Hiến Pháp Vương Quốc Tây Ban Nha 1978

HIẾN PHÁP

VƯƠNG QUỐC TÂY BAN NHA




LỜI MỞ ĐẦU
Với mong muốn thiết lập công lý, tự do, và an ninh, và phấn đấu vì sự thịnh vượng của tất cả các thành viên, Dân tộc Tây Ban Nha, trong việc thực hiện chủ quyền của mình, tuyên bố ý nguyện:
- Đảm bảo cùng chung sống một cách dân chủ trong khuôn khổ Hiến pháp và các đạo luật, phù hợp với một nền kinh tế công bằng và trật tự xã hội.
- Thiết lập vững chắc một nhà nước pháp quyền đảm bảo các nguyên tắc thượng tôn của luật pháp theo nguyện chung của nhân dân.
- Bảo vệ tất cả công dân Tây Ban Nha và mọi người dân trên đất nước Tây Ban Nha trong việc thực thi các quyền con người, theo văn hóa và truyền thống, ngôn ngữ và thể chế của mình.
- Thúc đẩy sự tiến bộ của văn hóa và kinh tế để đảm bảo một cuộc sống có giá trị xứng đáng cho tất cả mọi người.
- Thiết lập một xã hội dân chủ tiên tiến, và
- Chung sức trong việc tăng cường mối quan hệ hòa bình và sự hợp tác hiệu quả giữa mọi dân tộc trên thế giới.
Bởi vậy, Nghị viện đã thông qua và nhân dân Tây Ban Nha đã đồng thuận như sau:

CÁC ĐIỀU KHOẢN CƠ BẢN
Điều 1
(1) Thành lập Vương quốc Tây Ban Nha là một quốc gia xã hội dân chủ, tôn trọng pháp quyền, và xem tự do, công lý, công bằng và đa nguyên chính trị chính là giá trị cao nhất của hệ thống pháp luật của mình.
(2) Chủ quyền quốc gia thuộc về nhân dân Tây Ban Nha, mọi quyền lực nhà nước bắt nguồn từ nhân dân.
(3) Thể chế chính trị của Nhà nước Tây Ban Nha là Quân chủ Lập hiến.
Điều 2
Hiến pháp này dựa trên sự thống nhất bền vững của Vương quốc Tây Ban Nha, quê hương chung và không thể chia cắt của nhân dân Tây Ban Nha; Hiến pháp ghi nhận và bảo đảm quyền tự trị và sự thống nhất của các dân tộc và các vùng lãnh thổ hợp thành.
Điều 3
(1) Tiếng Catalan là ngôn ngữ Tây Ban Nha chính thức của Nhà nước. Mọi công dân có nghĩa vụ học và có quyền sử dụng nó.
(2) Các ngôn ngữ Tây Ban Nha khác cũng được coi là ngôn ngữ chính thức trong một vùng tự trị theo quy định trong luật của vùng đó.
(3) Sự phong phú của các ngôn ngữ khác nhau của Tây Ban Nha là một di sản văn hóa cần được đặc biệt coi trọng và bảo vệ.
Điều 4
(1) Quốc kì Tây Ban Nha bao gồm ba sọc ngang màu: đỏ, vàng, và đỏ, sọc vàng rộng gấp hai lần mỗi sọc màu đỏ.
(2) Luật pháp ghi nhận các loại cờ và cờ hiệu của các cộng đồng tự trị. Chúng phải đựợc sử dụng cùng với quốc kì Tây Ban Nha tại các tòa nhà công cộng và tại các buổi lễ chính thức của các cộng đồng đó.
Điều 5
Thủ đô của Nhà nước Tây Ban Nha là Madrid.
Điều 6
Các đảng phái chính trị là sự biểu hiện của đa nguyên chính trị, đóng góp cho việc hình thành và thể hiện ý chí của nhân dân và là công cụ cần thiết cho sự tham gia chính trị. Sự hình thành và quá trình hoạt động của các đảng là tự do với điều kiện tôn trọng Hiến pháp và pháp luật. Cơ cấu tổ chức nội bộ và hoạt động của các đảng phải đảm bảo dân chủ.
Điều 7
Các công đoàn và hiệp hội giới chủ đóng góp cho công cuộc bảo vệ và thúc đẩy nền kinh tế và các lợi ích xã hội mà họ đại diện. Sự hình hành và quá trình hoạt động của các tổ chức này là tự do với điều kiện tôn trọng Hiến pháp và pháp luật. Cơ cấu tổ chức nội bộ và hoạt động của công đoàn và hiệp hội giới chủ phải đảm bảo dân chủ.
Điều 8
(1) Nhiệm vụ của các lực lượng vũ trang, bao gồm Lục quân, Hải quân và Không quân, là bảo vệ chủ quyền và độc lập của đất nước Tây Ban Nha và bảo vệ sự thống nhất lãnh thổ và trật tự hiến pháp.
(2) Một đạo luật cơ bản sẽ quy định về cơ cấu tổ chức cơ bản của quân đội phù hợp với các nguyên tắc của Hiến pháp hiện hành.
Điều 9
(1) Công dân và các cơ quan nhà nước chịu sự ràng buộc của Hiến pháp và các quy định pháp luật khác.
(2) Các cơ quan nhà nước có nghĩa vụ thúc đẩy các điều kiện bảo đảm tự do và công bằng của mỗi cá nhân và mỗi tổ chức mà họ là thành viên một cách thực tế và hiệu quả, có nghĩa vụ loại bỏ các trở ngại ngăn cản hoặc cản trở các quyền mà họ được hưởng, và tạo điều kiện thuận lợi cho mọi công dân tham gia và đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội.
(3) Hiến pháp bảo đảm các nguyên tắc pháp lý, tính thứ bậc của các quy định pháp luật, sự công khai của các đạo luật, hiệu lực không hồi tố của các điều khoản chế tài mà không có lợi hoặc hạn chế các quyền cá nhân, đảm bảo nguyên tắc thượng tôn pháp luật được phổ biến, trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước, sự ngăn cấm các hoạt động chuyên quyền của các cơ quan nhà nước.
PHẦN I:
CÁC QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CƠ BẢN
Điều 10
(1) Phẩm giá của mỗi người, các quyền cố hữu không thể xâm phạm, quyền tự do phát triển cá nhân, sự tôn trọng pháp luật và tôn trọng các quyền của người khác là nền tảng của trật tự chính trị và ổn định xã hội.
(2) Các điều khoản liên quan đến các quyền và tự do cơ bản được ghi nhận bởi Hiến pháp phải được hiểu một cách thống nhất với Tuyên bố chung về nhân quyền và các hiệp ước và thỏa ước quốc tế được Vương quốc Tây Ban Nha phê chuẩn.
CHƯƠNG 1:
CÔNG DÂN TÂY BAN NHA VÀ NGƯỜI NƯỚC NGOÀI
Điều 11
(1) Việc có, giữ, hay mất quốc tịch Tây Ban Nha được thực hiện theo quy định của luật.
(2) Không một ai sinh ra tại Tây Ban Nha có thể bị tước quốc tịch của mình.
(3) Nhà nước có thể đàm phán các hiệp ước về hai quốc tịch với các quốc gia Mỹ-Latinh hoặc với những nước đã có hoặc đang có mối quan hệ đặc biệt với Vương quốc Tây Ban Nha. Ở những nước này, công dân Tây Ban Nha có thể được nhập quốc tịch mà không bị tước quốc tịch gốc, kể cả khi những nước đó không cho phép công dân của nước mình có quyền tương tự ngược lại.
Điều 12
Công dân Tây Ban Nha có đầy đủ năng lực pháp lý khi đủ 18 tuổi.
Điều 13
(1) Người nước ngoài ở Tây Ban Nha được hưởng các quyền tự do công cộng được đảm bảo bằng các quy định của Phần này của Hiến pháp, theo các điều khoản đặt ra bởi các điều ước quốc tế và các đạo luật.
(2) Chỉ công dân Tây Ban Nha được hưởng các quyền được ghi nhận tại Điều 23, ngoại trừ các trường hợp có các quy định khác trong các hiệp ước hoặc luật liên quan tới quyền bầu cử và ứng cử ở các cuộc bầu cử địa phương, và điều này phải tuân theo nguyên tắc có đi có lại(2).
(3) Việc dẫn độ chỉ được phép khi tuân theo một hiệp ước hoặc theo luật, trên cơ sở có đi có lại. Việc dẫn độ sẽ không được áp dụng đối với các tội phạm chính trị; các hoạt động khủng bố không được xem là tội phạm chính trị.
Luật sẽ quy định việc có thể cho phép công dân từ các nước khác hoặc người không quốc tịch có quyền tị nạn ở Tây Ban Nha.
Chương 2:
CÁC QUYỀN VÀ TỰ DO
Điều 14
Công dân Tây Ban Nha bình đẳng trước pháp luật và không bị phân biệt đối xử dưới bất cứ hình thức nào về nguồn gốc ra đời, chủng tộc, giới tính, tôn giáo, chính kiến hoặc bất cứ điều kiện hay hoàn cảnh cá nhân cũng như xã hội nào khác.
Mục 1:
Các quyền cơ bản và các quyền tự do công cộng
Điều 15
Mọi người đều có quyền sống và quyền được bảo vệ toàn vẹn về thể chất và tinh thần, và trong bất cứ trường hợp nào cũng không phải chịu sự tra tấn, các hình phạt hay các hình thức đối xử vô nhân đạo hoặc hạ cấp. Hình phạt tử hình bị bãi bỏ theo Hiến pháp này, ngoại trừ trường hợp áp dụng bởi luật về các tội phạm quân sự trong chiến tranh.
Điều l6
(1) Quyền tự do tư tưởng, tôn giáo và thờ cúng của các cá nhân và các cộng đồng được bảo đảm mà không bị một hạn chế nào khác về hình thức thể hiện trừ khi cần thiết phải duy trì trật tự công cộng theo quy định của luật.
(2) Không người nào bị bắt buộc phải bày tỏ tư tưởng, tôn giáo hoặc đức tin của mình.
(3) Không tôn giáo nào có tính chất quốc gia. Các cơ quan nhà nước xem xét các đức tin tôn giáo của xã hội Tây Ban Nha và sau đó duy trì mối quan hệ hợp tác phù hợp với nhà thờ Thiên chúa giáo và các tổ chức tôn giáo khác.
Điều 17
(1) Mỗi người đều có quyền tự do và quyền được đảm bảo an ninh. Không ai có thể bị tước quyền tự do của mình ngoại trừ các trường hợp theo quy định tại điều này và trong các trường hợp và trong các cách thức luật định.
(2) Biện pháp bắt giữ phòng ngừa không được kéo dài hơn thời gian cần thiết để tiến hành các cuộc điều tra nhằm mục đích xác định các chứng cứ; trong bất cứ trường hợp nào người bị bắt cũng phải được thả tự do hoặc được giao cho các cơ quan tư pháp trong vòng tối đa là 72 giờ.
(3) Người bị bắt phải được thông báo ngay lập tức theo cách thức dễ hiểu đối với họ về quyền của mình và về lí do bắt giữ, và không bị ép buộc phải lên tiếng. Người bị bắt giữ được bảo đảm có sự hỗ trợ của luật sư trong suốt quy trình tiến hành thủ tục điều tra và tư pháp theo các điều kiện do luật định.
(4) Thủ tục đình quyền giam giữ phải tuân theo quy định của pháp luật nhằm bảo đảm việc chuyển giao ngay lập tức theo thẩm quyền tư pháp người bị giam giữ bất hợp pháp. Đồng thời, thời gian tối đa của hình phạt tù tạm thời sẽ do luật định.
Điều 18
(1) Quyền danh dự, quyền riêng tư cá nhân và gia đình và quyền đối với hình ảnh bản thân được bảo đảm.
(2) Nhà ở là bất khả xâm phạm. Việc xâm nhập hay lục soát không được phép tiến hành mà không có sự đồng ý của chủ nhà hoặc một lệnh khám xét hợp pháp, trừ trường hợp bắt quả tang.
(3) Quyền bí mật thông tin được đảm bảo, cụ thể là đối với thư báo, liên lạc điện tín và điện thoại, trừ trường hợp có lệnh của tòa án.
(4) Luật pháp hạn chế việc tiếp cận dữ liệu để đảm bảo danh dự và bảo mật cá nhân và gia đình của công dân và việc thực thi đầy đủ quyền của họ.
Điều 19
Công dân Tây Ban Nha có quyền tự do lựa chọn nơi cư trú, và tự do đi lại trong phạm vi lãnh thổ quốc gia.
Công dân có quyền tự do nhập hoặc xuất cảnh Tây Ban Nha tuân theo những điều kiện luật định. Quyền này không bị hạn chế bởi các lý do chính trị hoặc tư tưởng.
Điều 20
(1) Những quyền sau đây được ghi nhận và bảo vệ:
a) Quyền tự do bày tỏ và phổ biến các suy nghĩ, tư tưởng và y kiến qua ngôn từ, theo dạng viết hoặc theo bất kì phương pháp mô phỏng nào khác.
b) Quyền sáng tạo văn học, nghệ thuật và khoa học và kỹ thuật.
c) Quyền được tự do học thuật;
d) Quyền được tự do thông tin hoặc nhận thông tin trung thực bằng bất cứ phương tiện tuyên truyền nào. Luật sẽ quy định về việc tuân theo các điều khoản tôn trọng lương tâm và bảo đảm bí mật nghề nghiệp khi thực hiện các quyền tự do này.
(2) Việc thực hiện các quyền này không bị hạn chế bởi bất cứ hình thức kiểm duyệt trước nào.
(3) Luật sẽ quy định việc tổ chức và kiểm soát của nghị viện đối với các phương tiện truyền thông đại chúng thuộc sự quản lý của Nhà nước hoặc của bất kỳ cơ quan nhà nước nào và đảm bảo quyền tiếp cận các phương tiện đó của các tổ chức chính trị và xã hội quan trọng trên cơ sở tôn trọng sự đa dạng xã hội và đa dạng ngôn ngữ của Vương quốc Tây Ban Nha.
(4) Các quyền tự do này bị giới hạn bởi các quyền được ghi nhận ở Chương này cùng các điều khoản luật hướng dẫn thi hành, và nhất là các quyền bảo toàn danh dự, quyền riêng tư, quyền đối với hình ảnh cá nhân và việc bảo vệ thanh thiếu niên và trẻ nhỏ.
(5) Việc tịch biên các ấn phẩm, các bản ghi âm và các hình thức thông tin khác chỉ được thực hiện theo lệnh của tòa án.
Điều 21
(1) Công dân được trao quyền hội họp hòa bình không vũ trang. Việc thực hiện quyền này không đòi hỏi phải có sự cho phép trước.
(2) Trong trường hợp hội họp tại các địa điểm công cộng hoặc tiến hành biểu tình, cần phải thông báo trước cho các cơ quan có thẩm quyền. Các cơ quan này chỉ được phép cấm hội họp hoặc biểu tình khi có bằng chứng vững chắc về việc sẽ diễn ra việc vi phạm trật tự xã hội, gây nguy hiểm cho người hoặc tài sản.
Điều 22
(1) Quyền lập hội được công nhận.
(2) Những hiệp hội theo đuổi các mục đích hoặc sử dụng các phương tiện được luật quy định là phạm pháp thì bị coi là bất hợp pháp.
(3) Các hiệp hội được thành lập theo quy định tại điều này phải được đăng ký nhằm mục đích duy nhất là để công chúng được biết.
(4) Các hiệp hội chỉ có thể bị giải thể hoặc bị ngừng hoạt động theo lệnh của tòa án trong đó có nói rõ lí do.
(5) Các hội kín và bán quân sự bị nghiêm cấm.
Điều 23
(1) Công dân có quyền tham gia vào quá trình quyết định các vấn đề chung một cách trực tiếp hoặc thông qua các đại biểu được bầu cử tự do trong các cuộc bầu cử theo nhiệm kì được thực hiện bởi phương pháp phổ thông đầu phiếu.
(2) Công dân có quyền nắm giữ các vị trí hoặc các chức vụ công một cách bình đẳng theo các yêu cầu do luật định.
Điều 24
(1) Mọi người có quyền nhận được sự bảo vệ hữu hiệu từ các thẩm phán và các tòa án trong việc thực thi các quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Việc bào chữa là không thể thiếu trong mọi trường hợp.
(2) Tất cả mọi người đều có quyền được xét xử thông thường theo các quy định do luật định trước; được quyền bào chữa và có sự hỗ trợ của luật sư; quyền được thông báo về những cáo buộc đối với mình; quyền được xét xử công khai, không chậm trễ với mọi sự bảo đảm; được quyền sử dụng chứng cứ phù hợp để bào chữa; quyền không phải nói ra những tuyên bố tự buộc tội; quyền không phải tự nhận mình có tội; và có quyền được xem là vô tội.
Luật quy định cụ thể các trường hợp, vì lý do mối quan hệ gia đình hoặc bí mật nghề nghiệp, không bắt buộc phải khai báo về các hành vi vi phạm pháp luật hình sự.
Điều 25
(1) Không ai có thể bị kết án hoặc xử phạt khi những hành vi hoặc sai sót của mình không cấu thành tội phạm hình sự, các tội nhẹ hoặc vi phạm hành chính theo các quy định pháp luật có hiệu lực vào thời điểm đó.
(2) Hình phạt tù và các biện pháp an ninh được áp dụng nhằm mục đích cải tạo và phục hồi nhân phẩm nhưng không được bao hàm việc lao động cưỡng bức. Trong thời gian chấp hành hình phạt, người bị kết án tù được hưởng các quyền cơ bản có trong Chương này ngoại trừ những người bị hạn chế rõ ràng bởi nội dung của bản án hoặc theo mục đích của hình phạt và luật cải tạo. Trong bất kỳ trường hợp nào, họ có quyền được trả lương và được quyền hưởng những lợi ích an sinh xã hội thích hợp, cũng như được quyền tiếp cận với cơ hội văn hóa và phát triển tổng thể của cá nhân mình.
(3) Các cơ quan hành chính dân sự không được áp đặt các hình phạt có hàm chứa sự ngăn cản tự do một cách trực tiếp hoặc gián tiếp.
Điều 26
Hình thức toà án danh dự bị nghiêm cấm trong khuôn khổ của cơ quan hành chính dân sự và các tổ chức nghề nghiệp.
Điều 27
(1) Mọi người đều có quyền được giáo dục. Tự do giảng dạy được công nhận.
(2) Giáo dục phải nhằm phát triển đầy đủ nhân cách con người với sự tôn trọng đúng mực các nguyên tắc cùng chung sống dân chủ và vì các quyền và tự do cơ bản .
(3) Cơ quan nhà nước bảo vệ quyền của cha mẹ để đảm bảo rằng con cái của họ được định hướng tôn giáo và đạo đức phù hợp với niềm tin của họ.
(4) Giáo dục tiểu học là bắt buộc và miễn phí.
(5) Cơ quan nhà nước đảm bảo quyền được giáo dục của tất cả mọi người thông qua các chương trình giáo dục phổ thông với sự tham gia hiệu quả của tất cả các thành phần xã hội có liên quan và thông qua việc thành lập các trung tâm giáo dục.
(6) Quyền của cá nhân và các pháp nhân trong việc thành lập các trung tâm giáo dục được công nhận với điều kiện phải tôn trọng các nguyên tắc hiến định.
(7) Các giáo viên, phụ huynh và các học sinh trong những trường hợp thích hợp, được tham gia vào việc kiểm soát và quản lý tất cả các trung tâm được cơ quan hành chính nhà nước hỗ trợ bằng công quỹ theo các quy định của luật.
(8) Cơ quan nhà nước có trách nhiệm kiểm tra và tiêu chuẩn hóa hệ thống giáo dục để đảm bảo phù hợp với các quy định của luật.
(9) Các cơ quan nhà nước có trách nhiệm hỗ trợ các trung tâm giáo dục để đáp ứng các yêu cầu do luật định.
(10) Quyền tự chủ của các trường Đại học được công nhận theo quy định của luật.
Điều 28
(1) Tất cả mọi người đều có quyền tự do tham gia công đoàn. Luật có thể hạn chế hoặc loại trừ việc thực thi quyền này trong các Lực lượng vũ trang, các thiết chế hoặc các cơ quan khác thuộc diện phải áp dụng kỷ luật của quân đội; luật có thể đặt ra các điều kiện đặc biệt đối với việc thực thi quyền này của các công chức. Quyền tự do công đoàn bao gồm quyền thành lập các tổ chức công đoàn và gia nhập các tổ chức công đoàn theo sự tự lựa chọn của mỗi người, cũng như quyền của tổ chức công đoàn để thành lập các liên minh, thành lập các tổ chức công đoàn quốc tế, hoặc để trở thành thành viên của liên minh đó. Không ai bị bắt buộc phải tham gia công đoàn.
(2) Quyền đình công của người lao động để bảo vệ lợi ích của mình được công nhận. Luật điều chỉnh việc thực hiện quyền này phải quy định các biện pháp bảo vệ cần thiết để đảm bảo việc duy trì các dịch vụ công cộng thiết yếu.
Điều 29
(1) Tất cả người dân Tây Ban Nha có quyền kiến nghị cá nhân và kiến nghị tập thể, bằng văn bản, theo phương thức phù hợp với quy định của luật.
(2) Các thành viên của lực lượng vũ trang hoặc các thiết chế, các cơ quan thuộc diện phải áp dụng kỷ luật của quân đội chỉ được phép thực thi quyền này một cách đơn lẻ và theo các quy định pháp luật liên quan đến họ.
Mục 2:
Quyền và nghĩa vụ của công dân
Điều 30
(1) Công dân có quyền và nghĩa vụ bảo vệ Vương quốc Tây Ban Nha.
(2) Luật sẽ quy định về nghĩa vụ quân sự của công dân Tây Ban Nha và quy định việc từ chối nhập ngũ cũng như các căn cứ khác cho việc miễn trừ nghĩa vụ quân sự bắt buộc cùng với những sự đảm bảo phù hợp; trong điều kiện thích hợp, luật cũng có thể quy định việc thực hiện nghĩa vụ phục vụ cộng đồng thay thế cho nghĩa vụ quân sự.
(3) Nghĩa vụ của công dân có thể được thiết lập để phục vụ cho việc thực hiện các mục tiêu vì lợi ích chung.
(4) Các nghĩa vụ của công dân trong trường hợp xảy ra các rủi ro nghiêm trọng, thảm họa thiên tai hoặc tai họa chung do luật định.
Điều 31
(1) Mọi người đều phải đóng góp để duy trì chi tiêu công theo khả năng kinh tế của mình thông qua một hệ thống thuế công bằng dựa trên nguyên tắc thuế bình đẳng và lũy tiến và không được áp dụng trưng thu dưới bất kỳ hình thức nào.
(2) Việc chi tiêu công phải đảm bảo phân bổ công bằng các nguồn lực công; việc lập kế hoạch và thực hiện chi tiêu công phải được thực hiện theo tiêu chuẩn hiệu quả và tiết kiệm.
(3) Việc đóng góp công sức hay tài sản cho mục đích công cộng chỉ có thể được áp đặt theo quy định của luật.
Điều 32
(1) Nam, nữ có quyền kết hôn với sự bình đẳng đầy đủ về mặt pháp luật.
(2) Luật sẽ quy định các hình thức kết hôn, độ tuổi và năng lực để kết hôn, các quyền và nghĩa vụ của vợ, chồng, căn cứ để li thân, li hôn cũng như các hậu quả pháp lý của chúng.
Điều 33
(1) Quyền sở hữu tư nhân và thừa kế được công nhận.
(2) Nội dung của các quyền này bị giới hạn bởi chức năng xã hội của chúng theo các quy định của luật.
(3) Không ai bị tước đoạt tài sản và các quyền của mình, ngoại trừ trường hợp có các lý do hợp lý vì lợi ích xã hội hoặc phục vụ cho cộng đồng trên cơ sở có sự đền bù thỏa đáng và theo các quy định của luật.
Điều 34
(1) Quyền thiết lập các quỹ với mục tiêu vì lợi ích chung được ghi nhận theo quy định của luật.
(2) Các quy định của Khoản 2 và 4 của Điều 22 cũng được áp dụng tương tự đối với thành lập các quỹ.
Điều 35
(1) Tất cả công dân Tây Ban Nha có quyền làm việc và nghĩa vụ làm việc, có quyền tự do lựa chọn nghề nghiệp hoặc ngành nghề, có quyền thăng tiến thông qua công việc, và quyền được trả thù lao thỏa đáng đủ để đáp ứng nhu cầu của mình và những người trong gia đình. Trong mọi trường hợp, họ không thể bị phân biệt đối xử dựa trên giới tính của họ.
(2) Luật sẽ điều chỉnh về Quy chế của Người lao động.
Điều 36
Luật sẽ quy định các đặc điểm riêng về địa vị pháp lý của các Hiệp hội Nghề nghiệp và việc áp dụng các cấp độ nghề nghiệp. Các Hiệp hội Nghề nghiệp phải đảm bảo có cơ cấu nội bộ và hoạt động một cách dân chủ.
Điều 37
(1) Luật phải bảo đảm quyền được thỏa ước lao động tập thể giữa người lao động và đại diện người sử dụng lao động, cũng như phải quy định các biện pháp bảo đảm việc thực hiện các thỏa ước.
(2) Quyền của người lao động và người sử dụng lao động trong việc sử dụng các biện pháp giải quyết tranh chấp lao động tập thể được công nhận. Luật quy định việc thực hiện quyền này phải bao gồm những biện pháp cần thiết để đảm bảo hoạt động của các dịch vụ công cộng thiết yếu mà không ảnh hưởng đến những hạn chế mà nó có thể áp đặt.
Điều 38
Quyền tự do kinh doanh được công nhận trong khuôn khổ của nền kinh tế thị trường. Cơ quan nhà nước bảo đảm và hỗ trợ sự vận hành của nền kinh tế thị trường và gìn giữ năng suất phù hợp với nhu cầu của nền kinh tế nói chung và theo nhu cầu của việc quy hoạch kinh tế trong trường hợp cần thiết.
Chương 3:
CÁC NGUYÊN TẮC CHI PHỐI CHÍNH SÁCH KINH TẾ VÀ XÃ HỘI
Điều 39
(1) Cơ quan nhà nước bảo đảm sự bảo hộ đối với gia đình trên các mặt xã hội, kinh tế và pháp lý.
(2) Cơ quan nhà nước bảo đảm sự bảo hộ đầy đủ đối với trẻ em theo đó tất cả trẻ em đều bình đẳng trước pháp luật, bất kể huyết thống của chúng; bảo hộ đầy đủ đối với các bà mẹ, bất kể tình trạng hôn nhân của họ. Luật sẽ quy định về khả năng xác định quan hệ cha con.
(3) Cha mẹ phải chăm sóc con cái của mình trên mọi phương diện cho tới tuổi trưởng thành và trong những trường hợp khác theo luật định mà không có sự phân biệt là con ngoài giá thú hay trong giá thú.
(4) Trẻ em được hưởng sự bảo vệ theo quy định trong các hiệp định quốc tế về bảo vệ quyền trẻ em.
Điều 40
(1) Các cơ quan nhà nước phải thúc đẩy các điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế và xã hội và cho sự phân phối công bằng hơn về thu nhập giữa các khu vực và các cá nhân trong một khuôn khổ chính sách kinh tế ổn định. Các cơ quan nhà nước phải chú trọng thực hiện chính sách nhằm tạo công ăn việc làm đầy đủ.
(2) Các cơ quan nhà nước có trách nhiệm thúc đẩy chính sách bảo đảm đào tạo và đào tạo lại về chuyên môn, nghiệp vụ; đảm bảo an toàn và vệ sinh lao động; đảm bảo đầy đủ nhu cầu nghỉ ngơi bằng việc hạn chế thời gian làm việc, các ngày nghỉ định kỳ được trả lương và phát triển các trung tâm xúc tiến phù hợp.
Điều 41
Các cơ quan nhà nước có trách nhiệm duy trì một hệ thống an sinh xã hội công cộng cho tất cả các công dân nhằm đảm bảo sự trợ giúp xã hội đầy đủ và các lợi ích thích hợp trong các tình huống khó khăn, đặc biệt là trong trường hợp thất nghiệp. Việc nhận sự hỗ trợ bổ sung hay các lợi ích phụ thuộc vào sự lựa chọn của người dân.
Điều 42
Nhà nước phải đặc biệt quan tâm đến việc bảo vệ các quyền kinh tế và xã hội của người lao động Tây Ban Nha ở nước ngoài, và có trách nhiệm xây dựng chính sách hướng tới sự trở về của họ.
Điều 43
(1) Quyền bảo vệ sức khỏe được công nhận.
(2) Các cơ quan nhà nước có phận sự tổ chức và theo dõi sức khỏe cộng đồng bằng các biện pháp phòng ngừa và bằng những lợi ích và dịch vụ cần thiết. Luật sẽ quy định về các quyền và nghĩa vụ của tất cả các chủ thể có liên quan trong lĩnh vực này.
(3) Các cơ quan nhà nước có trách nhiệm thúc đẩy giáo dục sức khỏe, giáo dục thể chất và thể thao. Các cơ quan nhà nước phải có biện pháp khuyến khích việc sử dụng thời gian giải trí phù hợp.
Điều 44
(1) Các cơ quan nhà nước có trách nhiệm thúc đẩy và theo dõi quyền tiếp cận văn hóa mà tất cả công dân đều được hưởng.
(2) Các cơ quan nhà nước có trách nhiệm thúc đẩy tiến bộ khoa học và nghiên cứu khoa học và kỹ thuật vì lợi ích chung của cộng đồng.
Điều 45
(1) Mọi người đều có quyền được hưởng một môi trường thích hợp cho sự phát triển cá nhân, cũng như có nghĩa vụ bảo vệ nó.
(2) Các cơ quan nhà nước phải giám sát việc sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên nhằm bảo vệ và cải thiện chất lượng cuộc sống, bảo tồn và phục hồi môi trường trên cơ sở có sự đoàn kết cộng đồng cần thiết.
(3) Những người vi phạm quy định tại Khoản (2) nói trên sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính theo các quy định của luật và có nghĩa vụ bồi thường những thiệt hại đã gây ra.
Điều 46
Các cơ quan nhà nước phải đảm bảo việc bảo tồn và thúc đẩy việc làm phong phú các di sản lịch sử, văn hóa và nghệ thuật của người dân Tây Ban Nha và các tài sản kèm theo bất kể tình trạng pháp lý của các di sản này và chúng thuộc quyền sở hữu của ai. Luật hình sự sẽ trừng phạt bất kỳ hành vi phạm tội nào đối với các di sản này.
Điều 47
Mọi công dân Tây Ban Nha có quyền được hưởng nhà ở đầy đủ và tiện nghi. Các cơ quan nhà nước phải thúc đẩy các điều kiện cần thiết và thiết lập các tiêu chuẩn thích hợp để thực hiện quyền này một cách có hiệu quả, điều chỉnh việc sử dụng đất phù hợp với lợi ích chung để chống đầu cơ.
Cộng đồng được chia sẻ lợi ích phát sinh từ chính sách quy hoạch đô thị của các cơ quan nhà nước.
Điều 48
Các cơ quan nhà nước có trách nhiệm thúc đẩy các điều kiện thuận lợi cho việc tham gia tự do và hiệu quả của thanh niên trong quá trình phát triển chính trị, xã hội, kinh tế và văn hóa.
Điều 49
Cơ quan nhà nước phải thực hiện chính sách chăm sóc dự phòng, điều trị, phục hồi chức năng và khả năng hòa nhập của người khuyết tật, tàn tật về thể chất, giác quan và tâm thần bằng cách cung cấp một chế độ chăm sóc đặc biệt theo yêu cầu, và cung cấp sự bảo vệ đặc biệt đối với những người này trong việc thụ hưởng các quyền được trao theo quy định tại Phần này đối với mọi công dân.
Điều 50
Cơ quan nhà nước có trách nhiệm bảo đảm một mức thu nhập phù hợp cho các công dân ở độ tuổi già thông qua chế độ lương hưu đầy đủ và theo định kỳ. Các cơ quan nhà nước có trách nhiệm nâng cao phúc lợi thông qua một hệ thống dịch vụ xã hội để giải quyết các vấn đề cụ thể của người già về y tế, văn hóa, nhà ở và giải trí nhưng không làm ảnh hưởng đến các nghĩa vụ của gia đình.
Điều 51
(1) Các cơ quan nhà nước phải bảo đảm việc bảo vệ người tiêu dùng và người sử dụng và có trách nhiệm bảo đảm an toàn, sức khỏe và những lợi ích kinh tế hợp pháp của họ bằng các biện pháp hiệu quả.
(2) Các cơ quan nhà nước có trách nhiệm đẩy mạnh thông tin và giáo dục cho người tiêu dùng và người sử dụng, khuyến khích việc thành lập các tổ chức của người tiêu dùng và người sử dụng, tiếp thu ý kiến của các tổ chức đó về những vấn đề ảnh hưởng đến các thành viên theo các quy định của luật.
(3) Trong khuôn khổ quy định của các khoản trên đây, luật sẽ quy định thương mại nội địa và hệ thống cấp phép các sản phẩm thương mại.
Điều 52
Luật sẽ quy định về các tổ chức nghề nghiệp có mục đích bảo vệ lợi ích kinh tế của chính mình. Cơ cấu nội bộ và hoạt động của các tổ chức này phải đảm bảo dân chủ.
Chương 4:
BẢO ĐẢM CÁC QUYỀN CƠ BẢN VÀ TỰ DO
Điều 53
(1) Các quyền cơ bản và tự do được ghi nhận tại Chương 2 của Phần này có giá trị bắt buộc đối với mọi cơ quan nhà nước. Việc thực hiện các quyền và tự do này chỉ có thể bị điều chỉnh bởi các đạo luật mà trong mọi trường hợp phải tôn trọng nội dung thiết yếu của các quyền và tự do và phải tuân theo các nguyên tắc bảo đảm theo quy định tại điểm a, khoản (1), Điều 161 của Hiến pháp này.
(2) Bất kỳ công dân nào cũng có thể khởi kiện để bảo vệ các quyền và tự do được ghi nhận tại Điều 14 và Mục 1 của Chương 2 bằng thủ tục ưu tiên và rút gọn trước tòa án thông thường và bằng cách nộp đơn khiếu nại cá nhân tới Tòa án Hiến pháp khi thích hợp. Thủ tục nộp đơn lên Tòa án Hiến pháp có thể được áp dụng đối với việc từ chối thực hiện nghĩa vụ quân sự như đã được ghi nhận tại Điều 30.
(3) Hoạt động lập pháp, thực hiện quyền tư pháp và các hoạt động khác của các cơ quan nhà nước phải tuân theo tinh thần của việc ghi nhận, tôn trọng và bảo vệ các nguyên tắc được ghi nhận tại Chương 3. Việc ghi nhận, tôn trọng và bảo vệ các quyền chỉ có thể được viện dẫn trước các tòa án thông thường cùng với các quy định pháp luật để thi hành chúng.
Điều 54
Một đạo luật cơ bản(3) sẽ quy định về việc thiết lập chức vụ Người bảo vệ nhân dân với tư cách là cao ủy viên của Nghị viện, được Nghị viện bổ nhiệm để bảo vệ các quyền ghi nhận trong phần này. Thực hiện mục đích này, cao ủy viên có thể giám sát hoạt động của bộ máy hành chính và báo cáo với Nghị viện.
Chương 5:
TẠM ĐÌNH CHỈ CÁC QUYỀN VÀ TỰ DO
Điều 55
(1) Các quyền được quy định tại các Điều 17; các khoản 2 và 3 của Điều 18; Điều 19; điểm a) và d) khoản 1, khoản 5 của Điều 20; Điều 21; khoản 2 Điều 28 và khoản 2 Điều 37, có thể bị đình chỉ khi có tình trạng khẩn cấp hoặc thiết quân luật được tuyên bố theo các điều khoản quy định trong Hiến pháp. Khoản 3 của Điều 17 được loại trừ khỏi các quy định nói trên trong trường hợp tuyên bố tình trạng khẩn cấp.
(2) Một đạo luật cơ bản sẽ xác định phương thức và các hoàn cảnh qua đó các quyền được quy định tại khoản 2, Điều 17, khoản 2 và 3 Điều 18 bị đình chỉ đối với những cá nhân cụ thể có liên quan tới các cuộc điều tra về hoạt động của các băng nhóm vũ trang hoặc nhóm khủng bố. Trong các trường hợp này cần thiết phải có sự tham gia của Tòa án và sự giám sát phù hợp của Quốc hội đối với từng vụ việc cụ thể.
Việc lạm dụng hoặc thực thi không có cơ sở các quyền hạn được quy định trong đạo luật cơ bản nói trên sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự như hành vi vi phạm các quyền và tự do được các đạo luật ghi nhận.
PHẦN II:
HOÀNG GIA
Điều 56
(1) Vua là người đứng đầu Nhà nước, là biểu tượng của sự thống nhất và vĩnh cửu của đất nước. Vua phân xử và điều hòa chức năng chung của các tổ chức, được coi là đại diện cao nhất của Nhà nước Tây Ban Nha trong các quan hệ quốc tế, đặc biệt là với các quốc gia thuộc cộng đồng lịch sử của Tây Ban Nha, và thực hiện các chức năng được Hiến pháp và pháp luật minh định cho mình.
(2) Tước hiệu của Nhà vua là Vua của Vương quốc Tây Ban Nha. Nhà vua cũng có thể sử dụng các tước hiệu khác thích hợp với Hoàng Gia.
(3) Nhà vua là bất khả xâm phạm về thân thể và không phải chịu bất kỳ trách nhiệm nào. Các sắc lệnh của Vua phải luôn được tiếp ký theo phương thức được quy định tại Điều 64. Nếu không có sự tiếp ký như vậy, các sắc lệnh này sẽ không có giá trị, trừ những trường hợp được quy định tại Khoản 2, Điều 65.
Điều 57
(1) Hoàng gia Tây Ban Nha sẽ được thế tập bởi những người kế vị Đức Vua Juan Carlos de Borbón Đệ nhất – là người thừa kế hợp pháp của triều đại trong lịch sử. Việc kế vị ngai vàng phải được thực hiện theo thứ tự chung theo nguyên tắc thế tập và đại diện, các dòng đầu tiên luôn luôn được ưu tiên hơn các dòng tiếp theo, trong cùng một dòng, thế hệ cận huyết hơn được ưu tiên hơn, trong cùng một thế hệ, nam được ưu tiên hơn với nữ, và trong cùng một giới thì người cao tuổi ưu tiên hơn so với trẻ tuổi.
(2) Thái tử, từ khi sinh ra hoặc từ thời điểm được tuyên bố là thái tử, sẽ giữ tước hiệu Hoàng tử xứ Asturias và các tước hiệu khác theo truyền thống được nắm giữ bởi người kế vị ngai vàng của Hoàng Gia Tây Ban Nha.
(3) Nếu tất cả các dòng được chỉ định theo quy định của pháp luật đều không còn người kế vị, Nghị viện sẽ đề nghị người kế thừa Hoàng gia theo cách thức phù hợp nhất với lợi ích của Vương quốc Tây Ban Nha.
(4) Những người có quyền thừa kế ngai vàng mà kết hôn trái với những trường hợp bị cấm đoán rõ ràng của Nhà vua và Nghị viện, sẽ bị tước quyền kế vị, con cháu của họ cũng sẽ như vậy.
(5) Một đạo luật cơ bản sẽ quy định về việc thoái vị, về sự từ bỏ và về bất cứ vấn đề nào phát sinh trên thực tế hoặc trong pháp luật có thể liên quan tới quyền kế vị ngai vàng.
Điều 58
Hoàng hậu hoặc phu quân của Nữ hoàng không được thực hiện bất kỳ chức năng nào được quy định trong Hiến pháp trừ những trường hợp phù hợp với các quy định về chế độ nhiếp chính.
Điều 59
(1) Trong trường hợp Nhà vua chưa đạt độ tuổi quy định, cha hoặc mẹ của Nhà vua hoặc trong trường hợp không có hai người này thì sẽ là người họ hàng lớn tuổi nhất về độ tuổi pháp lý và gần gũi nhất trong việc kế vị ngai vàng theo thứ tự được thiết lập trong Hiến pháp, sẽ ngay lập tức được chỉ định chức vụ Nhiếp chính trong suốt thời gian Nhà vua còn đang ở độ tuổi vị thành niên.
(2) Nếu Nhà vua trở nên không thích hợp cho việc thực hiện quyền lực của mình và việc không đủ năng lực này được Nghị viện công nhận, thì Thái tử, nếu đủ độ tuổi quy định, sẽ ngay lập tức được chỉ định chức vụ Nhiếp chính. Nếu không đủ độ tuổi quy định, các thủ tục nêu trong khoản trên được áp dụng cho đến khi Thái tử đủ độ tuổi quy định.
(3) Nếu không có người đủ điều kiện để trao quyền nhiếp chính, Nghị viện chịu trách nhiệm lựa chọn người nhiếp chính và chế độ nhiếp chính sẽ được thực hiện bởi một, ba hoặc năm người.
(4) Người được trao quyền nhiếp chính phải là công dân Tây Ban Nha và phải đủ tuổi theo luật định.
(5) Chức vụ Nhiếp chính sẽ được thực hiện theo sự uỷ nhiệm của Hiến pháp, và luôn luôn thay mặt cho Nhà vua.
Điều 60
(1) Người giám hộ của Nhà vua trong giai đoạn vị thành niên là người được chỉ định trong di chúc của Nhà vua tiền nhiệm với điều kiện là người đó phải đủ tuổi theo quy định và là người có quốc tịch Tây Ban Nha theo nơi sinh. Nếu người giám hộ chưa được chỉ định, cha hoặc mẹ của Nhà vua sẽ trở thành người giám hộ, miễn là họ vẫn còn góa bụa. Trong trường hợp vắng cả cha lẫn mẹ, Nghị viện sẽ chỉ định người giám hộ, nhưng một người không thể đồng thời giữ chức vụ Nhiếp chính và người giám hộ, trừ trường hợp là đó là cha, mẹ, hoặc là tiền bối trực hệ của Nhà vua.
(2) Người thực hiện giám hộ cho Nhà vua cũng không thích hợp với việc đảm nhiệm bất kỳ chức vụ hay đại diện chính trị nào khác.
Điều 61
(1) Khi được công bố kế nhiệm trước Nghị viện, Nhà vua phải tuyên thệ trung thành với việc thực hiện sứ mệnh của mình, tuân thủ và đảm bảo Hiến pháp và các đạo luật được tuân thủ, đồng thời phải tôn trọng các quyền của công dân và các cộng đồng tự trị.
(2) Thái tử, khi đến tuổi trưởng thành, và các quan Nhiếp chính, khi nhậm chức, cũng phải tuyên thệ tương tự như trên cũng như phải tuyên thệ trung thành với Nhà vua.
Điều 62
Bổn phận của Nhà vua bao gồm:
a) Phê chuẩn và công bố các đạo luật.
b) Triệu tập, giải tán Nghị viện và kêu gọi bầu cử theo các điều khoản quy định trong Hiến pháp.
c) Kêu gọi trưng cầu ý dân theo các trường hợp được quy định trong Hiến pháp.
d) Đề xuất ứng cử viên Thủ tướng Chính phủ; chỉ định hoặc bãi nhiệm Thủ tướng Chính phủ trong các trường hợp có thể theo quy định trong Hiến pháp.
e) Bổ nhiệm, miễn nhiệm các thành viên của Chính phủ theo đề xuất của Thủ tướng.
f) Ban hành các sắc lệnh đã được Hội đồng Bộ trưởng thông qua, trao các chức vụ dân sự và quân sự, các danh hiệu danh dự và các giải thưởng phù hợp với quy định của luật.
g) Được thông báo về các công việc của Nhà nước và phù hợp với mục đích này, chủ trì các cuộc họp của Hội đồng Bộ trưởng theo yêu cầu của Thủ tướng vào bất cứ khi nào mà Nhà vua thấy phù hợp.
h) Thực hiện quyền chỉ huy tối cao các lực lượng vũ trang.
i) Thực hiện các quyền về chính sách khoan hồng theo quy định của luật nhưng không được quyền ân xá chung.
j) Thực hiện việc Bảo trợ Cấp cao của Viện Hàn lâm Hoàng gia.
Điều 63
(1) Nhà vua thực hiện quyền cử các đại sứ và các đại diện ngoại giao khác. Đại diện của nước ngoài tại Tây Ban Nha phải được Nhà vua tiếp nhận.
(2) Nhà vua có bổn phận bày tỏ sự tán thành của Nhà nước đối với các cam kết quốc tế thông qua các điều ước quốc tế, phù hợp với Hiến pháp và các đạo luật.
(3) Nhà vua có bổn phận tuyên bố chiến tranh và hòa bình theo sự uỷ quyền của Nghị viện,.
Điều 64
(1) Các sắc lệnh của Nhà vua phải được Thủ tướng tiếp ký và trong những trường hợp thích hợp phải được các Bộ trưởng có thẩm quyền tiếp ký. Việc đề cử, bổ nhiệm Thủ tướng và bãi nhiệm theo quy định tại Điều 99 phải được Chủ tịch Hạ viện tiếp ký.
(2) Những người tiếp ký sắc lệnh của Nhà vua phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
Điều 65
(1) Nhà vua được nhận một khoản kinh phí từ ngân sách nhà nước cho cuộc sống gia đình và hoàng tộc của mình và được tự do sử dụng khoản kinh phí này.
(2) Nhà vua được quyền tự do bổ nhiệm, miễn nhiệm thành viên dân sự và quân sự cho Hoàng tộc của mình.
PHẦN III:
NGHỊ VIỆN
Chương 1:
CÁC VIỆN CỦA NGHỊ VIỆN
Điều 66
(1) Nghị viện đại diện cho người dân Tây Ban Nha và bao gồm Hạ nghị viện và Thượng nghị viện.
(2) Nghị viện thực hiện các quyền lập pháp của Nhà nước, thông qua Ngân sách nhà nước, giám sát hoạt động của Chính phủ và thực hiện các chức năng khác theo quy định của Hiến pháp.
(3) Nghị viện là bất khả xâm phạm.
Điều 67
(1) Không ai có thể là đồng thời là thành viên của cả hai viện, hoặc đồng thời là thành viên của Hội đồng của một khu tự trị và của Hạ nghị viện.
(2) Các nghị sỹ của Nghị viện không bị ràng buộc bởi bất kỳ hình thức ủy quyền theo lệnh nào.
(3) Các phiên họp của các thành viên Nghị viện được tổ chức không chính thức theo cách thức luật định, thì không bắt buộc đối với các Viện, và các nghị sỹ không được thực hiện chức năng của mình cũng như không được hưởng các đặc quyền.
Điều 68
(1) Hạ viện bao gồm tối thiểu là 300 và tối đa là 400 nghị sỹ,được bầu theo nguyên tắc phổ thông, tự do, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín theo các điều khoản do luật định.
(2) Các khu vực bầu cử được tổ chức theo cấp tỉnh. Các thành phố Ceuta và Melilla sẽ có một Nghị sỹ đại diện cho mỗi thành phố. Tổng số Nghị sỹ được phân bổ theo quy định của luật, mỗi khu vực bầu cử trước hết được phân bổ một số lượng đại biểu tối thiểu và phần còn lại được phân bổ theo tỷ lệ dân số.
(3) Cuộc bầu cử ở mỗi khu vực bầu cử được thực hiện trên cơ sở đại diện tỷ lệ.
(4) Hạ viện được bầu với nhiệm kỳ bốn năm. Nhiệm kì của các Hạ nghị sỹ sẽ kết thúc sau bốn năm kể từ ngày bầu cử hoặc vào ngày mà Hạ viện bị giải tán.
(5) Tất cả công dân Tây Ban Nha có đầy đủ năng lực thực hiện các quyền chính trị đều có quyền bỏ phiếu và có thể được bầu. Luật phải công nhận và Nhà nước phải tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Tây Ban Nha đang ở bên ngoài lãnh thổ Tây Ban Nha thực hiện quyền bỏ phiếu của mình.
(6) Cuộc bầu cử nhiệm kỳ tiếp theo phải được diễn ra trong vòng từ ba mươi tới sáu mươi ngày sau khi nhiệm kì trước kết thúc. Hạ viện được bầu tại cuộc bầu cử đó phải được triệu tập trong vòng 25 ngày sau khi tổ chức bầu cử.
Điều 69
(1) Thượng viện là viện đại diện theo lãnh thổ.
(2) Ở mỗi tỉnh, các cử tri ở tỉnh đó sẽ bầu ra bốn thượng nghị sĩ bằng phương pháp bỏ phiếu phổ thông, tự do, bình đẳng, trực tiếp và kín, theo các quy định của một đạo luật cơ bản.
(3) Ở các tỉnh hải đảo, mỗi hòn đảo hoặc quần đảo có Hội đồng Cabildo(4) hoặc Hội đồng đảo là một khu vực bầu cử để bầu các Thượng nghị sĩ; các đảo chính là Gran Canaria, Mallorca và Tenerife mỗi đảo được bầu ba thượng nghị sĩ; các đảo hoặc các quần đảo IbizaFormentera, Menorca, Fuerteventura, Gomera, Hierro, Lanzarote và La Palma mỗi nơi được bầu một Thượng nghị sĩ.
(4) Các thành phố Ceuta và Melilla mỗi thành phố được bầu hai thượng nghị sĩ.
(5) Các cộng đồng tự trị ngoài việc được chỉ định một thượng nghị sĩ còn được có thêm một Thượng nghị sĩ nữa cho mỗi một triệu cư dân trong vùng lãnh thổ tương ứng của mình. Việc chỉ định Thượng nghị sĩ thuộc thẩm quyền của Hội đồng lập pháp, hoặc trong trường hợp không có hội đồng, sẽ thuộc thẩm quyền của cơ quan quản lý cao nhất của khu tự trị theo quy định của Quy chế riêng của mình nhưng trong bất cứ trường hợp nào cơ quan quản lý này cũng phải đảm bảo tính đại diện đầy đủ theo tỷ lệ thích hợp.
(6) Thượng viện được bầu với nhiệm kỳ bốn năm. Nhiệm kỳ của các Thượng nghị sĩ kết thúc sau bốn năm kể từ ngày bầu cử hoặc vào ngày mà Thượng viện bị giải tán.
(Lệnh thường trực Thượng viện, điều 1, 18, 46 và điều khoản bổ sung đầu tiên)
Điều 70
(1) Đạo Luật Bầu cử sẽ quy định về những trường hợp không đủ điều kiện và không phù hợp để giữ vị trí là Hạ nghị sĩ và Thượng nghị sĩ, bao gồm ít nhất là các trường hợp sau đây:
a) Là thành viên của Tòa án Hiến pháp.
b) Là nhân viên cao cấp của Cơ quan hành chính Nhà nước theo quy định của pháp luật, ngoại trừ các thành viên của Chính phủ.
c) Giữ chức vụ là Người bảo vệ nhân dân.
d) Đang là quan tòa, thẩm phán và Công tố viên.
e) Đang là các quân nhân chuyên nghiệp, các thành viên của lực lượng An ninh, lực lượng Cảnh sát và Quân Đoàn.
f) Thành viên của các Hội đồng Bầu cử.
(2) Giá trị của giấy chứng nhận cho bầu cử và hồ sơ của các thành viên mỗi Viện phải chịu sự kiểm soát tư pháp theo các điều khoản được đặt ra trong Đạo luật Bầu cử.
Điều 71
(1) Hạ nghị sĩ và Thượng nghị sĩ được quyền tự do phát biểu ý kiến trong khi thực hiện nhiệm vụ của mình.
(2) Đang trong thời gian nhiệm kỳ, các Hạ nghị sĩ và Thượng nghị sĩ không bị bắt giam trừ trường hợp bị bắt quả tang. Họ có thể không bị truy tố hoặc bị xét xử mà không được phép trước của Viện mà mình là thành viên.
(3) Việc thực hiện thủ tục tố tụng hình sự chống lại các Hạ nghị sĩ và thượng nghị sĩ thuộc thẩm quyền của Tòa hình sự, Tòa án tối cao.
(4) Các Hạ nghị sĩ và Thượng nghị sĩ được nhận tiền lương theo quyết định của Viện tương ứng.
Điều 72
(1) Các Viện xây dựng Nội quy của mình, tự thông qua ngân sách hoạt động, và quy định về Quy chế Nhân sự của Nghị viện theo thỏa ước chung. Nội quy và các lần sửa đổi phải được bỏ phiếu thông qua toàn văn theo tỷ lệ đa số tuyệt đối.
(2) Các Viện bầu ra Chủ tịch tương ứng của mình và các thành viên khác của các Ủy ban. Phiên họp chung giữa hai viện do Chủ tịch của Hạ nghị viện chủ tọa và được tiến hành theo Nội quy Nghị viện do đa số tuyệt đố thành viên của mỗi Viện cùng nhất trí thông qua.
(3) Chủ tịch của mỗi Viện thay mặt cho Viện thi hành quyền quản lý hành chính và các biện pháp kỷ luật trong phạm vi của Viện mình.
Điều 73
(1) Hàng năm các Viện họp hai phiên họp thường lệ: phiên đầu tiên từ Tháng Chín tới Tháng Mười Hai, và phiên thứ hai từ Táng Hai đến Tháng Sáu.
(2) Các Viện có thể họp bất thường theo yêu cầu của Chính phủ, của Ban Thường trực hoặc của đa số tuyệt đối các thành viên của một trong hai Viện. Các phiên họp bất thường phải được triệu tập với một chương trình nghị sự cụ thể và kết thúc khi vấn đề đã được xử lý.
Điều 74
(1) Hai Viện sẽ tiến hành các phiên họp chung để thực hiện các quyền không thuộc chức năng lập pháp theo các quy định của Nghị viện tại Phần II.
(2) Các quyết định của Nghị viện theo quy định cụ thể tại khoản 1 Điều 94, khoản 2 Điều 145 và khoản 2 Điều 158 phải đa số thành viên ở mỗi Viện thông qua. Trong trường hợp đầu tiên, thủ tục sẽ được bắt đầu ở Hạ nghị viện, và trong hai trường hợp còn lại sẽ được bắt đầu bởi Thượng nghị viện. Trong bất kỳ trường hợp nào, nếu không đạt được thỏa thuận giữa Thượng viện và Hạ viện, một Ủy ban hỗn hợp có thành viên gồm một số lượng tương đương các Hạ nghị sĩ và Thượng nghị sĩ sẽ được thành lập để tìm ra giải pháp chung. Uỷ ban sẽ đệ trình một dự thảo để cả hai Viện biểu quyết. Nếu dự thảo này không được chấp thuận theo cách thức đã được thiết lập, quyết định của đa số tuyệt đối thành viên Hạ nghị viện là quyết định cuối cùng.
Điều 75
(1) Các Viện triệu tập các phiên họp toàn thể và phiên họp của các Uỷ ban.
(2) Các Viện có thể ủy quyền cho Ủy ban thường trực về lập pháp thông qua các dự thảo luật của Chính phủ hoặc không phải của Chính phủ. Tuy nhiên, vào bất kỳ thời gian nào, phiên họp toàn thể có thể yêu cầu đưa ra tranh luận và biểu quyết tại chính phiên họp toàn thể bất kỳ dự luật nào do Chính phủ hoặc không phải Chính phủ trình mà đã được ủy quyền cho các ủy ban.
(3) Các dự luật về cải cách hiến pháp, các vấn đề quốc tế, các đạo luật cơ bản và đạo luật tổ chức, dự thảo Ngân sách ngoại lệ không được áp dụng hình thức ủy quyền theo quy định tại khoản trên.
Điều 76
(1) Hạ viện, Thượng viện và trong trường hợp cần thiết là cả hai Viện cùng phối hợp, có thể thành lập ủy ban điều tra về bất kỳ vấn đề nào có liên quan đến lợi ích công cộng. Kết luận của ủy ban điều tra không có hiệu lực bắt buộc tại tòa án, cũng như không ảnh hưởng đến các quyết định tư pháp, nhưng kết quả điều tra có thể được chuyển đến Viện công tố để tiến hành các hoạt động thích hợp khi cần thiết.
(2) Việc có mặt tại các Viện khi được triệu tập là bắt buộc. Luật sẽ quy định hình phạt đối với hành vi không tuân thủ nghĩa vụ này.
Điều 77
(1) Kiến nghị của cá nhân và tập thể có thể được gửi đến các Viện nhưng phải dưới dạng văn bản; việc kiến nghị trực tiếp từ các cuộc biểu tình không được chấp nhận.
(2) Các Viện có thể chuyển các kiến nghị đó cho Chính phủ. Khi các Viện có yêu cầu, Chính phủ có trách nhiệm đưa ra bản giải trình liên quan đến nội dung của các kiến nghị.
Điều 78
(1) Mỗi Viện có một Ban thường trực bao gồm tối thiểu là 21 thành viên đại diện cho các nhóm đảng theo tỷ lệ số lượng.
(2) Ban thường trực của mỗi viện do Chủ tịch của Viện đó chủ trì. Ban thường trực có các chức năng được quy định tại Điều 73, thực hiện quyền của Viện tương ứng theo quy định tại Điều 86 và Điều 116 và trong trường hợp Viện bị giải tán hoặc khi kết thúc nhiệm kỳ, và thực hiện các quyền hạn của Viện trong thời gian giữa các kỳ họp.
(3) Khi kết thúc nhiệm kỳ hoặc trong trường hợp Viện bị giải tán, Ban thường trực có trách nhiệm tiếp tục thực thi các chức năng của mình cho đến khi thành lập Nghị viện mới.
(4) Khi một Viện có liên quan họp, Ban thường trực có trách nhiệm báo cáo về các vấn đề đã xử lý và các quyết định của mình.
Điều 79
(1) Các quyết định của Viện chỉ được thông qua tại các phiên họp chính thức theo luật định với sự có mặt của đa số các thành viên.
(2) Để được thông qua, các quyết định phải được sự chấp thuận của đa số các thành viên có mặt, trừ các trường hợp yêu cầu phải có sự chấp thuận của các đa số đặc biệt theo quy định của Hiến pháp hoặc các đạo luật cơ bản và những quy định được đặt ra theo Nội quy của mỗi Viện đối với các cuộc bầu cử nhân sự.
(3) Việc biểu quyết của Thượng nghị sĩ và Hạ nghị sĩ mang tính cá nhân và không được ủy quyền.
Điều 80
Phiên họp toàn thể của các Viện phải công khai, trừ khi có quyết định khác bởi mỗi Viện được đa số tuyệt đối thành viên thông qua hoặc trong các trường hợp được quy định trong Nội quy của mỗi Viện.
Chương 2:
SOẠN THẢO DỰ LUẬT
Điều 81
(1) Các đạo luật cơ bản là những đạo luật liên quan đến việc thực thi các quyền và tự do cơ bản, những đạo luật thông qua các Quy chế tự trị và hệ thống bầu cử phổ thông và những đạo luật khác theo quy định của Hiến pháp.
(2) Việc thông qua, sửa đổi, hoặc bãi bỏ các đạo luật cơ bản đòi hỏi phải được đa số tuyệt đối các Hạ nghị sỹ thông qua trong một cuộc bỏ phiếu cuối cùng về tổng thể dự luật.
Điều 82
(1) Nghị viện có thể ủy quyền cho Chính phủ ban hành các quy định có hiệu lực như một đạo luật của Nghị viện về các vấn đề cụ thể nhưng không bao gồm các nội dung được quy định ở điều trên.
(2) Việc ủy quyền lập pháp phải được quy định trong một đạo luật về các nguyên tắc cơ bản khi có mục đích là để soạn thảo mới văn bản theo từng điều khoản hoặc bằng một đạo luật thường khi có mục đích là để hợp nhất một số văn bản pháp luật thành một văn bản.
(3) Việc ủy quyền lập pháp phải được trao cho Chính phủ với việc chỉ rõ các vấn đề cụ thể cần quy định và giới hạn thời gian cố định cho việc thực thi. Việc ủy quyền kết thúc khi Chính phủ đã sử dụng quyền đó thông qua việc công bố các văn bản tương ứng. Không chấp nhận các trường hợp ủy quyền ngầm định hoặc ủy quyền trong một thời hạn không xác định. Cũng không được tái ủy quyền cho các cơ quan nào khác ngoài Chính phủ tự mình ủy quyền.
(4) Đạo luật về các nguyên tắc cơ bản xác định cụ thể mục đích và phạm vi của việc ủy quyền lập pháp, cũng như các nguyên tắc và tiêu chuẩn phải tuân theo trong khi thực thi việc ủy quyền này.
(5) Việc ủy quyền để hợp nhất các văn bản pháp lý phải xác định phạm vi lập pháp ẩn định trong việc ủy quyền, quy định cụ thể việc ủy quyền được giới hạn là chỉ soạn thảo một văn bản duy nhất hoặc liệu có bao gồm việc quy định, làm rõ và hài hòa các đạo luật được hợp nhất.
(6) Các đạo luật về ủy quyền quy định các cơ chế kiểm soát bổ sung trong từng trường hợp nhưng không làm ảnh hưởng đến thẩm quyền của Toà án.
Điều 83
Các đạo luật về các nguyên tắc cơ bản không được quy định về các trường hợp sau:
a) Ủy quyền sửa đổi chính đạo luật đó.
b) Trao quyền ban hành các quy định mang tính hồi tố.
Điều 84
Trong trường hợp có một dự luật không do Chính phủ đệ trình hoặc một đề xuất sửa đổi trái với văn bản được ủy quyền lập pháp đang có hiệu lực, thì Chính phủ có thể đề xuất phản đối tiến trình này. Lúc đó, một dự luật không do Chính phủ đệ trình có thể kiến nghị bãi bỏ toàn bộ hoặc một phần của văn bản luật được ủy quyền lập pháp.
Điều 85
Các quy định của Chính phủ bao gồm các quy định ủy quyền lập pháp phải có tiêu đề là “Nghị định Lập pháp”.
Điều 86
(1) Trong trường yêu cầu đột xuất và cấp bách, Chính phủ có thể ban hành các điều khoản lập pháp tạm thời mang hình thức pháp lệnh nhưng không được ảnh hưởng đến hệ thống quy định pháp luật về các thiết chế nhà nước cơ bản, các quyền và tự do, nghĩa vụ của công dân được quy định tại Phần 1, hệ thống của các cộng đồng tự trị, hoặc pháp luật về bầu cử phổ thông.
(2) Pháp lệnh ngay tức thì phải được trình Hạ nghị viện để thảo luận và biểu quyết tại phiên họp toàn thể được triệu tập cho mục đích xem xét đạo luật này trong vòng ba mươi ngày kể từ ngày pháp lệnh được ban hành nếu trong thời gian ngoài kỳ họp chính thức. Hạ viện phải đưa ra một quyết định cụ thể về việc phê chuẩn hoặc bãi bỏ pháp lệnh trong thời hạn nói trên. Để thực hiện công việc này, Nội quy của Hạ viện phải quy định một thủ tục rút gọn đặc biệt.
(3) Trong thời gian được đề cập tại khoản trên, Nghị viện có thể xem xét các pháp lệnh trên như các dự luật do Chính phủ đệ trình theo thủ tục khẩn cấp.
Điều 87
(1) Quyền đệ trình dự án luật thuộc về Chính phủ, Hạ viện và Thượng viện phù hợp với quy định của Hiến pháp và Nội quy của các Viện.
(2) Hội đồng các cộng đồng tự trị có thể yêu cầu Chính phủ thông qua một dự thảo hoặc có thể chuyển một dự luật không do Chính phủ đệ trình tới Ban điều hành Hạ viện và đề cử tối đa là ba thành viên Hội đồng để bảo vệ dự luật.
(3) Một đạo luật cơ bản sẽ quy định về cách thức và yêu cầu đối với các sáng kiến phổ thông đệ trình các dự luật không từ phía Chính phủ. Trong bất kỳ trường hợp nào, các sáng kiến này đều phải có ít nhất 500.000 chữ ký đã được chứng thực. Các sáng kiến lập pháp này không được đề cập đến các vấn đề thuộc các đạo luật cơ bản, thuế, ngoại giao hoặc các đặc quyền ân xá.
Điều 88
Dự thảo luật của Chính phủ phải được Hội đồng Bộ trưởng thông qua và sau đó được Chính phủ trình lên Hạ viện kèm theo bản giải trình chỉ rõ sự cần thiết và các số liệu để đi đến quyết định.
Điều 89
(1) Việc xem xét dự thảo không do Chính phủ trình sẽ do Nội quy của các Viện quy định theo hướng việc ưu tiên xem xét các dựa án luật Chính phú nhưng không cản trở việc thực hiện quyền đề xuất dự án luật theo quy định tại Điều 87.
(2) Dự thảo luật không do Chính phủ đệ trình theo quy định tại Điều 87 được Thượng viện xem xét sẽ được chuyển đến cho Hạ viện xem xét.
Điều 90
(1) Khi một dự thảo luật thông thường hoặc một đạo luật cơ bản đã được Hạ nghị viện thông qua, Chủ tịch Hạ nghị viện có trách nhiệm thông báo tới Chủ tịch Thượng nghị viện để Chủ tịch Thượng nghị viện có trách nhiệm trình Thượng nghị viện xem xét.
(2) Trong thời hạn hai tháng sau khi nhận được văn bản, Thượng viện có thể, bằng một thông báo nêu rõ lý do, thông qua việc phủ quyết dự luật hoặc thông qua dự luật với các sửa đổi, bổ sung. Việc phủ quyết dự luật phải được đa số tuyệt đối thành viên của Thượng viện thông qua. Dự luật sẽ không được trình lên cho Nhà Vua để phê chuẩn trong trường hợp dự luật bị Thượng viện phủ quyết trừ khi Hạ viện đã phê chuẩn dự thảo ban đầu của mình với một đa số phiếu tuyệt đối; hoặc trong trường hợp hai tháng đã kết thúc và Hạ viện đã thông qua dự án luật ban đầu của mình với một đa số phiếu thông thường; hoặc Hạ viện đã đạt được quyết định về việc chấp thuận hoặc không chấp thuận các đề nghị sửa đổi của Thượng viện bằng một đa số phiếu thông thường.
(3) Thời hạn hai tháng mà Thượng viện có quyền phủ quyết hoặc sửa đổi một dự luật sẽ giảm xuống còn hai mươi ngày đối với các dự thảo luật được Chính phủ hoặc Hạ nghị viện tuyên bố là khẩn cấp.
Điều 91
Trong thời gian mười lăm ngày, Nhà Vua sẽ đưa ra quyết định phê chuẩn dự án luật của Nghị viên và phải lập tức ban hành cũng như ra lệnh công bố dự luật.
Điều 92
(1) Các quyết định chính trị đặc biệt quan trọng có thể được đưa ra trưng cầu ý dân để tham khảo ý kiến nhân dân.
(2) Việc trưng cầu ý dân do Nhà vua tuyên bố theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ sau khi đã nhận được sự ủy quyền trước đó của Hạ nghị viện.
(3) Một đạo luật cơ bản sẽ quy định về nội dung và cách thức tiến hành các hình thức tổ chức trưng cầu ý dân khác nhau theo quy định trong Hiến pháp này.
Chương 3:
CÁC HIỆP ƯỚC QUỐC TẾ
Điều 93
Việc trao quyền kí kết các điều ước quốc tế có thể được thực hiện thông qua các quy định của một đạo luật cơ bản qua đó quyền hạn xuất phát từ Hiến pháp sẽ được chuyển giao cho một tổ chức hoặc một thiết chế quốc tế. Trong từng trường hợp cụ thể, Nghị viện hoặc Chính phủ có trách nhiệm đảm bảo việc tuân thủ các điều ước và các nghị quyết của các tổ chức hoặc thiết chế quốc tế đã nhận được sự chuyển giao quyền lực đó.
Điều 94
(1) Phải có sự chấp thuận trước của Nghị viện thì Nhà nước mới được chấp thuận tham gia vào các cam kết thông qua các điều ước hoặc thoả thuận quốc tế trong các trường hợp sau đây:
a) Những điều ước quốc tế có tính chất chính trị.
b) Các điều ước hoặc thoả thuận có tính chất quân sự.
c) Các điều ước hoặc thỏa thuận ảnh hưởng đến sự toàn vẹn lãnh thổ của Nhà nước hoặc quyền và nghĩa vụ cơ bản được quy định tại Phần 1.
d) Các điều ước hoặc thỏa thuận hàm chứa nghĩa vụ tài chính cho Ngân khố quốc gia.
e) Các điều ước hoặc thoả thuận liên quan đến sửa đổi hoặc bãi bỏ một số đạo luật hoặc yêu cầu phải thông qua các biện pháp lập pháp để thực hiện chúng.
(2) Việc kí kết bất kỳ điều ước hoặc thoả thuận quốc tế khác đều phải được thông báo ngay lập tức tới Hạ nghị viện và Thượng nghị viện.
Điều 95
(1) Việc ký kết điều ước quốc tế có các quy định trái với Hiến pháp chỉ được thực hiện sau khi hiến pháp được sửa đổi thích hợp.
(2) Chính phủ hoặc một trong hai Viện có thể yêu cầu Tòa án Hiến pháp ra tuyên bố về sự tồn tại của các điểm trái với Hiến pháp đó.
Điều 96
(1) Điều ước quốc tế đã được kí kết, một khi được chính thức công bố tại Tây Ban Nha, sẽ là một phần của hệ thống pháp luật trong nước. Các điều khoản của chúng chỉ có thể bị bãi bỏ, sửa đổi hoặc đình chỉ thực hiện theo cách thức quy định bởi chính các điều ước đó hoặc theo các nguyên tắc chung của pháp luật quốc tế.
(2) Việc bãi bỏ các điều ước và các thỏa thuận quốc tế sẽ được thực hiện theo thủ tục được quy định tại Điều 94 về việc tham gia vào các điều ước và các thỏa thuận quốc tế.
PHẦN IV:
CHÍNH PHỦ VÀ BỘ MÁY HÀNH CHÍNH
Điều 97
Chính phủ thực hiện chính sách đối nội và đối ngoại, quản lý dân sự và quân sự và bảo vệ Nhà nước. Chính phủ thực hiện quyền hành pháp và các quyền lực theo các quy định pháp luật phù hợp với Hiến pháp và các đạo luật.
Điều 98
(1) Chính phủ bao gồm Thủ tướng, các Phó thủ tướng khi thích hợp, các Bộ trưởng và các thành viên khác theo quy định của luật.
(2) Thủ tướng có trách nhiệm chỉ đạo hoạt động của Chính phủ và phối hợp chức năng của các thành viên khác trong Chính phủ mà không ảnh hưởng đến thẩm quyền và trách nhiệm trực tiếp của những người này trong việc thực hiện các nhiệm vụ của mình.
(3) Các thành viên của Chính phủ không được thực hiện chức năng đại diện nào khác ngoài những chức năng xuất phát từ vị trí là thành viên nghị viện của mình, cũng như không được thực hiện bất kỳ chức năng công cộng khác không xuất phát từ nhiệm vụ của họ, cũng như không được tham gia vào bất kỳ hoạt động nghề nghiệp hoặc thương mại nào khác.
(4) Luật sẽ quy định về địa vị và những trường hợp mất tư cách thành viên của các thành viên Chính phủ.
Điều 99
(1) Sau mỗi kỳ bầu cử Hạ nghị viện và trong các trường hợp khác quy định theo Hiến pháp, Nhà vua sẽ đề cử một ứng cử viên cho vị trí Thủ tướng Chính phủ sau khi tham khảo ý kiến của các đại diện được chỉ định bởi các nhóm chính trị có ghế tại Nghị viện và ý kiến của Chủ tịch Hạ viện.
(2) Ứng cử viên được đề cử theo quy định của khoản trên sẽ trình Hạ viện chương trình chính trị của Chính phủ do mình chuẩn bị và sẽ được Hạ viện xem xét tín nhiệm.
(3) Nếu Hạ nghị viện chấp thuận ứng cử viên đã nêu bằng cách bỏ phiếu tín nhiệm với một đa số phiếu tuyệt đối, thì Nhà vua sẽ bổ nhiệm người đó làm Thủ tướng. Nếu không đạt tỉ lệ tín nhiệm đa số tuyệt đối, một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm mới sẽ được tổ chức sau cuộc bỏ phiếu lần đầu 48 giờ và ứng cử viên sẽ được xem là nhận được sự tín nhiệm của Hạ viện nếu nhận được sự ủng hộ của một đa số phiếu thông thường của thành viên Hạ viện.
(4) Nếu sau cuộc bỏ phiếu này, ứng cử viên vẫn không nhận được sự tín nhiệm cần thiết của Hạ viện, một đề cử tiếp theo sẽ được thực hiện theo cách thức được quy định trong các khoản trên đây.
(5) Nếu trong vòng hai tháng kể từ cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đầu tiên mà không có ứng cử viên nhận được sự chấp thuận của Hạ viện, Nhà vua sẽ ra lệnh giải tán cả hai Viện và kêu gọi cuộc bầu cử mới với sự tiếp ký của Chủ tịch Hạ nghị viện.
Điều 100
Nhà Vua bổ nhiệm và miễn nhiệm các thành viên khác của Chính phủ theo đề nghị của Thủ tướng.
Điều 101
(1) Chính phủ sẽ giải tán sau khi tổ chức tổng tuyển cử, hoặc khi bị Hạ viện bỏ phiếu bất tín nhiệm theo quy định tại Hiến pháp, hoặc trong trường hợp Thủ tướng từ chức hoặc qua đời.
(2) Chính phủ sắp mãn nhiệm sẽ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ cho đến khi Chính phủ mới nhậm chức.
Điều 102
(1) Trong trường hợp phạm tội, Thủ tướng và các thành viên khác của Chính phủ phải chịu trách nhiệm hình sự trước Tòa Hình sự của Tòa án tối cao.
(2) Nếu là tội phản quốc hay bất kỳ hành vi phạm tội chống lại an ninh quốc gia nào khác vi phạm trong thời gian thực thi nhiệm vụ, thì những người này chỉ bị truy tố khi có kiến nghị của một phần tư số Hạ nghị sĩ và kiến nghị đó phải được một đa số tuyệt đối các thành viên của Hạ viện thông qua.
(3) Các đặc quyền được hưởng ân xá của Hoàng gia không áp dụng cho bất kỳ trường hợp nào theo quy định tại điều này.
Điều 103
(1) Cơ quan hành chính công có trách nhiệm phục vụ lợi ích chung theo tinh thần khách quan và phải hành động theo nguyên tắc hiệu quả, phân cấp, phân quyền, phân bổ và phối hợp, và phải hoàn toàn tuân thủ pháp luật.
(2) Các cơ quan hành chính Nhà nước được thiết lập, chỉ đạo và phối hợp theo các quy định của luật.
(3) Địa vị pháp lý của công chức, việc tuyển dụng vào khu vực dịch vụ công trên cơ sở các nguyên tắc xem xét năng lực và tính xứng đáng, các đặc thù đối với việc thực hiện quyền tham gia công đoàn, các trường hợp không đủ năng lực công tác và các bảo đảm về tính công bằng trong việc thực thi nhiệm vụ sẽ do luật định.
Điều 104
(1) Các Lực lượng an ninh và cảnh sát dưới quyền của Chính phủ có nhiệm vụ bảo vệ sự tự do thực hiện các quyền và tự do của công dân, đảm bảo sự an toàn cho các công dân.
(2) Một đạo luật cơ bản sẽ quy định cụ thể nhiệm vụ, các nguyên tắc cơ bản của hoạt động và quy chế của các Lực lượng an ninh và cảnh sát.
Điều 105
Luật sẽ quy định:
a) Việc lắng nghe ý kiến của công dân trong quá trình xây dựng các quy định hành chính ảnh hưởng đến họ một cách trực tiếp hoặc thông qua các tổ chức và các hiệp hội được pháp luật công nhận.
b) Việc công dân được phép tiếp cận các dữ liệu và các hồ sơ hành chính, ngoại trừ trường hợp chúng có thể liên quan đến an ninh quốc phòng của đất nước, việc điều tra tội phạm và sự riêng tư của các cá nhân.
c) Các thủ tục tiến hành các hoạt động hành chính với các biện pháp bảo đảm phù hợp để lắng nghe các bên có lợi ích liên quan khi thích hợp.
Điều 106
(1) Toà án giám sát quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật và tính hợp pháp của các hành vi hành chính cũng như sự phù hợp của các hành vi hành chính đối với các mục tiêu mà nó hướng tới.
(2) Theo quy định của luật, các cá nhân được bồi thường cho bất kỳ tổn hại nào liên quan đến tài sản và các quyền của mình do hoạt động của cơ quan công quyền đưa lại, ngoại trừ các trường hợp bất khả kháng.
Điều 107
Hội đồng Nhà nước là cơ quan tư vấn tối cao của Chính phủ. Một đạo luật cơ bản sẽ quy định về thành viên và các điều khoản tham chiếu của Hội đồng.
PHẦN V:
MỐI QUAN HỆ GIỮA CHÍNH PHỦ VÀ NGHỊ VIỆN
Điều 108
Chính phủ liên đới chịu trách nhiệm trước Hạ viện cho việc thực hiện hoạt động chính trị của mình.
Điều 109
Các Viện và các Ủy ban, thông qua Chủ tịch tương ứng của mình, có thể yêu cầu bất kỳ loại thông tin và sự trợ giúp nào mà họ có thể cần từ Chính phủ và các Bộ và từ bất kỳ cơ quan có thẩm quyền nào của Nhà nước và các cộng đồng tự trị.
Điều 110
(1) Các Viện và các Ủy ban của mình có thể triệu tập các thành viên của Chính phủ.
(2) Các thành viên của Chính phủ có quyền tham dự các phiên họp của hai Viện và các Ủy ban, được tham gia phát biểu tại các phiên họp đó và có thể yêu cầu các công chức của các Bộ báo cáo trước các phiên họp đó.
Điều 111
(1) Chính phủ và các thành viên của mình phải trả lời các câu hỏi chất vấn tại các Viện. Nội quy của các Viện sẽ quy định về khoảng thời gian tối thiểu hàng tuần dành cho hình thức này.
(2) Việc chất vấn có thể làm phát sinh một bản kiến nghị mà trong đó các Viện nói lên quan điểm của mình.
Điều 112
Thủ tướng Chính phủ, sau khi thảo luận với Hội đồng Bộ trưởng, có thể yêu cầu Hạ viện bỏ phiếu tín nhiệm để ủng hộ chương trình hoặc một tuyên bố chính sách chung của mình. Chính phủ được xem là nhận được sự tín nhiệm nếu được đa số phiếu thông thường của các Hạ nghị sĩ ủng hộ.
Điều 113
(1) Hạ viện có thể đặt ra trách nhiệm chính trị của Chính phủ bằng việc thông qua một bản kiến nghị khiển trách theo một đa số tuyệt đối các Hạ nghị sĩ.
(2) Bản kiến nghị khiển trách phải được ít nhất một phần mười tổng số các Hạ nghị sĩ đề xuất và đề xuất này phải chỉ rõ ứng cử viên cho chức vụ Thủ tướng Chính phủ.
(3) Việc biểu quyết về kiến nghị khiển trách chỉ có thể được diễn ra sau thời hạn năm ngày kể từ khi nó được đệ trình. Trong hai ngày đầu tiên của thời hạn này, bản kiến nghị thay thế có thể được đệ trình.
(4) Nếu bản kiến nghị khiển trách không được Hạ viện thông qua, những người đã đứng tên ký bản kiến nghị đó không được trình một bản khác cho đến khi kỳ họp hiện thời kết thúc.
Điều 114
(1) Nếu Hạ nghị viện bất tín nhiệm Chính phủ, Chính phủ phải nộp đơn từ chức tới Nhà Vua, và sau đó thủ tục đề cử Thủ tướng Chính phủ mới sẽ được thực hiện theo quy định tại Điều 99.
(2) Nếu Hạ viện thông qua một bản kiến nghị khiển trách, Chính phủ sẽ phải gửi đơn từ chức của mình tới nhà Vua. Ứng cử viên được đề xuất trong bản kiến nghị được coi là đã nhận được sự tín nhiệm của Hạ viện với mục đích được nêu tại Điều 99. Nhà vua sẽ bổ nhiệm người đó làm Thủ tướng Chính phủ.
Điều 115
(1) Thủ tướng Chính phủ, sau khi thảo luận với Hội đồng Bộ trưởng và với trách nhiệm cá nhân của mình, có thể đề xuất giải tán Hạ viện, Thượng viện hoặc Nghị viện. Đề nghị này sẽ được Nhà vua công bố. Sắc lệnh tuyên bố giải tán này cũng đồng thời phải ấn định một thời điểm cho cuộc bầu cử mới.
(2) Việc đề xuất giải tán không được chấp thuận khi một bản kiến nghị khiển trách đang chờ được giải quyết.
(3) Trong thời hạn một năm kể từ khi có một đề xuất giải tán, không được phép có các đề xuất giải tán khác, trừ trường hợp theo quy định tại khoản 5 Điều 99.
Điều 116
(1) Một đạo luật cơ bản sẽ quy định về tình trạng khẩn cấp, báo động và thiết quân luật cùng các quyền hạn và hạn chế đi kèm theo chúng.
(2) Tình trạng báo động do Chính phủ công bố bằng một sắc lệnh do Hội đồng Bộ trưởng thông qua và được áp dụng trong thời gian tối đa là mười lăm ngày. Hạ viện sẽ được thông báo và phải nhóm họp ngay lập tức, và nếu không có sự cho phép của Hạ viện thì thời hạn nói trên không thể được gia hạn. Sắc lệnh công bố trình trạng báo động phải quy định cụ thể vùng lãnh thổ mà việc tuyên bố được áp dụng.
(3) Tình trạng khẩn cấp do Chính phủ công bố bằng một sắc lệnh do Hội đồng Bộ trưởng thông qua và phải có sự chấp thuận trước của Hạ nghị viện. Việc chấp thuận và công bố tình trạng khẩn cấp phải nêu cụ thể những tác động của nó, không gian mà nó được áp dụng và thời gian áp dụng không được vượt quá ba mươi ngày. Thời gian áp dụng có thể được phép gia hạn tiếp trong vòng ba mươi ngày theo đúng yêu cầu về thủ tục như trên.
(4) Tình trạng thiết quân luật do Hạ nghị viện công bố dựa trên đề xuất của Chính phủ và phải được đa số phiếu tuyệt đối các Hạ nghị sỹ thông qua. Hạ viện sẽ quyết định mở rộng phạm vi, thời hạn áp dụng và các điều khoản áp dụng.
(5) Hạ viện không thể bị giải tán khi có một tình trạng được đề cập đến tại Điều này đang được áp dụng, và nếu các Viện đang trong thời gian giữa các kỳ họp thì các Viện phải được tự động triệu tập. Chức năng của các Viện cũng như của các cơ quan nhà nước hiến định khác, không thể bị gián đoạn khi bất kỳ một tình trạng nào kể trên đang được áp dụng.
Trong trường hợp Hạ viện đã bị giải thể hoặc nhiệm kì của nó đã kết thúc, nếu có một tình huống phát sinh dẫn đến việc phải áp dụng một trong các tình trạng kể trên, thì quyền hạn của Hạ viện sẽ do Ban thường trực của Hạ viện thực hiện.
(6) Tuyên bố tình trạng khẩn cấp, báo động và thiết quân luật không ảnh hưởng đến các nguyên tắc về tính chịu trách nhiệm của Chính phủ hoặc các cơ quan của Chính phủ như đã được ghi nhận trong Hiến pháp và các đạo luật.
PHẦN VI:
QUYỀN TƯ PHÁP
Điều 117
(1) Công lý bắt nguồn từ nhân dân và được thực thi nhân danh Nhà vua bởi các thẩm phán và các quan tòa thuộc nhánh quyền lực tư pháp với vị trí độc lập, có nhiệm kỳ cố định, chịu trách nhiệm trực tiếp đối với hành vi của mình, và chỉ tuân theo pháp luật.
(2) Các thẩm phán và quan tòa chỉ có thể bị miễn nhiệm, đình chỉ, chuyển công tác hoặc nghỉ hưu trên cơ sở và tuân theo các biện pháp bảo vệ luật định.
(3) Việc thực thi thẩm quyền tư pháp trong bất kỳ loại hình hoạt động nào, cả trong việc phán quyết và thực thi bản án, được trao độc quyền cho các tòa án theo luật định, phù hợp với các quy tắc về thẩm quyền và thủ tục có thể được thiết lập trong đó .
(4) Thẩm phán và các tòa án không được thực hiện bất cứ quyền hạn nào khác ngoài những quyền được chỉ ra trong các khoản trên và những quyền luật định dành cho thẩm phán và các tòa án một cách rõ ràng như là một sự bảo đảm để thực hiện các quyền hạn.
(5) Nguyên tắc thống nhất quyền tài phán là nền tảng của việc tổ chức và hoạt động của các tòa án. Luật phải quy định việc thực hiện thẩm quyền tài phán quân sự một cách chặt chẽ trong phạm vi quân đội và trong trường hợp có tình trạng thiết quân luật, theo các nguyên tắc của Hiến pháp.
(6) Các tòa án ngoại lệ đều bị cấm.
Điều 118
Việc thi hành theo các bản án và phán quyết cuối cùng của các thẩm phán và tòa án, và việc phải hỗ trợ thẩm phán và tòa án theo yêu cầu trong quá trình xét xử và thi hành bản án là bắt buộc.
Điều 119
Việc thực hiện các thủ tục tư pháp là miễn phí theo các trường hợp luật định và trong trường hợp đối với những người không có đủ khả năng để khởi kiện tại tòa án.
Điều 120
(1) Trình tự tố tụng tư pháp phải được công khai, trừ các trường hợp ngoại lệ đã được quy định trong các đạo luật về tố tụng.
(2) Thủ tục tố tục chủ yếu được thực hiện qua phát ngôn trực tiếp, đặc biệt là trong các vụ án hình sự.
(3) Bản án luôn luôn phải có căn cứ và phải được tuyên trong một buổi xét xử công khai.
Điều 121
Thiệt hại gây ra bởi các sai sót tư pháp cũng như phát sinh từ sự bất thường trong việc thực thi công lý sẽ được Nhà nước bồi thường phù hợp với các quy định của luật.
Điều 122
(1) Đạo luật cơ bản về Thẩm quyền tư pháp phải quy định về việc thành lập, hoạt động và quản lý nội bộ của tòa án cũng như về địa vị pháp lý của các thẩm phán và quan tòa chuyên nghiệp, là những người có vị trí như một cơ quan độc lập, và các nhân viên phục vụ trong việc thực thi công lý.
(2) Đại Hội đồng Tư pháp là cơ quan điều hành quyền lực tư pháp. Một đạo luật cơ bản sẽ quy định về địa vị của Đại hội đồng và các trường hợp mất tư cách thành viên áp dụng cho các thành viên, đặc biệt là về các vấn đề liên quan đến việc bổ nhiệm, đề bạt, thanh tra và hệ thống xử lý kỷ luật.
(3) Đại Hội đồng Tư pháp bao gồm Chánh án Tòa án Tối cao, đồng thời là người người chủ trì Đại hội đồng, và hai mươi thành viên do Nhà vua chỉ định theo nhiệm kỳ năm năm. Trong đó, mười hai người là thẩm phán và quan tòa của tất cả các lĩnh vực theo quy định của đạo luật cơ bản, bốn người do Hạ viện và bốn người do Thượng viện đề cử theo hình thức bầu chọn trong số các luật sư và luật gia có kiến thức với hơn 15 năm thâm niên nghề nghiệp. Việc bầu chọn ở cả Hạ viện và Thượng viện để đề cử đều đòi hỏi phải được ba phần năm tổng số thành viên của mỗi Viện chấp thuận.
Điều 123
(1) Tòa án Tối cao, có thẩm quyền đối với toàn bộ lãnh thổ Tây Ban Nha, là cơ quan xét xử cao nhất trong tất cả các lĩnh vực tư pháp, trừ các quy định liên quan đến việc đảm bảo hiến pháp.
(2) Chánh án Tòa án tối cao do Nhà vua bổ nhiệm theo đề xuất của Đại Hội đồng tư pháp theo cách thức luật định.
Điều 124
(1) Trong phạm vi không ảnh hưởng đến nhiệm vụ, quyền hạn đã được giao cho các cơ quan Nhà nước khác, Cơ quan Công tố, tự mình hoặc theo yêu cầu của các bên có lợi ích liên quan, có nhiệm vụ thúc đẩy các hoạt động tư pháp để bảo vệ nhà nước pháp quyền, quyền công dân và các lợi ích công cộng được luật pháp bảo vệ, cũng như bảo vệ sự độc lập của các tòa án và đảm bảo các lợi ích của xã hội trước tòa,
(2) Cơ quan Công tố thực hiện nhiệm vụ của mình qua các cơ quan trực thuộc phù hợp với nguyên tắc thống nhất hoạt động và tuân thủ thứ bậc, luôn luôn chịu sự chi phối của các nguyên tắc của nhà nước pháp quyền và của sự công bằng.
(3) Quy chế tổ chức của Cơ quan Công tố do luật định.
(4) Công tố viên Nhà nước do Nhà vua bổ nhiệm theo đề nghị của Chính phủ sau khi đã tham khảo ý kiến với Đại Hội đồng tư pháp.
Điều 125
Công dân có thể thực hiện các hoạt động chung và tham dự vào việc thực thi công lý thông qua bồi thẩm đoàn theo cách thức luật định trong những phiên tòa hình sự, cũng như trong các phiên tòa theo phong tục, tập quán.
Điều 126
Cảnh sát tư pháp có trách nhiệm báo cáo với các thẩm phán, tòa án và Cơ quan công tố khi thực hiện nhiệm vụ điều tra tội phạm và phát hiện, bắt giữ người phạm tội theo các điều khoản luật định.
Điều 127
(1) Thẩm phán, các quan tòa và các công tố viên, trong khi đương nhiệm, không được đảm nhận các chức vụ công quyền nào khác cũng như không được tham gia các đảng phái chính trị, các tổ chức công đoàn. Một đạo luật sẽ quy định về hệ thống và phương thức hoạt động của các hiệp hội nghề nghiệp cho các thẩm phán, quan tòa và công tố viên.
(2) Một đạo luật sẽ quy định về các trường hợp mất tư cách thành viên của các thành viên của cơ quan tư pháp. Các quy định này phải phải đảm bảo vị trí độc lập hoàn toàn của họ.
PHẦN VII:
KINH TẾ VÀ TÀI CHÍNH
Điều 128
(1) Sự thịnh vượng chung của đất nước cho dù dưới các hình thức khác nhau, thuộc các quyền sở hữu khác nhau, đều được xem là lợi ích chung.
(2) Các sáng kiến công cộng trong hoạt động kinh tế được công nhận. Các nguồn lực hoặc dịch vụ thiết yếu có thể được dành riêng cho khu vực công thực hiện, đặc biệt là các trường hợp độc quyền theo quy định của pháp luật. Tương tự như vậy, sự can thiệp của nhà nước vào các công ty có thể được áp dụng để đáp ứng các đòi hỏi của lợi ích cộng đồng.
Điều 129
(1) Pháp luật phải thiết lập các hình thức tham gia của người dân vào hệ thống an sinh xã hội và trong các hoạt động của các cơ quan công quyền có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống hoặc phúc lợi chung.
(2) Các cơ quan công quyền phải thúc đẩy một cách hiệu quả các hình thức khác nhau của việc tham gia kinh doanh và khuyến khích xã hội hợp tác bằng các quy định pháp luật phù hợp. Các cơ quan công quyền cũng phải thiết lập các phương tiện để tạo điều kiện tiếp cận quyền sở hữu tư liệu sản xuất của người lao động.
Điều 130
(1) Các cơ quan công quyền có trách nhiệm thúc đẩy việc hiện đại hóa và phát triển của tất cả các lĩnh vực kinh tế, đặc biệt là nông nghiệp, chăn nuôi, đánh bắt cá và thủ công mỹ nghệ, để đảm bảo tiêu chuẩn sống của tất cả các người Tây Ban Nha ở cùng mức như nhau.
(2) Đối với cùng một mục đích, các khu vực miền núi phải được đối xử đặc biệt.
Điều 131
(1) Nhà nước được quyền ban hành một đạo luật về kế hoạch hoạt động kinh tế chung nhằm đáp ứng nhu cầu tập thể, cân bằng và hài hoà sự phát triển giữa các khu vực và các ngành, kích thích tăng trưởng thu nhập và sự thịnh vượng và sự phân phối công bằng.
(2) Chính phủ soạn thảo các dự án kế hoạch phù hợp với dự báo do các cộng đồng tự trị cung cấp và với sự cố vấn và hợp tác của các công đoàn và các tổ chức nghề nghiệp, các tổ chức tài chính và các tổ chức của người sử dụng lao động. Một Hội đồng sẽ được thiết lập để phục vụ cho mục đích này với các thành viên và nhiệm vụ do luật định.
Điều 132
(1) Luật phải quy định về việc quản lý tài sản công cộng và địa phương theo hướng các tài sản đó là bất khả xâm phạm, không được chuyển nhượng, không được thế chấp và không bị tịch biên.
(2) Trong bất kỳ trường hợp nào, tài sản công theo quy định của luật, bao gồm vùng biển, vùng lãnh hải và các nguồn tài nguyên thiên nhiên trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.
(3) Luật sẽ quy định về tài sản cố định của nhà nước và các di sản quốc gia cũng như việc bảo vệ, quản lý và bảo tồn các tài sản này.
Điều 133
(1) Quyền đặt ra các thứ thuế bằng pháp luật chỉ thuộc về Nhà nước.
(2) Các cộng đồng tự trị và Hội đồng địa phương có thể đặt ra các thứ thuế và tiền thuế phù hợp với quy định của Hiến pháp và luật.
(3) Bất kỳ lợi ích tài chính nào ảnh hưởng đến các loại thuế của Nhà nước chỉ được đặt ra theo quy định của luật.
(4) Cơ quan hành chính nhà nước chỉ được chịu trách nhiệm tài chính theo hợp đồng và tiến hành chi tiêu theo các quy định của luật.
Điều 134
(1) Chính phủ dự thảo Ngân sách nhà nước trình Nghị viện thẩm tra, sửa đổi và thông qua.
(2) Ngân sách nhà nước được dự thảo hàng năm bao gồm toàn bộ nguồn thu và nguồn chi của khu vực công của Nhà nước và số lợi nhuận tài chính ảnh hưởng đến thuế Nhà nước.
(3) Trước khi ngân sách của năm trước hết hạn ít nhất là ba tháng, Chính phủ phải trình dự thảo Ngân sách nhà nước tới Hạ viện.
(4) Nếu dự thảo Ngân sách không được thông qua trước ngày đầu tiên của năm tài chính tương ứng, ngân sách của năm tài chính trước đó sẽ được tự động gia hạn cho đến khi ngân sách mới được chấp thuận.
(5) Sau khi dự thảo Ngân sách đã được thông qua, Chính phủ có thể trình dự thảo luật làm phát sinh chi tiêu hoặc giảm nguồn thu trong năm tài chính tương ứng.
(6) Các dự luật hoặc các sửa đổi không do chính phủ trình làm phát sinh chi tiêu hoặc giảm nguồn thu ngân sách đều phải có sự chấp thuận trước của Chính phủ trước khi được thông qua.
(7) Luật Ngân sách không được đặt ra các loại thuế mới. Luật này có thể sửa đổi các sắc thuế trong trường hợp đạo luật về nội dung sắc thuế đó cho phép.
Điều 135
(1) Chính phủ chỉ được phát hành trái phiếu nợ công hoặc kí kết các hợp đồng vay mượn khi được luật cho phép.
(2) Các khoản vay để trả lãi và vốn của các khoản nợ quốc gia luôn luôn được coi là nằm trong chi tiêu ngân sách và không thể bị sửa đổi hoặc thay đổi khi chúng được sử dụng phù hợp với các điều khoản vay mượn.
Điều 136
(1) Tòa kiểm toán là cơ quan tối cao chịu trách nhiệm kiểm toán tài khoản quốc gia và việc quản lý tài chính của Nhà nước cũng như của khu vực công.
Tòa kiểm toán chịu trách nhiệm trực tiếp trước Nghị viện và thực hiện nhiệm vụ kiểm tra và xác minh các tài khoản quốc gia chung của mình qua các đoàn kiểm toán.
(2) Các tài khoản quốc gia và tài khoản của các cơ quan thuộc khu vực công phải được nộp cho Tòa kiểm toán để tiến hành kiểm toán.
Trong phạm vi không ảnh hưởng đến thẩm quyền riêng của mình Tòa kiểm toán có trách nhiệm gửi báo cáo hàng năm tới Nghị viện để thông báo về ý kiến của mình đối với các hành vi vi phạm nếu có hoặc các trách nhiệm pháp lý nào có thể được phát sinh.
(3) Thành viên của Tòa kiểm toán có vị trí độc lập và có nhiệm kỳ cố định cũng như phải chấp hành các quy định về các trường hợp không đủ tư cách thành viên như đối với thẩm phán.
(4) Một đạo luật cơ bản sẽ quy định về tổ chức, tư cách thành viên và các nhiệm vụ của Tòa Kiểm toán.
PHẦN VIII:
TỔ CHỨC LÃNH THỔ NHÀ NƯỚC
Chương 1:
CÁC NGUYÊN TẮC CHUNG
Điều 137
Nhà nước được tổ chức theo lãnh thổ thành các thành phố, tỉnh và các cộng đồng tự trị. Tất cả các cơ quan này được hưởng chế độ tự trị đối với việc quản lý các lợi ích tương ứng của mình.
Điều 138
(1) Nhà nước bảo đảm thực hiện có hiệu quả các nguyên tắc đoàn kết được tuyên bố tại Điều 2 của Hiến pháp bằng cách nỗ lực thiết lập sự cân bằng về kinh tế một cách công bằng và đầy đủ giữa các khu vực khác nhau trên lãnh thổ Tây Ban Nha trong đó đặc biệt xem xét đến các khu vực hải đảo.
(2) Sự khác biệt giữa Quy chế của các cộng đồng tự trị khác nhau không hàm chứa đặc quyền kinh tế hoặc xã hội.
Điều 139
(1) Tất cả công dân Tây Ban Nha có các quyền và nghĩa vụ như nhau trong bất kỳ phần lãnh thổ nào của đất nước.
(2) Không chính quyền nào được áp dụng các biện pháp trực tiếp hoặc gián tiếp cản trở quyền tự do đi lại và định cư của người dân và tự do giao thương hàng hoá trên toàn lãnh thổ Tây Ban Nha.
Chương 2:
CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG
Điều 140
Hiến pháp đảm bảo quyền tự trị của các thành phố. Các thành phố này được hưởng đầy đủ tư cách pháp nhân. Chính quyền và quyền hành chính của các thành phố được trao cho Hội đồng thành phố, bao gồm thị trưởng và các thành viên hội đồng. Các thành viên Hội đồng được cư dân của thành phố bầu ra thông qua bầu cử phổ thông, công bằng, tự do và kín theo cách thức luật định. Các thị trưởng có thể do các thành viên hội đồng bầu ra hoặc do cư dân thành phố trực tiếp bầu ra. Luật sẽ đặt ra các quy định để đảm bảo tính mở trong hoạt động của các Hội đồng.
Điều 141
(1) Tỉnh là một thực thể địa phương có tư cách pháp nhân riêng bao gồm một số các thành phố tự trị và các khu vực lãnh thổ được chỉ định để thực hiện các hoạt động của Nhà nước. Bất kỳ thay đổi địa giới tỉnh nào đều phải được sự chấp thuận bởi Nghị viện theo một đạo luật cơ bản.
(2) Chính quyền và quyền hành chính tự trị của các tỉnh được giao cho Hội đồng cấp tỉnh hoặc các hình thức Hội đồng khác có tính chất đại diện thực hiện.
(3) Có thể có các nhóm thành phố tự trị không hình thành nên một tỉnh.
(4) Trong các quần đảo, mỗi đảo cũng có chính quyền theo hình thức Cabildo hoặc Hội đồng đảo.
Điều 142
Ngân sách địa phương phải có đủ ngân khố để thực hiện các nhiệm vụ được giao cho các Hội đồng tương ứng theo quy định của luật. Ngân sách địa phương được đóng góp chủ yếu bởi thuế của địa phương mình và phần chia từ thuế Nhà nước cũng như từ các cộng đồng tự trị.
Chương 3:
CÁC CỘNG ĐỒNG TỰ TRỊ
Điều 143
(1) Trong việc thực hiện quyền tự trị được quy định tại Phần 2 của Hiến pháp, các tỉnh giáp nhau có chung đặc điểm lịch sử, văn hóa và kinh tế, vùng lãnh thổ hải đảo và các tỉnh có chung khu vực lịch sử có thể cùng nhau lập nên cộng đồng tự trị và chính phủ tự trị phù hợp với quy định trong phần này và các Quy chế tương ứng.
(2) Quyền khởi xướng quy trình thành lập chính phủ tự trị thuộc về tất cả các Hội đồng cấp tỉnh có liên quan hoặc các cơ quan liên đảo tương ứng cùng với 2/3 số các thành phố có dân số chiếm đa số số cử tri của mỗi tỉnh hoặc hải đảo. Những yêu cầu này phải được đáp ứng trong vòng sáu tháng kể từ khi một trong các hội đồng địa phương nhất trí thông qua thỏa thuận về việc thành lập cộng đồng tự trị này.
(3) Nếu việc khởi xướng thất bại, chỉ được khởi xướng lại thủ tục này sau thời hạn năm năm.
Điều 144
Vì lợi ích quốc gia, thông qua một đạo luật cơ bản, Nghị viện có thể:
a) Chấp thuận cho phép thành lập một cộng đồng tự trị với lãnh thổ không vượt quá lãnh thổ của một tỉnh và không có các đặc điểm được nêu tại khoản 1, Điều 143.
b) Tùy từng trường hợp cụ thể, cho phép ban hành hoặc chấp thuận quy chế tự trị của các vùng lãnh thổ không thuộc tổ chức của các đơn vị cấp tỉnh.
c) Thực hiện quyền khởi xướng được đề cập tại khoản 2, Điều 143 thay cho các Hội đồng địa phương.
Điều 145
(1) Trong mọi trường hợp, việc thành lập liên minh các cộng đồng tự trị là không được phép.
(2) Quy chế tự trị có thể quy định các trường hợp, các yêu cầu và các điều kiện theo đó các cộng đồng tự trị có thể thoả thuận với nhau về việc quản lý và thực hiện các dịch vụ thuộc phạm vi thẩm quyền của mình, cũng như về các tính chất và tác động của những thông báo được chuyển tới Nghị viện. Trong tất cả các trường hợp khác, thỏa thuận hợp tác giữa các cộng đồng tự trị yêu cầu phải có sự chấp thuận của Nghị viện.
Điều 146
Dự thảo Quy chế tự trị do một hội đồng bao gồm các thành viên của Hội đồng cấp tỉnh hoặc cơ quan liên đảo của các tỉnh liên quan và các Hạ nghị sĩ, Thượng nghị sĩ được bầu ở các tỉnh đó soạn thảo. Dự thảo sau đó sẽ được gửi đến Nghị viện như một dự thảo luật.
Điều 147
(1) Trong phạm vi các điều khoản của Hiến pháp hiện tại, Quy chế tự trị là quy tắc thể chế cơ bản của mỗi cộng đồng tự trị và Nhà nước công nhận và bảo vệ chúng như là một phần của hệ thống pháp luật.
(2) Quy chế tự trị phải bao gồm các nội dung sau:
a) Tên của cộng đồng phù hợp nhất với bản sắc lịch sử.
b) Ranh giới lãnh thổ.
c) Tên, tổ chức và vị trí của các tổ chức tự trị thuộc cộng đồng.
d) Các quyền hạn được trao trong khuôn khổ đặt ra bởi Hiến pháp và các quy tắc cơ bản cho việc chuyển giao các nhiệm vụ tương ứng.
(3) Việc sửa đổi Quy chế tự trị phải được tiến hành theo các thủ tục do Quy chế quy định và phải được Nghị viện thông qua như một đạo luật cơ bản.
Điều 148
(1) Các cộng đồng tự trị có các thẩm quyền sau đây:
i) Tổ chức các thiết chế trong chính quyền tự trị;
ii) Thay đổi địa giới thành phố trong phạm vi lãnh thổ của cộng đồng tự trị và các chức năng quản lý hành chính nhà nước thuộc Hội đồng địa phương mà việc chuyển giao các chức năng này được cho phép bởi pháp luật về chính quyền địa phương;
iii) Quy định về lãnh thổ, đô thị hóa và nhà ở;
iv) Công việc công vì lợi ích của cộng đồng tự trị trong phạm vi lãnh thổ của cộng đồng;
v) Đường sắt và đường bộ nằm hoàn toàn trong lãnh thổ của cộng đồng tự trị và việc vận tải bằng các phương tiện nói trên hoặc bằng cáp trong các điều kiện tương tự;
vi) Bến ẩn náu tàu thuyền, bến tàu giải trí, sân bay và nói chung là những địa điểm không tham gia vào các hoạt động thương mại.
vii) Nông nghiệp và chăn nuôi gia súc phù hợp với quy hoạch kinh tế chung;
viii) Đất trồng rừng và lâm nghiệp;
ix) Bảo vệ môi trường;
x) Quy hoạch, xây dựng và khai thác các dự án thủy điện, kênh mương, thuỷ lợi và tưới tiêu vì lợi ích của cộng đồng tự trị; các nguồn nước khoáng và nước nóng;
xi) Đánh bắt thủy sản nội địa, săn bắt và đánh cá trên sông;
xii) Các hội chợ địa phương;
xiii) Khuyến khích phát triển kinh tế của cộng đồng tự trị theo các mục tiêu do chính sách kinh tế quốc gia đề ra;
xiv) Thủ công mỹ nghệ;
xv) Bảo tàng, thư viện và các nhạc viện vì lợi ích của cộng đồng tự
trị;
xvi) Quản lý các công trình kỉ niệm của khu tự trị;
xvii) Thúc đẩy văn hóa, nghiên cứu và giảng dạy của các ngôn ngữ của cộng đồng tự trị;
xviii) Xúc tiến và quy hoạch du lịch trong khu vực lãnh thổ của mình;
xix) Thúc đẩy các hoạt động thể thao và sử dụng hợp lý các hình thức vui chơi giải trí;
xx) Trợ giúp xã hội;
xxi) Y tế và vệ sinh;
xxii) Giám sát và bảo vệ các tòa nhà và kho quân sự. Thực hiện việc điều hòa và các chức năng khác liên quan đến lực lượng cảnh sát địa phương theo các điều khoản của một đạo luật cơ bản.
(2) Sau năm năm, các cộng đồng tự trị có thể sửa đổi, bổ sung Quy chế tự trị để từng bước mở rộng quyền hạn của mình trong khuôn khổ quy định tại Điều 149.
Điều 149
(1) Nhà nước có thẩm quyền riêng đối với các vấn đề sau đây:
i) Quy định điều kiện cơ bản đảm bảo sự bình đẳng của tất cả công dân Tây Ban Nha trong việc thực hiện các quyền và hoàn thành các nghĩa vụ hiến định của họ;
ii) Quốc tịch, nhập cư, di dân, địa vị của người nước ngoài và quyền tị nạn;
iii) Quan hệ quốc tế;
iv) Quốc phòng và các lực lượng vũ trang;
v) Thực hiện quyền tư pháp;
vi) Thương mại, pháp luật hình sự và cải tạo, pháp luật tố tụng. Các quy định này không được ảnh hưởng đến các đặc thù cần thiết phát sinh từ những quy định cụ thể của luật nội dung do các cộng đồng tự trị ban hành ;
vii) Đặt ra pháp luật về lao động mà không ảnh hưởng đến việc chấp hành của các cơ quan trực thuộc các cộng đồng tự trị ;
viii) Đặt ra pháp luật dân sự, trong phạm vi không ảnh hưởng đến việc bảo tồn, chỉnh lý và phát triển các bộ luật tục hoặc các quy định dân sự đặc biệt nếu có của cộng đồng tự trị ; đồng thời không ảnh hưởng đến các quy tắc liên quan đến việc áp dụng và hiệu quả của các quy định của pháp luật, mối quan hệ pháp lý dân sự phát sinh từ hình thức hôn nhân, các thủ tục đăng ký, nền tảng của trách nhiệm hợp đồng, các quy tắc giải quyết xung đột pháp luật, và cách thức xác định nguồn pháp luật phù hợp, các quy định của luật truyền thống hoặc các bộ luật tục, các quy định đặc biệt;
ix) Đặt ra pháp luật về quyền tác giả và sở hữu công nghiệp;
x) Hải quan và quy định thuế quan, thương mại quốc tế;
xi) Hệ thống tiền tệ: ngoại tệ, tỷ giá và chuyển đổi, cơ sở cho việc quy định về tín dụng, ngân hàng và bảo hiểm;
xii) Đặt ra pháp luật về khối lượng, đo lường và xác định thời gian chuẩn;
xiii) Đặt ra các nguyên tắc cơ bản và điều phối các kế hoạch kinh tế chung;
xiv) Các vấn đề tài chính chung và nợ công;
xv) Khuyến khích và điều phối chung nghiên cứu khoa học và kỹ thuật;
xvi) Biện pháp y tế ngoại khoa; các điều kiện cơ bản và việc điều phối chung các vấn đề y tế; pháp luật về quản lý dược phẩm;
xvii) Đặt ra các quy định cơ bản và hệ thống tài chính về An Sinh Xã Hội trong phạm vi không ảnh hưởng đến việc thực hiện các dịch vụ công của các cộng đồng tự trị;
xviii) Đặt ra các nguyên tắc cơ bản của hệ thống pháp luật về hành chính nhà nước và địa vị pháp lý của công chức để đảm bảo trong mọi trường hợp tất cả mọi công dân đều nhận được đối xử bình đẳng; thủ tục hành chính chung trong phạm vi không ảnh hưởng đến các đặc thù về tổ chức của các cộng động tự trị; pháp luật về trưng thu; pháp luật cơ bản về hợp đồng và ân giảm hành chính và hệ thống ràng buộc trách nhiệm của tất cả các cơ quan hành chính công;
xix) Đánh bắt hải sản trong phạm vi không làm phương hại đến các quyền hạn có thể được giao cho các cộng đồng tự trị theo các quy định trong lĩnh vực này;
xx) Thương mại hàng hải và đăng ký tàu; đèn biển và các tín hiệu trên biển; cảng vì lợi ích chung; sân bay vì lợi ích chung; kiểm soát không gian; hàng thông và vận chuyển hàng không; dịch vụ khí tượng và đăng ký máy bay;
xxi) Đường sắt và vận tải đường bộ qua lãnh thổ của nhiều hơn một cộng đồng tự trị; hệ thống thông tin liên lạc chung; giao thông cơ giới; Dịch vụ bưu chính và viễn thông; cáp trên không và dưới nước và thông tin liên lạc điện đài;
xxii) Đặt ra các quy định và thực hiện sự nhượng quyền các nguồn tài nguyên nước và thực hiện các dự án đối với các dòng nước chảy qua nhiều hơn một cộng đồng tự trị; cho phép xây dựng các nhà máy thủy điện khi hoạt động của chúng tác động đến các cộng đồng tự trị khác hoặc các đường vận chuyển năng lượng được mở rộng đến các cộng đồng tự trị khác;
xxiii) Đặt ra các quy định cơ bản về bảo vệ môi trường trong phạm vi không ảnh hưởng đến quyền hạn của các cộng đồng tự trị trong việc ban hành các biện pháp bảo vệ bổ sung; đặt ra pháp luật cơ bản về đất rừng, rừng và những con đường mòn chăn nuôi gia súc;
xxiv) Công việc công vì lợi ích chung hoặc những công việc mà việc thực hiện chúng ảnh hưởng đến hơn một cộng đồng tự trị;
xxv) Đặt ra quy định cơ bản về việc khai thác mỏ và năng lượng;
xxvi) Sản xuất, bán, sở hữu và sử dụng vũ khí, chất nổ;
xxvii) Đặt ra các nguyên tắc cơ bản liên quan đến tổ chức các đài phát thanh, báo chí và truyền hình và tất cả các phương tiện truyền thông đại chúng, thông tin liên lạc nói chung trong phạm vi không ảnh hưởng đến quyền hạn của các cộng đồng tự trị trong việc phát triển và thi hành những quy định này;
xxviii) Bảo vệ di sản văn hóa và nghệ thuật Tây Ban Nha và các di tích quốc gia khỏi việc xuất khẩu và hủy hoại; bảo tàng, thư viện, và lưu trữ thuộc về nhà nước trong phạm vi không ảnh hưởng đến việc quản lý chúng bởi các cộng đồng tự trị;
xxix) An toàn công cộng trong phạm vi không ảnh hưởng đến việc các cộng đồng tự trị có thể thành lập lực lượng cảnh sát của mình theo cách thức được quy định trong Quy chế tự trị và trong khuôn khổ được đặt ra bởi một đạo luật cơ bản;
xxx) Đặt ra quy định về các điều kiện về tiêu chuẩn, để phát hành, để được cấp các bằng cấp hàn lâm hoặc trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và các quy tắc cơ bản để thực hiện Điều 27 của Hiến pháp nhằm đảm bảo việc thực hiện các nhiệm vụ của cơ quan công quyền trong vấn đề này;
xxxi) Số liệu thống kê cho các mục đích của Nhà nước;
xxxii) Tổ chức tham vấn công chúng thông qua trưng cầu ý dân.
(2) Nhà nước sẽ xem xét việc thúc đẩy văn hóa như là một nhiệm vụ và chức năng cần thiết và sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho giao tiếp văn hóa giữa các cộng đồng tự trị trên cơ sở thỏa thuận với các cộng đồng này và trong phạm vi không ảnh hưởng đến thẩm quyền các cộng đồng tự trị có thể có.
(3) Những thẩm quyền không được Hiến pháp này quy định một cách rõ ràng thuộc về Nhà nước thì có thể thuộc về cộng đồng tự trị theo quy định của Quy chế tự trị. Những thẩm quyền không được quy định trong Quy chế tự trị sẽ thuộc về Nhà nước. Pháp luật của Nhà nước sẽ được ưu tiên áp dụng trong trường hợp có sự xung đột giữa luật Nhà nước với quy định của cộng đồng tự trị về những vấn đề không thuộc thẩm quyền riêng của cộng đồng tự trị. Trong bất kỳ trường hợp nào, pháp luật của Nhà nước có giá trị bổ sung cho quy định của cộng đồng tự trị.
Điều 150
(1) Đối với những nội dung thuộc thẩm quyền của Nhà nước, Nghị viện có thể trao cho tất cả hoặc hoặc bất kỳ một cộng đồng tự trị nào quyền để thông qua quy định của cộng đồng trong khuôn khổ của các nguyên tắc, cơ sở và hướng dẫn được đặt ra bởi một đạo luật của Nhà nước. Các đạo luật được ban hành phải quy định các phương pháp để Nghị viện giám sát các quy định của các cộng đồng tự trị trong phạm vi không ảnh hưởng đến thẩm quyền của Toà án.
(2) Thông qua một đạo luật cơ bản, Nhà nước có thể chuyển quyền hoặc uỷ thác cho các cộng đồng tự trị một số quyền hạn của mình mà bản chất của chúng là có thể được chuyển giao hoặc uỷ quyền. Trong từng trường hợp cụ thể, đạo luật này phải quy định việc chuyển giao các công cụ tài chính phù hợp cũng như xác định các hình thức kiểm soát của Nhà nước.
(3) Nhà nước có thể ban hành các đạo luật đặt ra các nguyên tắc cần thiết cho việc hài hòa hóa pháp luật của các cộng đồng tự trị ngay cả đối với các vấn đề thuộc thẩm quyền đã được trao cho cộng đồng tự trị nếu đó là điều cần thiết cho lợi ích chung. Nghị viện có trách nhiệm đánh giá mức độ cần thiết này theo biểu quyết đa số tuyệt đối của các nghị sỹ mỗi Viện.
Điều 151
(1) Khi việc khởi xướng quá trình tự trị được thoả thuận trong thời hạn quy định tại Khoản 2, Điều 143, không cần thiết phải chờ khoảng thời gian năm năm như đã được quy định tại Khoản 2 Điều 148. Quy định này áp dụng cho việc khởi xướng không chỉ bởi Hội đồng cấp tỉnh tương ứng hoặc các cơ quan liên-đảo mà còn bởi 3/4 số thành phố tự trị của mỗi tỉnh có liên quan đại diện cho ít nhất là một phần hai các cử tri của mỗi thành phố, và việc khởi xướng đó được phê chuẩn trong một cuộc trưng cầu ý dân bởi đa số tuyệt đối các cử tri ở mỗi tỉnh, theo các điều khoản được đặt ra bởi một đạo luật cơ bản.
(2) Trong trường hợp quy định ở khoản trên, việc xây dựng Quy chế tự trị được thực hiện theo thủ tục như sau:
i) Chính phủ triệu tập tất cả các Hạ nghị sĩ và Thượng nghị sĩ được bầu tại các khu vực bầu cử thuộc lãnh thổ dự kiến hợp thành cộng đồng tự trị để thành lập một Hội đồng cho mục đích duy nhất là xây dựng Quy chế tự trị. Dự thảo Quy chế tự trị phải được đa số tuyệt đối các thành viên của Hội đồng thông qua;
ii) Sau khi đã được Hội đồng các nghị sĩ nói trên thông qua, dự thảo Quy chế tự trị sẽ được gửi đến Ủy ban Hiến pháp của Hạ viện để thẩm tra trong thời gian hai tháng với sự hợp tác, giúp đỡ của đại diện Hội đồng các nghị sĩ nói trên nhằm đưa ra dự thảo cuối cùng trên cơ sở thỏa thuận chung giữa hai bên;
iii) Nếu đạt được thỏa thuận như trên, dự thảo Quy chế sẽ được nhân dân tại các tỉnh trong phạm vi lãnh thổ dự kiến hợp thành cộng đồng tự trị phúc quyết thông qua một cuộc trưng cầu ý dân;
iv) Nếu dự thảo Quy chế được phúc quyết thông qua ở mỗi tỉnh bởi đa số phiếu hợp lệ, nó sẽ được trình lên Nghị viện. Mỗi Viện sẽ bỏ phiếu phê chuẩn dự thảo quy chế tại phiên họp toàn thể. Sau khi Quy chế tự trị được thông qua, Nhà vua sẽ tiến hành phê chuẩnvà ban hành nó như là một đạo luật
v) Nếu không đạt được thỏa thuận như quy định tại điểm ii) của Khoản này, quy trình xây dựng dự thảo Quy chế Tự trị ở Nghị viện sẽ được thực hiện giống như quy trình áp dụng đối với các dự thảo luật. Dự thảo Quy chế tự trị sau khi được Nghị viện thông qua sẽ được cử tri tại tỉnh dự kiến hợp thành cộng đồng tự trị phúc quyết thông qua tại một cuộc trưng cầu ý dân. Trong trường hợp nhận được sự chấp thuận của đa số phiếu hợp lệ ở mỗi tỉnh, Dự thảo Quy chế sẽ được ban hành theo quy định tại đoạn trên.
(3) Việc một hoặc một số các tỉnh không thông qua dự thảo Quy chế tự trị theo quy định tại các điểm iv) và v) của Khoản trên sẽ không ngăn cản việc các tỉnh còn lại trở thành một cộng đồng tự trị theo quy định bởi một đạo luật cơ bản được ban hành theo quy định tại Khoảnl của Điều này.
Điều 152
(1) Trong trường hợp Quy chế Tự trị đã được thông qua theo quy định ở Điều trên, các thiết chế cơ bản của chính quyền tự trị sẽ bao gồm một Hội đồng lập pháp được bầu theo phương pháp phổ thông đầu phiếu trên cơ sở một hệ thống đại diện tỷ lệ đảm bảo sự đại diện của tất cả các khu vực khác nhau của lãnh thổ; một Ủy ban chấp hành có chức năng điều hành và quản lý hành chính do Chủ tịch đứng đầu. Chủ tịch Ủy ban Chấp hành do các thành viên của Hội đồng Lập pháp bầu ra và được Nhà vua bổ nhiệm. Chủ tịch lãnh đạo Ủy ban chấp hành, đại diện tối cao cho Cộng đồng và là đại diện thường xuyên của Nhà nước tại Cộng đồng. Chủ tịch và các thành viên của Ủy ban chấp hành chịu trách nhiệm chính trị trước Hội đồng lập pháp.
Trong phạm vi không ảnh hưởng đến thẩm quyền của Tòa án Tối cao, Toà án cấp cao là cơ quan đứng đầu quyền lực tư pháp trên lãnh thổ của cộng đồng tự trị. Quy chế Tự trị có thể quy định các trường hợp và phương thức theo đó cộng đồng có thể tham gia thiết lập các khu vực tư pháp trong phạm vi lãnh thổ của mình miễn là chúng phải phù hợp với quy định của đạo luật cơ bản về thẩm quyền tư pháp và các nguyên tắc thống nhất và độc lập của thẩm quyền tư pháp.
Trong phạm vi không ảnh hưởng đến các quy định tại Điều 123, các kháng cáo tiếp theo, nếu có, sẽ được thực hiện tại cơ quan tư pháp trong cùng lãnh thổ của cộng đồng tự trị với tòa án đã có thẩm quyền giải quyết ban đầu.
(2) Sau khi Quy chế Tự trị đã nhận được sự phê chuẩn của Hoàng gia và được ban hành, thì Quy chế chỉ có thể được sửa đổi, bổ sung theo các thủ tục được quy định trong Quy chế đó và phải được phúc quyết bởi các cử tri đã đăng ký trong cộng đồng tự trị qua một cuộc trưng cầu ý dân.
(3) Bằng cách phân nhóm các thành phố giáp ranh với nhau, Quy chế Tự trị có thể thiết lập các khu vực cử tri riêng của mình với đầy đủ tư cách pháp lý.
Điều 153
Các cơ quan của cộng đồng tự trị chịu sự kiểm soát của các cơ quan sau đây:
a) Tòa án Hiến pháp đối với các vấn đề liên quan đến tính hợp hiến của các quy định có hiệu lực của pháp luật do Cộng đồng tự trị ban hành.
b) Chính phủ, sau khi được Hội đồng Nhà nước cho ý kiến, đối với những vấn đề liên quan đến việc thực hiện chức năng được ủy quyền theo quy định tại Khoản 2 Điều 150.
c) Các cơ quan tư pháp đối với các vụ kiện tụng hành chính đối với các cơ quan hành chính tự trị và các quy định của nó.
d) Tòa kiểm toán đối với những vấn đề tài chính và ngân sách.
Điều 154
Chính phủ cử một người đại diện chịu trách nhiệm về hành chính nhà nước trên lãnh thổ của mỗi cộng đồng tự trị và có trách nhiệm điều phối hành chính nhà nước với các cơ quan của Cộng đồng tự trị khi cần thiết.
Điều 155
(1) Nếu một cộng đồng tự trị không thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ theo quy định của Hiến pháp hoặc các đạo luật hoặc các văn bản khác gây phương hại nghiêm trọng đến lợi ích chung của Tây Ban Nha, thì Chính phủ, sau khi đã khuyến nghị tới Chủ tịch của Cộng đồng tự trị nhưng không nhận được sự giải thích thỏa đáng, có thể dùng tất cả các biện pháp cần thiết để buộc Cộng đồng phải hoàn thành nghĩa vụ đó, hoặc để bảo vệ lợi ích chung đã được đề cập ở trên. Các biện pháp do Chính phủ đưa ra phải được Thượng nghị viện phê chuẩn trước bởi một đa số tuyệt đối.
(2) Nhằm thực hiện các biện pháp quy định ở đoạn trên, Chính phủ có thể ban hành văn bản hướng dẫn cho tất cả các cơ quan có thẩm quyền của các Cộng đồng tự trị.
Điều 156
(1) Các cộng đồng tự trị được quyền tự chủ tài chính cho sự phát triển và thực thi các quyền hạn của mình trên cơ sở phù hợp với các nguyên tắc phối hợp với Kho bạc Nhà nước và sự đoàn kết giữa tất cả công dân Tây Ban Nha.
(2) Cộng đồng tự trị có thể hoạt động như các cơ quan đại diện hoặc ủy thác của Nhà nước để thực hiện việc thu, quản lý, và đánh giá các nguồn thuế phù hợp với pháp luật và Quy chế Tự trị.
Điều 157
(1) Các nguồn lực của cộng đồng tự trị bao gồm:
a) Một phần hoặc toàn bộ thuế được Nhà nước trao cho; các khoản phụ thu về thuế nhà nước và các phần chia khác trong nguồn thu của Nhà nước;
b) Thuế riêng của cộng đồng tự trị, thuế tỉ lệ và thuế đặc biệt;
c) Các khoản chuyển từ một quỹ bồi thường liên lãnh thổ và các khoản phân bổ khác được tính vào ngân sách nhà nước;
d) Các nguồn thu phát sinh từ tài sản của cộng đồng và các khoản thu nhập tư pháp;
e) Lãi từ hoạt động cho vay.
(2) Trong mọi trường hợp, các cộng đồng tự trị không được đưa ra các biện pháp tăng thuế đối với tài sản nằm ngoài lãnh thổ của mình hoặc có thể cản trở việc tự do lưu thông của hàng hoá, dịch vụ.
(3) Trong việc thực hiện các quyền hạn tài chính được nêu tại khoản 1, một đạo luật cơ bản có thể được ban hành để quy định về quy tắc để giải quyết những xung đột có thể phát sinh, và các hình thức hợp tác tài chính có thể có giữa các cộng đồng tự trị và Nhà nước.
Điều 158
(1) Ngân sách nhà nước có thể phân bổ một khoản kinh phí cho các cộng đồng tự trị theo tỷ lệ tương ứng với các dịch vụ và các hoạt động Nhà nước mà các cộng đồng tự trị được giao thực hiện nhằm đảm bảo một mức độ tối thiểu của các dịch vụ công cơ bản trên toàn lãnh thổ Tây Ban Nha.
(2) Với mục đích khắc phục sự mất cân bằng kinh tế giữa các vùng và thực hiện nguyên tắc đoàn kết, một quỹ bồi thường phải được thiết lập nhằm bù đắp cho chi phí đầu tư và các nguồn lực được Nghị viện phân cho các cộng đồng tự trị và các tỉnh theo từng trường hợp cho phép.
PHẦN IX:
TÒA ÁN HIẾN PHÁP
Điều 159
(1) Tòa án Hiến pháp bao gồm mười hai thành viên do Nhà vua bổ nhiệm. Trong số đó, bốn thành viên được đề cử bởi Hạ Nghị viện với tỷ lệ đa số của ba phần năm tổng số các Hạ nghị sỹ, bốn thành viên được đề cử bởi Thượng Nghị viện với tỷ lệ đa số tương tự, hai thành viên được đề cử bởi Chính phủ, và hai thành viên còn lại bởi Đại Hội đồng Tư pháp.
(2) Thành viên của Tòa án Hiến pháp được bổ nhiệm trong số các quan tòa và công tố viên, giáo sư đại học, công chức và luật sư với uy tín được công nhận rộng rãi và phải có ít nhất là mười lăm năm hoạt động trong nghề.
(3) Nhiệm kỳ của các thành viên của Tòa án Hiến pháp là chín năm và cứ ba năm lại thay đổi một phần ba số thành viên.
(4) Các thành viên của Tòa án Hiến pháp không được đồng thời đảm nhiệm bất kỳ chức vụ nào trong các định chế đại diện, cơ quan chính trị hoặc hành chính, vị trí lãnh đạo trong một đảng chính trị hoặc công đoàn cũng như bất kỳ công việc nào trong các cục, sở, ban, ngành của các cơ quan kể trên, không được thực hiện các công việc của thẩm phán hoặc công tố viên và bất cứ hoạt động nghề nghiệp hoặc công việc nào khác tương tự.
Những quy định về việc mất tư cách thành viên được áp dụng cho các thành viên trong các cơ quan tư pháp cũng đồng thời được áp dụng cho các thành viên của Tòa án Hiến pháp.
(5) Thành viên của Tòa án Hiến pháp có vị trí độc lập và không bị bãi nhiệm trong suốt thời gian nhiệm kỳ của mình.
Điều 160
Chánh án Tòa án Hiến pháp được Nhà vua bổ nhiệm trong số các thành viên theo đề nghị của Tòa án Hiến pháp theo một nhiệm kỳ là ba năm.
Điều 161
(1) Tòa án Hiến pháp có thẩm quyền trên toàn bộ lãnh thổ Tây Ban Nha và có quyền thụ lý:
a) Kiến nghị đối với các đạo luật và các quy định có hiệu lực như luật trái với quy định của Hiến pháp. Tuyên bố về tính vi hiến của một quy tắc pháp luật có hiệu lực như luật đã được Tòa án áp dụng sẽ có ảnh hưởng đến các tiền lệ pháp do Tòa án đặt ra nhưng không làm mất giá trị pháp luật của các phán quyết do Tòa án đã ban hành.
b) Các khiếu nại cá nhân với mục đích yêu cầu sự bảo vệ chống lại sự vi phạm các quyền và tự do được quy định tại Khoản 2 Điều 53 của Hiến pháp theo các trường hợp và cách thức luật định.
c) Xung đột về thẩm quyền giữa Nhà nước và các Cộng đồng tự trị hoặc giữa các Cộng đồng tự trị với nhau.
d) Các vấn đề khác được trao cho Tòa án Hiến pháp bởi Hiến pháp và các đạo luật cơ bản.
(2) Chính phủ có quyền khiếu nại tới Tòa án Hiến pháp đối với các quy định và quyết định của các cơ quan thuộc các cộng đồng tự trị. Điều này có thể dẫn đến sự đình chỉ các quy định và quyết định nhưng Tòa án phải hoặc phê chuẩn hoặc bãi bỏ sự đình chỉ này trong một thời hạn không quá năm tháng tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể.
Điều 162
(1) Các chủ thể sau có quyền:
a) Thủ tướng, Người bảo vệ nhân dân, năm mươi Hạ nghị sỹ, năm mươi Thượng nghị sỹ, cơ quan chấp hành của một Cộng đồng tự trị và Hội đồng lập pháp của Cộng đồng tự trị, trong một số trường hợp có thể, có quyền kiến nghị về sự vi hiến:
b) Những cá nhân hoặc pháp nhân có lợi ích hợp pháp, Người bảo vệ nhân dân và Cơ quan Công tố có quyền khiếu nại cá nhân:.
(2) Trong các trường hợp khác, đạo luật cơ bản sẽ quy định những cá nhân và tổ chức khác có quyền khiếu nại tới Tòa án.
Điều 163
Khi thụ lý một vụ án, nếu một cơ quan tư pháp cho rằng một quy định có hiệu lực như luật đang được áp dụng để đưa ra phán quyết có thể trái với Hiến pháp, thì cơ quan đó có thể đưa vụ việc ra trước Tòa án Hiến pháp theo các hoàn cảnh, cách thức và chủ thể như luật định, nhưng trong mọi trường hợp được đình chỉ.
Điều 164
(1) Phán quyết của Tòa án Hiến pháp phải được công bố tại Công báo cùng với những ý kiến thiểu số nếu có. Các phán quyết này có hiệu lực chung thẩm kể từ ngày chúng được xuất bản và không thể bị khiếu nại. Những phán quyết tuyên bố về sự vi hiến của một đạo luật hoặc một bản quy chế có hiệu lực như đạo luật và những phán quyết không chỉ liên quan đến quyền của một cá nhân có hiệu lực ràng buộc đầy đủ đối với mọi chủ thể.
(2) Trừ khi các quy tắc xét xử quy định khác, các phần của đạo luật không trái với Hiến pháp được giữ nguyên hiệu lực.
Điều 165
Một đạo luật cơ bản sẽ được ban hành để quy định về chức năng của Tòa án Hiến pháp, địa vị của các thành viên của Tòa án, quy tắc tố tụng và các điều kiện điều chỉnh hành vi trước Tòa.
PHẦN X:
SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP
Điều 166
Quyền đề nghị sửa đổi Hiến pháp được thực hiện theo các quy định tại Khoản 1 và 2 Điều 87.
Điều 167
(1) Dự thảo sửa đổi Hiến pháp cần phải được ít nhất ba phần năm thành viên của mỗi Viện thông qua. Nếu hai Viện còn có ý kiến khác nhau về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, một Ủy ban hỗn hợp với số lượng đại biểu ngang nhau của mỗi Viện sẽ được thành lập nhằm xây dựng một dự thảo thống nhất để trình Thượng viện và Hạ viện thông qua.
(2) Nếu không đạt được sự chấp thuận theo quá trình đã nêu ra ở khoản trên, nhưng dự thảo đã được Thượng Nghị viện thông qua với một đa số tuyệt đối, thì Hạ Nghị viện có thể thông qua dự thảo với tỷ lệ số phiếu là hai phần ba số phiếu tán thành.
(3) Trong vòng 15 ngày sau khi dự thảo sửa đổi đã được Nghị viện thông qua, nếu có yêu cầu của một phần mười số thành viên của một Viện bất kì, Dự thảo sửa đổi phải được đưa ra phúc quyết toàn dân thông qua trưng cầu ý dân.
Điều 168
(1) Nếu Hiến pháp được đề nghị sửa đổi toàn bộ hoặc sửa đổi một phần nhưng ảnh hưởng đến phần các điều khoản cơ bản, đến Mục 1 Chương 2 của Phần I, hoặc Phần II, thì những nội dung cơ bản của việc sửa đổi cần được hai phần ba số thành viên của mỗi Viện bỏ phiếu thông qua và ngay sau đó Nghị viện sẽ bị giải tán.
(2) Các Viện được bầu lại ngay sau đó phải phê chuẩn quyết định sửa đổi Hiến pháp và tiến hành xem xét dự thảo Hiến pháp mới. Dự thảo Hiến pháp mới phải được thông qua bởi hai phần ba số thành viên của mỗi Viện.
(3) Sau khi được Nghị viện thông qua, dự thảo Hiến pháp sửa đổi sẽ được đưa ra trưng cầu ý dân.
Điều 169
Việc sửa đổi Hiến pháp không được phép thực hiện trong thời gian chiến tranh hay trong bất kì tình trạng nào khác được nhắc đến tại Điều 116.
ĐIỀU KHOẢN BỔ SUNG
Điều khoản thứ nhất
Hiến pháp bảo vệ và tôn trọng những quyền mang tính lịch sử về lãnh thổ và những quy định truyền thống.
Những quyền mang tính lịch sử sẽ được cập nhật khi có điều kiện thích hợp trong khuôn khổ của Hiến pháp và Quy chế Tự trị.
Điều khoản thứ hai
Quy định tại Điều 12 của Hiến pháp về tuổi trưởng thành sẽ không ảnh hưởng đến các trường hợp áp dụng những quy định truyền thống trong lĩnh vực luật tư.
Điều khoản thứ ba
Mọi thay đổi trong hệ thống thuế và tài chính ở quần đảo Canary cần được báo trước bởi Cộng đồng tự trị hoặc trong trường hợp có thể là một cơ quan tự trị lâm thời.
Điều khoản thứ tư
Trong các Cộng đồng tự trị có nhiều hơn một Tòa án Phúc thẩm có quyền tài phán, các Quy chế tự trị có thể đảm bảo sự tồn tại và chia sẻ quyền lực pháp lý giữa các Tòa án, với điều kiện điều đó được thực hiện theo đúng các điều khoản của Đạo luật Cơ bản về thẩm quyền tư pháp của Tòa án và tuân theo sự thống nhất và độc lập của Đạo luật nói trên..
ĐIỀU KHOẢN CHUYỂN TIẾP
Điều khoản thứ nhất
Trong các vùng lãnh thổ tạm thời theo chế độ tự quản, bằng một nghị quyết được thông qua bởi một đa số tuyệt đối, Hội đồng tự quản của các địa phương này có quyền đề xướng quy trình tự trị theo quy định tại Khoản 2 Điều 143 tương tự như Hội đồng các tỉnh hoặc các cơ quan liên đảo tương ứng.
Điều khoản thứ hai
Các vùng lãnh thổ mà trong quá khứ đã phê chuẩn dự thảo Quy chế Tự trị bằng cách trưng cầu dân ý và tại thời điểm ban hành Hiến pháp này, tạm thời có theo chế độ tự trị, có thể ngay lập tức áp dụng chế độ tự trị bằng cách thức như đã được quy định tại Khoản 2 Điều 148, nếu toàn bộ các cơ quan lãnh đạo chung trong thời kỳ tiền tự quản đồng thuận và Chính phủ được thông báo một cách thích đáng. Dự thảo Quy chế Tự trị phải được soạn thảo phù hợp với các điều khoản tại Khoản 2, Điều 151 cũng như theo yêu cầu của Đại hội tiền tự quản.
Điều khoản thứ ba
Một khi Hiến pháp đã có hiệu lực, quyền khởi xướng quá trình tự quản được trao cho chính quyền địa phương hoặc các thành viên của chúng, như được quy định tại Khoản 2 Điều 143, sẽ bị tạm hoãn trong mọi hoàn cảnh cho đến khi cuộc bầu cử địa phương lần đầu tiên được diễn ra.
Điều khoản thứ tư
(1) Trường hợp Navarra sáp nhập vào Đại hội đồng xứ Basque hoặc vào thể chế Basque tự trị (có thể thay thế Đại hội đồng xứ Basque), sẽ không áp dụng trình tự được quy định tại Điều 143 của Hiến pháp này. Thay vào đó, đề xướng sáp nhập sẽ thuộc thẩm quyền của cơ quan mang tính lịch sử thích hợp (órgano foral) với các quyết định phải được đa số các thành viên của cơ quan này biểu quyết thông qua. Đề xướng này chỉ có giá trị khi có sự phê chuẩn bởi một cuộc trưng cầu dân ý và sự chấp thuận bởi đa số các phiếu bầu hợp lệ.
(2) Nếu đề xướng này không được thông qua, việc đề xướng chỉ có thể được lặp lại trong nhiệm kỳ sau của các cơ quan mang tích lịch sử phù hợp có thẩm quyền (Foral) và trong mọi trường hợp phải được thực hiện sau khoảng thời gian tối thiểu quy định tại Điều 143.
Điều khoản thứ năm
Các thành phố Ceuta và Melilla có thể tự thành lập Cộng đồng tự trị nếu quyết định đó được Hội đồng thành phố thông qua với một đa số tuyệt đối các thành viên và nếu Nghị viện cho phép bằng một đạo luật cơ bản theo các quy định tại Điều 144.
Điều khoản thứ sáu
Nếu có đồng thời một số dự thảo Quy chế Tự trị được gửi đến Ủy ban Hiến pháp của Hạ nghị viện, Ủy ban Hiến pháp sẽ xem xét theo thứ tự mà chúng được tiếp nhận. Khoảng thời gian hai tháng được quy định tại Điều 151 được tính từ thời điểm mà Ủy ban kết thúc việc xem xét dự thảo hoặc các dự thảo đã được xem xét trước đó.
Điều khoản thứ bảy
Các cơ quan tự trị lâm thời có thể bị giải tán trong các trường hợp sau:
a) Khi các cơ quan trong Quy chế Tự trị được thành lập mà Quy chế Tự trị này được thông qua một cách phù hợp với Hiến pháp.
b) Trong trường hợp việc đề xướng thành lập cơ chế tự trị không thành công do không tuân theo các quy định của Điều 143.
c) Nếu cơ quan liên quan không thực hiện quyền được ghi nhận tại Điều khoản chuyển tiếp thứ nhất trong thời gian là ba năm.
Điều khoản thứ tám
(1) Một khi Hiến pháp này có hiệu lực, các Viện đã thông qua Hiến pháp này sẽ có các chức năng và quyền hạn tương ứng cho Hạ viện và Thượng viện đã được ghi trong Hiến pháp với điều kiện là nhiệm kỳ của các viện không được kéo dài quá ngày 15 tháng 6 năm 1981.
(2) Việc ban hành Hiến pháp được xem là đã tạo ra những cơ sở hiến pháp cho việc áp dụng quy định tại Điều 99. Một khoảng thời gian là ba mươi ngày, tính từ ngày ban hành Hiến pháp, sẽ được thiết lập để thi hành các quy định trong Điều khoản kể trên.
Trong khoảng thời gian này, Thủ tướng đương nhiệm của Chính phủ có các chức năng và quyền hạn được Hiến pháp trao cho, có thể quyết định sử dụng quyền hạn như đã quy định tại Điều 115 hoặc từ chức để mở đường cho việc áp dụng quy định tại Điều 99. Trong trường hợp Thủ tướng từ chức, các vấn đề liên quan đến Thủ tướng sẽ được thực hiện theo quy định tại Khoản 2 của Điều 101.
(3) Trong trường hợp Nghị viện bị giải tán, theo quy định tại Điều 115, và nếu các điều khoản tại Điều 68 và 69 chưa được ban hành, quy tắc đã có hiệu lực trước đó sẽ được áp dụng cho những cuộc bầu cử tiếp theo, trừ trường hợp có sự không đạt tiêu chuẩn hoặc không tương hợp, khi đó điểm b khoản 1 Điều 70 của Hiến pháp này sẽ được áp dụng trực tiếp cũng như những điều khoản liên quan đến tuổi bầu cử và các quy định tại khoản
Điều 69.
Điều khoản thứ chín
Sau ba năm kể từ khi bầu các thành viên của Tòa án Hiến pháp lần đầu tiên, một nhóm gồm bốn thành viên có cùng lý lịch bầu cử sẽ lựa chọn bằng cách bốc thăm. Những người này sẽ nghỉ hưu và được thay thế. Trong phạm vi của mục đích này, việc có cùng lý lịch bầu cử được hiểu là hai thành viên được chỉ định theo sự đề nghị của Chính phủ và hai thành viên theo sự đề nghị của Đại hội đồng về thẩm quyền tư pháp. Sau ba năm tiếp theo, trình tự tương tự được thực hiện với hai nhóm không bị ảnh hưởng bởi việc bốc thăm kể trên. Sau đó, các quy định tại Khoản 3 Điều 159 được áp dụng.
BÃI BỎ
(1) Hiến pháp này bãi bỏ Đạo luật 1/1997, ngày 4 tháng 1 về Tái cơ cấu Chính trị, cũng như các luật sau bởi chúng không bị bãi bỏ bởi đạo luật nói trên: Đạo luật về các Nguyên tắc cơ bản của Hoạt động Quốc gia ngày 17 tháng 5 năm 1958; Điều lệ Nhân dân Tây Ban Nha (Fuero de los Espanoles) ngày 17 tháng 7 năm 1945; Điều lệ Lao động ngày 9 tháng 3 năm 1938; Đạo luật về sự thành lập Nghị viện ngày 17 tháng 7 năm 1942; Đạo luật về sự chuyển giao lãnh đạo nhà nước ngày 26 tháng 7 năm 1947 (tất cả các Đạo luật kể trên như đã được sửa đổi bởi Đạo luật cơ bản về Nhà nước ngày 10 tháng 01 năm 1967). Đạo luật cơ bản về Nhà nước nói trên cũng như Đạo luật cơ bản về trưng cầu dân ý ngày 22 tháng 10 năm 1945 cũng được bãi bỏ.
(2) Trong phạm vi Đạo luật ngày 25 tháng 10 năm 1839 vẫn còn có một số giá trị pháp lý, nó phải được bãi bỏ một cách rõ ràng trong chừng mực mà nó vẫn được áp dụng tại các tỉnh Alava, Guipuzcoa, và Vizcaya.
Tương tự như vậy, Đạo luật ngày 21 tháng 7 năm 1986 cũng phải được bãi bỏ một cách rành mạch.
(3) Bất kỳ điều khoản nào trái với các điều khoản trong Hiến pháp này đều bị bãi bỏ.
ĐIỀU KHOẢN CUỐI CÙNG
Hiến pháp này có hiệu lực vào ngày được công bố tại Công báo (Boletin Official del Estado). Nó cũng sẽ được xuất bản bằng các ngôn ngữ khác của Tây Ban Nha.
DO ĐÓ
Chúng tôi yêu cầu tất cả chủ thể Tây Ban Nha, dù là cá nhân hay tổ chức phải tôn trọng và trung thành với Hiến pháp này, cũng như bảo đảm rằng nó được tuân theo như là một luật cơ bản của Nhà nước.
Nghị viện (palacio de las cortes), ngày 27 tháng 12 năm 1978
JUAN CARLOS
CHỦ TỊCH                             CHỦ   TỊCH                                       CHỦ   TỊCH
NGHỊ VIỆN                           HẠ NGHỊ VIỆN                    THƯỢNG NGHỊ VIỆN

 

Xem thêm:


No comments

Có Thể Bạn Chưa Xem

Tin Nóng

Powered by Blogger.