điều trị giãn tĩnh mạch chi


Sưng tĩnh mạch ở chân là gì?

Sưng tĩnh mạch ở chân là trường hợp những mạch máu ở chân bị sưng hoặc phình to bất thường nguyên nhân gây ra là do những van của tĩnh mạch bị hỏng. Sưng tĩnh mạch ở chân và tĩnh mạch mạng nhện được tìm thấy nhiều nhất ở phụ nữ (chiếm 35%) và nam giới ít hơn (25%) ở đô tuổi trên 20. Nhấp vào hình thu nhỏ dưới đây để xem ảnh lớn các ví dụ của sưng tĩnh mạch ở chân.

    Nguyên nhân gây ra sưng tĩnh mạch ở chân?

    Nguyên nhân gây ra sưng tĩnh mạch ở chân cho đến nay vẫn chưa hoàn toàn hiểu rõ. Vấn đề cơ bản được cho là do các van bị hỏng.Thông thường, các tĩnh mạch làm nhiệm vụ vận chuyển máu từ chân tới tim.Để thực hiện được điều này, các van chỉ được phép cho máu lưu thông theo 1 chiều. Trong trường hợp sưng tĩnh mạch ở chân, các van này bị hỏng. Khi chức năng của van đã hỏng, máu có xu hướng sẽ chảy ngược xuống, tạo nên những huyết khối ở chân gây ra chân bị phù nề sưng to.
    Người bị sưng tĩnh mạch ở chân thường là do yếu tố di truyền, các van tĩnh mạch bị yếu. Cũng có thể là do trong quá trình làm việc phải đứng nhiều hoặc do mang thai nhiều lần, gây thêm những áp lực cho các tĩnh mạch ở chân. Nó dẫn đến các tĩnh mạch bị giãn hoặc các van bị hỏng.

    Những triệu chứng của sưng tĩnh mạch ở chân?

    Những triệu chứng này được chia thành 3 nhóm:
    • Nhóm không có triệu chứng: Những bệnh nhân này thường không có triệu chứng gì ngoại trừ sự xuất hiện của những tĩnh mạch kém thẩm mỹ. Họ thường là những người hoạt động rất tích cực về thể chất và chính vì các cơ bắp hoạt động tích cực ở chân gây nên sự suy yếu của các chức năng của tĩnh mạch
    • Nhóm có triệu chứng nhẹ: Có triệu chứng đau và chuột rút ở chân, ngứa ở gần khu vực của các tĩnh mạch và mắt cá chân sưng lên. Các biểu hiện kể trên trở nên tệ hơn khi phải đứng nhiều trong thời gian dài.
    • Nhóm có các triệu chứng và biến chứng nghiêm trọng: Xuất hiện vết loét ở chân, chảy máu và viêm tắc tĩnh mạch.

    Làm cách nào để ngăn ngừa sưng tĩnh mạch ở chân?

    Có thể không phải lúc nào cũng đúng, tuy nhiên bằng việc thay đổi một ít trong lối sống của bạn có thể làm chậm quá trình phát triển cùa sưng tĩnh mạch ở chân.
    • Thường xuyên tập thể dục sẽ giúp cải thiện sự lưu thông máu và giúp các tĩnh mạch tốt hơn. Nên tập trung vào các bài tập thể dục dùng chân như đi bộ hoặc chạy bộ
    • Luôn theo dõi trọng lượng của cơ thể. Cơ thể béo phì đặt rất nhiều áp lực lên đôi chân của bạn, đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tĩnh mạch mạng nhện
    • Không nên bắt chéo chân khi ngồi
    • Nâng cao chân của bạn khi nghỉ ngơi hoặc ngủ
    • Cố gắng không nên ngồi hoặc đứng trong thời gian dài. Khi bạn phải ngồi trong một thời gian dài, đứng dậy và đi bộ một lúc.
    • Mang vớ đàn hồi hỗ trợ càng nhiều càng tốt
    • Tránh mặc quần áo chật và đi giày cao gót
    • Có chế độ ăn uống hợp lí, nhiều chất xơ và cắt giảm lượng muối.

    Có nên điều trị?

    Sưng tĩnh mạch ở chân không phải chỉ vấn đề về thẩm mỹ, nếu như không điều trị kịp thời nó có thể sẽ dẫn đến những đến những vấn đề liên quan đến y khoa. Có rất nhiều nguyên nhân tại sao bạn phải điều trị một khi bạn bị sưng tĩnh mạch ở chân.
    • Sự tiến triển bệnh: Sưng tĩnh mạch ở chân sẽ dần dần tiến triễn nặng thêm, nó sẽ không mất đi. Không có một loại kem hay thuốc nào có thể chữa dứt được. Mang vớ hoặc nâng cao chân chỉ giúp làm giảm các triệu chứng và làm chậm quá trình phát triển của bệnh. Tuy nhiên, những việc làm trên không thể giúp chữa được tĩnh mạch của bạn.
    • Đau và nhức: Sưng tĩnh mạch ở chân có thể ban đầu không có triệu chứng rõ rệt. Tuy nhiên một khi nó bắt đầu tiến triễn, bạn sẽ bắt đầu cảm thấy những khó chịu như đau nhức, chuột rút và mắt cá chân sưng lên.
    • Chân loét: Nếu bạn nhìn thấy những sắc tố thay đổi có màu xạm đi và sự xuất hiện của các tĩnh mạch mạng nhện xung quanh vùng mắt cá, điều đó cho thấy các tĩnh mạch mạng nhện đã tiến triễn sang giai đoạn nặng hơn và có khả năng sẽ tiếp tục phát triễn thành loét chân.
    • Phương pháp điều trị mới nhất, không xấm lấn: Trong 10 năm qua, việc điều trị sưng tĩnh mạch ở chân đã tiến bộ từ chỗ bạn phải trải qua ca phẫu thuật nghiêm trọng đến hiện tại bạn chỉ cần bước vào phòng khám, được gây tê tại chỗ và quá trình điều trị chỉ diễn ra 1-2 tiếng, sau đó bạn có thể tự đi bộ về nhà với không nhiều những vết sẹo
    • Bảo hiểm: Sưng tĩnh mạch ở chân là một bệnh lí, không phải chỉ đơn thuần là thẩm mỹ đẹp xấu. Chính vì vậy, nếu như bạn có mua bảo hiểm, thì chi phí điều trị thường sẽ được nhà bảo hiểm của bạn thanh toán.

    Những phương pháp điều trị?

    Cơ bản có 4 phương pháp điều trị khác nhau:
    • Phẫu thuật tước tĩnh mạch: Bằng cách gây mê cục bộ, một vài vết rạch được thực hiện để cô lập các tĩnh mạch và tòan bộ các tĩnh mạch này sẽ được kéo mạnh ra. Phương pháp này hiện này không còn phổ biến nữa vì nó được coi là rất xâm hại và mang tỷ lệ biến chứng đáng kể.
    • Liệu pháp xơ hóa sóng siêu âm hướng dẫn: Thay vì loại bỏ các tĩnh mạch, một bọt hóa chất mạnh sẽ được tiêm vào tĩnh mạch giãn để thử đóng nó lại. Phương pháp này có ưu điểm là ít tốn kém và không xâm lấn. Tuy nhiên nó đòi hỏi phải điều trị nhiều lần và tỉ lệt tái phát là rất cao.
    • Phương pháp giật: Được gây tê tại chỗ, các tĩnh mạch giãn được giật ra bằng những đường rạch nhỏ. Phương pháp này chỉ chữa được những tĩnh mạch dễ nhìn thấy và không thể giải quyết được các tĩnh mạch nằm sâu. Và chúng sẽ luôn tái phát trong vài tháng tới.
    • Kĩ thuật Laser Endovenous trong tĩnh mạch (EVLT): Chỉ với một lần điều trị, một dây laser nhỏ được đưa vào tĩnh mạch bằng Sóng hướng dẫn siêu âm. Xung laser được bắn co lại và đóng các tĩnh mạch giãn. Đây là điều trị tốt nhất cho các tĩnh mạch giãn, nó loại bỏ tất cả các tĩnh mạch mà không có bất kỳ phẫu thuật, gây mê hay nằm viện. Bệnh nhân có thể đi bộ ngay sau đó và không để lại sẹo một khi các vết kim nhỏ đã lành.
    • Kĩ thuật đóng kín VNUS: Phương pháp này tương tự như EVLT, ngoại trừ thay vì sử dụng dây laser, các tần số phóng xạ sẽ được sử dụng.
    -0-----------------------------


    điều trị giãn tĩnh mạch chi

    Tĩnh mạch phình to, xoắn, đau đớn ở chi dưới gây ảnh hưởng cho những người phải đi lại hoặc đứng trong thời gian dài trên đôi chân của mình. Tình trạng này được gọi là trướng (giãn) tĩnh mạch. Khi tĩnh mạch bị tổn thương thì biện pháp điều trị tốt nhất là tuốt bỏ đoạn tĩnh mạch đó. Loại bỏ một tĩnh mạch không đặt ra vấn đề gì về lâu dài, vì sẽ có nhiều tĩnh mạch khác đảm nhận tiếp công việc của tĩnh mạch đã bị tuốt bỏ.


    Rủi ro nào có thể xảy ra khi phẫu thuật?

    Như đối với bất kỳ cuộc phẫu thuật nào, tuốt bỏ tĩnh mạch cũng đi kèm với những rủi ro nhất định. Một số rủi ro có thể xảy ra là: bệnh nhân có thể bị xuất huyết nội hoặc nhiễm trùng; cục máu đông có thể hình thành và di chuyển vào phổi, gây khó thở do thuyên tắc phổi; tổn thương thần kinh cũng là một tai biến có thể xảy ra. Do đó việc chăm sóc tiền phẫu và hậu phẫu là hết sức quan trọng.

     Các van bị hư hại mất chức năng trong tĩnh mạch trướng. - Tĩnh mạch trướng ở chi dưới.
    Chăm sóc tiền phẫu thuật

    Một tuần trước khi phẫu thuật, nếu bệnh nhân đang uống aspirin và ibuprofen thì cần ngừng lại theo chỉ định của bác sĩ. Nếu bệnh nhân đang dùng insulin, thuốc điều trị bệnh đái tháo đường, thuốc huyết áp, thuốc tim mạch hay bất kỳ một loại thuốc khác, bệnh nhân cũng cần thông báo cho bác sĩ biết tình hình bệnh của mình để bác sĩ có những chỉ định phù hợp.

    Trước khi phẫu thuật, nếu thấy cần thiết bác sĩ có thể chỉ định cho bệnh nhân uống một viên thuốc ngủ, giúp bệnh nhân ngủ ngon. Trong một khoảng thời gian do bác sĩ quy định, bệnh nhân tuyệt đối không được ăn bất kỳ thứ gì trước khi phẫu thuật.


    Sau khi phẫu thuật


    Các vết mổ sẽ được băng kỹ lại để giữ sạch sẽ, ngăn ngừa nhiễm trùng. Điều dưỡng có thể mở băng để kiểm tra các vết khâu một thời gian ngắn sau phẫu thuật; bệnh nhân cần nghỉ tại giường cho đến khi bác sĩ cho phép đứng dậy. Bệnh nhân có thể cần sử dụng thêm ôxy qua mặt nạ hoặc qua ống sông mũi.

    Biện pháp thở sâu và ho: Các bài tập này giúp ngăn ngừa nhiễm trùng phổi sau khi phẫu thuật. Hít thở sâu sẽ mở rộng các khí, phế quản. Ho giúp tống xuất đờm từ phổi ra. Bệnh nhân nên hít thở sâu và ho mỗi giờ lúc tỉnh táo, kể cả những khi tỉnh táo vào ban đêm. Hãy hít thở sâu và ho liên tiếp 10 lần mỗi giờ lúc tỉnh táo. Nhớ kết hợp ho với mỗi lần hít thở sâu.


    Có thể chườm nước đá hoặc chườm nóng tuỳ thời điểm sau phẫu thuật cho bệnh nhân theo hướng dẫn của điều dưỡng.

    Vớ (tất) áp lực: Vớ đàn hồi ép chặt khiến máu không tụ lại ở chân để hình thành huyết khối.
    Ngoài ra, bạn cần kê bên chân phẫu thuật trên một cái gối sẽ giúp giảm sưng; khi bác sĩ cho phép, bệnh nhân có thể bắt đầu tập luyện chân theo hướng dẫn của thầy thuốc để phòng tránh hình thành cục máu đông. Mức độ luyện tập tùy thuộc vào sức khỏe của bệnh nhân.


    Lần đầu tiên bệnh nhân được cho phép  ra khỏi giường, cần có sự hỗ trợ của người khác. Nếu cảm thấy yếu mệt hay chóng mặt, nên ngồi hoặc nằm xuống ngay.


    Dùng thuốc


    Bệnh nhân cần được dùng kháng sinh để giúp ngăn ngừa nhiễm khuẩn. Kháng sinh có thể được tiêm tĩnh mạch hoặc dùng đường uống; để giảm đau sau phẫu thuật, bác sĩ có thể chỉ định các loại thuốc giảm đau qua đường tiêm hoặc thuốc uống. Nếu bệnh nhân không thấy bớt đau, cần báo ngay với bác sĩ. Bệnh nhân cũng có thể dùng thêm thuốc chống nôn làm êm dịu dạ dày và chống nôn. Có thể dùng kèm với các thuốc chống đau, kháng viêm để giảm thiểu tác hại của chúng trên dạ dày.

    Sau khi xuất viện, bệnh nhân vẫn phải tiếp tục uống thuốc chính xác theo chỉ dẫn của thầy thuốc. Nếu tình hình không cải thiện, báo ngay cho bác sĩ nhưng vẫn phải tiếp tục dùng thuốc cho đến khi có chỉ định khác. Vẫn tiếp tục uống kháng sinh theo đơn, ngay cả khi cảm thấy bệnh khá hơn và cần lưu ý đến các tác dụng phụ của thuốc để kịp thời thông báo với bác sĩ.
    Khi bệnh nhân được cho phép tắm, hãy lưu ý các mũi khâu với xà phòng và nước, phải thay băng ngay khi băng bị bẩn hoặc ướt.
    Tránh nâng vật nặng cho đến khi thầy thuốc cho phép.
    Mang vớ đàn hồi cao ngang đùi hoặc ngang đầu gối trong thời gian 3-4 tuần sau phẫu thuật.
    Sẽ là bình thường nếu cảm thấy có các vùng tê ở chân sau khi phẫu thuật. Hiện tượng này sẽ biến mất trong vòng một năm.
    Bệnh nhân có thể sẽ tái phát các tĩnh mạch trướng mới sau phẫu thuật, để ngăn chặn điều này, cần tránh mặc nịt vớ hoặc đai lưng quá chật; tránh ngồi hoặc đứng trong một thời gian lâu; nên thường xuyên nghỉ ngơi ở tư thế kê cao chân; không ngồi bắt chéo chân; nếu thừa cân cần phải giảm cân; mang vớ đàn hồi bất cứ lúc nào có thể. Nếu đeo vớ vào khi còn đang ở trong giường trước khi đứng dậy, hiệu quả sẽ cao hơn; kê chân giường cho bệnh nhân cao hơn 15 - 20cm để ngăn ngừa máu dồn xuống chân.
    Báo ngay cho bác sĩ nếu vết mổ sưng và đỏ hoặc có mủ, đây là những dấu hiệu nhiễm trùng; bung chỉ hoặc kẹp staples ở vết mổ; băng thấm đẫm máu; sốt; chân đau và sưng nhiều hơn.
    Khám cấp cứu ngay nếu đau ngực hoặc khó thở đột ngột (khả năng biến chứng thuyên tắc phổi).

                BS. Ngọc Khanh




    Phình tĩnh mạch


    Phình tĩnh mạch thường gặp ở các thầy cô giáo, người đứng bán hàng… có thể coi như một bệnh có tính xã hội vì có tới 20% số người ở tuổi trưởng thành bị bệnh này. Bệnh gây ra nhiều biến chứng.


    Đây là hiện tượng các tĩnh mạch nằm ở dưới da cẳng chân từ từ bị giãn rộng ra. Bệnh thường có tính di truyền. Thành các tĩnh mạch của người bệnh yếu hơn của người bình thường, dễ bị áp lực của máu làm phình ra, nhất là khi đứng. Lượng máu ở đoạn tĩnh mạch bị phình gây áp lực với các van của động mạch ngăn không cho máu chảy ngược làm các van này phải làm việc quá sức và càng làm cho tình trạng ứ đọng máu thêm bất lợi. Kết quả là các tĩnh mạch chân dần dần bị phình ra và còn có thể gây ra nhiều biến chứng khác sau này.


    Những biến chứng của bệnh


    Mới đầu, bệnh không gây phiền phức gì cho bệnh nhân, trừ vấn đề thẩm mỹ. Nhưng rồi sau một thời gian, chân người bệnh trở nên nặng nề, về cuối ngày, vùng mắt cá chân bị sưng lên rất khó chịu. Cần phải tới bác sĩ để được điều trị ngay bằng thuốc bổ tĩnh mạch. Đôi khi, cần phải giải phẫu cắt bỏ đoạn tĩnh mạch bị phình quá. Việc siêu âm giúp bác sĩ biết rõ hiện trạng các tĩnh mạch bị phình như thế nào và kiểm tra cả các tĩnh mạch ở sâu, rất có thể cũng đã bị ảnh hưởng. Da thường dễ bị ảnh hưởng nhất do không được máu nuôi dưỡng đầy đủ. Trên mắt cá chân xuất hiện những chấm hoặc những mảng màu sẫm rất khó phục hồi. Da bị teo đi, trở nên cứng, dày, đôi khi gây đau, khó chữa. Chứng eczema đi theo phình tĩnh mạch thường do da bị nhiễm trùng hoặc bị nấm ở biểu bì. 

    Việc gãi hoặc dùng các kem chống dị ứng không thích hợp có thể làm bệnh nặng thêm. Để chữa trị cần phải dùng thuốc theo sự hướng dẫn của bác sĩ. Bệnh viêm hạ bì ở sâu dưới da, phát triển nhanh do các mô tế bào bị bội nhiễm vì thiếu oxy. Chỗ bị viêm đỏ nóng và đau, cần phải được đặc trị bằng cách băng nén trong một thời gian, phối hợp với việc dùng thuốc chống viêm. Nếu không chữa trị kịp thời, bệnh có thể thành mãn tính dẫn tới bệnh loét da. Những biến chứng của bệnh phình tĩnh mạch đều cần phải chữa trị ngay từ đầu, để lâu mới chữa sẽ rất khó khỏi hẳn. Biến chứng loét da là hiện tượng đáng ngại nhất. Do bị va chạm mạnh hoặc có một khe nứt ở mảng da cứng, dày bị nhiễm trùng, điểm này sinh ra mủ và loét dần ra thành một vết rộng gây đau, chữa khó và lâu khỏi. 

    Việc điều trị cần nạo rửa vết loét, sát trùng và băng sạch. Điều trị khỏi hiện tượng phình tĩnh mạch thì vết loét cũng dễ khỏi theo. Đôi khi, phải tiến hành ghép da ở chỗ đã bị loét. Nghẽn tĩnh mạch cũng có thể là do hiện tượng phình tĩnh mạch tạo ra những cục huyết. Những đoạn tĩnh mạch nông dưới da bị tấy đỏ, gây đau nhức cần được chữa trị ngay. Chỗ tĩnh mạch bị phình ở mắt cá chân dễ bị va chạm và chảy nhiều máu, màu đen. Nạn nhân phải nằm xuống, giơ chân lên, dùng gạc sạch nén lên vết thương rồi băng chặt lại trước khi tới bác sĩ. Tùy trường hợp, bác sĩ có thể yêu cầu tiêm phòng uốn ván hoặc phẫu thuật cắt bỏ đoạn tĩnh mạch bị phình đi để sự việc này không tái diễn nữa. 

    Một số ít biến chứng có thể vẫn xảy ra sau khi cắt bỏ đoạn tĩnh mạch bị phình như: chân phù, bị tụ máu, đau nhức do những dây thần kinh ở xung quanh điểm tĩnh mạch đã cắt bỏ bị kích thích. Đôi khi, vết mổ bị chảy nước hoặc sẹo bị nhiễm trùng (hiếm thấy), những tĩnh mạch khác vẫn có khả năng bị phình. Biến chứng ở điểm tiêm thuốc vào chỗ da bị xơ cứng, làm chỗ tiêm bị đau do sinh ra huyết cục hoặc bị sưng tấy. Đôi khi, có một số tĩnh mạch bị phình trở lại, các mô bị nhiễm trùng, bị hoại thư, những trường hợp này rất ít khi xảy ra.


    Phương pháp phòng chống


    Cần chú ý phát hiện bệnh để điều trị càng sớm càng tốt và chống các hiện tượng sau:

    - Chống béo phì, chú ý tới số cân nặng của bản thân và ăn nhiều thực phẩm có chất xơ.

    - Không nên ngồi lâu một chỗ, nên tham gia đều các hoạt động như đi bộ, đạp xe, bơi lội. 

    - Tránh đứng lâu tại chỗ: để giảm bớt ảnh hưởng, nên mang tất (vớ) dài để bó chân và đặt gối ở cuối giường để kê chân (cao khoảng 8cm) khi nằm. 

    - Tránh nóng: tránh tắm hơi, tắm nước nóng, phơi nắng lâu, đi trên đất nóng, cát nóng (bãi biển khi nắng), cần mang giày. - Tránh mặc quần áo chật quá như quần jean, đi bốt. - Phụ nữ trong thời gian mang thai cần giữ để không tăng trọng lượng quá mức. Nếu chân đã nặng (vì bệnh) nên đi tất (vớ) thun.

     Ngay sau khi có triệu chứng bệnh, cần thực hiện các phương pháp điều trị như: đi tất thun, dùng các phương pháp làm lưu thông dòng bạch huyết, thuốc bổ tĩnh mạch. Những lời khuyên trên đây rất bổ ích cho tất cả mọi người, đặc biệt với những người có khả năng bị bệnh do di truyền hoặc đã có những triệu chứng bệnh ở chân.


    Bác sĩ Ngô Văn Quỹ- Trần Văn Thụ



    No comments

    Có Thể Bạn Chưa Xem

    Tin Nóng

    Powered by Blogger.