15 tổ chức XHDS quốc tế đặt vấn đề với nhà cầm quyền Việt Nam: Tự do tức khắc cho Nguyễn Bắc Truyển
Thục Quyên (Danlambao) - Một tuần lễ trước cuộc Đối thoại nhân quyền Việt Nam-EU, 15 tổ chức xã hội dân sự quốc tế đang sẵn sàng hành động nếu không được nhà cầm quyền Việt Nam phúc đáp thỏa đáng thư chung của họ gửi tới Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngày 8/11/2017 đòi trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho luật gia Nguyễn Bắc Truyển, một nhà bảo vệ nhân quyền đang bị giam giữ cách ly và độc đoán.
Đối thoại nhân quyền Việt Nam-EU là một sự kiện mới đây được đại sứ Liên minh châu Âu Bruno Angelet nhấn mạnh là có ý nghĩa quan trọng, sẽ góp phần làm tăng cường hiểu biết và thúc đẩy mối quan hệ của hai bên trong thời gian tới, giúp triển khai việc hai bên ký kết Hiệp định đối tác và hợp tác toàn diện (PCA), quan trọng trong thúc đẩy việc ký kết, phê chuẩn EVFTA và phát triển bền vững.
Theo thông cáo báo chí của Liên minh châu Âu ngày 9/12/2016 tại Bruxelles, sau phiên họp Đối thoại Nhân quyền lần thứ sáu, cả hai bên coi nhân quyền là một thành tố quan trọng trong quan hệ song phương, như đã được ghi nhận trong PCA:
"Đối thoại đem đến cơ hội trao đổi nhiều thông tin mang tính xây dựng về tình hình nhân quyền tại Việt Nam đồng thời mở ra những thảo luận về kinh nghiệm tốt nhất và sự hỗ trợ của EU dành cho các nỗ lực cải cách. Các cuộc thảo luận tập trung vào cải cách pháp lý và tư pháp tại Việt Nam, tự do ngôn luận, tôn giáo, tín ngưỡng, tự do hội họp một cách ôn hoà và tự do lập hội, quyền lao động, thúc đẩy pháp quyền và tiến trình thực thi pháp quyền một cách phù hợp, chống tra tấn và ngược đãi, giam giữ tuỳ tiện, án tử hình, hỗ trợ các tổ chức xã hội dân sự của Việt Nam và tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền, và sự tham gia trong khuôn khổ của Liên hiệp Quốc.
Liên minh châu Âu đề xuất sẽ tiếp tục sự hỗ trợ của mình, trong đó có việc thực thi Công ước của LHQ về chống Tra tấn, cũng như chia sẻ các thực tiễn tốt trong các quá trình rà soát pháp lý. EU cũng chia sẻ kinh nghiệm về cuộc chiến chống buôn bán người.
Chuyến thăm sắp tới của Tiểu ban Nhân quyền của Nghị viện châu Âu trong năm 2017 là một cơ hội để tăng cường hơn nữa hợp tác liên nghị viện về nhân quyền".
Trong năm 2017 Đại sứ Bruno Angelet đã nhiều lần tuyên bố "Liên minh châu Âu sẽ tiếp tục theo dõi tình hình nhân quyền tại Việt Nam, và làm việc với chính quyền để cải thiện tình hình nhân quyền trong nước".
Post a Comment