Đảng bị cảnh cáo: Sẽ mất lãnh đạo nếu thua tham nhũng

Phạm Trần (Danlambao) - Lần đầu tiên tại Quốc hội, Đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) đã bị cảnh cáo sẽ tự diệt nếu không thắng được trận đánh cuối cùng chống tham nhũng.

Phát súng báo động thứ nhất đến tự Đại biểu Dương Trung Quốc của đơn vị Tỉnh Đồng Nai, tại cuộc thảo luận về công tác chống tham nhũng ngày 7/11/2017 và tại cuộc thảo luận sửa đổi Luật phòng, chống tham nhũng ngày 21/11/2017.

Ông Quốc, một trong số rất ít Đại biểu Quốc hội không phải là đảng viên nói: "Nếu muốn tham nhũng thì phải có quyền lực, mà gần như tuyệt đối quyền lực thuộc về Đảng. Không phải đảng viên thì đến chức phó phòng cũng không có. Như thế có nghĩa là trong thực tế ở Việt Nam, tham nhũng đối với người dân về căn bản là miễn dịch." (Theo Thời báo Kinh tế Việt Nam, ngày 07/11/2017)

Như vậy, chỉ là đảng viên có chức và có quyền mới có thể tham nhũng. Ai không có quyền và nhất là dân thì không thể tham nhũng được. Nhưng đảng CSVN chỉ có trên 4 triệu đảng viên trên tổng số hơn 90 triệu dân số nên tất nhiên chỉ có một số lãnh đạo và kẻ có quyền mới có thể móc tiền dân và thụt két từ các dự án kinh tế và ngân sách nhà nước.

Số đảng viên tử tế còn lại cộng với người dân là một đa số khổng lồ mà bấy lâu nay, kể từ khi có Luật phòng, chống tham nhũng ra đời năm 2005, lại là nạn nhân của thiểu số cầm quyền nhũng loạn thì nếu không có bênh che và chia chác anh 2 tôi 1, hay tôi 1 anh 3 thì tham nhũng làm sao mà sống mãi vinh quang như bây giờ?

Vì vậy, Đại biểu Quốc mới cảnh giác: "Với giặc ngoại xâm không có trận nào là trận cuối cùng, nhưng với sự tồn vong của chế độ, của đảng cầm quyền thì đây là "trận đánh cuối cùng".

Nhà sử học Đại biểu Dương Trung Quốc nói như muốn trưng ra một bài học đã có từ cổ tới kim: "Đảng gương mẫu sẽ giữ được vai trò của mình đối với lịch sử. Đương nhiên lịch sử hết sức nghiêm khắc, chúng ta không làm được việc đó thì chúng ta sẽ tự thải loại khỏi lịch sử".

Đến ngày 21/11/2017, tại cuộc thảo luận việc sửa Luật phòng, chống tham nhũng cho thêm các tiêu chuẩn ràng buộc trách nhiệm và minh bạch, ông Quốc lại chĩa mũi dùi vào quyền lực của đảng viên trong tệ nạn tham nhũng.

Ông nói: "Phòng, chống tham nhũng cần tập trung vào những người sử dụng quyền lực để mưu lợi cho mình. Trước mắt, sửa luật phải tập trung vào những người có khả năng liên quan đến luật, có khả năng phương hại đến công quỹ quốc gia." (theo Thời báo Kinh tế Việt Nam, 21/11/2017)

Tất nhiên chỉ có những đảng viên có chức, có quyên mới là thủ phạm của quốc nạn tham nhũng đã đến giai đoạn hết thuốc chữa. Nhưng Tổng Bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng và các cơ quan báo, đài nhà nước, thi hành lệnh bẻ queo của Ban Tuyên giáo để tuyên truyền, lại tự rêu rao quyết tâm chống tham nhũng của đảng hoàn toàn trái ngược với những than phiền của các Đại biểu dân ở Quốc hội.

Phát súng thứ hai

Vì vậy mà Đại biểu Quốc hội Tỉnh Hà Giang, Thiếu tướng Tự lệnh Phó Quân khu 2, Sùng Thìn Cò, Dân tộc Hmong, mới đòi đảng ra lệnh kẻ tham nhũng phải kê khai tài sản đến ba đời cho dân biết thì may ra mới tìm ra nguồn gốc tài sản của kẻ tham nhũng.

Theo Thời báo Kinh tế ngày 7/11/20917 thì khi nói về tham nhũng, đại biểu Sùng Thìn Cò (Hà Giang) cho rằng: "Khai báo tài sản ít nhất phải khai báo ba đời, công khai treo ở những nơi công chúng có thể nhìn thấy, dân mới giám sát được."

Vị Đại biểu 58 tuổi người dân tộc Hmong (sinh ngày 13/06/1959) nói: "Người ta có biết ông có cái gì đâu, con cái ông có cái gì, làm sao họ biết nếu anh không công khai. Nên chúng ta phải công khai nhất là các đợt chuẩn bị bầu cử, chuẩn bị đại hội, tài sản cứ giấu diếm sợ người ta biết. Như thế chúng ta không minh bạch"

Sau đó, để chứng minh kẻ lãnh đạo phải làm gương thì dân mới tin, ông Sùng Thìn Cò ví von: "Tôi nói một câu chuyện vui với các đồng chí nhưng các đồng chí cũng đừng trách tôi, đừng thù hằn tôi. Tôi đọc một câu chuyện ở Trung Quốc, khi vua đưa trung thần ra pháp trường để chém đầu, trung thần mới nói, trước khi vua chém đầu tôi, tôi hỏi vua tài sản lớn nhất của vua là gì? Vua không trả lời được. Trung thần nói tài sản lớn nhất của vua là lòng dân, vua cứ chém tôi, tôi đi rồi vua cũng đi theo."

Sau câu nói, không thấy có tiếng động trong phòng họp nên Thời báo Kinh tế Việt Nam viết tiếp: "Vị đại biểu này cũng so sánh tham nhũng như giặc nội xâm."

Ông nói: "Tài sản lớn nhất của Đảng, Nhà nước là lòng dân. Nếu chúng ta không trị được giặc nội xâm này thì mất vai trò lãnh đạo của Đảng là vấn đề tất yếu khách quan, chúng ta không trách ai cả, chúng ta chỉ trách chúng ta."

Khai xong giấu đi

Bên cạnh những lời cảnh giác về vai trò cầm quyền của đảng trước thất bại chống tham nhũng làm lòng dân chán đảng đền tận mang tai, nhiều Đại biểu Quốc hội khác còn mỉa mai công tác kê khai tài sản của các cấp lãnh đạo từ Trung ương về cơ sở như trò diễn kịch bôi bác và hình thức. Bởi vì, cho đến nay, việc kê khai tài sản, mỗi năm có cả một triệu người kê khai mà không phát hiện được nguồn gốc của tài sản trị giá hàng tỷ bạc của cán bộ bậc trung thì kê khai làm gì cho tốn công, tốn của?

Một trong những lý do khai cũng như không vì dân không bao giờ được phép tò mò hay sờ mó đến bản khai báo. Bản khai của người phải kê khai làm xong chỉ phải nộp cho Thủ trưởng hay trưởng cơ quan cất đi rồi họ làm báo cáo cấp trên là "hoàn tất nhiệm vụ".

Vì bôi bác và hình thức như thế nên tại phiên họp của Quốc hội ngày 6/11/2017, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (đoàn Phú Yên) đã nêu ra những kết qủa trái chiều: "Những chuyển biến tích cực trong công tác phòng chống tham nhũng đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của cử tri cả nước. Thế nhưng, các vụ khởi tố điều tra vẫn tăng mạnh so với cùng kỳ, tăng gần 21% về số vụ và trên 28% số bị can. Những biệt thự, biệt phủ vẫn sừng sững và nhiều "củi tươi", "củi khô" vẫn an toàn sau những ồn ào, gây bức xúc xã hội..."

Nhưng người gây ra ồn ào lại chính là ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư đảng khi ông tự khen công tác chống tham nhũng do ông lãnh đạo đã tạo được sự đồng tình trong nhân dân và toàn đảng giống như “cái lò đã nóng lên”, do đó, sẽ đốt cháy những thanh củi dù khô hay tươi mà ông ám chỉ là những kẻ tham nhũng.

Ông Trọng đã lạc quan tếu như thế tại buổi họp của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng tổ chức phiên họp thứ 12, ngày 31/07/2017 tại Hà Nội.

Theo ông Trọng thì: "Đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã trở thành phong trào, xu thế của cả xã hội." 

Ông nói: "Tôi cảm thấy kinh nghiệm đầu tiên là 6 tháng đầu năm nay tiếp tục đà của năm 2016 sau Đại hội. Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực không phải lẻ mẻ từng vụ, từng việc mà bây giờ đã thành phong trào, thành một xu thế, làm có bài bản, phân công cơ quan nào làm, kết quả thế nào, bao giờ xong. Đây là kinh nghiệm rất quý. Tạo ra được xu thế, được phong trào mới là cơ bản."

Được đà, ông Trọng phỡn trí nói hăng: "Khi tiếp xúc cử tri, tôi hay nói: Cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy. Củi khô, củi vừa vừa cháy trước, rồi cả lò nóng lên, tất cả các cơ quan vào cuộc, có ai đứng ngoài đâu. Và không thể đứng ngoài được. Cá nhân nào muốn không làm cũng không thể được, thế mới là thành công" (theo Đài Tiếng nói Việt Nam, VOV, Voice of Vietnam, ngày 31/07/2017)

Nhưng sau lời nói của người cầm đầu đảng là những bằng chứng cụ thể được phơi bày trên mặt báo và tại diễn đàn Quốc hội cho thấy “củi tham nhũng” nào cũng vẫn trơ ra như chưa bào giờ đụng tới.

Bằng chứng như phát biểu của đại biểu Mai Thị Phương Hoa - Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tại phiên họp ngày 6/11/2017. Bà nói: "Có tuyên bản án nghiêm khắc đến đâu mà không thu hồi được tài sản tham nhũng thì chống tham nhũng chưa triệt để, không đạt nghị quyết đề ra".

Theo bà Phương Hoa thì: "Số tài sản tham nhũng không hề nhỏ, tổng kết 10 năm thi hành luật cho thấy thiệt hại hơn 59.700 tỷ đồng và 400ha đất nhưng thu hồi rất thấp, chỉ 7,82% tiền và tài sản, 54,7% về đất. Những năm gần đây thu hồi có tăng nhưng chưa đạt yêu cầu."

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa cũng cho rằng: "Đa số đối tượng phạm tội tham nhũng có chức vụ, trình độ nên việc phạm tội có sự chuẩn bị và thủ đoạn tinh vi, che giấu tài sản kỹ lưỡng, chuyển đổi, tẩu tán hoặc hợp thức hóa tài sản, có trường hợp tiêu xài hoang phí nên khi bị phát hiện không có khả năng khắc phục hậu quả." (theo VOV, ngày 06/11/2017)

Thu về được bao nhiêu?

Vì khôn khéo và có quyền nên kẻ tham nhũng trong đảng móc nối giỏi, giấu diếm tài sản tham ô sâu kín, khó tìm nên nhiều sự thật bị đảng che đây đã bị lật ngửa tại diên đàn Quốc hội

Theo tin của báo chí Việt Nam ngày 07/11/2017 thì tái liệu chính thức cho thấy: "Vụ cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng tại Vinashin, theo quyết định thi hành án thì Phạm Thanh Bình và Trần Văn Liêm phải bồi thường thiệt hại cho Vinashin hơn 989,2 tỷ đồng và lãi chậm trả, nhưng đến tháng 7/2017 chưa thi hành được khoản nào."

Theo lời đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Tỉnh Lâm Đồng) thì các cơ quan điều tra và thi hành án của nhà nước cũng rất thờ ơ và bất lực. Ông nói: "Thu hồi tài sản đang là vấn đề trọng tâm và là một trong những mục tiêu chính trong đấu tranh chống tham nhũng, nhưng hầu như chính sách này chưa được phản ánh trong báo cáo. Cả báo cáo của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đều gần như không có nội dung này, chỉ có một vài dòng nhạt nhòa và không đưa ra giải pháp nào cụ thể, trực tiếp."

Ông Hiển dẫn chứng: "Báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng của Chính phủ cho thấy, các vụ án tham nhũng gây thiệt hại 1.521 tỷ đồng và 77.057 m2 đất, nhưng mới thu hồi được 329 tỷ, 314.000 USD và 3700 m2 đất (thu hồi tiền đạt 22%, đất đạt 4,8%).

Tổng cục thi hành án thụ lý 415 vụ việc thuộc nhóm tội phạm tham nhũng, tương ứng với số tiền phải thu là 6.051 tỷ, trong đó mới mới giải quyết xong 1.124 tỷ, đạt 19%.

Tổng số tiền phải thi hành án của những người đang chấp hành hình phạt tù là 32.000 tỷ, mới thi hành được 2.795 tỷ, đạt 8,75%." (Theo tin của Thời báo Kinh tế Việt Nam, ngày 07/11/2017)

Như vậy thì có phòng hay chống được tham nhũng đâu mà ông Trọng lại kêu gọi phải kiên trì. Hay là ông biết chiến thuật lãnh đạo thành công nhất của những kẻ bất tài là cứ ỳ ra đấy để xem con tạo xoay vần đến đâu ?

Nhưng nay tình hình có vẻ như không còn cái chân lý thơ ngây như ông Trọng vẫn hy vọng mà đã được cảnh giác bởi hai Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc và Sùng Thìn Cò. -/-

(11/017)

No comments

Có Thể Bạn Chưa Xem

Tin Nóng

Powered by Blogger.