Đau vai - cổ


Chứng đau nhức sau cổ lan xuống hai bờ vai và bả vai có thể bất ngờ xuất hiện một ngày nào đó vào buổi sáng lúc ngủ dậy mà người bệnh không xác định được nguyên do. Có khi nó tự hết mà không cần điều trị gì hoặc chỉ xoa bóp với ít dầu nóng, nhưng nhiều khi kéo dài nhiều tháng. Người bệnh có lúc đau âm ỉ, có khi đau dữ dội đến mức mất ngủ, cổ cứng không xoay trở được. Có nhiều khi sức cầm nắm, mang xách của hai tay bị suy giảm hoặc người bệnh có triệu chứng tê rần chạy dài xuống bàn tay.

Đau vai - cổ có thể xuất phát từ nhiều bệnh lý khác nhau:
Viêm cơ thang (VCT)
Cơ thang là một cơ lớn vùng cổ - vai, hai đầu bám vào xương chẩm trải dài và xương đòn, phần bụng bám vào các mỏm gai của cột sống cổ và cột sống ngực, cũng như vào gai vai và mỏm cùng của xương bả vai. VCT thường gặp ở những người hay nằm nghiêng (đè bả vai), dùng gối quá dày (làm cổ bị gập), làm việc trong phòng lạnh hay trong tư thế bị quạt máy thổi từ phía sau. VCT cũng gặp ở những người thường xuyên đi ngoài trời bị nắng chiếu vào vùng gáy do mạch máu bị co thắt hay cơ bị chèn ép, tình trạng thiếu máu cơ làm phóng thích các hoạt chất gây đau và co thắt cơ, gây thiếu máu nhiều hơn nữa, từ đó tạo nên một vòng lẩn quẩn khiến người bệnh ngày càng đau hơn. Các biện pháp điều trị đều nhắm vào việc cắt ngang cái vòng bệnh lý này - từ thuốc giảm đau, giãn cơ, giãn mạch đến các liệu pháp xoa bóp, chườm nóng, bôi methyl salicilat (dầu nóng, Salonpas...). Để ngăn ngừa VCT, cần tránh các yếu tố gây chèn ép hay co thắt cơ cũng như thường xuyên vận động thể lực cho cơ bắp được khỏe.
Viêm cơ ức đòn chủm
Như tên của nó, bó cơ ức đòn chủm nằm hai bên cổ, đi từ xương ức và xương đòn đến xương chủm nằm phía sau vành tai, giữ vai trò chính trong động tác xoay cổ. Vì thế khi nó bị đau, người bệnh cảm thấy cổ bị cứng và đau nhiều khi cố xoay. Cơ thang thường cũng bị ảnh hưởng phần nào khi cơ ức đòn chủm bị viêm. Sự co thắt cơ thường do nằm ngủ sai tư thế cộng thêm nhiệt độ phòng thấp do máy lạnh hay trời rét, làm việc nặng trong ngày, stress, mỏi mệt, cảm cúm... Việc điều trị tương tự như với viêm cơ thang: giảm đau, giãn cơ, tăng cường máu đến cơ bằng thuốc và vật lý trị liệu.
Viêm xoang sàng
Trong bệnh viêm xoang, chứng nhức đầu thường nổi trội hơn đau cổ và vai, tuy nhiên trong một số ca viêm xoang mạn tính, người bệnh đã dùng thuốc kháng sinh nhiều có triệu chứng đau cổ vai mà có khi không bị nhức đầu hay sốt, mệt, chảy nước mũi... Người bệnh thường đau vùng gáy nhiều mà không có dấu hiệu bệnh lý của cột sống. Cơ thang cũng có thể đau nhưng cơ bắp và khớp xương đều bình thường, cử động không bị giới hạn. Điều trị viêm xoang sẽ làm hết đau.
Viêm gân chóp xoay khớp vai
Bệnh lý này của khớp vai đôi khi gây đau sau bả vai, và có thể lan lên cổ, dễ gây nhầm lẫn nhất là khi người bệnh cũng đau ở gần cột sống. Người bệnh thường bị đau khi làm động tác đưa tay ra sau và xoay trong hoặc đưa tay lên cao và xoay ngoài. Bệnh có thể điều trị bằng thuốc kháng viêm và tập vật lý trị liệu, nhưng nó dễ tái phát - phải tìm ra nguyên nhân để trị tận gốc.
Viêm mỏm gai cột sống cổ (VMGCSC)
VMGCSC gây đau dọc theo cột sống cổ; các mỏm gai đốt sống cổ, có thể dễ dàng sờ thấy, là chỗ bám của các dây chằng liên gai, ấn vào thấy đau nhói khi bị viêm, làm động tác ngửa cổ cũng thấy đau. Bệnh nhân thường có dấu hiệu thấp khớp nơi khác trên cơ thể hoặc có tiền căn thấp khớp trước đó. Có những trường hợp nặng hơn do tình trạng bán trật đốt sống cổ khi dây chằng bị yếu khiến ống sống bị chèn ép gây nên triệu chứng tê tay hoặc yếu liệt chi trên. Để điều trị có hiệu quả, cần cho bệnh nhân đặt nẹp cổ và dùng thuốc kháng viêm. Nếu có dấu hiệu bán trật khớp thì đặt áo nẹp Hallovest hoặc kéo tạ cổ để nắn chỉnh. Nếu không cải thiện, người bệnh được xem xét chỉ định mổ để giải phóng chèn ép tủy cổ.
Thoái hóa cột sống cổ
Đây là bệnh thường gặp ở người trên 40 tuổi. Có thể phát hiện các chồi xương hay sự biến dạng cột sống do lão hóa bằng phim X-quang thông thường. Đau nhức không phải là do các chồi xương tạo ra mà do các dây chằng, cơ bắp xung quanh bị viêm và suy yếu. Đĩa đệm đốt sống cũng có thể bị thoái hóa và xẹp lại, khiến cho các lỗ sống bị thu nhỏ, gây chèn ép các rễ thần kinh, làm cho đau nhức hay tê tay. Điều trị triệu chứng là chính, kèm theo các chế độ sinh hoạt, dùng thuốc và làm vật lý trị liệu để ngăn chặn sự lão hóa. Nếu ống sống bị hẹp thì xem xét chỉ định mổ để nới rộng và giải ép sau khi điều trị bảo tồn không thành công.
Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ (TVĐĐCSC)
TVĐĐCSC tương đối ít phổ biến và gặp nhiều hơn ở người dưới 40 tuổi, gây đau nhức cột sống cổ và tê dị cảm lan xuống tay, do khối đĩa đệm bị rách bao, chồi ra sau và chèn vào tủy sống hoặc rễ thần kinh ở lỗ sống. Với các khối thoát vị nhỏ thì có thể điều trị bằng thuốc kháng viêm, nẹp cổ và nghỉ ngơi. Nếu kích thước lớn và có biểu hiện chèn ép thần kinh, người bệnh có thể được chỉ định phẫu thuật (thường cho kết quả khả quan).
Chấn thương dây chằng
Những chấn thương vùng cổ nếu không được xử lý đúng ngay từ đầu có thể để lại di chứng đau nhức kéo dài, do dây chằng, bao khớp bị rách không được cố định để lành tốt, dẫn đến sẹo xấu, lỏng khớp, dây chằng yếu, giãn. Tình trạng viêm mãn tính sau chấn thương rất khó điều trị vì nó đòi hỏi sự kiên trì phối hợp giữa thầy thuốc và người bệnh. Cần xử lý thật tốt ngay khi bị chấn thương vùng cột sống cổ.
Đau cơ sợi (fibromyalgia)
Đó là một hội chứng được xác định bởi 3 dấu hiệu:
- Đau dây chằng cột sống cổ (kiểu thoái hóa cột sống cổ).
- Có những điểm ấn đau nhói.
- Rối loạn giấc ngủ.
Bệnh lý này được nêu lên sau khi các nguyên nhân khác đã được loại trừ hoặc việc điều trị thử không có kết quả. Cho đến giờ người ta vẫn chưa hiểu rõ về căn bệnh này. Có lẽ nó liên quan đến tâm lý thần kinh nên một số trường hợp có đáp ứng với thuốc chống trầm cảm. Trong bệnh sử thường có những yếu tố gây stress hay suy nhược thần kinh.
Bệnh lý ác tính
Đây là trường hợp ít gặp nhưng cần phải cảnh giác. Các khối u di căn có thể làm phá hủy các đốt sống cổ, từ đó gây đau nhức kéo dài ở vùng cổ - vai. Năm loại ung thư hay có di căn xương là ung thư phổi, vú, tiền liệt tuyến, thận và tuyến giáp.
Ngoài ra các bệnh lý nhiễm trùng như lao cột sống và viêm xương cũng làm xẹp đốt sống gây đau nhức, thường dễ phát hiện hơn với các biểu hiện lâm sàng (sốt, mệt, sưng đau), và cận lâm sàng (thử máu, chụp phim). Với các bệnh này, không được dừng lại ở các liệu pháp thông thường (thuốc giảm đau, kháng viêm, vật lý trị liệu) mà phải tập trung vào điều trị nguyên nhân.
BS. HUỲNH BÁ LĨNH (Bệnh viện chấn thương chỉnh hình TP.HCM)
  • Nguồn: Khoahocphothong.com.vn

No comments

Có Thể Bạn Chưa Xem

Tin Nóng

Powered by Blogger.