Công trình khoa học hay phản khoa học

Năm Cù Lần (Danlambao) - Xuất phát từ những nhu cầu thực tiễn, con người với trí thông minh và khả năng sáng tạo, họ đã cải tiến, phát minh nhiều công trình khoa học giúp cho cuộc sống ngày càng tốt hơn. Có ai nghĩ rằng, cách nay hơn một thế kỷ, ông cha ta đã làm ruộng với nông cụ chỉ vẻn vẹn với cái cuốc và cái liềm. Sau đó nghề nông được cải tiến một bước, con trâu đi trước, cái cày theo sau. Ngày nay, trâu bò đã thảnh thơi ra đồng, vì các loại máy móc đã được thay thế và hiệu quả công việc gia tăng gấp bội.

Vì sao những phát minh đó đã làm thay đổi cuộc sống người nông dân. Vì khi sử dụng cuốc, liềm, người nông dân suốt ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, cả cuộc đời cần lao nhưng vẫn đối diện với cái đói nghèo do năng suất lao động quá kém. Khi biết dùng trâu, bò làm sức kéo, cuộc sống thôn quê có khá hơn, nhưng thời tiết và thiên tai thất thường vẫn đe dọa đến năng suất, sản lượng cây trồng. Chính vì lý do đó, các nhà khoa học đã ngày đêm tìm tòi phát minh ra những công cụ, máy móc giúp cho công việc đồng áng bớt đi những nỗi khó nhọc và nguồn thu hoạch mùa màng của người nông dân ngày càng cao hơn.

Từ câu chuyện của người nông dân, chúng ta có thể suy ra: những phát minh, sáng chế phải xuất phát từ nhu cầu thực tiến của cuộc sống.

Vậy cái gọi là “cải tiến chữ quốc ngữ” của ông PGS.TS Bùi Hiền có phải xuất phát từ nhu cầu thực tiễn mọi người. Trong khi đó, toàn thể người dân Việt rất hài lòng và tự hào với chữ viết hiện hành của chúng ta. Việc “cải tiến chữ quốc ngữ” có phải là một công trình khoa học?

Việc đầu tiên của một nhà khoa học trước khi đưa ra một phát minh, sáng kiến, họ phải xác định đề tài nghiên cứu của mình có thật sự cần thiết đối với một bộ phận người dân hay cao hơn là đối với đất nước, nhân loại hay không? Vậy, thưa ông PGS.TS Bùi Hiền, trước khi nghiên cứu đề tài này ông có mở một cuộc điều tra xã hội học chưa? Hay là bản thân ông nghĩ rằng chữ Việt hiện nay khó học, khó nhớ… đến mức đại bộ phận người dân đang trông chờ có một sự cải cách chữ Viết? Hay là ông tự áp đặt ý tưởng của mình lên trên toàn thể dân Việt rằng đó là cái chữ khó học nhất thế giới, cũng giống như cái cách áp đặt của đảng bằng một thứ lý luận ngô nghê, thiếu tính thuyết phục: “đại bộ phận người dân luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của đảng (?!)”. 

Chính vì vậy, ngay sau khi ông đưa đề tài của ông lên các phương tiện thông tin đại chúng, búa riều dư luận đã dập ông tả tơi. Thậm chí, những nhà ngôn ngữ học đã có những bình luận không tốt về công trình này trên diễn đàn báo chí nước ngoài: "Nếu cải tiến chữ Quốc ngữ theo đề xuất này thì các học giả sẽ trở thành người vừa đọc vừa đánh vần, viết sai chính tả, phải đi học lại từ đầu; tất cả các tài liệu khoa học sẽ thành văn bản cổ, chỉ các nhà nghiên cứu về chữ cổ mới có thể đọc được”. "Đề xuất cải tiến chữ Quốc ngữ nếu được chấp nhận sẽ làm cho hàng chục triệu người lao động phải học lại từ đầu, hàng chục triệu tài liệu phải in lại, như vậy thì sẽ tốn giấy mực và thời gian hơn nhiều."(BBC. GS. Nguyễn Minh Thuyết), (http://www.bbc.com/vietnamese/forum-42131337).

Lẽ ra, khi đối diện với làn sóng phản ứng của dư luận, tôi nghĩ ông PGS.TS phải suy ngẫm lại công trình khoa học của mình. Nhưng rất tiếc, ông cố viện, dẫn bào chữa trên Vnexpress rằng: “Với bảng chữ này, học sinh lớp 1 chỉ cần nửa năm sẽ đọc, viết thành thạo, thay vì mất cả năm như hiện nay. Những người quen chữ viết hiện nay cũng chỉ cần tối đa một tuần là thao tác được tốt với văn bản bằng chữ cái mới. Nếu bảng chữ cái mới được thông qua, Nhà nước cũng không cần tổ chức xóa mù chữ lại cho toàn dân như nhiều người lo ngại. Các tài liệu hiện có vẫn dùng song song với sách, báo mới ra được viết bằng bảng chữ mới”.

Rất tiếc, cho dù trong thâm tâm tôi vẫn rất kính trọng ông (vì ông là người nhiều tuổi hơn tôi), nhưng tôi đành phải nói thẳng: Cái đề tài của ông cùng với lời bào chữa của ông là phản khoa học. Bởi lẽ, đề tài này phải đưa ra giảng dạy thực nghiệm (thí nghiệm thực tế trên con người). Ít nhất 3 năm sau, sau khi được đánh giá bởi một hội đồng khoa học, và căn cứ vào kết quả đối chiếu giữa nhóm học sinh thực nghiệm và nhóm đối chứng. Nếu kết quả đúng như lời ông nói: Người ta mới có thể tạm đưa ra kết luận: trẻ con chỉ cần học nửa năm là có thể đọc thông, viết thạo.

Nhưng trong trường hợp cụ thể này, ông dựa vào đâu để đưa ra kết luận: Học sinh lớp 1 chỉ cần nửa năm sẽ đọc, viết thành thạo, thay vì mất cả năm như hiện nay. Là một nhà khoa học, ông có nghĩ rằng mình vừa phát biểu một câu hết sức phản khoa học như trên hay không? Hèn gì dân Miền Tây nói: Thằng cha này “nổ banh xác luôn”, là có căn cứ.

Một vấn đề nữa, xin hỏi ông PGS: Ông có biết gì về “thói quen” hay không? Có thể ông hiểu hơn tôi, nhưng nhân đây tôi cũng xin lặp lại: Thói quen là một chuỗi phản xạ có điều kiện do rèn luyện mà có. Phản xạ có điều kiện là những hành vi được lặp đi, lặp lại nhiều lần trong cuộc sống. Nói cách khác, thói quen là những hành vi định hình trong cuộc sống và được coi là bản chất thứ hai của con người (L’habitude est une seconde nature). Do đó việc thay đổi thói quen hàng ngày của chúng ta là cả một quá trình, chứ không phải một ngày một bữa. Nhưng trong cuộc sống, người ta chỉ cố loại bỏ thói quen xấu mà thôi. Còn việc viết chữ quốc ngữ như hiện tại không phải là một thói quen xấu.

Nhưng ông vẫn cố tình xảo ngôn: Những người quen chữ viết hiện nay cũng chỉ cần tối đa một tuần là thao tác được tốt với văn bản bằng chữ cái mới.

Nhưng tranh luận với ông tôi nghĩ chẳng có ích gì, vì không ai rỗi hơi nói chuyện với một người không bình thường về mặt tâm thần. Tôi chỉ biết ngày đêm cầu Chúa, khẩn Phật và lạy Thánh Allah sao cho đề xuất của ông chỉ là một đề tài cho mọi người xả stress. Và chữ quốc ngữ như ngày nay vẫn tồn tại để dân tộc tôi không phải tiếp tục hứng chịu những khổ ải do đầu óc “super stupid” như ông nghĩ ra nữa.

1/12/2017

No comments

Có Thể Bạn Chưa Xem

Tin Nóng

Powered by Blogger.