công dân Liên bang Nga có quyền thay thế nghĩa vụ quân sự bằng hình thức phục vụ dân sự thay thế trong trường hợp nếu việc thực hiện nghĩa vụ quân sự trái với tôn giáo, tín ngưỡng mà người đó theo, cũng như trong các trường hợp khác do pháp luật liên bang quy định.
Điều 60
Công dân Liên bang Nga có thể tự mình thực hiện tất cả các quyền và nghĩa vụ của mình từ 18 tuổi trở lên.
Điều 61
1. Công dân Liên bang Nga không thể bị trục xuất khỏi lãnh thổ Liên bang Nga hoặc bị giao nộp cho nhà nước khác.
2. Liên bang Nga đảm bảo sự bảo vệ và bảo trợ cho công dân của mình ở ngoài lãnh thổ của Liên bang Nga.
Điều 62
1. Công dân Liên bang Nga có thể có quốc tịch của nước khác (quốc tịch kép) theo luật liên bang hoặc hoặc điều ước quốc tế của Liên bang Nga.
2. Việc công dân Nga có quốc tịch của nước khác không làm suy giảm các quyền và tự do và không giải thoát công dân khỏi các nghĩa vụ xuất phát từ quốc tịch Nga, nếu không có quy định khác của luật liên bang hoặc điều ước quốc tế của Liên bang Nga.
3. Công dân nước ngoài và những người không quốc tịch ở Liên bang Nga được hưởng các quyền và chịu các nghĩa vụ một cách bình đẳng với công dân Liên bang Nga, ngoài các trường hợp có quy định khác của luật liên bang hoặc điều ước quốc tế của Liên bang Nga.
Điều 63
1. Liên bang Nga tiếp nhận công dân nước ngoài và người không quốc tịch làm tị nạn chính trị theo các quy phạm đã được thừa nhận rộng rãi của pháp luật quốc tế.
2. Ở Liên bang Nga không cho phép việc giao nộp cho quốc gia khác những người bị truy đuổi vì niềm tin chính trị, cũng như vì những hành động (hoặc không hành động) không bị coi là phạm pháp ở Liên bang Nga. Việc giao nộp những người bị buộc tội, hoặc những người đã bị kết án để thụ án ở nước khác được thực hiện theo luật liên bang hoặc điều ước quốc tế của Liên bang Nga.
Điều 64
Các quy định tại Chương này tạo nên nền tảng cho địa vị pháp lý của cá nhân ở Liên bang Nga và chỉ được sửa đổi theo trình tự do Hiến pháp này quy định.
CHƯƠNG III
CHẾ ĐỘ LIÊN BANG
Điều 65
1. Thành phần Liên bang Nga bao gồm các chủ thể sau(4):
Cộng hoà Adygeya, Cộng hoà An -tai, Cộng hoà Bashkorstan, Cộng hoà Buratia, Cộng hoà Đaghestan, Cộng hoà Inghushestia, Cộng hoà Kabardino- Balkarskaia, Cộng hoà Kalmưkia, Cộng hoà Karachaievo-Cherkeskaia, Cộng hoà Karelia, Cộng hoà Komy, Cộng hoà Mari El, Cộng hoà Mordovia, Cộng hoà Sakha (Yakutia), Cộng hoà Bắc Ose- tia-Alania, Cộng hoà Tartastan (Tartastan), Cộng hoà Tưva, Cộng hoà Udmursk, Cộng hoà Khakasia, Cộng hoà Chechen, Cộng hoà Chuvash;
Khu Altai, Khu Krasnodarsk, Khu Krasnoiask, Khu Primorsk, Khu Stavropol, Khu Khabarovsk;
Tỉnh Amursk, tỉnh Arkhanghelsk, tỉnh Astrakhan, tỉnh Belgorod, tỉnh Briansk, tỉnh Vladimir, tỉnh Volgagrad, tỉnh Vol- ogodsk, tỉnh Voronhejh, tỉnh Ivanovsk, tỉnh Irkusk, tỉnh Kalin- hingrad, tỉnh Kalujsk, tỉnh Kamchatsk, tỉnh Kemerovsk, tỉnh Kirov, tỉnh Kostroma, tỉnh Kurgan, tỉnh Kursk, tỉnh Leningrad, tỉnh Lipetsk, tỉnh Magadan, tỉnh Moskva, tỉnh Murmansk, tỉnh Nhijegorod, tỉnh Novgorod, tỉnh Novosibirsk, tỉnh Omsk, tỉnh Orenburg, tỉnh Orlov, tỉnh Penzen, tỉnh Perm, tỉnh Peskov, tỉnh Rostov, tỉnh Riazan, tỉnh Camar, tỉnh Saratov, tỉnh Sakhalinsk, Tỉnh Sverlovsk, tỉnh Smolensk, tỉnh Tambov, tỉnh Tver, tỉnh Tomsk, tỉnh Tula, tỉnh Tumen, tỉnh Ulianovsk, tỉnh Cheliabinsk, tỉnh Chitin, tỉnh Iaroslav;
Moskva, Saint-Petersburg là các thành phố cấp liên bang;
Tỉnh tự trị Do Thái;
Vùng tự trị Agnhisk-Buriat, vùng tự trị Komi-Pemiask, vùng tự trị Koriak, vùng tự trị Nhenhesk, vùng tự trị Taimư, vùng tự trị Ust-Ordưn-Buriat, vùng tự trị Khantư-Mans, vùng tự trị Chukotsk, vùng tự trị Evenki, vùng tự trị Iamalo-Nhenhetsk.
2. Việc tiếp nhận hoặc thành lập chủ thể mới trong thành phần Liên bang Nga được tiến hành theo trình tự do đạo luật hiến pháp liên bang quy định.
Điều 66
1. Địa vị pháp lý của nước cộng hoà do Hiến pháp Liên bang Nga và hiến pháp nước cộng hoà đó quy định.
2. Địa vị pháp lý của khu, tỉnh, thành phố cấp liên bang, tỉnh tự trị, vùng tự trị được quy định trong Hiến pháp Liên bang Nga và trong hiến chương của khu, tỉnh, thành phố cấp liên bang, tỉnh tự trị, vùng tự trị do cơ quan lập pháp của các chủ thể đó thông qua.
3. Theo đề nghị của cơ quan lập pháp và hành pháp của tỉnh tự trị và vùng tự trị, một đạo luật liên bang về tỉnh tự trị, vùng tự trị đó có thể được thông qua.
4. Mối quan hệ giữa các vùng tự trị thuộc thành phần của khu hoặc tỉnh có thể được quy định bởi một đạo luật liên bang và thỏa ước giữa các cơ quan quyền lực nhà nước của vùng tự trị đó với các cơ quan quyền lực nhà nước của khu hoặc tỉnh đó.
5. Địa vị pháp lý của một chủ thể Liên bang Nga có thể thay đổi theo thỏa thuận hai chiều giữa Liên bang Nga và chủ thể Liên bang Nga dựa trên đạo luật hiến pháp liên bang.
Điều 67
1. Lãnh thổ Liên bang Nga bao gồm lãnh thổ của các chủ thể Liên bang Nga, vùng hải nội và lãnh hải và không phận phía trên các phần lãnh thổ đó.
2. Liên bang Nga nắm giữ chủ quyền và thực hiện thẩm quyền trên thềm lục địa và đặc khu kinh tế của Liên bang Nga theo trình tự do đạo luật liên bang quy định hoặc theo các quy phạm của pháp luật quốc tế.
3. Biên giới giữa các chủ thể của Liên bang Nga có thể thay đổi theo thỏa thuận giữa các chủ thể đó với nhau.
Điều 68
1. Tiếng Nga là ngôn ngữ nhà nước của Liên bang Nga trên toàn bộ lãnh thổ Liên bang Nga.
2. Các nước cộng hoà có thể quy định ngôn ngữ nhà nước của mình. Các ngôn ngữ đó có thể sử dụng một cách bình đẳng với tiếng Nga trong các cơ quan quyền lực nhà nước, các cơ quan tự quản địa phương, các công sở ở các nước cộng hoà.
3. Liên bang Nga bảo đảm quyền gìn giữ tiếng mẹ đẻ của các dân tộc, tạo điều kiện nghiên cứu và phát triển các thứ tiếng đó.
Điều 69
Liên bang Nga bảo đảm các quyền của các dân tộc ít người bản địa theo các nguyên tắc và quy phạm đã được thừa nhận rộng rãi của pháp luật quốc tế và các điều ước quốc tế của Liên bang Nga.
Điều 70
1. Quốc kỳ, quốc huy, quốc ca của Liên bang Nga, ý nghĩa và trình tự sử dụng quốc kỳ, quốc huy, quốc ca được quy định bởi một đạo luật hiến pháp liên bang.
2. Moskva là thủ đô của Liên bang Nga. Địa vị pháp lý của thủ đô do đạo luật liên bang quy định.
Điều 71
1. Tham quyền của chính quyền Liên bang Nga bao gồm:
a) Thông qua và sửa đổi Hiến pháp Liên bang Nga, các đạo luật liên bang và giám sát việc thực thi pháp luật;
b) Chế độ liên bang và lãnh thổ Liên bang Nga;
c) Quy định và bảo vệ các quyền và tự do của con người và công dân; quốc tịch ở Liên bang Nga; quy định và bảo vệ quyền các dân tộc ít người;
d) Thành lập các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp liên bang, tổ chức và hoạt động của các cơ quan đó; thành lập các cơ quan quyền lực nhà nước cấp liên bang;
e) Sở hữu nhà nước liên bang và việc quản lý sở hữu nhà nước;
f) Hoạch định các chính sách, chương trình về phát triển nhà nước, kinh tế, môi trường, xã hội, văn hoá và dân tộc của Liên bang Nga;
g) Thiết lập cơ sở pháp lý cho một không gian kinh tế thống nhất; điều tiết về tài chính, tiền tệ, tín dụng, hải quan, giá cả; các tổ chức kinh tế, trong đó có các ngân hàng liên bang;
h) Ngân sách liên bang; các loại thuế và phí liên bang; các quỹ liên bang về phát triển vùng;
i) Các hệ thống năng lượng liên bang; năng lượng nguyên tử; các chất phân rã; giao thông liên bang; thông tin, truyền thông, liên lạc; hoạt động trên vũ trụ;
k) Điều phối các quan hệ quốc tế và kinh tế đối ngoại của các chủ thể Liên bang Nga, thực thi các điều ước quốc tế của Liên bang Nga;
l) Chính sách đối ngoại và quan hệ quốc tế của Liên bang Nga; điều ước quốc tế của Liên bang Nga; vấn đề chiến tranh và hoà bình;
m) Quan hệ kinh tế quốc tế của Liên bang Nga;
n) Quốc phòng và an ninh; công nghiệp quốc phòng; xác định trình tự mua bán vũ khí, quân trang, quân dụng, kỹ thuật quốc phòng và tài sản quân sự khác; sản xuất các loại chất độc, chất ma tuý và việc sử dụng chúng;
o) Xác định và bảo vệ biên giới quốc gia, hải lãnh, không phận, các đặc khu kinh tế và thềm lục địa của Liên bang Nga;
p) Hệ thống toà án; viện kiểm sát; luật hình sự, luật tố tụng hình sự, luật thi hành án hình sự; ân xá, đặc xá; luật dân sự, luật tố tụng dân sự, luật tố tụng trọng tài; luật sở hữu trí tuệ;
q) Luật xung đột pháp luật liên bang;
r) Cơ quan dự báo thời tiết, tiêu chuẩn, hệ đo đạc và tính thời gian; địa chất, bản đồ; đặt tên cho các địa danh; thống kê, kế toán chính thức;
s) Khen thưởng nhà nước, danh hiệu của Liên bang Nga;
t) Nền công vụ liên bang.
Điều 72
1. Những vấn đề sau đây thuộc thẩm quyền giải quyết chung của chính quyền Liên bang Nga và các chủ thể của Liên bang Nga:
a) Bảo đảm để hiến pháp, các đạo luật của các nước cộng hoà, hiến chương, luật và các văn bản quy phạm pháp luật khác của các khu, tỉnh, thành phố cấp liên bang, tỉnh tự trị, các vùng tự trị phải phù hợp với Hiến pháp Liên bang Nga và các đạo luật liên bang;
b) Bảo vệ quyền và tự do của con người và công dân; quyền của các dân tộc ít người; bảo đảm tính pháp chế, trật tự pháp lý, an toàn xã hội; chế độ các vùng giáp biên;
c) Các vấn đề chiếm hữu, sử dụng và định đoạt đất đai, lòng đất, tài nguyên nước và các tài nguyên thiên nhiên khác;
d) Ranh giới sở hữu nhà nước;
e) Sử dụng và bảo vệ thiên nhiên, bảo đảm an ninh môi trường; các lãnh thổ thiên nhiên đặc biệt; bảo vệ các di tích lịch sử và văn hoá;
f) Các vấn đề chung về giáo dục, khoa học, văn hoá, thể dục, thể thao;
g) Điều phối các vấn đề y tế; bảo vệ gia đình, quyền làm mẹ, làm cha, trẻ em; bảo trợ xã hội, trong đó có bảo đảm xã hội;
h) Phòng chống thiên tai, dịch bệnh, khắc phục hậu quả của chúng;
i) Thiết lập các nguyên tắc chung về thuế và phí ở Liên bang Nga;
k) Luật hành chính, tố tụng hành chính, lao động, gia đình, nhà ở, đất đai, nước, rừng, lòng đất, bảo vệ môi trường;
l) Nhân lực cho toà án, các cơ quan bảo vệ pháp luật, luật sư, công chứng;
m) Bảo vệ môi trường sống và lối sống truyền thống của các cộng đồng thiểu sổ ít người;
n) Thiết lập các nguyên tắc chung của tổ chức hệ thống các cơ quan quyền lực nhà nước và tự quản địa phương;
o) Điều phối quan hệ quốc tế và kinh tế đối ngoại của các chủ thể liên bang Nga, thực thi các điều ước quốc tế của Liên bang Nga.
2. Quy định của Điều này có hiệu lực như nhau đối với tất cả các chủ thể của Liên bang Nga.
Điều 73
Ngoài phạm vi tham quyền của chính quyền Liên bang Nga và quyền hạn của chính quyền liên bang đối với các vấn đề thuộc tham quyền chung, các chủ thể của Liên bang Nga nắm toàn bộ quyền lực nhà nước.
Điều 74
1. Trên lãnh thổ Liên bang Nga không cho phép thiết lập biên giới hải quan, các loại thuế quan, lệ phí hoặc bất kỳ rào cản nào cản trở sự lưu thông tự do của hàng hoá, dịch vụ, nguồn tài chính.
2. Việc giới hạn sự lưu thông của hàng hoá và dịch vụ có thể được áp dụng theo luật liên bang, nếu điều đó cần thiết để đảm bảo an toàn, bảo vệ cuộc sống và sức khoẻ con người, bảo vệ thiên nhiên và các giá trị văn hoá.
Điều 75
1. Đồng rúp là đơn vị tiền tệ của Liên bang Nga. Việc phát hành tiền chỉ do Ngân hàng Trung ương Liên bang Nga tiến hành. Không cho phép phát hành các loại tiền khác ở Liên bang Nga.
2. Bảo vệ và duy trì sự ổn định của đồng rúp là chức năng chính của Ngân hàng Trung ương Liên bang Nga và được thực hiện một cách độc lập với các cơ quan quyền lực nhà nước khác.
3. Hệ thống các loại thuế nộp vào ngân sách liên bang, các nguyên tắc chung trong việc thu thuế và phí ở Liên bang Nga do đạo luật liên bang quy định.
4. Các loại công trái chính phủ được phát hành theo trình tự do luật liên bang quy định và trên cơ sở tự nguyện.
Điều 76
1. Đối với các vấn đề thuộc thẩm quyền của chính quyền Liên bang Nga, sẽ ban hành các đạo luật hiến pháp liên bang và các đạo luật liên bang có hiệu lực trực tiếp trên lãnh thổ Liên bang Nga.
2. Đối với các vấn đề thuộc thẩm quyền chung giữa Liên bang Nga và các chủ thể của Liên bang Nga, sẽ ban hành các đạo luật liên bang và các đạo luật và văn bản quy phạm pháp luật tương ứng của các chủ thể Liên bang Nga.
3. Các đạo luật liên bang không được trái với các đạo luật hiến pháp liên bang.
4. Ngoài phạm vi thẩm quyền của chính quyền Liên bang Nga và quyền hạn của chính quyền liên bang đối với các vấn đề thuộc thẩm quyền chung, các chủ thể của Liên bang Nga có toàn quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật.
5. Các đạo luật và những văn bản quy phạm pháp luật khác của các chủ thể Liên bang Nga không được trái với các đạo luật liên bang được thông qua theo quy định của khoản 1 và 2 của Điều này. Trong trường hợp mâu thuẫn giữa các đạo luật liên bang và các văn bản khác được ban hành ở Liên bang Nga, đạo luật liên bang sẽ có hiệu lực.
6. Trong trường hợp mâu thuẫn giữa đạo luật liên bang và văn bản quy phạm pháp luật của chủ thể Liên bang Nga được ban hành theo quy định của khoản 4 của Điều này, văn bản quy phạm pháp luật của chủ thể Liên bang Nga sẽ có hiệu lực.
Điều 77
1. Hệ thống các cơ quan quyền lực nhà nước của các chủ thể Liên bang Nga do tự các chủ thể đó thành lập dựa trên nền tảng chế độ hiến pháp của Liên bang Nga và các nguyên tắc chung đã được quy định trong đạo luật liên bang về tổ chức các cơ quan đại diện và hành pháp của quyền lực nhà nước.
2. Trong khuôn khổ thẩm quyền của Liên bang Nga và quyền hạn của Liên bang Nga đối với các vấn đề thuộc thẩm quyền chung với các chủ thể của Liên bang Nga, các cơ quan hành pháp liên bang và các cơ quan hành pháp của các chủ thể Liên bang Nga tạo thành một hệ thống thống nhất các cơ quan hành pháp của Liên bang Nga.
Điều 78
1. Các cơ quan hành pháp liên bang có thể thành lập các cơ quan của mình theo lãnh thổ và bổ nhiệm các chức danh tương ứng để thực hiện các quyền hạn của mình.
2. Các cơ quan hành pháp liên bang có thể thoả thuận chuyển giao một phần thẩm quyền của mình cho các cơ quan hành pháp của các chủ thể Liên bang Nga, nếu điều đó không mâu thuẫn với Hiến pháp Liên bang Nga và pháp luật liên bang.
3. Các cơ quan hành pháp của các chủ thể Liên bang Nga có thể thoả thuận chuyển giao một phần thẩm quyền của mình cho các cơ quan hành pháp liên bang.
4. Tổng thống Liên bang Nga và Chính phủ Liên bang Nga, theo Hiến pháp Liên bang Nga, đảm bảo việc thực hiện các thẩm quyền quyền lực nhà nước liên bang trên toàn bộ lãnh thổ Liên bang Nga.
Điều 79
Liên bang Nga có thể tham gia các tổ chức liên chính phủ và chuyển giao một phần thẩm quyền của mình theo các điều ước quốc tế, nếu điều đó không hạn chế các quyền và tự do của con người và công dân và không mâu thuẫn với nền tảng chế độ hiến pháp của Liên bang Nga.
CHƯƠNG IV
TỔNG THỐNG LIÊN BANG NGA
Điều 80
1. Tổng thống Liên bang Nga là nguyên thủ quốc gia.
2. Tổng thống Liên bang Nga là người bảo đảm thực hiện Hiến pháp Liên bang Nga, cho các quyền và tự do của con người và công dân. Theo quy định của Hiến pháp Liên bang Nga, Tổng thống thực thi các biện pháp bảo vệ chủ quyền, sự độc lập và toàn vẹn của Liên bang Nga, bảo đảm sự hoạt động hài hòa và mối quan hệ giữa các cơ quan quyền lực nhà nước.
3. Theo quy định của Hiến pháp Liên bang Nga và các đạo luật liên bang, Tổng thống Liên bang Nga xác định những phương hướng chính trong chính sách đối nội và đối ngoại của Liên bang Nga.
4. Với tư cách nguyên thủ quốc gia, Tổng thống Liên bang Nga đại diện cho Liên bang Nga ở trong nước và trong quan hệ quốc tế.
Điều 81
1. Tổng thống Liên bang Nga do công dân Nga bầu bốn năm một lần(5) theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín.
2. Để được bầu làm Tổng thống Liên bang Nga, công dân Nga phải đạt độ tuổi từ 35 trở lên và phải sống thường xuyên ở Liên bang Nga không dưới 10 năm.
3. Một người không được làm Tổng thống Liên bang Nga quá hai nhiệm kỳ liên tục.
4. Trình tự bầu Tổng thống Liên bang Nga do đạo luật liên bang quy định.
Điều 82
1. Khi nhậm chức, Tổng thống Liên bang Nga tuyên thệ như sau: “Tôi xin thề khi thực thi quyền hạn của Tổng thống Liên bang Nga sẽ tôn trọng và bảo vệ các quyền và tự do của con người và công dân, tuân thủ và bảo vệ Hiến pháp Liên bang Nga, bảo vệ chủ quyền, độc lập, an ninh và toàn vẹn của quốc gia, trung thành phục vụ nhân dân”.
2. Lễ tuyên thệ phải được tiến hành trọng thể với sự có mặt của các thành viên Hội đồng Liên bang, đại biểu Đuma Quốc gia, các thẩm phán Toà án Hiến pháp Liên bang Nga.
Điều 83
Tổng thống Liên bang Nga có quyền:
a) Với sự đồng ý của Đuma Quốc gia, bổ nhiệm Thủ tướng Chính phủ Liên bang Nga;
b) Chủ trì các phiên họp của Chính phủ Liên bang Nga;
c) Quyết định về việc từ chức của Chính phủ Liên bang Nga;
d) Giới thiệu trước Đuma Quốc gia ứng cử viên để bổ nhiệm Thống đốc Ngân hàng Trung ương Liên bang Nga; đặt vấn đề trước Đuma Quốc gia về việc cho thôi làm Thống đốc Ngân hàng Trung ương;
e) Theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ Liên bang Nga, bổ nhiệm và cho thôi làm Phó Thủ tướng Chính phủ Liên bang Nga và các bộ trưởng liên bang;
f) Giới thiệu trước Hội đồng Liên bang các ứng cử viên để bổ nhiệm các thẩm phán của Toà án Hiến pháp Liên bang Nga, Toà án Tối cao Liên bang Nga, Toà án Trọng tài Tối cao Liên bang Nga, Viện trưởng Viện kiểm sát Liên bang Nga; đặt vấn đề trước Hội đồng Liên bang về việc cho thôi làm Viện trưởng Viện kiểm sát Liên bang Nga; bổ nhiệm các thẩm phán của các toà án cấp liên bang khác;
g) Thành lập và đứng đầu Hội đồng An ninh Liên bang Nga với địa vị pháp lý do đạo luật liên bang quy định;
h) Phê chuẩn chủ thuyết quân sự của Liên bang Nga;
i) Thành lập Văn phòng Tổng thống Liên bang Nga;
k) Bổ nhiệm và cho thôi làm đại diện toàn quyền của Tổng thống Liên bang Nga;
l) Bổ nhiệm và cho thôi làm Bộ Tổng tư lệnh Các lực lượng vũ trang Liên bang Nga;
m) Sau khi tham vấn các uỷ ban hoặc tiểu uỷ ban thích hợp của hai viện Quốc hội Liên bang, bổ nhiệm và triệu hồi đại diện ngoại giao của Liên bang Nga ở nước ngoài và các tổ chức quốc tế.
Điều 84
Tổng thống Liên bang Nga:
a) Ấn định bầu cử Đuma Quốc gia theo quy định của Hiến pháp Liên bang Nga và đạo luật liên bang;
b) Giải tán Đuma Quốc gia trong những trường hợp và theo trình tự do Hiến pháp Liên bang Nga quy định;
c) Ấn định trưng cầu ý dân theo trình tự do đạo luật hiến pháp liên bang quy định;
d) Trình dự án luật cho Đuma Quốc gia;
e) Ký và công bố các đạo luật liên bang;
f) Đọc thông điệp hàng năm trước Quốc hội Liên bang về tình hình đất nước, các phương hướng chính trong chính sách đối nội, đối ngoại của quốc gia.
Điều 85
1. Tổng thống Liên bang Nga có thể sử dụng các quy trình thương lượng để hoà giải những khác biệt giữa các cơ quan quyền lực nhà nước của Liên bang Nga và các cơ quan quyền lực nhà nước của các chủ thể Liên bang Nga, cũng như giữa các cơ quan quyền lực nhà nước của các chủ thể Liên bang Nga với nhau. Trong trường hợp không đạt được sự đồng thuận, Tổng thống có thể chuyển việc giải quyết tranh chấp cho toà án tương ứng.
Trước khi được xem xét bởi toà án, Tổng thống Liên bang Nga có quyền đình chỉ hiệu lực của các văn bản do các cơ quan quyền lực nhà nước của các chủ thể Liên bang Nga ban hành, nếu các văn bản đó mâu thuẫn với Hiến pháp Liên bang Nga và các đạo luật liên bang, với các nghĩa vụ quốc tế của Liên bang Nga, hoặc xâm phạm quyền và tự do của con người và công dân.
Điều 86
Tổng thống Liên bang Nga:
a) Lãnh đạo chính sách đối ngoại của Liên bang Nga;
b) Điều đình và ký kết các điều ước quốc tế của Liên bang Nga;
c) Ký các chứng thư phê chuẩn;
d) Tiếp nhận quốc thư và thư triệu hồi của các đại diện ngoại giao đã được uỷ nhiệm.
Điều 87
1. Tổng thống Liên bang Nga là Tổng Tư lệnh tối cao các lực lượng vũ trang Liên bang Nga.
2. Trong trường hợp có hành động xâm lược hoặc nguy cơ xâm lược trực tiếp, Tổng thống Liên bang Nga ban bố tình trạng có chiến tranh trên lãnh thổ Liên bang Nga hoặc trên một phần lãnh thổ và thông báo ngay cho Hội đồng Liên bang và Đuma Quốc gia.
3. Tình trạng có chiến tranh do đạo luật hiến pháp liên bang quy định.
Điều 88
Trong những trường hợp và theo trình tự do đạo luật hiến pháp liên bang quy định, Tổng thống Liên bang Nga ban bố tình trạng khẩn cấp trên lãnh thổ Liên bang Nga hoặc trên một phần lãnh thổ nhất định và thông báo ngay cho Hội đồng Liên bang và Đuma Quốc gia.
Điều 89
Tổng thống Liên bang Nga:
a) Quyết định các vấn đề về quốc tịch Liên bang Nga và tị nạn chính trị;
b) Trao tặng thưởng quốc gia của Liên bang Nga, các danh hiệu cao quý của Liên bang Nga, quân hàm cấp cao và các chức danh cấp cao khác;
c) Thực hiện ân xá;
Điều 90
1. Tổng thống Liên bang Nga ban hành sắc lệnh và chỉ thị.
2. Sắc lệnh và chỉ thị của Tổng thống Liên bang Nga có hiệu lực bắt buộc trên toàn bộ lãnh thổ Liên bang Nga.
3. Sắc lệnh và chỉ thị của Tổng thống Liên bang Nga không được trái với Hiến pháp Liên bang Nga và các đạo luật liên bang.
Điều 91
Tổng thống Liên bang Nga được hưởng quyền bất khả xâm phạm.
Điều 92
1. Tổng thống Liên bang Nga bắt đầu thực thi quyền hạn của mình từ thời điểm tuyên thệ và kết thúc nhiệm kỳ vào thời điểm Tổng thống mới được bầu làm lễ tuyên thệ.
2. Tổng thống Liên bang Nga rời nhiệm sở trước thời hạn trong trường hợp tự từ chức, khi không có khả năng thực thi quyền hạn trong một thời gian dài vì sức khoẻ yếu, hoặc khi bị buộc từ chức. Trong các trường hợp đó, cuộc bầu cử Tổng thống Liên bang Nga phải tiến hành không muộn hơn ba tháng kể từ khi rời nhiệm sở trước thời hạn.
3. Trong các trường hợp Tổng thống không thể thực thi quyền hạn của mình, Thủ tướng Chính phủ Liên bang Nga sẽ tạm thời thay thế. Người tạm quyền Tổng thống không có quyền giải tán Đuma Quốc gia, ấn định trưng cầu ý dân, cũng như không được kiến nghị sửa đổi Hiến pháp Liên bang Nga.
Điều 93
1. Tổng thống Liên bang Nga có thể bị Hội đồng Liên bang buộc từ chức chỉ khi có cáo buộc của Đuma Quốc gia về phản bội Tổ quốc hoặc phạm trọng tội khác; cáo buộc này phải được Toà án Tối cao Liên bang Nga xác nhận có các dấu hiệu phạm tội trong hành vi của Tổng thống Liên bang Nga và phải được Toà án Hiến pháp Liên bang Nga kết luận đã tuân thủ thủ tục đàn hạch.
2. Quyết định của Đuma Quốc gia về việc buộc tội Tổng thống và quyết định của Hội đồng Liên bang về việc buộc thôi làm Tổng thống phải được ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu mỗi viện tán thành theo đề nghị của ít nhất là một phần ba tổng số đại biểu Đuma Quốc gia, và phải có kết luận của một uỷ ban đặc biệt do Đuma Quốc gia thành lập.
3. Quyết định của Hội đồng Liên bang về việc buộc Tổng thống từ chức phải được thông qua không muộn hơn ba tháng kể từ khi Đuma Quốc gia buộc tội Tổng thống. Nếu trong thời hạn đó Hội đồng Liên bang không thông qua quyết định, lời buộc tội coi như bị bãi bỏ.
CHƯƠNG V
QUỐC HỘI LIÊN BANG
Điều 94
Quốc hội Liên bang – nghị viện của Liên bang Nga – là cơ quan đại diện và lập pháp của Liên bang Nga.
Điều 95
1. Quốc hội Liên bang gồm hai viện – Hội đồng Liên bang và Đuma Quốc gia.
2. Mỗi chủ thể Liên bang Nga có hai đại biểu trong Hội đồng Liên bang: một người của quyền lập pháp và một người của quyền hành pháp.
3. Đuma Quốc gia có 450 đại biểu.
Điều 96
1. Đuma Quốc gia có nhiệm kỳ bốn năm.
2. Trình tự thành lập Hội đồng Liên bang và bầu cử đại biểu Đuma Quốc gia do đạo luật liên bang quy định.
Điều 97
1. Công dân Nga từ 21 tuổi trở lên và đủ điều kiện tham gia bầu cử thì có thể được bầu làm đại biểu Đuma Quốc gia.
2. Một người không được đồng thời là thành viên Hội đồng Liên bang và Đuma Quốc gia. Đại biểu Đuma Quốc gia không được kiêm nhiệm làm đại biểu các cơ quan đại diện của quyền lực nhà nước và các cơ quan tự quản địa phương.
3. Đại biểu Đuma Quốc gia hoạt động thường xuyên và chuyên nghiệp. Đại biểu Đuma Quốc gia không được làm việc trong nền công vụ, làm các công việc được trả lương khác, trừ các hoạt động giảng dạy, khoa học hoặc hoạt động sáng tạo khác.
Điều 98
1. Thành viên Hội đồng Liên bang và đại biểu Đuma Quốc gia hưởng đặc quyền bất khả xâm phạm trong suốt nhiệm kỳ của mình. Họ không bị bắt và khám xét, trừ khi bị bắt quả tang phạm tội, không bị khám người, trừ những trường hợp đã được luật liên bang quy định nhằm bảo vệ an toàn cho người khác.
2. Mỗi viện quyết định về việc tước đặc quyền bất khả xâm phạm đối với thành viên của viện theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát Liên bang Nga.
Điều 99
1. Quốc hội Liên bang là cơ quan hoạt động thường xuyên.
2. Đuma Quốc gia họp phiên đầu tiên sau 30 ngày tính từ khi được bầu. Tổng thống Liên bang Nga có thể triệu tập phiên họp này của Đuma Quốc gia trước thời hạn nói trên.
3. Đại biểu cao tuổi nhất khai mạc phiên họp đầu tiên của Đuma Quốc gia.
4. Quyền hạn của Đuma Quốc gia khoá trước chấm dứt từ thời điểm Đuma Quốc gia khoá mới bắt đầu làm việc.
Điều 100
1. Hội đồng Liên bang và Đuma Quốc gia họp riêng.
2. Hội đồng Liên bang và Đuma Quốc gia họp công khai. Trong những trường hợp được quy định trong nội quy, mỗi viện có thể họp kín.
3. Hai viện có thể họp chung để nghe thông điệp hàng năm của Tổng thống Liên bang Nga, thông điệp của Toà án Hiến pháp Liên bang Nga, phát biểu của lãnh đạo nước ngoài.
Điều 101
1. Hội đồng Liên bang bầu Chủ tịch và các Phó chủ tịch Hội đồng Liên bang từ các thành viên của mình. Đuma Quốc gia bầu Chủ tịch và các Phó chủ tịch Đuma Quốc gia từ các thành viên của mình.
2. Chủ tịch và các Phó chủ tịch Hội đồng Liên bang, Chủ tịch và các Phó chủ tịch Đuma Quốc gia chủ toạ các phiên họp và điều hành công việc nội bộ của mỗi viện.
3. Hội đồng Liên bang và Đuma Quốc gia thành lập các uỷ ban và tiểu ban, tiến hành các cuộc thảo luận về các vấn đề thuộc quyền hạn của mình.
4. Mỗi viện ban hành quy chế của mình và quyết định các vấn đề thủ tục hoạt động nội bộ.
5. Để giám sát việc thực hiện ngân sách liên bang, Hội đồng Liên bang và Đuma Quốc gia thành lập Uỷ ban Kiểm toán với thành phần và thủ tục hoạt động do đạo luật liên bang quy định.
Điều 102
1. Tham quyền của Hội đồng Liên bang bao gồm:
a) Phê chuẩn việc thay đổi biên giới giữa các chủ thể Liên bang Nga;
b) Phê chuẩn lệnh của Tổng thống Liên bang Nga về ban bố tình trạng có chiến tranh;
c) Phê chuẩn lệnh của Tổng thống Liên bang Nga về ban bố tình trạng khẩn cấp;
d) Quyết định về khả năng sử dụng các lực lượng vũ trang của Liên bang Nga ở nước ngoài;
e) Ấn định bầu cử Tổng thống Liên bang Nga;
f) Buộc Tổng thống Liên bang Nga từ chức;
g) Bổ nhiệm thẩm phán Toà án Hiến pháp Liên bang Nga, Toà án Tối cao Liên bang Nga, Toà án Trọng tài Tối cao Liên bang Nga;
h) Bổ nhiệm và cho thôi việc Viện trưởng Viện kiểm sát Liên bang Nga;
i) Bổ nhiệm và cho thôi việc Phó Tổng kiểm toán và một nửa thành viên Uỷ ban Kiểm toán.
2. Hội đồng Liên bang ra nghị quyết về các vấn đề thuộc thẩm quyền của mình đã được Hiến pháp Liên bang Nga quy định.
3. Nghị quyết của Hội đồng Liên bang được thông qua khi có đa số thành viên của tổng số thành viên tán thành, trừ những trường hợp Hiến pháp Liên bang Nga quy định khác.
Điều 103
1. Thẩm quyền của Đuma Quốc gia bao gồm:
a) Biểu quyết về đề nghị của Tổng thống Liên bang Nga bổ nhiệm Thủ tướng Chính phủ Liên bang Nga;
b) Quyết định về việc tín nhiệm Chính phủ Liên bang Nga;
c) Bổ nhiệm và cho thôi việc Thống đốc Ngân hàng Trung ương Liên bang Nga;
d) Bổ nhiệm và cho thôi việc Tổng kiểm toán và một nửa thành viên Uỷ ban Kiểm toán;
e) Bổ nhiệm và cho thôi việc Cao uỷ viên về quyền con người hoạt động theo quy định của đạo luật hiến pháp liên bang;
f) Tuyên bố đặc xá;
g) Đề xuất buộc tội Tổng thống Liên bang Nga để tiến hành đàn hạch.
2. Đuma Quốc gia ra nghị quyết về các vấn đề thuộc thẩm quyền của mình đã được Hiến pháp Liên bang Nga quy định.
3. Nghị quyết của Đuma Quốc gia được thông qua khi có đa số thành viên của tổng số thành viên tán thành, trừ những trường hợp Hiến pháp Liên bang Nga quy định khác.
Điều 104
1. Quyền sáng kiến lập pháp thuộc về: Tổng thống Liên bang Nga, Hội đồng Liên bang, các thành viên Hội đồng Liên bang, đại biểu Đuma Quốc gia, Chính phủ Liên bang Nga, các cơ quan lập pháp (đại diện) của các chủ thể Liên bang Nga. Quyền sáng kiến lập pháp cũng thuộc về Toà án Hiến pháp Liên bang Nga, Toà án Tối cao Liên bang Nga, Toà án Trọng tài Tối cao Liên bang Nga về những vấn đề thuộc thẩm quyền của các cơ quan này.
2. Các dự luật được trình ra Đuma Quốc gia.
3. Các dự luật về ban hành hoặc huỷ bỏ các loại thuế, miễn thuế, phát hành công trái quốc gia, về việc thay đổi các nghĩa vụ tài chính của nhà nước, các dự luật khác quy định về các khoản chi từ ngân sách liên bang chỉ được trình khi có kết luận của Chính phủ Liên bang Nga.
Điều 105
1. Các đạo luật liên bang do Đuma Quốc gia thông qua.
2. Các đạo luật liên bang được thông qua khi có đa số của tổng số đại biểu Đuma Quốc gia tán thành, trừ những trường hợp Hiến pháp Liên bang Nga quy định khác.
3. Các đạo luật liên bang đã được Đuma Quốc gia thông qua phải được chuyển cho Hội đồng Liên bang xem xét trong vòng năm ngày.
4. Đạo luật liên bang được Hội đồng Liên bang thông qua khi có hơn một nửa tổng số thành viên của viện tán thành, hoặc khi đạo luật đó không được Hội đồng Liên bang xem xét trong vòng 14 ngày. Trong trường hợp Hội đồng Liên bang bác bỏ đạo luật liên bang, cả hai viện có thể thành lập uỷ ban điều đình đề dàn xếp khác biệt, sau đó Đuma Quốc gia xem xét lại đạo luật liên bang đó.
5. Trong trường hợp Đuma Quốc gia không đồng ý với quyết định của Hội đồng Liên bang, đạo luật liên bang được coi là đã thông qua khi xem xét lại có ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Đuma Quốc gia biểu quyết tán thành đạo luật.
Điều 106
1. Hội đồng Liên bang bắt buộc phải xem xét các đạo luật đã được Đuma Quốc gia thông qua về các vấn đề sau:
a) Ngân sách liên bang;
b) Các loại thuế và phí liên bang;
c) Quy định về tài chính, tiền tệ, tín dụng, hải quan, phát hành tiền;
d) Phê chuẩn và huỷ bỏ điều ước quốc tế của Liên bang Nga;
e) Địa vị pháp lý và bảo vệ biên giới quốc gia của Liên bang Nga;
f) Chiến tranh và hoà bình.
Điều 107
1. Trong vòng năm ngày sau khi đã được thông qua, đạo luật liên bang được chuyển cho Tổng thống Liên bang Nga ký và công bố.
2. Trong vòng 14 ngày, Tổng thống Liên bang Nga ký và công bố luật liên bang.
3. Nếu trong vòng 14 ngày kể từ khi nhận mà Tổng thống Liên bang Nga bác bỏ đạo luật liên bang, Đuma Quốc gia và Hội đồng Liên bang sẽ xem xét lại đạo luật đó theo trình tự do Hiến pháp Liên bang Nga quy định. Nếu sau khi xem xét lại, nếu bản cũ của đạo luật vẫn được thông qua bởi ít nhất hai phần ba tổng số thành viên Hội đồng Liên bang và tổng số đại biểu Đuma Quốc gia, đạo luật đó phải được Tổng thống Liên bang Nga ký trong vòng 7 ngày và công bố.
Điều 108
1. Các đạo luật hiến pháp liên bang được ban hành để điều chỉnh các vấn đề do Hiến pháp Liên bang Nga quy định.
2. Đạo luật hiến pháp liên bang được thông qua bởi ít nhất ba phần tư tổng số thành viên Hội đồng Liên bang và ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Đuma Quốc gia. Đạo luật hiến pháp liên bang đã được thông qua phải được Tổng thống Liên bang Nga ký và công bố trong vòng 14 ngày.
Điều 109
1. Đuma Quốc gia có thể bị Tổng thống Liên bang Nga giải tán theo trình tự quy định tại Điều 111 và 117 của Hiến pháp Liên bang Nga.
2. Trong trường hợp giải tán Đuma Quốc gia, Tổng thống Liên bang Nga ấn định ngày bầu cử để Đuma Quốc gia mới có thể nhóm họp không muộn hơn 4 tháng kể từ khi giải tán.
3. Trong vòng một năm kể từ khi được bầu, không được giải tán Đuma Quốc gia theo quy định của Điều 117 Hiến pháp Liên bang Nga.
4. Đuma Quốc gia không bị giải tán từ thời điểm viện này đưa ra lời buộc tội Tổng thống Liên bang cho đến khi có quyết định của Hội đồng Liên bang.
5. Không được giải tán Đuma Quốc gia trong thời gian ban bố tình trạng có chiến tranh hoặc tình trạng khẩn cấp trên toàn bộ lãnh thổ Liên bang Nga, cũng như trong vòng sáu tháng trước khi kết thúc nhiệm kỳ Tổng thống Liên bang Nga.
CHƯƠNG VI
CHÍNH PHỦ LIÊN BANG NGA
Điều 110
1. Chính phủ Liên bang Nga thực thi quyền lực hành pháp ở Liên bang Nga.
2. Chính phủ Liên bang Nga gồm Thủ tướng Chính phủ, các Phó thủ tướng và các bộ trưởng liên bang.
Điều 111
1. Thủ tướng Chính phủ Liên bang Nga do Tổng thống Liên bang Nga bổ nhiệm sau khi có sự đồng ý của Đuma Quốc gia.
2. Đề nghị về ứng viên Thủ tướng Chính phủ Liên bang Nga được trình không muộn hơn hai tuần sau khi Tổng thống Liên bang Nga nhậm chức hoặc sau khi Chính phủ Liên bang Nga từ chức; hoặc trong vòng một tuần sau khi Đuma Quốc gia bác bỏ ứng viên.
3. Đuma Quốc gia xem xét ứng viên Thủ tướng Chính phủ Liên bang Nga do Tổng thống Liên bang Nga đề nghị trong vòng một tuần kể từ khi đề nghị được trình.
4. Sau ba lần Đuma Quốc gia bác bỏ đề nghị của Tổng thống Liên bang Nga về ứng viên Thủ tướng Chính phủ Liên bang Nga, Tổng thống Liên bang Nga bổ nhiệm Thủ tướng Chính phủ Liên bang, giải tán Đuma Quốc gia và ấn định cuộc bầu cử mới.
Điều 112
1. Trong vòng một tuần sau khi được bổ nhiệm, Thủ tướng Chính phủ Liên bang Nga trình Tổng thống Liên bang Nga dự kiến cơ cấu các cơ quan quyền lực hành pháp cấp liên bang.
2. Thủ tướng Chính phủ Liên bang Nga trình Tổng thống Liên bang Nga dự kiến ứng viên các Phó Thủ tướng Chính phủ Liên bang Nga và các bộ trưởng liên bang.
Điều 113
Thủ tướng Chính phủ Liên bang Nga xác định phương hướng hoạt động và tổ chức công việc của Chính phủ Liên bang Nga theo Hiến pháp Liên bang Nga, các đạo luật liên bang, các sắc lệnh của Tổng thống Liên bang Nga.
Điều 114
1. Chính phủ Liên bang Nga có các thẩm quyền sau:
a) Dự toán và trình Đuma Quốc gia ngân sách liên bang và bảo đảm việc thi hành ngân sách; trình Đuma Quốc gia quyết toán về việc thực hiện ngân sách liên bang;
b) Đảm bảo chính sách tài chính, tín dụng, tiền tệ thống nhất ở Liên bang Nga;
c) Đảm bảo việc thi hành chính sách thống nhất ở Liên bang Nga trong lĩnh vực văn hoá, khoa học, giáo dục, y tế, bảo trợ xã hội, môi trường;
d) Thực hiện quản lý sở hữu liên bang;
e) Thực hiện các biện pháp đảm bảo quốc phòng, an ninh quốc gia, thực thi chính sách đối ngoại của Liên bang Nga;
f) Thực hiện các biện pháp đảm bảo tính pháp chế, quyền và tự do công dân, bảo vệ sở hữu và trật tự xã hội, đấu tranh chống tội phạm;
g) Thực hiện các quyền hạn khác do Hiến pháp Liên bang Nga, các đạo luật liên bang, các sắc lệnh của Tổng thống Liên bang Nga quy định.
2. Trình tự hoạt động của Chính phủ Liên bang Nga do đạo luật hiến pháp liên bang quy định.
Điều 115
1. Dựa trên Hiến pháp và để thực thi Hiến pháp, các đạo luật liên bang, các sắc lệnh của Tổng thống Liên bang Nga, Chính phủ Liên bang Nga ban hành nghị quyết và chỉ thị và bảo đảm thực thi các văn bản của mình.
2. Nghị quyết và chỉ thị của Chính phủ Liên bang Nga có hiệu lực bắt buộc thi hành ở Liên bang Nga.
3. Trong trường hợp trái với Hiến pháp Liên bang Nga, các đạo luật liên bang, các sắc lệnh của Tổng thống Liên bang Nga, Nghị quyết và chỉ thị của Chính phủ Liên bang Nga có thể bị Tổng thống Liên bang Nga bãi bỏ.
Điều 116
Chính phủ Liên bang Nga từ nhiệm trước Tổng thống mới bầu của Liên bang Nga.
Điều 117
1. Chính phủ Liên bang Nga có thể tự từ chức, và có thể được Tổng thống Liên bang Nga chấp nhận hoặc bác bỏ.
2. Tổng thống Liên bang Nga có thể quyết định về việc cách chức Chính phủ Liên bang Nga.
3. Đuma Quốc gia có thể bỏ phiếu bất tín nhiệm Chính phủ Liên bang Nga. Nghị quyết về bất tín nhiệm Chính phủ Liên bang Nga được thông qua bởi đa số trên tổng số đại biểu Đuma Quốc gia. Sau khi Đuma bỏ phiếu bất tín nhiệm, Tổng thống Liên bang Nga có thể tuyên bố cách chức Chính phủ Liên bang Nga, hoặc có thể không đồng ý với quyết định của Đuma Quốc gia. Trong trường hợp Đuma Quốc gia trong vòng ba tháng tiếp tục bỏ phiếu bất tín nhiệm Chính phủ, Tổng thống Liên bang Nga hoặc tuyên bố cách chức Chính phủ Liên bang, hoặc giải tán Đuma Quốc gia.
4. Thủ tướng Chính phủ Liên bang Nga có thể tự đặt vấn đề tín nhiệm Chính phủ tại Đuma Quốc gia. Nếu Đuma Quốc gia bỏ phiếu không tín nhiệm, Tổng thống Liên bang Nga trong vòng bảy ngày quyết định về việc cách chức Chính phủ Liên bang Nga hoặc giải tán Đuma Quốc gia và ấn định cuộc bầu cử mới.
5. Trong trường hợp từ nhiệm hoặc từ chức, Chính phủ Liên bang Nga tiếp tục hoạt động theo phân công của Tổng thống Nga cho đến khi Chính phủ mới được thành lập.
CHƯƠNG VII
QUYỀN LỰC TƯ PHÁP
Điều 118
1. Hoạt động xét xử chỉ được thực hiện bởi toà án.
2. Quyền lực tư pháp được thực hiện thông qua tố tụng hiến pháp, dân sự, hành chính và hình sự.
3. Hệ thống toà án của Liên bang Nga được quy định trong Hiến pháp Liên bang Nga và đạo luật hiến pháp liên bang. Không cho phép thành lập tòa án đặc biệt.
Điều 119
Thẩm phán là công dân Liên bang Nga đủ 25 tuổi trở lên, có bằng đại học luật, làm việc theo chuyên môn luật ít nhất năm năm. Đạo luật liên bang có thể quy định những yêu cầu khác đối với thẩm phán Liên bang Nga.
Điều 120
1. Thẩm phán độc lập và chỉ tuân theo Hiến pháp và pháp luật liên bang.
2. Trong khi xét xử, nếu phát hiện thấy hành vi của cơ quan nhà nước hoặc cơ quan khác trái với pháp luật thì thẩm phán quyết định theo pháp luật.
Điều 121
1. Thẩm phán không thể bị bãi miễn.
2. Quyền hạn của thẩm phán chỉ có thể bị chấm dứt hoặc đình chỉ theo trình tự và điều kiện do đạo luật liên bang quy định.
Điều 122
1. Thẩm phán hưởng đặc quyền bất khả xâm phạm.
2. Thẩm phán không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, trừ trình tự do đạo luật liên bang quy định.
Điều 123
1. Việc xét xử tại tất cả các toà diễn ra công khai. Phiên toà xử kín chỉ được phép trong những trường hợp đã được quy định trong đạo luật liên bang.
2. Không cho phép việc xét xử vắng mặt các vụ án hình sự, trừ những trường hợp đã được quy định trong đạo luật liên bang.
3. Hoạt động xét xử diễn ra trên cơ sở tranh tụng và bình đẳng giữa các bên.
4. Trong những trường hợp do đạo luật liên bang quy định, hoạt động xét xử được tiến hành với sự tham gia của bồi thẩm đoàn.
Điều 124
Nguồn tài chính cung cấp cho toà án chỉ được lấy từ ngân sách liên bang và phải đảm bảo khả năng thực thi xét xử một cách đầy đủ, độc lập theo quy định của đạo luật liên bang.
Điều 125
1. Toà án Hiến pháp Liên bang Nga có 19 thẩm phán.
2. Toà án Hiến pháp Liên bang Nga phán xét về sự phù hợp với Hiến pháp Liên bang Nga của các văn bản sau theo đề nghị của Tổng thống Liên bang Nga, Hội đồng Liên bang, Đuma Quốc gia, một phần năm tổng số thành viên của Hội đồng Liên bang, một phần năm tổng số đại biểu Đuma Quốc gia, Chính phủ Liên bang Nga, Toà án Tối cao Liên bang Nga, Toà án Trọng tài Tối cao Liên bang Nga, các cơ quan lập pháp và hành pháp của các chủ thể Liên bang Nga:
a) Các đạo luật liên bang, các văn bản quy phạm của Tổng thống Liên bang Nga, Hội đồng Liên bang, Đuma Quốc gia, Chính phủ Liên bang Nga;
b) Hiến pháp các nước cộng hoà, hiến chương, các đạo luật và các văn bản quy phạm khác của các chủ thể Liên bang Nga quy định về các vấn đề thuộc thẩm quyền của các cơ quan quyền lực nhà nước Liên bang Nga và thuộc thẩm quyền chung giữa các cơ quan quyền lực nhà nước Liên bang Nga với các cơ quan quyền lực nhà nước của các chủ thể Liên bang Nga;
c) Thoả thuận giữa các cơ quan quyền lực nhà nước Liên bang Nga với các cơ quan quyền lực nhà nước của các chủ thể Liên bang Nga, thoả thuận giữa các cơ quan quyền lực nhà nước của các chủ thể Liên bang Nga;
d) Các điều ước quốc tế chưa có hiệu lực của Liên bang Nga.
3. Toà án Hiến pháp Liên bang Nga giải quyết tranh chấp thẩm quyền giữa:
a) Các cơ quan quyền lực nhà nước cấp liên bang với nhau;
b) Giữa các cơ quan quyền lực nhà nước Liên bang Nga với các cơ quan quyền lực nhà nước của các chủ thể Liên bang Nga;
c) Giữa các cơ quan nhà nước cao nhất của các chủ thể Liên bang Nga.
4. Theo đơn khiếu kiện về việc xâm phạm các quyền và tự do hiến định của công dân, theo đề nghị của các toà án, Toà án Hiến pháp Liên bang Nga kiểm tra tính hợp hiến của đạo luật đã được áp dụng hoặc phải được áp dụng trong một vụ việc cụ thể theo trình tự do đạo luật liên bang quy định.
5. Theo đề nghị của Tổng thống Liên bang Nga, Hội đồng Liên bang, Đuma Quốc gia, Chính phủ Liên bang Nga, các cơ quan lập pháp của các chủ thể Liên bang Nga, Toà án Hiến pháp Liên bang Nga giải thích Hiến pháp Liên bang Nga.
6. Các văn bản hoặc các điều khoản của chúng nếu bị coi là vi hiến sẽ không có hiệu lực; các điều ước quốc tế của Liên bang Nga nếu trái với Hiến pháp Liên bang Nga sẽ không có hiệu lực và không được áp dụng.
7. Theo đề nghị của Hội đồng Liên bang, Toà án Hiến pháp Liên bang Nga kết luận về việc tuân thủ quy trình trong khi buộc tội Tổng thống Liên bang Nga phản bội Tổ quốc hoặc phạm trọng tội khác.
Điều 126
Toà án Tối cao Liên bang Nga là cơ quan xét xử cao nhất các vụ việc dân sự, hình sự, hành chính và những vụ việc khác thuộc thẩm quyền của các toà án thẩm quyền chung; thực hiện giám sát hoạt động của các toà đó thông qua các hình thức tố tụng đã được quy định trong đạo luật liên bang và giải thích các vấn đề thực tiễn xét xử.
Điều 127
Toà án Trọng tài Tối cao Liên bang Nga là cơ quan xét xử cao nhất các vụ tranh chấp kinh tế và những vụ việc khác thuộc thẩm quyền của các toà trọng tài; thực hiện giám sát hoạt động của các toà đó thông qua các hình thức tố tụng đã được quy định trong đạo luật liên bang và giải thích các vấn đề thực tiễn xét xử.
Điều 128
1. Thẩm phán Toà án Hiến pháp Liên bang Nga, Toà án Tối cao Liên bang Nga, Toà án Trọng tài Tối cao Liên bang Nga do Hội đồng Liên bang bổ nhiệm theo đề nghị của Tổng thống Liên bang Nga.
2. Thẩm phán các toà án liên bang khác do Tổng thống Liên bang Nga bổ nhiệm theo trình tự do đạo luật liên bang quy định.
3. Thẩm quyền, trình tự thành lập và hoạt động của Toà án Hiến pháp Liên bang Nga, Toà án Tối cao Liên bang Nga, Toà án Trọng tài Tối cao Liên bang Nga và các toà án cấp liên bang khác do đạo luật hiến pháp liên bang quy định.
Điều 129
1. Viện kiểm sát Liên bang Nga là một hệ thống tập trung thống nhất với sự phục tùng của kiểm sát viên cấp dưới đối với kiểm sát viên cấp trên và Viện trưởng Viện kiểm sát Liên bang Nga.
2. Viện trưởng Viện kiểm sát Liên bang Nga do Hội đồng Liên bang bổ nhiệm và cho thôi giữ chức vụ theo đề nghị của Tổng thống Liên bang Nga.
3. Kiểm sát viên của các chủ thể Liên bang Nga do Viện trưởng Viện kiểm sát Liên bang Nga bổ nhiệm có sự thoả thuận với các chủ thể Liên bang Nga.
4. Các kiểm sát viên khác do Viện trưởng Viện kiểm sát Liên bang Nga bổ nhiệm.
5. Thẩm quyền, tổ chức, hoạt động của các Viện kiểm sát Liên bang Nga do đạo luật liên bang quy định.
CHƯƠNG VIII
TỰ QUẢN ĐỊA PHƯƠNG
Điều 130
1. Tự quản địa phương ở Liên bang Nga bảo đảm quyền tự quyết của cư dân đối với các vấn đề tầm địa phương, nắm giữ, sử dụng và định đoạt sở hữu của địa phương.
2. Tự quản địa phương do công dân thực hiện bằng cách trưng cầu ý dân, bầu cử, các hình thức trực tiếp thể hiện ý chí khác, thông qua các cơ quan dân cử và các cơ quan tự quản địa phương khác.
Điều 131
1. Tự quản địa phương được thực hiện tại các điểm dân cư thị thành và nông thôn và các điểm khác có tính đến các truyền thống lịch sử và những truyền thống khác của địa phương. Cơ cấu của các cơ quan tự quản địa phương do dân cư địa phương tự xác định.
2. Việc thay đổi biên giới các lãnh thổ mà ở đó có tự quản địa phương chỉ được tiến hành khi có sự góp ý của dân cư vùng lãnh thổ đó.
Điều 132
1. Các cơ quan tự quản địa phương được độc lập quản lý tài sản địa phương, dự toán, phê chuẩn và thực thi ngân sách địa phương, thiết lập các loại thuế và phí địa phương, bảo vệ trật tự xã hội, cũng như giải quyết các vấn đề khác ở tầm địa phương.
2. Các cơ quan tự quản địa phương có thể được pháp luật chuyển giao một số thẩm quyền nhất định của nhà nước cùng với những điều kiện vật chất và tài chính cần thiết để thực hiện các thẩm quyền đó. Việc thực hiện các thẩm quyền được chuyển giao chịu sự giám sát của nhà nước.
3. Tự quản địa phương được đảm bảo bởi quyền được toà án bảo vệ, quyền được bồi thường các chi phí phát sinh từ các quyết định của các cơ quan quyền lực nhà nước, bởi việc cấm hạn chế các quyền của tự quản địa phương đã được Hiến pháp Liên bang Nga và các đạo luật liên bang quy định.
CHƯƠNG IX
CÁC TU CHÍNH ÁN VÀ VIỆC SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP
Điều 134
Quyền kiến nghị bổ sung, sửa đổi Hiến pháp Liên bang Nga thuộc về Tổng thống Liên bang Nga, Hội đồng Liên bang, Đuma Quốc gia, Chính phủ Liên bang Nga, các cơ quan lập pháp (đại diện) của các chủ thể Liên bang Nga, cũng như ít nhất một phần năm tổng số thành viên Hội đồng Liên bang hoặc một phần năm tổng số đại biểu Đuma Quốc gia.
Điều 135
1. Các quy định tại các Chương 1, 2, 9 của Hiến pháp Liên bang Nga không thể sửa đổi bởi Quốc hội Liên bang.
2. Nếu kiến nghị về việc sửa đổi các quy định tại các Chương 1, 2, 9 của Hiến pháp Liên bang Nga được ba phần năm tổng số thành viên Hội đồng Liên bang và tổng số đại biểu Đu ma quốc gia ủng hộ, Hội nghị Lập hiến được triệu tập theo quy định của đạo luật hiến pháp liên bang.
3. Hội nghị Lập hiến hoặc quyết định không sửa đổi Hiến pháp Liên bang Nga, hoặc soạn thảo bản Hiến pháp mới của Liên bang Nga. Hội nghị Lập hiến thông qua dự thảo bởi hai phần ba tổng số phiếu hoặc quyết định trưng cầu phúc quyết toàn dân. Trong trường hợp phúc quyết toàn dân, Hiến pháp Liên bang Nga được thông qua khi có hơn một nửa tổng số cử tri tham gia bỏ phiếu tán thành, với điều kiện phải có hơn một nửa tổng số cử tri tham gia phúc quyết.
Điều 136
Các tu chính án đối với các chương từ 3-8 của Hiến pháp Liên bang Nga được thông qua theo trình tự thông qua một đạo luật hiến pháp liên bang, và có hiệu lực sau khi nhận được sự tán thành của các cơ quan lập pháp của ít nhất hai phần ba tổng số các chủ thể Liên bang Nga.
Điều 137
1. Những sửa đổi của Điều 65 Hiến pháp Liên bang Nga quy định thành phần của Liên bang Nga được tiến hành theo trên cơ sở đạo luật hiến pháp liên bang về việc tiếp nhận, thành lập chủ thể mới của Liên bang Nga, về việc thay đổi địa vị pháp lý – hiến pháp của chủ thể Liên bang Nga.
2. Trong trường hợp thay đổi tên gọi của các chủ thể Liên bang Nga, tên gọi mới phải được đưa vào Điều 65 Hiến pháp Liên bang Nga.
PHẦN HAI
CÁC ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH VÀ CHUYỂN ĐỔI
1. Hiến pháp Liên bang Nga có hiệu lực từ ngày đăng tải chính thức sau khi có kết quả phúc quyết toàn dân.
Ngày phúc quyết toàn dân 12/12/1993 là ngày thông qua Hiến pháp Liên bang Nga.
Đồng thời Hiến pháp (Đạo luật cơ bản) của Liên bang Nga – Nước Nga được thông qua ngày 12/4/1978 chấm dứt hiệu lực kéo theo những thay đổi và bổ sung tương ứng.
Trong trường hợp mâu thuẫn giữa các quy định của Hiến pháp Liên bang Nga và Thoả ước Liên bang, các quy định của Hiến pháp Liên bang Nga có hiệu lực. Thoả ước Liên bang bao gồm: Thoả ước về phân định thẩm quyền giữa các cơ quan quyền lực nhà nước của Liên bang Nga và các cơ quan quyền lực nhà nước của các nước cộng hoà tự chủ thuộc thành phần Liên bang Nga; Thoả ước về phân định thẩm quyền giữa các cơ quan quyền lực nhà nước của Liên bang Nga và các cơ quan quyền lực nhà nước của các khu, tỉnh, thành phố Moskva và Saint-Peterbourg thuộc Liên bang Nga; Thoả ước về phân định thẩm quyền giữa các cơ quan quyền lực nhà nước của Liên bang Nga và các cơ quan quyền lực nhà nước của tỉnh tự trị, các vùng tự trị thuộc thành phần Liên bang Nga; cũng như các Thoả ước khác giữa các cơ quan quyền lực nhà nước của Liên bang Nga và các cơ quan quyền lực nhà nước của các chủ thể Liên bang Nga, giữa các cơ quan quyền lực nhà nước của các chủ thể Liên bang Nga.
2. Các đạo luật và các văn bản quy phạm pháp luật khác mà có hiệu lực trước khi Hiến pháp này có hiệu lực sẽ được áp dụng ở phần nào không trái với Hiến pháp Liên bang Nga.
3. Kể từ thời điểm Hiến pháp này có hiệu lực, Tổng thống Liên bang Nga đã được bầu theo Hiến pháp (Đạo luật cơ bản) của Liên bang Nga – Nước Nga thực thi thẩm quyền của mình do Hiến pháp này quy định cho đến khi kết thúc nhiệm kỳ được bầu.
4. Hội đồng Bộ trưởng – Chính phủ Liên bang Nga kể từ ngày Hiến pháp này có hiệu lực có các quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của Chính phủ Liên bang Nga do Hiến pháp Liên bang Nga quy định, và từ đây được gọi là Chính phủ Liên bang Nga.
5. Các toà án ở Liên bang Nga thực thi các thẩm quyền của mình do Hiến pháp này quy định.
Sau khi Hiến pháp có hiệu lực, thẩm phán của tất cả các toà của Liên bang Nga vẫn giữ nguyên thẩm quyền của mình cho đến khi kết thúc nhiệm kỳ được bầu. Các vị trí còn trống sẽ được thay thế theo trình tự do Hiến pháp này quy định.
6. Trước thời điểm có hiệu lực của đạo luật liên bang quy định về trình tự xét xử các vụ án có sự tham gia của bồi thẩm đoàn, trình tự trước đây về việc xét xử các vụ án đó vẫn được áp dụng.
Trước khi có luật tố tụng hình sự mới được ban hành theo các quy định của Hiến pháp này, vẫn giữ nguyên thủ tục trước đây về bắt giữ, bắt giam, giam giữ nghi can phạm tội.
7. Hội đồng Liên bang khoá đầu tiên và Đuma Quốc gia khoá đầu tiên có nhiệm kỳ hai năm.
8. Phiên họp đầu tiên của Hội đồng Liên bang được tiến hành sau khi bầu xong 30 ngày. Tổng thống Liên bang Nga khai mạc phiên họp đầu tiên của Hội đồng Liên bang.
9. Đại biểu Đuma Quốc gia khoá đầu tiên có thể đồng thời là thành viên Chính phủ Liên bang Nga. Các đại biểu Đuma Quốc gia đồng thời là thành viên Chính phủ Liên bang Nga không được hưởng quyền bất khả xâm phạm do Hiến pháp này quy định đối với trách nhiệm về những hành động (không hành động) liên quan đến thực thi công vụ.
Đại biểu Đuma Quốc gia khoá đầu tiên thực hiện chức trách của mình theo chế độ không thường xuyên.
Xem thêm:
Post a Comment